Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 16

Thiên Đường Mây- Tà Xùa
Ký Sự của Thanh Hà 


Ngàn xưa ai từng ở nơi nầy
Rồi đến ngàn sau ai đến đây
Câu hỏi liềm trăng còn ngoặc mãi
Lời thưa –vằng vặc mấy cồn mây
( Liềm Trăng, Phạm Thiên Thư )

1/-
Ngày 16. Avril .2022

Chương trình đi viếng đỉnh Tà Xùa, mệnh danh Thiên Đường Mây(!) khoảng cách từ Ninh Bình đến đó ngót nghét 300 km. Đó là một xã giáp ranh hai quận Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, và Bắc Yên tỉnh Sơn La. Hai nơi cách nhau chừng 20 cây số. Nếu lên đỉnh Tà Xùa qua Ngã Trạm Tấu Yên Bái thì chỉ có con dốc nhỏ dành cho người đi bộ chứ không có đường cho xe hai bánh hoặc bốn bánh nên bắt buộc chúng tôi phải đi ngã Bắc Yên Sơn La. 

Khi chúng tôi đến Bắc Yên thì đã hoàng hôn, chỉ còn ít ánh nắng le lói nhàn nhạt. Chúng tôi theo đường quốc lộ (hay liên tỉnh) nên thỉnh thoảng lướt ngang mấy nhà sàn của người Thượng thấp thoáng ẩn hiện giữa các tàng cây, một bên là vực sâu. *Khung cảnh nầy tương tự như cảnh Thuỵ Sĩ mà tôi đã quá quen thuộc, tức rừng cây tiếp nối rừng cây, mấy ngọn núi xa xa chìm trong làn sương mờ ảo, có chăng rặng núi Thuỵ Sĩ thuộc dãy Alpes (kéo dài hàng ngàn km qua mấy quốc gia) thì ta còn được ngắm băng tuyết phủ trên đỉnh quanh năm ngay cả mùa hè, rất ngoạn mục kỳ vĩ .

Trên đường đi hôm ấy tôi chứng kiến hai điều tưởng cũng đáng ghi chép vào đây. 
Thứ nhất: tôi khá ngạc nhiên khi bắt gặp cô sơn nữ người Thượng (vì không biết họ thuộc dân tộc nào trong các người H’Mong ( còn gọi là Mèo hay Miêu ), Mường, Dao, Tày, Thái…nên tôi gọi chung là người Thượng theo thói quen khi nói về người sống trên vùng cao nguyên ) lùa bò trâu về chuồng, cô vừa đi một tay vung vẫy thanh gậy gỗ, tay còn lại cầm điện thoại di động, ngón cái xê dịch lia lịa màn hình, đôi mắt chăm chú vào đó hơn là theo dõi đàn bò.
 
Lát sau gặp cậu trai lùa bầy gia súc khác tôi càng ngạc nhiên hơn: không có chuyện đi bộ chân đất quần áo lấm lem đâu nhé, mà vận quần jean áo pull đầu đội kết thể thao ngồi xe gắn máy hẳn hoi chạy chầm chậm sau lưng mấy con bò hay trâu, có cầm theo chiếc gậy rất chi là công-tử-làng như ai vậy. 
Thì ra mấy cái điện thoại di động không còn là một thứ xa xỉ ngoài tầm đối với thế hệ trẻ thượng du nữa mà đã trở nên quen thuộc không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của mọi tầng lớp xã hội từ nông thôn đến thành thị. Tôi cũng gặp không ít những cô gái H’Mong, Tày, Mường Thái… trong y phục dân tộc cổ truyền lái xe gắn máy chở rau cải trái cây…chạy bon bon trên đường phố Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang…
Cũng đâu có gì lạ khi thấy những người bán vé số, đẩy xe bán hàng rong, thu gom ve chai, nhựa, giấy… xử dụng điện thoại di động ở khắp mọi nơi đó thôi.

Sau nầy tôi về thăm gia đình thường xuyên mà vẫn còn sửng sốt hoài trước sự nghịch lý khó giải thích giữa mức thu nhập và chi tiêu của người Việt quốc nội. Chẳng hạn không hiểu làm thế nào hể một mẫu điện thoại Iphone, Samsung… đời mới nhất vừa trình làng là đã thấy nằm trên tay của rất, rất nhiều người trẻ mà giá tiền của nó tương đương mấy tháng lương công nhân viên chức nhịn ăn mới mua nổi? Có lẽ người ta xem cái điện thoại di động vừa là vật bất ly thân không-thể-thiếu, cũng vừa là món đồ thẩm định giá trị chủ nhân theo nấc thang xã hội xét về phương diện vật chất ấy nhỉ. Ngẫm lại mình, tôi quả là cù lần ghê nơi! Về VN, tôi chuyên môn kêu cháu nào còn lưu giữ mấy cái điện thoại cũ rích cũ rang bỏ cù bơ cù bất đâu đó đưa tôi mua SIM gắn vào để ra đường có cái mà liên lạc, yên tâm khỏi lo bị giựt. Mặc kệ nhiều người nhìn điện thoại rồi liếc tôi với ánh mắt phán đoán là lạ.

Điều thứ hai: mấy con bò (hay trâu) không hiểu sao màu da ửng hồng lẫn vàng nhạt như màu hoàng hôn chứ không đen hay vàng sậm, thoạt nhìn có thể lầm là bê non bởi hình dáng nhỏ bé, nhưng căn cứ vào mấy cái sừng mọc cong trên đầu rắn chắc và bén nhọn thì đúng là bò chứ không còn là bê non.

Có đi nhiều nơi, chứng kiến tận mắt mọi cảnh đời, mọi sự việc… vốn sống thêm phong phú thì nhân sinh quan mới hoà đồng, trung dung, thông cảm với tha nhân được. Tôi luôn thích đi du lịch là thế.

2/-
Tà Xùa là một xã nhỏ diện tích khoảng 45 km vuông, dân số hơn 2000 người, cách thị trấn Bắc Yên 12 km. Tà Xùa cũng là tên đỉnh núi thuộc Phusaphin, phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn. Nếu tính từ ngã Trạm Tấu, Yên Bái thì cao độ 2865m, còn từ Bắc Yên, Sơn La có cao độ khoảng 1800 m.
Để lên tận đỉnh từ phía Bắc Sơn, Sơn La có một con đường tráng nhựa vừa đủ cho xe bốn bánh 30 chỗ đi hẹp và rất dốc, nhiều đoạn bị sạt lở, lúc chúng tôi lên dốc thì trời đã hoàng hôn chỉ còn ít ánh nắng le lói nhàn nhạt, có đoạn sương mù trắng xoá chỉ nhìn xa chừng vài thước, nên phải cẩn thận chú tâm tránh những hòn đá nằm lăn lóc hay vũng nước mưa đọng trong mấy ổ voi ổ gà. Đã vậy đường quanh co khúc khuỷu chỉ lạc tay lái là ngã lăn rơi xuống vực như chơi. 

Đường lên núi chỉ hơn chục cây số mà phải mất hơn tiếng mới đến nơi. Trời bắt đầu tối, sương mù phủ kín bưng chỉ thấy lờ mờ cảnh và người. Con đường độc nhất có chừng chục hàng quán hai bên vừa bán thức ăn, vừa cho thuê chỗ ngủ đêm trên lầu. Có mấy người Thượng bán bắp, khoai lang nướng trên bếp than trong cái lều che tạm cạnh đường, chúng tôi hỏi giá mà họ không nói được tiếng Việt nên rút tờ tiền mệnh giá -hình như hai chục ngàn, tôi quên mất rồi-đưa chúng tôi xem, căn cứ theo đó mà trả tiền cho họ. Trời khá lạnh, chưa tới 10 độ C, gió thổi nhiều. Bên kia đường, thoáng thấy nằm hơi tách biệt trên quả đồi thấp có bảng đề treo trước cổng Homestay Tà Xùa Hills gồm vài bungalow, hai nhà nghỉ chung cho nhiều người. 
Ngoài con đường duy nhất đó thì chẳng có gì để xem cả. Mấy cô cậu trẻ chia làm hai phe, kẻ đòi chạy trở xuống làng tìm nhà nghỉ rồi sáng mai hãy leo lên đi xem mấy nơi như:
—Sống lưng khủng long Háng Đồng. Tức còn phải chạy xe đi xa hơn 5 km, là rẻo đất có hình thù như xương sống khủng long tựa lưng vào dãy rừng nguyên sinh, trước mặt là thung lũng sâu hun hút.
—Mõm đá đầu rùa: nằm bên cạnh sống lưng khủng long, mõm đất như đầu con rùa nhô hẳn khỏi dãy núi, là địa điểm mà dân thích sống ảo mơ ngồi chụp ảnh để đưa lên Facebook.
—Cây táo mèo cô đơn : nằm tuốt trên đỉnh phải đi thêm 2,5 km từ mõm đá đầu rùa.

Trời! Sương mù cùng màn đêm phủ dầy đặc nhìn 3 m đã không phân biệt đâu là đâu mà đòi chạy xuống dốc nhỏ hẹp hiểm trở thế này, nguy cơ lăn xuống vực là cái chắc, ngủ vài giờ rồi sáng mai lại hì hụt leo lên nữa a. Tôi chưa kịp lên tiếng thì phe kia phản đối ầm ỉ, nói ai thích cứ xuống một mình còn tụi em tìm chỗ ngủ tạm ở đây chứ không dám mạo hiểm.

Sau cùng mọi người ngủ lại chứ không di chuyển đâu nữa. Chúng tôi vào quán do vợ chồng người H’Mong làm chủ, cả hai đều nói tiếng Việt thông thạo. Có cô em vợ giúp chạy bàn, cô này khá tân tiến, y phục theo lối người Kinh nghĩa là quần jean áo T-shirt có điều không nói được tiếng Việt.
Dịch Covid vẫn còn lẩn quẩn nên nơi nào cũng vắng, khách đếm chưa đầy hai bàn tay. Buổi tối chỉ còn nhóm chúng tôi vào ăn, chủ quán có món phở hay bún chả chi đó tôi quên rồi* 

*Từ Huế trở ra, hình như tám trên mười lần chúng tôi nếu không ăn phở thì bún chả, chỉ vài lần ăn được bửa cơm tươm tất ở nhà hàng đúng điệu nhà hàng. Bánh mì lại càng hiếm hoi, tìm đỏ con mắt còn không ra nên bánh mì thịt kiểu miền Nam bỗng trở thành món xa xỉ mơ hoài trong suốt hành trình vẫn không thấy. Mà cái món phở và bún chả ngoài nớ thì…thôi lúc khác tôi sẽ kể tiếp. 
Tất nhiên nơi nào cũng có các món đặc sản của nơi đó. Ở đây nghe kể có các món độc đáo của người bản địa như : thịt trâu gác bếp, nộm da trâu, nậm pịa (?), cháo mắc nhung…toàn những món chỉ nghe tên là tôi đã muốn…tuyệt thực cho rồi.

Quán khá rộng rãi, phần trên lầu cho thuê chỗ ngủ. Ngăn làm hai phần theo chiều dọc có lối đi ở giữa. Bên trái đóng vách chia làm ba phòng nhỏ cá nhân hoặc hai người, bên phải để nguyên không gian chạy suốt chiều dài của lầu, che bằng tấm rideau, không có giường, chỉ đặt các tấm nệm dầy dưới nền, mềm gối dư thừa cho cả chục người. Phòng tắm, WC nằm bên ngoài sân thượng. 
Chúng tôi còn đi xem nơi khác, đối diện bên kia đường. Phòng khá sạch đẹp nhưng bất tiện vì phải leo mấy chục bậc thang bắc vòng vèo theo thân cây vừa đủ cho một người đi, lại tối om không mắc đèn điện mới lên tới phòng. Toilet nằm dưới nhà, nhỡ đêm hôm có nhu cầu mà phải mò mẫm lò dò té lộn cổ thì sao. Nên chúng tôi quay lại quán vợ chồng người H’Mong thuê chỗ nghỉ tạm

Ăn uống tắm rửa xong cũng hơn 11 g khuya, chỉ ngủ vài tiếng mà thuê bungalow thì không đáng bỏ tiền, dù gì cũng khó ngủ bởi không khí ẩm ướt lạnh lẽo. Hơn nữa, sáng nào khoảng 4,5 giờ tôi đã dậy rồi.

3/-
Ngày 17. Avril.2022
Trời chưa sáng hẳn mọi người lục tục thức dậy sửa soạn. Bước ra sân thượng, thấy có một mảng trời xanh ở xa, nhìn rõ núi đồi và những thửa ruộng bậc thang tôi kêu cháu Trang nếu muốn lưu giữ ảnh kỷ niệm thì mau ra đứng chụp vài tấm vì theo mấy trang web của công ty du lịch quảng cáo thì đây là nơi đến “săn mây”. Có nghĩa mây là yếu tố chủ yếu thu hút khách đến nơi hoang sơ nầy. Một phút trước trời quang đãng, nhưng có thể một phút sau mây trắng đã đùn lên che kín bưng mọi cảnh vật. Những đám mây bềnh bồng quấn quanh các dãy núi, nếu ai sống ở bình nguyên thì sẽ thích thú lần đầu nhìn ngắm, phần tôi chung sống với núi rừng, hồ ao mấy chục năm nay nên không còn thấy lạ nữa.

Xuống lầu, hai chị em chủ quán cũng vừa thức. Chúng tôi hỏi món ăn, cô chị nói còn sớm quá nên chưa kịp chuẩn bị, chỉ có mấy gói mì thôi. Tôi hỏi có rau cải hay salad gì kèm không? Cô nói có rau Tàu Bốc–hay Tàu Bấc ?– chúng tôi đặt cô nấu mì, thêm trứng và rau Tàu Bốc vào. Lần đầu được ăn rau nầy, với tôi bất luận thức ăn thế nào miễn có kèm rau dưa, cải tươi là tôi đều thấy ngon cả.
 
Mưa rỉ rả cả đêm qua. Mặt đất nhão nhoẹt bùn ướt, khí hậu lạnh lẽo, lúc nãy còn thấy một khoảng trời xanh giờ mây kéo phủ giăng đầy đặc. Các cháu vẫn quyết định lên Háng Đồng để xem xương sống khủng long và mõm đá đầu rùa. Tôi không tháp tùng vì thừa biết ngoài tấm màn mây trắng xoá chả có gì mà xem, cô chủ nói tôi cứ tự nhiên ở lại chờ, không cần trả phòng sớm. Nhờ vậy tôi có thời giờ nằm đắp chăn ấm áp mở ipad đọc sách và ghi chú mấy nét chính của chuyến hành trình kẻo quên.*

*Thú thật, tuy chăn dầy rất ấm nhưng tôi hơi ngại, không được thoải mái. Vì cứ nghĩ trước tôi không biết có bao nhiêu người đã xử dụng mấy cái mền gối nầy rồi, và lần giặt giũ sau cùng là khi nào !!!
*Rồi tự trấn an: đã thích du hành theo kiểu bụi đời mà còn lo sợ gì nữa. “Ăn dơ ở dơ cho khoẻ mạnh không bịnh tật “ như nhiều người ở Việt Nam nói đùa hoài đó. Ngẫm nghĩ cũng có lý, lần nào tôi về VN đề phòng cách mấy cũng đều bị bịnh ít nhất 1 hoặc 2 lần. Còn ngồi hay đứng chỗ bóng mát hoặc vào buổi tối thì mấy con muỗi quỉ sứ bâu theo cắn đau ngứa gần chết dù đã đem thuốc xịt trừ muỗi cũng vô dụng.

Gần trưa bốn cô cậu mới trở về phòng trọ, tôi hỏi có ngắm được gì không, cháu dâu cười nói:
—Má tư thật có lý là không đi với chúng con, chỉ toàn mây là mây phủ kín trời lẫn đất, có thấy xương sống khủng long hay đá đầu rùa, táo cô đơn gì đâu. Đã vậy còn bị mưa ướt át, lạnh quá trời.
Cho nên chuyến đi lên đỉnh Tà Xùa nầy đáng lẽ thu thập được nhiều ảnh đẹp rốt cuộc lại là nơi cháu dâu chỉ chụp được vài bức hiếm hoi không đáng kể. Còn tôi thì chả có tấm nào.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hài lòng được khám phá thêm một vùng đất còn giữ nét hoang sơ đầy sắc màu xanh cây lá thiên nhiên.

Bơ vơ này níu bơ vơ
Kia mây núi vấn mây chờ nẻo mây
Nhớ khôn nguôi với dặm dài..
…Trước sau cách một miên trường
Còn chong đèn nhỏ lửa giường nhớ nhung
Nhớ vời một thoáng chân dung
Bao giờ hết được Vô Cùng thì thôi
( Núi Nhớ, Cung Trầm Tưởng )

Quá nửa ngày chúng tôi mới lên đường tiếp tục chuyến viễn du.

LCDF, 15.06.2022 
Thanh Hà

 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét