Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 15

Đường lên Tây Bắc: Yên Bái-Ba Vì
Ký Sự của Thanh Hà


Ngày 16.04.2022
Chuẩn bị tiếp chuyến đi lên miền thượng du Tây Bắc. Không cần thiết phải mang hết quần áo cho nguyên cuộc hành trình nữa nên chúng tôi soạn theo vài bộ đủ mặc, còn thì để lại nhà Thuỷ để chiếc xe đỡ cồng kềnh và nhẹ bớt .  

Bịn rịn chia tay vợ chồng Tấn, Thuỷ, chụp chung tấm hình kỷ niệm. Đây là lần thứ nhì tôi tái ngộ Thuỷ. Lần đầu cách đây 26 năm khi tôi về cúng mãn tang ông Ngoại, lúc ấy cô bé chừng 13 tuổi vào sống với gia đình em gái tôi. Tấn, chồng Thuỷ thì gặp lần nầy cũng là lần đầu, điềm đạm thân thiện, nói năng đúng mực. Mấy năm trước cả hai đều đi làm ăn lương, giờ nghỉ hẳn ở nhà chuyên việc đồng áng, nương rẫy. Con gái lớn lấy chồng hiện sống Hà Nội, cậu út sắp vào Đại học, cuộc sống an phận khá êm đềm. Mấy hôm chúng tôi ở đó, Tấn phụ giúp vợ nấu xôi, luộc khoai bắp trên cái bếp chụm củi và than đá đặt sau chái nhà đãi chúng tôi, vì biết tôi rất thích mấy món khoai bắp ngọt dẻo bùi nầy. 
Từ Ninh Bình để đến đỉnh Tà Xùa, Bắc Yên tỉnh Sơn La khoảng cách 300 km, chúng tôi phải chạy qua các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Ba Vì.
Năm 2018 hai vợ chồng bạn ở Thuỵ Sĩ về cùng thời gian nên rủ tôi ra Bắc chơi. Người em họ của bạn hướng dẫn đi từ Hà Nội đến Sapa theo ngã Tây Bắc Mộc Châu có dịp xuyên qua hồ thuỷ điện Hoà Bình ở thượng nguồn sông Đà, rằng đây là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam. 
Hình như bắt đầu từ tỉnh nầy trở ra thì dân tộc thiểu số đông hơn người Kinh như: Mường, Thái, Tày, Dao, H’Mong, và các sắc dân khác nữa.

Xe đi qua Yên Bái. Tôi liên tưởng đến chí sĩ Nguyễn Thái Học, một nhà cách mạng chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông cùng 12 đồng chí bị Pháp xử chém vào năm 1930–tức 93 năm trước–, nhớ câu nói của tiền nhân :”Không thành công thì thành nhân” mà tôi xem là kinh điển noi theo. Giúp tôi vượt lên mỗi thất bại hay vấp ngã trên đường đời.


Lần trước chúng tôi ghé lại Mù Cang Chải, nơi có nhiều thửa ruộng bậc thang nổi tiếng không thua ruộng bậc thang Hà Giang, nhưng tiếc không đến vào mùa lúa từ tháng 5 đến tháng 10 nên không chiêm ngắm được cảnh quan kỳ ảo màu xanh vàng rực rỡ. Lần này mục đích tôi là đi Hà Giang ngắm ruộng bậc thang do đã nhìn thấy qua tranh ảnh, báo chí ca ngợi nên cũng không ghé lại Yên Bái.

Sau chuyến đi, nghiên cứu tài liệu mới hay ở đây có hồ nhân tạo Thác Bà, mệnh danh “Hạ Long trên núi” lớn nhất V N !?? Ủa, họ viết hồ Hoà Bình sông Đà lớn nhất VN, rồi hồ Thác Bà Yên Bái cũng lớn nhất VN, vậy hồ nào lớn nhất nhỉ ? Hay còn hồ nhân tạo khác ở tỉnh khác cũng lớn nhất VN nữa, tuỳ theo báo chí của vùng miền địa phương đó ca ngợi ?
Nhưng có vẻ hồ Thác Bà hấp dẫn hơn với 1300 hòn đảo, hang động sơn thuỷ hữu tình. Nếu tôi nghiên cứu tài liệu trước khi đi thì tôi đã đề nghị cháu đến nơi nầy rồi, thật tiếc !

Chúng tôi chạy ngang Ba Vì. Dọc theo đại lộ Thăng Long đoạn khu vực Sơn Tây- Ba Vì san sát gần hai trăm bảng hiệu to tướng kẻ cả hai mặt tấm kim loại khổ 4 hay 5 mét vuông (là tôi đoán chừng, có khi còn to hơn nữa) dựng trên hai ống đồng cắm kiên cố xuống đất cạnh vệ đường trước mỗi cơ sở hay quán tiệm quảng cáo sữa Ba Vì, tấm bảng này đã to còn có tấm bảng khác to hơn, nối tiếp vài cây số tưởng chừng không dứt. Có lẽ sữa bò ở vùng nầy phẩm chất ngon “nhất”, bổ dưỡng “nhất” nước đây nên họ mới ra sức trưng bảng quảng cáo vĩ đại như thế. Nào là Sữa Con Bò Vàng Ba Vì, Sữa Chua Bò Vàng Ba Vì, Sữa Chua Nếp Cẩm Ba Vì…
Thật sự trong suốt chuyến đi qua mấy chục tỉnh thành Việt Nam, tôi hầu như không quan tâm đến việc truy lùng hay nếm thử các món “đặc sản” địa phương nào cả*
*Có lẽ sắp tới tôi sẽ dành một bài viết ngắn, cảm nghĩ và nhận xét về đề tài nầy chăng.

Ngược lại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên mới khiến tôi háo hức khám phá mà thôi. Vì vậy khi mấy chữ Sữa Ba Vì đập vào mắt, tâm hồn nhậy cảm của tôi không tưởng tượng mấy con bò vàng cho sữa mà chỉ nghĩ ngay đến thi sĩ Quang Dũng:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì…
            ( Đôi Mắt Người Sơn Tây )

Bài thơ vốn đã hay tuyệt, thêm giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh đã nâng Đôi Mắt Người Sơn Tây trở thành bất hủ:

…vầng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn tha phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương ?…
…Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…( Đôi Mắt Người Sơn Tây )

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai…
…Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
( Đôi Bờ, Quang Dũng )

Lời thơ cho tôi “đọc” được nỗi u uẩn vương trong đôi mắt người con gái nào đó. Tôi muốn đến núi Ba Vì. Ba Vì bao gồm dãy núi nhỏ cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, có người gọi Tản Viên- gồm có ba đỉnh: Vua, Tản Viên, Ngọc Hoa, độ cao từ 1100m–1300m. Truyền thuyết ai cũng biết về Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đua tài để mong cưới công chúa Ngọc Hoa, con của vua Hùng thứ 18. Rốt cùng Sơn Tinh thắng nên được vua Hùng gả công chúa. 

Nơi đây còn sinh ra một thi sĩ tài danh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu mà thời trung học chúng ta được học thơ ông trong môn Cổ Văn. Ông lấy tên núi Tản sông Đà làm bút danh. Ông có hàng trăm bài thơ, trong đó có bài Tống Biệt rất dài, du dương được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc và cũng được giọng ca tuyệt vời danh ca Thái Thanh trình bày:
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai…
…Đá mòn rêu nhạt, nước chảy huê trôi…
…Cửa động đầu non đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
( Tống Biệt , Tản Đà )

Ngoài ra, còn có bài:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non…
…Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một nắm đã đầy tuyết sương…
…Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
(Thề Non Nước, Tản Đà )

Tôi để ý một điều là càng tiến xa ra miền Ngoài, dọc theo các con đường liên tỉnh hay thôn làng hầu như nhà nào cũng đều nuôi chó, có nhà nuôi cả một bầy. Những con chó vàng, đen thân nhỏ ốm yếu * bước đi uể oải lừ đừ hoặc nằm ườn ra ngủ ngay trên đường la liệt, nghe tiếng còi xe vẫn phớt tỉnh Ăng-lê, chả buồn ngoảnh mặt nhìn hay nhúc nhích một ly ông cụ nào.
*Chắc tôi đã quen nhìn các giống chó bên tây đa số to lớn hùng dũng sức lực tràn trề, ngay các chó kiểng tuy nhỏ nhắn nhưng đều rất linh hoạt mang cái vẻ vui tươi, đuôi luôn ve vẩy, chạy nhảy tung tăng, nên nhìn dáng điệu đi đứng nằm ngồi của mấy con chó trên, thấy rõ sự lười biếng ủ rủ đáng thương hại gì đâu.

Tôi vốn đã bị chó-tông ngã nhào đầu hai lần khi đi xe hai bánh, mà lần gần nhất cách 6 năm ở Huế nên hể thấy bóng dáng mấy chàng nàng chó là tôi rất đề cao cảnh giác, sợ chúng tông trúng nữa nên nhắc nhở Vĩnh An coi chừng bớt ga và tránh xa chúng. Tôi đưa nhận xét với Vĩnh An: 
—Dân ở các tỉnh miền ngoài sao thích nuôi chó giữ nhà quá chừng nhỉ, đi đến nơi nào cũng thấy chó ngổn ngang đầy đường. 
Cháu nói họ nuôi chó để giết lấy thịt ăn chứ không phải chỉ với mục đích giữ nhà thôi đâu. 

À đúng rồi, giờ mới nhớ có rất nhiều người miền ngoài thích ăn thịt chó, con vật thông minh trung thành nhất trong các loài thú. Nhớ hồi sau năm 75 Ngoại tôi nuôi con chó rất dể thương, lông trắng xám mập mạp khoẻ mạnh. Bửa nọ nó chạy ra đường bị xe đò lớn cán chết tươi rất thảm thương. Ngoại đem đào hố chôn, bà cán bộ Bắc Kỳ mới vào Nam làm trưởng trạm cây xăng bị trưng dụng- vốn thuộc gia đình ông bác ba TQK làm chủ- mua nhà ở xéo với nhà tôi thấy vậy chắt lưỡi nói:
—Trời ơi nhìn thịt chó thấy thèm nhỏ rãi mà ông Ba (tức ông Ngoại tôi) nỡ đem chôn uổng quá. Phải chi ông cho tôi ăn, chứ đem chôn thật tiếc của giời !

Liên tưởng chiều hôm qua ở Ninh Bình hình ảnh mấy con dê núi bị lột da bày thân hình trần trụi y hệt chó – dê núi vốn dáng nhỏ–mà tôi vẫn còn bị ám ảnh, ghê sợ. Lại suy luận sở dĩ mấy con chó lơ ngơ lảng bảng gặp trên đường mang dáng điệu buồn rầu thê lương là vì chúng đoán trước số phần bi đát, không bao giờ được sống đến già, mà một ngày không xa thịt xương của chúng sẽ được chế biến thành món “rựa mận”* chui vào bao tử chính những con người đã nuôi nấng chúng ?
**Rựa mận là món gì tôi chả biết, chả thấy bao giờ, chỉ đọc trong sách rồi bắt chước viết thế thôi.

Càng lên cao thì mây trắng đùn quanh các ngọn núi đồi càng nhiều. Đang đi trời nắng chói chang bỗng mây đen kéo đến, mưa khá lớn chúng tôi phải dừng gấp mặc áo mưa . Lát đến đoạn đường khô ráo nắng chan hoà, đổ mồ hôi bức bối lại ngừng xe cởi áo mưa cho mát. Cả ngày hôm đó phải vài lần mặc vào cởi ra áo mưa như thế. Tuy ướt át bất tiện là vậy nhưng chúng tôi vẫn không quên chụp hình lưu niệm mỗi quang cảnh,  chuyển hình ảnh về gia đình để theo dõi cuộc hành trình suông sẻ mà yên tâm. Buồn cười, lát sau chị ba hốt hoảng gởi tin nhắn cho con trai Vĩnh An:
—Trời ơi, bộ má tư-M4- bị nhiễm Covid hở ? 
Cháu trả lời là đâu có, M4 vẫn mạnh khoẻ, đó là mặc áo mưa. Chị nhắn tiếp:
—Thấy M4 mặc bộ đồ xanh, trùm kín giống như người nhiễm Covid vậy.
Chúng tôi cười khúc khích. Chị ba thật là ngây thơ. Nếu tôi bị nhiễm Covid thì đã vật vờ ngã nghiêng ngã ngửa vào khu cách ly bịnh viện nằm rồi chớ đâu mà miệng cười tươi đứng làm dáng giữa đường mây trắng bay như vậy chứ. Sau về nhắc lại, chị nói:
—Lúc chị xem hình, chị giật mình hoảng hốt nên phản ứng tức thời là nghĩ đến dịch Covid chưa kịp suy nghĩ đó mà.
Thật vậy. Thời gian ấy dịch Covid chỉ mới tạm lắng, khi đi máy bay từ Thuỵ Sĩ về Việt Nam tôi còn bị yêu cầu làm xét nghiệm PCR hiệu lực 48 tiếng trước chuyến bay cơ mà.

LCDF, 08.Juin.2023
Thanh Hà 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét