Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
Cũng như bao nhiêu đứa trẻ thời kỳ chiến tranh, tôi được nuôi nấng và dạy dỗ bởi hai người phụ nữ, là mẹ và bà nội. Cha tôi là một quân nhân, rày đây mai đó, cuốn hút theo cuộc chiến, rất ít khi ở nhà với vợ con. Từ phi trường Bình Thủy, Pleiku, Kon-Tum đến tận bờ sông Thạch Hãn ông đều có mặt. Tuổi thơ tôi không có hình bóng của cha: “dạy con đèn sách mẹ làm phụ thân”. Từ một nữ văn công ca múa Đồng Tháp thời kỳ Việt Minh, bà trở thành một người vợ, người mẹ, buôn bán tảo tần nuôi đàn con sáu đứa và phụng dưỡng cả mẹ chồng. Đôi lúc chạnh lòng, bà ngâm những bài ca dao một thời để ru con:
“Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,
“Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng,
“Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang,
“Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?
Lúc đó tôi thấy mẹ thật đẹp. Mà bà đẹp thật chớ không phải chỉ tôi thấy. Mũi cao, khuôn mặt sáng, thanh tú và có làn da trắng, mịn màng. Giọng ngâm bà đầm ấm, thong thả không trau chuốt nhưng tròn trịu lôi cuốn lòng người. Từ hình ảnh của bà, tôi sống và nhìn cuộc đời bằng trái tim nhiều hơn lý trí. Mẹ tôi không hề mắng chửi, đánh đập con cái, bà chỉ im lặng và nước mắt lưng tròng. Vậy mà chúng tôi sợ, rất sợ bà khi phạm lỗi. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt và sự im lặng của bà đến mãi bây giờ. Thương mẹ nhưng chừng như tôi thấy bà xa cách quá. Có lẽ bà ít nói và nếu có nói cũng ngắn ngủi, kiệm lời. Anh em tôi thường đùa, “nếu mẹ tiết kiệm tiền như tiết kiệm lời nói, thì chắc nhà mình giàu biết chừng nào”. Mẹ tôi làm ra tiền nhưng cũng xài ra tiền. Không chỉ cho các con mà còn người chung quanh, nhiều khi chẳng quen biết gì. Một người lạ qua đường gặp nạn, một gia đình cùng quê di tản nhận ra bà, mấy đứa trẻ cùng xóm cha mẹ đi làm ăn xa... bà móc ruột giúp hết, cho hết đến đồng bạc cuối cùng. Nhiều lúc túng quẩn, tiền lương quân nhân của cha tôi trang trải không quá mươi ngày nửa tháng, bà không hề than van, lộ sắc. Vẫn điềm tỉnh nói cười, dù hai ngày qua mẹ tôi chỉ ăn cơm với canh trà, nước mắm. Khác xa với nhà trên của nội, người hầu kẻ hạ, cơm thịt ê chề. Bà nội tôi lại là một người đàn bà khác, hoàn toàn khác với mẹ (sẽ nói đến sau). Cứ vậy mà tôi khôn lớn, ra khỏi trường làng, chợ huyện, trường tỉnh và lên tận Sài-gòn. Suốt đời tôi chưa hề được mẹ ôm vào lòng (như sách giáo khoa, truyện tiểu thuyết) hay ngọt ngào chăm sóc. Thỉnh thoảng bà chỉ kể tôi nghe quãng đời con gái trong khu 7, vùng quê hương Đồng Tháp. Năm gặp cha tôi, bà bị Bình Xuyên bắt đánh đập, tra khảo tưởng chết vì tình nghi là văn công “gián điệp” của Tây. Kết quả của nhiều chứng bệnh hậu mà bà cưu mang. Sau nầy gặp lại nhiều người trong nhóm đã bắt và đánh đập, bà không oán trách hay hé môi nhắc lại. Hơn nữa mẹ tôi còn giúp và tìm kiếm công ăn việc làm cho họ. Bà không dạy con bằng những bài học, những ngôn từ to lớn mà bằng đời sống, cư xử hằng ngày rất thường tình của bà. Tôi bị ảnh hưởng nặng nề điều này từ mẹ. Một đời tôi chúa ghét những “dao to búa lớn”, những thuật ngữ vay mượn từ “ông Tây bà Đầm” lạ quắt lạ quơ, cứ làm như không nói đến không đem ra trích dẫn thì không nói lên sự hiểu biết, bác học của mình. Tôi học được từ mẹ không chê bai, oán trách những người chung quanh mình, đồng bào mình. “Vì đơn giản họ chính là mình. Tội lỗi hay thói hư tật xấu của họ cũng chính là của mình. Hãy tha thứ và làm tốt chính mình thì tất cả sẽ cùng tốt hơn”, bà thường nói với chúng tôi như vậy. Hình như bà chỉ nói một hai lần trong đời, nhưng đã khắc sâu đậm trong mọi nhận thức của tôi. Mỗi lần tức giận, bị xúc phạm, chê bai hay buồn tủi điều gì là tôi thấy ngay đôi mắt và khuôn mặt lặng im của bà đăm đắm nhìn tôi. Tất cả chợt tan biến, như chẳng hề xảy ra.
Bà nội tôi là một người đàn bà nghiêm khắc và quyền lực. Là vợ thứ tư của ông Cả, nên trong làng gọi là bà Cả Út. Ruộng vườn mênh mông, luôn có ba bốn người ăn kẻ ở trong nhà, lúc bà mới ngoài hai mươi. Còn nhớ lúc nhỏ tôi rất sợ phải ngủ ở ngôi nhà trên của nội. Vừa rộng, phòng nầy nối phòng kia, bàn thờ giữa nhà, vừa âm u thiếu ánh sáng, tôi rất sợ ma! Mọi người gần như chỉ đi lại, ăn uống và sinh hoạt ở nhà dưới. Thời đó bà nội lại còn có cả ba đứa con trai: bác Hai, ba tôi và chú Sáu đều là sĩ quan của quân đội VNCH. Nhất là bác Hai, con trai lớn của nội, là đại tá trưởng ty an ninh quân đội của tỉnh nhà. Không như mẹ tôi, bà điều khiển, la mắng và quát tháo người chung quanh như một thói quen. Mẹ con tôi được bà cất một căn nhà phía sau vườn, sát cạnh bờ sông. Bà nội và mẹ tôi như mặt trăng và mặt trời. Cái này có là cái kia không. Nhật thực, nguyệt thực hết đời chỉ có đôi ba lần. Điều duy nhất hai người đàn bà có chung được là ca hát. Bà nội tôi rất mê hát bộ và cải lương. Vài tháng một lần, bà bao cả đoàn hát bộ hoặc cải lương về hát tại đình cho cả làng đến xem. Chỉ những dịp như vậy, con dâu mẹ chồng mới nhích lại gần nhau. Tôi không thích mẹ ca vọng cổ, mặc dầu giọng bà rất dày, hơi dài và rớt câu ngọt ngào. Nhưng mỗi khi như vậy, bà đều tham gia với đoàn hát. Và còn nhớ một lần, cô đào trong đoàn bị đau nặng, mẹ tôi đem về nhà nuôi dưỡng cả tháng trời.
Sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì cả tất cả thay đổi, nhà cửa, ruộng vườn đồ sộ của bên nội đều bị tịch thu. Con cháu không ai dám trở về làng thăm, chăm sóc bà. Sau 16 năm học tập cải tạo, bác Hai tôi là đứa con cuối cùng trở về, là lúc bà nội tôi xuôi tay nhắm mắt. Mẹ tôi nói, bà nội đã chờ đợi để thấy được mặt đứa con trai lớn của mình như một phép lạ. Suốt trong thời gian đó, những người ăn kẻ ở của nội trước kia, đều quyền cao chức trọng. Họ đến “thăm viếng” nội, buông lời nhớ ơn thương cảm, bà im lặng quay mặt không nhìn. Mẹ nói, “cái tôi” của nội lớn hơn cái đình làng và hơn cái chết. Đây cũng là điều hiếm hoi giống nhau của mẹ tôi và nội. Cả hai đều có cái tôi rất lớn. Nội mất, tôi đã vượt biên và định cư tại Mỹ. Mẹ tôi kể lại, nội ra đi thư thả như không còn gì bịn rịn, luyến tiếc đời nầy. Nội đã trải qua tất cả, vinh có nhục có, hạnh phước khổ đau, giàu sang hèn thấp, đều qua cả. Nội còn trối, gia đình tôi không cần về chịu tang, thương tưởng bà là đủ.
Mẹ tôi cũng vậy, “cái tôi” của bà không nhỏ. Gia đình đói khổ, cha tôi cũng lại “vắng nhà”. Bà con, bè bạn của bà thuở xưa tìm gặp, ghé thăm muốn “ra tay” giúp đỡ. Không như nội, quay mặt không nhìn, mẹ tôi tươi cười nhưng trong lời nói rất lạnh lùng cám ơn! Đồ đạc, thực phẩm họ đem lại giúp đỡ, bà đem chia đều cho người hàng xóm! Anh em tôi tiếc của, nuốt nước miếng nhưng rất hãnh diện vì mẹ. Hai năm trước, em rễ của tôi, bác sĩ Hòa đã qua rước bà về chữa bệnh ở Việt Nam. Hòa hiện là trưởng khoa huyết ở bệnh viện Từ Dũ. Mẹ tôi không muốn chữa bệnh và chết ở Mỹ. Mặc dù bà biết rất rõ, nền y tế ở đây rất hiện đại và tiện nghi vô cùng. Mẹ nói, bà muốn nằm bệnh và có chết cũng là người mình, tiếng nói của mình chung quanh. Tôi biết “cái tôi” của mẹ lớn hơn cái chết!
*** *** ***
Viết những dòng chữ này khi bà xã nhắc nhở tôi, “Thứ Bảy cuối tuần, mình sẽ đi dự Lễ Vu Lan ờ chùa Vạn Hạnh”. Bây giờ sống trên “đất khách quê người”, chúng ta lại có đến hai lần Lễ Mẹ: Moday’s Day và Vu Lan. Hai lần Lễ Mẹ, để tôi nhớ về hai người phụ nữ quý báu nhất đời mình. Về hai người mẹ. Hai người mẹ của hai thế hệ, hai thời đại đã và đang thoáng chốc trôi qua. Đất nước tôi, quê hương tôi như chợt xa chợt gần, chợt nhớ chợt quên, từ mọi vùng đất quê xa trên cùng khắp địa cầu. Nhưng một điều tôi biết chắc chắn, là dù ở đâu, trong bất cứ cuộc đời nào, bất cứ tâm cảnh nào, mỗi con người chúng ta đều thiết tha thương tưởng một người – người mẹ!
(mùa Lễ Vu Lan, 2018)
NNH
Cũng như bao nhiêu đứa trẻ thời kỳ chiến tranh, tôi được nuôi nấng và dạy dỗ bởi hai người phụ nữ, là mẹ và bà nội. Cha tôi là một quân nhân, rày đây mai đó, cuốn hút theo cuộc chiến, rất ít khi ở nhà với vợ con. Từ phi trường Bình Thủy, Pleiku, Kon-Tum đến tận bờ sông Thạch Hãn ông đều có mặt. Tuổi thơ tôi không có hình bóng của cha: “dạy con đèn sách mẹ làm phụ thân”. Từ một nữ văn công ca múa Đồng Tháp thời kỳ Việt Minh, bà trở thành một người vợ, người mẹ, buôn bán tảo tần nuôi đàn con sáu đứa và phụng dưỡng cả mẹ chồng. Đôi lúc chạnh lòng, bà ngâm những bài ca dao một thời để ru con:
“Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy,
“Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng,
“Ai về Mỹ Thuận, Tiền Giang,
“Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa?
Lúc đó tôi thấy mẹ thật đẹp. Mà bà đẹp thật chớ không phải chỉ tôi thấy. Mũi cao, khuôn mặt sáng, thanh tú và có làn da trắng, mịn màng. Giọng ngâm bà đầm ấm, thong thả không trau chuốt nhưng tròn trịu lôi cuốn lòng người. Từ hình ảnh của bà, tôi sống và nhìn cuộc đời bằng trái tim nhiều hơn lý trí. Mẹ tôi không hề mắng chửi, đánh đập con cái, bà chỉ im lặng và nước mắt lưng tròng. Vậy mà chúng tôi sợ, rất sợ bà khi phạm lỗi. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt và sự im lặng của bà đến mãi bây giờ. Thương mẹ nhưng chừng như tôi thấy bà xa cách quá. Có lẽ bà ít nói và nếu có nói cũng ngắn ngủi, kiệm lời. Anh em tôi thường đùa, “nếu mẹ tiết kiệm tiền như tiết kiệm lời nói, thì chắc nhà mình giàu biết chừng nào”. Mẹ tôi làm ra tiền nhưng cũng xài ra tiền. Không chỉ cho các con mà còn người chung quanh, nhiều khi chẳng quen biết gì. Một người lạ qua đường gặp nạn, một gia đình cùng quê di tản nhận ra bà, mấy đứa trẻ cùng xóm cha mẹ đi làm ăn xa... bà móc ruột giúp hết, cho hết đến đồng bạc cuối cùng. Nhiều lúc túng quẩn, tiền lương quân nhân của cha tôi trang trải không quá mươi ngày nửa tháng, bà không hề than van, lộ sắc. Vẫn điềm tỉnh nói cười, dù hai ngày qua mẹ tôi chỉ ăn cơm với canh trà, nước mắm. Khác xa với nhà trên của nội, người hầu kẻ hạ, cơm thịt ê chề. Bà nội tôi lại là một người đàn bà khác, hoàn toàn khác với mẹ (sẽ nói đến sau). Cứ vậy mà tôi khôn lớn, ra khỏi trường làng, chợ huyện, trường tỉnh và lên tận Sài-gòn. Suốt đời tôi chưa hề được mẹ ôm vào lòng (như sách giáo khoa, truyện tiểu thuyết) hay ngọt ngào chăm sóc. Thỉnh thoảng bà chỉ kể tôi nghe quãng đời con gái trong khu 7, vùng quê hương Đồng Tháp. Năm gặp cha tôi, bà bị Bình Xuyên bắt đánh đập, tra khảo tưởng chết vì tình nghi là văn công “gián điệp” của Tây. Kết quả của nhiều chứng bệnh hậu mà bà cưu mang. Sau nầy gặp lại nhiều người trong nhóm đã bắt và đánh đập, bà không oán trách hay hé môi nhắc lại. Hơn nữa mẹ tôi còn giúp và tìm kiếm công ăn việc làm cho họ. Bà không dạy con bằng những bài học, những ngôn từ to lớn mà bằng đời sống, cư xử hằng ngày rất thường tình của bà. Tôi bị ảnh hưởng nặng nề điều này từ mẹ. Một đời tôi chúa ghét những “dao to búa lớn”, những thuật ngữ vay mượn từ “ông Tây bà Đầm” lạ quắt lạ quơ, cứ làm như không nói đến không đem ra trích dẫn thì không nói lên sự hiểu biết, bác học của mình. Tôi học được từ mẹ không chê bai, oán trách những người chung quanh mình, đồng bào mình. “Vì đơn giản họ chính là mình. Tội lỗi hay thói hư tật xấu của họ cũng chính là của mình. Hãy tha thứ và làm tốt chính mình thì tất cả sẽ cùng tốt hơn”, bà thường nói với chúng tôi như vậy. Hình như bà chỉ nói một hai lần trong đời, nhưng đã khắc sâu đậm trong mọi nhận thức của tôi. Mỗi lần tức giận, bị xúc phạm, chê bai hay buồn tủi điều gì là tôi thấy ngay đôi mắt và khuôn mặt lặng im của bà đăm đắm nhìn tôi. Tất cả chợt tan biến, như chẳng hề xảy ra.
Bà nội tôi là một người đàn bà nghiêm khắc và quyền lực. Là vợ thứ tư của ông Cả, nên trong làng gọi là bà Cả Út. Ruộng vườn mênh mông, luôn có ba bốn người ăn kẻ ở trong nhà, lúc bà mới ngoài hai mươi. Còn nhớ lúc nhỏ tôi rất sợ phải ngủ ở ngôi nhà trên của nội. Vừa rộng, phòng nầy nối phòng kia, bàn thờ giữa nhà, vừa âm u thiếu ánh sáng, tôi rất sợ ma! Mọi người gần như chỉ đi lại, ăn uống và sinh hoạt ở nhà dưới. Thời đó bà nội lại còn có cả ba đứa con trai: bác Hai, ba tôi và chú Sáu đều là sĩ quan của quân đội VNCH. Nhất là bác Hai, con trai lớn của nội, là đại tá trưởng ty an ninh quân đội của tỉnh nhà. Không như mẹ tôi, bà điều khiển, la mắng và quát tháo người chung quanh như một thói quen. Mẹ con tôi được bà cất một căn nhà phía sau vườn, sát cạnh bờ sông. Bà nội và mẹ tôi như mặt trăng và mặt trời. Cái này có là cái kia không. Nhật thực, nguyệt thực hết đời chỉ có đôi ba lần. Điều duy nhất hai người đàn bà có chung được là ca hát. Bà nội tôi rất mê hát bộ và cải lương. Vài tháng một lần, bà bao cả đoàn hát bộ hoặc cải lương về hát tại đình cho cả làng đến xem. Chỉ những dịp như vậy, con dâu mẹ chồng mới nhích lại gần nhau. Tôi không thích mẹ ca vọng cổ, mặc dầu giọng bà rất dày, hơi dài và rớt câu ngọt ngào. Nhưng mỗi khi như vậy, bà đều tham gia với đoàn hát. Và còn nhớ một lần, cô đào trong đoàn bị đau nặng, mẹ tôi đem về nhà nuôi dưỡng cả tháng trời.
Sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì cả tất cả thay đổi, nhà cửa, ruộng vườn đồ sộ của bên nội đều bị tịch thu. Con cháu không ai dám trở về làng thăm, chăm sóc bà. Sau 16 năm học tập cải tạo, bác Hai tôi là đứa con cuối cùng trở về, là lúc bà nội tôi xuôi tay nhắm mắt. Mẹ tôi nói, bà nội đã chờ đợi để thấy được mặt đứa con trai lớn của mình như một phép lạ. Suốt trong thời gian đó, những người ăn kẻ ở của nội trước kia, đều quyền cao chức trọng. Họ đến “thăm viếng” nội, buông lời nhớ ơn thương cảm, bà im lặng quay mặt không nhìn. Mẹ nói, “cái tôi” của nội lớn hơn cái đình làng và hơn cái chết. Đây cũng là điều hiếm hoi giống nhau của mẹ tôi và nội. Cả hai đều có cái tôi rất lớn. Nội mất, tôi đã vượt biên và định cư tại Mỹ. Mẹ tôi kể lại, nội ra đi thư thả như không còn gì bịn rịn, luyến tiếc đời nầy. Nội đã trải qua tất cả, vinh có nhục có, hạnh phước khổ đau, giàu sang hèn thấp, đều qua cả. Nội còn trối, gia đình tôi không cần về chịu tang, thương tưởng bà là đủ.
Mẹ tôi cũng vậy, “cái tôi” của bà không nhỏ. Gia đình đói khổ, cha tôi cũng lại “vắng nhà”. Bà con, bè bạn của bà thuở xưa tìm gặp, ghé thăm muốn “ra tay” giúp đỡ. Không như nội, quay mặt không nhìn, mẹ tôi tươi cười nhưng trong lời nói rất lạnh lùng cám ơn! Đồ đạc, thực phẩm họ đem lại giúp đỡ, bà đem chia đều cho người hàng xóm! Anh em tôi tiếc của, nuốt nước miếng nhưng rất hãnh diện vì mẹ. Hai năm trước, em rễ của tôi, bác sĩ Hòa đã qua rước bà về chữa bệnh ở Việt Nam. Hòa hiện là trưởng khoa huyết ở bệnh viện Từ Dũ. Mẹ tôi không muốn chữa bệnh và chết ở Mỹ. Mặc dù bà biết rất rõ, nền y tế ở đây rất hiện đại và tiện nghi vô cùng. Mẹ nói, bà muốn nằm bệnh và có chết cũng là người mình, tiếng nói của mình chung quanh. Tôi biết “cái tôi” của mẹ lớn hơn cái chết!
*** *** ***
Viết những dòng chữ này khi bà xã nhắc nhở tôi, “Thứ Bảy cuối tuần, mình sẽ đi dự Lễ Vu Lan ờ chùa Vạn Hạnh”. Bây giờ sống trên “đất khách quê người”, chúng ta lại có đến hai lần Lễ Mẹ: Moday’s Day và Vu Lan. Hai lần Lễ Mẹ, để tôi nhớ về hai người phụ nữ quý báu nhất đời mình. Về hai người mẹ. Hai người mẹ của hai thế hệ, hai thời đại đã và đang thoáng chốc trôi qua. Đất nước tôi, quê hương tôi như chợt xa chợt gần, chợt nhớ chợt quên, từ mọi vùng đất quê xa trên cùng khắp địa cầu. Nhưng một điều tôi biết chắc chắn, là dù ở đâu, trong bất cứ cuộc đời nào, bất cứ tâm cảnh nào, mỗi con người chúng ta đều thiết tha thương tưởng một người – người mẹ!
(mùa Lễ Vu Lan, 2018)
NNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét