Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Kiên Giang Một Lần Nhìn Lại - Phần 2

 *** Trích tuyển tập "Về Mái Trường Xưa 2000"
Truyện ngắn của Nhã Quân 


Xe đi ngang qua ngã tư Am Ông Địa rồi ngã tư nhà giảng Tin Lành, Trần nhìn thoáng qua con đường Chi
Lăng.  Con đường băng qua cái nghĩa địa mà vào những dịp lễ thanh minh cả khu vực trở nên rực rỡ lên với những sắc màu của giấy vàng mã, và màu sơn mới của những ngôi mộ nằm dọc hai bên đường.  

Từ đó dẫn xuống đường Lâm Quang Ky.  Con đường có ngôi nhà thân yêu đã chở che cho chàng và những người thương cho gần một nửa cái thời niên thiếu của chàng.  Chính căn nhà đó là chứng nhân cho cái gương kiên trì, bền bỉ và cái mộng “dời non lấp biển” của ba chàng.  Trần nhớ ngày đầu mua lại căn nhà của một cảnh sát viên trong cái khu gia binh của Cảnh Sát, qua sự giới thiệu của anh rể chàng, cũng là một cảnh sát viên.  Căn nhà với hầm hố trước mặt và hai bên.  Đi vào nhà phải qua cái cầu ván.  Như vậy đó mà chỉ gần ba năm sau thôi, tất cả hầm hố chung quanh nhà được lấp bằng, và mảnh đất của khu nhà được nối dài ra biển, gần gấp đôi so với những khu đất kế cận.  Từng ngày, ba chàng đã bền bỉ tải những khối đất biển bằng chiếc xe “cút kít”, cũng chính ông làm ra, để bồi đắp cho khu đất nhà.  Nó như một thú tiêu khiển của ông, nhưng nhiều lúc thấy xót xa với cái công việc nặng nhọc đó, má chàng phàn nàn,
“Bộ ông định lấp luôn ra tới biển mới vừa bụng ông sao?”  Ba chàng trả lời,
“Cái gì người ta làm được, mình làm được mà bà!”

Cái triết lý đơn giản đó và cái hình ảnh kiên trì, bền bỉ của ba chàng đã thực sự ăn sâu trong lòng chàng.  Nó như một thứ áo giáp vô hình đã chở che cho chàng trong những ngày tháng ở tù, và Trần biết nó sẽ là một thứ vũ khí mà chàng rất cần để đương đầu cho những ngày tháng sắp tới.

Căn nhà bây giờ dùng làm nơi thờ phượng ba má chàng và do gia đình anh chị chàng ở.  Từ sau cái lần vượt biên thất bại mấy tháng trước với người anh lớn, Trần không bao giờ dám trở về đó nữa.

Chiếc xe dừng lại ở ngã tư Xã Mai, Trần xuống xe với một hành khách khác. Tay cầm chặt cái xách tay, có mấy bộ đồ trong đó. Chàng thẩn thờ nhìn suốt con đường Cô Bắc, một thoáng kỷ niệm chợt sống lại trong lòng chàng.  Đã lâu rồi từ ngày chàng và Th. không còn liên lạc với nhau.  Cái mặc cảm bỏ cuộc, trốn chạy vẫn còn làm chàng nghe ray rức!  Cuộc tình của chàng và Th. chấm dứt không kèn, không trống.  Nó đơn giản như sự thời tiêu của một khế ước.  Nó không có những ồn ào chất vấn và nó cũng những quẩn quanh giải thích.  Th. là vậy đó.  Nàng chỉ biết yêu là yêu...!

Bên kia là đường Cô Giang, sau một thoáng tần ngần, Trần băng qua đường và thả bộ về nhà chị chàng.  Quang cảnh chung quanh không thay đổi nhiều lắm.  Vẫn cái quán cà phê ở ngã tư; vẫn cái nhà in ở góc đường, nhưng không biết có còn hoạt động không; vẫn con lộ lởm chởm đá sỏi; vẫn con hẻm vào nhà chật chội, có lẽ vừa đủ cho hai người đi đối diện qua mặt nhau...
Trần bước vào nhà, chị chàng dang ngồi ở bộ “đi-văn” ăn trầu, ngẩng đầu lên nhìn.
“Thưa chị Tư.”   
Sau một thoáng ngỡ ngàng, chị chàng kêu lên,
“Cậu mười!  Mấy đứa ơi, cậu mười về nè bây ơi!”  Chị chàng vẫn thường có cái thói quen gọi chàng là “cậu mười”, mặc dầu trong gia đình chàng là đứa con thứ mười, nhưng theo cái thứ bậc của người Nam, chàng phải là thứ mười một.  Chàng còn một chú em Út.  Không biết có một lý do nào đó mà những bà chị chàng chọn cái cách gọi chàng là “Cậu Mười nhỏ” (để phân biệt với người anh trên chàng), thay vì là “Cậu Út lớn”.  Mấy đứa cháu chàng từ sau bếp ùa ra mừng rỡ,
“Tụi con tưởng đâu cậu đã đi được rồi chớ!”

Chị chàng hỏi thăm về tin tức của vợ con chàng ở trại tỵ nạn. Trần giải thích qua loa.  Chị chàng hối chàng đi tắm cho khỏe, rồi bão mấy đứa nhỏ dọn cơm.  Cùng với gia đình chị chàng, quây quần trên cái “đi văn” ăn bữa cơm tối, Trần ăn một bữa cơm ngon lành với cá rô kho tộ!

Buổi tối chàng mượn chiếc xe đạp của đứa cháu, đạp một vòng ra phố.  Từ đường Nguyễn Trung Trực Trần đạp xe về hướng chợ.  Những ngọn đèn đường yếu ớt, vàng vọt không đủ chiếu sáng những cảnh vật hai bên đường. Trần đạp xe chậm lại trên cầu đúc. Gió từ biển đêm thổi về làm chàng nghe dịu đi cái không khí oi oi của một ngày nắng.  Chàng nhớ lại câu chuyện của một chiếc cầu đã gẫy.   Nó không phải là chiếc cầu ở Huế mà Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, mà là chiếc cầu mà chàng đang đi qua, chiếc “cầu đúc” quen thuộc của những cư dân Kiên Giang và một lần nào đó trong cái thuở chiến tranh, nó là nạn nhân của một sự phá hoại!  

Trần quẹo qua đường Trần Hưng Đạo.  Chàng muốn nghe lại tiếng gió rì rào trên những ngọn cây sao cao lêu nghêu ở hai bên đường; chàng muốn ngắm lại dòng sông êm đềm xô những cụm lục bình trôi thảnh thơi ra biển; chàng muốn ngắm lại cái quán Ba Ký để nhớ lại những lần họp mặt ồn ào thuở nào với thằng Hội, thằng Thuận, thằng Thanh, thằng Lền.., và để nhớ những lần nhậu quắc cần câu, lũ bạn phải khiêng chàng về bất tỉnh. Gìờ thì có thằng vượt biên, có thằng đã ra đi vĩnh viễn, có thằng dang quần quật kiếm sống cầu mong sao cho qua nhanh một đời!

Trần cố moi trong trí nhớ của mình về những người bạn còn lại.  Hình như bây giờ không còn ai nữa.  Tháng trước về, chàng có ghé thăm chị tư của Ph.  Bây giờ vợ chồng nó định cư ở Canada.  Gặp vợ thằng L. biết được giờ nó đang ở Mỹ...

Trần đi qua khu phố trước mặt rạp hát Châu Văn.  Đã từ lâu lắm, hình như là từ sau năm 1974, chàng không có dịp nhìn những sinh hoạt phố xá của Kiên Giang về đêm. Những hình ảnh xa xưa như lờ mờ hiện ra trong trí nhớ của chàng.  Hình như nơi nầy có những quán “bia ôm” ồn ào với những ngọn đèn màu tối lù mù; nơi kia có những quán ăn với mùi xào nấu thơm phưng phức; nơi đó rạp hát Châu Văn sặc sỡ với những bản quảng cáo dầy màu sắc cho những phim ca vũ nhạc Ấn Độ... Nhưng bây giờ trước mặt chàng là một khu phố nằm gần như im lìm, bất động.  Các tiệm chạp phô hai bên đường giờ nầy đã đóng cửa.  Một chiếc xe gắn máy chạy vụt qua để lại những cụm khói khét lẹt và những âm thanh khuấy động sự yên tỉnh của khu phố.  Đằng kia ánh sáng của những ngọn đèn dầu từ mấy chiếc xe bán thuốc lá và bia rượu nước ngoài chiếu lờ mờ.  Trần biết ở đó có Th.  Lần về trong tháng rồi chàng tình cờ gặp H. và H. đã đưa chàng ghé lại thăm nàng ở đó.  Trần phân vân không biết mình có nên ghé lại từ giã nàng không.   Nhưng không hiểu vì một lý do nào đó, Trần tiếp tục đạp xe đi xuống hướng cầu tàu Mỹ.  Khi đi ngang qua chỗ nàng bán, chàng dừng lại bên kia đường, nhìn qua.  Th. đang ở đó với chồng nàng.  Ánh sáng vàng nhạt của ngọn đèn dầu đủ soi rõ khuôn mặt nàng.  Vẫn cái nét tươi tắn, hồn nhiên thuở nào.  Nàng đang cười cười, nói nói.  Trần lẫm bẫm một mình, “Giả biệt Th.”, rồi lầm lũi đạp xe đi mà không còn biết mình đi đâu.

Tự dưng Trần có cảm tưởng mình như người mộng du. Chàng băng qua chiếc cầu dẫn qua bến xe Hà Tiên, chàng định đi qua trường Nguyễn Trung Trực, để tìm lại chút kỷ niệm của cái thuở học trò ngày nào, nhưng giờ nầy có lẽ hơi trễ.  Chàng đi qua khu nhà, xưa là Ty Thông Tin, rồi qua tòa nhà Bưu Điện.  
Từ đó chàng đạp xe đi theo con đường ngang qua dinh tỉnh trưởng cũ.  Những chiếc ghe đánh cá vẫn chen chút nhau trên một đoạn sông chật chội.  Bên kia sông là đường Bạch Đằng.  Con đường đó dẩn xuống đường Hoàng Diệu, chạy dọc theo bờ biển.  Con đường dẫn ngang qua trường Nguyễn Trung Trực cũ, mà chàng đã học từ đệ thất và cho đến hết năm đệ tứ, trước khi dời qua ngôi trường mới ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trần nhớ đến những buổi sáng đến trường, trong khi chờ đợi cổng trường mở, những nhóm nữ sinh trong quần đen, áo dài trắng chen lẫn trong những nhóm nam sinh trong áo trắng quần xanh. Họ chiếm cứ cả một đoạn đường trước cổng trường học; họ cười nói huyên thuyên; họ chuyện trò hồn nhiên và họ mộng mơ về một tương lai nào đó...

Trần chợt nghĩ đến những mộng mơ của mình.  Những mộng mơ mà chàng vẽ vời, tô diểm và nuôi dưỡng, từ sau khi bước vào ngưỡng đại học.  Nhưng rồi mùa hè đỏ lữa đến! Nó đã mang theo cái lửa đỏ thiêu cháy tất cả những mầm xanh hy vọng trong lòng chàng và của tất cả thanh niên vào lứa tuổi của chàng.  Vưà xong đại học, chàng đã phải khăn gói lên Quang Trung trình diện để đi vào quân đội!  Tưởng đâu cái dư âm của mùa hè đỏ lửa năm nào sẽ tàn lụi với thời gian, để cho những mầm xanh trong cây hy vọng về tương lai của chàng sẽ lại đâm chồi.  Nhưng cái lửa đỏ năm nào vẫn còn âm ỉ đâu đó, và nó chợt bùng lên, lan tràn trên khắp chiến trường.  Và cái tháng tư đen thực sự đã bứng đi cả gốc rể của thân cây hy vọng trong chàng..!

Gió biển thổi vào làm xôn xao hàng dừa dọc bờ sông.  Trần nghe ớn lạnh.  Cái thứ ớn lạnh không do từ gió biển, mà nó xuất phát từ những mất mát, những hoài nghi, chán chường và tuyệt vọng.  Gần đến sân vận động, Trần quay xe lại, chàng không thể tiếp tục đi nữa.  Chàng nghe nhớ đến vợ con chàng quá đổi!   Khi xe lên chiếc cầu sắt, trước bưu diện, Trần chợt nhớ đến H., vợ chàng.  Nhớ đến mùa hè năm nào nàng theo anh chị nàng về thăm Kiên Giang... 

***
Khoảng cuối tháng sáu, Kiên Giang có những trận mưa sớm bất ngờ.  Sau một cơn mưa đủ làm ướt đất, Anh chị H. đưa nàng đến thăm gia đình chàng.  H. sững sờ nhìn Trần, vì nàng không ngờ chàng chững chạc đến như vậy!  Điều đó làm nàng lúng túng.  Nàng không thể tiếp tục xưng hô với chàng bằng tên, như nàng vẫn thường dùng một cách khách sáo, trong những lá thư trao đổi với chàng và ngay từ giây phút đó, nàng đã xưng “em” ngọt xớt. 

Trần đưa nàng qua những con đường mòn, băng qua khu nhà bao bọc bởi những cây ăn trái xum xuê, trong khu vườn nằm giữa đường Lâm Quang Ky và đường Nguyễn Trung Trực và chạy dài từ khoảng nhà giảng Tin Lành đến Am Ông Địa.  Qua một cây dâu, say đầy những trái no tròn, H. say sưa ngắm nhìn những chùm dâu chín mộng.  Trần nài nỉ người chủ nhà và mua cho nàng mấy ký dâu.  Trước khi anh chị nàng đón nàng về, H. đã chọn lại những quả dâu to nhất gởi lại cho ba má chàng.  Rồi ngay sau khi nàng về, Trần đã viết một lá thư dài cho nàng, chàng hy vọng khi nàng về đến Sài gòn, nàng sẽ nhận được lá thư đó.  Trong thư chàng gửi theo một bài thơ tán tỉnh, và chàng còn nhớ hai câu cuối của bài thơ lục bát:

Em về để lại mớ dâu,
Phải em mơ chuyện cau trầu, không em?

Buổi sáng hôm sau, H. theo anh chị rời Kiên Giang, và trên đường đến trường, cũng ngay chính trên chiếc cầu sắt nầy, chàng đã gặp nàng trên chiếc xe hơi với anh chị nàng.  Nàng quay lại vẩy tay cho đến khi bóng chiếc xe khuất ở cuối một góc đường.

***
Trần không biết vợ chồng người ta phải có cái duyên, cái nợ với nhau không.  Và nếu không vì cái duyên
cái nợ thì chắc là H. phải được một bà tiên hiền ban cho một phép ước, để cho câu chuyện những quả “dâu” biến thành sự thực.  Nàng và chàng thành vợ thành chồng sau khi chàng vào quân đội.   Cưới nhau được hơn một năm rưởi, nhưng cái thời gian họ thực sự gần nhau chỉ vài ba tháng.  Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến. mang theo cái “tai trời ách nước” cho toàn dân miền Nam Việt Nam.  Sau cái ngày đánh dấu cho một mở đầu cho những mất mát, những đổ vở, những chia ly và những tang tóc điêu thương đó, vợ chồng chàng lại xa nhau trong khi đứa con đầu lòng chào đời vừa hơn ba tháng...! 

Trần nghe có một cái gì đó chợt làm lòng chàng ấm lại.  Chàng hâm hở đạp xe nhanh lên, không để ý đến những gì chung quanh nữa.  Chàng đã tìm thấy một niềm hy vọng đang dâng đầy trong lòng chàng.  Tương lai của đứa con gái chàng và ước mơ một ngày đoàn tụ đã thôi thúc chàng ra đi.  Chàng phải ra đi!  Vợ con chàng đã mang theo những hạt hy vọng và họ sẽ gieo lại những hạt đó cho chàng trên một vùng đất mới nào đó.

Trần dừng xe lại bên này cầu đúc và nhìn ra biển nghe lòng bình yên.  Về đêm biển yên lặng và thu nhỏ lại như cái mặt hồ rộng mênh mông.  Tia sáng của những ngọn đèn, có lẽ của những ghe lưới cá, thấp thoáng rải rác ngoài kia như những con đom đóm lập lòe.  Ngày mốt, ngày kia chàng sẽ ra đi.  Biển sẽ đưa chàng đi; biển sẽ chở che cho chàng; và biển sẽ cho chàng lại những hy vọng mà chàng bị cướp mất đi.  Trần lẩm bẩm một mình,
“Giã từ Kiên Giang, giã từ những người thân yêu của tôi...!”

Nhã Quân 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét