Truyện ngắn của Hai Hùng SG
Khi xem sơ qua tựa đề bài này, chắc rằng ai cũng nghĩ tôi sẽ đưa bà con mình đi vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn nơi mà theo tiếng thường gọi của giới Bình dân ngày xưa là sở thú để xem ông Ba Mươi trong dãy chuồng sắt. Những con cọp nằm với đôi mắt lim dim buồn như bài thơ bất hủ Hổ Nhớ Rừng của Thi sĩ Thế Lữ đã đi vào lòng người qua bao thế hệ dân Việt mình.
Thuở ấy vùng đất Gia Định quê tôi vào thập niên sáu mươi, cái thập niên mang đầy ấp những kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi ngày xa xưa, mãi đến giờ mỗi khi trong tâm tư tôi có lúc len lén quay về thì hầu như một trong những hình ảnh khó phai mờ trong tâm thức tôi đó là những lúc đi "Coi cọp" một vở tuồng cải lương hoặc một cuốn phim trong rạp chớp bóng với màn ảnh đại vĩ tuyến.
Tôi còn nhớ như in, buổi sáng nọ trên con đường đất đỏ gập gềnh sỏi đá của xóm chúng tôi, tiếng (Ô pặc lưa) trên chiếc xe ngựa vang lên tiếng giới thiệu đoàn cải lương nào đó về Võ Ca Đình làng Hanh Thông để hát tuồng "Ba Mùa Mai Nở", đại khái vở tuồng nói về cuộc hành quân thần tốc của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh chiếm Thăng Long thành thu lại giang san từ tay quân xâm lược.
Đang chuẩn bị quần áo để lội bộ đến trường đi học, nhưng khi nghe tiếng trống dồn dập trên chiếc xe ngựa đang quảng cáo tuồng hát cho đêm ấy, nó làm cho lòng chúng tôi rộn ràng nên mau mau chạy ra đường để cố lấy cho được tờ chương trình do họ thả xuống đường từ chiếc xe ngựa này, hai ba đứa giành giật có khi chưa lấy được thì tờ chương trình đã bị rách, lại phải tiếp tục chạy theo xe ngựa lấy cho bằng được tờ giấy này nhằm mục đích xem hình các tài tử và tóm tắt câu chuyện của vở tuồng, tôi vốn nhỏ con nên không thể chen lấn với mấy đứa bạn trong xóm vì vậy sau một hồi giành giật, kết quả là tôi bị hất té văng xuống đường lấm lem bụi đỏ trên chiếc áo trắng học trò, báo hại tôi bị ba tôi "Thưởng" cho mấy cây roi mây vô bàn tọa đau điếng, đang lấy tay xoa xoa nơi mấy lằn roi còn in dấu thì bên tai tôi tiếng thằng Thành con bà Năm trong xóm nói nhỏ cho tôi nghe:
- Ông Phương ơi! tui lượm được hai tờ chương trình, tui cho ông một tờ nè, cha chả tuồng này hay lắm nghe, tối nay nhất định đi coi mới được, à mà ông đi với tui được hông dậy?.
Chưa kịp cầm tờ chương trình trên tay, nghe thằng Thành rủ rê như thế khiến tôi giẫy nẫy nói với nó:
- Trời! Tui đi học được ba má cho có hai cắc bạc, uống nước vừa đủ lấy đâu ra tiền mua vé mà coi cho được.
Nghe tôi than thở như thế, thằng Thành nó nở một nụ cười đầy bí hiểm rồi nó kê vào tai tôi nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
- Ông đừng có lo, theo tui nè, chỉ cần tiền mua đậu phộng rang đem vô rạp ăn thôi, còn chuyện vô cửa tui lo ông yên chí đi, mà hông phải tui với ông đâu, để tui rủ thêm mấy đứa nữa đi cho vui, mấy đứa con gái xóm mình tụi nó mê cải lương lắm nghe, tối nào tui cũng thấy con Thúy con Xinh con Chi tụ tập hát hò um xùm, tui rủ tụi nó tham gia liền thôi.
Nghe Thằng thành đưa ra kế hoạch coi bộ xôm tụ, nhưng làm tôi đâm lo bởi cả đám như vậy theo nó thì lấy tiền đâu mua vé, trong đầu tôi lóe lên cái ý nghĩ xấu về nó tôi nói:
- Thôi đi nghe ông , bấy nhiêu người vậy tiền đâu ông bao cho được , ông mà móc ống Heo đất nhà ông nếu để bà Năm biết được, bà Năm bố cho một trận là tiêu tùng đó nghe.
Vẫn nụ cười bí hiểm , thằng Thành nói chắc như bắp :
- Tui nói tui lo là lo được mà, miễn sao nghe theo tui là vô coi thoải mái luôn, không tốn đồng xu cắc bạc nào hết.
- Ông quen với mấy chú soát vé hả? hay đập heo đất rồi nói càn cho qua chuyện đó ông, có gì ông chịu nghen, vụ này tui kham không nỗi đâu.
- Đã nói yên chí mà cứ thắc mắc hoài, tối nay theo tui biết liền, vô cửa dễ ẹc hà, tuồng hay không coi là uổng lắm, lâu lâu họ mới ghé về đình làng hát, dễ gì họ ghé về lại lần nữa.
Thế là cả đám chúng tôi, mấy đứa chơi thân với nhau nghe theo lời "Đường mật" của thằng Thành "Gia Cát Lượng", sở dĩ tôi gọi nó là Gia Cát Lượng bởi nó thường có những ý nghĩ táo bạo thật hay trong mỗi cuộc chơi khi cả đám bế tắc chuyện này chuyện nọ, qua tay nó mọi chuyện trơn tru vô cùng, có điều lần này thì không được suôn sẻ cho lắm...
***
Khi cơm nước xong thì trời đã chạng vạng tối, thấy tôi đóng bộ đồ vía vô người má tôi thắc mắc hỏi:
- Bây tính đi đâu mà mặc đồ bảnh tỏn quá dậy? nhớ dìa sớm sớm để không tía bây ổng càm ràm mệt lắm đa.
- Thằng Thành con bà Năm rủ con với mấy đứa trong xóm đi coi cải lương trên Võ Ca Đình, tuồng này hay lắm má ơi,có chú Thành Được , cô Phượng Liên đó má, hôm rồi trên vô tuyến truyền hình thấy cô chú ca hay quá, nay họ về đình làng mình hát, đi coi người thiệt cho nó đã má ơi. Còn tiền vé vô cửa thằng Thành nó bao hết.
- Nè má cho năm cắc bây mua nước uống, à mà tiền vé mắc dàn trời thằng Thành tiền đâu mà dám bao cho cả đám vậy, coi chừng nó làm liều lấy tiền bà Năm bả quở là chết nghen con.
Nghe má nhắc tới đây khiến tôi ú ớ nói không thành lời, sợ má tôi rút lại ý kiến không cho tham gia với đám bạn thì thật là một thảm họa đối với mình, tôi bèn tìm cách trả lời rồi nói:
- Ô hô ! hôm nay má hào phóng quá, dám cho con năm cắc lận nha.
- Tổ cha bây, làm như má kẹo lắm hả, mà vụ tiền vé vô cửa thì sao? nói cho má nghe coi.
Trời về chiều cuối năm không khí se lạnh, vậy mà nghe má nhắc lại tiền đâu thằng Thành mua vé cho cả đám lần nữa khiến mồ hôi tôi tự dưng nó rịn ra ước cả trán, bì thế quá vì chính tôi người trong cuộc còn chưa biết thì lấy đâu ra câu trả lời chính xác cho má tôi bây giờ, túng thế tôi đành phải ba xạo cố cho má tôi tin:
- A, thằng Thành nó được cậu Sáu em Bà Năm về phép thăm nhà cho nó tiền, nghe nói cậu Sáu làm sĩ quan gì lớn lắm, lâu lâu về thăm một lần.
- Dậy chắc phải đa, má mới thấy cậu Sáu tuần trước nè, thôi đi mau dìa sớm nghen.
Thế là thoát nạn, tôi cũng thầm khen mình nói dóc cũng có căn quá đi chứ, may mà tôi còn nhớ đến cậu Sáu của thằng Thành để bịa ra câu chuyện hợp tình hợp lý này, bằng không sẽ bị bắt ở nhà là cái chắc.
Ra tới đầu ngỏ nơi chúng tôi hẹn gặp nhau lúc sáng thì tôi thấy cả bọn tề tựu đầy đủ, trai có gái có không thiếu đứa nào, ai nấy ăn mặc tươm tất sạch sẽ, có đứa điệu đàng một chút nó xức dầu thơm nghe ngạt ngào mùi hương, còn thằng Thành thì đầu tóc chải chuốc bóng mược bởi lớp dầu (Pi jăng tin), có thằng còn bày đặt bỏ cái khăn mù soa sọc ca rô mới tinh lên trên miệng túi áo sơ mi, chẳng bằng ngày thường thì khi tay chân lấm bẩn mồ hôi trong khi chơi đùa thì mạnh đứa nào kéo vạt áo lên lau vậy mà hôm ấy anh nào cũng tỏ ra mình đã thành người lớn tự bao giờ.
Từ xóm nhỏ chúng tôi rão bước đi về hướng Võ Ca Đình, gió thổi nhẹ bên đường, hai hàng cây Dầu cổ thụ dường như chúng cũng mang tâm trạng náo nức như chúng tôi bởi những cành lá của nó đong đưa trong gió khi chúng tôi đi ngang qua, chừng hai mươi phút sau chúng tôi đứng trước cổng Đình Làng Hanh Thông, cái thu hút mọi người khi vừa đặt chân đến đây là nhiều sợi dây đèn bóng tròn cháy sáng rực, tôi nhẫm tính có hơn cả trăm bóng đèn thi nhau tỏa sáng, phía ngoài hàng rào Võ Ca Đình họ giăng những băng rôn vẽ hình những tài tử đào kép trong đoàn hát, nhìn kỹ tôi thấy những đào kép chánh thì hình vẽ thật to, trang điểm thật đẹp, còn đào kép hạng nhì thì hình ảnh nhỏ hơn và nằm nép hai bên băng rôn, tủi thân nhất là tên tuổi của nghệ sĩ mới vào nghề, không những chẳng được cái vinh hạnh có hình ảnh cho bà con chiêm ngưỡng nơi cái băng rôn, mà tên tuổi của họ còn được ghi rất nhỏ nằm cuối dưới đáy tấm băng rôn .
Nhìn vào trong sân đình làng tôi thấy một bức tường xây nằm giữa sân đình có đắp nổi hình một chú Cọp đang phóng mình để vồ mồi, tôi có cái cảm giác sợ sệt khi nhìn vào mắt con cọp này, phải công nhận họ tạc hình chú cọp này y như thật, nếu như lúc ấy có mình tôi ở nơi đây chắc tôi đã co giò chạy vắt chân lên cổ cũng không chừng.
Đang mãi mê ngắn nhìn mọi thứ chung quanh tôi thấy ai cũng hớn hở bu quanh phòng bán vé, trên tay họ cầm những tờ giấy bạc có mệnh gia lớn để mua vé, mấy anh gát gian và soát vé cần đèn pile đi tới đi lui và hướng dẩn mọi người sắp thành bốn hàng trước nơi bán vé để tránh tình trạng chen lấn mất trật tự, hơn nữa để tránh mấy tay móc túi làm ăn nơi đông người, thấy đám chúng tôi đứng sớ rớ chưa nhập vô sắp hàng như bà con nên ông gát gian già đến bên cạnh nói:
- Mấy đứa nhỏ này có vô coi hát không, có thì sắp hàng, không thì ra ngoài kia đứng cho bà con sắp hàng tiếp.
Thằng Thành nhanh nhẫu đáp:
- Dạ tới đây phải coi chứ ông, không đi coi hát tới đây mần chi, thôi vô hàng đi mấy bạn.
Cái hàng chúng tôi đang đứng cũng dần được thu ngắn lại, còn chừng năm người là đến phiên thằng Thành đến trước phòng bán vé, tôi mừng thằm trong bụng:
"Vậy là mình sắp gặp mặt Cô Phượng Liên và Chú Thành Được bằng xương bằng thịt rồi"
Chưa kịp vui với ý nghĩ này bổng dưng thằng Thành ôm bụng ra dáng đau đớn dữ dội, thế là cả đám chúng tôi phải rời cái hàng mà mắc công đứng chờ cả giờ đồng hồ để dìu nó ngồi xuống bên hành lang phía trái của Võ Ca Đình.
Con Xinh hoảng hốt hỏi nó :
- Ông Thành có bớt chưa, xức dầu gió không để Xinh ra mua rồi xức, cái này xức dầu Nhị Thiên Đường là hết đau ngay.
Con Chi nói chen vô :
- Ý đừng xài Nhị Thiên Đường, mùi nó nặng lắm vô coi hát coi chừng mấy người ngồi gần họ chịu không được mùi này mắc công phiền phức, theo Chi nên mua dầu cù là chánh gốc Miến Điện đi, xài tốt lắm đó.
Thằng Thành hỏi ngay:
- Dầu gì vậy?
Con Chi nói liền:
- Dầu cù là Hiệu Matsu đó , bộ ông chưa xài bao giờ à.
- Má tui chuyên môn xài dầu Khuynh Diệp Bác sĩ Tính Không hà. có hôm tui đau bụng xức vô rún có chút xíu vậy mà vô lớp tụi nó ghẹo tui bộ bà đẻ hay sao mà xài dầu này, làm mắc cở muốn chết.
- Ủa ông hết đau rồi hả sao nói chuyện tĩnh bơ vậy.
Đến nước này thằng Thành mới bắt đầu thú thật với chúng tôi, thì ra nó cũng đâu có tiền bạc gì để bao cho cả đám chúng tôi, nó nói:
- Phía sau hàng rào kẻm gai bên hông Đình là lối đi vào cửa hông của ngôi đình này, chỉ cần lọt vào trong đó thì xem như khỏi cần mua vé tụi bây thấy dễ không.
Nghe nó bàn bạc với chúng tôi như thế, tôi vội ngó về phía hàng rào kẽm gai, thấy họ rào thật dầy dễ gì phá rào chui vô cho được, tôi bèn nói với thằng Thành:
- Ông ẩu thấy ớn, không có tiền thì thôi bày đặt rủ cả đám ra đây, giờ tính sao đây, còn vượt qua hàng rào này thì đừng có mơ, họa chăng có Tề Thiên Đại Thánh may ra mới phá nổi cái hàng rào. thôi về cho yên thân.
Thằng Thành vội xua tay ngăn tôi lại nó nói:
- Chưa ra chiến trường ông lo sợ thua rồi, làm theo tui sẽ vô được thôi. cần gì phá hàng rào chi cho cực thân. Mà ông Phương này thiếu óc quan sát ghê nghe.
Nói xong nó bèn đứng dậy nắm tay mấy đứa con gái theo nó đến bên hàng rào thấy vậy tôi cũng lững thửng theo sau, đến nơi tôi thấy thằng Thành đang leo lên nhánh cây Trứng cá mọc sát hàng rào, cây này thật to có hơn hai ba chục năm tuổi, tôi thấy nó trèo qua mái tole rồi lần mò đu xuống một nhánh cây Trứng cá khác phía trong cửa hông sân đình, vậy là trong phút chốc nó đã thành người đi coi cải lương hợp pháp, vì vô bên trong rồi mạnh ai nấy tìm chổ ngồi không bị ai hỏi vé bao giờ, lần lượt mấy đứa con gái cũng qua cái ải này một cách tài tình, tới phiên tôi là người sau cùng đang thực hiện hành vi leo rào "Coi cọp", vừa thòng chân xuống đất tự dưng có một bàn tay nắm ngay lưng áo tôi rồi la lớn lên:
- Coi cọp, coi cọp bà con ơi.
Khán giả nghe la họ ùa ra nhìn làm tôi sượng người muốn độn thổ, ông già gác gian nói:
- Tao nghi tụi bây lắm mà, mặt mày sáng sủa vậy mà đi coi cọp hả con, còn mấy đứa kia đâu?
Nhìn thấy mấy đứa bạn lấm lét ra dấu chớ có khai ra, tôi lắc đầu nguầy nguậy rồi nói:
- Cháu không biết, có mình cháu thôi.
Biết tôi khai gian nhưng không có bằng chứng ông ta bèn nhéo tai tôi rồi dẩn ra ngoài cổng đình, ông ta còn đá vào mông tôi một phát rồi đẩy tôi ra khỏi cổng sân đình, trước khi quay gót vào trong ông ta còn nói vói một câu cho tôi nghe:
- Chừa cái tật coi cọp nghe con, lần sau ông giao mày cho cảnh sát nhốt một đêm cho muỗi làm thịt mầy một bữa nghen con.
Lòng buồn vô hạn, tôi lũi thủi dứng dựa tường rào nhưng mắt vẫn hướng vào phía bên trong, lúc này tiếng cái loa vang lên:
- Đến giờ mở màn, xin quý bà con cô bác ổn định chổ ngồi, mấy em nhỏ hai bên cánh gà vui lòng ra phía trước để xem, không được cản đường để nghệ sĩ bước ra trình diễn...
Bên ngoài nhướng mắt nhìn vào phía trong sân đình, sau tấm màn che chổ cửa ra vào bấy giờ họ đã tắt tất cả đèn để bắt đầu mở màn, tiếng đàn, tiếng trống bắt đầu dạo lên khiến tôi càng nôn nao khôn cùng, tôi chợt ao ước giá mà trong túi tôi có đủ tiền mua vé thì tôi nhất quyết xem cho bằng được tuồng này. trong hoàn cảnh hiện tại thì tôi phải cố chờ khi họ hát khoảng ba phần tư tuồng hát thì họ sẽ "xả dàn" lúc ấy thì không còn ai ngăn cản ai để vào xem đoạn kết của vở tuồng.
Đang rầu rĩ trong bụng , thời may có một bà đến chổ tôi bà nói :
- Ông gác gian có làm cháu đau không? bộ cháu thích xem cải lương lắm sao? thôi theo cô vô đây cô dẫn cháu vào xem.
Gặp người chưa từng quen biết, tôi hơi sợ sệt vì mấy lúc gần đây có nhiều tin đồn đãi "Mẹ mìn" chuyên đi bắt cóc con nít bán cho mấy ông chệt trong Chợ Lớn để làm nhân bánh bao, vậy mà người phụ nữ này nói ngọt ngào với mình khiến tôi liên tưởng sắp bị Mẹ Mìn bắt cóc, tôi từ chối:
- Dạ con cám ơn cô, con chờ đây chút xíu bạn con ra rồi cùng về.
- Cháu không phải ngại, Cô thấy tội nghiệp con, vì nảy giờ cô chứng kiến mọi việc hết trơn, nên cô mới giúp con thôi, đi theo cô.
Không đợi tôi có ý kiến, bà nắm tay tôi dìu vào phòng vé, tôi run lên bần bật vì quá sợ, như biết được tâm trạng của tôi bà nói:
- Trời! gì mà run dữ vậy ông con, tui có ăn thịt ăn cá gì đâu mà sợ quá chừng vậy, nè vé nè cháu vô xem đi, bạn cháu bên trong gặp cháu chắc mấy đứa mừng lắm.
Đến đây thì tôi mới chắc rằng mình không trở thành nhân bánh bao của mấy ông chệt rồi, cầm tấm vé trên tay tôi lên tiếng cảm ơn bà, bà không trả lời nhưng vuốt tóc tôi một cách trìu mến rồi bà trở bước ra ngoài cổng, tôi cố nhìn theo bấy giờ tôi mới cảm nhận đây là một người phúc hậu vậy mà mình nghĩ oan cho bà là người xấu khiến tôi mang mặc cảm mình mới có hành động không tốt, nếu như lúc ấy tôi mà hiểu được câu nói: Đừng coi mặt mà bắt hình dong, thì tôi đâu có ý nghĩ sai trái như thế.
Vào trong rạp tôi phải mò mẫn tìm nơi đứng xem, vì mọi số ghế đã kín người ngồi, những khoảng trống giữa mất dãy ghế cũng người người chen nhau đứng, cố len lỏi tôi đến được cây cột bằng gổ trong rạp, ôm choàng cây cột để đứng cho vững tôi có cảm nhận cây cột thật láng có lẽ nhờ nhiều người ôm chăng? chưa kịp thưởng thức chú Thành Được đang vô câu vọng cổ thì có tiếng rầy rà:
- Ê cái thằng nhỏ ôm cột đình, mầy ngồi xuống cho người ta coi, bộ mầy làm sếp sao đứng chen ngang xương vậy nhóc.
Tôi nhìn lại phía sau nơi phát ra tiếng nói, tôi thấy một chị phụ nữ sồn sồn đang vạch áo cho con bú, một tay cầm cây quạt giấy quạt phành phạch, tôi bèn ngồi thụt xuống rồi tự càu nhàu một mình:
- Ngồi vầy làm sao mà coi đây trời.
Khi nghệ sĩ Thành Được vừa hát dứt câu vọng cổ, tiếng vỗ tay của những người mộ điệu vang lên hồi lâu rồi dứt hẳn, bổng nơi hàng ghế gần chổ tôi ngồi một anh chàng cằn nhằn:
- Mẹ tổ nó, chiếc dép mới đây đứa nào thỉnh mất tiêu rồi.
Cô gái ngồi kế bên, có lẽ là người tình của chàng ta cũng góp tiếng vào:
- Em nói rồi mà hổng nghe, rút chân lên ghế làm chi cho mất dép, tuần rồi em với con Hoa bạn em coi chớp bóng ở rạp Huỳnh Long, chời ơi mấy cô Ấn Độ ca múa hay ác liệt, chừng vãng hát đèn bật sáng cặp guốc vông của nó biến đâu mất, báo hại nó tốn mớ tiền đến chợ Bà Chiểu sắm đôi guốc khác, giờ đi coi hát thì đừng bao giờ rời dép guốc hết nha ông.
Rồi thì không khí cũng trở lại yên tĩnh, mọi người dang chăm chú xem hát, một bà lớn tuổi đội cái thúng nhỏ trên đầu, tay cầm mấy xâu mía ghim, miệng mời mọc:
- Mía ghim đây ..
- Trà đá, đậu phộng rang đây.
Người mua, kẻ bán, nói cười huyên thuyên, không khí nóng bức ngột ngạt, đủ thành phần, đủ lứa tuổi, âm thanh hổn tạp khiến tôi và chắc nhiều người thích cải lương không thể thụ hưởng hết cái hay của bộ môn này, Tôi thấy khán giả đôi lúc đi xem hát không tôn trọng mọi người chung quanh, không tôn trọng những người nghệ sĩ đã và đang tâm huyết với nghề nhằm cống hiến một phần trong nghệ thuật thứ bảy đến với công chúng, buồn thay khi còn những hình ảnh hổ lốn như hôm tôi đi coi cọp, mong sao hình ảnh này sẽ không còn tồn tại để mọi người cùng nhau thưởng thức lời ca tiếng nhạc cho đời thêm vui.
***
Khi tấm màn nhung khép lại, đèn bật sáng tôi không ngờ đám bạn trong xóm nó đứng cách tôi không xa lắm, gặp lại nhau trong rạp lòng chúng tôi đứa nào cũng mừng mừng tủi tủi.
Về sau mỗi lần có gánh hát nào về lại Võ Ca Đình Hanh Thông để trình diễn, khi thằng Thành rủ rê đi xem, thì câu đầu tiên tụi tôi hỏi nó:
- Có tiền không? hay lại đi "Coi cọp".
Mấy chục năm qua rồi, đất trời thay đổi, vạn vật đổi thay, Võ Ca Đình Hanh Thông ngày xưa không còn như ngày xưa nữa, nó bị xén bớt để cất xây nhà cửa gì đó, nay Võ Ca chỉ còn lại gian nhà nhỏ hàng năm chỉ còn số ít cô bác lớn tuổi cúng bái để nhớ lại các bậc tiền hiền có công khai phá vùng đất này. mỗi lần đi ngang đây tôi nhớ lắm mấy đứa bạn ngày xưa, giờ đây mỗi đứa trôi dạt khắp nơi, tôi thầm nghĩ nếu cho thời gian trở lại chắc mấy đứa nhóc tụi tôi thế nào cũng có ngày đi "Coi cọp".
Viết xong 22h đêm 4/6/2013
Hai Hùng SG
Khi xem sơ qua tựa đề bài này, chắc rằng ai cũng nghĩ tôi sẽ đưa bà con mình đi vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn nơi mà theo tiếng thường gọi của giới Bình dân ngày xưa là sở thú để xem ông Ba Mươi trong dãy chuồng sắt. Những con cọp nằm với đôi mắt lim dim buồn như bài thơ bất hủ Hổ Nhớ Rừng của Thi sĩ Thế Lữ đã đi vào lòng người qua bao thế hệ dân Việt mình.
Thuở ấy vùng đất Gia Định quê tôi vào thập niên sáu mươi, cái thập niên mang đầy ấp những kỷ niệm của tuổi thơ chúng tôi ngày xa xưa, mãi đến giờ mỗi khi trong tâm tư tôi có lúc len lén quay về thì hầu như một trong những hình ảnh khó phai mờ trong tâm thức tôi đó là những lúc đi "Coi cọp" một vở tuồng cải lương hoặc một cuốn phim trong rạp chớp bóng với màn ảnh đại vĩ tuyến.
Tôi còn nhớ như in, buổi sáng nọ trên con đường đất đỏ gập gềnh sỏi đá của xóm chúng tôi, tiếng (Ô pặc lưa) trên chiếc xe ngựa vang lên tiếng giới thiệu đoàn cải lương nào đó về Võ Ca Đình làng Hanh Thông để hát tuồng "Ba Mùa Mai Nở", đại khái vở tuồng nói về cuộc hành quân thần tốc của Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh chiếm Thăng Long thành thu lại giang san từ tay quân xâm lược.
Đang chuẩn bị quần áo để lội bộ đến trường đi học, nhưng khi nghe tiếng trống dồn dập trên chiếc xe ngựa đang quảng cáo tuồng hát cho đêm ấy, nó làm cho lòng chúng tôi rộn ràng nên mau mau chạy ra đường để cố lấy cho được tờ chương trình do họ thả xuống đường từ chiếc xe ngựa này, hai ba đứa giành giật có khi chưa lấy được thì tờ chương trình đã bị rách, lại phải tiếp tục chạy theo xe ngựa lấy cho bằng được tờ giấy này nhằm mục đích xem hình các tài tử và tóm tắt câu chuyện của vở tuồng, tôi vốn nhỏ con nên không thể chen lấn với mấy đứa bạn trong xóm vì vậy sau một hồi giành giật, kết quả là tôi bị hất té văng xuống đường lấm lem bụi đỏ trên chiếc áo trắng học trò, báo hại tôi bị ba tôi "Thưởng" cho mấy cây roi mây vô bàn tọa đau điếng, đang lấy tay xoa xoa nơi mấy lằn roi còn in dấu thì bên tai tôi tiếng thằng Thành con bà Năm trong xóm nói nhỏ cho tôi nghe:
- Ông Phương ơi! tui lượm được hai tờ chương trình, tui cho ông một tờ nè, cha chả tuồng này hay lắm nghe, tối nay nhất định đi coi mới được, à mà ông đi với tui được hông dậy?.
Chưa kịp cầm tờ chương trình trên tay, nghe thằng Thành rủ rê như thế khiến tôi giẫy nẫy nói với nó:
- Trời! Tui đi học được ba má cho có hai cắc bạc, uống nước vừa đủ lấy đâu ra tiền mua vé mà coi cho được.
Nghe tôi than thở như thế, thằng Thành nó nở một nụ cười đầy bí hiểm rồi nó kê vào tai tôi nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
- Ông đừng có lo, theo tui nè, chỉ cần tiền mua đậu phộng rang đem vô rạp ăn thôi, còn chuyện vô cửa tui lo ông yên chí đi, mà hông phải tui với ông đâu, để tui rủ thêm mấy đứa nữa đi cho vui, mấy đứa con gái xóm mình tụi nó mê cải lương lắm nghe, tối nào tui cũng thấy con Thúy con Xinh con Chi tụ tập hát hò um xùm, tui rủ tụi nó tham gia liền thôi.
Nghe Thằng thành đưa ra kế hoạch coi bộ xôm tụ, nhưng làm tôi đâm lo bởi cả đám như vậy theo nó thì lấy tiền đâu mua vé, trong đầu tôi lóe lên cái ý nghĩ xấu về nó tôi nói:
- Thôi đi nghe ông , bấy nhiêu người vậy tiền đâu ông bao cho được , ông mà móc ống Heo đất nhà ông nếu để bà Năm biết được, bà Năm bố cho một trận là tiêu tùng đó nghe.
Vẫn nụ cười bí hiểm , thằng Thành nói chắc như bắp :
- Tui nói tui lo là lo được mà, miễn sao nghe theo tui là vô coi thoải mái luôn, không tốn đồng xu cắc bạc nào hết.
- Ông quen với mấy chú soát vé hả? hay đập heo đất rồi nói càn cho qua chuyện đó ông, có gì ông chịu nghen, vụ này tui kham không nỗi đâu.
- Đã nói yên chí mà cứ thắc mắc hoài, tối nay theo tui biết liền, vô cửa dễ ẹc hà, tuồng hay không coi là uổng lắm, lâu lâu họ mới ghé về đình làng hát, dễ gì họ ghé về lại lần nữa.
Thế là cả đám chúng tôi, mấy đứa chơi thân với nhau nghe theo lời "Đường mật" của thằng Thành "Gia Cát Lượng", sở dĩ tôi gọi nó là Gia Cát Lượng bởi nó thường có những ý nghĩ táo bạo thật hay trong mỗi cuộc chơi khi cả đám bế tắc chuyện này chuyện nọ, qua tay nó mọi chuyện trơn tru vô cùng, có điều lần này thì không được suôn sẻ cho lắm...
***
Khi cơm nước xong thì trời đã chạng vạng tối, thấy tôi đóng bộ đồ vía vô người má tôi thắc mắc hỏi:
- Bây tính đi đâu mà mặc đồ bảnh tỏn quá dậy? nhớ dìa sớm sớm để không tía bây ổng càm ràm mệt lắm đa.
- Thằng Thành con bà Năm rủ con với mấy đứa trong xóm đi coi cải lương trên Võ Ca Đình, tuồng này hay lắm má ơi,có chú Thành Được , cô Phượng Liên đó má, hôm rồi trên vô tuyến truyền hình thấy cô chú ca hay quá, nay họ về đình làng mình hát, đi coi người thiệt cho nó đã má ơi. Còn tiền vé vô cửa thằng Thành nó bao hết.
- Nè má cho năm cắc bây mua nước uống, à mà tiền vé mắc dàn trời thằng Thành tiền đâu mà dám bao cho cả đám vậy, coi chừng nó làm liều lấy tiền bà Năm bả quở là chết nghen con.
Nghe má nhắc tới đây khiến tôi ú ớ nói không thành lời, sợ má tôi rút lại ý kiến không cho tham gia với đám bạn thì thật là một thảm họa đối với mình, tôi bèn tìm cách trả lời rồi nói:
- Ô hô ! hôm nay má hào phóng quá, dám cho con năm cắc lận nha.
- Tổ cha bây, làm như má kẹo lắm hả, mà vụ tiền vé vô cửa thì sao? nói cho má nghe coi.
Trời về chiều cuối năm không khí se lạnh, vậy mà nghe má nhắc lại tiền đâu thằng Thành mua vé cho cả đám lần nữa khiến mồ hôi tôi tự dưng nó rịn ra ước cả trán, bì thế quá vì chính tôi người trong cuộc còn chưa biết thì lấy đâu ra câu trả lời chính xác cho má tôi bây giờ, túng thế tôi đành phải ba xạo cố cho má tôi tin:
- A, thằng Thành nó được cậu Sáu em Bà Năm về phép thăm nhà cho nó tiền, nghe nói cậu Sáu làm sĩ quan gì lớn lắm, lâu lâu về thăm một lần.
- Dậy chắc phải đa, má mới thấy cậu Sáu tuần trước nè, thôi đi mau dìa sớm nghen.
Thế là thoát nạn, tôi cũng thầm khen mình nói dóc cũng có căn quá đi chứ, may mà tôi còn nhớ đến cậu Sáu của thằng Thành để bịa ra câu chuyện hợp tình hợp lý này, bằng không sẽ bị bắt ở nhà là cái chắc.
Ra tới đầu ngỏ nơi chúng tôi hẹn gặp nhau lúc sáng thì tôi thấy cả bọn tề tựu đầy đủ, trai có gái có không thiếu đứa nào, ai nấy ăn mặc tươm tất sạch sẽ, có đứa điệu đàng một chút nó xức dầu thơm nghe ngạt ngào mùi hương, còn thằng Thành thì đầu tóc chải chuốc bóng mược bởi lớp dầu (Pi jăng tin), có thằng còn bày đặt bỏ cái khăn mù soa sọc ca rô mới tinh lên trên miệng túi áo sơ mi, chẳng bằng ngày thường thì khi tay chân lấm bẩn mồ hôi trong khi chơi đùa thì mạnh đứa nào kéo vạt áo lên lau vậy mà hôm ấy anh nào cũng tỏ ra mình đã thành người lớn tự bao giờ.
Từ xóm nhỏ chúng tôi rão bước đi về hướng Võ Ca Đình, gió thổi nhẹ bên đường, hai hàng cây Dầu cổ thụ dường như chúng cũng mang tâm trạng náo nức như chúng tôi bởi những cành lá của nó đong đưa trong gió khi chúng tôi đi ngang qua, chừng hai mươi phút sau chúng tôi đứng trước cổng Đình Làng Hanh Thông, cái thu hút mọi người khi vừa đặt chân đến đây là nhiều sợi dây đèn bóng tròn cháy sáng rực, tôi nhẫm tính có hơn cả trăm bóng đèn thi nhau tỏa sáng, phía ngoài hàng rào Võ Ca Đình họ giăng những băng rôn vẽ hình những tài tử đào kép trong đoàn hát, nhìn kỹ tôi thấy những đào kép chánh thì hình vẽ thật to, trang điểm thật đẹp, còn đào kép hạng nhì thì hình ảnh nhỏ hơn và nằm nép hai bên băng rôn, tủi thân nhất là tên tuổi của nghệ sĩ mới vào nghề, không những chẳng được cái vinh hạnh có hình ảnh cho bà con chiêm ngưỡng nơi cái băng rôn, mà tên tuổi của họ còn được ghi rất nhỏ nằm cuối dưới đáy tấm băng rôn .
Nhìn vào trong sân đình làng tôi thấy một bức tường xây nằm giữa sân đình có đắp nổi hình một chú Cọp đang phóng mình để vồ mồi, tôi có cái cảm giác sợ sệt khi nhìn vào mắt con cọp này, phải công nhận họ tạc hình chú cọp này y như thật, nếu như lúc ấy có mình tôi ở nơi đây chắc tôi đã co giò chạy vắt chân lên cổ cũng không chừng.
Đang mãi mê ngắn nhìn mọi thứ chung quanh tôi thấy ai cũng hớn hở bu quanh phòng bán vé, trên tay họ cầm những tờ giấy bạc có mệnh gia lớn để mua vé, mấy anh gát gian và soát vé cần đèn pile đi tới đi lui và hướng dẩn mọi người sắp thành bốn hàng trước nơi bán vé để tránh tình trạng chen lấn mất trật tự, hơn nữa để tránh mấy tay móc túi làm ăn nơi đông người, thấy đám chúng tôi đứng sớ rớ chưa nhập vô sắp hàng như bà con nên ông gát gian già đến bên cạnh nói:
- Mấy đứa nhỏ này có vô coi hát không, có thì sắp hàng, không thì ra ngoài kia đứng cho bà con sắp hàng tiếp.
Thằng Thành nhanh nhẫu đáp:
- Dạ tới đây phải coi chứ ông, không đi coi hát tới đây mần chi, thôi vô hàng đi mấy bạn.
Cái hàng chúng tôi đang đứng cũng dần được thu ngắn lại, còn chừng năm người là đến phiên thằng Thành đến trước phòng bán vé, tôi mừng thằm trong bụng:
"Vậy là mình sắp gặp mặt Cô Phượng Liên và Chú Thành Được bằng xương bằng thịt rồi"
Chưa kịp vui với ý nghĩ này bổng dưng thằng Thành ôm bụng ra dáng đau đớn dữ dội, thế là cả đám chúng tôi phải rời cái hàng mà mắc công đứng chờ cả giờ đồng hồ để dìu nó ngồi xuống bên hành lang phía trái của Võ Ca Đình.
Con Xinh hoảng hốt hỏi nó :
- Ông Thành có bớt chưa, xức dầu gió không để Xinh ra mua rồi xức, cái này xức dầu Nhị Thiên Đường là hết đau ngay.
Con Chi nói chen vô :
- Ý đừng xài Nhị Thiên Đường, mùi nó nặng lắm vô coi hát coi chừng mấy người ngồi gần họ chịu không được mùi này mắc công phiền phức, theo Chi nên mua dầu cù là chánh gốc Miến Điện đi, xài tốt lắm đó.
Thằng Thành hỏi ngay:
- Dầu gì vậy?
Con Chi nói liền:
- Dầu cù là Hiệu Matsu đó , bộ ông chưa xài bao giờ à.
- Má tui chuyên môn xài dầu Khuynh Diệp Bác sĩ Tính Không hà. có hôm tui đau bụng xức vô rún có chút xíu vậy mà vô lớp tụi nó ghẹo tui bộ bà đẻ hay sao mà xài dầu này, làm mắc cở muốn chết.
- Ủa ông hết đau rồi hả sao nói chuyện tĩnh bơ vậy.
Đến nước này thằng Thành mới bắt đầu thú thật với chúng tôi, thì ra nó cũng đâu có tiền bạc gì để bao cho cả đám chúng tôi, nó nói:
- Phía sau hàng rào kẻm gai bên hông Đình là lối đi vào cửa hông của ngôi đình này, chỉ cần lọt vào trong đó thì xem như khỏi cần mua vé tụi bây thấy dễ không.
Nghe nó bàn bạc với chúng tôi như thế, tôi vội ngó về phía hàng rào kẽm gai, thấy họ rào thật dầy dễ gì phá rào chui vô cho được, tôi bèn nói với thằng Thành:
- Ông ẩu thấy ớn, không có tiền thì thôi bày đặt rủ cả đám ra đây, giờ tính sao đây, còn vượt qua hàng rào này thì đừng có mơ, họa chăng có Tề Thiên Đại Thánh may ra mới phá nổi cái hàng rào. thôi về cho yên thân.
Thằng Thành vội xua tay ngăn tôi lại nó nói:
- Chưa ra chiến trường ông lo sợ thua rồi, làm theo tui sẽ vô được thôi. cần gì phá hàng rào chi cho cực thân. Mà ông Phương này thiếu óc quan sát ghê nghe.
Nói xong nó bèn đứng dậy nắm tay mấy đứa con gái theo nó đến bên hàng rào thấy vậy tôi cũng lững thửng theo sau, đến nơi tôi thấy thằng Thành đang leo lên nhánh cây Trứng cá mọc sát hàng rào, cây này thật to có hơn hai ba chục năm tuổi, tôi thấy nó trèo qua mái tole rồi lần mò đu xuống một nhánh cây Trứng cá khác phía trong cửa hông sân đình, vậy là trong phút chốc nó đã thành người đi coi cải lương hợp pháp, vì vô bên trong rồi mạnh ai nấy tìm chổ ngồi không bị ai hỏi vé bao giờ, lần lượt mấy đứa con gái cũng qua cái ải này một cách tài tình, tới phiên tôi là người sau cùng đang thực hiện hành vi leo rào "Coi cọp", vừa thòng chân xuống đất tự dưng có một bàn tay nắm ngay lưng áo tôi rồi la lớn lên:
- Coi cọp, coi cọp bà con ơi.
Khán giả nghe la họ ùa ra nhìn làm tôi sượng người muốn độn thổ, ông già gác gian nói:
- Tao nghi tụi bây lắm mà, mặt mày sáng sủa vậy mà đi coi cọp hả con, còn mấy đứa kia đâu?
Nhìn thấy mấy đứa bạn lấm lét ra dấu chớ có khai ra, tôi lắc đầu nguầy nguậy rồi nói:
- Cháu không biết, có mình cháu thôi.
Biết tôi khai gian nhưng không có bằng chứng ông ta bèn nhéo tai tôi rồi dẩn ra ngoài cổng đình, ông ta còn đá vào mông tôi một phát rồi đẩy tôi ra khỏi cổng sân đình, trước khi quay gót vào trong ông ta còn nói vói một câu cho tôi nghe:
- Chừa cái tật coi cọp nghe con, lần sau ông giao mày cho cảnh sát nhốt một đêm cho muỗi làm thịt mầy một bữa nghen con.
Lòng buồn vô hạn, tôi lũi thủi dứng dựa tường rào nhưng mắt vẫn hướng vào phía bên trong, lúc này tiếng cái loa vang lên:
- Đến giờ mở màn, xin quý bà con cô bác ổn định chổ ngồi, mấy em nhỏ hai bên cánh gà vui lòng ra phía trước để xem, không được cản đường để nghệ sĩ bước ra trình diễn...
Bên ngoài nhướng mắt nhìn vào phía trong sân đình, sau tấm màn che chổ cửa ra vào bấy giờ họ đã tắt tất cả đèn để bắt đầu mở màn, tiếng đàn, tiếng trống bắt đầu dạo lên khiến tôi càng nôn nao khôn cùng, tôi chợt ao ước giá mà trong túi tôi có đủ tiền mua vé thì tôi nhất quyết xem cho bằng được tuồng này. trong hoàn cảnh hiện tại thì tôi phải cố chờ khi họ hát khoảng ba phần tư tuồng hát thì họ sẽ "xả dàn" lúc ấy thì không còn ai ngăn cản ai để vào xem đoạn kết của vở tuồng.
Đang rầu rĩ trong bụng , thời may có một bà đến chổ tôi bà nói :
- Ông gác gian có làm cháu đau không? bộ cháu thích xem cải lương lắm sao? thôi theo cô vô đây cô dẫn cháu vào xem.
Gặp người chưa từng quen biết, tôi hơi sợ sệt vì mấy lúc gần đây có nhiều tin đồn đãi "Mẹ mìn" chuyên đi bắt cóc con nít bán cho mấy ông chệt trong Chợ Lớn để làm nhân bánh bao, vậy mà người phụ nữ này nói ngọt ngào với mình khiến tôi liên tưởng sắp bị Mẹ Mìn bắt cóc, tôi từ chối:
- Dạ con cám ơn cô, con chờ đây chút xíu bạn con ra rồi cùng về.
- Cháu không phải ngại, Cô thấy tội nghiệp con, vì nảy giờ cô chứng kiến mọi việc hết trơn, nên cô mới giúp con thôi, đi theo cô.
Không đợi tôi có ý kiến, bà nắm tay tôi dìu vào phòng vé, tôi run lên bần bật vì quá sợ, như biết được tâm trạng của tôi bà nói:
- Trời! gì mà run dữ vậy ông con, tui có ăn thịt ăn cá gì đâu mà sợ quá chừng vậy, nè vé nè cháu vô xem đi, bạn cháu bên trong gặp cháu chắc mấy đứa mừng lắm.
Đến đây thì tôi mới chắc rằng mình không trở thành nhân bánh bao của mấy ông chệt rồi, cầm tấm vé trên tay tôi lên tiếng cảm ơn bà, bà không trả lời nhưng vuốt tóc tôi một cách trìu mến rồi bà trở bước ra ngoài cổng, tôi cố nhìn theo bấy giờ tôi mới cảm nhận đây là một người phúc hậu vậy mà mình nghĩ oan cho bà là người xấu khiến tôi mang mặc cảm mình mới có hành động không tốt, nếu như lúc ấy tôi mà hiểu được câu nói: Đừng coi mặt mà bắt hình dong, thì tôi đâu có ý nghĩ sai trái như thế.
Vào trong rạp tôi phải mò mẫn tìm nơi đứng xem, vì mọi số ghế đã kín người ngồi, những khoảng trống giữa mất dãy ghế cũng người người chen nhau đứng, cố len lỏi tôi đến được cây cột bằng gổ trong rạp, ôm choàng cây cột để đứng cho vững tôi có cảm nhận cây cột thật láng có lẽ nhờ nhiều người ôm chăng? chưa kịp thưởng thức chú Thành Được đang vô câu vọng cổ thì có tiếng rầy rà:
- Ê cái thằng nhỏ ôm cột đình, mầy ngồi xuống cho người ta coi, bộ mầy làm sếp sao đứng chen ngang xương vậy nhóc.
Tôi nhìn lại phía sau nơi phát ra tiếng nói, tôi thấy một chị phụ nữ sồn sồn đang vạch áo cho con bú, một tay cầm cây quạt giấy quạt phành phạch, tôi bèn ngồi thụt xuống rồi tự càu nhàu một mình:
- Ngồi vầy làm sao mà coi đây trời.
Khi nghệ sĩ Thành Được vừa hát dứt câu vọng cổ, tiếng vỗ tay của những người mộ điệu vang lên hồi lâu rồi dứt hẳn, bổng nơi hàng ghế gần chổ tôi ngồi một anh chàng cằn nhằn:
- Mẹ tổ nó, chiếc dép mới đây đứa nào thỉnh mất tiêu rồi.
Cô gái ngồi kế bên, có lẽ là người tình của chàng ta cũng góp tiếng vào:
- Em nói rồi mà hổng nghe, rút chân lên ghế làm chi cho mất dép, tuần rồi em với con Hoa bạn em coi chớp bóng ở rạp Huỳnh Long, chời ơi mấy cô Ấn Độ ca múa hay ác liệt, chừng vãng hát đèn bật sáng cặp guốc vông của nó biến đâu mất, báo hại nó tốn mớ tiền đến chợ Bà Chiểu sắm đôi guốc khác, giờ đi coi hát thì đừng bao giờ rời dép guốc hết nha ông.
Rồi thì không khí cũng trở lại yên tĩnh, mọi người dang chăm chú xem hát, một bà lớn tuổi đội cái thúng nhỏ trên đầu, tay cầm mấy xâu mía ghim, miệng mời mọc:
- Mía ghim đây ..
- Trà đá, đậu phộng rang đây.
Người mua, kẻ bán, nói cười huyên thuyên, không khí nóng bức ngột ngạt, đủ thành phần, đủ lứa tuổi, âm thanh hổn tạp khiến tôi và chắc nhiều người thích cải lương không thể thụ hưởng hết cái hay của bộ môn này, Tôi thấy khán giả đôi lúc đi xem hát không tôn trọng mọi người chung quanh, không tôn trọng những người nghệ sĩ đã và đang tâm huyết với nghề nhằm cống hiến một phần trong nghệ thuật thứ bảy đến với công chúng, buồn thay khi còn những hình ảnh hổ lốn như hôm tôi đi coi cọp, mong sao hình ảnh này sẽ không còn tồn tại để mọi người cùng nhau thưởng thức lời ca tiếng nhạc cho đời thêm vui.
***
Khi tấm màn nhung khép lại, đèn bật sáng tôi không ngờ đám bạn trong xóm nó đứng cách tôi không xa lắm, gặp lại nhau trong rạp lòng chúng tôi đứa nào cũng mừng mừng tủi tủi.
Về sau mỗi lần có gánh hát nào về lại Võ Ca Đình Hanh Thông để trình diễn, khi thằng Thành rủ rê đi xem, thì câu đầu tiên tụi tôi hỏi nó:
- Có tiền không? hay lại đi "Coi cọp".
Mấy chục năm qua rồi, đất trời thay đổi, vạn vật đổi thay, Võ Ca Đình Hanh Thông ngày xưa không còn như ngày xưa nữa, nó bị xén bớt để cất xây nhà cửa gì đó, nay Võ Ca chỉ còn lại gian nhà nhỏ hàng năm chỉ còn số ít cô bác lớn tuổi cúng bái để nhớ lại các bậc tiền hiền có công khai phá vùng đất này. mỗi lần đi ngang đây tôi nhớ lắm mấy đứa bạn ngày xưa, giờ đây mỗi đứa trôi dạt khắp nơi, tôi thầm nghĩ nếu cho thời gian trở lại chắc mấy đứa nhóc tụi tôi thế nào cũng có ngày đi "Coi cọp".
Viết xong 22h đêm 4/6/2013
Hai Hùng SG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét