Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Thiên Đường Nhỏ

Truyện ngắn của Nguyễn Đăng Khoa


Nhà của ông Năm, nằm tận cùng trong một con hẻm đông đúc dân lao động tứ chiến. Ông không nhớ từ bao giờ, những ngày xưa khi cha mẹ ông mua miếng đất để xây căn nhà 3 gian, thì lúc đó cả xóm chỉ có hơn chục nóc nhà. Bây giờ thì có hơn trăm nóc trong một cái xóm nho nhỏ của ông. Ở đây con nít choai choai nhiều vô kể. Chính lũ trẻ đã đặt tên "Vườn Địa Đàng" cho sân nhà của ông. 

Nhà của Ông Năm, mặt bên trái từ ngoài đường nhìn vào, được ôm bởi một con sông nhỏ, ông trồng năm sáu cây dừa rải rác, xen kẽ với những cây bình bát và một số cây ăn trái như vú sữa, ổi, cóc, v.v..., và đàng trước sân nhà ông, có hai cây mận cao lớn, tàng lá xum xuê xòe nhánh ra cả ngoài đường, vắt ngang qua những sợi dây điện từ cột điện truyền vào nhà ông, và bóng cây đủ che mát cho một khoảnh sân rộng lớn, ông không lót gạch hay tráng xi-măng sân, nhưng bằng nền đất mịn xen kẽ lát đát vài cục đá nhỏ nhô lên, tạo thành một nơi rất lý tưởng để lũ trẻ con chơi bắn bi, và đó chính là thiên đường của lũ nhóc. 

Những buổi trưa hè nắng đổ, bọn nhóc kéo đến sân nhà ông, xin phép ông được chơi bắn bi hay đánh đáo, thường thì ông không từ chối bọn chúng, nhưng ông răn đe bằng những quy luật bất di bất dịch. "Không được chửi thề, không được cãi nhau, không được đánh lộn, không bẻ trộm trái cây trong vườn của ông". Muốn ăn thì hỏi, ông sẽ sẵn sàng hái cho lũ nhóc ăn, nhưng hình như lũ nhóc lại cứ thích làm ngược những điều lệ này, đôi khi ông phải dùng cây chổi chà, ra can thiệp khi có nhóc nào phạm vào điều nội quy của ông đưa ra. Trong đám con nít hay đến sân vườn nhà ông để chơi, thì ông đặc biệt rất thích và mến một thằng nhóc và một con nhóc, ông mến chúng vì trong quá khứ ông có một đứa cháu nội trạc tuổi thằng nhóc Khiêm khoảng 10 tuổi. mấy năm về trước cháu của ông chơi tắm sông chẳng hiểu có phải là dọp bẻ hay ma da bắt giò nên bị chìm nằm dưới lòng sông tay chân cứng đơ, lũ con nít sợ quá kéo nó lên bờ và chạy gọi ông Năm, ông bế xốc thằng bé đặt nằm trên nền đất ra sức hô hấp nhân tạo cho nó, có người mách ông dốc ngược thằng bé xuống vắt lên người ông và chạy cho nước sông thoát ra vì phổi đã bị ngập nước nên không thể thở, ông đã làm hết mọi cách, nhưng cuối cùng cũng không cứu nổi đứa cháu yêu quý của mình. Vợ của ông vì thương nhớ đứa cháu nên sinh bệnh rồi qua đời 1 năm sau đó. Trong một năm ông mất đi hai người thân thương nhất đời, và ông cũng không dám báo tin cho con trai ông đang học tập ngoài bắc. 

Thằng Khiêm chơi bắn bi rất hay. Bọn con nít gọi nó là Khiêm 2 gang (có nghĩa là mỗi lần chơi bắn bi thằng khiêm phải chấp mấy đứa nhóc khác, khi bắn bi thì đo 2 gang tay cho gần lại để đấu với thằng Khiêm). Ông Năm thường thích đứng gần đâu đó ngắm thằng khiêm khi nó đang chơi bi. Bàn tay nó rất dẻo. Có đôi lúc những chú nhóc khác núp bi đằng sau mấy cục gạch tưởng sẽ né được cú bắn của thằng khiêm, nhưng thằng khiêm vẫn bắn trúng như thường. Nó canh rất là hay. Nó bắn viên bi vào cục đá gần bên để lấy độ dội lại, và rất chính xác bắn trúng vào hòn bi của nhóc khác. Thằng Khiêm tánh cũng tốt, mỗi lần nó thắng nhiều bi của mấy đứa khác. Thường, chỉ giữ lại 1 vài viên đẹp nhất còn bao nhiêu thì giả vờ thua lại hết cho đám bạn. Ông Năm không bao giờ thấy nó cộc cằn hay chửi nhau với đám bạn. Nếu nó giận lắm thì chạy ra gốc cây dừa đấm nắm tay vào đó mấy cái xong rồi lại tươi cười chơi tiếp. 

Thằng Khiêm có con nhỏ bạn tuổi nhỏ hơn vài năm, tên là Bảo Khánh. Tụi nó chơi thân với nhau từ bé tí, vì hai gia đình ở sát bên và hai bà mẹ cùng một hoàn cảnh có chồng đi cải tạo. 

Bảo Khánh trông rất dễ thương với đôi mắt to, điểm một lúm đồng tiền nho nhỏ bên má trái. Trong xóm rất đông con nít, nhưng nó chỉ thích chơi với mình thằng Khiêm thôi. Không biết tại sao, nhưng mỗi lần không thấy thằng khiêm thì trong lòng nó buồn lắm. 

Bất cứ khi nào thằng khiêm chơi bắn bi, thì nhứt định phải có con Bảo Khánh ở gần bên. Cổ võ xuýt xoa, và cũng là quản lý cho thằng khiêm. Mỗi khi thắng được viên bi nào, thì đưa cho con Bảo Khánh cất giữ. Con Bảo Khánh mặt vui như tết khi thằng Khiêm được thắng, và buồn như đưa đám khi thằng khiêm bị thua. Ông Năm cũng thích con bé này luôn, bởi tánh dịu dàng và dể thương của nó, thường làm lòng ông ấm lại khi hồi tưởng những kỷ niệm êm đềm chợt hiện về. 

Có một buổi trưa hè, trời đang nắng chan chan, oi bức, bỗng đâu những đám mây đen kịt kéo tới. Bầu trời như tối xầm lại, và những cơn mưa như kéo dài bất tận ụp xuống mái nhà. Tiếng mưa gió và tiếng xào xạc của cành lá làm ông liên tưởng đến đám nhỏ trong xóm, thế nào cũng thừa dịp để đến sân nhà ông hái trộm mận. Vì bây giờ là mùa mận nên 2 cây mận trước nhà trái chín đầy cành, xanh xanh, đỏ đỏ, mộng nước, trông rất hấp dẫn, nằm lơ lửng khắp nơi trên cành lá. 

Ông đi ra đằng sau bắt ấm nước pha trà, xong lên trên nhà, ông ngồi khuất sau màn cửa sổ và lẳng lặng nhìn ra ngoài chờ. Ông biết chắn chắn sẽ có mấy đứa nhóc đến. Đang lim dim, bỗng ông Năm chợt thấy bóng thằng Khiêm và con Bảo Khánh, đứng trước sân nhà ông. Thằng Khiêm ngó dáo dác nhìn vào bên trong nhà, thấy không động tỉnh gì, nó liền leo qua cổng, và vô trong rút chốt mở cửa cho con Bảo Khánh vào. Ông Năm mím cười "đúng là chữ ký của thằng nhóc khiêm, lúc nào cũng có những cử chỉ hiệp sỹ." 

hai đứa nhỏ đi vô sân nhà ông rồi đóng cổng lại. Chúng tiến đến cây mận sai trái nhất. Thằng Khiêm đưa cái bao cho con Bảo Khánh cầm, rồi thoăn thoắt leo lên. Nó lựa những trái bự chín đỏ, bẻ và ném xuống cho con Bảo Khánh bắt, bỏ vào trong bọc. Thằng Khiêm chợt nhìn thấy hai trái mận to thiệt là to chín đỏ, nằm ở ngoài ngọn cây. Nó cố gắng trườn mình tới để hái. Con Bảo Khánh thì rất hồi hộp cứ nhìn dáo dác, như sợ ông Năm bất chợt hiện ra đuổi bắt chúng. Nó hối thằng Khiêm, "lẹ, lẹ lên". Thằng Khiêm nhoài người ra và tóm được chùm mận đó. Nó chưa kip mừng thì, "rắc... rắc... bịch..." 

Ông Năm hốt hoảng tính chạy nhào ra xem. Con Bảo Khánh lại lẹ hơn ông. Nó kinh hoàng nhào lại thằng Khiêm đang té nằm úp mặt dưới đất. Nó hoảng hốt kéo xốc thằng Khiêm và đỡ dựa vào lòng. Nó vừa khóc vừa chùi mặt thằng khiêm và lạc giọng nói "Khiêm ơi, mày đừng có chết... mày đừng có chết... mày đừng bỏ tao... tao sợ lắm..." 

Thằng Khiêm bất chợt mở mắt ra. Sau làn nước mưa nó nhìn vào mặt con Bảo Khánh. Trong trái tim nó bỗng dấy lên một cảm giác ấm áp ngọt ngào. Nó lấy tay rờ rờ vào mặt con Bảo Khánh, nó nói, "tao không chết đâu, mày đừng sợ!" Ông Năm và con Khánh thấy nó không sao thi mừng lắm. Con Bão Khánh giữ bàn tay của thằng khiêm trên mặt mình và nói "mày không chết khiêm ơi, tao mừng quá". Thằng Khiêm bỗng chợt hỏi con Bảo Khánh, "mày... mày có thương tao Không??!!" Con Bảo Khánh trả lời, "thương..., tao thương mày nhiều lắm!" Mặt thằng Khiêm sáng rực lên. Nó nói với giọng cả quyết, "mai mốt lớn lên, nhứt định tao sẽ cưới mày làm vợ!!" Chợt con Bảo Khánh vừa mếu máo vừa hoảng hốt nói với thằng Khiêm "không... không được..." Thằng Khiêm thất vọng hỏi, "tại sao không được, hồi nãy mày nói là thương tao cơ mà?" Con Bảo Khánh trả lời, "hic, hic... tao thương mày, nhưng nhà của tao không có lấy người ngoài!!" Mặt thằng Khiêm nghếch ra. Con Bảo Khánh thấy mặt thằng Khiêm như vậy nên nó thút thít nói, "nhà tao không cho lấy người ngoài... (hic, hic). Này nhé ông ngoại tao thi lấy bà ngoại tao, ba tao thì lấy má tao, cậu tạo thi lấy mợ tao, anh hai tao lấy chị hai của tao. Vậy mai mốt tao cũng lấy chồng tao; chứ không lấy người ngoài... như mày được!!!" Thằng khiêm nói giọng buồn buồn, vậy tao với mày là bạn mãi mãi nhé?!!! Con khánh nhoẻn miệng cười rồi gật đầu. 

Ở bên trong nhà, ông năm cứ ôm bụng mà cười. Ông thấy một niềm vui nho nhỏ từ sự ngây thơ trong trắng của hai đứa con nít, nhưng ông bật đứng dậy, chạy ra góc nhà vơ lấy cây chổi chà. Ông quyết định phải ra tay can thiệp một sự lãng mạng ngoài ý muốn của trẻ thơ. Ông đứng bật dậy, mở cửa ra và quát lên, "đứa nào dám vào bẻ mận của tao? Tao đánh chết tụi bây, đánh chết tụi bây!!!" Thằng Khiêm, và con Bảo Khánh bật người đứng dậy, và không quên với chụp cái bao đựng mấy trái mận, co giò cong đít lên chạy trối chết. Ông Năm vừa đập cây chổi vào cửa vừa hù doạ hai đứa bé. Ông mỉm cười hài lòng vì ông đã đuổi được tiểu Adam và tiểu Eva ra khỏi vườn địa đàng của ông trước khi hai đứa cắn trái táo còn quá xanh và quá nhỏ. 

Thằng Khiêm và con Bảo Khánh vừa chạy vừa cười với chiến lợi phẩm mà chúng nó vừa thu hoạch đựơc. Tuổi thơ hồn nhiên và vô tư, chúng đã dễ quên hết những gì vừa xảy ra ở vườn địa đàng nhà ông Năm. Chúng vừa chia nhau những quả mận, vừa chạy đùa dưới những cơn mưa không dứt như vô tình đồng lõa với niềm vô tư và hạnh phúc của hai đứa nhỏ. 

Cả tuần nay, ông Năm không thấy bóng thằng Khiêm và con Bảo Khánh xuống sân nhà ông chơi. Ông cảm thấy bức rức và lo lắng cho hai đứa trẻ. Ông bước ra khỏi nhà, đi bộ ngược lên xóm trên, đi ngang qua nhà của con Khánh và Thằng Khiêm. Ông nhìn vào nhà thằng Khiêm thì thấy cửa đóng kín mít. Ông lại ngó qua nhà con Khánh, ông thấy con bé đang ngồi buồn thiu, chơi với con búp bê cũ kỹ vàng ố. Ông hỏi con Khánh về thằng Khiêm. Con khánh nó nói, "Mẹ của thằng Khiêm đã đưa thằng Khiêm đi bệnh viện và nằm lại bệnh viện mấy ngày nay. Thằng Khiêm bị nứt xương sườn và bị cảm thương hàn rất nặng." Ông năm đã hiểu lý do vì sao!? Ông đi bộ về nhà, ngồi thừ trên ghế. Ông bâng khuâng và tự hỏi lòng, có nên đóng cửa vườn địa đàng của nhà ông không? Nhưng ông lại cảm thấy tội nghiệp cho lũ trẻ thơ trong xóm này. Ông không muốn đánh mất niềm vui của đám nhóc mà trong đó có thằng Khiêm và con Khánh. Bỗng nhiên ông cảm thấy một giọt nước mắt lăn trên làn da nhăn nheo của ông... ông thở dài.


Nguyễn Đăng Khoa - June 2015



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét