Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Bóng Mát Cuộc Đời

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng 


Hình Toàn & Thu Hương ( Hương Bóng Mát)
"Người yêu hỡi! Người yêu hỡi! Dấu cũ chân chim bơ vơ một mình
"Người yêu hỡi! Người yêu hỡi! Tiếng hát xanh xao đưa tôi vào tối,
"với mắt sao êm chân không lạc lối,
"bởi thương tôi, bởi thương em, bởi yêu em, nên ghét hận thù  (*)
Đã rất lâu, lâu lắm rồi tôi mới nghe nhắc đến tên bài hát "Bóng Mát". Cũng mong rằng đây chính là ca khúc "Bóng Mát" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, mà tôi yêu thích một thời trong sân trường đại học Vạn Hạnh. Với tiếng vời vợi, ngọt thầm của người ca sĩ đất thần kinh Hà Thanh, gần như được phát thường xuyên trên các đài phát thanh thập niên 70. Những ngày tháng ngột ngạt của đạn bom, của mọi sụp đổ niềm tin vào cuộc sống, của những đêm không ngủ, bên ánh lửa bập bùng như cố thấp lên bao ước mơ tuổi trẻ...
Trong bài viết này, tôi không muốn nói đến một thời đã trôi xa, thật sự trôi xa... Tôi muốn nói đến một loạt bài viết của Hình Toàn (HT) về một người bạn, về một người được nhắc đến với bài hát năm nào: "Duyên Tình... Muộn", "Hạnh Phúc Muộn Màng", "Bạn Tôi" và "Mộng...?". Có lẽ Hình Toàn cũng là một trong số ít người viết "văn xuôi" trên trang nhà THKT. Thật tình mà nói, trên Blog thơ và nhạc chiếm phần ưu thế hơn - nhất là nhạc. Ngắn gọn, cô đọng không cần phải chiếm nhiều thời gian và "thị lực" của người đọc để thưởng thức. Sau một thời gian vắng bóng, HT trở lại với những câu chuyện "đời thường", món ăn dân dã quê nhà hay vài mẫu "tin nóng" của nước Mỹ. Rồi bất chợt HT viết một loạt bài bốn tập với hình ảnh và cuộc đời của người bạn thời trung học của mình: Thu Hương. Câu chuyện "người thật việc thật" gây cho tôi sự chú ý ngay từ bài đầu tiên. Có quá nhiều "ước lệ", cứ thu thì lá vàng hoa cúc, học trò thì áo trắng hẹn hò, tình đầu thì lỡ làng hoa tím... na ná giống nhau, mùa nào cũng có! Người thật, đời thường mới chính là thơ ca, văn viết cần hướng tới. Cũng như khi nghe một ca khúc, dù có hay đến đâu, nhưng xa lạ, chẳng đánh dấu, khơi lại trong ta một kỷ niệm, một ký ức khó quên có thật trong dĩ vãng thì cũng khó "lấy được lòng" người nghe..!

Hình ành Giếng Cây Trâm - Rạch Sỏi
Qua bài viết chân tình "mộc mạc" của HT  tôi chợt thấy gần gũi, như chợt bắt gặp đâu đó câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện ngoài đời. Có khác là câu chuyện một người bạn thời trung học, một hoc trò xưa Nguyễn Trung Trực mà không chừng tôi "đã từng" lướt qua bất chợt một lần ở Rạch Giá? Câu chuyện số phận đời người, cuốn hút theo từng giai đoạn nổi trôi của đất nước, quê hương. Kể cả tôi, những buổi lên lớp đầu óc "lơ mơ"; những buổi chiều lang thang dọc giếng Cây Trâm, làm sao biết được rằng 40 năm sau đời mình sẽ về đâu, ra sao?
 
Để rồi mỗi người có số phận riêng, kẻ ra đi người ở lại và bao nhiêu kiếp đời nằm sâu trong
lòng biển rộng, trong lòng đất lạ trên bước đường "vượt thoát". Cho dù vật vã bao nhiêu, đớn đau ngần nào, năm tháng cứ lạnh lùng trôi qua không trở lại. Người ở lại có nỗi khốn khó chung, kẻ ra đi cũng đối đầu nhiều nghịch cảnh khác. Không có mẫu số chung cho định mệnh. Câu chuyện Văn Đông - Thu Hương của HT, có những khác biệt riêng và cũng có những điểm chung trong vòng xoay của duyên phận đời người.

  Điều làm tôi chú ý, có nhiều thi vị là tên gọi thuở học trò của người bạn HT, liên quan đến một bài hát: Hương Bóng Mát. Cô học trò Thu Hương đã để lại biệt danh sau lần cất tiếng hát (hình như đoạt cả giải thưởng) với ca khúc Bóng Mát - tôi đoán là bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ:

"Người yêu hỡi! Người yêu hỡi! Mỏi cánh chim xanh rung chân ngựa hồng
"Người yêu hỡi! Người yêu hỡi! Hãy đến bên tôi, bên tôi lần cuối,
"nước mắt em ngon thơm như dòng suối,
"hãy thương tôi, hãy yêu tôi, hãy cho tôi bóng mát cuộc đời  (*)

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
Tôi biết đến cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào những năm 1973 - 1974, khi ông giảng dạy và phụ trách phòng âm nhạc của đại học Vạn Hạnh. "Bông Hồng Cài Áo", "Trăng Tàn Trên Hè Phố", "Những Ngày Xưa Thân Ái", "Thư Về Em Gái Thành Đô", "Thương Quá Việt Nam", "Hoa Vẫn Nở Trên Đường Quê Hương",... là những bài hát tiêu biểu trong gia tài âm nhạc của Phạm Thế Mỹ. Tôi nhiều lần đến phòng âm nhạc của ông, theo chân cô bạn gái trong đoàn văn nghê sinh viên liên trường, để được thấy ông tập dượt tận tình và nghe ông hát. Giọng ông trầm ấm mang âm hưởng sâu đậm của miền đất Qui Nhơn, Bình Định: nghe một lần khó có thể quên. Tôi còn nhớ những năm tháng đó, có một tiếng hát được giới sinh viên học sinh yêu thích và đặc biệt là hát nhạc của Phạm Thế Mỹ, là ca sĩ Đăng Lan (với bài hát để đời "Thương Quá Việt Nam").
 Trở lại cuộc đời người bạn "Hương Bóng Mát" của HT, thì được biết thêm cô đang lâm
bệnh. Tuy không "tiết lộ" gì hơn, nhưng chừng như HT viết loạt bài này để khuyến khích, an ủi và "động viên" tinh thần của bạn mình trong những ngày tháng khó khăn này. Lại đúng vào thời kỳ cả nước Mỹ đang trong cơn đại dịch Covid-19, nên khó khăn sẽ càng khó khăn hơn! Mà bệnh hoạn thì không thể hẹn ngày hẹn giờ, chỉ mong anh chị Văn Đông - Thu Hương sẽ vượt qua cơn hoạn nạn thường tình. Là người đã từng đứng trước cửa thứ 4 vài năm trước đây, vì bị tấn công bởi một con siêu-vi-khuẩn "lãng nhách", tôi ít nhiều có những trải nghiệm về cơn trọng bệnh và cái chết. Thật gần, thật dễ chỉ cách một hơi thở, một chớp mắt nhưng cũng không phải dễ dàng gì cho mỗi số mệnh đời người. Làm tất cả những gì mình có thể và thuận theo lẽ tự nhiên, đó có lẽ là điều tôi chiêm nghiệm ra được sau lần "thập tử nhất sinh". 
Đọc được bài viết của HT là duyên, biết đến tên nhau là duyên. Thôi thì xin mạn phép gửi đến anh chị Văn Đông - Hương Bóng Mát và toàn thể thân hữu của trang nhà THKT, một trong lời bài hát từ tấm lòng của tôi: 
"Hãy thương tôi, hãy yêu tôi, hãy cho tôi bóng mát cuộc đời... "  (*)

Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
 (*) Bóng Mát - Phạm Thế Mỹ







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét