Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Sau 30.04: Bây Giờ Bạn Ở Đâu?

Tùy bút của Thanh Hà 


1/-

Hồi ấy, một người chị của tôi đậu tú tài hai, lên Saigon để tiếp tục vào đại học. Ba má thương và lo chị sống xa nhà một mình nên cho tôi lên theo, có chị có em. Nên thay vì chuyển ra Nguyễn Trung Trực để học năm cuối bậc trung học thì tôi khác con cò trong ca dao:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng

Cò chỉ bay từ cửa phủ ra cánh đồng, còn tôi rời tổ ấm nhà quê tung cánh bay một mạch 250 km tới tận thủ đô của miền Nam Việt Nam cú direct không phải dừng chân ở cánh đồng nào hết. Thế là giấc mơ được sống ở hòn ngọc viễn đông đã đuợc thực hiện sớm hơn dự kiến một năm, khiến tôi cứ nôn nao sung sướng vô cùng.

Đối với cô học sinh tỉnh lẽ – tôi còn chưa phải là học sinh tỉnh, mà chỉ quận lỵ thôi ấy – thì việc được lên Saigon sống và học là một giấc mơ quá tuyệt vời, ấp ủ từ lâu, bảo sao mà tôi không hãnh diện cho được.

Thật ra, lúc nhỏ hơn, chị em tôi đã được ba má thỉnh thoảng dẫn đi Sg chơi vài lần nhân dịp nghỉ hè rồi. 
Saigon thời thơ ấu của tôi là vườn bách thú, là được ngồi trên chiếc xe xích lô máy giữa trời đêm mát mẻ, là tiếng rao hàng buổi sáng của mấy gánh xôi, xe mì gõ, xe bò bía…chỉ thế thôi đã thấy hạnh phúc lắm.

Hình ảnh đọng lại trong ký ức tôi là mấy má con từ Rạch Giá đến bến xe Pétrus Ký, Sg vào buổi tối (hồi ấy bến xe chưa dời ra xa cảng miền Tây). Má thuê xe xích lô máy chở về nhà chú bảy chú tám ở đường Phan Đình Phùng. Thuở ấy mới có 5 chị em, cô út chưa ra đời. Chúng tôi còn bé nên 1 người lớn cùng 5 đứa trẻ con ngồi gọn thỏm trên chiếc xe vẫn còn chỗ cho hành lý. Không khí ban đêm mát mẻ, đường ít xe lưu thông nên xe chạy bon bon. Trong tôi vẫn còn cảm nhận làn gió lành lạnh ve vuốt mặt, tóc thật dễ chịu trong tiếng động cơ xình xịch của chiếc xích lô máy lướt qua những con đường loang loáng ánh đèn.

Với tôi lúc ấy, Saigon là cái nôi của văn minh, của tri thức, phép lịch sự nhã nhặn. Là nơi hội tụ tất cả tinh hoa trong mọi lãnh vực khoa học, giáo dục, văn chương, văn nghệ…
Tưởng một chân trời mới mở ra chào đón tôi dưới nhiều sắc màu tươi đẹp.

Người bạn học gái đầu tiên của tôi ở Saigon là M.H.
Số phận dung rủi cho chúng tôi tình cờ ngồi cạnh nhau. Không do sắp xếp mà vì ngày đầu đến lớp, ai vào trước thì chọn chỗ ngồi trước ai vào sau thì ngồi bàn sau. 
Tôi vốn nhút nhát, có lẽ cô ấy cũng thế nên ngày đầu chúng tôi chỉ nhìn nhau hơi mĩm cười mà không ai trao đổi với nhau câu nào.
Phải sang ngày thứ nhì thì mới bắt đầu làm quen. Tự giới thiệu về mình.

Nhìn dáng vẻ bề ngoài thì chúng tôi có nhiều điểm tương phản hơn là đồng điệu. 

M.H. nhỏ người, tròn trịa. Tóc sợi mỏng mềm mại, xoã nửa lưng màu nâu hơi dợn sóng tự nhiên. Nên nhớ thời ấy thuốc nhuộm tóc chưa thịnh hành, đối với một nữ sinh trung học thì khó thể chấp nhận việc nhuộm tóc màu.
Da trắng ngần, tiếc mặt có nhiều nốt mụn đỏ. 
Nhưng hai bàn tay cô ấy như búp măng tre thanh lịch vô cùng, đầy đặn không một đường gân với những ngón tròn và thon lại ở đầu móng. Ngồi học mà tôi cứ nhìn vào bàn tay bạn, thầm hỏi sao mình không có được đôi bàn tay ngà ngọc như vậy.

Còn tôi thì cao– quá cao so với những cô gái ở thế hệ mình– khi chúng tôi đi cạnh nhau, M.H. chỉ đứng tới tai tôi. Tóc tôi cũng xoã nửa lưng nhưng đen tuyền. Thi nhân tả mái tóc đẹp của phụ nữ, thì gọi là tóc mây. 

Tóc mây một món chiếc dao vàng
Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
(Màu Thời Gian, Đoàn Phú Tứ)

Trong trường hợp mình, tôi chỉ có cảm giác mái tóc mây của tôi nó xù xì khô cứng, to như cọng roi mây mà người lớn thường dùng để đánh con cái. Hoặc như trong ca dao

Tóc rễ tre chải lược bồ cào (ca dao)

Chỉ một điểm tương đồng: chúng tôi là dân tỉnh chân ướt chân ráo vào học trường thủ đô, chưa quen ai nên cứ rụt rè nhút nhát. Y dân nhà quê thứ thiệt.

Có điều M.H. đến từ miền Trung, Quảng Ngãi. 
Tôi dân miền tây, Rạch Giá chính hiệu, tất nhiên rồi.

Theo thời gian, dần dần chúng tôi cũng thích nghi với các bạn. Họ đều hoà đồng, thân thiện chứ không tỏ vẻ gì là kỳ thị dân tỉnh lẻ. 
Ngoài hai chúng tôi, còn có bạn đến từ Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Tiên, Cà Mau…
Sau nầy vào ĐH Văn Khoa, tôi còn kết thêm các bạn từ Quảng Nam, Quảng Trị, Hội An, Qui Nhơn, Phan Rang, Đà Lạt, Phú Yên, Sa Đéc, Long Xuyên…các bạn bắc 54 sống tại Saigon thì đa số.

Trong lớp học sinh nói đủ các giọng: Bắc, Trung, Nam. Hầu hết các giáo sư người bắc 54, có cả 1 thầy dạy Việt văn nói giọng Huế, nhưng nghe rất nhẹ nhàng dễ hiểu. 
Từ khi còn đi học, để khởi đầu một mối giao hảo, tôi chưa bao giờ thắc mắc hay quan tâm về nguồn gốc bạn từ đâu đến cả. Hể ai hiền lành dễ thương là tôi đón nhận với tấm lòng mở rộng. Tôi đón nhận bạn nồng nhiệt như cách bạn đón nhận tôi vậy.

Giờ sau mấy chục năm, tôi vẫn còn giữ liên lạc mật thiết với vài người trong số ấy.
Và bạn bè thân cũng như sơ hiện nay của tôi xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Miễn họ chân thành.

2/-

Trở lại với M.H.
Bạn kể bạn tá túc với người anh cả, trung tá Hải Quân trong cư xá dành cho sĩ quan Hải Quân tại Thị Nghè. Nên mỗi sáng đến trường, anh lính tài xế chở anh cả vào căn cứ ở bến Chương Dương sẵn cho cô quá giang đi học bằng xe jeep, trưa anh lính ghé đón chở về. Cô chỉ biết có hai nơi là trường học và khu cư xá. 

Thỉnh thoảng cuối tuần gia đình anh cả–lấy vợ dân Saigon–chở em gái cùng tháp tùng đi ăn hoặc xem ciné…v..v.. chứ cô không tự ý đi đâu một mình. Phần vì không biết đường đi, không biết chạy xe honda, phần mới vào Saigon, chưa quen thêm bạn nào khác ngoài tôi ra nên cuộc sống tuy thoải mái vì nhà có người giúp việc nhưng khá đơn điệu, cô độc.
Trái với lúc còn ở Quảng Ngãi, cùng bạn bè đi chơi chọc ghẹo phá nhau đúng như câu nói “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, luôn xuýt xoa tiếc nuối về một mối tình học trò bỏ lại ở quê.

Giờ chơi, chúng tôi hay ngồi trong lớp, kể chuyện bạn bè cũ cho nhau nghe. 
Lạ một điều, tuy người xứ Quảng, ngoại trừ vài ngữ âm địa phương, MH. nói tôi đều hiểu, không phải há hốc mồm, tròn mắt hỏi đi hỏi lại như sau nầy khi đi du lịch ở các vùng ấy, mặc dù cô cũng mới vào Sg, còn giữ nguyên giọng nói.

Một vài lần, giáo sư nghỉ bịnh, mà anh lính tài xế chỉ đến đón lúc 12 g tan trường nên MH. không thể về trước giờ ấy được, tôi đề nghị cô đến nhà chị em tôi (sống với chú thím tám) chờ tới giờ hãy quay lại trường để về nhà.

So với MH hai chị em tôi được tự do hơn. Vì ba má cho chị em tôi mang chiếc xe honda 50 theo để tiện chở nhau đi học, nên vào cuối tuần chúng tôi được chú thím cho phép đi chơi, chẳng hạn đi mua sách ở Lê Lợi hoặc đến nhà người dì ở Thủ Đức.

Một năm sau, chúng tôi dọn ra nhà trọ ở khu công chức dành cho học sinh sinh viên các tỉnh thuê đường Nguyễn Trải vì thêm 1 cô em gái cùng lên đi học, không thể làm phiền chú thím nhiều quá thì chúng tôi mới dám cùng bạn bè đi xem ciné những phim Pháp, Mỹ mới trình chiếu, ăn kem Nguyễn Huệ, ăn bánh cuốn Nguyễn Tri Phương, phở Pasteur, mì vịt tiềm dọc Hồ Con Rùa, đi Lái Thiêu ăn măng cụt, bòn bon, đi Thủ Đức ăn nem, với bạn hoặc với…ai đó !! 
Và còn những chuyến đi dã ngoại: Vũng Tàu, Biên Hoà, vùng phụ cận. Nhớ biết mấy cho vừa !

MH than buồn, hỏi tôi có nhiều bạn cho cô cùng quen với. Tôi nghĩ đến LCĐ gốc Qui Nhơn cũng đang solo, là một người anh khá thân thiết với chị em tôi nên có nhã ý bắt nhịp cầu cho hai anh chị.
Cả hai đều đồng ý, nói : Ừ, gặp thử xem sao. Nhưng thái độ anh LCĐ có vẻ không mấy mặn mà với lời đề nghị nầy lắm, chắc chỉ muốn làm vui lòng tôi thôi.

Hôm ấy không có tiết, nhưng MH nói dối với anh và chị dâu là có giờ học thêm, vì vậy bắt buộc bạn phải mặc nguyên bộ áo dài trắng nữ sinh. Đến nhà tôi trước. Lát, anh LCĐ chạy vélo-solex đến sau. 

Tôi mang dĩa bánh, trái cây (gì quên rồi, nhưng chắc chắn là món khoái khẩu của lũ học trò) ra đãi. Chưa ai đụng miếng nào, định chờ anh đến cùng ăn.
Anh dựng xe trước cửa nhà, bước vào. Tôi lên tiếng chào, chưa kịp giới thiệu hai bên—dù hai người họ đã chiếu tướng từ giây phút đầu rồi—, thì anh vừa ngồi xuống ghế vừa đưa tay bóc ngay cái bánh cho vào mồm tức khắc. Ôi trời !!!
 
MH nhìn tôi. Thấy ngay sự ngỡ ngàng trong đôi mắt của cô ấy. Tôi ngượng quá sức.
Sau đó, có lẽ LCĐ nhận biết sự bất lịch sự của mình nên lên tiếng xin lỗi với lý do là vì đang đói bụng sáng chưa ăn gì, với lại bánh hấp dẫn quá nên cầm lòng không đậu. Với lại, là người nhà cả nên quá tự nhiên đừng chấp.
Nhưng có lẽ do anh mất bình tĩnh mà ứng xử như thế.

Cuộc chuyện trò không mặn mà cũng không đến nổi tẻ nhạt. Gần trưa, tôi yêu cầu LCĐ chở MH thả xuống trước cổng trường cho người nhà cô đến đón, anh lại bồi tiếp một câu:
—Chà chà, người thế này ngồi sau xe chắc tôi chạy không nổi quá. Tôi ốm queo mà chiếc xe cũng ốm.
Nói xong quay qua nhìn tôi. Trời ơi ! Chắc mặt tôi sượng sùng lắm.
Biết tôi đang tức, anh cười:
—Anh nói đùa cho vui thôi, MH lên ngồi anh chở về.

Bình thường anh là một người rất tế nhị, sâu sắc. Đọc nhiều sách vở. Ba anh là giáo sư dạy trung học đã mất vì bịnh. Gia đình có tiệm bán sách báo ở Qui Nhơn. Lúc anh gặp tôi lần đầu, tôi mới bước qua ngưỡng cửa 16 tuổi, anh mua mấy quyển truyện Tình Sử Dương Quí Phi, Love Story, Uyên Ương Gẫy Cánh… cho tôi đọc với lời đề tặng đích danh tôi đây mà. Anh chọn toàn những truyện hợp ý thích tôi, chứng tỏ là anh rất am hiểu tâm lý con người, thế sao anh lại ứng xử tệ thế với bạn gái tôi nhỉ.

Biết tôi giận nên phải mấy tuần sau anh mới dám đến thăm, tôi trách cho một tràng:
—Trời ơi, anh làm TH quê với bạn quá. Tưởng đâu hai anh chị cùng dân miền Trung gặp nhau ở đất Saigon thì sẽ dễ thông cảm gần gũi nhau, ai dè gặp con gái lần đầu anh chê mập thì còn sĩ nhục nào hơn. Vậy mà anh cũng sắp làm luật sư đó. Ai dám mướn anh cãi cho họ chứ.
Anh nhăn nhó :
—Anh vì nể em nên mới gặp bạn em chứ anh đâu có ý định làm quen với bất cứ ai. Chỉ một người anh nghĩ đến mà họ vô tình quá không biết. Em không hiểu anh gì hết.
—Nếu anh không thích thì cũng phải tỏ ra galant lịch sự chút chứ, bình thường anh có như vậy đâu.
LCĐ chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, sáng rực :
—Cho anh xin lỗi, lúc đó anh mất bình tĩnh nên không biết phải nói gì, cư xử gì cho phải.
—Anh đâu có lỗi gì với TH, mà với MH kìa. Vậy lần tới gặp anh xin lỗi bạn ấy nhé.
Anh lắc đầu:
—Thôi, anh không gặp cô ấy nữa đâu. Mà từ đây về sau em đừng có giới thiệu ai cho anh nữa. Anh biết rõ lòng anh mà.
Tôi tự ái :
—TH có ý tốt mà anh từ chối thì thôi, phải nói ngay từ đầu cho em khỏi mất công, mà tội nghiệp cô ấy còn quê hơn em nữa.

Bị cằn nhằn anh biết thân, không trả lời. Gương mặt trầm tư, rồi mượn cây guitar vừa đàn vừa hát nho nhỏ :
Yêu ai yêu cả một đời
Tình những quá khắc khe khiến cho đời ta
Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…

Yêu ai ai hiểu được lòng
Thầm kín những đớn đau với riêng lòng ta
Ấp ủ lạnh lùng, tình yêu kia mà người nào hay…
( Nỗi Lòng, Nguyễn Văn Khánh )

Tôi phải biện hộ phân trần với MH để cô ấy đỡ ngượng. Sau vụ đó tôi không nhắc gì về LCĐ với cô nữa.

Thời gian lặng lẽ đi qua. Kỳ thi tú tài đôi cũng qua.
Bỗng MH quay về Quảng Ngãi, chỉ nhắn tin tôi hay mà không nói rõ lý do. Có lẽ thi trượt. Tôi vào Văn khoa. Vì tế nhị tôi không dám hỏi nguyên nhân sao bạn không tiếp tục học nữa. Nhưng chúng tôi vẫn viết thư cho nhau. Không thường xuyên. Vài tháng một lần, đủ để thông tin liên lạc, biết là bạn khoẻ mạnh bình an.

Còn LCĐ, không hiểu sao càng ngày anh càng ủ ê khép kín. Đến thăm chúng tôi cùng vài người bạn đồng hương ở trọ chung nhà, người học ĐH Sư Phạm, kẻ ĐH Nông Lâm Súc… Ai nấy vui vẻ tự tin nói cười tự nhiên, mà anh cứ ngồi lầm lầm lì lì hỏi câu nào trả lời nhát gừng câu ấy. Chúng tôi mệt mỏi với thái độ thu mình vào vỏ ốc đó nên mặc anh với “mối sầu riêng”. Sợi dây thân tình mỗi lúc mỗi mỏng manh thêm, có nguy cơ đứt đoạn dễ dàng bởi thái độ xa cách ấy.
Tôi thêm nhiều bạn mới ở trường. Thời giờ dành cho trường lớp, cho những niềm vui khác đã không còn chỗ cho những băn khoăn về anh– kẻ tự tách mình ra bên lề.

Các chuyến thăm viếng của anh thưa dần, rồi gần như dứt hẳn. Nên khi dọn ra chỗ ở mới, chúng tôi không thể báo tin cho anh, vì các bạn anh nói trước đó anh cũng đã dọn ra nơi khác không để lại địa chỉ.
Giờ chỉ còn liên lạc với người anh lớn LCT qua thư từ, vẫn ở lại Qui Nhơn để trông coi tiệm sách gia đình.

Trong 1 lá thơ anh lớn LCT gởi cho chị tôi, có nhắc vài hàng về nỗi buồn của em mình nhưng không tả cụ thể. Rằng anh ấy vô tình đọc lá thơ em trai mình bỏ quên trong quyển sách khi về thăm nhà, viết về sự đau khổ gì đó mà tôi đã gây ra cho LCĐ khiến anh lớn cũng rất chạnh lòng cho người em ít nói của mình.
Ô, có chuyện ấy sao ? Khi nào và về việc gì ? Tôi đâu hay biết. Nếu tôi có làm gì khiến anh đau khổ mà anh không nói thì sao tôi hiểu. 
Hồi ấy tôi quả vô tình, ngây ngô non nớt.

Tôi không để tâm thắc mắc lâu. Mỗi người với những bận bịu riêng: thi cử, bạn bè… 
Coi như tình thân đưa đẩy chúng tôi chỉ giao nhau trên một đoạn ngắn của cuộc đời rồi tới ngã rẽ, ai đi theo con đường của người ấy vậy. 

3/-

Rồi ngày 30 tháng tư đến…
Qua báo chí tin tức, biết miền Trung thất thủ với các cuộc chạy loạn kinh hoàng đẫm máu. Cảnh pháo kích, cướp bóc, hôi của, trúng đạn, mìn, nhà cháy, sập… Người đạp lên xác người mà chạy, kẻ bị thương hấp hối nằm la liệt kêu rên. 
Chỉ nghe kể đã khiếp hãi, nếu mình ở trong cuộc thì còn tệ hại đến cỡ nào.

Chúng tôi dọn dẹp sách vở, quần áo, đồ đạc về quê.
Tương lai khép kín. Mộng đời tan vỡ. Cuộc sống bất định.

Trong thời gian người miền Trung bỏ quê chạy nạn đổ dồn về Nam, khoảng giữa tháng 4, tôi không nhớ rõ vì sao mà chúng tôi có địa chỉ nhà người bà con của anh LCĐ ở Saigon nên có tìm thăm. Người chị họ kể rằng anh lớn LCT dẫn mẹ và các em vào đây lánh nạn. Hiện giờ đang ra ngoài, ngày nào anh cũng đi từ sáng đến chiều để theo dõi tin tức hay tìm đường đi sao đó, chúng tôi không tiện hỏi. Cũng không gặp được anh LCT để chào.

Riêng anh LCĐ thì đầu tháng 3 bỏ học chạy ngược về Qui Nhơn. Và tình nguyện hy sinh ở lại trông nhà vì sợ tình trạng nhà vắng chủ sẽ bị cướp bóc, hôi của.

Tôi nghe mà bàng hoàng. Vì lúc ấy tôi vẫn ngây thơ ngỡ chỉ có miền Trung bị mất chứ miền Nam vẫn là của người Nam. Thôi thế là từ đây vĩnh biệt anh LCĐ, coi như bị ngăn chia thành hai chiến tuyến khác nhau rồi. Đáng lẽ hè năm đó là anh ra trường luật.
Tưởng tượng cảnh chia ly của gia đình anh, tôi thấy tan nát lòng như thể phải chia ly với chính gia đình mình vậy.  
Về quê, vài tháng sau, tôi thử viết thơ về địa chỉ MH ở Quảng Ngãi, cả hai lần đều không có trả lời. Biệt vô âm tín đến bây giờ.

Cứ mỗi năm gần đến 30 tháng 4, từng ấy câu hỏi lập lại day dứt lòng tôi không ngớt : Bạn MH ở đâu ? Còn sống hay đã chết trong lần di tản tháng 3 kinh hoàng đó ? Hoặc gia đình MH đã kịp vào SG theo người anh cả trung tá hải quân xuống tàu và giờ yên lành trên đất Mỹ ?
Tôi muốn tin theo giả thuyết thứ nhì nầy. Nhưng sao vẫn thấy chạnh lòng.

Anh LCĐ ra sao ? Gia đình anh có thành công tìm đường ra biển hay phải quay về Qui Nhơn ? Tiệm sách bị đóng cửa hay sung thành tiệm sách quốc doanh ? 
Đã 46 năm rồi, bây giờ các anh các bạn ai còn ai mất ? Nếu còn trên cõi đời thì có khoẻ mạnh bình an ? Có con đàn cháu đống hạnh phúc đề huề hay lủi thủi cô độc trong viện dưỡng lão nào đó? Hay là thế nầy hay là thế nọ ?

Ô hay hôm nay tôi làm sao thế nhỉ ? Đâm lẩn thẩn mất rồi.
Khi bắt đầu viết, tôi chỉ nhớ mỗi cô bạn Quảng Ngãi MH. Rồi câu chuyện cứ như xâu chuỗi liên kết nhau xuất hiện thêm anh LCĐ. Lần lượt đến người anh lớn LCT ( là một câu chuyện khác, nhưng tôi sẽ không kể). 
Và rồi thêm những bóng người khác–cả thân lẫn sơ–trong dòng ký ức bụi bặm tro tàn bỗng dưng sống dậy, như mới vừa gặp họ hôm qua hôm kia, nhớ đến từng lời nói cử chỉ nét mặt.

Lại tự hỏi : Trong số những người bạn thuở xưa, có ai một hôm bất chợt nghĩ nhớ đến tôi –dù chỉ vài giây phút ngắn ngủi– như tôi đã chợt nghĩ đến họ không nhỉ ? Và muốn biết bây giờ tôi ra sao như tôi muốn biết về họ ?

Thôi, hãy để gió cuốn đi như lời bài hát :
Không, trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng
Lòng người như chiếc lá nằm trong cơn gió vô tình
( Ngăn Cách, Y Vân )

Thanh Hà
April 2021



6 nhận xét:

  1. Sáng hôm nay ông Google "hổng thèm chơi" với thầy Hoàng nữa, nên nhờ Hoa chuyển đến cho Thanh Hà:

    "Đọc bài viết Thanh Hà làm tôi nhớ Sài Gòn những ngày tháng Tư của hơn 45 năm về trước, nhớ vô cùng... Thật vui thấy ngòi bút tự tình đầy hình ảnh và cảm xúc của TH sôi động trở lại!
    Và cũng chợt nghe văng vẳng đâu đây bài hát:

    Đêm nhớ về Sài Gòn
    Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
    Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi
    Đường im nghe quá khứ trong sâu
    Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau (Đêm Nhớ Về Sài Gòn - Trầm Tử Thiêng)

    Thân mến,
    NN Hoàng"

    Hoa cũng thường xuyên theo dõi những bài viết thật lý thú, nhiều hình ảnh của Thanh Hà.

    Chúc TH nhiều sức khỏe, an vui!
    NKH

    Trả lờiXóa
  2. Chào Kim Hoa,
    TH đoán Kim Hoa là phu nhân của thầy Hoàng ? Thật vui được Kim Hoa nhắn tin chuyển lời thầy Hoàng cho T.Hà đó.

    TH không biết xưng hô thế nào cho hợp tình hợp lý, đáng lẽ Thầy thì phải Cô mới đúng nhỉ ? TH cám ơn K.Hoa và thầy Hoàng đã dành cho bài viết của TH ý nghĩ tốt đẹp. Đó là sự khích lệ rất lớn lao mà TH rất hân hạnh đón nhận từ độc giả của blog THKT.

    TH nghĩ giai đoạn đẹp nhất trong đời người là thời đi học. Đó là cái tuổi đã hết trẻ con mà chưa hẳn người lớn. Nhìn đâu cũng toàn một màu hồng , với bao hoài bảo ước mộng về tương lai tươi đẹp. Kể cả tình yêu lúc đó cũng ngây thơ trong trắng như tờ giấy. Gọi là tình yêu , nhưng cũng chưa hẳn là tình yêu. Chỉ là những rung động đầu đời, rất nhẹ nhàng, lãng mạn...thế thôi.

    TH tiếc nhớ nhiều nhất giai đoạn đi học. Bao kỷ niệm đẹp khắc sâu vào hồn không thể nào quên được.
    Thôi thì thỉnh thoảng cho hồi sinh bằng hoài niệm vậy.

    TH cũng mong đọc thêm nhiều bài của thầy Hoàng. TH còn xa lắm mới bắt kịp tài làm thơ văn của thầy.

    Chúc Kim Hoa và thầy luôn bình an , vui mạnh và hạnh phúc thật nhiều.
    Thân mến,
    Thanh Hà






    Trả lờiXóa
  3. Hi bạn Thanh Hà, cám ơn bạn cho mình trở về Sài Gòn một thời dấu yêu dù KT chỉ biết được EM SG sau 1975 , trước đó chỉ biết qua sách báo.

    Và để cám ơn bạn, KT mời Kim Hoa , thầy Hoàng và bạn nghe lại bài hát này nha .

    Đêm Nhớ về Sài Gòn/ tg Trầm Tử Thiêng/ Kim Trúc trình bày

    https://youtu.be/nBalRB4TUfM

    Xin chúc sức khỏe đến thầy Kim Hoa và Thanh Hà hé .

    Trả lờiXóa
  4. Kim Trúc thương,
    TH cám ơn KT đã đọc bài TH viết. Thời TH đi học ở Sg có nhiều kỷ niệm dể thương, thỉnh thoảng mấy chị em TH nhắc lại vẫn còn tiếc nuối nhiều lắm. Chắc vì lúc đó chúng ta đều vô tư lự, chưa gặp sóng gió khổ đau nào cả nên nhớ tiếc về nó là phải rồi nhỉ?

    Nhưng mà một đời người thì ai cũng ít nhiều trải qua những thăng trầm, để rồi nhận chân ra cuộc sống rất đáng để ta trân trọng, quí yêu nó nhiều hơn.

    KT ui, sao tui mở hông được cái link KT hát Đêm Nhớ Dzìa Saigon dzị hè.

    TH chích vaccin rồi đó. Vẫn bình thường chớ không bị phản ứng gì hết. 4 tuần nữa, giữa tháng 5 là chích mủi thứ nhì.

    Chúc KT và gia quyến luôn bình an vui mạnh, bửa nay vườn nhà KT cây gì mọc rồi ? TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi bạn cho KT trã lời ngắn gọn , đừng giận bạn nhé .
      TH copy cái link rồi coller vô Google, Nhà thông thái ấy sẽ truy cập cho bạn tức khắc đó.
      Mình chúc bạn thành công vui khỏe nè ❤️

      Xóa

  5. TH đừng bao giờ gọi là cô nghen, "tổn thọ" lắm! Vì thật ra Hoa cũng là học trò năm xưa của thầy Hoàng đó TH!

    Kim Trúc hát bài "ĐNVSG của TTT" thật nhẹ nhàng, khơi lại bao nhiêu xúc cảm của một quê xa. Hình ảnh MV tuyệt vời với bao nhiêu con đường, góc phố của một Sài Gòn năm xưa, của một Sài Gòn ngập tràn kỷ niệm một thời (chữ của thầy Hoàng).

    Thầy H và Hoa mong được đọc và thưởng thức những bài viết mới và ca khúc mới của KT và TH.
    NKH

    Trả lờiXóa