Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Tản Mạn Đời Thường - Kỳ 12

Cơn Bão Đời
Tản mạn của Thanh Hà 


1/-

Bức họa về hình ảnh người chồng bất lực
nhìn cảnh vợ bị nước cuốn trôi. (Ành FB Người Đá)
Mấy ngày nay tôi đọc thông tin về trận lũ lụt ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… trên online, nhìn
cảnh nhà cửa bị nước ngập có nơi gần tới nóc. Cảnh nước ngập gần chạm hàng ngàn mái nhà dân, những chiếc xuồng chở người chạy trên đường phố, cảnh núi lở đất đá san phẳng cả một vùng rộng lớn, vùi lấp mọi thứ kể cả con người. Hiện tính sơ đã có hàng trăm nạn nhân chết vì đất đá đè, vì nước lũ cuốn trôi…v..v..

Mỗi lần nghe có bão lụt, bất cứ trên quê hương VN hay xứ sở lạ xa nào đó, thì trong đầu tôi đều hình dung ra cảnh tượng tàn phá thê lương, nhất là sự mất mát về nhân mạng không tránh khỏi. Mà gần như 90% tai ương luôn giáng xuống những gia đình nghèo khó.
Những câu nói: “Nghèo còn mắc eo” hoặc “ Hoạ vô đơn chí “ người xưa căn cứ vào kinh nghiệm thực tế mà kết luận quả không sai.

Có nhiều câu chuyện đau lòng về các nạn nhân. Mỗi trường hợp là mỗi vết cắt cứa vào lòng người đọc tin.

Chuyện hai bé gái bị lũ cuốn trôi, chuyện hai mẹ con sau khi nước rút dọn dẹp nhà bị điện giật chết, chuyện các sản phụ sinh con trên chiếc xuồng trên đường đi bịnh viện, nhưng may mắn mẹ tròn con vuông. 
Cùng hoàn cảnh, nhưng có một gia đình không được ơn phúc như vậy, là chuyện người chồng chèo xuồng đưa vợ đi sinh, chẳng may gió bão mạnh quá khiến xuồng lật úp , người vợ bị cuốn trôi theo giòng lũ. Hình ảnh người đàn ông quì gối giữa màn mưa ướt át, khóc nghẹn, chấp tay nguyện cầu Thượng Đế (hay Phật Trời) sao cho tìm lại được thân xác người vợ cùng đứa con chưa kịp chào đời một giây phút nào mà đã vội quay về với cõi hư vô, thật không ai mà không xót xa rơi nước mắt. 

Miền Trung vắng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than…

…Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn
Trời rằng trời hành cơn lũ mỗi năm à ơi
Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An
Để lan biển khơi ơi hò…ơi hò…
( Tiếng Sông Hương, Phạm Đình Chương )

Tôi như nghe lại giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Thái Thanh văng vẳng đâu đây trên làn sóng radio hơn 45 năm về trước.

2/- 

Cùng thời điểm nầy, bối cảnh xảy ra bên Pháp , với câu chuyện khác .
Rằng có một giáo sư môn Sử Địa 44 tuổi bị kẻ cuồng tín Hồi giáo gốc Tchetchene 18 tuổi chặt đầu vì trong giờ dạy, ông có đưa bức biếm hoạ về giáo chủ Mohamed mà báo Charlie Hebdo đã in vào đầu năm 2015, với chủ ý truyền dạy cho học sinh về quyền tự do phát biểu tư tưởng. Trước khi giáo sư giảng dạy, ông có yêu cầu những học sinh theo Hồi giáo đừng nên tham dự vì đây là một chủ đề khá nhạy cảm, nhưng có 1 nữ sinh đạo Hồi xin được ở lại dự thính.

Tưởng cũng nên sơ lược chút ít với ai chưa nghe lai lịch bức tranh nầy.
Báo Charlie Hebdo là tuần báo thiên tả Pháp chuyên châm biếm mọi tầng lớp chính trị, tôn giáo, xã hội, các lãnh tụ toàn thế giới mà không chùn bước trước mọi cấm địa nguy hiểm nào. Thường xuyên ban biên tập bị đưa ra toà hoặc bị hăm doạ tính mệnh nhưng họ vẫn can đảm đối đầu mà không từ bỏ lý tưởng.
 
Đầu năm 2015 toà soạn thông báo sẽ phát hành ấn bản chủ đề về Giáo Chủ đạo Hồi Mohamed, trong đó có nhiều bức biếm hoạ về ông.
Ngày 07. 01.2015, nhóm cuồng tín đã tràn vào toà soạn tàn sát toàn thể ban biên tập lẫn người gác cửa. Tổng cộng 12 người chết và 11 bị thương. 

Cuộc khủng bố nầy đã làm rúng động toàn nước Pháp và thế giới. 
Một tuần lễ sau, có 44 vị lãnh tụ (tổng thống, thủ tướng, cựu tổng thống, cựu thủ tướng, các viên chức cao cấp toàn thế giới..) thuộc các nước dân chủ cùng tham gia cuộc tuần hành với dân chúng Paris ở công trường Cộng Hoà quận 10 để tỏ sự đoàn kết với nước Pháp nói riêng và bảo vệ quyền tự do tư tưởng của nhân loại nói chung.
Cuộc tuần hành ấy quy tụ khoảng 1 triệu rưỡi người ở Paris và 4 triệu người trên toàn lãnh thổ Pháp.

Chưa kể dân chúng các quốc gia khác trên thế giới – đặc biệt là Tây phương– đều biểu tình để ủng hộ quyền tự do ngôn luận và lên án bọn sát nhân khủng bố. 
Câu nói Tôi Là Charlie ra đời từ ngày ấy, được viết và hô vang bằng nhiều ngôn ngữ trên hành tinh. 
*Je suis Charlie ( Pháp )
*I am Charlie  ( Anh )
*Ich bin Charlie ( Đức )
*Sono Charlie ( Ý )
…..

Trở lại với câu chuyện giáo sư Samuel Paty .
Theo cảm nghĩ của bạn học thời sinh viên, đồng nghiệp, học trò.. thì ông là một người ôn hoà, tận tâm, yêu học sinh và yêu nghề nghiệp. Ngày hôm ấy ông chỉ muốn nhắc lại câu chuyện về các bức biếm hoạ Mohamed để giảng giải và phân tích về quyền tự do ngôn luận chứ không hề có ý khiêu khích hay kích động phân biệt tôn giáo. 

Cô học trò nữ đạo Hồi về kể lại cho gia đình, thế là câu chuyện lan truyền rộng rãi trên mạng giữa thế giới Hồi giáo. Một thanh niên 18 tuổi được sự ủng hộ của người ông, cha mẹ cùng anh trai bèn lần tìm dấu vết vị giáo sư và ra tay chặt đầu vị giáo sư vô tội, không gớm máu như thời trung cổ.

Một làn sóng phẩn nộ nổi lên. 
Buổi chiều xảy ra sự việc thì ngay buổi tối đích thân tổng thống Pháp Macron cùng với ít nhất 3 bộ trưởng đến tận trường học nơi giáo sư dạy để thăm viếng, bày tỏ cảm tưởng, lên án hành động sát nhân và hứa sẽ không để yên cho những kẻ gây tội ác.
Các đại biểu Quốc Hội trong cuộc hội nghị đều đứng lên để tỏ lòng đoàn kết, mặc niệm người đã mất.
Các mạng truyền thông quốc tế đều đưa tin và mạnh mẻ lên án hành động dã man nầy.

Chủ nhật tiếp theo, dù đang đại dịch, nhưng hàng ngàn người bao gồm sự hiện diện của thủ tướng và các nhà lãnh đạo quốc gia Pháp cùng tụ họp với dân chúng, giáo chức… ở công trường Cộng Hoà thuộc quận 10 Paris – đây là nơi mỗi khi có sự kiện nào trọng đại: như biểu tình, thảm sát, lễ lạc… dân chúng đều tập trung lại. 
Tôi biết rất rõ nơi nầy vì gần nhà cô em họ, chỉ 5 phút đi bộ. Mỗi khi có dịp đi Paris, tôi đến đó gần như mỗi ngày. Hình ảnh hàng trăm bó hoa, nến, hình nạn nhân, thiệp chia buồn… trong cuộc thảm sát Bataclan có 130 người chết và hơn 900 người bị thương cũng cùng năm 2015 nhưng vào tháng 11 cũng do nhóm cuồng tín Hồi giáo gây nên vẫn còn hằn nét trong tâm khảm tôi.

Hơn 1 tháng sau tôi đến Paris đón năm mới cùng với cô em họ, tôi đã đến công trường Cộng Hoà để cùng chia sẻ và cảm nhận nỗi đau với gia đình nạn nhân. Hoa , nến, hình ảnh, lời chia buồn…vẫn còn dầy đặt chung quanh bức tượng đồng do hai anh em nhà điêu khắc Morice tạc được dựng lên ở công trường.

3/-

Vì sao tôi lại dài dòng đề cập đến câu chuyện giáo sư người Pháp bị chặt đầu trong khi đang nói về chuyện lũ lụt ở miền Trung quê hương vậy ? Có liên quan ăn nhập gì đâu ? 

Có chứ. 
Đứng trước hai thảm hoạ–dù là do thiên nhiên hay con người góp phần– hai thái độ từ những nhà lãnh đạo của hai quốc gia như thế nào. Tôi muốn nói về cách ứng xử đó !

Một bên thì hoà mình, dấn thân và chia sẻ nỗi đau cùng với đồng bào.

Một bên thì im lặng như mặt nước hồ thu của cụ Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…” hoặc như câu tục ngữ dân gian: “ Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi “. 

Tuyệt nhiên không nghe một cấp chóp bu nào lên tiếng bày tỏ sự lo lắng hay tìm biện pháp giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Tuyệt đối lặng như tờ.
Vì họ còn bận tổ chức đại hội toàn quốc với cờ và hoa, với quà tặng và những lời tự tâng bốc lẫn nhau tận mây xanh. 

À có chứ. Các đại biểu có dành phút mặc niệm cho ông đại biểu kiêm tướng gì đó bị chết lúc núi lỡ. Chỉ mỗi mình ông tướng đó được mặc niệm thôi, còn hàng trăm nạn nhân khác thì “mặc kệ nhà các người” , không bỏ công ta nhắc làm gì thân phận “con sâu cái kiến, khố rách áo ôm” ấy cho mệt.

Mở ngoặc : Tôi nhớ hoài câu nói tuy đùa mà chính xác 100% lúc còn sống ở V.N thường nghe, là: Mọi người đừng có “no”, cứ để cho “nhà lướt no” !

May mắn thay, vẫn còn có tình người. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Nhiều công dân –quốc nội lẫn quốc ngoại– chung tay gom góp Lá lành đùm lá rách không quản nguy hiểm cho bản thân đã mang lương thực thiết yếu đến tận nơi cần sự giúp đỡ.

Thế rồi lại rộ lên tin tức mới đây, là họ đã chẳng hành động gì để cứu hộ cho dân (hoặc rất, rất ít. Lúc tôi viết những dòng nầy thì “họ” cũng có nhúc nhích chút ít, 1 vị tướng nào đó tố cáo rằng: mấy tấn lương khô dành cho quân đội gởi đi cứu đói cũng bị cán bộ chận lại chia chát nhau!) mà giờ còn ra công văn hay điều luật gì đó, cấm mọi cá nhân tự động quyên góp, tự động đến tận ngõ ngách từ nhà mang thức ăn nước uống, tiền bạc trực tiếp đến tay nạn nhân, mà bắt buộc phải gom tụ giao cho tổ chức họ quản lý nắm giữ và quyết định chia cho những ai, nếu không thì sẽ bị ghép tội trái luật và có thể bị xử phạt!!

Mở ngoặc: Tôi giở nón nghiêng mình tỏ lòng ngưỡng phục lòng nhân hậu, vị tha nhân, can đảm, không ngại hiểm nguy dấn thân ngay tuyến “đầu sóng ngọn gió” của cô ca sĩ Thuỷ Tiên (thành thật mà nói đây là lần đầu tiên tôi mới để ý tới tên cô ấy, vì tôi không có vào trang facebook lẫn quan tâm đến thế giới showbizz ở VN) và cầu nguyện cho cô được bình yên, mạnh khoẻ và luôn vững tâm trước mọi lời chỉ trích hay nghi ngờ. Tôi có đọc được trên báo lời nhắn gởi của cô với mọi người, mà tôi phải cố ngăn nước mắt vì cảm động và càng thán phục cô nhiều hơn. 

Câu chuyện trên tôi chắc mọi người còn tỏ tường nhiều hơn mình, nên không cần kể thêm chi tiết.

Trong một quốc gia mà chính quyền thật sự yêu dân, vì dân, cho dân... thì những thống khổ của dân –dù chỉ một cá nhân bình thường – cũng được đặt lên hàng đầu, được mọi người đồng cảm và sẻ chia. Để mọi công dân sống trong sự bình đẳng, biết là mình không bị đơn độc bỏ rơi. 

Suy cho cùng, họ lãnh đạo một quốc gia cũng chính dân bầu lên để thay mặt dân mà gánh vác những trách nhiệm nặng nề đó thôi. Xong một nhiệm kỳ phục vụ quốc gia, họ cũng trở lại đời sống công dân bình thường như mọi người.

4/-

Trận bão lụt nầy khiến tôi nhớ về vài thiên tai khác từ năm 1975–1977 thì phải.

Bối cảnh tỉnh miền Nam, Kiên Giang.
Có một gia đình gồm ông bà, ba mẹ và sáu người con sống cuộc sống an nhiên bình thường nhưng hạnh phúc trong 1 ngôi nhà bình thường bao bọc bởi mảnh sân trồng cây ăn trái và vài loại hoa mà ta có thể tìm thấy ở bất cứ ngôi nhà VN tiêu biểu nào cũng có: xoài, lý, ổi, dừa, me, sung ; giàn trầu không, bầu, bí, khổ qua, giậu mồng tơi, các loại rau… ngoài ra còn có hàng rào dâm bụt, dây tơ hồng, hoa lài, hoa trang, vạn thọ, mười giờ, móng tay…

Sau nhà là giòng sông hiền hoà theo thuỷ triều nước lớn nước ròng. Trước mặt là con đường liên tỉnh chạy dài theo các quận, tỉnh lên Saigon hòn ngọc Viễn Đông. Phía bên kia đường là đồng ruộng xanh rờn mạ non hay vàng trơ gốc rạ tuỳ theo đầu mùa lúa hay cuối mùa thu hoạch.

Bỗng đâu khoảng 1975–1976 hầu như toàn miền Nam có dịch ghẻ!! Nhà nhà người người đều có người mắc phải. Những ai ở thế hệ tôi chắc chắn đều nhớ rõ vi khuẩn ngứa nó hành hạ thân xác chúng ta như thế nào. Hai bàn tay cứ như gảy đàn, ngày cũng như đêm–nhất là đêm– khiến ai nấy đều ốm o vàng võ vì thiếu ngủ và đau đớn. Càng gãi càng ngứa, mà càng ngứa thì càng gãi mạnh hơn, mạnh hơn… đến toé máu mà vẫn không hạ bớt cơn ngứa. 

Đại dịch đó kéo dài vài tháng mới tạm lắng. Những vết sẹo tròn tròn to nhỏ màu đen vẫn còn ở lại trên da thịt con người–nhất là trên làn da các thiếu nữ mơn mởn trắng mịn, ôi nay còn đâu !– Phải đôi ba năm mới tan biến.

Rồi qua năm sau thì đến lụt.

Mà trước khi trận lụt biến các con đường thành sông có thể bơi xuồng trên đó. (Bây giờ thì cảnh nầy không còn xa lạ với dân chúng VN nữa, nhưng cách nay hơn 40 năm thì hãy còn bị xem là thiên tai thế kỷ.) thì gia đình ấy có người cha bị lùa vào trại giam gọi là đi học tập cải tạo –cải tạo gì nhỉ ?–các người con gái lớn không được tiếp tục học ở trường Đại Học, những người nhỏ hơn thì cũng chỉ được học hết lớp 12 rồi ngưng. Xin bất cứ việc gì cũng đều bị từ chối, ngoại trừ làm ruộng hay bán hàng rong lặt vặt.
Cậu con trai 16 tuổi chưa bao giờ làm gì trong đời, tình nguyện xin vác nước đá mướn cho hãng làm nước đá ở gần nhà. 
Người mẹ nhờ biết may vá nên may quần áo cho hàng xóm kiếm chút tiền. Nhờ ông bà ngoại vốn quen làm ruộng vất vả cưu mang nên chưa phải ăn rau khoai độn ngày nào.

Tưởng cuộc sống như thế đã gọi là đứng dưới chót của nấc thang xã hội, nhưng chưa đủ. Phải còn rơi tuột đến tận cùng, đến chạm đáy, đến không còn kẽ nứt hay lỗ trống nào để chìm sâu hơn hoặc xuyên qua nữa, mới thành công trọn vẹn cho mục đích triệt hạ và huỷ diệt nhu cầu sống lẫn tương lai của một gia đình toàn người già, đàn bà, con gái, thiếu niên và trẻ chưa đầy thôi nôi. ( người cha thì đã bào mòn sức lực lẫn trí tuệ ở chốn rừng thiêng nước độc rồi, cậu thiếu niên thời gian không lâu sau cũng gia nhập vào nhóm người khổ sai kia).

Một buổi sáng thức dậy, gia đình ấy bỗng dưng thấy mình bị gom tụ vào một ngôi nhà hoang. 
Ngơ ngác, thất thần không hiểu vì sao !!!!

Còn căn nhà thân yêu bằng gỗ quí do hai ông bà ngoại đổ mồ hôi nước mắt chắt chiu dành dụm từ công việc đồng áng khổ cực tạo dựng nên từ năm 1940 cho con cháu cùng sống quây quần bị người ta ngang nhiên chiếm lĩnh và thẳng cánh tống cổ khỏi nhà không hề báo trước, chỉ vừa đủ thời gian để gom vội vàng vài bộ quần áo, vài cái soong nồi, chén dĩa, vài cái mùng mền… còn tất cả tài sản từ cây kim sợi chỉ, đến những đồ đạc khác đều cấm không được mang theo thứ gì. 

Trong phút chốc trở thành kẻ trắng tay.
Y như cơn hoả hoạn. 
Thà là hoả hoạn thiêu đốt hết tài sản thì còn đỡ xót xa hơn là những vật mình từng sở hữu nay bị người khác ngang nhiên phân phát tẩu tán xử dụng ngay trước mắt mà bất lực không làm gì được, không phản ứng gì được. Còn mình thì bị xem như tội phạm, đứng từ xa ngóng về căn nhà giờ rộn ràng bao nhiêu kẻ ra người vào ăn ngủ luôn trong ấy.

Chỗ ở mới gọi là nhà nhưng thực tế chỉ có phân nửa của cái xưa từng là nhà. Mái lợp lá dừa nước đã mục nát, thủng lỗ chỗ, mấy cây cột siêu vẹo tưởng chỉ cần một người lắc mạnh cũng sụp đổ, còn được lợp lá hai bên sườn. Phân nửa căn còn lại thì trống hoác trơ mấy thanh gỗ ngang, nhiều đoạn bị gãy không biết sẽ rớt xuống đầu ai tình cờ bước ngang bên dưới. 

Những ngày khô ráo từng mảng nắng to nhỏ xuyên rọi xuống nền đất hoặc chỗ nằm, có thể che tạm bằng tấm nylon. Những lúc mưa thì giọt dài giọt ngắn thi nhau rớt lộp bộp xuống hai thân thể già nua ốm yếu và đứa trẻ chưa đầy thôi nôi. Gió lạnh thốc qua, cột nhà rung rinh tưởng có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Người mẹ và các cô gái nhờ sức trẻ trung nên còn chịu đựng được sự ướt át lạnh lẽo, ngồi thu lu vào một chỗ tương đối khô ráo chờ “đất trời ngừng cơn gió bụi”.
Người họ hàng thấy tội nghiệp, cho mượn tạm hai bộ ván kê làm giường. 

Rồi chừng như sự thử thách vẫn chưa đủ. Trận lụt tràn qua. Mọi đường phổ biến thành sông.
Nước dâng cao , nền nhà ngập đến gối. Mấp mé bộ ván. Thỉnh thoảng vài con cá nhỏ lội tung tăng trong làn nước đục lờ, có thể dùng tay bắt được.

Người ông vừa tinh thần sa sút vì mất nhà, vừa không chịu nổi thời tiết độc hại ngã bịnh trầm trọng, tưởng không qua khỏi.
Phải hơn hai tháng sau thì nước mới rút từ từ.

Kỳ lạ, đàn bà thường bị cho là phái yếu– cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng– nhưng trong cơn đại nạn, ý chí người bà, người mẹ lại vững vàng mạnh mẽ can đảm phi thường. Hai người không hề than van cho những gì đã không nắm giữ lại được, mà còn dốc lòng khuyên giải mọi người hãy đứng vững trên đôi chân, đừng để bị đánh gục, hướng về phía trước mà đi.
 
5/-

Tưởng trận lụt cách nay hơn 40 năm là trận thiên tai ghê gớm, hiếm khi chứng kiến trong đời. Ai ngờ 40 năm sau thì nó đã trở thành “chuyện thường nhật” quen thuộc như ăn cơm uống nước, chả có gì mà ầm ỉ, ngay cả trẻ con cũng không hề ngạc nhiên nữa. Chỉ có những người xa quê hương lâu ngày mới mắt chữ O miệng chữ Ô thôi. 

Vì đâu nên nỗi ? 
Chắc chắn là ai cũng biết câu trả lời, tôi không cần phải viết thêm.

Chỉ muốn thêm rằng: câu chuyện gia đình ở phần 4 là chuyện thật của gia đình tôi hơn 40 năm trước.

Thanh Hà
La Chaux-De-Fonds, Oct 2020 





1 nhận xét:

  1. Thank you Miss Ha, bài viết có rất nhiều cãm xúc buồn vui lẫn lộn/ nhớ nhiều về Rạch sõi và ngôi trường của chúng mình .

    Trả lờiXóa