Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Viễn Du Ký Sự - Phần 8

Trở Lại Đất Thần Kinh

Ký sự của Thanh Hà



Ngày 11.04.2022

Khuôn viên trường Quốc Học
Trưa. Chúng tôi đến Huế.
Đầu tiên tìm khách sạn, cũng dễ dàng. Đem hành lý: ba lô, các hộp (thùng) lỉnh kỉnh vào phòng. Chặng đường thứ nhất chỉ 100 km nên tôi không đau lưng hay nhức mỏi phần thân thể nào. Tắm rửa sạch sẽ lấy lại sinh khí tươi mát, tôi và hai cháu gái thay y phục phong trần sang thục nữ đi dạo phố.

Quốc Học là trường trung học dành cho nam sinh trên đường Lê Lợi, Huế. Ngôi trường nổi tiếng từ đời vua Thành Thái đã 120 năm mà ai cũng đều nghe danh. Vị trí ngay trung tâm cố đô, bên kia đường là dòng sông Hương thơ mộng. Trường được bao bọc bởi bức tường gạch đỏ, lối vào qua vòm cổng cùng màu rực rỡ mang đậm nét Á Đông, thu hút nhiều du khách dừng chân thăm viếng– thoạt nhìn tôi tưởng là ngôi chùa hay đình miếu, cho đến khi thấy trên cổng có khắc chữ Trường Quốc Học mới biết mình đến đúng chỗ – khi bước vào khuôn viên rộng mênh mông, bắt gặp mấy khối nhà làm lớp học xây lầu theo kiểu châu Âu thế kỷ 20 thấp thoáng sau những tàng cây xanh tươi thoáng đạt, lạ là hai kiến trúc Âu, Á lại kết hợp hài hoà chứ không đối nghịch.

Chúng tôi thơ thẩn dạo chơi trong khuôn viên trường, chụp vài kiểu ảnh gởi người bạn là dân cố cựu. Hình dung bạn sẽ bồi hồi khi nhìn lại cảnh ngôi trường xưa từng theo học, giờ ra chơi có khi bạn cũng ngồi đúng trên băng ghế mà tôi ngồi hôm nay, thả hồn theo cụm mây trắng lờ lững trên nền trời xanh thẳm, hay cúi nhặt những chiếc lá vàng vương vãi đầy sân cỏ, ngẫm nghĩ về bài thơ tối tối viết cho cô nữ sinh học trường Đồng Khánh láng giềng, xem có cần sửa chữ nào, nhất là có đủ can đảm trao lá thư cho đối tượng ?

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…

…là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp
Là áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về
( Phượng Hồng thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng)

Tôi hỏi có đúng hồi xưa các bài thơ bạn làm vẫn giấu hoài trong cặp, cứ kè kè mang theo vào lớp rồi lại mang về chứ chưa bao giờ dám trao cho “mối tình đầu” ? Và bây giờ- sau nhiều năm- “mối tình đầu” có được đọc bài thơ nào của bạn không? Có khám phá nỗi lòng của bạn thời 18 tuổi ? Bạn lặng im một hồi, rồi trả lời bằng cách bắt chước ca sĩ Vũ Khanh:
Mối tình đầu của tôi/ Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi/ Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ/ Ngọng nghịu đứng làm thơ.

Kề bên trường Quốc Học là trường nữ Đồng Khánh–nay đổi tên Hai Bà Trưng–thành lập năm 1917 đời vua Khải Định sau Quốc Học 20 năm. Khi xưa các nữ sinh mặc áo màu tím (Huế) nên còn có tên trường Áo Tím. Kiến trúc cả hai tương tự, bức tường bao quanh trường màu hồng thắm, con đường bên ngoài trồng hàng cây long não xanh tươi chạy dài đến cầu Trường Tiền. Chúng tôi chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào vì trường không mở cửa cho du khách thời điểm chúng tôi đến, không hiểu lúc khác thế nào.
Tôi mơ hồ nghe văng vẳng bên tai giọng hát truyền cảm của ca sĩ gốc Huế, Hà Thanh dù giờ đây cô đã thành người thiên cổ 

Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
Cô đi về đâu tan buổi học rồi
Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao
Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba
Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Long… (Cô Nữ Sinh Đồng Khánh, nhạc Thu Hồ )
 
Biết bao bài hát, thi ca tả về bóng dáng các nữ sinh Đồng Khánh tà áo thướt tha, đội nghiêng chiếc nón bài thơ đạp xe qua cầu Trường Tiền hay sang bến đò Thừa Phủ. Giờ đi học hoặc tan trường có bao nhiêu chàng trai lẽo đẽo đạp xe theo nàng hoặc chờ ở bến đò để chỉ được cùng ngồi chung chuyến qua sông ?
Hàng trăm, hàng ngàn vần thơ, ca khúc viết về Huế khiến cho những người không phải gốc Huế cũng đâm mơ màng vọng tưởng, rồi ước ao được hoá thân là cô nữ sinh Đồng Khánh một lần trong đời – tôi đây chẳng hạn !

Thương vô thành nội Cửa Đông
Thương ra Thượng Tứ chiều hong nắng tà
Bến đò Thừa Phủ xa xa
Trông qua Vỹ Dạ bao tà áo bay
Áo bay trong gió chiều nay
Nắng nghiêng vành nón má hây hây tình
Trường Tiền thiếu nhịp cầu xinh
Sông Hương rũ bóng chiều im lắng buồn…
( Thương Tà Áo Bay, nhạc Thông Đạt)

Đại Nội Huế

Tôi bỏ qua các lăng tẩm vua chúa, hoàng cung mà lần trước đã dành hai ngày thăm viếng tường tận nên giờ chỉ lượn trước cổng Thành Nội (Đại Nội) cho hai bạn trẻ xem, nhưng tôi thích trở lại viếng chùa Thiên Mụ nữa.
Chùa còn có tên Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, Kim Long xây từ thế kỷ 17 đời chúa Nguyễn Hoàng, là ngôi chùa cổ nhất xứ Thần Kinh, toạ lạc bên giòng Hương Giang hiền hoà thơ mộng.
Tháp Phước Duyên bảy tầng cao 21 m là biểu tượng của chùa nằm ngay trước sân. Bên trong còn nhiều kiến trúc như điện Đại Hùng, Thiên Vương, Địa Tạng, Quan Âm, lầu Tàng Kinh chứa hơn 1 ngàn bộ kinh Phật..và vô số tượng Phật Di Lặc, Tam Thế Phật, Hộ Pháp, Thập Vương đặt rải rác sân sau cùng nhiều bức hoành phi, câu đối ghi chép lịch sử vàng son của chùa.

 Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ
Tôi nhớ lần trước có đi ra phía sau chùa, là nơi sinh sống của các tu sĩ, gặp nhiều chú tiểu tóc để chỏm mặc áo lam đang chơi đá banh trong sân. Các chú nói năng tíu tít vô tư như bao thiếu niên cùng lứa tuổi ngoài đời. Tôi cố lắng nghe các chú nói ngôn ngữ Việt hay gì, nhưng hoàn toàn mù tịt không hiểu một chữ nào cả. 

Tôi thích đứng từ một góc phải của khuôn viên chùa, lặng ngắm sông Hương mơ màng, êm ả trong khung cảnh u trầm tịch mịch, thả hồn chìm đắm theo ảo tượng mình vẽ vời ra mà nao nao tấc dạ. 
Hình dung tiếng hò mái-nhì thanh thoát chơi vơi ngân vang trên sóng nước hoà theo nhịp chèo uyển chuyển của cô lái đò chở khách xuôi giòng trong đêm trăng huyền hoặc. Rồi bỗng nhiên chiếc đò rẽ nước tiến nhanh theo tiếng hò mái-đẩy, âm ba mạnh, thúc dục như thể người hò muốn vượt qua sóng gió hay uẩn ức nào. 
Tôi hỏi thầm giòng sông nầy đã và sẽ còn chứng kiến bao nhiêu cuộc tình duyên trai anh hùng gái thuyền quyên tự ngàn xưa cho đến ngàn sau ?

Đó là lý do tôi muốn trở lại nơi đây. Chỉ ở nơi tôn nghiêm vắng lặng tôi mới cảm nhận vẻ đẹp của giòng sông hơn nơi phố thị ồn ào, với những hàng gánh xe cộ chộn rộn, nhà cửa đông đúc. 
Tôi cũng thích chạm tay vào cái chuông đồng* to treo bên mái hiên, vì “thương” hai câu ca dao :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương*

*Mà có người dịch là “Chicken soup Tho Xuong” cho câu “canh gà Thọ Xương”
Chuông đồng này do Chúa Nguyễn Phúc Chu sai đúc nặng hơn hai tấn, có khắc bài thơ hay gì đó.
Nhắc đến ăn uống, đối diện cổng vào chùa có nhiều gánh tàu hủ nước đường của các mệ các o* í ới chào mời, chúng tôi sà vào hàng đầu tiên của một o rất bặt thiệp vồn vã, o đặt cái bàn thấp với vài ghế nhựa bên vệ đường. Tôi lấy muỗng hớt nhẹ đậu nành đưa vào miệng, cảm nhận chất đậu mềm mịn hoà cùng mùi cay nhẹ của gừng tan trên đầu lưỡi, ngon chi mà ngon lạ ngon lùng.
*tôi bắt chước gọi phụ nữ Huế vậy mà chả biết có đúng không nữa.
Các cháu cùng o Huế- chủ gánh hàng- trêu đùa nhau không ngớt từ đầu tới cuối bữa. Có lẽ nhờ tính vui vẻ, sởi lởi mà o – dù đã ngoài 35 đến 40 tuổi- chiếm được thiện cảm của khách nên các cháu tôi ăn tàu hủ xong còn gọi thêm mấy món khác (dừa tươi, trà đào, nước chanh…). Tôi cũng kêu thêm chén tàu hủ thứ nhì.
Cháu dâu hỏi:—Sau đây má tư định đi đâu nữa m4 ? 

Những địa danh thường nghe nhắc tới hầu như đã “cởi ngựa xem hoa” lần trước cả rồi: Nam Giao, Vỹ Dạ, Thượng Tứ… giờ còn chùa Từ Đàm, nơi ghi dấu nhiều biến động lịch sử. Cháu mở Google tìm địa chỉ ở đường Sư Liễu Quán, Trường An. Tương tự như các ngôi chùa truyền thống Huế, ngoài cổng nhìn vào có ba gian hai chái. Hai bên là lầu chuông, lầu trống, giữa sân xây tháp bảy tầng cao 27 m. Có một bản nhạc viết về ngôi chùa:
Quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn 
( Từ Đàm Quê Hương Tôi, tác giả Nguyên Thông )

Hương Giang

Chúng tôi chỉ quan sát từ bên ngoài rồi đi ngay vì còn chia thời giờ thăm các nơi khác.
Tôi lẩm nhẩm câu : “Sông Hương, núi Ngự”. Đã có sông Hương thì phải có núi Ngự Bình. Ngắm sông rồi, giờ mình đi ngắm núi. Thế là chạy tiếp. Lúc này 5 g chiều.
Ngự Bình toạ lạc ở An Cựu, cách thành phố Huế 4km. Cháu Triệu xem GPS chạy dẫn đường, không biết máy chỉ thế nào mà chúng tôi lúc đầu luồn lách vào những con ngõ tráng xi măng chật hẹp toàn nhà dân hai bên. Ngạc nhiên, nhưng nghĩ chắc nó hướng dẫn đi tắt cho nhanh, chạy hết đoạn nhà cửa tới con đường đắp đất chen cỏ dại gồ ghề rộng 1 m, hai bên là đồng trống ẩn hiện các nấm mồ. Càng đi càng thấy nhiều mồ mả xuất hiện, lát sau máy báo đã đến nơi. Ủa kỳ vậy ? Núi đâu mà giữa con đường đất ? Núi gì mà không nằm trên cao chỉ toàn ruộng, cỏ lau với vô số nấm mồ ?

Biết GPS chỉ sai, chúng tôi ngừng xe. Chợt thấy trên triền dốc cách chúng tôi không xa, có vài công nhân đang đập đập gõ gõ xây cất gì đó bèn hỏi thăm. Họ hình như không phải dân gốc ở đây, quay qua hội ý nhau, rồi một người trong nhóm chỉ tay lên cao nói núi nằm tận trên kia, phải quành lại đi theo đường khác mới đến đó được. Trời chạng vạng, chúng tôi cám ơn họ rồi kiếm đường quay về khách sạn chứ không lên núi Ngự Bình. Hẹn chuyến tới vậy.

Tắm rửa thay quần áo đi ăn rồi dạo phố tiếp.
Công viên dành cho người đi bộ, khá đông khách dạo chơi. Từ xa, đã thấy ánh đèn huỳnh quang viền quanh khung thành cầu Trường Tiền thay đổi màu liên tiếp: xanh lá cây, đỏ, tím, vàng, hồng, xanh thẳm, cam… rất bắt mắt. 
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp” tôi “biết” đâu có lung linh sắc màu như rứa. Những hình ảnh mà ký ức tôi”thấy” là chiếc cầu hai màu đen trắng dung dị giản đơn in trong carte postale kia. Là lúc tinh mơ đợi các mệ mặc áo dài sậm màu, tất tả gánh hàng từ Phú Hội sang chợ Đông Ba cho kịp phiên chợ sáng. Là đưa đón các nữ sinh đội nón bài thơ, tà áo trắng thướt tha, tóc huyền bay theo gió đạp xe sang trường Đồng Khánh hai buổi đi về. 

Tuy nhiên, tôi cũng hoà cùng mọi người ngồi hóng gió mát một lát rồi đi kiếm quán chuyên bán chè Huế thưởng thức. Có mấy chục loại chè, nếu còn trẻ tôi đã không ngần ngại chọn loại nào béo nhất, bây giờ thì bằng lòng với phân nửa ly chè bưởi là ứ cổ rồi. Sau đó về khách sạn nghỉ, mai sớm lên đường.

Bánh xe thời gian luôn xoay lăn về phía trước, nhưng ảnh hình đẹp vẫn níu giữ được hoài qua hồi ức.

Thanh Hà
Dec. 2022



 

2 nhận xét:

  1. Bởi vậy mới nói "chưa lần tới Huế"..!

    Bây giờ mới thật sự tới Huế cùng với TH.
    Cả hai Huế của tôi đều qua chuyện kể: ngày xưa của TTH, ngày nay bài viết TH. Dù qua lăng kính thời gian, Huế vẫn đẹp vẫn giữ lại thoáng chút lòng người... Thôi thì đành hẹn lại Huế... ở những kiếp đời sau (nếu có)!

    "... Nếu có kiếp sau,
    là tình yêu tồn tại
    Trong bao la dựng mãi những kiếp người
    Xin được làm hạt bụi bám viền môi
    Theo em những kiếp đời tôi không có…" (Nếu Có Kiếp Sau - NNH)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyển lời của chị Thanh Hà

      “ có một bạn trẻ sau khi đọc bài thơ Huế Những Tháng Ba của thầy viết Nhận Xét cho bài ký sự số 7 của TH thì bạn ấy đã đồng cảm với tác giả bài thơ đến độ cảm tác thành nhạc bài thơ của Thầy ngay lập tức “chỉ trong vòng 5 phút “ , gọi điện kể TH nghe và nhấn mạnh là bạn ấy cũng giống như Thầy là chưa lần nào đặt chân đến Huế cả. Đặc biệt, bạn ấy là dân gốc Huế ( hoặc cũng ở đâu láng giềng với Huế), hiện giờ thì ở cách xa hàng chục ngàn cây số lắc lơ rồi.
      Nghe bạn kể, TH vui lây . Nói để kể Thầy nghe mà sẵn đây TH mới có dịp kể .
      “Tiếng ru Huế ơi, một đời xứ lạ
      Có Huế trong em, có Huế trong người “
      Thân mến,
      Thanh Hà

      Xóa