Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 21

Đường về canh thâu–Màn đêm tịch liêu* 
Ký sự của Thanh Hà 


1/-
Tối 20.04.2022

Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai…

…Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
(Một phút thoáng qua, thơ Quang Dũng )

Trời qua ngọ nắng gắt, bụng no ngồi xe chỉ lát sau tôi bắt đầu buồn ngủ, đầu gục gật nón bảo hiểm đập cộp vào nón của Vĩnh An, cháu phải khều đánh thức. Nếu không có cái thùng đựng hành trang gắn sau lưng làm chỗ dựa lưng tôi đã ngã lộn cổ xuống đường từ lâu. Thêm mấy lần “cộp cộp” nữa, cuối cùng dừng lại quán cốc bên đường cho mọi người nạp năng lượng và vận động tứ chi.
Thành phố gần nhất Bắc Cạn cách 230 km, GPS báo mất hơn 6 giờ xe không tính thời gian ngừng nghỉ và đường đi suôn sẻ.

Đường về canh thâu*
Thi sĩ Quang Dũng tả buổi chiều với sắc màu tím ngát làm mờ những cánh hoa phai, gợi nỗi bâng khuâng vương vấn, khiến người đọc muốn nhập thân vào Tình & Cảnh trong bài thơ:
Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau
Đôi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu (Một phút thoáng qua, thơ Quang Dũng )

Tôi không đi trong chiều hoàng hôn nhưng cũng thấy một màu tím. Có điều màu tím của người-lữ-hành-tôi-trong-đêm không phải tím ngát, tim tím như thi sĩ tả, mà là tím ngắt, tím thâm, tím lịm, tím bầm do phập phồng lo lắng chớ chả chút gì lãng mạn cả !
Chắc chắn mọi người đều từng vài lần trong đời vượt đường xa trong đêm khuya vắng bằng phương tiện xe khách, máy bay, tàu thuyền, moto..ngay cả đi bộ (sợ ma) nhưng chắc ít ai trong vòng 1 tháng mà 3 lần trải qua giây phút khá hồi hộp trong đêm đen tối mịt trên xe hai bánh như tôi.
a/ Đầu tháng tư. Thay vì lên chiếc xe bốn bánh chở được nhiều người tiện nghi, nhanh gọn thì gia đình tôi 8 người thích đi chơi kiểu lãng tử cởi 4 con ngựa sắt qua Châu Đốc, An Giang thăm viếng Thiền viện Trúc Lâm, chùa Phi Lai, núi Sam, sinh thái Vườn Tràm Trà Sư... Lúc đi trời nắng ấm chan hoà, buổi chiều trời nổi cơn giông tố mưa lúc đầu nhỏ sau dồn dập như thác đổ không ngớt từ Châu Đốc về Rạch Giá hơn trăm cây số. Chúng tôi mặc áo mưa vẫn ướt mèm, tội nghiệp cháu gái cầm lái hứng trọn gió lẫn mưa lạnh run rẩy trên đường làng nhà nhà đóng cửa tối om không một ánh điện,khác với nhạc sĩ Phạm Đình Chương ít nhất còn có ánh điện câu tuy hắt hiu vàng*

Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không màu
Qua phên vênh có bao mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu ( Xóm đêm, nhạc Phạm Đình Chương )
Chưa kể thân thể đau nhừ ê ẩm vì ngồi cả ngày trên yên xe hai bánh chưa quen.

b/ Từ động Thiên Đường, Quảng Bình đi Ninh Bình gần 400 km đồng hành cùng hàng trăm camion hạng nặng dài thượt trong đêm khuya mà tài xế nào cũng đua nhau chạy nhanh bất kể, bắt buộc chúng tôi phải hoà nhập theo. Lúc ấy chỉ hơi căng thẳng, giờ ngồi hình dung lại những màn luồn lách từ làn trái qua lề phải, lượn giữa đầu chiếc camion này với sau đuôi chiếc kia khoảng cách vài mét. Chỉ cần lạc tay lái hay bánh xe chạm hòn đá, khúc cây…té lật nhào là trở thành miếng thịt băm hamburger dưới sức nặng của 18 bánh camion, mới nhận chân sự nguy hiểm nhường nào!!

c/Lần thứ ba mà tôi sắp kể đây thì trong hoàn cảnh khác hẳn. Không xe cộ lưu thông ồn ỉ dầy đặc ngược lại im ắng đến độ thê lương. May là không gặp mưa. Buổi chiều trời còn sáng rõ đã hiếm xe chạy ngược xuôi, khi màn đêm buông trùm cảnh vật thì hai dì cháu tôi thật sự là những lữ hành đơn độc theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trên con đường một bên vực thẳm một bên núi rừng.

Rời Mèo Vạc chúng tôi tiếp tục theo hướng thị trấn Bảo Lạc đến ngã ba rẽ làm hai ngã: trái là Nguyên Bình đi Cao Bằng, phải hướng Bắc Mê–Na Hang đến Bắc Cạn. Căn cứ vào địa hình mà Triệu dò theo GPS, tôi đoán mình đã đi trên quốc lộ 3B, hay 1 trong các tỉnh lộ 254, 258, 258B nơi hàng ngàn khối đất đá sụt lỡ đổ xuống có chỗ che kín mặt đường, suýt mấy lần sa lầy trong đống bùn nhão nhoẹt, mặt đường nhựa nứt sâu đã vậy còn bị cây gãy ngã chắn lối, kéo dài nhiều cây số ở nhiều nơi.

Vĩnh An thường đi du lịch xa bằng moto nên kinh nghiệm lái đường trường, đèo, núi rất giỏi, cẩn thận. Chiếc xe gắn 3 cái thùng đựng hành trang: 2 cái gắn hai bên sườn xe, một sau lưng tôi làm ghế dựa khỏi đau lưng vừa ngăn ngừa không rớt xuống đường vì ngủ gục. Ý thức trách nhiệm chở dì-là tôi-thuộc thế hệ cao niên đâu còn tính bồng bột “bán trời không mời thiên lôi”. Gặp gì cũng lo xa, với lại trước khi đi các chị đã dặn dò cháu nhiều lần“chở má tư đi con chạy từ từ thôi đừng nhanh quá” nên cháu càng cẩn thận không dám chạy nhanh như khi chở vợ đi chơi với nhóm bạn trẻ.
Triệu chở Trang ít hành lý, gọn nhẹ, bé ốc tiêu một mình một ngựa di chuyển dễ dàng trên mấy đoạn đường trắc trở nên khoảng cách giữa chúng và hai dì cháu mỗi lúc mỗi xa dần, cùng với ánh hoàng hôn dần tắt lịm.

Theo nguyên tắc khi chúng tôi mất dấu nhau thì người chạy trước dừng lại chờ kẻ đi sau tới nhập bọn rồi mới tiếp tục–như từ đầu đến giờ. Nên lần nầy khi mấy nhỏ chạy mất tiêu chúng tôi nghĩ chắc chúng vượt qua đoạn đường xấu xong sẽ dừng xe đợi hai dì cháu. Ai ngờ chạy hoài chạy hoài thêm chục cây số mà chẳng thấy ba đứa đâu hết.
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm ( Kiều, Nguyễn Du )
      
Ỷ y đã có Triệu mở GPS nên Vĩnh An không cài đặt, giờ cái Iphone của cháu lúc cần xử dụng thì lại hết batterie, xe đang chạy trên tỉnh lộ không có điểm dừng để lấy dây gắn vào máy charge. Iphone tôi để trong xắc không có 4G, xe đang chạy vù vù tôi đâu dám nhúc nhích cục cựa kéo ra gọi cho mấy đứa. 
Lát sau hai dì cháu còn bị nhầm ở khúc rẽ ngã ba vòng vo quanh cụm nhà sàn dân Thượng, đường càng đi càng thu hẹp dần, biết chạy lạc bèn quành trở lại ngã ba để theo lối khác mất thêm 30 phút, mà đêm xứ núi xuống rất nhanh. 
Chạy một lúc. Vẫn không thấy bóng dáng tụi nhỏ mà đáng lẽ chúng phải dừng lại chờ như thói quen, hay ngừng đợi đâu đó mà lúc qua mặt không kịp thấy, thất lạc đoạn nào? Vĩnh An tắp đại vào vệ đường mò tìm sợi dây cắm vào xe charge điện thoại. Email hiện lên tin nhắn Trang báo địa điểm của chúng tên (gì quên mất), chỗ đó cách xa chúng tôi cả tiếng đồng hồ xe chạy– phần do chúng tôi rẽ nhầm hướng phải quay lại nên khoảng cách mới xa nhiều như thế.

Màn đêm tịch liêu*
Đường hoang vu một bên núi đồi cao ngất nghễu một bên nếu không vực sâu thăm thẳm thì toàn rừng là rừng, lâu lâu ẩn hiện mấy căn nhà sàn của người Thượng trên triền dốc hoặc lấp ló sau mấy tàng cây . Những khúc đường cua thật gắt như khuỷu tay tiếp nối nhau dằng dặc, không điện đóm, chỉ ánh sáng từ đèn xe chúng tôi chiếu ra một vệt dài làm mốc. Lâu thật lâu 1 chiếc xe bốn bánh từ sau vượt qua hắt chút ánh sáng cho chúng tôi chút an ủi ít ra cũng có sinh khí con người, nhưng chiếc xe chỉ đồng hành được vài giây rồi xa dần mất hút vào không gian quạnh quẻ. Chưa bao giờ tôi ao ước thà đường đông đúc bị kẹt xe còn hơn chả một bóng người như bây giờ.
Mây thu đầu núi gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm
( Tống biệt hành, thơ Thâm Tâm )
Thi sĩ Thâm Tâm còn có trăng bàng bạc để ngắm mây thu giăng đầu núi, còn dì cháu tôi thì trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn moto, cảm tưởng hàng ngàn ngọn cây bí hiểm thầm lặng như những bóng ma vùn vụt rượt đuổi theo chúng tôi. Thùng xe làm ghế tựa bảo vệ lưng mà tôi còn nghe rờn rợn chạy dài theo xương sống. Nhớ câu thơ:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…
( Chinh phụ ngâm, nữ sĩ Đoàn-thị- Điểm)
Sao mà giống tình cảnh chúng tôi quá. Vĩnh An tăng vận tốc, bởi xem GPS thành phố Bắc Cạn còn cách 120 cây số, với đường vòng cung hiểm trở nối tiếp nhau lại thiếu ánh sáng không thể chạy nhanh lỡ văng khỏi lề lọt xuống vực, ít nhất 2:30’–3h chúng tôi mới đến nơi. Lời bài hát trầm hùng bỗng giống nhạc chiêu hồn rì rầm bên tai :
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng. Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng. Lạnh lùng theo trống dồn
Trên khu đồi hoang. In trong chiều buông…

…Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh.( Chiến sĩ vô danh, nhạc Phạm Duy )

Trời! Đã sợ còn liên tưởng toàn hình ảnh ghê gớm. Tôi lầm thầm cầu xin Đức Phật Quan Thế Âm, Đức Mẹ Thánh Mẫu La Vang* phù trợ hai dì cháu.
*Từ lúc tôi viếng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị thì mỗi khi đi xa, ngoài khấn vái Đức Quán Thế Âm Bồ Tát tôi thêm Đức Mẹ La Vang vào.

Trang gởi tin nhắn khác, nói đã lấy phòng trong 1 khách sạn ở Ba Bể đang đợi chúng tôi cùng ăn tối ! 
Ba Bể tức hồ Ba Bể, tiếng Tày là Slam Pé nghĩa ba hồ, chủ yếu người Tày sinh sống, là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng cách tỉnh Bắc Kạn 70 km (họ viết chữ K). Hồ hình thành do biến động địa chất vào cuối thế kỷ Cambri(?) cách hơn hai trăm triệu năm, đưa khối nước khoảng 5 triệum2, sâu 30m lên độ cao 145m so với mặt biển trở thành mặt hồ nước ngọt. Hồ có chiều dài 8km, rộng 3km, được bao quanh bởi dãy núi đá vôi niên đại 450 triệu năm, có suối ngầm, hang động…
Gọi là ba hồ bởi dưới lòng bị dãy núi đá vôi chia thành ba hồ riêng nhưng được thông với nhau bằng eo nước hẹp : Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng.
Các nhà địa chất cho rằng đá vôi trong qui trình biến đổi dần trở thành đá hoa cương.

Vĩnh An ngạc nhiên là lần đầu tiên ba đứa tự ý quyết định đổi hành trình ghé Ba Bể không hề bàn bạc(chắc theo ý của bé ốc tiêu đây) trong khi hai dì cháu đinh ninh đến Bắc Cạn. Đã vậy ban đêm đường xấu nguy hiểm mà không chờ, có thể chúng nghĩ chúng tôi không bị chậm trễ khoảng cách xa như vậy. Chúng tôi mất tăm bóng nhau từ lúc 4 g chiều, giờ nầy gần 8 g, từng ấy thời gian trôi qua thế mà chúng chẳng hề lo lắng gì về “sự mất tích hai nhân vật chánh của đoàn” 🤪😡. Chuyến đi Vĩnh An thực hiện dành cho má tư, chúng tôi là hai nhân vật chánh chứ còn gì nữa.
Chắc có sự bé cái lầm gì đây, chờ khi gặp chúng hỏi xem sao.
Tôi không dám bày tỏ lo ngại sợ châm dầu vào lửa, để Vĩnh An bình tâm lái xe. Vĩnh An vốn tính trầm lặng, bình tĩnh, luôn miệng trấn an tôi :
—Có con bảo vệ M4 đừng sợ gì hết, GPS hướng dẫn không lạc đâu. Chỉ là đường còn xa nên con sẽ chạy nhanh, m4 ôm chặt con kẻo té.
Tôi không sợ lạc đường mà lo lắng điều khác :
–1/ Nhỡ xe chết máy hay hết xăng, không có trạm đổ xăng lẫn nơi sửa xe, dắt bộ đến sáng cũng chưa đến đích. Mà bình xăng sắp cạn thật !
–2/Bắt buộc phải tìm lều hoang nào hay gõ cửa nhà người Thượng xin nghỉ đỡ qua đêm, chắc chẳng ai cho. Lỡ bọn thổ phỉ nhào ra dùng mã tấu chém hai dì cháu bay đầu, quăng xác xuống vực sâu cướp xe chạy mất thì nắm xương tàn nằm đó nghìn thu, ai biết mô mà tìm, chắc gia nhập theo đoàn chiến sĩ vô danh hỉ ? 

Tội nghiệp Vĩnh An, biết tôi sợ hãi cứ lên tiếng khích lệ không ngừng:
—M4 yên tâm đừng lo, có chuyện gì con sẽ liều chết để bảo vệ M4.
—Con liều chết bỏ M4 một mình, M4 còn sợ hơn nữa. M4 biết con giỏi võ nhưng bất lợi là đang ngồi xe không vũ khí, nếu chúng số đông bất thần xông ra đạp ngã xe, làm sao con phản ứng kịp? M4 thì chắc chắn là tiêu đời trước rồi.
Cháu làm tôi muốn cười lớn-nhưng không dám- với câu trả lời:
—Không đời nào con để chúng làm hại m4, điều đầu tiên là con đưa m4 vào núp chỗ an toàn trong rừng xong sẽ rảnh tay chống cự với bọn chúng.  
Nghĩ bụng: Thời giờ đâu con dẫn m4 đi núp, với lại M4 sợ ma sao dám ở một mình, thà chết ngay lập tức còn hơn bị lạc sợ hãi quá cũng chết thành ma rừng. 
Rồi cháu kể lúc đi học đã từng một mình tự vệ chống với nhiều đứa định ăn hiếp, gió thổi mạnh tôi nghe tiếng được tiếng mất. Nhờ mấy câu chuyện phiếm nầy phân tâm tôi tạm quên nỗi lo chốc lát.

Xe không hư vì ngày nào Vĩnh An và Triệu đều kiểm tra máy móc rất kỹ trước và sau chuyến đi. Còn xăng… tôi cầu nguyện sẽ gặp trạm xăng trên đường, nếu không thì viễn cảnh dắt bộ có cơ thành sự thật.
Lời nguyện cầu ứng nghiệm, chúng tôi không gặp cướp, hư xe, hay hết xăng. Khi chúng tôi rời tỉnh lộ xuyên qua đường làng thông sang tỉnh lộ khác, xóm thưa thớt nhà nhà đóng cửa tối om bỗng thấy ánh đèn tù mù từ căn mái lá đơn sơ chiếu ra cái bảng nhỏ cắm cạnh đường: Nơi bán xăng dầu. Một trụ máy bơm xăng hẳn hoi nằm lùi vào trong sân, điều hiếm hoi ở nơi vắng vẻ trong đêm khuya khoắt nầy. Người đàn ông lớn tuổi mặc áo lính phai màu ngồi thu lu ngóng ra đường thấy chúng tôi ngừng xe liền đứng lên đón, chúng tôi yêu cầu đổ đầy bình nhân tiện hỏi xem có đúng đường về Bắc Cạn, chú trả lời đúng nhưng còn xa năm sáu chục cây số nữa, qua giọng nói chú đoán chúng tôi từ miền Nam ra. Chú nói may giờ này (9g) chú còn mở cửa đón vài chuyến xe khuya chứ từ đây tới tỉnh không có trạm xăng nào. 
Yên tâm đi đúng hướng, chúng tôi cám ơn chú rồi lên xe chạy tiếp. Lại thầm cảm tạ Đức Quan Âm và Đức Mẹ La Vang đã phù trợ.

*Tựa bài lấy theo lời nhạc Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
 
Thanh Hà
August, 2023






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét