Qui Nhơn
Hàn Mặc Tử–Mộng Cầm
Ký sự của Thanh Hà
Ngày 09/03/2024
Khi nhắc đến thơ Hàn Mặc Tử, người ta nhớ ngay những lời thơ sau:
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi !
(Bẽn Lẽn)
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…
…Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?…
…Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?
(Đây Thôn Vĩ Dạ)
Có những câu thơ phổ biến đến nổi mọi người chỉ cần trích ra “thay cho lời muốn nói” là ai cũng hiểu ngay “tâm sự”
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Những Giọt Lệ)
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
(Mùa Xuân Chín)
Dần về sau, khi bệnh bắt đầu phát hành hạ thể xác ông thì lời thơ thay đổi, nhuốm mùi bi ai chết chóc.
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió–trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
(Trút Linh Hồn)
Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng
Những sợi hào quang vân thước vàng
Bắt !Bắt !Thơ bay trong gió loạn
Để xem tình tứ nặng bao cân
(Ước Ao)
Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn hết u buồn của nước mây
Của những tình duyên thương lỡ dở
Của lời rên siết gió heo may
(Sầu Vạn Cổ)
Lúc đến Phan Thiết, chúng tôi định thăm Lầu Ông Hoàng nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử từng hò hẹn bạn gái Mộng Cầm, tiếc rằng ngôi biệt thự đã bị tan tành bởi bom đạn không còn chút dấu vết nào. Buổi tối đến Cam Ranh, khi chuẩn bị ngủ các cháu mới kể đã từng đến ngôi nhà Mộng Cầm, đường Trần Hưng Đạo- Phan Thiết.
Nghe vậy tôi tiếc quá, “điều tra” tới:
–Sao hồi sáng không nói cho m4 biết, giờ mới nói thì quá muộn. Ngôi nhà giờ là nhà lưu niệm hay sao?
Cháu kể đó là một ngôi nhà gỗ có gác (hay lầu) khá rộng, giờ ngăn làm hai chia cho hai người trong số các con của bà. Một bên lấy làm quán bán chè, hôm các cháu vào ăn chè thì người con rể phục vụ.
Nghe nói bà mất năm 2007 lúc ấy 91 tuổi. Vậy nếu còn sống giờ bà đã 104 tuổi. Tôi hỏi chè gì, ngon không? Cháu nói quên mất ăn chè gì, nhưng cũng giống như các quán chè khác, mục đích là đến thăm ngôi nhà của người phụ nữ với thiên tình sử nổi tiếng cho thoả lòng.
Hàn Mặc Tử tên thật Trần Trọng Trí (22.09.1912–11.11.1940), ông cùng 3 thi sĩ Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời mệnh danh là Bàn Thành Tứ Hữu, tức “Bốn người bạn thành Đồ Bàn”.
Bà Mộng Cầm tên thật Huỳnh Thị Nghệ, cháu của thi sĩ Bích Khê*. Hưởng gien cậu ruột nên bà cũng thích làm thơ viết văn gởi đăng báo nơi Hàn Mặc Tử phụ trách mục văn chương. Từ cảm mến thi văn dần chuyển qua tình yêu, một mối tình thơ mộng được nhắc nhở mãi cho đến ngày nay, nhất là nhờ bản nhạc của Trần Thiện Thanh.
*Thi sĩ Bích Khê năm 15 tuổi đã biết làm thơ Đường Luật, ca trù (Hàn Mặc Tử làm thơ Đường Luật lúc 14 tuổi), nhưng tôi yêu thích những bài thơ theo thể Thơ mới của ông hơn, đặc biệt bài Tỳ Bà gồm 7 đoạn toàn xử dụng thanh bằng:
Nàng ơi tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi…
…Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi ! Vàng rơi! Thu mênh mông
(Tỳ Bà, thơ Bích Khê)
*Nhất là hai câu cuối. Tôi chỉ đọc một lần hồi 15,16 tuổi mà đọng hoài trong trí nhớ, bởi nó có sức quyến rũ huyền diệu quá !”buồn vương cây ngô đồng” chắc thi sĩ định nói về cây ngô đồng gỗ thân cao (khác với cây ngô đồng cảnh). “vàng rơi! vàng rơi! Thu mênh mông”. Chỉ cần 2 câu ấy cũng đủ cho ta mường tượng màu nắng thu phơn phớt vàng, rơi toả bàng bạc xuống nhân gian khiến lòng người cũng mang mang “nỗi sầu vạn cổ không tên”.
Cả hai thi sĩ Hàn Mặc Tử và Bích Khê sinh cùng thời, Bích Khê nhỏ hơn vài tuổi, kết bạn với nhau(qua ông mà Mộng Cầm- Hàn Mặc Tử quen). Tài hoa bạc mệnh, cả hai đều chết trẻ bởi bệnh nan y. Hàn Mặc Tử mất năm 1940 lúc 28 tuổi. Còn Bích Khê mất năm 1946 lúc 30 tuổi bởi bệnh lao.
Tiền bán thế kỷ 20, bệnh phong khiến mọi người sợ hãi, nhưng thật ra không phải bệnh truyền nhiễm, và sẽ lành nếu được chăm sóc thuốc men đầy đủ từ sớm. Tiếc rằng trước khi đưa ông đến bệnh viện phong Qui Hoà (Quy Hoà) thì nội tạng ông đã bị hư hỏng nặng do uống nhiều thứ thuốc phản khoa học.
Thế là mối tình đầu đời trong sáng của hai thi, văn sĩ Hàn Mặc Tử-Mộng Cầm tan vỡ. Chỉ còn lại kỷ niệm mà một trong những kỷ niệm đẹp được người đời sau nhắc nhở nhiều là chuyến đi chơi Lầu Ông Hoàng.
Đầu tiên tôi nghe nói mộ thi sĩ nằm ở Ghềnh Ráng Tiên Sa cách trung tâm thành phố Qui Nhơn 3 km. Ghềnh gồm khu vực kéo dài từ trên núi Xuân Vân xuống chân núi và bãi biển. Sau khi mang hành lý vào khách sạn, hơn 5 giờ mà mặt trời vẫn còn treo cao chiếu sáng nên chúng tôi quyết định đi thăm mộ ông.
Cháu tôi nói đã đến Ghềnh một lần, chẳng may nhằm lúc họ đang xây dựng công trình gì đó nên không ai được lên đồi. Thất vọng, các cháu còn loanh quanh bên dưới hỏi thăm thông tin thì một chú đề nghị trả tiền sẽ chỉ nơi mộ cũ*, hic! hic!*
*Tương tự, nhớ lần 6 dì cháu chạy xe từ Đà Nẵng ra thánh địa Mỹ Sơn-Quảng Nam, GPS chỉ đường hơi lộn xộn mù mờ. Thấy trong sân nhà dân có vài ông ngồi tán gẫu bèn dừng lại hỏi thăm cho chắc ăn. Một người nói phải trả tiền thì mới chỉ đường!!!
Trở lại chuyện chính: Một phụ nữ ngồi bán hàng nghe chú kia nói vậy, bà liền giải thích cặn kẻ đường đi và kể thêm rằng: thực ra Hàn Mặc Tử được an táng ở trại phong Qui Hoà là nơi mà thi sĩ sống những ngày cuối đời trong đớn đau bịnh tật. 20 năm sau người em trai của ông mới bốc mộ đem về đồi Thi Nhân- Ghềnh Ráng. Thì ra đây là mộ được cải táng di dời về, không phải nguyên thuỷ.
Nghe cháu nói vậy tôi đổi ý muốn đến trại phong dưới chân Núi Trứng cách Qui Nhơn 5km chứ không lên Ghềnh Ráng nữa. Căn phòng nơi thi sĩ sống những năm cuối đời trở thành phòng lưu niệm thật đơn sơ: 1 chiếc chỏng tre nhỏ bé, 1 chiếc chiếu, ghế, vài bút tích của ông. Trên tường treo vài tấm ảnh.
Đường vào làng Qui Hoà rất bình yên êm ả với hàng cây xanh cổ thụ, một bên là biển êm ả.
Ngay ngoài cổng sẽ thấy tượng vài hình nhân trong tư thế quỳ hoặc đứng cong lưng khắc khổ trên cái bục tròn, có gắn hàng chữ “Nỗi đau của người mắc bệnh phong sẽ đi về dĩ vãng”.
Rải rác hai bên đường vào trại, có rất nhiều tượng bán thân Danh Nhân Y Học thế giới và Việt Nam đặt trên bục hình lăng trụ, có ghi tiểu sử của mỗi vị.
Ngôi mộ ban đầu của Hàn Mặc Tử (nay trở thành mộ gió) trong khuôn viên trại cùng với nhiều ngôi mộ của các bệnh nhân khác. Nghe kể lúc đầu trên phần mộ chỉ trang trí một cây thập tự làm bằng hai thanh củi đóng cây đinh ở giữa. Đến năm 1990 cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh-Nhật Trường vì mến mộ tài năng thi sĩ đã cùng vài thân hữu xây ngay trên nền mộ cũ 1 đài tưởng niệm. Chân đế là hình tượng tập thơ lật mở để nâng cây bút và cây thánh giá cao chừng 5 m. Nghĩa trang được bao bọc bởi vài cây hoa sứ, hàng cây phượng (hay gì không biết tên).
Eo Gió-Kỳ Co
Kỳ Co là bán đảo nhỏ có màu nước biển xanh ngọc, bãi cát trắng mịn và rặng san hô đủ màu sắc. Như các cháu không thích dạo chơi bằng tàu bè trên biển nên chúng tôi chỉ ghé thăm Eo Gió, cách đó không xa.
Eo Gió là một ghềnh núi đá uốn lượn quanh bãi biển cát vàng mịn màng. Lúc chúng tôi đến thấy chỉ vài ngư phủ loay hoay bên mấy chiếc thuyền thúng, thuyền con cách ngoài chúng tôi không có du khách nào. Vài tảng đá bị rêu xanh phủ lác đác đây đó trên bãi. Mặt biển yên tĩnh, chỉ vài đợt sóng nhẹ từ ngoài khơi rủ nhau vào mơn trớn bờ cát. Một bãi tắm sẽ không bị ai quấy rầy quá lý tưởng khiến tôi thèm nhảy xuống làn nước trong veo bơi đùa cho thoả thích. Tiếc nếu tắm nước mặn xong không có nơi tắm nước ngọt và thay y phục nên đành bỏ ý định.
Từ bãi lần dò leo lên cao vài trăm mét sẽ gặp con đường dựa vào núi cho xe cộ lưu thông, từ đó ta có thể ngắm biển, trời mây non nước hoà quyện cùng nhau.
Tré
Qui Nhơn có một món đặc sản gọi là Tré.
Lúc ngừng lại ở phố chợ (quên tên) nghỉ ngơi uống nước, cô cháu dâu chạy đi đâu đó. Khi quay lại thấy cầm trong tay cái gì như bó rơm khô dài chừng 2 tấc, giữa phình rộng độ 3,4 cm, hai đầu cột dây bó hẹp lại như cái lờ bắt cá nhỏ tẹo, giống món đồ chơi mini. Vĩnh An hỏi vợ gì vậy, cô vợ nói: Tré. Vĩnh An không hiểu hỏi lại thêm lần nữa, vẫn là Tré.
–Tré là gì vậy?
Cô vợ chịu khó trả lời:–Tré là …tré chớ em biết sao mà giải thích.
–Em mua nó để làm gì ? Ăn hả?
–Bà bán hàng nói đây là đặc sản của xứ nẫu.
– Cái gì mà nẫu, là tré, ngộ vậy?
–Em cũng như anh có ăn hồi nào mà biết là cái gì trong đó. Nẫu chắc để gọi người dân vùng nầy là nẫu, ai biết đâu à.
Tôi nghe hai đứa “nói dần lân” mà tức cười. Sau đó quên luôn, nên giờ cũng không biết tré là món chi. Còn nẫu thì hình như là một đại danh từ dùng để gọi dân miền Trung, chả biết có đúng không nữa.
Sau chuyến viễn du trở về Rạch Sỏi, mỗi khi mở tủ lạnh tôi thoáng thấy “tré” nằm lăn lóc hết ngăn trên tụt dần xuống ngăn giữa, rồi ngăn cuối. Bị di dời từ góc trái quăng quật qua góc phải, không ai đụng đến. Nằm trong tủ vài tuần rồi biến mất tăm, chắc đã gởi tré trở về cát bụi, nên giờ tôi cũng không biết đó là món chi.
Lúc rời Qui Nhơn hướng về phía cầu Thị Nại để ra quốc lộ, xe chúng tôi đi ngang một khu phố toạ lạc phía bắc sông Hà Thanh-Nhơn Bình. Xe đang chạy nên chỉ thấy vài biệt thự bề thế thấp thoáng hơi lùi cách xa đường. Đập vào mắt tôi là cái cổng chào đồ sộ rất đẹp chẳng khác cổng vào cung điện vua quan xứ châu Âu nào đó, chiều ngang độ 30, 40 mét, nằm trên ba trụ giống như ba vọng gác. Phía trên cổng trang trí hoa lá cành rất kiểu cọ. Đang định khen họ xây cái cổng đẹp thì bỗng giật mình khi đọc hàng chữ đắp nổi màu vàng hoàng kim trên nền trắng cổng: KHU BIỆT THỰ ĐẠI PHÚ GIA to tướng đầy ngạo nghễ !!!
Sợ lầm, xe đi qua rồi tôi cố ngoảnh mặt lại nhìn cho kỹ, còn kêu Vĩnh An nhìn tiếp.
Việt Nam có 63 tỉnh và thành phố, nhẩm tính chỉ còn khoảng 13 tỉnh thành là tôi chưa đến. Nhưng chưa hề thấy nơi nào trương lên bảng Khu Biệt Thự ĐẠI PHÚ GIA công khai như ở Qui Nhơn nầy (hoặc có mà tôi không thấy?). Hiện nay ở Rạch Giá có khu nhà Phú Cường. Phú Quốc có khu Địa Trung Hải mức độ sang trọng đắt địa đâu thua kém ai mà còn “không dám” phô trương bảng hiệu tự đề cao như vậy.
Còn nhớ lần tôi ra chơi Phú Quốc, đang ngồi trong sảnh khách sạn chờ check-in, có 1 nhân viên địa ốc đặt văn phòng ở đó gạ tôi mua nhà trong khu Địa Trung Hải, cậu nói mua lúc đang xây chưa bàn giao thì “rẻ” lắm. Tuỳ theo diện tích và hướng nhìn (view) dao động “chỉ có” từ 15 tỷ đến 50 tỷ hà !!! 🤪🥱. Người ấy dùng chữ “rẻ, chỉ có” rất bình thường thản nhiên như thể “rủ sáng đi ăn phở, cà phê”vậy. À mà 50 tỷ tiền VN tính ra đô Mỹ thì bao nhiêu nhỉ ?
Tôi đã từng bị sốc cách nay 2 năm khi chứng kiến cảnh đàn ông phóng uế công khai vào ban ngày ngay chỗ xe cộ lưu thông giữa Saigon hoa lệ, nơi từng được mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông (không phải chỉ thấy một lần). Giờ là cú sốc thứ hai, cảm giác còn tệ hơn lần trước.
Xưa nay từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim chẳng phải chúng ta luôn được giáo dục rằng đức tính Khiêm Tốn, Kín Đáo, Giản Dị, Nhún Nhường là các phẩm hạnh đáng quí trong mỗi người sao ? Chả lẽ quan niệm đạo đức trên đã đảo ngược, suy đồi đến độ?*
*Khi có dịp kể câu chuyện trên với 1 người bạn trẻ sinh sau 1975, tôi rất ngạc-nhiên về thái độ không-ngạc-nhiên của cậu ấy. Cậu bảo đã quen với vô số người quan niệm cần phải phô trương sự thành công của mình cho thiên hạ biết bằng những cách lộ liễu trắng trợn kiểu đó, nên đã hết ngạc nhiên từ lâu rồi.
*Cậu này sang định cư Thuỵ Sĩ được 5 năm.
Trời đất !!! Có đúng tôi là người hủ lậu, cổ lỗ sĩ thật chăng ?!
Không biết mấy ai “can đảm” mua nhà trong khu đó? Theo tôi, người có nhân phẩm và lòng tự trọng sẽ không đời nào dám sở hữu căn nhà nằm bên trong cái cổng có hàng chữ kia. Thử tưởng tượng khi ai hỏi bạn sống ở đâu, bạn “dám tự hào” khoe rằng sống trong “khu biệt thự đại phú gia” mà không ngượng miệng không. Trong khi xã hội còn hàng triệu người đang sống chật vật, túng thiếu cái ăn không đủ, đau yếu không tiền mua thuốc, không tiền trả học phí trường cho con cái…
Lúc ngừng nghỉ mệt, tôi vội lôi giấy viết ghi lại để đừng quên đưa vào thiên ký sự:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Kiều, Nguyễn Du)
Thanh Hà
LCDF 14/09/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét