Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Khoảnh Khắc Hóa Thành Thiên Thu

Tùy bút của Thanh Hà 

Đời người dẫu có mong manh
Đôi khi khoảnh khắc hoá thành thiên thu ( TH )

Gom nhặt ký ức về “Saigon của tôi” ngày xưa.

Ngày…tháng… 1975
Sai Gòn những ngày cuối cùng trước tòa Đại Sứ Quán Mỹ

Đầu năm 1975, tết âm lịch xong chị em tôi trở lại Saigon để bắt đầu chuẩn bị gạo bài cho mùa thi cuối khoá, thông thường vào giữa mùa hạ.

Thật sự lúc ấy vì đang đi học nên trọng tâm ý nghĩ của tôi nặng về trường lớp, thi cử là chính. Chuyện chiến tranh, đất nước tôi cũng tìm hiểu, đọc các phóng sự, tác phẩm viết về người lính, các anh bạn của các chị tôi trong nhiều binh chủng thỉnh thoảng có kể phớt qua–à, lạ là khi các anh được phép về hậu phương thăm gia đình, rất hiếm khi kể các trận hành quân nguy hiểm lội sình lầy, các chuyến nhảy dù xuống ngay chiến địa, các chuyến lái trực thăng cứu nạn, các chuyến tàu tuần tiểu trên sông ngòi kinh rạch nhỏ hẹp bị trúng đạn pháo kích… tuỳ theo họ thuộc binh chủng nào cho chúng tôi nghe. Có lẽ họ đã sống đối diện cái chết thường trực, nên khi được vài ngày phép ít ỏi, họ không muốn nhắc nhớ đến những gian nguy bất trắc, để được hưởng trọn vẹn khoảnh khắc yên bình như có thể.

Ngày…tháng 02.1975
Theo tin tức từ báo chí, truyền thông thì tỉnh Phước Long đã mất vào tháng 1. Dần dần chiến sự ở miền Trung gia tăng chỗ nầy chỗ nọ. Tôi lo lắng nhưng vẫn đinh ninh giống như tết Mậu Thân 68 hay mùa hè đỏ lửa 72, sau rốt miền Trung sẽ vẫn là của người Nam từ vĩ tuyến 17 trở vô, không ai có thể chiếm được, cuộc sống sẽ trở lại như cũ. 

Ngày…tháng 03.1975
Báo chí tiếp tục đăng nhiều tin đáng lo ngại. Ban Mê Thuột thất thủ. Rồi lần lượt các tỉnh khác : Huế, Đà Nẳng, Quảng Ngãi… Nhất là tin truyền miệng giữa người thân, bạn bè khiến chúng tôi hoang mang, nửa tin nửa ngờ. Không biết có bao nhiêu phần sự thật trong lời đồn đại. Tôi cứ tự trấn an: không lẽ nào. 

Ngày…tháng 03.1975. 
Ba trường ĐH Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc qui tụ ở góc đường Thống Nhất-Cường Để. Đại Sứ Quán Mỹ cũng toạ lạc trên đường Thống Nhất. Nên mỗi sáng trước khi đến trường, tôi đều phải đi ngang qua cơ quan ấy. Thấy trước cổng có nhiều người đứng sắp hàng.

Buổi sáng sớm hàng người đã có đó, buổi trưa hoặc chiều tan trường về, hàng người vẫn không vơi. Kiên nhẫn, không nao núng dưới cái nắng đổ lửa hay cơn mưa rào bất chợt.
Chẳng những không vơi, mà mỗi ngày hàng người càng dài thêm ra. Chúng tôi ngạc nhiên, không hiểu họ đứng xếp hàng trước toà đại sứ Mỹ để làm gì ?
Cũng qua bạn bè, nói họ đến làm thủ tục xin đi Mỹ, trước khi Mỹ rút hết về nước vì miền Nam sắp đổi chế độ rồi. Thật vậy sao ? Thật mà.
Tôi hỏi là bất cứ ai cũng có thể xin đi được ? Bạn cười ngất: nếu ai xin cũng được thì chắc gần hết dân Saigon đến đứng sắp hàng rồi cô bé.
Tôi tiu nghỉu. Ước gì mình đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xin đi !

Ngày…tháng 03.1975
Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh…lần lượt rơi vào tay đối phương. Tôi nghe càng lo lắng, sợ hãi. Nhưng cả trái tim lẫn tâm hồn tôi vẫn không chịu nhìn nhận thực tế đau buồn. Vẫn hy vọng đây chì là tạm chiếm mà thôi.

Ngày…tháng 03.1975
Các giáo sư vẫn đến giảng đường đều đặn. Nhưng chúng tôi cảm nhận sự bất an trong bầu không khí, trong ánh mắt nét mặt của mọi SV. Nếu thấy từng nhóm tụm năm tụm ba châu đầu thì thầm to nhỏ, hoặc lang thang ngoài hành lang, trong sân, căn tin, thì không phải trao đổi về đề tài thi cử, mà bàn về thời sự là chánh.

Ngày…tháng 03.1975
Hình như từ tháng 3 các rạp ciné SG bỗng đồng loạt tung ra màn ảnh toàn các đại tuyệt phẩm
Pháp, Mỹ với các minh tinh gạo cội chiếm nhiều giải Oscars, đã từng chiếu trước đây khiến bọn học trò chúng tôi lao xao. Bây giờ gặp mặt không ai bàn chuyện ôn bài tới đâu rồi, mà toàn kháo nhau chuyện sắp mất nước, chuyện chiến sự miền Trung, chuyện rạp Rex, Vĩnh Lợi, Eden, Đại Nam… chiếu phim gì trong tuần. Câu nói mà chúng tôi thường được nghe và chính mình cũng nói, là :
—Chúng mình lợi dụng đi xem cho đã, kẻo mai nầy không còn cơ hội để xem lại đâu.
Thế là chị em chúng tôi thay vì trung bình mỗi tuần đi ciné một lần, thì bây giờ cúp cua đều đặn, nhịn tiền quà mua vé xem 2, 3, có khi hơn tuỳ vào tuần lễ ấy có phim yêu thích, sợ sẽ thay phim khác . Đồng thời còn được…ai đó dẫn đi nữa.
Ở các trường Khoa Học, Luật, Văn thì sinh viên không bắt buộc phải dự lớp, chỉ cần học qua sách, hoặc mượn cours bạn về chép lại là được.
Bây giờ thì ai còn lòng dạ nào mà học bài .

Ngày…tháng 03.1975
Thay vì hỏi là đã viết xong bài tổng kết về tác phẩm Jane Eyre của nhà văn nữ người Anh Charlotte Bronte chưa để nộp thì đề tài trao đổi giữa các bạn trong những ngày này là :
—Sáng nay ở rạp A. chiếu Nữ Hoàng Cléopatre do Elizabeth Taylor đóng. Còn bên rạp B. thì Nữ Hoàng Áo Quốc Sissi do Romy Schneider đóng. 
—Hôm trước xem lại Bác Sĩ Zhivago quá tuyệt vời, còn bên rạp C. thì chiếu Tình Thù Rực Nắng ( Summertime Killer ), bên nọ Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh (Un peu de soleil dans l’eau froide )
 Và còn một danh sách dài những phim bất hủ của thế kỷ 20 :
—Ivanhoe, Quo Vadis, Cuốn Theo Chiều Gió, Les Canons de Navarone, Nữ Hầu Tước Angélique, Vũ Điệu Trong Bóng Mờ, Chuyện Tình Roméo và Juliet, Love Story, Giai Điệu Hạnh Phúc ( La Mélodie du Bonheur )…nhiều nhiều nữa 

Giống như tử tù trước giờ ra pháp trường được đặc ân ban bửa ăn tươm tất, hoặc thoả ý nguyện cuối cùng. Có lẽ các ông chủ rạp phim ý thức thời thế đã sắp đến hồi chuông báo tử, không còn nhẩn nha thay vì mỗi tuần đổi một phim mới thì họ tung ra cùng lúc nhiều bộ, nên chúng tôi phải chia sẻ tin tức rạp nào chiếu phim gì để còn sắp đặt thời gian và nhịn ăn quà mà hưởng chút giải trí tinh thần trước khi rơi vào con đường hầm tăm tối âm u.

Tôi không nhớ chính xác rạp nào chiếu phim gì, chỉ biết tất cả các rạp trung tâm SG đều mang hết những tinh hoa nghệ thuật thứ bảy tặng khán giả như lời cảm tạ sự trung thành bao năm, đồng thời biệt ly không hẹn ngày gặp lại.

Mở ngoặc : khoảng giữa năm 1980 trở về sau, khối Đông Âu sụp đổ thì VN nới lõng “chơi”với tư bản, cho phép chiếu lại nhiều phim cũ. Vả lại, giờ qua internet ai cũng có thể xem thoải mái.

Ngày…tháng 04.1975
Cuối tuần đến thăm bạn bên kia cầu Thị Nghè. Đối diện nhà bạn, một phụ nữ độ 40 tuổi, dáng nhỏ nhắn khắc khổ đang thu dọn đồ đạc chất lên chiếc xích lô, vài người hàng xóm đứng tụ tập chung quanh, người cầm xoong nồi, người cầm thau đồng lủ khủ. Bạn kể chị là dân miền Trung vào ở trọ, làm lao công quét dọn vệ sinh cho toà Đại Sứ Mỹ, giờ họ về nước chị được họ cho đi cùng, chị mang theo quần áo còn những gì bỏ lại chị chia cho người quen.
Lòng tôi nôn nao. Thèm thuồng, ao ước phải chi mình được thế chỗ chị.  

Ngày…tháng 04.1975
Vài ngày sau, bạn vào lớp kể tiếp : xéo nhà có anh sinh viên trọ mà thỉnh thoảng đến chơi với bạn chúng tôi thấy anh ngồi ngoài balcon đàn hát hoặc nghiêng người ra ngoài nói đùa với ai đó ở balcon đối diện. Tôi biết mặt vì gặp anh thường xuyên ở văn phòng Ban Chấp Hành SVĐH Văn Khoa mà anh là một thành viên. Anh đóng tiền nhà tháng kế, xong âm thầm lặng lẽ biến mất tăm không lời từ biệt. Họ còn đồn thổi anh làm việc cho Mỹ nên phải ra đi bằng mọi giá. 
Thực hư thế nào không bao giờ ai biết.

Ngày…tháng 04. 1975
Tôi không còn nghĩ chuyện ôn bài vở, mặc dù thỉnh thoảng vẫn tiếp tục vào trường chiếu lệ. Các cô gái bớt vẻ nhí nhảnh điệu đà quen thuộc. Các anh trai nét mặt nghiêm trang, ánh mắt lo âu. Không khí ngột ngạt bao trùm. 
Hầu như ai cũng đều mang một tâm trạng như nhau : Rồi tương lai chúng mình về đâu ? Saigon nói riêng, miền Nam sẽ ra sao ?
Trường mỗi ngày mỗi thưa thớt SV. Nhiều người bỏ học về quê hay đi đâu chẳng rõ. 

Số người đứng trước Đại Sứ Quán Mỹ nay đã nhân lên thành nhiều hàng chứ không là một nữa. Mỗi lần ngang qua, trong tôi lại trỗi lên ước vọng phải chi mình được là một trong những người đứng sắp hàng ở đó.

Buổi chiều, nắng hạ bớt gay gắt. Mang một vẻ hiu hắt. Phải rồi, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trên đường đi học về đến ngã tư dừng xe trước đèn đỏ đoạn Bưu Điện và Nhà Thờ Đức Bà, có một chiếc xe vespa xanh trờ tới đậu ngang xe chúng tôi. Hai người thanh niên không quen biết, chúng tôi thoáng nhìn nhau 1 giây, bỗng người ngồi sau bật thốt :
—Sắp mất nước rồi các em ơi.
Như tiếng kêu tuyệt vọng của loài chim giẫy chết. Nghe buồn não nuột. 
Tôi chết sững, không biết nói gì để đáp lời anh.
Đèn xanh bật lên, chúng tôi hoà vào dòng xe đưa mỗi người đi về một hướng. Tôi không nhớ rõ gương mặt người thanh niên, nhưng câu nói ấy, âm thanh ấy trong ánh tà dương dần lụi tắt vẫn hằn vang rõ trong ký ức tôi đến tận bây giờ.

Bởi đó cũng là tiếng kêu không lời của chính tôi. Anh đã nói giùm tôi hay giùm cho mấy mươi triệu đồng bào miền Nam những ngày cuối tháng tư đó vậy. 
Một người hoàn toàn xa lạ, tình cờ chạm mặt nhau trong phút giây ngắn ngủi, chỉ cần một câu nói cũng khiến nhớ cả đời là vậy.

Ngày….Tháng 04.1975
Một gia đình chỗ khu chúng tôi trọ, cách vài căn cũng đóng cửa bỏ đi.
Nữ chủ nhân là vũ sư dạy vũ khá tiếng tăm. Chồng là sĩ quan cao câp, thảo nào chúng tôi thường thấy nhiều nam nữ ăn vận thanh lịch đến nhấn chuông. Có người ra kéo cánh cửa sắt vừa đủ cho xe và khách vào là vội đóng ngay, rất kín đáo. Chắc họ tôn trọng láng giềng, không để cho tiếng nhạc làm phiền chung quanh. 
Hai ngày sau lại một gia đình khác ở cuối ngõ cũng lặng lẽ đóng cửa đi mất.

Ngày 26.04.1975
Tôi nói với chị và em gái, là hôm nay tôi sẽ về Rạch Sỏi thăm gia đình và kể cho ba má hay tình hình ở Saigon nguy ngập thế nào, dư luận bàn tán ra sao, và định thuyết phục ba má ra đi.
Khi chiếc xe đò đưa tôi về Rạch Sỏi thăm gia đình ngày 26.04.1975 tôi đâu ngờ đó là ngày cuối cùng tôi-được-sống-với-Saigon-của-tôi, còn được hít thở không khí Saigon-của-tôi, còn được nhìn thấy đường phố Saigon-của-tôi. 

Mở ngoặc :
Chị tôi giờ có hai đứa cháu ngoại. Cậu anh 5 tuổi, cô em chưa đầy 3 tuổi mà linh lợi không ngờ. Ganh với anh trai, muốn độc quyền bà ngoại, bé hùng hồn tuyên bố: “Ngoại Th. là-của-con”. 
Giờ tôi cũng bắt chước bé, giành “Saigon trước 75 là của tôi”.

Thấy tôi về một mình, hoảng hốt kể lại những điều chứng kiến tận mắt ở Sg, ba má lo sợ nên kêu chị hai sáng hôm sau tức tốc lên Saigon thu xếp đồ đạc đón hai người còn mắc kẹt trên ấy về ngay không được nấn ná ngày nào nữa. Chị hai đi đến chiều tối thì quay về một mình, lý do là đường đi bị cắt đứt ở miệt Cai Lậy bởi có đánh nhau, đúng vào ngày hôm qua tôi về. Xe tôi đi, chạy trót lọt buổi sáng vẫn bình yên, nhưng đến trưa thì “họ” tấn công, đạn pháo, mìn, súng… người chết nhiều lắm. Hú hồn, nếu hôm qua tôi đi chuyến xe trưa thì có lẽ tôi đã trúng đạn mà chết dọc đường rồi.

Tôi lấy mốc thời gian 26.04.1975, là ngày tôi chia tay Saigon làm ngày tưởng nhớ Saigon.
Sau ngày ấy, tôi có trở lại Sg nhiều lần. Nhưng không còn là Saigon VNCH mà tôi biết và yêu thương nữa.
Là ngày 26 chứ không là ngày 30. Bởi đó là ngày tôi rời Saigon về quê, tuần sau trở lại thì Saigon đã mang tên khác.

Nó dần dần thay da đổi thịt. Đầu tiên là nhiều bóng dáng lạ, giọng nói lạ. Ngay cả với vài người mà tôi từng tưởng là bạn thì nay cũng bộ mặt đó nhưng sao lạ quắc lạnh lùng, “nhìn nhau như thể nhìn người không quen”. 
Nhiều building, khách sạn cao ngất nghễu mọc lên. Nhiều nhà hàng, quán cà phê, karaoke, cửa hiệu quần áo thời trang mọc lên. Mỗi khi ngừng ở ngã tư đèn đỏ chỉ thấy một rừng người với nón bảo hiểm, áo màu nầy, quần màu nọ pha tạp đủ kiểu. Xe hơi lẫn moto chen chúc dầy đặc. Ồn ào, khói bụi.

Những “cái thêm, cái mới” lạ lẫm với tôi quá. 
Mà tôi thì chỉ khư khư tìm những “cái mất”.
Đâu rồi những trai thanh gái lịch, như thi sĩ Nguyên Sa ca tụng :

*Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng (Nguyên Sa )

*Saigon đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

*Saigon phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gant
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung…
( Tám Phố Saigon, Nguyên Sa )

Đâu rồi những:
Giờ nầy có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Hàng cây viền ngọc thạch len trôi
Nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
( Chiều Trên Phá Tam Giang, Trần Thiện Thanh & Tô Thuỳ Yên )

Trả lại em yêu, khung trời đại học
Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
( Trả Lại Em Yêu, Phạm Duy )

Hỡi người tình học trò hỡi người tình năm xưa
Bóng người từng in dấu trên đường mờ…
…Con đường mộng hoa xưa vẫn từng đôi từng lứa
Con đường mộng mơ, con đường mặn mà

Hỡi người tình Văn khoa
Bóng người trên hè phố, lá đổ để đưa đường
Cho người tình Trưng Vương…
( Con Đường Tình Ta Đi, Phạm Duy )

Nhớ quay quắt những lần theo người chị sang giảng đường trường luật dự thính bài. Nhớ lần ca sĩ Anh Khoa vào hội quán trường tôi (VK) hát Bao Giờ Biết Tương Tư cho đám trẻ chúng tôi nghe, khiến những trái tim vốn mộng mơ sẵn càng thêm đơm mơ kết mộng hơn nữa. Đường Duy Tân, đường Cường Để, Thống Nhất là những con đường quen thuộc của chị em tôi để vào lớp học. Bây giờ cả tên trường, tên đường cũng đổi thay.
 
Nhớ như in những ngày cuối tuần lượn lờ trên đường Lê Lợi vào quán sách Khai Trí. Nguyễn Huệ với rạp ciné Rex, sau mở thêm hai rạp mini Rex mà chúng tôi t là khán giả trung thành. Đường Tự Do, Nhà Thờ Đức Bà với công trường Công Xã Paris, dù tôi không có đạo nhưng vẫn dự thánh lễ…tất nhiên không phải một mình.
Vài quán kem trên những con đường đó đều có dấu chân tôi ghé qua.
Và còn nhiều nữa, con đường, hàng cây, góc phố, người…

Hỏi còn lại gì cho kỷ niệm tôi đây ? 
Bây giờ có dịp về thăm nhà ở tỉnh, tôi cũng dừng chân “Saigon-bây giờ” vài hôm. Tôi như lạc lõng trong thành phố lạ. Không có gì vương vấn níu kéo tôi ở đó hết ngoại trừ người thân, và vài người bạn còn sót lại.

Tôi đã đắp nấm mồ chôn Saigon-của-tôi từ ngày 26.04 năm ấy !!!

Thanh Hà, April 2021








2 nhận xét:

  1. Vâng. Chúng ta lo tìm những gì đã mất - mà những gì đã mất đã thật sự mất đi. Cám ơn bài hồi ký rất thật của Thanh Hà.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn anh Ân đã xem bài viết của Thanh Hà.
    “Những gì đã mất đã thật sự mất đi” ở thực tại. Nhưng chúng ta vẫn có thể tái tạo bằng hồi ức, dù chỉ là những mảnh ghép không vẹn nguyên. Thân, TH

    Trả lờiXóa