Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Viễn Du Ký Sự - Phần 9

Vương Cung Thánh Đường La Vang

Ký sự của Thanh Hà 



Ngày 12.04.2022

Phế tích tháp chuông La Vang
Buổi sáng mát mẻ. Báo hiệu một ngày nắng đẹp. Trước khi rời Huế, chúng tôi còn đảo một vòng chợ Đông Ba. 
Chợ nằm phía bắc sông Hương trên đường Trần Hưng Đạo, chạy dài từ cầu Trường Tiền sang cầu Gia Hội, lúc đầu tên là chợ Đông Hoa, xây từ đời vua Gia Long. Sau đổi tên thành Đông Ba vì kỵ huý của vợ vị vua nào đó (quên rồi ). Chợ gồm có nhà ba tầng gọi là Lầu Chuông, chung quanh được bao bọc bởi nhiều gian hàng. 
Tầng 1 bán khô, mắm, thức ăn... Ra khỏi Lầu Chuông là các quầy hàng ẩm thực đủ các món ngon Huế : Bún nghệ, bún thịt nướng, nem chả tré, bánh khoái, bánh nậm, bánh bột lọc, chè các loại…
Tầng 2 chưng bày hàng thủ công mây tre, mỹ nghệ, kim hoàn, đồ gốm, lư chuông đúc và đặc biệt – tất nhiên- không thể thiếu những chiếc nón bài thơ từ làng Phú Cam.
Tầng 3 vải vóc, quần áo..v..v..
Chúng tôi chỉ dạo bước nhanh qua, chỗ nào cũng được mời chào nên sợ đứng xem lâu chắc chắn sẽ bị quyến rũ mua quà kỷ niệm mà hành trình xa xôi không thể mang theo được. 

Quảng Trị


Theo quốc lộ 1 tiến dần…lâu sau gặp cột mốc cắm bảng kích thước to viết chữ màu xanh, hai ngôn ngữ Việt, Anh :
Địa Phận Quảng Trị 
Km 791+500
Quang Tri Province
Km 791+500

Như đã kể, vợ chồng Vĩnh An là tín đồ du lịch so với dì (là tôi) còn nồng nhiệt hăng hái hơn chứ không thua. Cũng phải thôi, vì cháu còn sức lực trẻ trung mà. Thói quen hể đi qua nơi nào có cắm cột mốc treo bảng ghi địa phận làng, tỉnh, thành phố… là các cháu đều dừng xe cho Trang nhảy xuống đứng cạnh chụp ảnh lưu niệm. Phần tôi lúc chụp lúc không, bởi mỗi lần chụp là mỗi lần mất bao nhiêu công sức lẫn thời gian nên lười.
Bởi đâu có đơn giản như ngồi xe bốn bánh, hể xe ngừng chỉ việc mở cửa bước ra, xê dịch vài mét đến đứng dựa cột mốc nhoẻn miệng cười duyên với màn hình, bấm tíc cái là xong. Rất nhiêu khê vất vả, qua mấy công đoạn đó chứ.

–Công đoạn 1, xuống xe : vì yên xe cao nên mỗi lần muốn xuống, đầu tiên tay trái tôi vịn vào vai trái của Vĩnh An làm điểm tựa, kế đặt bàn chân phải lên thanh để chân bên phải, lấy thế nhỏm người khỏi yên, nghiêng mình về bên trái, thả chân trái tuột cho chạm đất. Sau đó nhờ sự trợ giúp của bàn tay phải đỡ lấy bắp vế đùi phải, nhấc nó lên, luồn trên yên xe rồi mới thả cho nó “rớt” xuống đường, đứng sóng đôi cùng chị em song sinh của nó (tức là chân trái).
 
Lúc đầu chưa biết cách, ỷ y tưởng mình còn trẻ, tôi bắt chước cháu dâu –là người lanh lẹ như sóc–phóng đại xuống xe, bị mất thăng bằng loạng choạng đầu chúi nhủi, lủi loạn cào cào thêm 1,2 mét chân mới chịu ngừng, hết hồn hết vía. 
Đã vậy thêm một nguy cơ khác nữa : tôi vốn thuận tay trái nên thay vì xuống bên lề phải thì tôi toàn nhảy ra bên trái –tức phía ngoài đường xe cộ chạy nhanh ào ạt–khiến lần nào Vĩnh An cũng đều nhắc nhở m4 cẩn thận coi chừng xe chạy tới. Khi xuống xe m4 phải vịn vào con xong mới từ từ nhấc chân phải kéo qua chớ đừng có làm cái ào như vợ con (là Trang) nguy hiểm té chết.

–Công đoạn 2 : nhấc kính chắn gió của chiếc nón bảo hiểm lên khỏi mắt, mò tìm chỗ bấm để mở sợi dây thắt quanh cằm (mà không hiểu sao thường xuyên tôi không mở được, các cháu phải mở giùm). Nội “cái chiện” kiếm chỗ đặt tạm nón bảo hiểm coi thì không quan trọng nhưng cũng phát sinh vấn đề nho nhỏ. Phải ý tứ đặt úp xuống, nếu lật ngửa sẽ làm trầy sướt bề mặt trơn láng của nón, mất thẩm mỹ xấu xí. Nếu máng nón vào ghi-đông hoặc đặt lên ba lô hay thùng xe thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng thỉnh thoảng hai ba cái nón tranh nhau treo cùng một chiếc xe-vì mọi người treo chung cho tiện khỏi phải đi thêm mấy bước, qua chiếc xe đậu hàng dọc sau lưng, hic!- bắt buộc phải đặt 1 chiếc xuống lề cỏ, đặt ngửa thì nón sẽ trầy trụa, đặt úp thì dơ bẩn bao nhiêu vi trùng đeo bám, rồi đội lên đầu ghê quá.

–Công đoạn 3: cởi nón xong, cởi tiếp bao tay, mạng che mặt, jacket, lục xách tay tìm thỏi son, mở iphone chọn gương, thoa môi cho hồng, đỏ, tím sen, mận chín…tuỳ màu áo hôm ấy mặc. Mở kẹp xoã tóc ra, lấy ngón tay làm lược cào sơ sơ cho đỡ rối tóc. Khi đã sẵn sàng, mỗi người lần lượt lại đứng cạnh tấm bảng cho Vĩnh An ngắm nghía và chụp. Đâu phải mỗi người một lần là đủ, phải chụp vài ba lần để phòng hờ lỡ tấm đầu bị méo miệng nhắm mắt…
A, chưa kể thêm: số là tôi rất ”xí xọn”, mái tóc bị đè bẹp bởi cái nón bảo hiểm nặng chịch trông xấu xí tệ. Đâu có được, dù “đi bụi” nhưng cũng phải chăm sóc dung nhan mùa thu nầy chớ.
Nên khi chụp hình tôi phải đội casquette (nón thể thao) vừa làm dáng vừa che khuyết điểm. Lúc đầu tôi cất cái nón ấy trong ba lô, mỗi lần chụp hình Vĩnh An phải mở kéo thò tay lục tìm, chả nhớ để ngăn nào nên loay hoay mở hết ngăn này sang ngăn nọ. Mà đã hết đâu, vì sợ trời mưa nên ba lô được bọc bằng bao plastic cột miệng chắc chắn. Sau tôi mới gắn vào quai xắc nhỏ treo theo người đựng copie passport, ít tiền, điện thoại, khăn giấy…nên bớt được một công đoạn, hic hic. Vĩnh An đã quen việc chìu chuộng vợ con nên giờ chìu thêm bà dì điệu nầy nữa, rất kiên nhẫn và galant hơn cả Tây. Nhân đây, má tư cám ơn các con cháu thật nhiều.

Kết thúc màn chụp hình, bấy giờ thực hiện các động tác ngược: lấy khăn giấy chùi sạch son môi- vì sợ bẩn mạng che mặt-, túm tóc kẹp lại gọn gàng, đeo mạng che mặt và cổ, mặc áo khoác kéo fermeture cho kín, đội nón bảo hiểm, gài lại dây quanh cằm (lúc được lúc không, lại nhờ An Trang giúp), vịn vai V.An, chân trái đứng lên chỗ để chân trái, dùng tay phải kéo chân phải, bỏ lên yên xe,  và…an toạ. Ý quên, còn mang bao tay và máng casquette vào quai xắc nữa chứ. Vĩnh An ngoảnh đầu lại kiểm chứng xem tôi và mọi người đã sẵn sàng chưa, mới ra hiệu tiếp tục lên đường. 
Chính tôi tả mấy công đoạn chuẩn bị này mà còn mệt hết hơi, huống gì người nghe kể nhỉ ? Đừng lo, tất cả các cháu tôi tuy còn trẻ trung, năng động nhưng đều rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng, chăm sóc vợ chồng con cái, các mẹ, các dì tỉ mỉ chu đáo.

Mỗi lần ngừng xe mất ít nhất 20 đến 30 phút, chưa kể nếu gặp trời mưa phải cởi ra, mặc vào áo mưa còn nhiêu khê phức tạp nhiều nữa.
Nên hể gặp bảng cột mốc “chào mừng địa phận” đều dừng xe diễn các động tác như kể trên thì phí bao nhiêu là thời gian.
Nhưng cũng có cái hay là nhờ những lần ngừng nghỉ, vận động đi tới lui, gân cốt thư giản nên tôi không bị đau nhức thân thể. Các động tác leo lên trèo xuống yên xe cũng là một cách tập luyện xương cốt uyển chuyển vậy.

Cháu Trang lại hỏi : –Má tư định ghé đâu m4 ?
Tôi đáp:– M4 thích viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.
Về sau mới nhớ, là…quên không thăm Cổ Thành Quảng Trị, chỉ cách Thánh Đường có 6 km. Thật là một thiếu sót vô cùng lớn. 

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang

Từ Huế chúng tôi chạy hơn một tiếng đồng hồ, khoảng 60 km là đến nơi. Ngoài cổng có hàng chữ đề : Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Nhà thờ toạ lạc ở xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị. 

Xe vừa qua khỏi cổng, từ xa tôi đã nhìn thấy phế tích bức tường gạch nơi từng treo tháp chuông phủ màu thời gian rêu mốc đứng trơ trọi sừng sững giữa sân. Là những gì còn sót lại của ngôi giáo đường uy nghi Đức Mẹ linh hiển đã bị đổ nát hoang tàn trong thời chiến. 
Tôi nhớ một bài thơ của thi sĩ Vũ Anh Khanh viết vào năm 1950, Tha La Xóm Đạo. Năm 1964 được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc, ông không sáng tác nhiều- bởi mất sớm ngoài chiến trường năm 1969 khi mới 28 tuổi. ”Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. 
Tương tự, thi sĩ Vũ Anh Khanh cũng mất trong thời tao loạn năm 1956, lúc ông mới 30 tuổi.

Nhạc sĩ Dzũng Chinh chính là người phổ bài thơ Màu Tím Hoa Sim của thi sĩ Hữu Loan vào năm 1962, cả hai bài thơ Tha La Xóm Đạo và Màu Tím Hoa Sim được nhạc sĩ phổ nhạc đều rất thành công, nổi tiếng hầu như không ai không biết. Dù cũng có vài nhạc sĩ khác phổ thơ hai bài hát ấy, nhưng bài hát của nhạc sĩ Dzũng Chinh vẫn là bài được yêu thích nhất trong mọi tầng lớp dân chúng.

Đây Tha La một xóm đạo ven rừng
Có trái ngọt cây lành im bóng lá
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ…

…Buồn trưa trưa lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh…
(Thơ Tha La Xóm Đạo, thi sĩ Vũ Anh Khanh)

*Tha La là một địa danh cách Trảng Bàng 3 km, thuộc tỉnh Tây Ninh.

Trở lại với Thánh Đường Đức Mẹ La Vang
Có hai giả thuyết về tên gọi La Vang :
a/- Ngày xưa vùng đất nầy là rừng thiêng độc hại hoang vắng, nên dân vào rừng dặn dò nhau trường hợp lỡ gặp thú dữ tấn công phải “la vang” cho âm thanh vọng xa, để mọi người nghe đến cứu.

 Tượng ba cây đa nơi Đức Mẹ hiện
b/- La Vang bắt nguồn từ chữ Lá Vằng đã bỏ dấu. Tương truyền rằng đời vua Cảnh Thịnh năm 1798
cấm đạo Thiên Chúa, giáo dân bị truy lùng bắt bớ phải lánh nạn chạy lên vùng rừng thiêng nước độc toàn thú dữ, thiếu ăn, dịch bệnh chết nhiều, chỉ biết cầu nguyện và một lòng tin Chúa. Thương xót con chiên nên
Đức Mẹ hiện ra dưới gốc ba cây đa, chỉ dẫn giáo dân dùng Lá Vằng là loại cây mọc hoang trong vùng nấu uống sẽ chữa lành nhiều bịnh tật. Từ đó Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần để an ủi và ban phước cho giáo dân đã thành tâm cầu nguyện. Đức Mẹ rất linh thiêng, được Giáo Hội Công Giáo Rome phong thành Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang*

*Đức Mẹ cũng hiện ra ở Lourdes, một tỉnh phía Tây Nam nước Pháp vào giữa thế kỷ 19. Và ở Fatima, Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ 20.

Ngôi thánh đường cũ đã biến thành gạch vụn tan tành trong mùa hè đỏ lửa 1972, nay chỉ còn lại di tích tháp chuông. Thánh đường mới đang được xây phía sau thánh tích cũ, rất to rộng tối tân, dài 132m, ngang 102m sẽ hoàn tất vào năm 1923.

Mảnh sân bên trái-từ ngoài đường nhìn vào-có đặt bức tượng Đức Mẹ dưới gốc tượng ba cội cây đa, một đoàn hành hương hơn hai chục người ngồi trên các hàng ghế đặt cạnh đang kính cẩn đọc kinh cầu nguyện. Bên trong khuôn viên Thánh địa có một giếng nước xây mà nhiều người tin rằng uống nước ấy sẽ chữa được nhiều chứng bịnh*. Ngoài ra có nhà nguyện Thánh Thể, công trường Mân Côi… tôi được chiêm ngưỡng 15 tượng bằng đá đặt dọc trong khuôn viên tả sự khổ nạn của Chúa, bức khắc hoạ tưởng niệm 117 vị Thánh tử vì đạo..v..v..

*Qua lời chứng thực của cô bạn gốc Huế, rằng cô vướng phải chứng bệnh về da nhiều năm, thử bao nhiêu cách: thuốc uống, thoa, thuốc tây y, nam, bắc đều vô dụng. Trong chuyến hành hương đến La Vang, cô quỳ dưới tượng Đức Mẹ tha thiết khấn nguyện Đức Mẹ chữa lành bịnh, sau đó cô lấy nước từ giếng mang về nấu với lá vằng tắm vài lần là hoàn toàn bình phục. Cô cải đạo từ Phật giáo sang Thiên Chúa giáo từ đó.

Dù ngoại đạo, tôi cũng quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ thành tâm cầu nguyện cho muôn người –tất nhiên trong đó bao gồm gia đình quyến thuộc, người thân và..tôi– bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc, may mắn. Nhất là xin Đức Mẹ phù hộ cho chuyến viễn du của chúng tôi suôn sẻ, đừng gặp điều chi trục trặc. 
Từ hôm đó, trước mỗi chuyến đi xa, ngoài cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tôi luôn kèm theo Đức Mẹ Thánh Mẫu La Vang phù hộ thượng lộ bình an. Cả hai tượng Đức Bồ Tát, Đức Mẹ đều có gương mặt thánh thiện, quá đổi hiền từ. Mỗi khi quán tưởng các Ngài, luôn mang cho tôi cảm giác thật nhẹ nhàng thanh thản.

…Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam…

…Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn người Việt càng thương nhau hơn
Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao
( Nhạc Mùa Sao Sáng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông )
 
Thanh Hà
Mùa Giáng Sinh 2022






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét