Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Viễn Du Ký Sự - Phần 7

Xuất Chinh

Ký sự của Thanh Hà



1/- 

Ngày 11.04.2022

Sáng nay khởi đầu chuyến du hành phương Bắc, mục tiêu thứ nhất: Huế. 
Vợ chồng Vĩnh An, Trang cùng hai bạn đã đến gặp tôi từ hai ngày trước. Xe của cô bé đi cùng bị trục trặc, Vĩnh An và Triệu biết sửa chửa nên không phải mang đến tiệm. Có điều cần phải thay phụ tùng mà trúng vào thời điểm thành phố tổ chức giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âl) trong ba ngày cuối tuần ấy nên chỉ vài nơi mở cửa. Họ nói cần phải chờ đặt hàng vài hôm. Sáng sớm nay mới xong.

Song Hồng dặn mối quen giao nửa trăm bánh bột lọc, mua thêm bắp luộc nóng hổi để chúng tôi mang theo dọc đường lỡ đói không tìm được quán chợ thì có cái lót dạ. Cám ơn bạn đã thật chu đáo.

Nghe kể bánh bột lọc xuất xứ từ Huế– giống như phở bắt nguồn từ miền Bắc–người dân rời quê hương đi tứ xứ lập nghiệp mang tập tục, lối sống, món ăn… theo cùng nên hiện nay món bánh nầy phổ biến khắp nơi, mà có lẽ người miền Trung ưa chuộng hơn, vì ở Rạch Giá không nghe thấy hàng quán nào bán bánh bột lọc, trong gia đình tôi cũng ít ai nhắc tới. Riêng tôi thân với các bạn gốc gác ba miền (tôi đúng là dân ba phải) nên có nhiều dịp thưởng thức món ăn ở các địa phương khác nhau. Bánh bột lọc là một trong những món tôi ưa thích bởi phẩm chất lẫn hình dáng của nó.

Chiếc bánh hình chữ nhựt ngang 2,5cm dài 5,5cm  làm bằng bột năng trong veo dai dai bên trong ẩn hiện 2 con tép rang chín màu gạch nằm xinh xắn gọn ghẻ gói bằng tờ lá chuối hấp nóng hổi, mùi lá hoà quyện mùi bánh khiến mọi người muốn mở ra thưởng thức ngay chứ không kiên nhẫn chờ nguội, vừa bóc lá vừa rảy rảy bàn tay vừa kêu liền miệng : Ôi trời, nóng quá là nóng !!
Bánh thường ăn kèm với nước mắm pha đường đậm đặc, ớt nổi đỏ trên mặt–ai thấy ớt khiến kích thích thêm vị giác chứ tôi mà thoáng thấy màu đỏ của ớt là sợ hãi vô cùng vì dị ứng với chất cay xé cuống họng ấy.
Bánh ở Đà Nẵng nêm vừa ăn nên không cần phải chấm nước mắm.
Mấy trái bắp chắc hái trực tiếp từ vườn đem nấu bán ngay nên rất ngọt dẻo. 


Dự báo thời tiết nói thượng du Tây Bắc sẽ có mưa bão lớn. Bốn cô cậu trẻ trang bị áo khoác, dường như vẫn lo không chịu nỗi cái rét tháng ba âm lịch* Rét tháng ba bà già chết cóng ngoài Bắc–dựa theo chuyến đi năm ngoái sau tết toàn gặp mưa dầm không ngắm cảnh gì được, mà lạnh run vì quần áo không đủ ấm– nên tìm mua thêm áo khoác dầy hơn phòng hờ.
Tôi mặc áo jacket không thấm nước nhẹ mỏng, để chống gió. Đối với tôi thời tiết từ miền Trung trở ra Bắc khoảng 20 đến 24 độ là mát mẻ dễ chịu.
Từ giã bạn, chụp hình lưu niệm trước khi “ra trận”. Nón bảo hiểm, mắt kính màu, khăn che mặt phủ cả gáy và cổ, áo khoác, bao tay…hệt như những ninja Nhật Bản.
Lòng phấn khởi. Chặng đầu tiên trực chỉ ra Huế, cách Đà Nẳng 100 km. Để tới Huế, xe đi ngang đèo Hải Vân. Đây là lần thứ ba tôi vượt đèo nầy.
Đèo dài 20 km cao 500m so với mực nước biển, được ca ngợi là danh thắng đệ nhất hùng quan, còn gọi là đèo Mây bởi trên đỉnh luôn có sương mù bao phủ. Có tên khác là Ải Vân nữa, vì ngày xưa có cửa ải gọi là Ải Vân Quan, giờ vẫn còn phế tích.

Mây Hải Vân đùn quanh tháp ngọc tay ngà
Chiều tà, chiều tà nắng đổ bờ vai
Trời buồn mây bay, qua mấy truông bóng nhỏ đường dài
Đường xưa đưa tiễn người
Dịu dàng ngả nón trông theo
Người ra đi giấu vội lệ nhoà ( nhạc Từ Đó, Anh Việt Thu )

Nàng thả ngày xanh trên sóng đàn
Với đôi tay đẹp gọi tình nhân
Nàng yêu chàng có hồn như biển
Đôi mắt thơ chàng như Ải Vân ( thơ Dạ Nhạc, Phạm Hầu )

Miền Trung, Bắc có nhiều thắng cảnh thơ mộng, thần tiên. Thảo nào mọi người đều ít nhiều mang tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn bẩm sinh. 
Làng lăng Cô, Huế

Đèo nằm trên dãy núi Bạch Mã, xét về mặt tích cực thì đó là một cảnh quan hùng vĩ. Trên trời mây trắng bảng lảng bay, mặt đất một bên rừng núi bạt ngàn, một bên biển cả. Xa xa ẩn hiện cảng Tiên Sa, Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà , nhất là vịnh Lăng Cô hiền hoà thơ mộng. 

Ngày xưa những người từng vượt đèo Hải Vân hoặc sống quanh vùng, mỗi khi nghe có ai sắp đi qua đó đều cảnh báo phải vô cùng cẩn thận vì thường xảy ra tai nạn, chuyện xe hai chiều đụng nhau, lọt đèo là thường xuyên. Thời chiến tranh chồng của dì họ tôi cũng gặp tai nạn khi đi công vụ chết liền tại chỗ trên đoạn đường đèo nầy. Có rất nhiều miếu, bàn thờ đặt rải rác thắp hương hoa đèn cho các oan hồn uổng tử chưng tượng Phật, Chúa. Nhìn ban ngày còn thấy thê lương thế mà lần du lịch năm 2016, sáu dì cháu tôi dám vượt đèo lúc đêm đen phủ trùm cảnh vật thì còn âm u rùng rợn cỡ nào. Gan thật !

Hiện nay con đường được mở rộng bề ngang, máy móc xe tốt hơn nên nguy cơ tai nạn có giảm bớt. 
Hai cô cậu trẻ cùng tháp tùng lần đầu ra miền ngoài quang cảnh ngoạn mục, đường khúc khuỷu nên rất thích, muốn ghi lại khoảnh khắc mạo hiểm để đời. Giống ê kíp đóng phim, Vĩnh An làm đạo diễn chuẩn bị lôi flycam ra ráp các bộ phận cho khớp, Trang- vợ An- làm trợ lý cầm điện thoại liên lạc, còn Triệu- cậu trai- chạy xe quành lại đoạn cua ở đầu bên kia, động cơ xe vẫn nổ, iphone mở sẵn chờ nghe “hiệu lệnh”. Khi chong chóng của flycam quay như cánh trực thăng thu nhỏ đưa món đồ chơi dần lên cao và tiếng Vĩnh An hô action thì cậu Triệu nhà ta bắt đầu đánh cua, toàn thân người cùng xe ngã rạp theo độ nghiêng 45 độ, hệt như các tay lái trên đường đua F1. 
Xong một vòng, V.An điều khiển flycam hạ cánh để kiểm xem cuộn phim có hoàn hảo.
Tự thấy mình anh hùng hiên ngang y hệt trong phim, thích quá nên tài tử Triệu yêu cầu Vĩnh An quay thêm cảnh ấy lần nữa. Kế đến lượt cô bé 24 tuổi*, cũng ôm chiếc xe ngã rạp mình ở mỗi cua quẹo 45 độ. Có một đoàn moto mười mấy thanh niên nam nữ dựng xe nghỉ ngơi ở đoạn đường ấy, chắc cũng sửa soạn để lạng lách quẹo cua kích thích adrenaline dâng trào đó thôi. 

*Tôi rất phục cô gái trẻ nầy. Cô cân nặng chưa đầy 38 kg, cao 1,40m– đó là tôi phỏng đoán chứ có khi còn nhẹ và thấp hơn vì cô chỉ đứng tới vai tôi–thế mà dám điều khiển chiếc xe cồng kềnh 115 ký, trọng lượng gấp 3 lần thân thể. Khi tôi nhắc đến sự liều lỉnh đó thì cô tâm sự rằng đã tự nuôi thân từ nhỏ, 14, 15 tuổi cô khuân vác vận chuyển bao gạo 50 ký, mỗi ngày không biết bao nhiêu lần nên việc điều khiển chiếc xe nặng hơn mình, nếu biết cách nương theo nó thì không có gì khó khăn. 
Bé ốc tiêu* đã từng tham gia vài chuyến đi chơi bằng moto với nhóm bạn cùng sở thích, nhưng mới quanh quẩn ở miền Nam. Lần nầy được cháu tôi rủ đi xa, nên rất mừng.
 
*biệt danh do Song Hồng đặt, căn cứ vào thể trạng bé xíu mà gan góc dư thừa, dám lái chiếc xe nặng gấp ba lần cơ thể, cho hành trình đi lẫn về 6,7 ngàn cây số trong một tháng, qua bao nhiêu đèo núi chập chùng Tây Bắc. Phục lăn !

Trước khi vượt Hải Vân, chúng tôi có ngừng lại trên quốc lộ 1 để từ đó phóng tầm mắt lặng ngắm làng Lăng Cô thuộc Phú Lộc, Thừa Thiên, nằm bình yên bao bọc bởi bãi cát trắng giữa làn nước biển xanh ngọc, tựa tranh vẽ. Một người bạn ở Thuỵ Sĩ, vốn người Lăng Cô trong dịp về thăm nhà gần đây nhất, trở qua vừa kể vừa xuýt xoa chặc lưỡi than không ngớt rằng: hiện giờ cuộc sống quê cô bị xáo động bởi có nhiều người cố cựu bán nhà, bán đất cho khách lạ vì được trả giá rất hời nên cô sợ chẳng bao lâu nữa nét chân quê mộc mạc của làng sống nghề chài sẽ dần biến mất.

Thôi đành thôi vậy. Chứ biết sao.

Thanh Hà
Dec. 2022

2 nhận xét:


  1. Vậy là đã theo "ké" chân Thanh Hà ra tới Huế. Huế của hôm nay hay Huế của ngày xưa?
    Ngày xưa Huế của một người Sài Gòn tôi quen, dù chưa lần đặt chân đến Huế! Ôi, thời gian...
    Nhìn những bức ảnh của TH thiệt là đẹp và "ngầu" đó nghen! Vẫn còn đó những thanh xuân...

    Đây là bài thơ (hiếm hoi), tôi viết về Huế trong tâm tưởng từ một phương xa:

    Huế Những Tháng Ba
    (Nhớ TTH, người con gái Huế năm xưa...)

    Anh chưa một lần về thăm xứ Huế
    Để thấy sông Hương nước chảy đôi bờ
    Để thấy Trường Tiền sầu dài mấy nhịp
    Để thấy Ngự Bình tím một bài thơ

    Huế thắm ngàn cây, Huế của mộng mơ
    Những vết lăng xưa trầm tư cúi mặt
    Như thể ngàn năm chưa hề đánh mất
    Đôi mắt Huế buồn, đôi mắt Huế thương

    Huế của em tôi mưa dầm thấm đất
    Mưa Huế giăng giăng vắng những con đường
    Mưa sáng mưa chiều, đêm tàn kín lối
    Vẳng khúc Nam Bình một Huế em tôi

    Có dốc Nam Giao, khói chiều Thiên Mụ
    Có những đêm trăng tiếng hát con đò
    Có tiếng chuông ngân giữa lòng Vỹ Dạ
    Huế vọng về đâu suốt những vầng thơ

    Huế những tháng Ba, Huế ngày xưa đã
    Trong tiếng mẹ ru em thuở chào đời
    Tiếng ru Huế ơi... một đời xứ lạ
    Có Huế trong em, có Huế trong người…

    Thân mến,
    NN Hoàng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyển lời của chị Thanh Hà

      Thầy Hoàng thân mến,
      Bài số 7 này TH mới tới Lăng Cô và Hải Vân chứ chưa tới Huế. Phải buổi trưa mới có mặt ở Huế lận.🤪.
      TH dành đoạn viết về Huế cho bài số 8, vì thấy hơi dài sợ độc giả “chán” đọc, cũng sắp xong. Đã tám tháng kể từ lúc đi Huế nên TH quên nhiều chi tiết, may còn lại mấy ảnh chụp nên nhớ được chút ít.
      Đọc bài thơ thầy viết về Huế , về người con gái Huế TTH, nghe một nỗi gì giống như “nỗi buồn cố xứ”, ý là-như Thầy nói- chưa tới Huế bao giờ mà những vần thơ cũng gieo vào lòng người đọc( là TH) man mác bâng khuâng.
      Tiếc là TH chỉ biết Huế của hôm nay nên không biết có khác gì với Huế xưa không .
      Cám ơn Thầy đã chịu khó đọc bài TH viết, cám ơn Kim Trúc và các độc giả thân mến nữa.
      Nhờ thầy chuyển lời TH thăm Kim Hoa phu nhân thật nhiều
      Thanh Hà

      Xóa