Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Chỉ Còn Một Chỗ Đó

 Truyện ngắn của Phạm Hồng Ân 


Tôi tìm Tuyền không khó khăn, dù cái đất Sài gòn này ngổn ngang đường xá. Hơn nữa, khu Học Viện Quốc Gia Hành Chánh là nơi tôi qua lại quen thuộc trên đường Trần Quốc Toản, khi lang thang theo Tuyền về Phú Thọ những năm còn đi học. Ngày nay, khu này đã bị việt cộng chiếm dụng làm trường chính trị đào tạo cấp lãnh đạo. Và Tuyền được tuyển dụng vào đó phục vụ trong ban đời sống. Tôi chẳng biết ban đời sống là ban đách gì, chỉ thấy Tuyền khua rổn rảng một đống chìa khóa nơi lưng quần.
Tôi đợi Tuyền không lâu. Chỉ vài phút sau, nàng đã đạp xe ra cổng. Gặp nhau, nàng bỗng buông xe ngã xuống lề đường, chạy vội ôm chầm lấy tôi.
- Trời ơi! Sao anh ốm thế này? Anh khỏe không? Anh cải tạo lâu không?
Tôi ngó ông gác cổng, rồi đẩy nhẹ nàng ra.
- Anh ở tù, chứ cải tạo gì? Bảy năm tù thiếu ăn, nên ốm đó.
Ông gác cổng chen vô.
- Ở trỏng có khổ lắm không cậu?
Tôi cười hi hi.
- Có tù nào mà sướng, ông thầy!
Ông gác cổng cười hì hì.
- Thôi, cô cậu gặp nhau vui vẻ. Nhớ về sớm nha, cô Tuyền.
Tôi đạp xe theo Tuyền. Sài Gòn nắng chói chang. Nắng đổ mồ hôi lên lưng Tuyền, lên lưng tôi. Nắng bốc lửa trên mặt nhựa, làm đôi dép mỏng dánh của tôi ngùn ngụt hơi nóng. Tuyền vẫn thướt tha chạy trước. Cái dáng cong cong hiền lành của một thời con gái đã làm tôi ngất ngây trong những năm đầu đại học, nay vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có Sài Gòn thay đổi. Sài Gòn thay đổi đến lạ kỳ. Từ một Sài Gòn phồn hoa đô hội, nay trở thành một nơi hội tụ những người cùng đinh, những người nghèo nàn tứ phương kéo về kiếm sống. Cho nên Sài Gòn đông một cách dễ sợ. Xe đạp đầy đường. Xe thồ, xe kéo, xe đẩy, xe ba-gác...của những nhóm buôn gánh bán bưng dọc ngang trên lộ. Đi đâu cũng gặp quán quốc doanh, hợp tác xã hoặc thuế vụ di động. Muốn sống ở chế độ này, người dân phải biết gian manh, xảo quyệt hay chui, nhủi...như những con chuột.
Tuyền kéo tôi vào một quán ăn quốc doanh.
- Mình vô đây ăn trưa đi anh! Sài Gòn bây giờ không dễ kiếm được cái quán ăn ngon. Bây giờ người ta ăn để sống, chứ không như ngày xưa, sống để ăn.
Tôi định đặt ghế bên nàng, ngửi lại mùi hương da thịt mà ngày xưa tôi đã từng gần gũi. Nhưng tôi lại muốn đối diện nàng, nhìn ngắm lại dung nhan cố nhân, sau mười mấy năm xa cách vì thời cuộc.
- Tuyền ơi! Sao đến giờ này em chưa chịu lấy chồng?
- Anh tưởng muốn yêu ai là dễ lắm sao? Khó như muốn quên một người.
Bữa cơm nhạt thếch. Những món ăn lõng bõng chẳng hơn gì món ăn lính ngoài chiến địa. Nhưng có Tuyền, tôi muốn ngồi hoài, ngồi đến khi chủ quán đuổi đi mới đi.
Ngày xưa tôi yêu Tuyền, bất chấp thị phi của thiên hạ. Năm nàng lên mười, mẹ nàng và anh nàng nghe lời đường mật của cộng sản, nên đã nửa đêm chèo ghe ôm mìn đặt ở cầu sắt thị xã Bạc Liêu. Mìn chưa kịp nổ, cả hai đều bị bắt và ở tù cho đến ngày cộng sản xâm chiếm miền nam. Lúc đó, Tuyền phải thay mẹ, nuôi đàn em thơ dại bằng cách làm bất cứ công việc gian khổ nào trên mảnh đất Sài Gòn này.
Có lẽ chủ quán không muốn chúng tôi dừng chân quá lâu, nên lặng lẽ mang tấm bill đến bàn. Tuyền gạt tay tôi ra, dành trả tiền. Chúng tôi lại lên xe. Và tôi bồi hồi nhắm lưng Tuyền, chạy theo.
Ba tôi đang nằm trị bệnh ở bệnh viện Sài Gòn. Ông đang vừa trải qua một ca mổ phức tạp. Tuyền nghe tin, muốn vào thăm. Tôi đứng dưới hành lang bệnh viện chờ nàng. Nàng xách một giỏ cam vàng ánh, bước lên lầu. Với tôi, Tuyền luôn dễ thương và có tấm lòng tốt như vậy.
Gần nửa giờ sau, nàng trở ra. Nàng trở ra lộ vẻ vui tươi, huyên thiên như chim sơn ca. Gặp em, ba mừng quá anh ạ! Ba hỏi em là ai? Có phải con quen với thằng Ân không? Hỏi thăm một lát, ba cảm động, muốn khóc. Em hoảng quá, vội từ giã ba ra về.
Chiều bắt đầu xuống dần. Sài Gòn lại bung ra, khắp lòng phố, đông kịt người buôn bán. Tuyền và tôi thả dọc đến sông Sài Gòn. Nơi có Bộ Tư Lệnh Hải Quân của Việt Nam Cộng Hòa. Nơi gần bến đò Thủ Thiêm, có một quán kem thanh lịch cũ.
Tuyền dắt xe, lững thững theo bờ sông.
- Chỉ còn một chỗ đó là chứa kỷ niệm của hai chúng mình. Anh nhớ quán kem này không? Em và dì Út ngồi chờ anh suốt buổi chiều. Cho đến tối, anh mới lò mò tới. Anh bị người ta phạt ở đằng kia kìa - chỗ chiếc tàu sắt lớn dành cho sinh viên sĩ quan tạm trú. Anh bị phạt vì hôm qua dám "dù" ra đi chơi với em suốt ngày. Anh nhớ không?
- Nhớ chứ! Anh còn nhớ em gục mặt vô ngực dì Út khóc như mưa, khi thấy anh thất thểu đến quán.
Chúng tôi vào quán. Cái quán vẫn trữ tình, vẫn thanh lịch như thuở nào. Chúng tôi vẫn nhớ chiếc bàn gần sông nhất. Ghế ngồi sát hàng rào - nơi Tuyền xõa tóc buồn tư lự, khi tôi bước vào quán với bộ dạng đứ đừ, sau khi bị phạt hít đất, treo giò trước sân Tạm Trú Hạm.
Sông Sài Gòn lững lờ chảy. Gió từ Thủ Thiêm thổi qua mát rượi. Ly kem được đưa ra. Thỏi chocolate đen mun khơi lại tình yêu ngọt ngào ngày nào. Tôi kéo Tuyền sát vào lòng. Thành phố rực đèn. 
Nhắc lại chuyện xưa, Tuyền rơm rớm nước mắt.
- Chế độ trước đã khiến em đau khổ, ray rứt khôn nguôi. Chế độ này thì gieo thù hận, kinh hoàng cho gia đình em.
Tôi ngạc nhiên, lom lom ngó Tuyền, bởi câu thở than lạ kỳ đó. Tôi nhớ lại những cái chết tập thể. Những người trẻ. Những em học sinh vô tội. Những người chết đi không hiểu mình chết vì tội gì? Những hố chôn tại Huế. Những trái pháo rơi vào các trường học. Những thây lính bị moi  gan. Những xác đàn ông bị cắt dương vật. Người ta xây dựng chế độ mới bằng những tội ác như thế sao? Người ta hô hào dân chủ bằng tang tóc như thế sao?
Tôi chợt phẫn nộ.
- Trừ em. Gia đình em là người của chế độ mới. Sao em lại bảo chế độ mới gieo thù hận, kinh hoàng cho gia đình em?
Tuyền đẩy tôi ra, hậm hực.
- Ngay từ nhỏ, sau khi mẹ bị bắt, em cứ mãi thắc mắc tại sao mẹ gây ra tội lỗi vô lý như vậy. Cây cầu là phương tiện giao thông cho người dân qua lại dễ dàng trên một đoạn sông. Tại sao người ta lại bắt mẹ phá vỡ đi? Nghe lời họ, mẹ đã gây án và mẹ đã ngồi tù suốt mười mấy năm trời ở Côn Sơn. Rồi khi họ thành công, mẹ trở về. Mẹ trở về với tấm thân bệnh hoạn, già nua. Họ dùng không được nữa, họ đẩy mẹ về vườn không chút tiếc thương. Tội nghiệp, bây giờ, mẹ phải sống nhờ vào đồng lương của em, anh ạ!
Tôi tiếp tục tìm hiểu.
- Thế người anh và các em của em ra sao? Họ có lưu tâm không?
- Thì họ cho em một công việc để nuôi mẹ em nè! Các em cũng được làm việc. Nhưng khốn nạn thay, thằng em út vừa được đề bạt lên trưởng phòng. Rồi trong một buổi họp, tụi nó đẩy thằng út từ lầu cao rơi xuống đất chết tươi. Tụi nó hô lên là thằng út bị tai nạn. Thằng em kế, là thằng Thành, chắc anh biết? Thằng Thành nhận thấy tụi nó ác ôn, phe đảng, nên bỏ việc, tìm cách vượt biên. Bây giờ, nó đang yên thân ở Úc, anh ạ!
Tôi chua xót nhìn Tuyền. Tự dưng nước mắt hai đứa cùng rơi xuống một lúc. Tự dưng tôi đưa tay về phía nàng, kéo cao cổ áo. Đi em! Mình đi ra bờ sông.
Sông Sài Gòn ban đêm, vẫn vậy. Vẫn có những con tàu bắt đầu ra khơi, tung sóng trắng xóa. Trong bóng đêm nhàn nhạt, Tuyền ôm chặt tay tôi, thầm thì. Mình đành bỏ quê hương ra đi, anh à! Giữa tiếng gió rít lạnh lùng, tôi lại nghe tiếng Tuyền ai oán. Chế độ này, không phải là chỗ dung thân của chúng ta, anh ơi!

Phạm Hồng Ân 
(11/06/2021) 







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét