Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Viễn Du Ký Sự - Phần 33

Nha Trang–Tháp Bà Po Nagar 
Ký sự của Thanh Hà 


Ngày 07/03/2024

Khánh Hoà biển rộng non cao
Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang (Ca dao)
 
Thành cổ Diên Khánh
Cách Nha Trang khoảng 10km là thành cổ Diên Khánh-Khánh Hoà.
Năm 1793, vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn trở nên suy yếu. Để chống lại Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho xây thành Diên Khánh làm vòng đai phòng ngự bảo vệ căn cứ diện tích 36.000km2 do hoàng tử Cảnh trông coi việc xây dựng với 3000 nhân công, chỉ hơn 1 tháng là hoàn thành.
Lúc đầu có 6 cửa, hiện giờ chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Tường thành hình lục giác bằng đất, cao 3,5m.

Chúa Nguyễn giao thành Diên Khánh cho hoàng tử Cảnh và linh mục Bá Đa Lộc trấn giữ. Trong thành gồm có hoàng cung, dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, Tham Tri, nhà kho, nhà lao…
Tôi có đến xem một trong bốn cổng thành Diên Khánh, kiến trúc từa tựa các cổng thành châu Âu thế kỷ 17-18 (Thuỵ Sĩ, Pháp, Ý…).
Cậu Sơn nhà ta đòi chạy vòng quanh cả bốn cửa thành để xem và chụp hình. Chúng tôi tìm chỗ uống nước để chờ cậu ấy chứ không chạy theo. Trời đang nắng đổ lửa, bốn cửa thành thì na ná nhau... Còn dành năng lượng để đi thăm tháp Chàm Nha Trang nữa.

Tôi thường nghe nhắc nhiều đến trầm hương là sản vật quý hiếm, giờ mới biết Khánh Hoà được xem là thủ phủ của trầm hương. Tập trung ở Diên Khánh, Ninh Hoà, Vạn Ninh. Nổi tiếng nhất ở Vạn Giã- Vạn Ninh.
Ngoài ra còn có ở Phú Yên, Qui Nhơn, Gia Lai, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh…Ngay đảo Phú Quốc cũng có trầm hương.

Xưa nay tôi cứ tưởng có một loài cây tên trầm hương- như cây thông, cây cao su, cây sao…, giờ mới biết mình hiểu chưa hoàn toàn đúng. 
Thật ra trầm hương là một phần gỗ được tạo ra từ cây Dó Bầu (lần đầu tiên tôi mới nghe tên nầy). Cây có mùi hương tự nhiên nên thu hút côn trùng hay nấm tới đục khoét gây ra những vết lỡ loét, trầy sướt. Giống như người, cây cũng biết tự chăm sóc băng bó khi bị thương cây sẽ tiết ra chất dầu (hay nhựa, cây cao su cũng tiết chất nhựa) bao phủ lên những “vết thương”ấy cho lành lặn đẹp đẽ lại. Chất nhựa có mùi thơm sẽ dần dần thấm sâu vào thớ gỗ chung quanh tạo thành trầm hương.

Môi trường đất đai, khí hậu ảnh hưởng đến phẩm chất trầm của vùng này tốt hơn vùng kia. Người ta chia trầm thành ba loại mà tuỳ theo hàm lượng mùi hương tinh dầu nhiều hay ít: đệ nhất quí hiếm Kỳ Nam, nhì Trầm hương, ba Trầm tốc (?).
Cả ba đều được tạo trên thân cây Dó Bầu, nhưng không phải cây dó nào cũng tạo được Kỳ nam. Là loại báu vật dùng để trị bịnh, bào chế mỹ phẩm, hương liệu, trang sức và cả trong tín ngưỡng (thể hiện sự huyền bí, linh thiêng). Cung không đủ cầu nên hiện nay người ta thử nuôi trồng cấy ghép nhân tạo–cũng giống như nghề nuôi ngọc trai hay sâm Ngọc Linh vậy–.

Nha Trang

Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào…
…Nha Trang biển đầy, tình yêu không có đây
(Nha Trang ngày về, nhạc Phạm Duy)

Nếu những người sinh ra lớn lên, đã từng sống, từng có nhiều kỷ niệm với Nha Trang chắc chắn sẽ rất xúc động với bài hát gợi nhớ. Còn tôi chỉ là du khách ghé Nha Trang lần thứ hai, nên không có ”nỗi niềm riêng” gì đặc biệt.
Sáu năm trước đã đi thăm viện Hải Dương Học, chợ Đầm, Hòn Chồng, Nhà Thờ Đá…ngoài ra còn được xem nhóm nghệ sĩ trẻ biểu diễn âm nhạc qua nhiều loại đàn dân tộc cổ*, nên lần này tôi chỉ ghé thăm Tháp Chàm Po Nagar.

*A, nhắc đến Hòn Chồng, tự nhiên nhớ ra một chuyện, tưởng cũng nên kể lại dù đã xảy ra cách nay 6 năm. Lúc ấy đầu giờ chiều, đoàn chúng tôi mười mấy người–gồm người thân trong gia đình cùng bạn hữu và các con của họ–đang tản bộ đến Hòn Chồng thì nghe tiếng hoà nhạc réo rắt từ một căn nhà (không nhớ chính xác) vọng ra. Tò mò lại gần thì ra đó là hội quán văn nghệ, người gác cửa mời chúng tôi vào xem nhạc dân tộc cổ truyền đang diễn dành cho tất cả du khách vào cửa miễn phí.

Nếu trí nhớ tôi không quá yếu kém thì nhóm nghệ nhân gồm 3 hay 4 cô gái mặc áo dài trắng thướt tha xinh xắn cùng vài chàng trai, tất cả đều thanh lịch, trẻ trung. Mỗi người điều khiển mỗi nhạc cụ: đàn bầu, đàn tranh, đàn đá, đàn T’rưng…rất nhuần nhuyễn, ăn nhịp.

Phòng đặt vài hàng ghế, khán giả chừng 50 người Á đông lẫn Tây phương kẻ đứng người ngồi lẫn lộn. Tất cả đều chăm chú lắng nghe mê say. Sẽ là một kỷ niệm đáng ca ngợi, đáng nhớ nếu như hoặc phải chi…A! chính mấy chữ “nếu như, phải chi” ở mệnh đề cuối khiến cho mệnh đề đầu bị lược bỏ bớt ba chữ “đáng ca ngợi”, chỉ còn rút gọn “một kỷ niệm đáng nhớ” mà thôi.

Bởi vì sau mỗi lần kết thúc một bản đàn, mọi người vỗ tay tán thưởng, các nghệ nhân cúi đầu chào khán giả rất lịch sự lễ phép. Rồi một cô gái trong nhóm giới thiệu bản nhạc tiếp theo bằng tiếng…Trung Hoa !!! 😳🥺😲.
Chúng tôi ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau, tưởng nghe lầm. Ô hay, mình đang ở trên đất Việt hay xứ nào thế? Cô gái mặc quốc phục áo dài VN nầy là người Trung Hoa hay Việt Nam vậy? Cô không biết nói tiếng Việt sao?
Cứ thế, mỗi bản nhạc sắp trình diễn được cô gái giới thiệu bằng độc nhất tiếng Tàu cho khán phòng bao gồm khán giả người Việt Nam, Tây, Tàu. Ai hiểu hoặc không hiểu đó là việc của họ, còn việc của cô là đàn và…nói tiếng Tàu. 

Màn biểu diễn chấm dứt, mọi người lại thêm một tràng vỗ tay. Nhóm nghệ nhân cúi chào lễ phép, cô gái vẫn rất lịch sự đáp lễ lại bằng tiếng Tàu, từ đầu chí cuối không hề nói một câu tiếng Việt tiếng Anh nào hết.

Khán giả lần lượt rời phòng, bỗng PH. con gái của vợ chồng bạn khiến tất cả chúng tôi bất ngờ khi tiến lại gần nhóm nghệ nhân, giơ tay ra dấu muốn đặt câu hỏi. Tuy giọng nói pha trộn âm ngữ Âu châu, chậm rãi nhưng cháu vẫn cố gắng diễn tả bằng tiếng Việt khá rõ ràng, không đệm một ngoại ngữ nào*
*Cháu Ph. sinh ra và lớn lên trên đất Thuỵ Sĩ. Kiến thức cháu hấp thụ từ trường học lẫn trường đời Thuỵ Sĩ, nên thành thạo tiếng Đức, Anh hơn tiếng Việt. Chỉ khi về nhà mới có dịp nói tiếng Việt với cha mẹ.

 Đại khái:
–Xin lỗi, các anh chị là người Việt hay người Hoa vậy? 
Một người trong nhóm nghệ nhân trả lời họ là người Việt. Cháu Ph.hỏi tiếp:
–Vì sao các chị là người Việt mà giới thiệu chương trình nhạc Việt lại nói tiếng Tàu, không nói tiếng Việt, vậy những người Việt trong đây làm sao hiểu được ?
Họ trả lời vì đa số khán giả là người Hoa, nếu nói tiếng Việt thì người Hoa không hiểu nên mới nói tiếng Hoa.
Cháu Ph.lại hỏi tiếp:
–Thế còn những người Việt chúng tôi và mấy người Tây kia thì sao hiểu những gì chị nói? Đây là chương trình âm nhạc Việt Nam, mình là người Việt, đang ở trên đất Việt, đáng lẽ chị phải giới thiệu đầu tiên bằng tiếng Việt, sau đó chị có thể nói thêm tiếng Hoa, tiếng Anh kế tiếp tuỳ ý. Đằng này chị chỉ nói mỗi tiếng Hoa như ngôn ngữ chính thức, bất cần những người Việt Nam khác? Bộ trình diễn nhạc này là chỉ dành riêng cho người Hoa ư ?

Họ không thể biện luận gì được, nên lần lượt biến mất ra sau khán phòng. Khi chúng tôi ra cửa, người bảo vệ hỏi có chuyện gì, chắc định xen vào can thiệp. Cháu Ph lập lại câu hỏi, ông bảo vệ cũng trả lời y hệt như nhóm nghệ nhân kia.
Suy cho cùng, ngoài câu bào chữa vụng về ấy, họ biết trả lời thế nào. Chả lẽ chịu nhận lỗi cho sự khinh thường tiếng Việt và người Việt sao ?

Chúng tôi đi men dọc bờ Hòn Chồng nơi những phiến đá lớn nhỏ nằm rãi rác, chọn tảng đá to bằng phẳng ngồi ngắm biển. Nhờ gió mang nỗi niềm ưu tư trôi theo ngọn sóng bạc đầu, cho lòng được bình yên trở lại.

Tưởng như tiếng hát nữ danh ca Thái Thanh văng vẳng bên tai:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…
(Tình Ca, nhạc Phạm Duy)

*Thật lạ lùng. Tôi để ý rất nhiều lần, khi tâm trí tôi nghĩ về một vấn đề gì thì y như rằng trùng thời điểm tôi ngẫu nhiên nghe hay đọc một câu chuyện tương tự liên quan đến đề tài ấy! Như tối qua vừa viết đến đoạn trên, sáng hôm nay một cô bạn mang cho trái cây vườn nhà trồng nhiều quá tôi đem làm mứt (confiture-jam) dành ăn sáng với bánh mì. 
Vừa đứng quậy nồi mơ lẫn mận (abricot, prune) vừa mở YouTube (cho đỡ chán vì lười nấu ăn🤪) nghe chuyện một vị sư Việt Nam quê Đồng Tháp sang Sri Lanca– xưa gọi là Tích Lan– tu học rồi quyết định ở lại mở ngôi chùa Trúc Lâm, có nhiều Phật tử người bản xứ tới làm công quả giúp quét dọn săn sóc cây cối ở chùa. Họ còn cho con cái theo học tiếng Việt với sư. Thú vị là các bé hát các bài hát tiếng Việt rất giỏi. Như Kìa Con Bướm Vàng, Bốn Phương Trời…

Nhưng càng ngạc nhiên và thán phục khi nghe các em hát trọn cả bài Bông Hồng Cài Áo do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác dựa theo bài viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thật không thể tả !!!

Vị sư kể rằng trước khi dạy các em hát bài Bông Hồng Cài Áo, sư có giải thích từng lời của ca khúc cho các em hiểu ý nghĩa. Vì vậy các em đã hát bằng cả trái tim, tình thương yêu trân trọng dành cho Cha Mẹ thật truyền cảm.
Tôi lắng nghe, xúc động dâng trào. Thời gian này lại đang mùa lễ Vu Lan, lễ tưởng niệm Ông Bà, Mẹ Cha –Ba tôi mất vào đúng dịp Vu Lan cách nay 20 năm–.

Bâng khuâng! Tích Lan là một hòn đảo ở tít tận Ấn Độ Dương, cũng nhiều lần nghe nhắc về nội chiến giữa chính phủ với nhóm Hổ Tamil vậy thôi chứ chắc chắn nhiều người (trong đó có tôi) chả quan tâm mấy. Thế mà lạ lùng là có 1 nhóm trẻ con bản xứ hát Bông Hồng Cài Áo bằng tất cả trái tim và tâm hồn, trong khi cô gái Việt sống trên chính quê hương Việt Nam lại nỡ “không thèm nói tiếng Việt với người Việt, chỉ thích nói tiếng Tàu với người Tàu”.
  
Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành nôi
Việt Nam nước tôi

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
(Việt Nam! Việt Nam! Nhạc Phạm Duy)

Viện Hải Dương Học
Ai đến Nha Trang mà không thăm Viện Hải Dương Học là một thiếu sót lớn. Chúng tôi đã đến cách 6 năm trước, giờ nhắc sơ lại.
Viện nằm ở phường Vĩnh Hoà gần cảng Cầu Đá, được thành lập năm 1922 dưới thời Pháp thuộc, vừa là bảo tàng và nơi nghiên cứu lưu giữ 4000 sinh vật, 20000 mẫu vật biển lớn nhất Đông Nam Á.

Hiện còn thêm những sinh vật sống nuôi trong bể kính. Đặc biệt có chưng bày bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ dài 18 m, nghe nói nặng 10 tấn mà lúc đầu nhiều người cứ ngỡ là khủng long. Bên cạnh đó còn có bộ xương bò biển nặng 300 ký, xương cá nạng hải(?) nặng 1 tấn…

Tháp Bà Po Nagar
Người Chiêm Thành gọi Bà Po Nagar, khi người Việt thu phục nước Chiêm thì bà được đổi tên tiếng Việt là Thiên Y Thánh Mẫu A Na.  Ngoài ra còn gọi là Bà Chúa Ngọc, Bà Hồng, Cô Hồng, Bà Chúa Tiên.
Bà được dân Việt lẫn Chiêm thờ phụng, nhà Nguyễn xếp vào bậc thần thượng đẳng.

Có ít nhất 50 tháp Chàm tuổi từ 500 đến ngàn năm rải rác ở nhiều địa phương Phan Rang, Phan Thiết, Ninh Thuận, Nha Trang, Qui Nhơn, Quảng Nam.

Nhiều năm trước tôi có viếng thăm tháp Chàm Phan Rang, tháp Chàm thánh địa Mỹ Sơn-Quảng Nam. Ở Mỹ Sơn, đặc biệt tôi còn được dịp xem trình diễn điệu múa Apsara xuất sắc do các nữ vũ công với thân hình uốn lượn, với đôi cánh tay mềm mại uyển chuyển trong tiếng nhạc tiếng trống man dại giữa rừng xanh như hoài niệm về một kinh đô đã mất.
Người xưa đâu mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
(Hận Đồ Bàn, nhạc Xuân Tiên)

Trong các tháp Chàm còn sót lại, tháp ở Mỹ Sơn và Nha Trang là hai kiến trúc còn lưu giữ đầy đủ, được nhiều du khách thăm viếng nhất.
Tháp Bà Po Nagar toạ lạc gần sông Cái, cách trung tâm Nha Trang 2km thuộc phường Vĩnh Phước, nằm trên đồi cao chừng mươi mét.

Du khách Á, Âu, Ấn…đông đặc, chúng tôi phải chật vật kiên nhẫn lắm mới tìm được một không gian trống để chộp được mấy tấm hình mà không bị khách đi qua đi lại che khuất tầm ngắm. 
Là một quần thể kiến trúc có ba tầng:
–Tầng ngang mặt đất: có cổng tháp nhưng nay không còn, giờ là các bậc đá dẫn lên tầng giữa.
–Tầng giữa: chỉ còn hai dãy cột, 5 cột chính hình bát giác, đường kinh hơn 1m, cao 3m. Có 12 cột nhỏ và thấp hơn nằm hai bên dãy cột lớn.
–Tầng trên: nay còn lại bốn tháp, ngọn cao nhất 23m. Một tấm bia giải thích Tháp có niên đại từ thế kỷ VIII đến XIII thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ của người Chăm. Đến năm 1653, người Việt đổi sang gọi là Thiên Y Thánh Mẫu A Na.

*Trong Hoàng Thành Huế, về phía tây bắc cung Diên Thọ (nơi ở của Hoàng thái hậu, Hoàng thái phi,…) năm 1830 vua Minh Mạng cho xây ngôi lầu gỗ Khương Ninh Các gồm hai tầng. Tầng trên làm nơi thờ cúng các chư vị Phật, Thánh Thần, Tiên Thiên… thuộc nhiều tôn giáo khác nhau nhằm phục vụ tín ngưỡng của các Bà Hoàng, Công Chúa...Tầng dưới là nơi ở cuối đời của các bà.

Tôi đã từng vào viếng nơi thờ tự trang nghiêm nầy. Trong số những vị Phật, Tiên Thánh có thờ Thiên Y Thánh Mẫu A Na– tôi có quỳ lạy trước bàn thờ– Lúc người hướng dẫn giải thích xướng tên, tôi hơi thắc mắc vì sao triều đình Nguyễn thờ vị thánh mẫu có cái tên ngoại quốc A Na. Mãi bây giờ mới biết Thánh Mẫu là ai!!!

Dấu tích tồn tại cho thấy Chiêm Thành xưa kia đã từng là một vương quốc hùng mạnh, tiến bộ, giàu có. Một bệ thờ bằng đá đúc tượng Nữ thần Po Nagar 10 cánh tay (ơ mà sao trong hình tôi đứng chụp cạnh tượng Bà đếm hoài cũng chỉ thấy có 9 cánh tay thôi, cánh tay còn lại khuất đâu rồi ?).

Rải rác rất nhiều tượng, như thần Shiva cỡi trâu, nữ thần Durga múa với hai nhạc công, các bức điêu khắc vũ công, người chèo thuyền, người xay gạo, thợ săn với cung tên…Các tượng linh vật thiên nga, voi, dê, nai, ngỗng, sư tử…

Truyền thuyết kể rằng nữ thần Ponagar được tạo từ mây trời, bọt biển, bà sở hữu nhiều phép thuật. Chính bà là người tạo nên sự sống của vạn vật cây cỏ trong đó có Trầm Hương. Bà còn có công dạy cho dân cách cày cấy, dệt sợi, kéo vải…

Bà có 97 chồng 🥺😲, 38 người con gái, tất cả đều trở thành nữ thần. Trong đó có 3 người vượt trội được Bà truyền nhiều phép, 2 tượng được thờ ở Phan Rang, và 1 tượng ở Phan Thiết.
Hằng năm, lễ hội tháp Bà Nha Trang diễn ra từ ngày 20-23 tháng 3 âm lịch.

Thanh Hà
LCDF, 22/08/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét