Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Xuôi Dòng Ký Ức

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 


Thầy Vũ Học Hai & Hoa Trần
Không dự được HNLT Kiên Giang 2019, tôi nhờ Hoa Trần nhắn lời thăm hỏi và chụp ảnh anh Vũ Học Hải và La Tùng Sơn. Chiều ngày 13 tháng 7, Hoa Trần đã gửi cho tôi bức ảnh chụp chung với anh Vũ Học Hải trong buổi picnic. Và Hoa cũng báo cho hay La Tùng Sơn không tham dự được vào giờ cuối. Vậy là tôi không có cơ hội nhìn lại “dung nhan” của La Tùng Sơn sau 15 năm xa cách. Giữa mùa hè năm 2004, vợ chồng La Tùng Sơn và cô con gái út có ghé thăm gia đình tôi tại North Carolina. Đời sống công nghiệp hiện đại thu ngắn khoảng cách của không gian, nhưng chừng như mỗi một khoảnh khắc của thời gian lại xa và rộng lớn hơn nhiều. Loáng thoáng là 40 mươi năm, mới gặp là đã 15 năm trước mặt.
Bức ảnh hai “thầy trò” Vũ Học Hải và Hoa Trần thật đẹp, phong độ. Anh V.H. Hải cũng không có gì thay đổi nhiều so với bao nếp thời gian. Riêng Hoa Trần, người điều hành trang nhà THKT, thì hình ảnh lúc nào cũng đầy năng lực, vui tươi. Nhớ cuối năm 2015, tôi đã chuẩn bị, hẹn hò hết cho chuyến đi thăm viếng nam California thì lại bị trục trặc phải hủy vào giờ chót. Nên tôi và Hoa vẫn chưa có dịp “diện kiến”, mặc dù thầy trò đã “qua lại” với nhau trên THKT suốt mấy năm nay..! Tôi luôn theo dõi và quý mến Hoa Trần, những gì đã và đang làm cho trang Blog THKT. (Nay thì cũng phải nhắc đến Kim Ba, nơi quê nhà mang lại những khung thơ dễ thương, thật đẹp). Hẹn một ngày không xa, mình sẽ gặp nhau, chắc chắn như vậy Hoa nhé!

Bốn mươi năm về trước, anh Vũ Học Hải dạy anh văn và La Tùng Sơn dạy toán. Anh Hải với tôi thì cùng tổ chuyên môn, còn La Tùng Sơn thì gần gũi nhau qua những buổi tổ chức văn nghệ của trường. Là một tay guitar tuyệt vời, Sơn chơi được cả nhạc Việt, nhạc hiện đại và cổ điển. Mọi chuyện cứ như mới hôm qua... Lúc bấy giờ chương trình của “trường học mới” có thêm giờ lao động ngoài trời cho cả học sinh và thầy cô giáo. Ngoài là một người thầy giáo dạy giỏi môn Anh ngữ, thầy Hải còn là người rất năng động, tháo vát và có tài tổ chức sinh hoạt ngoài trời rất tốt. Nên khi có chương trình lao động thầy Hải được “bầu” làm trưởng ban lao động của trường trong suốt thời gian anh dạy tại cấp 3 Rạch Sỏi. Và ngược lại, theo tin hành lang của cấp thứ ba (nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…), tôi được bầu làm trưởng “biếng” lao động toàn trường! Chắc cũng không phải oan uổng gì, hai lần “kỷ niệm” lao động lớn nhất của trường: làm ruộng ở Sua Đũa và ngăn mặn ở Vàm Răng, tôi đều không tham dự. Dĩ nhiên mọi việc đều có lý do của nó, nhưng nói chung nhìn từ phía bên ngoài, thầy H. làm “biếng” lao động nhất trường. Khi nghe, tôi chỉ biết cười trừ mà thôi. 


Ngôi trường cấp 3 Rạch Sỏi vào những năm 1979 rất xinh xắn và lãng mạn cũng nhờ vào một tay của thầy Hải. Chương trình lao động “đào ao” của anh đã tạo con đường dẫn vào trường bên hai hàng hoa bạch đàn trắng, là hai chiếc ao với những cụm hoa súng màu hồng tím thẵm dọc đôi bờ. Những buổi chiều mưa, ngồi dưới hiên trường nhìn hai chiếc ao lung linh bông súng màu hồng tím đẹp vô cùng. Hay những buổi chiều sau giờ lao động, đám học trò ra bờ ao rửa chân tay, trước những hình ảnh này tôi thường nhắc nhỡ các em:

        “Có rửa thì rửa chân tay
“Chớ rửa chân mày chết cá ao… thầy!

Câu nói vẫn thoang thoáng đâu đây, mà nay đã vời vợi quá khứ… Ngoài giá trị thẩm mỹ, những cọng bông súng còn là những dĩa gỏi trộn dấm chấm cá nục kho khô hay tô canh chua bông súng cá rô thật ngon cho buổi ăn chiều. Lần ghé thăm trường năm 2011 thì tất cả không còn nữa. Trường mang tên khác, Nguyễn Hùng Sơn, xây lại khang trang cao đến ba bốn tầng lầu. Hai chiếc ao trồng bông súng xinh đẹp ngày nào chỉ còn trong “huyền thoại”. Suốt mấy chục năm sống xứ người, mỗi lần đi đâu hay nhìn thấy hình ảnh những ao bông súng là tôi nhớ đến ngôi trường nhỏ, nhớ đến những ngày tháng thầy trò cùng nhau đào hai chiếc ao và nhớ anh Vũ Học Hải vô cùng. Nhớ dáng anh chạy tới chạy lui, phân công các lớp và tiếng nói lớn giọng của anh đôn đốc, hướng dẫn cả trường đào sao cho ao được sâu, ao được thẳng bờ.     
  
Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn 

“Mà đời không ngại đào mấy con kênh 
“Ðắp hồ xây đập, ta đưa dòng nước ngọt 
“Để dòng mương nhỏ tắm mát quanh năm 
“Ruộng đồng ta thoả mơ uớc bao ngàn năm… (*) 

Tiếng hát trầm ấm của Lý Hữu Di hòa vào giọng trong trẻo, vút cao của Lâm Thị Thanh Sơn lan tỏa, chiếm ngự khoảng sân trường nhỏ. Tiếng đàn của thầy La Tùng Sơn như trải chiếc thảm nhung cho đôi song ca tuyệt vời của trường cấp 3 Rạch Sỏi. Đêm văn nghệ ngoài trời bên ánh lửa bập bùng như làm ấm lại hơi người đêm cuối năm. Hình ảnh của La Tùng Sơn ôm đàn và chung quanh là tiếng hát của Tuyết Ánh, Hữu Di, Thanh Sơn, Kỳ Nghiêm… vẫn luôn sống mãi trong tôi cho dù gió bụi thời gian đang phủ lấp dần đời người hữu hạn. Dáng cao gầy của La Tùng Sơn cũng theo năm tháng dần thoáng hoặc. Bạn tôi ngày nay vẫn cao nhưng trắng trẻo và có da có thịt hơn, đã bao nhiêu thay đổi đời người trước mặt. Có điều tóc bạn La Tùng Sơn vẫn đen màu thanh xuân, không như trắng bạc mái đầu xuôi dòng thời gian của tôi.  Mỗi người mỗi nơi, mỗi cuộc đời mỗi số phận nhưng trong ký ức sâu thẵm, tôi nghĩ chúng ta vẫn còn đó bao hình ảnh, bao kỷ niệm tươi đẹp, khó quên.
Như bao nhiêu điều tuyệt vời của đời này, bạn không thể thấy được bằng mắt thường. Xin bạn hãy nhắm đôi mắt mình, và hãy để lòng chìm sâu vào ký ức. Bạn đang thấy điều gì ở cuối chân mây..? 

Thân mến, 
Nguyễn Ngọc Hoàng


(*) Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ - Nguyễn Văn Tý



3 nhận xét:

  1. Rất bất ngờ gặp được bài viết của bạn - rất thú vị. Mình là bạn của La Tùng Sơn, lâu lắm rồi không có tin tức gì của Sơn. Bạn có hình ảnh gì của Sơn gần đây không? Vậy mà đã hơn 45 năm... không gặp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi anh Bình,
      Em Hoa Trần chỉ biết Thầy Sơn ờ Washington State. Thầy ò một website nhạc. Anh có thể vào xem thử "https://www.linkedin.com/in/la-tung-son-120a529". Em có hỏi giùm anh và tìm được đia chỉ email của Thầy La Tùng Sơn "tsonla@yahoo.com". Đia chỉ email nầy rất cũ cũng không biết còn sử dụng được nữa hay không?

      Xóa
  2. Cảm ơn Hoa Tran đã trả lời (và cũng xin lỗi vì mình hồi đáp trễ quá!!). Trước đây anh Sơn có một site về độc tấu guitar (http://ltsguitar.com), nhưng site đó đã không còn nữa. Địa chỉ mail của anh Sơn cũng không thấy hồi đáp nhiều năm nay rồi (Địa chỉ ấy vẫn hoạt động vì Yahoo mail không thông báo reject với các mail mình gởi tới!). Trước kia mình biết anh ấy ở Seattle nhưng bây giờ thì chịu. Nhiều khi mình rất nhớ tiếng đàn của Sơn.

    Trả lờiXóa