Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 20

 Giã từ Đông Bắc 
 Ký sự của Thanh Hà


Một chiều rừng mưa
Quán cà phê Tam Giác Mạch, Đồng Văn

Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông…
(Màu tím hoa sim, thơ Hữu Loan)

1/-
Ngày 20.04.2022

Xưa giờ tôi cứ tưởng mười mấy tỉnh thượng du Bắc Việt đều gọi chung là Tây Bắc, nay mới biết có hai vùng Đông Bắc, Tây Bắc. Hà Giang thuộc đông bắc. Nhớ câu thơ “ba người anh trên chiến trường Đông Bắc”của thi sĩ Hữu Loan, tự hỏi chả biết “ba người anh” của thi sĩ đóng quân ở tỉnh nào trong 9 tỉnh vùng Đông Bắc.

Quán cà phê Tam Giác Mạch- Đồng Văn
Không khí buổi sáng phố núi yên tĩnh lắng đọng, trời nắng, mát mẻ. Trở lại quán Tam giác mạch Coffee uống cà phê. Thấy mọi người uống cà phê đen, tôi bắt chước gọi một tách, chia bớt cho cháu 2/3 cà phê, thay sữa vào, thêm mấy viên đá pha loãng, chỉ nhấm nháp một tách nhỏ mà tối đến bị mất ngủ.

Quán là ngôi nhà cổ lợp mái ngói âm dương. Sàn lót đá vôi, quầy pha chế, lò sưởi do nhiều phiến đá dẹt xếp chồng lên, mặt bàn lẫn ghế ngồi cắt từ gốc gỗ. Khung cảnh tông màu xám chen nâu vàng trông hay, lạ, phù hợp với những tâm hồn lãng tử thích ngược giòng thời gian. Còn sớm, quán chỉ có chúng tôi và hai cô cậu trẻ mang kính trắng ngồi bàn bên cạnh. Cả hai im lặng không trao đổi chuyện trò, anh thanh niên mãi miết châu đầu vào cái điện thoại cầm tay, cô gái với ánh nhìn lơ đãng mông lung. Lợi dụng vắng khách dì cháu tôi chọn bối cảnh để chụp hình, hết nhảy qua bàn cạnh lò sưởi lại sà vào cái bàn dài chưng nhiều cây kiểng bonsai hoa be bé…

Trên tường bên trái treo bức hoạ người đàn bà Thượng. Tôi đến đứng cạnh, nhìn thẳng vào camera cười duyên giả bộ như đang cười với ai đó. Vĩnh An chụp hình. Thoáng thấy cô bé mang kính trắng đưa ống kính hướng về phía mình. Tôi trở lại bàn cô bé hạ máy xuống, mĩm cười nhìn tôi. Bộ cô bé chụp hình mình ư ? Chúng tôi cười chào nhau. Kiểm hình chưa vừa ý, tôi yêu cầu V.An chụp lại. Cô kính trắng cũng cầm máy chỉa về tôi bấm tiếp, tôi về chỗ ngồi thì cô mới buông máy, lại mĩm cười với tôi. Nghĩ thầm sáng qua có người xin chụp chung, sáng nay thêm lần thứ nhì. Kể ra cũng có duyên với Hà Giang–Đồng Văn nhỉ. 

Hồi tiểu học, chúng tôi được học rằng nước Việt Nam bắt đầu từ Ải Nam Quan phía Bắc đến Mũi Cà Mau tận cùng miền Nam. Ải Nam Quan thuộc tỉnh Lạng Sơn, là một trong 6 tỉnh có đường biên giới giáp Trung Hoa: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra còn hai lãnh thổ trên biển là Hoàng Sa và Trường Sa. Bây giờ địa danh Ải Nam Quan biến mất trên bản đồ VN mà đã “chạy” sang nước Tàu, cho nên các website giới thiệu du lịch chỉ nhắc tới một phần thác Bản Giốc bên nầy biên giới thuộc Cao Bằng và cột cờ Lủng Cú Đồng Văn có treo lá cờ to tướng 54 m2 biểu tượng 54 dân tộc Việt.
Tôi không đến cả hai địa điểm Bản Giốc lẫn Lủng Cú. Nếu ải Nam Quan “còn” trên đất Việt thì tôi sẽ đến.
Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm năm 1974. Trường Sa cũng đang nguy cơ. 
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang viết bản du ca Về Với Mẹ Cha:

Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam, quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng

Cùng đi lay Trường Sơn, cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa, lướt ngàn nước sang nhà
Ta đắp bồi cho Mẹ Cha…

Chương trình các cháu sẽ đi tiếp đến vịnh Hạ Long thuộc Quảng Ninh. Tự xa xưa tôi đã nghe tiếng Vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thế giới, hằng ao ước một lần tận mắt chiêm ngắm 1700 hòn đảo lớn nhỏ được hình thành từ đá vôi ấy. Muốn đến đó chỉ việc quay về Hà Nội theo ngã Hải Phòng đến Hạ Long, mà tôi không muốn đi. 
Các cháu thuyết phục rằng đã theo dấu chân 50 người con bà tiên Âu Cơ lên núi lên rừng thì cũng nên theo 50 con của vua rồng Lạc Long Quân xuống biển cho trọn hành trình Con Rồng Cháu Tiên. 

Một đoạn phố cổ Đồng Văn
Ngay từ lúc khởi hành, tôi đã nghĩ chỉ đi tới Đồng Văn là quay về chứ không xa hơn nữa. Những cảnh đồi núi vực sâu chen rừng cây chập chùng, các đèo khúc khuỷu quanh co, tôi nhìn hơn chục ngày nay no mắt, trở nên đơn điệu rồi. Ví thể cao lương mỹ vị ngon cách mấy mà ngày nào cũng ăn đâm ra bội thực. Chưa kể còn chứng kiến hàng đàn hàng lũ chó ốm yếu ủ rủ lê thê lếch thếch nằm ngồi dọc theo lề đường như đoán trước số mạng chết yểu hẩm hiu, thấy thảm thương quá. Đồng cảnh ngộ với chó, là mấy con dê núi nhỏ nhắn ở Ninh Bình đã xa lánh nhân gian trốn lên núi tưởng đâu được yên thân dè đâu vẫn bị truy đuổi bắt đem về lột da nằm phơi thân hình trắng hếu chỏng bốn cẳng chờ cắt xẻ xào nướng cho vô bao tử con người mà dân địa phương giới thiệu đó là món đặc sản tuyệt hảo của vùng !

Tôi vốn tuýp người mơ mộng. Theo như những tấm hình được xem hay thiên hạ ca ngợi, tôi tưởng tượng vịnh Hạ Long mờ mờ ảo ảo trong màn sương buổi sớm. Một bức tranh nghệ thuật được chấm phá bởi hàng nghìn đảo đá lớn, nhỏ sừng sửng mọc lên từ mặt nước biển xanh biếc mênh mông hoà cùng bầu trời thăm thẳm vô tận, nét đẹp kiêu sa hùng tráng mà trữ tình. Tôi sợ khi chứng kiến cảnh thật ngoài đời sẽ làm tôi thất vọng. Không phải thất vọng vì các hòn đảo không giống với ảnh–cảnh vật bất động đâu “lừa gạt” biến hoá photoshop như con người–, mà e sự vô tâm bát nháo của con người làm xấu xí vẩn đục nét nguyên sơ tinh khiết cảnh vật. 
Thà tôi chưa “nghe, biết” gì trước khi đến, không nuôi sẵn định kiến thì lỡ quang cảnh không được như ca tụng cũng không bị hụt hẩng đã trót thăng hoa nó hơn thực tế.

Tôi cũng không viếng Chùa Hương bởi muốn giữ hình ảnh đẹp như sử thi ca tụng, như nét lãng mạn trong bài Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp về mối tình cô bé 15 tuổi gặp gỡ văn nhân trong lúc xuôi đò viếng cảnh chùa.

Ngược lại, tôi đã có một ngạc nhiên đầy thích thú về cố đô Hoa Lư Tràng An. Trước kia loáng thoáng tôi nghe nhắc đến Tràng An mà chẳng nhớ lịch sử nên không biết nó nằm ở vùng nào cho đến khi ghé Ninh Bình có dịp tận mắt khám phá, đã khiến tâm hồn tôi lâng lâng niềm hãnh diện khó tả. Hãnh diện là hậu thế của các đấng tiền nhân anh-quân dũng khí có công dựng nước và bảo vệ nước cho con cháu đời sau hưởng.

Không ngờ đế đô nước Đại Cồ Việt do vua Đinh Tiên Hoàng ở thế kỷ thứ mười tức cách đây hơn một ngàn năm biết dựa vào địa thế thiên nhiên ban tặng với đồi núi trùng điệp như dãy trường thành bao bọc kinh đô, một vành đai vững chắc hợp cùng sông Hoàng Long, cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn làm hào sâu bảo vệ. Một vùng đất cổ xưa đầy nét thơ mộng vừa hùng vĩ, oai linh trầm mặc. Mường tượng đâu đây thấp thoáng bóng vị tiểu anh hùng Đinh Bộ Lĩnh hiên ngang cùng các bạn phất cờ lau tập trận, sau trở thành vua đầu tiên của quốc gia ít dân bé nhỏ. Tuy diện tích đất đai bé nhỏ mà chí khí người dân thì cao ngùn ngụt dám đương đầu và chiến thắng vẻ vang tặc quân mạnh gấp hàng trăm lần hơn, bao nhiêu lần lăm le cướp chiếm đều thất bại.

*Tiếc cho một tuyệt tác hoàn hảo kiêu hùng nguy nga Tràng An Hoa Lư bị vết mực đen nhỏ vấy bẩn– tức là chuyện mấy con dê núi hồn nhiên bị đem tế vô bao tử người ấy–

Tôi nhớ thời đi học những lần cắm trại tận vườn cây Lái Thiêu, Bình Dương. Sinh viên ngồi bệt quây quần trên đám cỏ dại, hai người đệm đàn cho tất cả vỗ tay hát những bài du ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy, Nguyễn Quyết Thắng… Những lời hào hùng khơi gợi lòng ái quốc, sự đoàn kết yêu thương chứ không kêu gọi hận thù chia rẽ bằng một tâm hồn trong sáng, một bầu nhiệt huyết nuôi bao nhiêu hoài bảo lý tưởng cho quê hương tổ quốc. Đặc biệt bài hát”VN quê hương ngạo nghễ”ngay cả bây giờ mỗi lần nghe mỗi lần tôi vẫn nổi da gà vì xúc cảm. 
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua. Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi…
…còn Việt Nam.Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng
( VN quê hương ngạo nghễ, nhạc Nguyễn Đức Quang )

Đèo Mã Pí Lèng: Sống mũi ngựa

Đèo Mã Pí Lèng
Rời Đồng Văn chúng tôi theo con đường Hạnh Phúc chạy 10 km khoảng 30’ đến đèo Mã Pí Lèng là một trong bốn đỉnh đèo cao có tiếng phía Bắc. Mã Pí Lèng tiếng H’Mông có nghĩa “sống mũi ngựa”, độ cao 2000m, chiều dài 20 km nối hai quận Đồng Văn–Mèo Vạc. Trước khi qua đèo chúng tôi dừng lại ở một khu đất trống rộng dành cho xe và khách du lịch ra ngoài chiêm ngắm chụp ảnh cung đường khúc khuỷu hiểm trở ấy. 
Cháu Triệu và bé ốc tiêu yêu cầu Vĩnh An đứng từ khu đất cao điều khiển flycam để hai cô cậu đóng vai tài tử lần lượt vượt đèo, bẻ tay lái nghiêng 45 độ, trông khá ngoạn mục.


Bến dốc chon von ngàn thước vực
Lên thì “Cổng trời”, xuống vực thẳm
Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang…

…Đi trong rừng mây rắc bụi vàng
Đẹp như sơn thuỷ tranh đời Tống…
…Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt
Mà như lau sậy có linh hồn…
( *Pha Đin, thơ Quang Dũng )

*Pha Đin là một trong bốn đỉnh đèo cao hiểm trở ở vùng núi phía Bắc : Mã Pí Lèng, Ô Qui Hồ, Khau Phạ, Pha Đin.

Sông Nho Quế

sông Nho Quế
Vượt đèo, chúng tôi chạy thêm 25 km mất 1 giờ lại có điểm dừng mà từ đó có thể ngắm giòng sông xanh Nho Quế êm đềm lặng lờ uốn khúc giữa hai bờ vực sâu dưới chân núi đá tai mèo. Đây là hẻm vực Tu Sản chiều cao vách đá 800m, dài 1,7km nước sâu gần 1000 mét. Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam bên Tàu chảy xuống Lủng Cú, Hà Giang. Tới hẻm Tu Sản, sông chảy tiếp qua Mã Pí Lèng- Mèo Vạc đổ vào sông Gâm tỉnh Cao Bằng.
Truyền thuyết kể rằng khi xưa núi còn nguyên vẹn chưa bị nứt đôi, nước từ đỉnh chảy xuống có một phía nên một bên nước ứ đọng dâng cao, bên còn lại đất khô cằn nứt nẻ. Thần Sông yêu cầu thần Núi nhích sang bên để nước có lối thoát đều hai bên, nhưng thần Núi không nhúc nhích lẫn trả lời. Thần Sông khiếu nại Ngọc Hoàng, ngài ra lệnh thần Núi thi hành nhưng ông Núi vẫn giả lơ nhắm mắt ngủ.
Ngọc Hoàng bèn sai thần Sét làm mưa gió rút gươm rạch một nhát vào màn đêm gây tiếng nổ rung chuyển vạn vật khiến ngọn núi vỡ đôi. Nước thoát theo khe nứt tạo thành giòng sông Nho Quế, từ đó đất đai hết khô cằn, cỏ cây xanh tốt đều nhau.

Đó là truyền thuyết, còn trước mắt tôi thấy người ta lợi dụng khoảnh đất ít ỏi giữa barriere chắn đường và vực để trồng bắp. Họ thật can đảm ra tận mép vực để gieo hạt, hái trái, lỡ trượt chân rơi thẳng xuống vực sâu 800 m, chỉ có nát thây mà thôi.
Vùng cao nguyên nhiều đá ít đất nên những vệt đất hẹp dọc theo con đường được tận dụng tối đa trồng bắp, cải…dài hàng hàng cây số.

Thị  trấn Mèo Vạc
Tới thị trấn Mèo Vạc đã trưa, bên đường có một nhà hàng cất bằng gỗ hai tầng tên Nhà Sàn Cơm Lẩu có vẻ khang trang sạch sẽ. Chúng tôi ghé vào, bên trong rộng rãi bày biện bàn ăn kiểu cách. Cung cách phục vụ lịch sự. Có mấy đoàn khách ngồi sẵn trước.
Món ăn khá ngon, nhìn bắt mắt. Tôi gọi 1 món khai vị và 3 món chính (giờ quên mất món gì nhưng có cơm, không phải phở, bún chả😋). Nhiều quá ăn chưa tới phân nửa họ đề nghị cho vào hộp mang theo dọc đường, lúc tính tiền y như trong thực đơn chớ không bị đôn giá.

Chuyện bên lề: Cái vụ dân miền Nam ra Bắc vào quán ăn uống thấy bảng giá trong thực đơn là thế nhưng lúc tính tiền giá cao hơn, hỏi vì sao thì họ trả lời tỉnh bơ :
—Đó là cho dân địa phương, còn người ở xa thì giá khác.
Các cháu tôi đã từng bị như thế mấy lần ở Hà Nội, mà đành nuốt cục tức vì thân cô thế cô nơi đất lạ.

 Thanh Hà
August, 2023









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét