Cảm nhận của Đỗ Anh Tuyến
Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến gửi tặng tập thơ CƯỠNG XUÂN đã lâu nhưng vì bận nên tôi chưa viết lời cảm nhận được. Hơn nữa, nhà phê bình Châu Thạch và nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm giới thiệu tập thơ đã khá công tâm, đã đủ ý, đủ lời nên tôi cũng khó viết thêm.
Bài viết này, giới thiệu một số bài thơ ở mảng thơ thế thái nhân tình, tức thơ thế sự, của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, đã được anh công bố rộng rãi trên các trang mạng nhưng chưa in thành sách, theo cảm nhận của riêng tôi là hay, lạ và độc đáo. Xin được chia sẻ cùng quý vị.
1.
Quê nghèo (01) là một trong số những bài thơ hay của Đặng Xuân Xuyến. Bài thơ là tiếng lòng đớn đau của người con khi phải chính kiến cảnh đói nghèo, cơ cực trải dài qua bao năm tháng, qua bao thế hệ ở làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bài thơ chiếm được nhiều cảm tình của người đọc, được nhiều tác giả viết lời bình nhưng chiếc cổng làng - hình tượng độc đáo trong Quê nghèo - lại chỉ được bình thoảng qua, trong khi lẽ ra phải dành cho chiếc cổng làng một lượng câu chữ nhiều hơn thế.
Tôi nghĩ chiếc cổng làng của Quê nghèo không còn là cổng làng của riêng làng Đá nữa mà là biểu tượng của thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa đã giam hãm, trói buộc người dân trong đói nghèo, tù túnǵ... Đấy là tiếng kêu nghẹn uất của nhà thơ về nỗi đau của chế độ đã đè nặng lên cuộc sống cơ cực, khốn quẫn của người dân. Hình ảnh cái cổng làng “Sừng sững bê tông cốt thép/ Ngạo nghễ tượng đài/ Ngạo nghễ trần ai” cũng khiến người đọc liên tưởng tới hiện tượng cả xã hội thi nhau xây dựng các loại tượng đài để đục khoét ngân khố quốc gia, làm khổ thêm cuộc sống “trăm đắng ngàn cay” của người dân. Thật đau xót khi biểu tượng chiếc cổng làng - biểu tượng ngàn đời của văn hóa làng xã Việt Nam đã bị thể chế hóa, để không chỉ “Giam hãm đời người/ Tù túng giấc mơ.”, mà còn đầy đọa, đẩy cuộc sống người dân xót xa đến mức: “Quê tôi nghèo/ Nghèo cả giấc mơ.”
2.
Ru Con (02) là bài thơ Đặng Xuân Xuyến viết tặng con trai của anh, đã làm run rẩy, xúc động trái tim người đọc bởi tình yêu con bao la, sự hy sinh cho con vô bờ bến của người cha. Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành (021) khi bình đã bật lên được thần thái của bài thơ:
“Không một lời kể lể, không một câu đấu tố “kẻ” được gọi là “người lớn” đã “dạy hư”, làm khổ đứa con bé bỏng của mình, nhưng đã hiện lên hoạt cảnh đầy kịch tính, xúc động: “Con níu vào giấc ngủ/ Kiếm nụ cười trong mơ”.
Đọc đến đây tôi đã khóc, khóc thật sự bởi hình ảnh “con níu vào giấc ngủ” chứ không phải níu con vào giấc ngủ - “Kiếm nụ cười trong mơ” chứ không phải nở nụ cười trong mơ. Động từ “níu” và “kiếm” sử dụng thật đắt và sống động, gây được xúc cảm: Một đứa trẻ ở lứa tuổi rất ngây thơ trong sáng đã sớm hiểu chuyện, ý thức được thiệt thòi của mình mà “níu vào giấc ngủ” để “kiếm nụ cười trong mơ”, để tự bù đắp những thua thiệt cho mình. Và người cha, cảm được những giọt lệ âm thầm của người con, hiểu được những khao khát, thua thiệt của người con, đã lặng nhìn con ngủ với những xót xa trĩu nặng. Dù không vạch tội cụ thể “người lớn” nào đã làm khổ con mình nhưng người đọc vẫn nhận diện ra kẻ đó là ai và cảm nhận được nỗi uất hận trào dâng trong lòng người cha đối với kẻ nhẫn tâm làm khổ con mình. Đây là khổ thơ mấu chốt. Cấu tứ đặc biệt này tạo dòng chảy sức sống của bài thơ.
(…) Tiêu đề bài thơ tuy cũ, cấu tứ thơ lại hiền lành nhưng sự chân thực được cất lên từ tình yêu thương con vô bờ của người cha đã khiến bài thơ sống động, có sức truyền cảm, làm run rẩy, xúc động trái tim người đọc. Đấy chính là cái thành công, cái được của Ru Con!”
3.
Lan man và chuyện thằng bạn (03) viết theo trường phái siêu thực, một phương pháp sáng tác mà lớp nhà thơ trẻ thường sử dụng khi muốn làm mới thơ, được chua dòng chữ: tặng nhà thơ Nguyễn Đăng Hành, là bài thơ đã tạo cấu tứ lạ, nét vẽ riêng trong thơ Đặng Xuân Xuyến.
Khung cảnh bài thơ là nhà “thằng bạn”, thời gian là cả ngày và đêm, được vẽ bằng gam màu u ám, rờn rợn, nhuốm đầy tử khí. Bao chùm bài thơ là không khí ngột ngạt, là tâm lý sợ hãi của nhà thơ - người dân: “Tôi đã từng sợ tiếng thạch sùng / nửa đêm tờ lạch tạch não nùng...” và “Tôi đã từng sợ ma.”... Phải chăng chính bóng đêm tội ác của chế độ đã làm nhà thơ - người dân luôn sống trong tâm trạng nơm nớp âu lohoảng loạn?
Sự giả dối, thói tham lam và bản tính độc ác, đểu giả của “thằng bạn”, ám chỉ tầng lớp quan lại, được bóc trần nhẹ nhàng, từ từ khi thời gian là ban ngày (khổ thơ I), nhưng khi thời gian chuyển sang tối đêm (khổ thơ II) thì mặt nạ của “thằng bạn” bị lột trần trắng phớ, lộ rõ sự đểu giả, ma mãnh, độc ác. Chỉ cần hình ảnh “thằng bạn” với “những tờ tiền đỏ như rưới máu” cũng đã đủ để vạch trần đó là những đồng tiền dơ bẩn, tội lỗi, được trấn cướp từ mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu, là tính mạng của những người dân lương thiện. Có lẽ vì quá hiểu nguồn gốc của những đồng tiền tội ác đó nên “tôi”, nhà thơ, không hỏi “tiền nhiều từ đâu”, và “thằng bạn” cũng biết bạn mình quá rõ con người mình nên tảng lờ, “tránh nhắc từ đâu tiền nhiều”. Và, trong cái “Quánh đêm” “Rờn rợn” “tối lịm” ấy, khuôn mặt “thằng bạn” sau khi bị nhà thơ tróc bỏ hết lớp “sơn” đã hiện rõ nét là kẻ giả tạo và độc ác: Khuôn mặt bạn/ Vời vợi của thánh nhân/ Ma lanh của ác quỷ. Đến đây, chả cần xướng danh cụ thể, người đọc vẫn chắc chắn sẽ nhận ra chân tướng đích thực “thằng bạn” của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến là ai, kẻ đấy là người thế nào, và bản chất “thằng bạn” tệ hại ra sao?...
4.
Khi cảm nhận về bài thơ Tôi nghe (04), nhà thơ Chử Văn Long viết: “Mừng cho ngòi bút tác giả bài thơ “Tôi nghe”nếu không vững tay nghề sẽ đem kể hàng loạt những vụ tham nhũng biến chất như thế, bài thơ sẽ biến thành một “bản trường ca bất hảo” trường thiên… đọc sẽ nhàm chán bởi bản chất của xã hội, dù tha hóa đến đâu vẫn còn lại bao điều tốt đẹp, vị tha, cao cả. Và đoạn thơ thứ tư bất ngờ xuất hiện: (...) Tám câu thơ gợi hình ảnh tương phản với ba đoạn thơ trên về màu sắc sáng tối làm nên bức tranh toàn cảnh sinh động mà lâu nay mỗi khi nghĩ đến thi ca người ta có cảm giác nó là thứ nghệ thuật đã tách ra, đứng bên lề cuộc sống thì nay nó lại nhập cuộc vào vui buồn thao thức lương tri. Tám câu thơ ngắn liệm trọn số phận con người nghèo khó ở bất cứ nơi nào khi mà cuộc sống chưa có công bằng bác ái, ở bất cứ nơi nào mà bọn quan tham còn được che đậy bởi những lời nói ngoài môi “vì Đảng, vì dân”!
Nhưng tôi có chút không đồng thuận với nhà thơ Chử Văn Long khi đọc những dòng kết luận của ông về Tôi nghe:
“Bài thơ không cần đoạn thứ năm: Tôi nghe… / Những mảnh đời khốn khó / Những anh Vươn sắp trơ lì hãi sợ / Có câu tức nước ắt vỡ bờ / Khi niềm tin rạn vỡ.
Bởi chỉ bốn đoạn trên nó đã gây được xung lực, nó đã gợi lên cho người đọc, dù vô tâm đến đâu cũng phải khơi dòng không thể để “tức nước vỡ bờ”. Nhìn lại những trận đại hồng thủy từng qua, cuối cùng vẫn lại dân đen chìm nổi cùng với đau thương gánh chịu.”
vì khổ thơ cuối không chỉ là lời cảnh tỉnh tới chế độ mà còn là khí phách dũng cảm của người cầm bút trước hiện trạng đau thương của đất nước. Thử hỏi khi mà ngàn vạn nhà thơ nhà văn, nhất là những nhà văn nhà thơ “Quốc Doanh” đang ỉ ôi than khóc với những tình anh tình em vô bổ, thậm chí còn đầy độc hại vì tính ru ngủ xã hội, thì mấy ai đã dũng cảm viết ra những dòng thơ nóng bỏng tình người, sục sôi tính chiến đấu như thế?.
5.
Bài thơ Lan man và chuyện đàn cừu (05) cũng viết theo trường phái siêu thực, khước từ sự chú giải, phân tích theo lối thủ cựu, được chua dòng chữ: tặng nhà thơ Vũ Đình Ninh, chủ bút trang Văn Đàn Việt.
Bài thơ gồm 2 khổ. Khổ đầu là phân cảnh, là tâm trạng của những con người thuộc tầng lớp lao động, thuộc lớp dưới nhưng lại chiếm số đông trong xã hội, vất vả, cơ cực mà vẫn phải chịu cảnh đói nghèo, lam lũ... Với khát khao, mơ ước tương lai được tươi sáng, tốt đẹp hơn, “tôi” - nhà thơ, và số đông trong xã hội - đã không ngừng phấn đấu, không ngừng tin tưởng, để rồi “tôi” phải cay đắng thốt lên: “Hình như”... Câu “hình như...” nghe chua xót, tắc nghẹn nơi cuống họng làm tái tê, rức buốt nỗi lòng. Một tứ thơ “lạ” và mới.
Sang khổ 2, nhà thơ tiếp tục câu chuyện của mình nhưng “lan man” chuyện khác, chuyện của đàn cừu: Đàn cừu / Ngoài kia... Cấu trúc bài thơ thay đổi. Cấu trúc đoạn thơ cũng thay đổi: Con đầu đàn vừa bị hóa kiếp / Cả đàn chết khiếp / Lẩy bẩy / Chen đẩy / Vào chuồng / Ông chủ oang oang / Bà chủ nhẹ nhàng / Đàn cừu / Im lặng / Cúi xuống / Nhai... Cách ngắt câu thành nhiều nhịp để diễn tả sát từng cung bậc tâm trạng: khiếp sợ, cam chịu,... của “đàn cừu”, tượng trưng cho những kẻ bị trị, cùng với cách sử dụng ngôn ngữ “cũ mới nương nhau”, đã đẩy bài thơ lên tầm cao.
6.
Bài thơ Văn Thùy “dị nhân” (06), được 2 nhà thơ Chử Văn Long (061) và Nguyễn Đăng Hành cảm mến viết lời bình, nhưng tôi thích bài của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành (062) hơn vì ông đọc được cái hồn cốt, cái thần của bài thơ:
“Đọc Văn Thùy “dị nhân” của Đặng Xuân Xuyến tôi thấy người gai gai, rạo rực, cứ ngỡ bài thơ này là viết về mình, viết cho mình vì thấy có bóng dáng tôi ở trong đó. Tôi tin, khi đọc Văn Thùy “dị nhân” sẽ không ít người thơ, nhà thơ có tâm trạng, cảm giác gai gai, rạo rực giống tôi. Đó chính là thành công của bài thơ, của nhà thơ. Thường thì những bài thơ đi vào lòng người là tuy viết về một người mà có hình ảnh của nhiều người, viết cho một người mà như viết cho nhiều người. Đó là thứ thơ có chất trời, chất đời, chất người. Văn Thùy “dị nhân” là bài thơ như thế.
(…) Bài thơ không hề kể lể, chau chuốt hay dụng công đắp vẽ mà cứ hồn nhiên, nhịp nhàng, đầy tràn “ứ hự”... Hai câu “Cả đời/ Đánh đổi” đã dựng lên, đã thắt lại cái triết luận: Tất cả là luân hồi, nhân quả và vô thường. Sự thành bại là sự đánh đổi của cuộc đời. Chữ “đánh đổi” đúng là “nhãn tự”, là lò so co giãn của bài thơ, như sợi chỉ xuyên suốt câu từ bài thơ. Nhà thơ tự hỏi “Được gì?” song lại tự lý giải, bình báo ngay sau đó:“Dăm ba bài thơ dán tem thơ bụi”. Rồi tiếp: “Thiếu vợ/ Thiếu con/ Đâu phải Kép Tư Bền/ Sao cứ bắt miệng cười tim héo”. Ôi đau quá! Buồn quá! Tác giả thật khéo ẩn dụ đặt con “tim héo” bên cạnh “miệng cười”, đọc mà thấy nặng tình nặng nợ. Khiến người đọc ngậm thở rồi mà phải thượt dài, phải thán phục và công nhận cái giá của sự say sưa, của sự đánh đổi được mất con chữ thi ca “thơ bụi”. Tôi đồ rằng, khi viết những câu thơ này, Đặng Xuân Xuyến phải nén lòng lắm để nước mắt khỏi tràn vào câu chữ, để hình ảnh của Văn Thùy “dị nhân” được sống động, rất đời: ngông ngạo, tài hoa mà chất nặng đắng cay.”
7.
Trò Đời (07), sáng tác ngày 08 tháng 05 năm 2017, với dòng chua: kính tặng nhà thơ Nguyễn Khôi, đúng dịp ông Đinh La Thăng bị thu hồi chức Bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, triệu về Hà Nội, chờ ngày sẽ tra tay vào còng số 8.
Được viết ở thể thơ tự do, Trò Đời là bài thơ khá ngắn, không tuân thủ theo niêm luật mà viết thẳng đuột, khoáng đạt, đập thẳng và mạnh vào cái thế thái nhân tình đốn mạt, cạn tàu ráo máng của giới quan chức, của những kẻ khi đương chức đương quyền thì tận lực tham ô, sống thủ đoạn, bất nhân bất nghĩa nhưng khi nghỉ hưu thì lại cố rặn ra những câu trơ trẽn bảo nhau “ráng làm người tử tế” như để mà chuộc lỗi những năm tháng làm quan hút máu dân đen, sống như phường cầm thú.
Mượn giọng bất cần của một ông quan đang bị thất thế để lột trần bộ mặt đểu giả của chốn quan trường, nhà thơ ngông nghênh chửi đời, chửi bản chất chốn quan trường là “lưu manh”, “Đếch có chữ tình”, là “truy cùng diệt tận” đối thủ chính trị cho dù đối thủ ấy đã “Thất thế sa cơ”, đang cố diễn trò “Ráng “làm người tử tế””...
Câu kết bài thơ: Ngã ngựa rồi mới thèm một chữ NHÂN, không chỉ là sự trả giá của gã quan thất thế, đang hoặc sẽ bị đối thủ chính trị “truy cùng diệt tận” mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ đang làm quan, sẽ làm quan hãy sống cho tử tế, cho ra một con người để có đường lùi, có sự an toàn khi hạ cánh.
Chữ NHÂN là nhân tâm, là phần NGƯỜI trong 2 chữ CON NGƯỜI thật đáng quý làm sao!
8.
Khi bình về bài thơ Bạn Quan (08), nhà thơ Chử Văn Long hạ bút:
“Tôi thật ngưỡng mộ vì nội dung, giọng điệu, câu chữ già dặn, từng trải, vừa tiếp thu cách nhìn đời, nhìn người của các lớp nhà thơ cha anh mỗi khi bĩ cực, nhưng hơn hẳn lớp nhà thơ ăn theo xã hội bây giờ, khi vui thì vỗ tay vào, hết lộc thì thở ra những lời ai oán vụn vặt làm người đời chán đọc thơ vì vậy.
Thơ Đặng Xuân Xuyến cũng mượn hơi men “giả tỉnh giả say” như để có cớ lôi tuột những mưu mô giả trá của một xã hội đang thịnh hành, đang phân hóa, làm đảo lộn hết đạo đức, nhân cách, làm người dù chỉ giới hạn bằng những lời bộc bạch, tâm sự của hai người bạn lâu ngày gặp lại, có nhu cầu phơi trải lòng mình thật đến nỗi chỉ thiếu cái tát bằng những ngón tay in lên mặt nhau, dù làm quan có chức tước giàu sang hay là dân ngu ngơ, nghèo túng, khi nhìn lại đời mình đều nhục, chưa thấy xứng kiếp người, tự mình thấy mình như súc vật, kiếp ngan, kiếp chó....
Tình bạn xa lâu ngày gặp lại nhau, người ta thường ôn lại kỷ niệm trong lành một thuở, rồi mới có nhu cầu hỏi han công việc hiện tại gia cảnh của nhau. Đằng này có tình bạn ngày xưa của họ chỉ phụ họa thêm cho nỗi ấm ức về những rối ren, bất công xã hội. Thằng học giỏi không sống thủ đoạn thì làm dân quèn, thiếu cơm rách áo. Thằng học ngu, biết nịnh nọt cúi luồn vẫn có thể mua được chức tước lên quan để kiếm bổng lộc bạc vàng, thành ra cuộc gặp gỡ nơi chôn nhau cắt rốn lại là cái cớ để nổ ra cuộc vạch mặt chỉ tên những bất công xã hội đang ấm ức nơi lòng mỗi kẻ.
Bài thơ thành bữa tiệc giữa hai người bạn thết nhau vị ngọt bùi, cay đắng tình thân, vừa là của riêng, lại vừa dọn mời người đọc nhâm nhi, cụng chén ở những năm tháng đời người thật ít điều vui, ít tình thân thiện và gần như không còn thứ tình cảm tri kỉ mà ông cha ta đã ngìn năm trồng cây cho gỗ nên trầm. Giờ rừng bỗng dưng bị đốn trụi. Tình người rồi sẽ sao đây! Đặng Xuân Xuyến đã gửi tâm sự lòng mình vào thơ cho vơi ấm ức! Có lẽ chỉ còn thơ có thể an ủi anh chăng!”
9.
Nhớ Mẹ (09) viết theo cách cũ. Hình ảnh về mẹ rất gần gũi, thân thuộc, rất đẹp trong ký ức mọi người: Mẹ gửi đồng xa tiếng cười / Mẹ mong đơm mùa trĩu hạt / Nhọc nhằn nhuộm lời mẹ hát.... Những hình ảnh tương tự như thế đã được nhiều nhà thơ sử dụng, nhưng những câu thơ cất lên từ trái tim hiếu thảo của người con, với những hình ảnh sống động, sâu lắng về Mẹ: Nhớ những chiều nắng tắt / Kẽo kẹt gánh rau mẹ vội về nhà / Dáng mẹ xiêu xiêu run rẩy chiều tà... và: Cha ở phương xa / Chúng con còn bé dại / Gánh nặng gia đình trĩu nặng đôi vai... rất của riêng Mẹ của Đặng Xuân Xuyến mới làm nao lòng người, mới gợi được cảm xúc nơi người đọc, lấy được cảm xúc của người đọc.
Bài thơ được đẩy lên cao trào, lấy thêm nước mắt của người đọc khi thẩm tiếp những câu “tan nát cõi lòng” của người con hiếu thảo: Con muốn hỏi trời cao / Con muốn cào đất rộng / Đâu là lẽ công bằng / Mẹ một đời nhân hậu thẳng ngay / Sao lắm cơ cực đắng cay / Lặng thầm qua đời mẹ... Hình ảnh người con trai: Ngửa mặt nhìn trời tay con nắm chặt / Nước mắt ngược vào tim mặn chát... để chất vấn trời cao, chất vấn số phận... đã cứa vào tim người đọc. Ở khổ thơ thứ 3 này, nhà thơ lần nữa thể hiện tay nghề vững, thể hiện sự rành rẽ về tâm tư, tình cảm và những yếu mềm của trái tim... để viết lên những câu thơ rung động lòng người, dâng lên Mẹ.
Chưa hẳn là bài thơ tuyệt hay, thật đặc sắc nhưng Nhớ Mẹ của Đặng Xuân Xuyến là một trong số những bài thơ hay và đẹp về lòng hiếu thảo.
10.
Bài thơ “Về quê đi mày” (10) cũng là bài thơ hay, chan chứa tình của Đặng Xuân Xuyến với bè bạn, quê hương. Tôi thật sự ấn tượng khi đọc nhà văn Dương Ninh Ninh(101) cảm Về quê đi mày với những dòng:
““Về quê đi mày”, thoạt nghe tưởng như đây là tiếng nhà thơ nhắn gọi người bạn cũ. Nhưng tĩnh lòng lại, ta sẽ nhận ra đó không phải là tiếng gọi thực của nhà thơ mà là những âm vang của thời thơ dại. Cái thời thơ dại ấy tuy đã qua đi lâu rồi nhưng nó vẩn còn lưu bóng dáng những kỷ niệm về nó trong tâm hồn mỗi người. Sau mấy chục năm, bươn trải trong thực tế phũ phàng của cuộc sống, mê mải trong những toan tính khôn ngoan của người lớn và đứng trước biết bao cơn bão tinh thần muốn xô đổ những giá trị tình cảm đạo đức, tưởng như những dấu vết ngây ngô của thời thơ dại ấy đã bị xóa nát. Nhưng không, nó chỉ ngủ yên trong lòng mỗi người để khi có dịp thì thức dậy. Với nhà thơ Đặng Xuân Xuyến cũng thế, khi anh nhớ tới người bạn hiền đã biền biệt “hai mấy năm trời” thì cũng là lúc những kỷ niệm thời thơ dại của đôi bạn bừng thức dậy trong lòng anh, âm vang thành những tiếng thơ đầy khao khát được gặp lại bạn để cùng nhau về quê ôn lại thời thơ dại ấy, bởi chỉ có về quê mới có thể tìm lại những dấu vết ngây ngô khờ khạo nhưng hồn nhiên trong sáng vô tư đã qua đi rồi ấy.
Cái hay của tiếng gọi “Về quê đi mày” là ở đấy, ở chỗ nó vừa ảo vừa thật. Và vì thế tôi thích bài thơ này của Đặng Xuân Xuyến.”
&.
Thưa quý vị!
Vài cảm nhận về một số bài thơ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến, có gì bất cập, mong nhận được ở quý vị sự lượng thứ.
*.
Thanh Nê, ngày 10 tháng 01.2018
ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét