Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Viễn Du Ký Sự – Phần 35

Qui Nhơn–Theo Dấu Vết Tiền Nhân 
Ký sự của Thanh Hà


Ngày 08–09/03/2024
Từ Phú Yên đi Qui Nhơn khoảng 140 km

Ai vô Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết cầm roi đi quyền
(Thơ dân gian)

Tôi chỉ quen sơ với 1,2 phụ nữ gốc Qui Nhơn-Bình Định nên không dám hỏi là họ có biết múa roi đi quyền không. Hồi mới lớn tôi đọc 1 câu chuyện khá thú vị nhớ hoài tới  giờ.
Chuyện rằng có cô gái trẻ mới kết hôn, nghe lời mẹ ruột dạy dỗ phải ngoan ngoãn chìu chuộng nhà chồng đừng bao giờ cãi cọ dù họ có đối xử oan ức cũng luôn dịu dàng, vâng lời.
Chồng thấy vợ hiền lành nên lộ thói gia trưởng, càng ngày càng ăn hiếp vợ, hể chút gì không vừa ý là quát tháo ầm ỉ. Rồi tiến tới thượng cẳng chân hạ cẳng tay mà cô vợ chỉ biết khóc âm thầm chịu đựng. 

Buổi chiều nọ cô vợ đang ngồi nấu cơm bằng bếp củi–cái thời xa xưa người ta chỉ nấu cơm bằng bếp than, củi–anh chồng đi đâu về thấy cơm chưa dọn sẵn, tức giận hạnh hoẹ. Người vợ dịu dàng bảo:
–Mọi khi anh ăn cơm trễ hơn, em đâu biết hôm nay anh về sớm, chịu khó chờ chút em nấu sắp xong rồi.
Anh chồng quát tháo:
–Cô còn đổ lỗi cho tôi là hôm nay đòi ăn cơm sớm hả? Thứ đàn bà gì biếng nhác, còn dám cãi tao đánh cho mầy biết tay “ông”.

Vừa nói vừa nhào vô nắm tóc vợ. Cô vợ bất ngờ bị chồng tấn công từ phía sau lưng không kịp đề phòng bị mấy cú đấm, tát vào đầu vào má chỉ vì một nguyên nhân quá vô lý. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, lần này thì cô không còn vâng lời mẹ ruột nhịn nhục nữa, sẵn đang cầm chiếc đũa bếp sới cơm cô đứng lên vung tay múa quyền vụt túi bụi lên anh chồng ác nhân, đuổi anh ta chạy vòng vòng quanh sân mà không chống đỡ được một cú nào.

Anh chồng hết hồn chấp tay xin cô vợ xưa nay tưởng liễu yếu đào thơ tha cho. Chợt nhớ ra ba vợ là một võ sư môn võ Bình Định giỏi có tiếng trong vùng đã truyền cho con gái các ngón nghề. Từ đó về sau anh chồng vũ phu hết dám bắt nạt vợ nữa.

Cùng thời điểm tôi viết chuyện ông chồng vũ phu kia, thì lại đọc trên báo Pháp câu chuyện nữ thể thao người Ouganda (thuộc Phi Châu) Rebecca Cheptegei 33 tuổi, từng đoạt giải vô địch môn chạy marathon đường trường lẫn trên núi, mới tham dự Olympique 2024 Pháp, bị người bạn trai đổ xăng châm lửa đốt. Vết bỏng quá nặng nên 4 ngày sau cô qua đời.
Một lời tưởng niệm tiếc thương đến người phụ nữ xấu số.
Chuyện phụ nữ trên địa cầu bị chồng, bạn trai hành hạ…. là vấn nạn xảy ra từ thuở 
hồng hoang đến hôm nay thế kỷ 21 vẫn còn tiếp diễn, và trong tương lai chắc chẳng bao giờ chấm dứt. Kinh hoàng nhất chuyện phụ nữ Ấn Độ bị một nhóm đàn ông xâm phạm thân thể rồi giết chết thường xuyên xảy ra, chính phủ không giải quyết nổi.     Thân yếu đuối làm sao chống cự sức mạnh của đàn ông. Phải chi các bà các cô sang Việt Nam, đến Bình Định xin thụ giáo học ít ngón nghề tự vệ, chắc cũng giúp được phần nào 😢

Qui Nhơn có ba điều được nhắc nhiều nhất:
a)-Triều đại Tây Sơn với tam kiệt: ba anh em Nguyễn Nhạc, Đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng các vị công thần.
b)- Đàn bà con gái giỏi võ Bình Định
c)- Mộ thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử.

      Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
      Quanh ta cây lá đã thay màu
      Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
      Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
      (Thiên Lý Độc Hành, thơ Tuệ Sỹ)

Di tích Thành Hoàng Đế Thái Đức Nguyễn Nhạc:
Nhắc về anh hùng áo vải Tây Sơn người ta nghĩ ngay đến Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ (1753–1792) người có công đại phá quân Mãn Thanh, trong đó có vai trò không nhỏ của hai người anh em ông là Nguyễn Nhạc (1743–1793), Nguyễn Lữ (1754–1787). 

Khi đi tìm dấu vết triều đại Tây Sơn, đến Di Tích Thành Hoàng Đế, toạ lạc ở Đập Đá, thị xã An Nhơn, cách Qui Nhơn 20 km, tôi mới nhớ ra rằng ông Nguyễn Nhạc đã từng làm hoàng đế niên hiệu Thái Đức trong vòng 10 năm, trước khi nhường ngôi cho em là Quang Trung Nguyễn Huệ (bài học sử chỉ nhắc vắn tắt nên quên).

Mặc dù có GPS hướng dẫn, nhưng may nhờ dùng phương tiện moto nên chúng tôi mới kiên nhẫn lần dò theo các con đường nhỏ hẹp tới nơi. Sáng hôm ấy chỉ duy nhất đoàn bốn chúng tôi đến viếng Thành Hoàng Đế nên liều dắt xe vào khuôn viên đậu ẩu, theo lẽ là không được phép, vì không có parking bên ngoài thành. 
 
Cho nên đi chơi bằng moto rất tiện lợi. Đường mòn, đường đê, đá, bùn…nào cũng luồn lách qua được. Nếu đi xe bốn bánh thì chắc chắn chúng tôi đã chán nản bỏ qua nhiều nơi đáng viếng, bởi có những con đường không đủ rộng cho xe lớn, không tìm được chỗ đậu xe, hay lỡ chạy “huốt” khó quay trở đầu xe làm cản trở lưu thông.v..v..  

Đến nơi lại khám phá thêm là khu di tích nầy đã 3 lần thay ngôi đổi chủ: 
1/-Nguyên thuỷ hồi thế kỷ X (982) nơi đây là kinh đô Đồ Bàn(Trà Bàn) của người Chiêm*
*Nghe “danh tiếng” đã lâu, bây giờ mới biết”mặt mũi”🤪
2/- 800 năm sau, khi bắt đầu khởi nghĩa, quân Tây Sơn chọn nơi đây làm doanh trại. Sau Nguyễn Nhạc tự xưng vua, chọn làm đế đô(1776).
3/-Đến năm 1802, thành Hoàng đế thuộc hoàn toàn nhà Nguyễn (Gia Long).

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” câu tục ngữ nầy luôn luôn đúng. Xuyên suốt hành trình, cứ đến mỗi một nơi thì tôi lại góp nhặt học hỏi thêm kiến thức về lịch sử, tập quán VN…rất nhiều so với trước đây chỉ biết qua sách vở. Chẳng hạn chỉ dự tính thăm lăng mộ vua Quang Trung, rốt cuộc chúng tôi khám phá thêm hoàng thành vua Nguyễn Nhạc, chung một chỗ với kinh đô Đồ Bàn. Biết về Đồ Bàn phần lớn là nhờ ca khúc Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên với giọng ca truyền cảm Trường Hải, nhớ tiếc giùm quê hương người Chiêm một thời oanh liệt đã biến mất trên bản đồ. 

Người xưa đâu mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…
…Vạc kêu sương buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương như bóng ai trong lúc đêm trường về…
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
(Hận Đồ Bàn, nhạc Xuân Tiên)

Hoàng thành xưa kia có ba lớp tường bao bọc: Ngoại thành, nội thành, tử cấm thành. Hiện tại chỉ còn ngoại thành chu vi khoảng 7km, và tử cấm thành chu vi 600 m, tường cao 3m.

Qua mấy cuộc bể dâu, với ba triều vua nhiều kiến trúc thời Đồ Bàn và Tây Sơn đã bị san bằng xoá dấu, nhưng rải rác vẫn còn vài di tích tồn tại. Như tháp Chăm Cánh Tiên cao 20 m, hồ bán nguyệt xây bằng đá ong, tượng voi, sư tử. Có chùa Thập Tháp Di Đà, chùa Nhạn Tháp. 

Tôi hơi ngạc nhiên sao lại có mộ ông Võ Tánh (tướng chúa Nguyễn) trước khuôn viên hoàng thành nhà Tây Sơn, rồi còn lăng điện thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu... Giờ mới hiểu ông Võ Tánh từng vâng lịnh chúa Nguyễn chiếm thành và được giao trấn giữ. Nhưng ba năm sau bị nhà Tây Sơn chiếm lại, Võ Tánh thua nên tự thiêu cùng một số phụ tướng trung thành. 

Khi rốt cùng chúa Nguyễn chiến thắng hoàn toàn nhà Tây Sơn, đã cho triệt hạ san bằng các cung điện cũ và xây ngay trên nền điện bát giác ấy lăng thờ Võ Tánh và các vị tướng sĩ cùng chết với Võ Tánh như ông Ngô Tùng Châu..v..v..  

Vào năm 2005 viện khảo cổ học cho khai quật mới khám phá các kiến trúc cung đình Tây Sơn như nền móng điện bát giác, thuỷ hồ, cung Quyền Bồng, đàn Nam Giao…

Viện Bảo Tàng Vua Quang Trung

Chúng tôi đến Bảo Tàng vua Quang Trung ở Phú Phong-Tây Sơn-Bình Định cách Qui Nhơn 45 km. Đối diện sông Côn, bao quanh bởi quốc lộ 19B, đường Ngọc Hân Công Chúa(tên vợ vua), đường Nguyễn Nhạc, đường Đống Đa. 

Toạ lạc trên chính căn nhà cũ của gia đình anh em vua Quang Trung, là một quần thể bề thế gồm nhiều công trình trên diện tích 2300 m2. Một vị anh hùng tài ba được đời sau mệnh danh “Napoléon nước Việt”*. Một quân vương có tài quân sự lẫn chính trị tạo nhiều chiến công hiển hách, cùng hai anh và em lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chấm dứt nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hai thế kỷ (tức Đàng Trong-Đàng Ngoài). Đã đánh đuổi giặc Xiêm (1785), nhất là thắng giặc Mãn Thanh(1789). 

Ngài cầm quân từ năm 18 tuổi, kéo dài 20 năm với hàng chục trận đánh lớn, bách chiến bách thắng không thua một trận nào.
So sánh Ngài với vua Napoléon của Pháp thật không sai. Có khi còn tài giỏi hơn!!

Chúng ta không ai quên được bài học sử tả về kế hoạch và tài dụng binh của Ngài đánh đuổi quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy chiếm lại thành Thăng Long trong đó có trận Ngọc Hồi–Đống Đa*thật hào hùng kiêu dũng. Lúc ấy tôi chỉ là học trò tiểu học mà cũng thấy háo hức, nức lòng nức dạ.

*”Nói ngoài đề: sáu năm trước có hai vợ chồng bạn rủ tôi ra Bắc chơi, được anh họ của bạn dân Hà Nội hướng dẫn đi thăm thành phố. Lúc xe chạy ngang một nơi không nhớ khúc đường nào, hình như về hướng Hà Đông ở gần Giám… gì ấy, anh chỉ cái khoảng đất nhô lùm lùm, nói đó là Gò Đống Đa nơi vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789.

“Tôi hỏi anh nói đùa phải không? Anh trả lời là anh nói nghiêm trang không hề đùa. Trời đất, chả lẽ ?!!!
Phản ứng (phản xạ)đầu tiên loé lên trong đầu: Cái sân chơi cho con nít bày trò chia hai phe đánh nhau còn lớn hơn cái “gò” ấy nhiều. Anh nói lý do nó giống cái lúm đất nhô cao chút xíu, lại mỗi ngày mỗi lùn thêm, đã vậy còn bị nhiều căn nhà xây cất chung quanh che khuất nên càng thu hẹp.

“Nửa tin nửa ngờ, định bụng lần tới có dịp ra Hà Nội, tôi sẽ trở lại gò Đống Đa để tìm hiểu kỹ càng chính xác. Mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ bần thần tấc dạ là làm sao mà một chiến công hiển hách lẫy lừng với tài dụng binh mưu lược thông minh có một không hai với hàng ngàn quân cả hai bên không thua các trận đánh tả trong Tam Quốc Chí lại diễn ra trên cái gò đất tí tị nhỏ hơn cả sân banh. Giả sử đoàn quân có xếp hàng đứng im bất động cũng không đủ chỗ chứa chớ đừng nói chiến đấu kiểu gì, quá vô lý !!! Nếu anh nầy không nhớ lộn, thì chỉ có thể giải thích gò Đống Đa viết nên trang-hùng-sử đã bị người đời sau “tùng xẻo, ngắt véo” mới thu hẹp như thế.

Than ôi! Thương thay cho cuộc đời vị đại anh hùng kiệt xuất vắn số chỉ làm vua được 4 năm không chết ngoài sa trường mà qua đời bởi cơn bạo bệnh, hưởng dương 39 tuổi. Hậu duệ của Ngài bất tài nên dù có nhiều vị tướng trung thành tài giỏi* theo phò tá cũng không giữ được ngôi, chỉ 9 năm sau thì triều đại Tây Sơn sụp đổ dưới tay nhà Nguyễn (Gia Long).
*Tôi nhớ tên vài danh tướng phò Tây Sơn có Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, hai vợ chồng tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân…

Chúng tôi đến vào khoảng 1g trưa, trời nắng nóng kinh hồn, không một chút gió. Thấy cây me cổ thụ 300 tuổi, gốc chu vi gần 4m, cành lá rậm rạp xanh um toả bóng mát vươn rộng cả 2, 3 chục mét bèn đến ngồi dưới gốc nghỉ mệt, uống nước mang theo trước khi tiếp tục đi sâu vào phía trong.
Mường tượng hơn 300 năm trước, thời thơ ấu ba anh em nhà Tây Sơn đã từng chạy giỡn, đùa nghịch dưới gốc me hoặc trèo lên cây hái trái. 300 năm sau, chúng tôi con dân của các Ngài cũng đến ngồi dưới bóng mát tàng me, thật vinh hạnh quá !!!

Ngoại trừ một nhóm chục nam nữ nông dân sống quanh vùng mang lúa ra phơi phía sau bia đá gọi là Đài Kính Thiên bên góc trái gần cổng thì tuyệt nhiên không còn ai khác –Không du khách, không nhân viên bảo vệ– Thấy một căn nhà nằm sát cổng, nước sơn còn mới lợp gạch đỏ mái cong góc rất bề thế, nhưng cửa cũng đóng im ỉm không biết nhà chi.
Từ khuôn viên rộng lớn, chúng tôi đi ngang qua giếng nước khá rộng thả bông sen (hay súng) nhưng hoa đã tàn hay chưa nở. Thêm vài trăm mét sẽ gặp cái cổng thứ nhì không có cánh cửa chỉ dựng 4 hàng cột sơn hai màu đỏ và ngà. Ở giữa đề:
    Tây Sơn Triều Đại
            Vạn Thế Vinh Quang
Hàng cột bên trái viết từ trên xuống dưới:
      Ngàn thu vượng khí anh linh
      Một dải non sông kỳ tuyệt
Cột phải viết:
        Ba vị hùng tài cái thế
          Bốn phương trời bể tung hoành

Sẽ đi tiếp đến cầu đá bắc qua giòng suối nhỏ dẫn theo con đường có hàng trăm bậc thang đưa lên một cái cổng khác, mà hai cánh cửa đóng chặt. Chúng tôi đọc tài liệu nói bên kia cánh cửa có điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, có tượng 3 anh em vua Quang Trung cùng 9 đại trung thần văn lẫn võ.

Trong khu bảo tàng còn vài kiến trúc khác nhưng đều cửa đóng then cài. Thất vọng quá!!! Những tưởng sẽ được viếng điện thờ một trong các vị vua mà tôi vô cùng khâm phục ngưỡng mộ, nào ngờ đã tới tận nơi mà chỉ được lóng ngóng bên ngoài cánh cửa. Hỏi mấy người dân đang phơi lúa cho hay chỉ mở cửa vào dịp lễ, bình thường không mở. Hèn chi chẳng thấy bóng dáng một du khách nào khác ngoại trừ 4 chúng tôi.  
           Khi Miếu Đường kia “khép”* lại rồi
   Ta đi tìm những ánh sao rơi…
      …Hồn kinh kỳ hiện dưới chân mây…

       …Lẫn trong kiến trúc toà vân thạch
         Hồn cổ ngồi chung, mộng vẫn dài
    (Những Hướng Sao Rơi, thơ Đinh Hùng)

*Thơ nguyên tác: “Khi Miếu Đường kia phá bỏ rồi”, tôi mạo muội sửa thành “khép lại” cho phù hợp với “hoàn cảnh đáng thương” của chúng tôi lúc ấy.

Gò Lăng
Chụp vài tấm hình rồi ra mặc áo khoác, bịt mặt, đội nón bảo hiểm, xỏ găng tay, leo lên yên vị trên xe. Đi tiếp qua Gò Lăng cách bảo tàng vua Quang Trung 2 km, là quê mẹ của các thủ lĩnh Tây Sơn.

Trước khi đến di tích Gò Lăng chúng tôi thấy bên vệ đường có ngôi mộ cổ đã rêu phong nằm bên trái, chỉ còn nhú lên mấy khối đá không rõ hình thù bèn ghé vào. Mấy khối đá nằm trong vòng tường thấp bao chung quanh, tường rào này chắc mới xây sau này để bảo vệ mộ. Bên phải có tấm bia cho biết đó là mộ cụ Hồ Phi Tiễn, ông nội của tam kiệt xây năm 1779.
Chúng tôi đốt nhang cắm vào lư hương trước mộ. Vì đã xế chiều sợ đi Quảng Ngãi không kịp, nên chúng tôi không vào viếng đền thờ song thân vua.

Thanh Hà
LCDF, 09/09/2024


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét