Đứng Bên Nầy Sông
Ký sự của Thanh Hà
Tôi đứng bên này sông, trời mưa bên kia sông
Hắt hiu tâm hồn giòng sông cũ
Êm đềm gợi nỗi bâng khuâng…
( nhạc Mưa Bên Kia Sông, Nguyễn Thiện Lý)
Ngày 12.04.2022
Rời Thánh Đường La Vang, chúng tôi tiếp tục hành trình trong nỗi niềm bâng khuâng lưu luyến.
Mỗi khi tới địa phận nào, tuỳ thuộc mức độ cảm xúc mà địa danh ấy gây cho tôi nhiều hay ít tôi sẽ chịu khó leo xuống xe cởi nón, áo khoác, mọi thứ lỉnh kỉnh để đứng chụp ảnh, còn không thì tôi để nguyên mặt nạ ninja chụp một pose chiếu lệ.
Con đường từ Huế đến Bến Hải khoảng 93 km nếu xử dụng quốc lộ 1A, qua nhiều địa phương. Tuy lần đầu đi trên con đường nầy, nhưng tôi có cảm tưởng quen thuộc tự thuở nào. Này là Hải Lăng, Thạch Hãn, thị trấn Đông Hà. Kia là Cam Lộ, Gio Linh, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, lan man nghĩ về đoạn đường Đông Hà–Mỹ Chánh chỉ vài cây số mang tên Đại Lộ Kinh Hoàng 1972 !
Cũng không có gì lạ, bởi đó là những cái tên tôi đã nghe, đã đọc, đã nhìn hình ảnh qua truyền thông báo chí hoặc những bài hát, bài thơ, chuyện đời thực… từ hơn nửa thế kỷ trước. Mỗi một địa danh là mỗi một trang bi hùng ghi bằng máu xương lửa đạn. Mỗi một câu chuyện đời là mỗi một thảm cảnh oan ương tàn khốc thấm đẫm nước mắt chia lìa.
Gio Linh
Ít ai mà không biết bài hát Bà Mẹ Gio Linh do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1948, là câu chuyện thật rất thương tâm về hai bà mẹ Gio Linh có hai người con trai đi dân quân bị giặc Tây bắt đem chặt đầu bêu giữa chợ để gây sợ hãi, nhụt chí khí những người yêu tổ quốc. Nửa đêm hai bà lén dùng khăn gói đầu con mang về cất giấu, chờ qua cơn càn soát của lính Pháp mới lấy thủ cấp đem chôn cất.
Ngày xưa mỗi lần tôi nghe ca sĩ Thái Thanh hát ca khúc này trên radio là mỗi lần thịt da tôi rờn rợn, nhất là vào những đêm thanh vắng. Lại nhớ có một chiều chủ nhật rảnh rang hai chị em tôi theo bạn tham dự buổi trà đàm “Chiều Vui Đại Học”dành cho sinh viên các trường Saigon, mục đích thuần giải trí: giao lưu, đàn hát…hoàn toàn không xen “chính trị chính em”. Trong gian phòng rộng bằng giảng đường, hôm đó có khá đông người– 70,80 – ban tổ chức sắp xếp chỗ ngồi theo kiểu Nhật, mỗi người một chiếc chiếu nho nhỏ đặt trên sàn đá hoa. Chúng tôi được uống nước trà, ăn bánh ngọt ( cake, gâteaux), ai có tài đàn hát thì tự nguyện góp vui.
Nhiều sinh viên mới toanh thẹn thò năm đầu tiên (như tôi): luật, văn, khoa học, cùng nhiều anh chị từ các phân khoa “nổi tiếng” năm thứ ba thứ tư hoặc vừa ra trường tham dự : Y, Dược, Nông Lâm Súc, Sư Phạm, bách khoa Phú Thọ…Thời ấy không có karaoke, chỉ hát nhạc sống, ai thích đàn hát thì tự nguyện và giới thiệu sơ sơ về bản thân rồi…trình diễn.
Một anh sinh viên luật ôm guitar vừa đàn vừa hát bài Donna Donna của Claude Francois. Giọng hát trầm hoà theo âm giai bài hát buồn, sao mà hợp với gương mặt và đôi mắt u buồn của anh cách lạ lùng. Nhất là điệp khúc cuối bài, tiếc nuối về quảng thời thơ ấu đã qua.
Il était une fois un petit garcon
Qui vivait dans une grande maison
Sa vie n’était que joie et bonheur
Et poutant au fond de son cœur /Il voulait devenir grand…
…Donna, Donna, Donna /Tu regretteras le temps
Donna, Donna, Donna/ Où tu étais un enfant…
…Parfois je pense à ce petit garcon
Ce petit garcon que j’étais
*Anh sinh viên luật này tuy diễn tả nhạc buồn nhưng lúc hát thỉnh thoảng nhìn xuống thính phòng, “được hay bị” nhiều cặp mắt chiếu tướng quá có lẽ khớp nên ngượng ngập nhoẻn cười, nụ cười hơi lệch một phía phô hai chiếc răng khểnh rất có duyên.
Một chị văn khoa xoã tóc dài rất liêu trai với Con Thuyền Không Bến :
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương làm mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng
( Con Thuyền Không Bến, Đặng Thế Phong )
Lần lượt các anh chị hát đủ loại: tình ca, du ca. Có người vừa hát vừa đệm piano thánh thót. Sau cùng một chị đã tốt nghiệp (tôi không nhớ trường nào, hình như Quốc Gia Hành Chánh), bài đầu tiên chị chọn của nhạc sĩ Cung Tiến, Hương Xưa :
Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa
Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò…
…người ơi còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao…
…Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người…
Tôi không rành nhạc lý, chỉ biết thưởng thức bằng cảm tính bằng trái tim. Nghĩ giọng chị rất hợp với loại nhạc phảng phất cổ điển Tây Phương của nhạc sĩ Cung Tiến. Mọi người vỗ tay, bis bis, yêu cầu chị hát bản nữa. Chị cám ơn, xin hát tiếp Bà Mẹ Gio Linh.
Mẹ già cuốc đất trồng khoai /Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai /Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò ơi ơi ới hò, hò ơi ơi ới hò…
…Mẹ già tưới nước trồng rau/ Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con / Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò, hò ơi ơi ới hò
…Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu… ( Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy )
Khán phòng im thin thít lắng nghe từng lời chị cất lên, đến đoạn cuối nước mắt trào ướt đẫm gương mặt chị. Vừa lấy tay gạt lệ, chị xin lỗi đã không ngăn được cảm xúc, giải thích chị vừa trở về từ vùng đất Gio Linh một ngày trước. Tuy giọng hát chị không điêu luyện bằng danh ca Thái Thanh nhưng đã truyền tải được cái hồn, cái nỗi đau của bà mẹ mất con trong thời chiến.
Mấy mươi năm đã qua, thế mà khi nhắc đến hai chữ Gio Linh là trong đầu tôi tái hiện gương mặt đẫm lệ cùng giọng hát trầm khàn của người chị không quen vào buổi chiều nắng đẹp trong ngôi villa thanh lịch trên đường Trần Cao Vân yên tĩnh với hàng cây toả mát hai bên đường, rõ ràng như thể mới gặp hôm qua hôm kia. Nhớ giọng nức nở ai oán của Thái Thanh khóc than thay cho bà Mẹ mất con trong chiến cuộc.
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta…
( Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy )
Cầu Hiền Lương
Bên cầu biên giới/ Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi, mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời…
…nhưng đường quá xa vời, hương trời vẫn mê mãi
Đời tôi sao vẫn còn biên giới
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây…
( Nhạc Bên Cầu Biên Giới, Phạm Duy )
Bãi biển Nhật Lệ, Đồng Hới |
Tôi không ngờ có ngày chính mình được đứng ngay trên cây cầu lịch sử chia cắt dải giang sơn hình chữ S ngay toạ độ vĩ tuyến 17 trong 21 năm (1954–1975)!
Xe chúng tôi chạy ngang một cây cầu dài rộng xây bằng bê tông cốt thép trên quốc lộ 1, có gắn bảng “Cầu Hiền Lương II“. Cầu Hiền Lương II ? Tôi ngạc nhiên vì từng nhìn thấy ảnh chụp hoặc qua mô tả cầu Bến Hải đâu phải vậy. Sau mới biết cầu nầy được xây thêm năm 2012 cách cầu cũ 2 km phía thượng du cho việc lưu thông nhanh chóng dể dàng. Cầu gồm 5 nhịp, mỗi nhịp 20 m, rộng 10 m. Còn cầu Hiền Lương thật sự thì phải rẽ vô con đường liên tỉnh nhỏ hơn. Dọc bờ kinh chiều ngang khoảng 3 mét, cắm tấm bảng sơn xanh nhạt nhoà sương gió, kẽ mấy hàng chữ trắng bằng hai ngôn ngữ Việt Anh cũng phai mờ, nếu tôi không chủ tâm tìm thì đã bỏ sót, lỡ trớn chạy luôn. Tôi kêu cháu quay đầu xe trở lại.
Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt
Đôi Bờ Hiền Lương+ Bến Hải
The special National Relics
Of Hien Luong +Ben Hai Riverbanks
Chỉ mấy chữ ngắn ngủi mà chứa đựng bao nhiêu biến cố ghi vào sử xanh.
Chạy thêm một đoạn thì tới đúng chiếc cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Cầu chia làm hai phần rõ rệt bởi màu sơn trên thành cầu sắt : phía nam bên nầy sông vẫn giữ màu sơn trắng đục cũ, phía bắc sơn màu xanh da trời nhạt với cổng chào trên cầu.
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu ?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
…lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn /Còn nhiều anh ơi
( Chiều Mưa Biên Giới, Nguyễn Văn Đông )
Rời Bến Hải chúng tôi chạy một mạch đến Đồng Hới, Quảng Bình đã xế chiều nên tìm khách sạn nghỉ. Chúng tôi dạo một vòng thành phố. Thăm Thành Cổ Quãng Bình, bãi biển Nhật Lệ có hàng trăm hàng quán dọc theo bãi kéo dài một, hai cây số. Lúc nầy mới đầu tháng tư chưa có du khách ngoại quốc nên bãi biển yên tĩnh sạch sẽ. Các cháu thích mua đồ biển, trái cây rồi xuống bãi picnic hơn ngồi quán. Thấy nước tôi thèm nhảy xuống bơi, nhưng gió chiều nhuốm lạnh và ít thời gian nên đành bằng lòng nhúng chân vọc cát làm dáng chút xíu.
Khi thành phố lên đèn, chúng tôi quay về khách sạn ngủ. Sáng hôm sau đi vào động Thiên Đường, Bố Trạch Quảng Bình, cách 75 km.
Thanh Hà
Dec.2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét