Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 22

Trở lại Saigon
Ký sự của Thanh Hà 


Rơi trên vườn bách thảo em
Địa phận Thái Nguyên

Nụ cười chỉ có thật riêng Saigon…

…Vẫn em vẫn là Saigon
Vẫn đôi mắt rủ ngàn phương đổ về
Vẫn lưng lửng mái tóc thề
Vẫn nhan sắc chói bốn bề viễn đông

Vẫn tôi trôi nổi bềnh bồng
Đời bôn ba vẫn một lòng thương em 
(Vẫn gọi là Saigon, Thơ H.A)

Tối 20.04.2022
Cuối cùng chúng tôi đến Bắc Cạn. Giữa 10:30’–11g. Nhà hàng quán xá hai bên phố còn sáng đèn, xe cộ vẫn lưu thông tuy ít. Hai dì cháu mệt nhoài. Vĩnh An xả ga chạy hết tốc lực phải kềm ghi-đông xe (guidon) chặt nên giờ hai cánh tay ê ẩm. Tôi mệt chỉ ao ước tắm mát rồi nằm nghỉ nhưng biết cháu đói cần phải ăn cho lại sức, thấy một quán ăn khang trang còn mở cửa, chúng tôi vào gọi món phở gà cho dễ nuốt- khá ngon-.

Hai vợ chồng chủ quán tuổi trung niên vui vẻ niềm nở. Người chồng chờ chúng tôi ăn xong đến dọn bàn lân la bắt chuyện tiếp. Kể rằng nghe chúng tôi nói giọng miền Nam anh rất vui vì trước kia từng đi bộ đội đóng quân trong ấy, rất thích tính người Nam . Năm rồi nhân dịch covid bán ế ẩm hai vợ chồng đóng cửa du lịch Phú Quốc, Cần Thơ, Saigon..v..v… lát sau người vợ xong việc trong bếp cũng đến tham gia. 

Chủ quán chỉ chúng tôi thuê khách sạn cách đó 50 m. Tắm rửa, lên giường nằm nghỉ, cơn mệt dần tan biến. Cơ thể tôi giỏi chịu đựng thật, mỗi ngày ngồi moto hai, ba trăm cây số; liên tiếp mấy tuần hàng ngàn cây số, thế mà tối được tắm nước mát nghỉ ngơi sáng hôm sau tỉnh táo bình thường, năng lượng dồi dào, ngồi xe rong ruổi tiếp.
Chắc nhờ tôi đi bộ, bơi lội, thể dục hàng ngày, luôn giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Nếu gặp vấn đề không được như ý, lúc đầu cũng băn khoăn bối rối sau đó tôi pha chút khôi hài, hóm hỉnh vào để “hạ nhiệt”, lấy lại thăng bằng.
Tôi nhìn nửa ly nước thấy còn Đầy phân nửa chứ không phải đã Vơi phân nửa.

Trong lúc chờ thức ăn, Vĩnh An mở điện thoại kiểm tin xong tắt ngay, lầm bầm:
—Hai má con mình sẽ ngủ ở Bắc Cạn chứ không đến Ba Bể. Ăn xong lát nữa con mới trả lời để chúng nó hoảng hồn không biết mình ở đâu cho tởn đừng làm vậy nữa.
Tiên đoán Trang liên lạc chúng tôi không được, thế nào cũng cầu cứu chị ba. Vừa nghĩ 
xong thì điện thoại tôi reo. Là chị ba. Biết ngay mà, đâu sai. 
—Hai má con đang ở đâu mà Trang hoảng hốt nói gọi cả hai người nhiều lần đều không liên lạc được ?
Tôi giải thích sơ câu chuyện. Sau khi biết rõ ngọn ngành, chị bèn đóng vai “con nhạn đưa thư” qua lại giữa con trai và con dâu để giải quyết trục trặc.

Tôi nằm đắp chăn êm trên giường nệm ấm đọc sách tận hưởng cảm giác bình yên bù đắp cho những giờ phút căng thẳng đã qua thì ba đứa nhỏ lục tục khiêng xách hành lý ào vào phòng. Sau khi chị ba hoà giải hai vợ chồng, Vĩnh An hù doạ tí chút nguôi giận xong nhắn địa chỉ cho Trang, mấy nhỏ bèn trả phòng bên Ba Bể, ba chân bốn cẳng cuốn gói chạy qua Bắc Cạn nhanh hết mức có thể.

Tôi phớt tỉnh tiếp tục đọc sách coi như không có chuyện gì. Hôm sau trên đường đi Vĩnh An kể tôi nghe: chúng phân trần khi gởi địa chỉ báo là ghé Ba Bể, không thấy Vĩnh An nói gì tưởng đồng ý chớ không biết máy Vĩnh An hết batterie không đọc được tin nhắn. Nơi đó gần hơn đi Bắc Cạn nên tưởng– lại tưởng– Vĩnh An cũng sắp theo kịp chúng nó chứ không biết chúng tôi lạc đường, lùi lại sau khoảng cách quá xa. 

May là mọi chuyện kết thúc tốt đẹp, bằng ngược lại giả dụ xe chết máy hay hết xăng thì làm thế nào. Chưa tính bị cướp trấn lột thủ tiêu mất xác, báo chí quốc nội đăng đầy rẫy hàng ngày đó thôi. Dù gì đông người hổ trợ nhau vẫn hơn.
  
Thái Nguyên
Ngày 21.04.2022
Chúng tôi quay lại Ninh Bình. Đường từ Bắc Cạn–Thái Nguyên–vòng đai Hà Nội qua cầu Nhật Tân đến Ninh Bình hơn 300 km.
Đáng lẽ tôi đến phi trường Nội Bài, Hà Nội lấy máy bay về luôn Saigon, nhưng từ Bắc
Cạn chạy về Hà Nội không kịp chuyến bay trưa. Vì thế chúng tôi ghé nhà Thuỷ ở Ninh Bình cách Hà Nội hơn trăm km, ở lại thêm hai ngày sau mới từ Ninh Bình trở ra Nội Bài bay về phương Nam. 

Muốn về Ninh Bình hay Hà Nội đều phải đi qua Thái Nguyên.  
Chúng tôi chạy ngang trung tâm, là thành phố công nghiệp (gang, thép) nằm bên bờ sông Cầu, tôi ngạc nhiên không ngờ thành phố trung du rộng lớn dân cư đông đúc, nhiều nhà cửa khách sạn cao tầng hiện đại. 
Với dân phía Bắc, Thái Nguyên nổi tiếng về trà, cũng như dân miền Trung, Nam thì thích trà Bảo Lộc, B’Lao Lâm Đồng. Nếu có thời giờ tôi đã ghé thăm đồi chè Tân Cương, Thái Nguyên–như có lần tôi thăm đồi chè Mộc Châu–. Tiếng miền Nam gọi là trà, chả hiểu sao đặc biệt tôi thích danh từ “đồi chè, nương chè” nghe thơ mộng hơn. 

Sáng trăng sáng cả vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay…

… Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng giãi lên trên vườn chè
(Trăng sáng vườn chè, thơ Nguyễn Bính)

Hôm nay phải chạy 300 km, đường còn xa nên chúng tôi không nấn ná ghé thăm nơi nào dù tỉnh này có 30 điểm du lịch như hồ, hang, thác suối, đền, chùa… – nhất là Chùa Hang nổi tiếng–. Sau người Kinh thì người Tày, Nùng, Dao chiếm đa số, có thành lập khu bảo tồn Nhà Sàn dân tộc thiểu số. Có trại nuôi ngựa nhiều chủng loại mà họ quảng cáo đến đó ta cảm giác như sống trên “thảo nguyên Mông Cổ” (!)

Chùa Hang chắc ngoạn mục thật. Còn gọi động Tiên Lữ, huyền thoại khi xưa các vị tiên thường xuống dạo chơi, đánh cờ, tắm suối.v..v..là chốn địa linh, phong thuỷ tĩnh lặng, nhiều tao nhân mặc khách từng làm thơ vịnh. Đặc biệt ông Cao Bá Quát đến viếng đã khắc bài thơ vào vách đá, giờ vẫn còn lưu giữ.
Ông Cao Bá Quát sống ở thế kỷ 19 thời vua Tự Đức, từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, hay chữ; tự nhận sinh bất phùng thời. Hai câu đối ca ngợi các văn thi nhân mà người nói do vua Tự Đức viết, người nói do dân gian lưu truyền:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường *
*Văn như của ông Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát trước đời Hán không tìm ai hơn.
Thơ như của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thì thời cực thịnh của Đường cũng không có.

Tới ngã ba nào (quên rồi) bé-hạt-tiêu tạm từ giã chúng tôi ghé Thái Nguyên thăm bạn, hẹn hai ngày sau gặp ở Hà Nội khi tôi ra phi trường Nội Bài bay về Saigon, còn bốn người sẽ tiếp tục hành trình viếng Hạ Long rồi mới về Rạch Sỏi sau.

Saigon
Ngày 23.04.2022
Lịch trình chuyến bay 18:25’, họ dời đến 20:25’. Cháu gái ra đón, về nhà hơn 11g đêm. 
Dù Saigon quá ồn ào bề bộn không còn như xưa–như xưa nghĩa là nhộn nhịp trong trật tự, thanh lịch–không còn bao nhiêu con đường với hai hàng cây cao toả bóng mát, nhưng khi đi qua vài góc phố cũ hiếm hoi chưa bị phá bỏ xây lên cái mới vẫn gợi trong tôi chút luyến lưu. Chả gì một phần đời tôi đã từng gắn bó nơi nầy, phần đẹp nhất hoa mộng nhất tuổi học trò.
Nhưng bạn hữu đâu? Người xưa đâu? 
Dấu tích trước 75:
khách sạn Continental, Saigon


Đại thi hào Nguyễn Du than:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông ( Kiều)
Thi sĩ Thôi Hộ :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Bắt chước thi sĩ Thâm Tâm:”Đây cảnh cũ, đâu người xưa ?
Với họ thì cảnh cũ vẫn còn. Riêng tôi: cảnh cũ, người cũ, bạn cũ chẳng còn ai, đã mất dấu đã biệt tăm kể từ mùa hạ ấy. Thỉnh thoảng trong ngăn tủ ký ức tôi bất chợt vài mảnh vụn kỷ niệm rơi rớt chỗ nầy một chút, chỗ nọ một chút khiến phím tơ lòng nao nao vọng vang âm thanh lạc cung lỗi điệu. Nào “chuyện chúng mình như một giấc mơ, và giấc mơ đến đây là chấm dứt”, nào “và đi là hết, đi là vĩnh biệt từ lúc khởi hành”, nào “nghìn trùng xa cách người cuối chân trời, đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người”..v.v. và v..v..  
Bây giờ–Ngày ấy: Hai bờ sông cách biệt
Một đoạn đời sang trang đã từ lâu
Nhìn cánh lan rơi nhắc nhớ dấu yêu đầu
Đâu ai tắm hai lần trong cùng giòng nước !
( Một thuở Saigon, Th.H )

Đi chơi mấy tuần cơ thể thiếu chất tươi: trái cây, rau xanh – năm thì mười hoạ nhấm nháp vài trái quít, mấy củ khoai lang, bắp, dưa leo… chả thấm với tín-đồ-tôi thích thảo mộc (herbivore), đối lập với người thích ăn thịt (carnivore) nên cháu biết ý mua trữ sẵn đủ loại : măng cụt, mãng cầu gai lẫn mãng cầu ta, chôm chôm, mít, sầu riêng, thanh long tím… 
Đặc biệt dưa gang lâu lắm rồi không được ăn. Dưa cắt khối vuông 1,5cm để tủ lạnh cho đủ mát, dùng nĩa cắm miếng dưa trăng trắng xanh xanh chín mềm đưa vào miệng, cảm nhận chất bùi như có bột của dưa cùng chất ngọt vài hạt đường rắc lên hoà quyện tan ra trên đầu lưỡi, tuyệt làm sao. Mỹ vị tiến vua ngày xưa cũng chỉ ngon đến thế mà thôi*

*Ở xứ tôi không có nhiều cửa hàng bán trái cây nhiệt đới nhập như ở Mỹ, Canada. Muốn mua phải đi cả trăm cây số mới có. Hàng nhập từ Thái Lan, mà không phải lúc nào cũng chọn được đồ tươi, có khi bên ngoài nhìn rất hấp dẫn ngon mướt nhưng đem về chẻ ra bên trong bị hư đen, giá cả thì trên trời đem vứt không ăn được. 
Vì vậy các món khi xưa ở Việt Nam ăn mỗi ngày thấy bình thường giờ đây- với tôi- trở nên quí giá. Được tặng mấy củ khoai lang đỏ, tím, dương ngọc, vài trái bắp dẻo VN quí  tương đương như được tặng hộp chocolat Thuỵ Sĩ Laderach*.

*Laderach là chocolat được làm thủ công (artisanal)chất liệu tươi thời hạn xử dụng trong vòng 3 tuần trở lại. Chỉ bán trong cửa hàng của riêng họ, giá từ 240$US/1kg.

Thanh Hà 
August. 2023





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét