Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 34

Phú Yên
Chim về núi Nhạn -Trời mờ mưa đêm* 
Ký sự của Thanh Hà


Ngày 08/03/2024

Từ Nha Trang đến Phú Yên khoảng 140 km. Phú Yên giáp các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Khánh Hoà, Bình Định và biển Đông.
Có rất nhiều phụ nữ trong tà áo dài- đủ màu sắc lẫn hoa văn- thướt tha duyên dáng xuất hiện trên đường. Cháu dâu nói hôm nay là Ngày Lễ Phụ Nữ. Thảo nào!

Phú Yên sở hữu bờ biển chiều dài 190 km, chưa tính các hòn đảo. Hiện là một địa điểm thu hút khá nhiều du khách, hôm chúng tôi ở đó thấy nhiều đoàn được chở bằng xe bus, đa số người Đại Hàn, Tây phương, Ấn Độ, người Việt Bắc. Xuyên suốt hành trình hiếm khi tôi nghe du khách nói giọng miền nam.

Mỗi ngày chúng tôi luôn tính toán sao cho khoảng 5 g chiều thì dừng chân ở một tỉnh thành kế tiếp chứ không muộn hơn. Vào khách sạn đặt hành lý, tắm rửa, dạo một vòng trung tâm, ăn uống rồi về ngủ. Tờ mờ sáng hôm sau nạp đủ năng lượng mới tìm thăm viếng các thắng cảnh của tỉnh đó đã lên sẵn chương trình.

Một người bạn dặn tôi đến quê Phú Yên của họ hãy tìm ăn món cháo vịt cỏ. Cô nói sở dĩ gọi là cỏ vì giống vịt này bé chút xíu nuôi hoài cũng không lớn, nhưng thịt rất ngọt ngon–thế mà tôi tưởng vịt được nuôi bằng cỏ!– 
Mục đích chánh của dì cháu tôi là rong chơi, ẩm thực là phụ. Các cháu thích uống cà phê pha bằng hạt nguyên chất, ăn phở, bún, cơm. Phần tôi nước dừa tươi, cơm, bánh mì thịt chan nước sauce ngọt mặn kiểu miền Nam. Hể tiện trên đường gặp hàng quán nào không gian thông thoáng thì ghé chứ không cố ý tìm kiếm, kén chọn.

Lần đi miền Trung nầy, dì cháu tôi không phải dáo dác tìm cà phê, bánh mì nữa. Món ăn chính lẫn ăn chơi gì cũng có, ngon nhiều hoặc ngon ít tuỳ khẩu vị.
Những bữa ăn trong restaurent thực thụ là thuộc chương trình du lịch khác nữa, cũng với gia đình, bạn hữu. Còn đây là kiểu phong trần gió bụi.

Tối, chúng tôi theo lời chỉ dẫn của cô chủ khách sạn nói quán..trên đường…gì đó bán gà nướng rất ngon, lúc chiều cô vừa mua mang về. GPS chỉ đúng địa điểm, nhưng chúng tôi không thấy quán ăn đâu, chỉ thấy khu chợ đêm bày bán rau cải, trái cây, quầy hàng ăn uống nhốn nháo tấp nập xe lẫn người đi bộ.

Chạy thêm mấy con đường quanh đó toàn nhà dân đóng cửa im ỉm. GPS vẫn chỉ đúng vào khu chợ đêm, nên quay lại. Không tìm ra nơi bán cháo vịt, sẵn hàng bán cơm cạnh đường đi xông mùi gà nướng lẫn với khói than, bụng đói đành ngừng xe vào ăn vậy.

Có hai cái bàn kê cạnh nhau, bàn thấp nên ghế cũng thấp chủn cho phù hợp. Không gian bị chèn ép bởi nhiều “món đồ không tên”chồng chất dưới ánh sáng vàng vọt từ bóng đèn hắt ra. Gian hàng nầy chỉ chuyên bán gà nướng nên không cần phải hỏi khách chọn món. Một trong hai chị bán hàng kêu đợi vài phút, rồi cầm cây kẹp sắt gắp con gà đã luộc sẵn nhúng vào thau nước sốt hỗn hợp màu nâu đen sẫm(!) đặt dưới nền đất (hay xi măng cũ lâu ngày nên hết phân biệt), xong đặt lên vĩ than đã có vài cái đùi gà đang nướng dở, mùi thơm toả trong không khí khá hấp dẫn. 

Độ chừng nướng gà đủ vàng, chủ quán gắp ra, kê lên thớt chặt làm tư. Phát dao nào ra phát dao ấy- sắc lẻm, dứt khoát, mạnh mẽ- nhìn khá bắt mắt. Kế mang cho mỗi người một dĩa cơm màu vàng nghệ đầy tú hụ, một phần tư con gà hoặc 1 cái đùi gà to tướng, tuỳ theo ý khách chọn. Nhiều quá tôi ăn chưa được phân nửa là no ứ, dù là gà công nghiệp nhưng cũng ngon.
Quán cơm gà bình dân, hai phụ nữ bán hàng niềm nở vui vẻ. Đó là yếu tố quan trọng để giữ khách.

Hai ngày sau, đến Tam Kỳ chúng tôi lại được dịp thưởng thức cơm gà chính gốc, thật không hổ danh gà Tam Kỳ !

Miền Trung trồng rất nhiều dừa không thua kém trong Nam chút nào. Dừa tươi bày bán khắp chốn mọi nơi: trong nhà hàng, quán ăn, chợ, các xe đậu lề đường đổ hàng đống ra đất. Giá rất rẻ, hình như chỉ bằng phân nửa giá ở miền Nam. Trời nắng nóng, tôi tha hồ uống nước dừa thay nước lọc. Nhưng lạ là họ không dùng nước cốt dừa để nấu cà ri, làm bánh, chè…gì hết. Ngoại trừ một lần duy nhất ở đâu quên mất (Qui Nhơn hay Quảng Ngãi?), buổi tối đi chơi về trên đường thấy xe bán đậu hủ nước đường, tôi kêu cháu ghé lại mua thì họ có cho thêm nước cốt dừa-theo yêu cầu-, nhưng chỉ 2 muỗng bé tẹo teo chả béo gì.

Tôi đặt câu hỏi với Song Hồng- cô bạn thân ở Đà Nẵng- cô cũng chả biết tại sao, tuy nhiên miền Trung tỉnh nào cũng trồng nhiều dừa, chỉ uống nước dừa tươi chứ không xử dụng nước cốt dừa già trong nấu ăn, làm bánh. Vậy dừa khô thì họ làm gì nhỉ ? 

Ghềnh đá dĩa

Nếu gọi ghềnh đá này là một trong các kỳ quan thiên nhiên cũng không quá đáng!!!
Nằm tại Tuy An- tỉnh Phú Yên, cách Tuy Hoà 40 km. Là một đoạn bờ biển mà các phiến đá hình lăng trụ màu đen, giống những chiếc dĩa tròn xếp chồng lên nhau đều tăm tắp rất ngoạn mục tưởng như có bàn tay con người nhúng vào.

Muốn đến ghềnh, đầu tiên phải mua vé vào khu di tích quốc gia Ghềnh Đá Dĩa. Chúng ta sẽ gặp khoảng đất rộng dành cho các xe lớn nhỏ đậu, hai bên là nhà hàng, quán giải khát cùng nhiều gian bày bán bánh trái đặc sản, thức ăn thức uống đủ loại. Lúc chúng tôi đến áng chừng cả ngàn du khách hiện diện, ngay sau khi bước qua cổng kiểm soát vé đã thấy trang trí bằng các lăng trụ đá màu đen nghe lòng háo hức, tiếp nối các cối xây bột bằng đá chất bên vệ đường-không biết để trang trí hay bán-tuy chúng tôi đi dọc theo con đường có mái che chừng trăm mét nhưng hơi nóng vẫn toả hầm hập. 

Nghe tiếng hoà tấu âm hưởng nhạc Tây nguyên phát ra từ một căn lán mái che lợp lá không vách ngăn tên là “không gian văn hoá Hồn Xưa”, hai cô gái đang biểu diễn đàn đá. Nơi đây là chỗ bán nước giải khát, có dựng sân khấu nho nhỏ với hơn chục hàng ghế cho du khách ghé chân vào uống nước và thưởng thức nhạc.

Chúng tôi tìm chỗ ngồi kẻ uống cà phê, người nước dừa vừa xem biểu diễn. Các cô gái mặc y phục dân tộc miền núi (không rõ tộc nào) vừa phục vụ nước cho khách kiêm luôn biểu diễn đàn đá rất nhuần nhuyễn chuyên nghiệp. Các cô gái thật đa tài!!! Mỗi bộ đàn làm từ mười mấy thanh đá hình trụ xếp dần từ ngắn 65 cm nặng 5 ký đến dài 100 cm nặng 11 ký, phát ra tiếng nhạc lúc reo vui rộn rã, lúc trầm bổng du dương hoà hợp với cảnh thiên nhiên. Khách mọi lứa tuổi từ trẻ đến trung niên chú tâm lắng nghe bằng thái độ trân trọng lịch sự.

Cạnh bên, một nhà sàn nho nhỏ- như nhà bảo tàng- chưng bày các nhạc cụ bằng tre nứa, gọi là nhạc cụ Phong Vân(không hiểu là gì), phèn la, y phục thổ cẩm, chum vại đựng rượu cần, rá rỗ… Cạnh cầu thang trong sân lộ thiên đặt một bộ Đàn-đá khổng lồ gồm 24 thanh đá xếp từ ngắn đến dài, sẽ phát ra âm thanh trầm bổng khác nhau. Tôi cũng táy máy cầm búa gõ- giống như búa toà án- cho ngân lên vài nốt nhạc.

Từ quán Hồn Xưa, chúng tôi tiếp tục xuôi con đường đất gập ghềnh dẫn xuống bờ ghềnh. Nắng thiêu đốt, rất nhiều du khách Đại Hàn, Việt Nam chịu khó trèo xuống mấy triền dốc khá trơn trượt. Có thể phân biệt phụ nữ Đại Hàn với Việt Nam dễ dàng. Người Đại Hàn che dù hoặc đội nón, mang giày thể thao. Phụ nữ Việt che dù mặc áo đầm, áo dài, nhiều người mang giầy cao gót nhọn, nhất là các cô gái trẻ.
Họ có lý, bởi đây là một kỳ quan hiếm gặp trên thế giới, xứng đáng để lưu lại những tấm hình kỷ niệm dài lâu. Chỉ tội là nhìn các bà các cô mang giầy gót nhọn bước khó khăn trên đường đất cát, đá lởm chởm. Nguy hiểm lúc xuống bậc dốc để đến bờ gành, lỡ sa chân té trẹo ống quyển như chơi.

Theo các tài liệu, đây là đá bazan hình thành từ nham thạch núi lửa cao nguyên Vân Hoà cách đây hàng 100, 200 triệu năm. Dung nham nguội đông cứng lại, nứt thành các cột đá hình lăng trụ, lục giác, tròn, vuông… lại bị sóng biển đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các dĩa đá xếp chồng lên nhau, nhìn từ xa giống như tổ ong khổng lồ.

Những danh lam xinh đẹp thường được gắn liền với truyền thuyết cho thêm phần hấp dẫn. Có 2 câu chuyện về nguồn gốc Đá Dĩa, mà tôi thích câu chuyện thứ nhì hơn. Truyện kể rằng xưa kia thấy phong cảnh nơi đây hữu tình nên các vị thần tiên bèn giáng thế mang các dĩa ngọc ly vàng mở yến tiệc. Mãi ham vui, chợt nhớ phải trở về thiên giới sợ trễ nên vội vã bay đi bỏ quên các chồng dĩa, lâu ngày hoá đá.

Tiếc chúng tôi không đến đây vào bình minh hay hoàng hôn lúc màu sắc bầu trời lung linh ảo diệu và ít khách. Đến vào buổi trưa nắng nóng khách quá đông ai cũng chen nhau chọn góc đẹp nhất để chụp hình, mỗi người vài chục tấm. Đợi cả giờ cũng chưa đến phiên, đành bằng lòng chộp vài kiểu dính luôn người lạ vào hình, tự an ủi “có còn hơn không”.

Tháp Nghinh Phong

Nghinh phong nghĩa là đón gió.Tháp nằm trên một công trường(quảng trường) rộng hơn 7000m2 hình bán nguyệt, lát đá granite bóng ngời tại thành phố Tuy Hoà cạnh bãi cát chạy dài ra biển Đông. Nhìn toàn cảnh tháp, tôi không ngờ thành phố này có một kiến trúc nhân tạo uy nghi đầy ý nghĩa như thế. Chắc chắn khi nhắc tháp Nghinh Phong người ta sẽ liên tưởng ngay Ghềnh Đá Dĩa bởi những phiến đá đen tương tự.

Tuy nhiên, ghềnh đá hình chiếc dĩa là do núi lửa (thiên nhiên) có mặt từ 100, 200 triệu năm trước. Còn tháp là do con người tạo ra, lõi bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite mới từ 5 năm nay.
Theo tôi đây là một công trình khá độc đáo lấy ý tưởng theo truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, toà tháp chia làm đôi bên cao 35 m, bên thấp 30 m bởi một khe hẹp 2m dài 15m. Phần cao tượng trưng ông Lạc Long Quân, phần thấp bà Âu Cơ, âm dương hoà hợp. Mỗi bên chân tháp có 50 khối đá xếp chồng lên nhau so le, tượng trưng 50 người con bị tách ra theo cha theo mẹ lên non xuống biển.

Tháp Nghinh Phong được 2 giải Cảnh quan đô thị châu Á 2023 do tổ chức World Travel Awards tổ chức ở Đại Hàn trao, là công trình đạt giải duy nhất ở Đông nam Á. Và giải World’s Leading City Monuments 2023 tổ chức ở Dubai trao.Thật xứng danh!

Tháp được gọi là nghinh phong rất hợp lý, vì nằm cạnh bờ biển với mong muốn đón nhận luồng sinh khí từ biển Đông thổi vào.
Thoạt nhìn tháp Nghinh Phong, khiến tôi nhớ đến đài tưởng niệm Khám Phá ở thủ đô Lisbonne-Bồ Đào Nha (Portugal). Sự liên tưởng này tuy khập khiễng nhưng ít nhiều có vài điểm tương đồng. 
Cả hai đều nằm trên quảng trường đồ sộ. Tháp”đón gió” ở cạnh bờ biển Đông, còn đài tưởng niệm Khám Phá trong khu Belém bên dòng sông Tage, thủ đô Lisbonne chiều cao 50m, có hình dáng con tàu để tưởng niệm Hoàng tử kiêm nhà hàng hải Henri Bồ Đào Nha từ thế kỷ XV –XVI.

Ngoài tượng nhà hàng hải Hoàng tử Henri đứng đầu mũi tàu, bên hông tàu có khắc 32 bức tượng, mỗi bên 16 bức về các nhân vật lịch sử nổi tiếng Bồ Đào Nha ở mọi lãnh vực.
Bên trong đài có một thang máy để du khách lên đến tầng 6, và một cầu thang bộ leo đến tận đỉnh*
*Những cư dân thành Lisbonne lại không mặn mà với gu thẩm mỹ đó, chế nhạo mai mỉa gọi tên là “đừng có đẩy mông!”.”poussez pas derrière”

Chuyện tình bên tháp Nhạn
Anh còn nợ em / Công viên ghế đá / Lá đổ chiều êm…
Anh còn nợ em / Dòng xưa bến cũ / Con sông êm đềm..
Anh còn nợ em / chim về núi Nhạn / Trời mờ mưa đêm
Anh còn nợ em / Nụ hôn vội vã / Nắng chói qua rèm

Và còn nợ em
Cuộc tình đã lỡ
Con tim anh mềm…
Anh còn nợ em !
(Anh Còn Nợ Em, thơ Phạm Thành Tài)

Nếu Phan Thiết có chuyện tình bi thương Lầu ông Hoàng của thi sĩ Hàn Mặc Tử, thì Phú Yên cũng có “cuộc tình đã lỡ” Chim về núi Nhạn của thi sĩ Phạm Thành Tài vậy.
“Nhờ”chuyện tình dang dở nầy nên công chúng mới “được” nghe ca khúc buồn da diết  Anh Còn Nợ Em* do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc dựa theo bài thơ cùng tên của thi sĩ, làm phong phú thêm kho tàng âm nhạc Việt vốn đã có hàng ngàn ca khúc vượt thời gian.

Đây là một trong các ca khúc hiếm hoi sáng tác sau năm 1975 ở hải ngoại được công chúng hâm mộ nồng nhiệt (trong đó có tôi). Phải công nhận qua tài năng phổ nhạc của các nhạc sĩ mà công chúng mới biết nhiều đến bài thơ cùng tác giả.

*Như bài hát nổi tiếng Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc nên mọi người mới thường nhắc về phố núi và người em Pleiku:
Phố núi cao phố núi đầy sương…
…Đi dăm phút đã về chốn cũ…
…Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

*Như Thà Như Giọt Mưa, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mà người ta biết nhiều đến thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên thốt lên trong lúc đau khổ lẫn giận hờn:
Thà là giọt mưa khô trên mặt Duyên..
…Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên

*Như Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư…
*Thi sĩ Nguyên Sa vốn quá nổi tiếng nên những bài thơ tình của ông mọi người đã thuộc nằm lòng, được phổ nhạc lại càng phổ biến rộng rãi hơn. 

Tiểu sử ông Phạm Thành Tài (1932-1997) quê gốc xứ Trầm Hương Khánh Hoà. Trước năm 1975 từng là giảng sư Đại Học Đà Lạt. Năm 1991 ông định cư tại Hoa Kỳ, tốt nghiệp bác sĩ ngành Đông y. Ông qua đời năm 1997 lúc mới 65 tuổi. 
Người bạn học và là đồng hương với ông kể rằng thời học sinh ông có yêu một nữ sinh hoa khôi trường TH Tuy Hoà, nhưng bị gia đình cô gái ngăn cấm. Cô gái ấy từng được trường chọn đóng vai bà Trưng Trắc cho lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.

Trong nỗi buồn đau, trước khi rời Tuy Hoà ông lên núi Nhạn khắc tên hai người trên một cây si ở tháp Nhạn. Thời gian sau, thi sĩ quay lại núi Nhạn tìm lại kỷ niệm cũ. Người yêu đã đi lấy chồng. Bài thơ Anh Còn Nợ Em ra đời trong dịp này.

Núi Nhạn sông Đà* là biểu tượng của Phú Yên, chính xác là Tuy Hoà vì núi và sông đều nằm giữa thành phố Tuy Hoà.
– Núi Nhạn cao chừng 60 m, chu vi quanh núi khoảng 1 km nằm giữa đồng bằng Tuy Hoà, cạnh sông Đà Rằng. Trên đỉnh có tháp Champa cổ xây từ thế kỷ XI còn khá nguyên vẹn. Truyền thuyết cho rằng ngày xưa trên núi có nhiều cây cối như mai rừng, nhiều khỉ, đặc biệt đàn chim nhạn thường bay về tụ hội nên gọi là núi Nhạn, tháp Nhạn.Truyền thuyết khác nói do ngôi tháp cổ nhìn từ xa có dáng chim nhạn.
–Sông Đà: gọi tắt của Đà Rằng, chảy qua Tuy Hoà rồi đổ ra biển. Tiếng Chăm có nghĩa con sông lau sậy.

Từ núi Nhạn người ta có thể thấy toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, và biển Đông. Dưới sông có vài chiếc thuyền thả lờ lững. Cảnh tượng thật hiền hoà êm đềm.
Tôi thì cho rằng nhờ thi sĩ Phạm Thành Tài và nhạc sĩ Anh Bằng đã mang núi Nhạn Tuy Hoà đi vào thi ca bằng mấy lời tha thiết khóc thương mối tình không trọn:
Chim về núi Nhạn
Trời mờ mưa đêm
Cuộc tình đã lỡ
Anh còn nợ em !!!

Thanh Hà
LCDF, 29/08/2024





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét