Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Như Giọt Sương Khuya

 Trầm Vũ Phương  



Chớm thu sắc lá phai màu
Tìm câu thơ hỏi tình nào mãi xanh?
 
“ Xóm Cù Là, xem như cỏ kín, gần thị xã Rạch Giá, trên giồng đất cao ráo cùng nhiều người Khmer ở lâu đời, ruộng tốt lại có ngã ba sông rạch. Mấy bô lão cho rằng Cù Là là cái xứ bán thứ cao xoa bóp trị bá chứng do người Cù Là đưa tới, hiểu là người Miến Điện.”

Chùa Vansakrus (Chùa Cù Là xưa)
Đoạn văn trên tôi đọc được trong cuốn hồi ký của Sơn Nam. Quê nội 
tôi ở đây và quê ngoại cũng vậy. Vì khi xưa ba má tôi gặp nhau rồi lấy nhau cũng ở đây, người đầu thôn gặp người cuối xóm. Không biết ở đây về mặt phong thủy ra sao mà tôi thấy bên nội thì tụ mà bên ngoại thì tán. Có nghĩa là bên nội sống quần tụ với nhau, nhà cô, nhà bác cách nhau có mấy nóc gia, còn bên ngoại thì ly tán, rãi rác nhiều nơi.

Cái ngã ba sông rạch nói ở trên là ngay trung tâm Cù Là. Chổ này có cây cầu ván hình chữ Y, tôi từng đứng trên cầu nhìn về ba phía, xuồng, ghe, vỏ vọt tác ráng chạy qua, chạy lại bên dưới. Đọc truyện Tam Quốc thì nhớ tới tam quốc tranh hùng, sau một mùa xuân khói lửa thì cái cầu ván không còn, thay vào đó là cầu xi măng cốt sắt, đầu này bắc qua bờ kia, rồi từ bờ kia có cầu xi măng khác bắt sang bờ nọ, thành ra người bộ hành muốn đến giang đầu thì phải qua giang vỹ ! Cù Là gần thị xã khoảng mười cây số đường chim bay, đứng ở đầu lộ Cù Là có thể nhìn thấy cái tháp nhọn của đài viễn thông thị xã.

Đoạn trên cũng nói Cù Là ở trên giồng đất cao, tôi thì thấy nó thấp hơn ruộng lúa hai bên, trời nắng thì đỡ chớ trời mưa thì lầy lội. Chiếc xe honda mà tôi thường chạy đi học, có khi chở đào nó lại làm khổ tôi chớ vì tôi phải đẩy nó một cách vất vã vì một tấc đất có tới hai tấc bùn.

Người Khmer ở đây lâu đời vì đất này ngày xưa của Thủy Chân Lạp mà. Từ đầu lộ đi vô sẽ thấy một ngôi chùa Khmer bề thế, con đường đất này bao vòng ngoài ngôi chùa theo hình chữ L, có người thích đi đường tắt nên hay “ Xuất gia hoàn tục”, nghĩa là đi vô chùa một đoạn rồi đi ra. Một lần tôi cũng làm như vậy mới khám phá ra ngôi chùa này lớn quá, trước khi thấy chùa là tôi thấy tháp, rất nhiều kiểu và lớn nhỏ khác nhau, vài tháp cao có chạm hình đầu đức Phật có bốn mặt, mặt nào cũng mang vẻ trầm tư mặt tưởng. Bầu không khí thì u tịch, hoang liêu, có tiếng ve kêu và tiếng lá cây thường rơi nhẹ sau lưng khách lạ. Có khi đi ngang qua một góc chùa thoáng thấy một bóng cà sa đứng chấp tay hồi hướng cơ hồ như bất động, đến một mái hiên khác từ trong vang ra tiếng đọc kinh của tăng giả làm cho tôi có cảm giác như lạc vào một nơi nào đó của Đế Thiên Đế Thích.

Tôi ước gì được vào chùa để thấy tượng Phật dát vàng. Người Khmer hiến hết của cải cho chùa và sống thanh bạch. Họ có vũ điệu truyền thống lâm thôn, nhạc của họ cũng có âm hưởng tình cảm lôi cuốn lắm. Nếu có dịp đến dự những ngày lễ lớn thì xem họ hát Dùi Kê liên tục mấy ngày đêm. Tôi đi ngang qua một cái chồi, nơi để một số ghe ngo nằm chổng gộng bên nhau thiếu chăm sóc, có lẽ con rạch Cù Là theo năm tháng đã cạn hơn và hẹp lại rồi nên ghe ngo nằm đó mà than thở chuyện bể dâu. Ghe ngo có lườn dài, thân hẹp nên rẽ nước rất nhanh, chiếc nào cũng vẽ hoa văn rất đẹp làm tôi  liên tưởng tới đội chiến thuyền của Chế Bồng Nga một thời khuấy động đàng trong làm cho quan quân nhà Nguyễn ăn ngủ không yên. 

Bạn học của tôi cũng không ít người gốc Khmer, cũng dễ nhận ra lắm khi người bạn đó có họ như: Danh, Thạch, Kim hay Sơn. . .  Vì có bạn là người gốc Khmer nên được dạy cho cách trêu chọc các cô. Thí dụ như câu này: ”Òn ơi! Sa lan bòn tê. Em ơi! Có yêu anh không, tùy đen nhưng anh cò diên. . . . “

Chùa Ông Bổn - Rạch Giá
Bên kia chiếc cầu xi măng là vùng đất của người Minh hương là dân theo ông Mạc Cửu đến lánh nạn và chọn đất sống cho con cháu đời sau, gia đình tôi là người Minh hương. Trước khi đến nhà các bác tôi thì phải qua một cái chùa có tên là Chùa Ông Bổn ở kế bên trường làng. Chùa không lớn lắm bên trong có thờ Quan Công. Cái đặc biệt nhất là phía trước chùa có một cây cổ thụ già, cây này mọc cạnh bờ rạch, rễ của nó trổ ngược lên mặt đất, quấn quít lại thành hình dáng của một bệ thờ cao khoảng 1 m, người ta đổ lên mặt bệ một lớp xi măng cho bằng phẳng rồi để lên đó bình hương. Bên cạnh chùa có một ngôi nhà của người Hoa tiêu biểu như phía trước nhà có bàn thờ ông Thiên, có một khoảng sân để hòn non bộ, chậu cây cảnh được cắt tỉa công phu. Nhà cô tôi cũng có bàn ông Thiên, chung quanh có trồng cây ăn trái. Cô là trưởng nữ của gia tộc nên có trách nhiệm phụng dưỡng ( lúc bà tôi còn tại thế) và thờ phượng ( lúc bà qua đời). Mỗi lần gặp là cô hay dạy tôi vài tiếng Tiều châu, đại khái như: Chìa bừng (ăn cơm), Chìa tế (uống trà), Chìa muối( ăn cháo). . .Vì sống gần gũi với người Khmer nên cô cũng biết khá rành tiếng nói của họ. Riêng tôi vì lười biếng học tiếng Tiều nên cũng không dám hỏi cô thêm một ngôn ngữ nào khác.

Nhà bác sáu cũng cách đó không xa, nhà đông nhân khẩu nhưng thiếu nhân công thành ra làm ruộng mà không đủ gạo để ăn trong nhà. Nhớ có lần đến thăm thấy bác cầm ra hai cái ly có chân, loại ly dùng để uống champagne, bác khoe rằng hai cái ly này bác tìm được dưới dòng nước cạn trước nhà, tôi bán tín bán nghi! Bác nói bác mò được chúng thấy đẹp để coi chơi, rót ba xị đế, rượu nếp than cũng ngon lành chớ đâu cần tới  champagne. 

Nhà bác bảy tôi nằm bên cạnh một nhà nguyện Tin Lành, nhà bác nền đất nhưng sao lạ, lối đi từ ngoài đi vô tới phòng trong có vãy rồng hai bên, vãy rồng là những u đất nổi lên mỗi cái bằng quả ổi đều đặn trơn tru. Người ta nói nhà có vãy rồng thì làm ăn khá nhưng tôi chờ hoài mà nhà bác cứ là đà. Các con của bác có anh Phi là thân với tôi nhất. Tôi với anh có một kỷ niệm khó quên, trong một dịp trung thu, anh tính với tôi sẽ làm một các lồng đèn thật đẹp, anh đốn tre, vuốt từng thanh một rồi làm khung lồng đèn hình ngôi sao năm cánh, ở xóm nhỏ không có cửa hàng tạp hóa nên anh phải lấy vỏ vọt tác ráng chở tôi đi mua giấy kiếng màu ở chợ Minh Lương cách khoảng mười lăm phút, tôi với anh miệt mài say mê cắt, dán. Cuối cùng cũng xong, anh muốn cho giấy kiếng màu thẳng thớm nên phun nước rồi để cho khô. Đêm trung thu vùng quê rõ là yên tịnh, mặt trăng không dễ thấy vì bị cây cối che khuất, ánh trăng thì trải ra khắp đồng cỏ, sông rạch quanh co. Không đi bộ mà anh dùng xe đạp, anh đèo tôi phía sau với chiếc lồng đèn, mặt đường nhiều ổ gà, tránh chổ này thì vấp chổ nọ, chưa nhìn thấy trăng thu thì đã thấy sao hỏa tạ rồi, sau khi tránh một cái vũng nước, chiếc xe đảo qua đảo lại làm cho anh với tôi phải chụp ếch nấu cháo khuya, còn cái lồng đèn văng ra khỏi tay tôi bùng lên hóa kiếp thành sao sa, phủi bụi đất đứng dậy anh nhìn tôi cười xòa.
 
Sông rạch ở đây là sông rạch thiên nhiên, giòng nước lợ chảy chầm chậm, hiền hòa. Anh Hòa con cô năm thỉnh thoảng trầm mình trong giòng nước ấy để móc lên từng mảng phù sa bồi lên gốc  các cây ăn trái trong vườn, tôi cũng xuống tắm, cũng mò mẫm móc đất thảy lên bờ như anh, ngoài ra cũng có ý coi có vớ được cặp ly đựng rượu champagne nào không? Nhà ở quê thường có hàng rào dâm bụt còn nhà của cô và bác chỉ có hàng rào bằng cây xương rồng, gai đâm tua tũa. Lâu dần tôi mới nghiệm ra bông bụt hay còn gọi bông lồng đèn thì có ở các làng Việt thôi. 

Cũng theo Sơn Nam thì Cù Là là xứ có bán thứ cao để thoa bóp trị bá chứng do người Miến Điện chế ra. Dầu Cù Là có bán khắp xứ chớ đâu có riêng chổ nào, dầu này quen thuộc với người Việt mình từ lâu, nếu ở Cù Là có người Miến Điện thì đáng được vinh danh vì họ chỉ có chế ra thứ cao dùng xoa bóp trị bá chứng mà đoàn kết được các sắc dân chung sống hòa bình. Nếu nói về Cù Là mà không nói về Minh Lương thì thiếu xót, các con của cô với các bác tôi trước khi ra học trường Kiên Thành thì đều học ớ Minh Lương tức trường Minh Hòa. Bên mẹ tôi thì nhớ chuyện này, lúc mẹ chưa có chồng thì ở Minh Lương có một đồn Tây, một hôm chúng đi bố trong làng, ông ngoại tôi đang làm việc ngoài đồng hay tin vội vã chạy về nhà lo cho gia đình, không may Tây thấy chân ông còn dính bùn, áo quần xốc xết nghĩ là Việt Minh nên bắt về đồn, sau đó bắn chết, gia đình xin đem xác về chôn cất chúng không cho nên đành chôn ngoại bên ngoài đồn Tây. Mỗi dịp Thanh Minh mẹ và mấy dì đều viếng mộ ngoại, mấy đứa em cùng với tôi dán những tờ giấy màu lên mộ và cùng mẹ bày đồ ra cúng gồm có thịt heo quay, bánh hỏi, trà, rượu, bánh men. Cù Là không có chợ nên dân ở đây đều đi chợ Minh Lương. Mỗi lần tôi về chơi mấy con cô, bác tôi thế nào cũng kéo cho được tôi xuống vỏ vọt chạy ra chợ Minh Lương, ra tới đó chỉ để đãi tôi tô hủ tiếu với một chai xá xị. Tôi hiểu anh chị ấy nghỉ mình là dân quê nên có chút mặc cảm còn tôi thì cố đem họ tới gần thành phố hơn. Một buổi chiều tôi rũ anh Phi ra thị xã chơi, tôi chở anh bằng xe honda, ở bến xe Hà Tiên có một quán nhạc tên là Quán Tìm Quên, đến đó tôi gọi cà phê cho anh còn tôi thì uống đá chanh ( lúc đó tôi chưa biết uống cà phê như bây giờ), nghe nhạc tới khuya lơ, thấy anh có vẻ “phê”. Khi về thì có chuyện thay vì “phê” thì thành “xệ” là khi gần tới đầu lộ Tà Niên thì có một cuộn kẽm gai kéo ngang lộ, có anh lính tiến lại hỏi với đôi mắt dò xét lạnh lùng: “ Giờ này mấy anh đi đâu?”. Nghe tụi này phân trần rồi cuối cùng cũng cho đi. Cà phê nhạc Tìm Quên ơi! Sao tôi không quên mà nhớ cho tới bây giờ?

Người Minh hương nếu không buôn bán thì làm rẫy, ở Cù Là không có rẫy phải đi tới Tắc Cậu mới có rẫy khóm, vì quá nổi tiếng nên tôi cũng có đi tới đó cho biết, cứ nhìn người chủ vườn thản nhiên đi soàn soạt vào rừng khóm mà thấy ớn, lá khóm có gai nhọn, hàng này sát hàng kia cứ như là một bãi chông, càng nhót gót để tránh gai thì càng bị gai đâm tơi tả, cứ tả hửu xông lên thì quân ta vô sự.
 
Ở cồn bên Rạch Sỏi cũng có rẫy khóm, tôi đến đó không phải để mua khóm hay thích nhìn cô gái gốc Hoa gọt khóm hết sức điệu nghệ mà thật ra là chứng kiến một cuộc phân ly. Chiếc tàu chở người vượt biên bán chính thức xuất phát ở đây, khi người công an rút ván, con tàu nhổ neo chồng chềnh trôi ra giữa giòng sông Cái để ra biển, một bà cụ đứng bên bờ nước nhìn theo rồi đưa tay vẫy chào từ biệt. Gió trên mặt sông hình như đưa tàu đi chậm lại, gió từ trong rẫy khóm cũng tuôn ra quấn lấy cụ và mang lời nhắn gởi của cụ theo bọt sóng trôi xa: “ Đừng lo cho ta. Hãy đi đi mà tìm kiếm tương lai. Ta cầu xin ơn trên phù hộ cho tàu bình an tới bến”.

Bóng cụ nhỏ dần, nhỏ dần rồi từ từ nhạt nhòa theo giòng nước mắt ràn rụa của người đi.

Trầm Vũ Phương
Trời vào thu, lá đổi màu 2024      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét