Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Nhân Một Chuyến Về - Phần 2

(Phần Hai)

Cho Gaston và đại gia đình yêu dấu của tôi
Ký sự của Thanh Hà Switzerland - June 2015





Em bé đòi bồng
Xe chạy tới Giồng Riềng thì trời chạng vạng. Lần đầu tiên mới biết Giồng Riềng, dù chỉ cách Rạch Sỏi khoảng 30 km phải không? Chợ tết  về đêm đèn sáng choang trông rất vui mắt.

Lần lượt xe đi qua Minh Lương, Cù Là, đầu lộ Tà Niên, bến xe Rạch Sỏi - bây giờ đã dời lên gần đền thờ cụ Nguyễn Hiền Điều. Ngôi trường Kiên Thành ngày xưa tôi từng học -- giờ đã đổi tên gì đó -- nằm khiêm nhượng, chèn ép giữa nhiều ngôi nhà mới xây nên phải chú ý lắm mới kịp nhìn thấy, nhất là xe đang chạy.

Đến ngã ba Rạch Sỏi thì tôi hoàn toàn mất phương hướng, mù tịt vì bây giờ mọc lên nhiều khu nhà cao tầng, lạ lẫm. Buổi tối đèn màu lấp lánh, xe cộ ồn ào náo nhiệt.

Tới nhà, tôi cũng không nhận ra luôn. Ban đêm khả năng phân biệt đường phố của tôi sụt xuống gần zéro. Hơn nữa, mấy chục cây dừa trĩu quả trồng chung quanh nhà đâu rồi? Cây xoài, cây lý đâu rồi? Và cây bông giấy đặc biệt cùng một chùm mà nở ra 2 màu trắng, tím sen đâu rồi? Cây bông giấy mà bất cứ ai đi ngang cũng đều trầm trồ khen ngợi, vì màu sắc tuyệt vời, vì nó nở hoa gần như quanh năm ấy?


Hỏi ra mới hay vì khu nhà tôi nằm gần cái đuôi của phi trường nên người ta bắt phải đốn hết các cây cao để không che khuất tầm nhìn khi máy bay lên xuống.

Tôi là người có tâm hồn hoài cổ (nostalgie), tôi thường nghĩ đến Ngày Xưa -- thời thơ ấu, thời hoa niên đầy mơ với mộng -- Cho nên tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ vì mất đi cây bông giấy "nở ra 2 màu trong cùng 1 chùm hoa". Đi bất cứ nơi nào tôi cũng chưa hề tìm thấy một cây như vậy hết.

Tiếc là ngày đó không có máy chụp hình ghi lại làm kỷ niệm.

Vào nhà , tôi lại bàn thờ đốt nhang và nói chuyện với ông bà ngoại, ba má. Đáp lại tôi là bốn tấm hình nhìn tôi âm thầm, lặng lẽ. Tôi khóc, cổ họng nghẹn cứng.

Từ khi chồng mất, tôi trở thành mít ướt như đúa con nít. Gì cũng khóc. Giống sợi dây đàn, chỉ cần một chút chạm khẻ cũng đủ làm rung lên điệu ngân ai oán.Tôi sang nhà em gái. May mắn là chị em lập gia đình rồi nhưng sống cạnh nhà nhau. Nhìn hình em tôi tươi cười duyên dáng trên bàn thờ tôi lại khóc tiếp. Lúc em tôi bịnh rồi mất cách nay 3 năm tôi không về được. Chỉ theo dõi trò chuyện mỗi ngày qua điện thoại, skype. Rồi em mất, từng giai đoan: liệmvào hòm, thăm viếng phúng điếu, đọc kinh, chuẩn bị đem đi chôn cất...tôi đều chứng kiến từ xa. Chua xót làm sao, cuộc đời không phải lúc nào cũng hể muốn là được; vouloir c'est pouvoir như Tây thường nói. Vì làm sao mình có thể gánh được cái bịnh hoạn cho người khác dù có đổi cả mạng sống hoặc gia tài?

Từ nay tôi nên đổi tên mình từ Giòng Sông Xanh (Thanh Hà) thành Hồ Nước Mắt (Hồ Lệ) mới đúng. Nói bên lề, tôi rất yêu cái tên của mình, hic ! Mỗi khi giới thiệu tên tôi với dân ngoại quốc tôi luôn kèm theo lời giải thích ý nghĩa của nó. Để chờ được nghe họ ồ lên, rồi huýt gió hoặc hát vài câu bài Le beau Danube Bleu của Johann Strauss. Không biết do tôi thích cái tên của mình nên tôi yêu thích bài hát này, hay vì tôi yêu thích điệu valse du dương êm đềm của bài hát mà tôi yêu thích tên tôi?

NGÀY 29 TẾT LÀM TỪ THIỆN

(Lòng ngưỡng mộ dành cho toàn thể BGĐ & Nhân viên ở Trung Tâm Xã Hội Mong Thọ bởi sự tận tuỵ và tình nhân ái của họ)

Vì tôi về cận tết quá, không còn thời giờ nên đã nhờ các cháu chuẩn bị sẵn khoảng 200 phần quà mà chúng tôi dự kiến hôm nay 29 đem tặng để kịp trước tết. Chúng tôi dành tặng những người lớn tuổi không gia đình, những trẻ em mồ côi tàn tật, và các gia đình nghèo chung quanh, người lớn thì 1 bao thư lì xì, 1 gói mứt gồm ba loại củ năng, khoai lang, bí, đường , sữa, bánh ngọt. Trẻ em thì 1 bộ quần áo tuỳ theo tuổi, (đã có danh sách các hạng tuổi, số người), đồ chơi, bánh kẹo. Các gia đình nghèo thì 1 bao thư lì xì, 1 thùng mì, bánh mứt, đường sữa.

Chúng tôi chỉ làm theo khả năng khiêm nhường, với mục đích muốn chia sẻ chút mùa xuân cho những người kém may mắn hơn mình. Gia đình chúng tôi khi có điều kiện vẩn thường làm việc này dù chúng tôi không khá giả. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, lá lành đùm lá rách là thế.

Đến TTXH, chúng tôi vào thăm người lớn tuổi trước, không cần tả mọi người cũng hình dung
Tăng quà cho người lớn tuổi, neo đơn
được phần nào rồi. Người không đau yếu thì ngồi chơi trên các băng ghế, nhưng đa số nằm trên giường vì bịnh. Chúng tôi đến chúc tết từng người, có người còn nở nụ cười và trò chuyện với chúng tôi, còn 
hầu như là trên gương mặt ai cũng có nét buồn lắng đọng, ánh mắt thẩn thờ. Tôi hoàn toàn không ác ý, mà đây là cảm xúc mạnh mẻ ăn sâu vào tâm trí tôi nhất. Tôi thầm hỏi sự hiện diện của mình có mang cho họ chút an ủi nào chăng? Họ, chắc chắn trước kia cũng có một mái ấm gia đình với vợ chồng, con cháu. Thế mà vì sao họ phải nương nhờ vào Trung Tâm? Vào đây, đồng nghĩa với sự vô gia cư, vô gia đình ( là suy nghĩ của tôi ). Hẳn điều họ mong ước trong dịp xuân về là được sum họp với Gia Đình Của Riêng Họ, chứ không phải mấy gói quà này làm cho họ hạnh phúc được.

Tôi bỗng cảm thấy ái ngại, lố bịch khi tự nhiên mang quà cho họ, cái thứ mà có lẽ họ không cần ( vì đã có Trung Tâm lo chu đáo rồi ). Cái họ cần là Tình Yêu Thương Của Chính Gia Đình họ cơ. Mà điều này thì tôi không có để tặng họ được. Giá mà tôi có nhiều thời gian để ngồi lại tâm tình trò chuyện với từng người một. Chắc chắn ai cũng có nỗi niềm chất chứa trong lòng. Nếu trút ra được thì ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, chịu đựng giỏi hơn. Kinh nghiệm bản thân tôi đó.

Cảm giác về sự bất lực của mình càng mạnh hơn khi chúng tôi sang khu trẻ mồ côi mà đa phần là tàn tật và trisomie ( Down's syndrome). Chia làm nhiều phòng tuỳ theo tuổi . Trong 1 căn phòng, có 3 cô điều dưỡng đang cho 3 đứa trẻ ăn. Cả 3 cháu khoảng 6,7 tuổi (?) đều bị bại liệt, trông rất tội nghiệp.

Xin nghiêng mình cảm phục sự tận tâm của các cô điều dưỡng đã chăm sóc người lớn tuổi đau yếu và trẻ em tật nguyền ở Trung tâm này . Họ phải mang sẳn bản tính kiên nhẫn, lòng nhân hậu, sức chịu đựng phi thường thì mới đãm đương được công việc.


Bé gái đòi măc áo
Chúng tôi tặng quà cho các em, lì xì cho các cô. Quà bánh thì các cháu lớn có thể ăn, còn quần áo mới....vài cháu lớn bị bịnh nhẹ thì tỏ ra vui thích, (đặc biệt 1 bé gái khoảng 4 hay 5 tuổi. Bé đòi mặc ngay vào, và giơ 2 ngón tay hình chữ V với chúng tôi. Lúc chúng tôi ra về, bé còn chạy ra cửa vẫy tay chào tiễn biệt rất dễ thương), nhưng những trẻ bị bại liệt nằm trên giường ngày này sang tháng khác, có cháu bị mù và điếc, các cháu có thiết gì quần áo mới hay cũ? Điều các cháu cần là được bàn tay của người mẹ nâng niu, âu yếm chứ đâu phải bộ quần áo mới và mấy chiếc kẹo tôi mang đến!!!!

Được ẳm bồng là điều mà các cháu khát khao trên tất cả, tôi chắc chắn thế.

Có 1 bé gái mới 6 tháng nằm một mình, tôi lại gần bé nhìn tôi rồi khóc, cô nhân viên bảo là bé đòi được ẳm.tôi bế bé, bé nín khóc tức thời. Lát sau tôi đặt bé xuống để đi sang giường khác, bé khóc lớn. Tôi bế lên, bé nín khóc. Và cứ vậy lập đi lập lại. Chỉ mới có 6 tháng mà bé đã biết thèm thuồng một vòng tay yêu thương rồi đó.

Một bé gái khác nằm trên giường cố nghễnh cổ lên nhìn. Bé này môi bị sứt, cha mẹ mắc bịnh AIDS bỏ cho ông bà nội, rồi ông bà nội mang lại Trung Tâm. Bé cũng bị lây nhiễm luôn căn bệnh thế kỷ nầy, tôi bế bé một lát, bé vòng tay ôm tôi chặt cứng. Khi tôi đi qua giường khác, đôi mắt bé nhìn tôi tha thiết như van nài tôi đừng bỏ rơi bé.

Có giường 2 cháu trai câm điếc, bại não nằm chung, 2 đầu về 2 hướng,thân hình méo mó. Thấy tôi lại gần, cháu cũng ngọ ngậy, phát ra tiếng rên, tay quơ quào trong không. Các cô nói là đòi được bế.

Hể tôi đến giường nào, gần như tôi đều thấy những cánh tay giơ lên đòi được bồng bế.

Hai em bé còn ngồi trong xe, khoảng chưa đầy thôi nôi. Hai chiếc xe có 2 sợi dây dài được buộc vào khung cửa hay gì đó để giử cho bé đừng bị ngã. Khi thấy chúng tôi, cả 2 đều cố gắng dùng chân đẩy xe về phía chúng tôi, mắt ngước lên nhìn ngơ ngác, ngây thơ.

Các cô điều dưỡng phải chăm sóc quá nhiều trẻ nên không thể nào bồng ẳm các cháu suốt cả ngày, mà phải chia thì giờ ra cho mỗi cháu một ít.

Những cánh tay bé xíu giơ về phía tôi. Những đôi mắt thơ ngây nhìn tôi không rời. Hình ảnh này vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Trời ơi đáng lẽ tôi phải dành thật nhiều thời gian ở lại chơi với các cháu chứ không chỉ đến trao quà, nựng nịu mỗi cháu một chút rồi ra về như vậy.  

Rồi cho rằng mình đã thực hiện một nghĩa cử thiện nguyện, ban phát niềm vui cho tha nhân, tự bằng lòng coi như đã làm đủ.

Tôi bứt rứt, tự vấn: việc tôi làm có mang chút ý nghĩa nào không?

"Vì cái mình tặng thì họ không cần đâu, còn cái họ cần thì mình lại không có để tặng"

Nếu tôi có chiếc đũa thần, tôi sẽ hoá phép cho các cụ già khoẻ mạnh, đoàn tụ với con cháu. Các bé hết tật nguyền, không mồ côi cha mẹ. Mọi người được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình êm ấm.

Cách đây hơn một năm, chồng tôi mất. Nỗi đau chưa nguôi. Tôi bỏ đi ta bà thế giới -- hết châu Âu, sang Mỹ, Canada -- giờ về VN tìm sự an ủi nơi đại gia đình, tránh căn nhà gợi nhớ những năm hạnh phúc. Giờ tôi đến đây, nhìn thấy hàng trăm người với hàng trăm nỗi bất hạnh đeo mang. Tôi chất thêm nỗi buồn của họ vào chung với của mình.

Rồi đây trong những lần cầu nguyện trước bàn thờ Đức Phật, tôi sẽ cầu nguyện không chỉ cho gia đình tôi được bình an, hạnh phúc mà còn cho cả những người kém may mắn trên thế gian này nữa.


NHỮNG CẢNH ĐỜI KHỐN KHỔ

Trong 3 tháng ở VN, tôi tiếp tục giúp đỡ một số người lạ cũng như quen lâm vào cảnh ngộ khó khăn mà tôi sẽ không kể tên hay chi tiết ở đây.

Như có nói phần trên, chúng tôi còn chuẩn bị vài chục phần quà & bao thơ để tặng cho những người khác, đa phần là những người bán vé số , bán hàng rong thường đi ngang nhà. Tôi xin kể tóm tắt vài chuyện đáng nhớ:

--- Trong những người bán vé số để sinh nhai, có một ông cụ hơn 90 tuổi. Ông kể là tiền kiếm được ông còn nuôi cháu nội mồ côi cha mẹ mắc bịnh tâm thần.

--- Một cô gái di chuyển bằng tứ chi -- hai tay, hai chân chống xuống đất -- vẫn cố gắng đi bán vé số. Cô gái nầy tàn mà không phế, tự mưu sinh chứ không sống kiếp ký sinh trùng. Ngược hẳn với những kẻ thân xác lành lặn mà tâm hồn thì què quặt, vô lương.

--- Một bé trai khoảng 15 tuổi , vừa câm vừa điếc, mắt lại không bình thường (lé), cũng bán vé
 số. Chị tôi tặng quà và quần áo của con trai chị tuy mặc rồi nhưng vẫn còn khá mới. Quà thì cậu nhận, còn gói đồ cậu mở ra xem rồi ra dấu muốn giấy & bút để viết. Chúng tôi khá ngạc
Bé trai bán vé số
nhiên là cậu biết viết (thế nên đừng có trông mặt mà bắt hình dong nhé). Cậu viết như sau: "con chỉ cần quần, áo con đã có nhiều rồi". Cậu trả lại áo cho chị tôi. Chị tôi bảo cậu chờ để vô nhà lấy thêm vài cái quần nữa. Chị kêu cậu lấy luôn cả áo, nhưng cậu từ chối nhất định chỉ nhận quần.



Cậu gây ấn tượng thật mạnh với chúng tôi. Sau đó chị em tôi thường khen ngợi cậu, tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng chứng tỏ cậu bé tật nguyền đầy lòng tự trọng, không tham lam. Cần phải sửa lại cái định kiến: không phải hể nghèo khó rồi ai cho gì cũng nhận, thấy gì cũng ham muốn. Không đâu, người ta nghèo nhưng không mất đi lòng tự trọng.

Cậu vẫn cầm vé số đi ngang nhà chị tôi mỗi ngày. Vẫn hình hài đó nhưng trong mắt tôi, cậu bỗng cao đẹp hơn bội phần.

Tôi tôn trọng cậu.

--- người đàn bà đi bán bánh cam. Mỗi buổi trưa bà bưng một xề bánh còng, bánh cam đi ngang nhà. Nghe tiếng rao: ai ăn bánh cam hôngggggg kéo dài đã thấy sự nhọc nhằn mệt mỏi chứa chất trong giọng bà. Gia đình tôi hay mua giúp bà, dù nhiều khi không ăn. Bà kể rằng bà có 5 đứa con, và khi xưa (chẳng biết khi nào) bà cũng có một ông chồng.

Chồng bà thích chơi hơn làm. Vì vậy hồi đó bà phải đi bán ngày 2 buổi, 2 xề bánh to. Tiền lời đủ nuôi 5 con với 1 chồng, như bà Trần Tế Xương:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ 5 con với 1 chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
                     Trần Tế Xương

Ít ra ông chồng của bà Tú Xương còn để lại cho đời những vần thơ bất hủ. Một hôm thừa cơ bà đi bán , ông chồng cuỗm hết tiền bạc đi theo bà khác mất biệt. Thời gian sau hết tiền, quay về xin vợ tha thứ, bà mềm lòng chấp nhận. Rồi chứng nào tật nấy, ông ôm tiền ra đi lần nữa. Lại quay về, rồi lại ra đi. Lần thứ 3 hay 4 gì đó, bà kêu ông đi luôn đừng quay về nữa. Con bà giờ có người lập gia đình riêng, nhưng nghèo quá không đở đần gì cho bà. Bà bị bịnh thấp khớp, đi đứng trật vuột, bước cao bước thấp, người nhỏ thó chừng 35, 36 kg. Hết sức lực nên bán chỉ 1 buổi , có 200 cái mà thường xuyên ế.
Khi gặp bà lần đầu, tôi chào: chào bác!. Khi bà đi khỏi, chị tôi nói tuổi bà chỉ bằng em gái kế của tôi. Thôi chết rồi. Vậy mà tôi cứ ngở...

--- Tương tự câu chuyện trên, nhưng đây là đàn ông ngoài 40, bị bại liệt một cánh tay, bán vé số, có 2 con. Vợ ôm tiền bạc, tư trang theo đàn ông khác để con lại cho ông nuôi. Thời gian sau bị bỏ rơi, vợ ông quay về. Ông vì thương con (và chắc là còn yêu vợ) nên đồng ý. Rồi bổn cũ soạn lại, chờ ông dành dụm được một số tiền kha khá, lại mang đi tiếp. Hiện giờ thì vợ đã quay về, lần thứ 2. Không biết khi nào sẽ là lần thứ 3 đây??!!!

--- Chuyện cô gái bán vé số ở xóm tôi. Cô là con gái út của chú Tư Nghĩa Quẹo. Quẹo là biệt danh láng giềng đặt cho chú. Không ác ý, không trêu ghẹo. Đơn giản vì tâm hồn họ chơn chất ,
Cô gái út (con của chú Tư Nghĩa Quẹo) và con của cô
mộc mạc, thấy sao nói vậy. Chú bị bịnh bẩm sinh, một cánh tay cong quẹo, lúc nào cũng gác trên vai, bàn tay quặp xuống. Chú có vợ , hai con gái. Khi tôi về thì chú mất đã 6 tháng. Vợ chú 73 tuổi, bịnh tiểu đường và suyển . Đã 2 lần chết đi sống lại (lời của thím). Sống trong căn nhà bé tẹo tèo teo. Cô gái út có 1 con gái 7 tháng. Cô kể là má cô không muốn cô có con với lý do cô là mẹ độc thân, sao nuôi con nổi. Nhưng cô nói, chính vì cô nghĩ đến mai nầy tuổi già đơn độc, nếu không có con lúc ấy lấy ai chăm sóc, hủ hỉ với cô. Lúc tôi về có tặng cô phần quà ăn tết. Ba tuần sau, nghe tin cô bị xe honda đụng khi đi bán vé số về buổi tối. Xe kéo lê cô đi cả hơn chục mét, đầu đập xuống đường, bị chấn thương sọ não. Chở vào bịnh viện, hôn mê mấy ngày, bác sĩ mổ lấy hộp sọ để nuôi cấy gì đó. Cô sống đời thực vật kể từ tai nạn. Lần sau cùng tôi đến thăm trước khi trở sang đây thì cô đã về nhà. Đầu cô lõm vào một bên vì một phần hộp sọ đem ra ngoài nuôi cấy gì đó tôi không rành. Cô không cử động, không nói chuyện. Nhưng khi má cô khẻ lay cô và nhắc đến cô gái cô thì cô mở mắt, một đôi mắt vô hồn. Người gây tai nạn bán rau muống ngoài chợ. Họ cũng biết điều, nhưng chẳng hổ trợ bao nhiêu , vì họ cũng quá nghèo. Láng giềng thương cho hoàn cảnh, giúp đỡ ít nhiều. Nhưng tương lai thì sao? Cô có tỉnh lại hay tiếp tục sống đời thực vật? Cô hãy còn quá trẻ, chắc khoảng 30. Và con gái cô mới có 7 tháng.


Trời ơi, ông thần định mệnh sao nỡ giáng đòn khốc liệt xuống đời những kẻ vốn dĩ đã không được may mắn vậy ông?

Đến thời điểm tôi viết những dòng này, gia đình tôi nói tình trạng cô không khả quan, mà có khuynh hướng trầm trọng thêm. Cặp mắt mở trừng trừng, tứ chi khô cứng, người lở lói khắp nơi vì nằm lâu.

Tôi nghe tin mà lòng buồn vô hạn.

(Còn tiếp...)

2 nhận xét:

  1. Nếu thật sự có luật nhân quả ở trên đời thì cầu mong cho những mảnh đời bất hạnh sớm trả hết nghiệp báo để được bình an và hạnh phúc về sau.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa