Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Viễn Du Ký Sự - Phần 6

Hội An

Ký sự của Thanh Hà



1/-

Ngày 06.04.2022
Trước viện bảo tàng Hội An
Buổi sáng Đà Nẵng bầu trời toàn màu xám tro, hai vợ chồng Song Hồng, Pháp rủ tôi đi ăn điểm tâm. Nhà bạn nằm trong kiệt* cách đường trung tâm chừng 70 m khá rộng, xe lớn vào được dễ dàng. 

*Ông bà xưa nói đúng, đi một ngày đàng học một sàng khôn, nhờ tôi đi đây đi đó nên biết thêm nhiều phong tục, thói ăn nết ở mỗi vùng miền, học nhiều danh từ mới. Dân Đà Nẵng gọi Ngõ là Kiệt. Kiệt rộng hơn hẻm, hẻm để chỉ lối đi nhỏ có khúc cong quẹo. Dân Hà Nội gọi Ngõ và Ngách (hẻm). Còn dân Nam kỳ chúng tôi thì gọi Hẻm tất tần tật cho các con đường không nằm ngoài mặt tiền, đơn giản vậy.
 
Ba người trên hai chiếc Honda mới ra khỏi nhà một đoạn thì trời lất phất nhỏ hạt, phải dừng cạnh lề để mặc áo mưa. Xe đi qua mấy con đường, mấy cây đèn đỏ, chờ đèn xanh bật lên tiếp tục chạy thẳng, lát quẹo trái lát quẹo phải gần 30’ vẫn chưa đến nơi, trong khi từ nhà đi bộ 2 phút là ra đầu hẻm- ý quên đầu kiệt–có bao nhiêu nhà hàng, quán tiệm lẫn mấy xe bán rong, hàng gánh đủ các món tha hồ lựa chọn. Tôi ngạc nhiên hỏi thì bạn nói muốn dẫn tôi đến chỗ bạn thường ăn, vừa hợp khẩu vị lại rẻ !!!

Tôi chỉ dám cười thầm trong bụng. Cảm động, thương cho tấm chân tình của hai vợ chồng bạn. Sợ tôi tốn tiền cho ba tô bún cá, mỗi tô hình như giá một đô Mỹ mà đi xa mấy cây số trong thời tiết xấu, mưa càng lúc càng lớn ướt cả giầy lẫn chân cẳng mặt mũi. Nếu biết ở xứ tôi một tách trà nóng nhỏ xíu xiu giá gần 4 đô mà tôi vẫn hay vào nhà hàng quen thuộc nhâm nhi thưởng thức, mục đích chính là nơi hẹn bạn hữu, hoặc nhìn ngắm thiên-hạ-sự thì bạn nghĩ sao nhỉ*
*Hơn nữa, giá bạn biết mấy chục năm nay, buổi sáng nào tôi cũng ăn độc nhất 50 gr bánh mì quệt bơ thực vật và mứt trái cây-thay đổi nhiều loại-, uống một tách sữa pha hai muỗng nhỏ ovomaltine – một loại cacao– sáng nào như sáng nấy không thay đổi hay thèm thức gì khác thì bạn đâu có mất công chở tôi đi xa tìm món ngon lạ miệng. Sáng hôm sau tôi nói với Song Hồng ra đầu ngõ mua khúc bánh mì thịt nóng giòn, cứ ngày nào cũng y vậy cho tôi là được rồi, vì tôi rất hảo bánh mì thịt kiểu Việt Nam. Tự làm thì không tự tin vì người ta nói “Bụt nhà không thiêng”.
 
Rồi cũng đến nơi. Đó là tiệm bún nước nằm trong hẻm– lần nầy gọi Hẻm chứ không phải Kiệt, vì bề ngang lối đi nhỏ hẹp, chủ nhà đặt ngoài hàng hiên ba cái bàn nhựa thấp, mỗi bàn bốn ghế nhựa cũng thấp chủn cho tương xứng. Mưa vẫn rơi nên chúng tôi xin vào trong nhà có đặt một bàn trong phòng khách, kiểu gia đình. Ăn xong tô bún thì tạnh mưa, tôi đề nghị tìm Cafétéria nào xinh xinh uống cà phê hoặc ăn kem. Bạn cứ bàn ra, chắc lại sợ tôi tốn tiền nữa chứ gì. Nào là buổi sáng trời đang lạnh ai mà ăn kem, nào là Pháp – tên người chồng– còn đi chợ mua thức ăn nấu buổi trưa cho cả nhà và hai cô con gái cưng- một đã đi làm, một còn đi học- về ăn kẻo trễ. Chương trình sau khi ăn trưa một người bạn của Pháp sẽ mang xe bốn chỗ đến đón chúng tôi đi Hội An cách 30 km chơi.
Tôi nói hãy còn sớm, đã mất công thay y phục ra đường, hứng mưa và sương mù đi hơn 30’ để ăn bún, chả lẽ chỉ có vậy rồi lật đật quay về uổng phí thời gian ít ỏi tôi lưu lại đây. Phải lợi dụng thăm ngó phố xá nhiều như có thể để khám phá điểm hay lạ đặc biệt của địa phương.
 
Bất đắc dĩ bạn chở tôi vào một quán giải khát gần cái hồ (ao), không nhớ ở đường nào, quán chỉ có hai người khách nữ ở bàn bên cạnh. Tôi vốn không uống được cà phê nhưng cũng giả bộ bắt chước hai bạn kêu ly cà phê filtre có nhiều sữa đặc và đá cho mình. Khi giọt cà phê nhỏ hết xuống ly, tôi sớt hơn phân nửa cho Pháp, bỏ thật nhiều sữa và đá vào ly của mình rồi múc nửa muỗng cà phê nếm thử. Ôi chu choa là đắng! Bèn đẩy ly sang nhờ Pháp uống giùm, kêu hủ yaourt cho chắc ăn. Báo hại sáng đó Pháp phải uống hết hai ly cà phê, chắc bị say khỏi cần ăn cơm.

Nhiều người nhận xét đàn ông sống ở Việt Nam rất gia trưởng, thích chỉ huy năm ngón chứ ít khi nhúng tay vào việc nhà. Chắc có người như thế thật, nhưng đa số các ông mà tôi biết, chẳng hạn các anh, em rể, các người chồng của bạn… là những người rất tốt, luôn gánh vác phần khó nhọc, còn tài nội trợ nấu ăn ngon không thua gì phụ nữ. Pháp trong số đó. Ngồi uống cà phê mà cứ liếc nhìn đồng hồ, rồi giục chúng tôi ra xe để còn đi chợ mua thức ăn về nấu cơm trưa. Trong thời gian ở chơi với bạn, tôi thấy chỉ Pháp đứng bếp. Song Hồng kể từ ngày lấy chồng hai mươi mấy năm, cả hai đều là thợ may giỏi chuyên may đủ kiểu y phục nam nữ–trước dịch covid có thuê thêm vài thợ phụ– Pháp luôn đảm trách việc nấu ăn cho gia đình. Chỉ hôm nào đãi khách hay tiệc thì Hồng mới vào phụ nhặt rau cải, xắt thịt, lột tôm …chứ bình thường chỉ dọn bàn rửa chén. 
Tôi đặc biệt thích món tép rang của Pháp. Phải là loại tép nhỏ còn sống nhảy lung tung trong rỗ đem cắt đầu để nguyên vỏ rang lửa từ từ trong chảo nhiều dầu trong nhiều phút thì vỏ mới thật giòn rụm, nêm nếm vừa miệng ăn với cơm trắng và dưa leo hoặc rau muống luộc. Ngon ơi là ngon ! Tôi yêu cầu Pháp làm món này cho tôi ăn mỗi bửa, Song Hồng ái ngại nói kiểu rang tép này là kiểu dành cho nhà nghèo, tiết kiệm nên mới rang cho thật khô mà sao tôi lại thích. Ôi trời, bây giờ ai có thể phán đoán món ăn nào là dành cho kẻ lắm tiền, món nào dành cho người nghèo chứ ? chính món ăn nào càng ít calorie thì mới càng được ưa chuộng đó bạn ơi. Nhiều nhà hàng ở Saigon trong menu có món nước mắm kho quẹt, rau muống xào tỏi tôi thường đặt ăn kèm với mấy món khác đó thì sao.
Tôi mà nhìn thấy trên bàn tiệc toàn mấy dĩa thịt ê hề thiếu rau cải tươi, là tôi ngán ngẩm hết khoái khẩu.

2/-

Hai giờ trưa. Người bạn của Pháp đến đón. Nắng chan hoà, ấm áp, thật may mắn đi chơi trong thời tiết lý tưởng, không lạnh ướt cũng không nóng bức.
Đà Nẳng đến Hội An có bốn tuyến đường tuỳ theo mình chọn, khoảng cách giao động giữa 30 km- 40 km, thời gian 40’-60’.
Tôi quên chúng tôi đi tuyến nào, chỉ nhớ khi qua khỏi Đà Nẵng, nhà cửa hai bên vẫn đông nhưng xe lưu thông ít đến độ đáng ngạc nhiên, thỉnh thoảng mới thấy lác đác vài chiếc xe gắn máy lang thang trên đường.

Bờ biển Mỹ Khê

Sẵn tiện đường, bạn ghé vài nơi cho tôi thăm viếng. Như khu khách sạn Korean. Sau hơn hai năm dịch Covid ngăn sông cấm chợ thì từ mùa hè năm nay -2022-du khách Đại Hàn chọn nghỉ ở Đà Nẵng tăng vọt 3000% ( ba ngàn phần trăm). Có lẽ do địa điểm và giá cả hợp lý ? Vì thế mà các công ty chủ Đại Hàn rầm rộ đầu tư vào ngành khách sạn ?
Chuỗi khách sạn-resort-spa Palm Garden sang trọng, phía sau nhìn thông thoáng ra biển Mỹ Khê với hàng dừa nghiêng ngã gió đưa. Chúng tôi chụp nhiều ảnh lưu album làm kỷ niệm.

Lần trước tôi đến Hội An vào chiều muộn, dạo qua phố cổ, ngắm những chiếc đèn lồng giăng la liệt trên các góc đường về đêm, ngồi ăn mì quảng, tàu hủ nước đường trong các hàng quán lộ thiên dọc phố xá. Lần này tôi theo bạn đi ăn ở quán Ba Lê Well trong con hẻm từ đường Trần Hưng Đạo đi vào khoảng 200m. Tuy nhà hàng nằm sâu trong ngõ nhưng nổi tiếng ngon nên khách tìm tới nườm nượp. Thực đơn hàng trăm món để lựa chọn: Bánh xèo, nem lụi, nem nướng, ram cuốn..v..v.. Đặc biệt bánh xèo mà nước chấm bí truyền được lấy từ giếng Bá Lễ ăn kèm.
Chúng tôi gọi mấy món khác biệt, chia nhau nếm thử. Quả là ngon.

Nước từ chiếc giếng cổ Bá Lễ được các nhà hàng dùng để nấu các món cao lầu, bánh bao…cũng nằm trong hẻm Trần Hưng Đạo gần với đường Phan Chu Trinh. Nó chỉ là một cái giếng nhỏ rêu phong mà tương truyền do người Chăm Pa đào để lấy nước từ thế kỷ thứ 8-9. Đến thế kỷ 20 một người đàn bà Việt gọi là Bá Lễ bỏ 100 đồng bạc Đông Dương trùng tu lại nên mang tên bà.
Cô chủ quán Ba Lê dùng nước giếng chế biến thành “nước chấm bí truyền” ăn kèm bánh xèo nên bánh của cô trở thành“huyền thoại”, ngoài ra cô còn dùng nước giếng để pha trà cho khách uống kèm sau khi ăn “bánh xèo huyền thoại” ấy*
*Những chữ trong ngoặc kép trên là chữ nghe được từ trong nước ca tụng chứ không phải tôi sáng tác. 

Sông Thu Bồn, Hội An
Chúng tôi ngồi xe điện dạo vòng quanh phố. Người lái xe chở đến nhiều nơi, giải thích các điểm đặc biệt. Xe đi ngang cây cầu bắc qua giòng sông thường được các thi sĩ văn sĩ nhắc nhiều trong thơ truyện với một tình cảm sâu sắc khiến tôi cũng đâm mơ tưởng, là sông Thu Bồn. Từ trên cầu nhìn ra Cửa Đại (?) mặt nước mênh mông phẳng lặng soi bóng ánh chiều tà đẹp vô ngần. Xe tiếp tục đưa chúng tôi đến sông Hoài- một nhánh rẽ từ sông Thu Bồn- thuộc địa phận phường An Hội- Hội An- Quảng Nam. Giòng sông hiền hoà lặng lẽ uốn lượn giữa lòng phố cổ với mái ngói rêu phong, nội cái tên đã là hoài niệm về cái gì đã mất, một nỗi nhớ quê hương, khao khát luyến tiếc thời thơ ấu không bao giờ quay lại….  khiến tôi dân miền Nam mà cũng mang cảm giác thân quen dù mới đến lần đầu.
Xưa dân sống bằng nghề mò cua bắt ốc, nhưng giờ đã biết khai thác chèo thuyền đưa du khách dạo chơi nên cuộc sống cải thiện hơn.
Nhân nhắc về các con đò chở khách trên khúc sông Hoài, ngẫu nhiên xảy ra câu chuyện hài hước đúng vào ngày chúng tôi đến Hội An, mà dân mạng bàn tán cười cợt không ngớt. Tiếc là chúng tôi không được chứng kiến tận mắt ngoài đời thật bởi không có mặt trùng thời khắc.

Sông Hoài, Hội An

Nguyên có một người mẫu Mã Lai Á (Malaysia) tên Siew Pui Yi sang viếng thăm đất nước xinh đẹp của chúng ta. Chắc cô phải cảm tình, yêu mến văn hoá Việt Nam nhiều lắm, nên khi thuê đò dạo chơi trên sông Hoài, để được sống trọn vẹn trong không gian lãng mạn hữu tình, cô hoá thân hệt như thiếu nữ Việt bằng việc khoác lên người chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, chiếc áo mà đàn ông Việt luôn khen ngợi là thanh nhã, thướt tha, yểu điệu, trông thì kín đáo nhưng có sức khêu gợi một cách khéo léo những đường cong tuyệt mỹ thân thể phụ nữ khi ẩn lúc hiện bởi làn gió phất phơ nâng hai vạt áo, dẫn dắt trí tưởng tượng của các ông đến cõi phiêu bồng  ảo vọng ..vân vân và vân vân…

Thế nên vốn đã là người-mẫu-gợi-cảm (cứ nhìn vào những tấm ảnh của cô trên mạng là thấy) cô Siew Pui Yi tận tình khai thác thế mạnh nóng bỏng trời ban kết hợp với chiếc áo dài the đen mỏng “quyến-rũ-ngây-thơ Việt Nam” đăng ngay lên mạng cho cả thế giới chiêm ngưỡng – chả biết trên youtube, Instagram hay FB, vì tôi chẳng sở hữu cái nào trong những diễn đàn trên, mà được Pháp đưa tôi xem – .Thế là muôn người khắp năm châu bốn bể nhìn thấy trong màn đêm mờ mờ một chiếc đò nhẹ gác mái chèo êm trôi trên sông Hoài chở nàng* con gái đẹp tuyệt, đẹp từ mái tóc huyền xoã tận vòng eo thon, cho đến ánh mắt mơ màng đôi môi mộng thắm đăm đắm nhìn xuống chiếc đèn lồng nho nhỏ nàng ôm ấp nâng niu trên hai bàn tay nà nuột, xa xa muôn ngàn ánh sáng đủ màu lập loè phản chiếu từ đường phố quán xá xuống đáy sông tăng thêm phần ảo diệu.

*Phải đổi danh xưng từ Cô sang Nàng cho thêm phần “liêu trai chí dị”.
Tưởng tượng các đấng nam nhi ngẩn ngơ thầm hỏi : Ta đang ở đời thực hay chốn đào nguyên ? Người từ trong cõi thiên thai bước ra hay bằng xương thịt của thế kỷ 21? 

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lam
Quê hương dần xa lấp núi ngàn…
…thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
( Thiên Thai, Văn Cao )

Bỗng… các ông lắc lắc đầu (cho tỉnh táo), chớp chớp mắt (vì sợ quáng gà) bấm vào màn hình phóng zoom cực đại như có thể, để coi cho rõ. Hình như chiếc áo dài cô Mã Lai đang mặc có gì đó lạ lạ, cũng đúng chiếc áo dài phụ nữ Việt nhưng chừng như không hoàn toàn đúng. Nguyên nhân từ đâu nhỉ ? A đây rồi !!!

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông…
…rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên…( Kiều )

Cụ Nguyễn Du tả Thuý Kiều đang tắm thế nào thì người đẹp Mã Lai cũng gợi hình ảnh tương tự thế ấy. Bởi nàng chỉ mặc áo mà quên mặc…quần như bộ quốc phục phụ nữ Việt đòi hỏi điều kiện ắt có và đủ. Và nàng còn cố tình vén tà áo qua một bên, để lồ lộ phần thịt da từ eo xuống tận dưới chân đang nửa quì nửa ngồi. Mảnh nội y nhỏ xíu màu trắng dính vào da càng làm các ông… thêm nhểu nước miếng! 
Xin lỗi tôi loại trừ các vị “chính nhân quân tử” qua bên. Chỉ đùa cho vui để quên nỗi sợ dịch Covid vẫn còn tác yêu tác quái đó mà.

Cư dân mạng Việt một phen dậy sóng. Nếu ở quốc gia Hồi Giáo chắc chắn nàng sẽ bị kết tội vi phạm thuần phong mỹ tục, có nguy cơ ngày qui cố hương rất xa xôi. Nhưng may mắn là “quốc gia thân thiện”này nàng chỉ bị nhắc nhở không được ăn mặc hở hang. Ngày hôm sau nàng vào viết lời xin lỗi và gỡ hình ảnh trên mạng xuống, có điều những hình ảnh ấy đã được phát tán và nhân rộng ra cho bá gia bá tánh xem rồi. 

Tôi đoán người ta giễu cợt hơn là chê bai tức giận. Suy cho cùng, đâu phải lỗi của nàng- hoặc chỉ một phần nhỏ-vì nàng đâu có phải là cô gái Việt Nam mà biết rành về chiếc áo. Lỗi là do nhà may áo dài nào đó- tôi đồ chừng ở Hội An- đã may cho nàng chiếc áo mà không tư vấn là phải mặc kèm với quần mới đúng cách. Và càng đáng trách nhiếp ảnh gia mà tôi đoán hẳn là một đấng mày râu, hay chính anh chàng lái đò chụp ảnh cho nàng (?) đã không chịu giải thích để nàng biết khi nàng bước xuống đò. Không chừng ngược lại anh ta lợi dụng việc nàng mặc hớ hênh là dịp may khó gặp lần thứ hai trong đời để tha hồ ngắm nghía màn mê ly khỏi tốn tiền? Và sau này còn có giai thoại đem khoe khoang trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè nữa .

Đêm ấy, anh lái đò & nhiếp ảnh gia nằm mộng thấy gì ta ?!

Thanh Hà
Nov.2022 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét