Thứ Năm, 11 tháng 6, 2015

Nhân Một Chuyến Về

(Phần Một)

Cho Gaston và đại gia đình yêu dấu của tôi
Ký sự của Thanh Hà Switzerland - June 2015



Từ lâu rồi tôi không còn khả năng viết nữa!

Tôi, một đứa thích đọc sách -- hay đúng hơn là đọc CHỮ, vì hầu như ngày nào tôi cũng phải đọc bất cứ gì: truyện dài, ngắn, tham khảo, thơ, tin tức, tạp chí... ngay cả quảng cáo nếu như không còn gì để đọc -- một ngày mà tôi không được đọc tôi cảm thấy bứt rứt, thiếu thốn như người ta nghiện café, thuốc lá, tứ đổ tường... Đọc là một đam mê mà nó sẽ đeo đẳng theo tôi đến hết đời, tôi chắc thế !

Như nhiều năm trước mỗi lần về thăm nhà, khi trở sang đây đa số mọi người có khuynh hướng mua thức ăn để ăn và quà cáp cho người thân, bạn bè. Còn tôi ngoài quần áo thì chỉ toàn sách là sách, nặng chình chịch. May thay bây giờ là thời đại internet cho nên không cần mua sách giấy nữa, hú hồn!!!

Theo logique thì những ai thích đọc thường là những người thích viết. Ngày xưa tôi nhút nhát đến bệnh hoạn. Hể nhà có khách là tôi tìm cách lẩn trốn, đến chẳng đặng đừng thì mới chịu bước ra chào. Thế nên những gì tôi không dám nói, dám phát biểu thì tôi trãi lòng trên trang giấy. Tôi hay viết truyện dài, truyện ngắn, thơ... Độc giả là... tôi, cùng một số ít người thân, bạn bè tâm giao thôi. Vì lẽ tôi quá xấu hổ sợ bị chê cười thơ văn con cóc của mình nên giấu kín trong tủ. Nhưng tôi vẫn viết đều đặn, chỉ cần trốn vào một góc giường cạnh cửa sổ, không ai lai vãng ngồi tập trung tư tưởng, thế là tư tưởng biến thành câu văn, thơ nằm trên giấy, dễ ợt.

Vậy mà từ lâu rồi tôi không còn khả năng viết nữa! Kỳ lạ chưa?
Giống như một robinet nước bị ai khoá chặt, không còn "hồn thơ lai láng, mạch sống dâng tràn" gì nữa. Nhiều lần mở thử, có chăng chỉ còn vài giọt ri rỉ khiêm nhượng, gượng ép.

Tết này tôi về thăm gia đình, ở lại ba tháng! giống như ngày xưa bãi trường nghỉ hè ba tháng đó.
Mấy lần trước tôi về với tư cách là một thiếu phụ có chồng hạnh phúc.
Lần này tôi về , tôi là một goá phụ. (viết đến đây mà trái tim tôi thắt lại, mắt nhoà nhạt lệ).

"Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia hoá dại khờ..."

Hai câu thơ này diễn tả chính xác tâm trạng tôi hiện nay.

Ba tháng ở VN, tôi có dịp đi nhiều, thấy nhiều. Không như mấy lần trước, vội vội vàng vàng, chưa vui sum họp đã sầu ly tan.
Dư âm (hay dư hương? dư vị?) của chuyến đi vẩn còn sống động trong tôi. Sẳn có khu vườn Trung Học Kiên Thành cho mọi người chung tay trồng cây văn nghệ, tôi cũng cố bứng một nhành cỏ dại đem góp vui cùng Thầy Cô, các bạn. Cây cỏ dại này được tạo ra từ mảnh đất hoàng hôn của cuộc đời nên chắc chắn là nó cằn cỗi thiếu vitamine. Kệ đi hén, miễn sao nó góp mặt là được rồi. Hát hay không bằng hay hát mà.

Được sự khích lệ của HT, chủ trang blog này, nên tôi cũng thử viết xem sao. Sẽ có sự khập khiễng, lạc đề. Vì vậy tôi không biết xếp bài này vào loại gì? Tuỳ bút? Ký sự? Tản văn? Nhật ký? Tạp bút? Có lẽ mỗi thứ một ít.
Thôi thì: "mua vui cũng được một vài trống canh".

A, dạo này tôi đâm ra "nhiều chuyện" gớm. Chỉ cái nhập đề ( mào đầu ) mà đã hết toi mấy trang internet rồi. Kinh nghiệm người đời nói không sai mà: hể càng già thì càng mắc tật nói nhiều, nói dai chứ. Chắc vì sợ không đủ thời gian để nói, hoặc thời gian khiến trở nên lẩm cẩm, chính mình hay quên rồi nghĩ người ta chắc cũng hay quên giống mình nên cần phải lập đi lập lại hoài có một chuyện chứ gì.

Mà thực sự tôi không biết bắt đầu từ đâu? Như thế nào nữa? Hay là thế này: tôi sẽ viết tuần tự theo thời gian, nhớ đến đâu viết đến đấy, chuyện lặt vặt, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện ngày xửa ngày xưa...
Tóm lại, là những gì còn đọng lại trong tôi ít hay nhiều cảm xúc qua chuyến đi này. Mà có thể khi chưa viết thì không biết viết gì, nhưng khi đã bắt đầu rồi thì... kể chuyện trên trời dưới đất không dừng lại được?
Vậy ! Cố gắng viết ngắn gọn càng tốt ( mà hổng biết có được hay không nữa, vì càng già, càng....)

NGÀY 28 TẾT

Mãi đến 28 tết tôi mới đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất
Con đường từ Saigon về Rạch Giá chiều cuối năm xe cộ các loại dập dìu.
Nhưng tôi chú ý nhất là xe hai bánh mà mình thường gọi chung là xe Honda (dù bây giờ đã có đủ các loại, các tên của nhiều quốc gia khác). Thi hào Nguyễn Du viết:
"Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm..."

Tài tử giai nhân VN thời hiện đại đều biến thành Ninja hay Zorro hết rồi.
Ai cũng bịt mặt, cổ, thân, tay, chân kín bưng kín mít
Vì ô nhiễm môi trường, vì nắng thiêu da nám thịt
Vì không ai biết ai là ai nữa nên ra đường không cần ăn mặc đẹp, miễn sao tránh phơi thân dưới ánh mặt trời từ 35 đến 40 độ.

Ôi còn đâu những phụ nữ gương mặt yêu kiều, những chàng trai vóc dáng thanh lịch góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của Saigon quí phái văn minh xưa?
Ôi còn đâu những tà áo dài trắng thướt tha của các nữ sinh lúc đi học và lúc tan trường toả khắp phố phường khiến thi sĩ Nguyên Sa phải thốt lên:

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẩn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẩn còn nguyên lụa trắng..."

Trên chiếc xe 2 bánh, người ta chở đôi, hoặc hai người lớn một trẻ con ngồi giữa. Đằng trước và phía sau thì chất đầy hành lý. Gia đình tôi cắt nghĩa đó là những người đi làm xa, Saigon, có khi tận Bình Dương, Long Thành lũ lượt kéo nhau về quê ăn tết. Dể có đến hàng ngàn chiếc xe như vậy

Tôi bỗng nhớ câu thơ: "chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, huống chi người..." Cho nên cả năm đi làm ăn xa vất vả cách mấy, tết ai cũng mong được về đoàn tụ gia đình, hưởng không khi ấm cúng trong mấy ngày xuân, rồi lại tất tả xếp hành lý lên con ngựa sắt rong ruổi ngược lại con đường quay về chỗ làm việc, cày tiếp.

Tôi nhớ hể Tết là tới mùa trái vú sữa, tôi thèm ăn vì vậy em rể tôi chạy xe theo ngã Cần Thơ,

dọc đường có nhiều trái cây do người ta trồng tự đem ra vệ đường bán. Ghé lại một nơi có bán vú sữa, mận xanh, xoài... Hỏi giá thấy rẻ (20.000 /kg), tức chưa tới 1fr Thuỵ Sĩ. Thế là mua trọn gánh hàng của họ luôn, chắc khoảng 50 kg gì đó. Rồi nào xoài, nào mận... Họ cho mình ăn thử. Wow! ngon tuyệt. Bao nhiêu năm rồi mình không được ăn vú sữa, vì về VN không nhằm mùa.

Trời chiều, nắng vàng còn vương vãi lên cảnh vật hai bên đường. Em rể tôi chọn đường đi ngang Vị Thanh thay vì đi theo Lộ Tẻ. Tim tôi thoáng đập sai nhịp khi nhìn thấy bao nhiêu đám lục bình trôi lặng lẽ trên con kênh đục nước phù sa. Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh ngày xưa, vào những buổi trưa êm ả, mấy chị em chúng tôi thường cắt cây lục bình chơi bán hàng bên hông nhà có mái lá che rợp mát. Bông lục bình màu tim tím, dung dị mà dễ thương vô cùng.
Tự dưng thấy lòng buồn man mác...

"Ngày thơ ơi đã qua mất rồi
Còn tìm đâu con đường cũ dấu yêu..." ( nhạc của ai tôi quên mất, xin lỗi nhạc sĩ )

Hầu như vườn nhà nào cũng trồng chuối, khiến tôi lại nhớ mấy câu thơ (nữa rồi, lúc nào cũng thơ với thẩn, làm như mình... ngon lắm, giỏi lắm vậy, nhưng biết sao giờ, hồn thơ con cóc nó
trỗi dậy mà): "gió đưa bụi chuối sau hè.... Hoặc Mẹ già như chuối chín cây, gió lay Mẹ rụng con rày mồ côi". Mắt tôi cay sè. Chúng tôi mồ côi ba má đã 10 năm nay! Còn đâu nữa mỗi lần về có má lên tận phi trường đón, rồi đưa đi. Còn đâu nữa mỗi lần đi, có ba đứng tựa cửa tiễn con gái ra xe.

Lần lượt, lần lượt từng người thân yêu bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, ôi những giòng sông nhỏ, còn lại mình đời đã rong rêu ( nhạc TCS )

Và những cánh đồng lúa hãy còn là mạ non mơn mởn. Gợi trong tôi kỷ niệm 40 năm về trước. Thời thế thế thời phải thế, cho nên chúng tôi bị nghỉ học về nhà đi ra ruộng. Tuy không biết cày cấy, nhưng vẩn phải đi. Ngoại dựng tạm một túp lều trên bờ đê nhỏ vừa đủ trải một chiếc chiếu để chị em tôi mang sách và khoai lang luộc, cái mền nữa chứ, sáng đi chiều về như ai, nhưng có điều là ra đó nằm đọc sách ăn khoai. Nói vậy chứ tới mùa gặt lúa thì tôi cũng phụ giủ rơm để kiếm hạt lúa còn sót lại khi người thợ quăng bó lúa đã đập xong ra đống rơm -- lúc
đó chưa dùng máy tuốt lúa, chỉ sức người đập lên một tấm ván để nằm 45 độ cho hạt lúa rơi ra --. Cứ cúi xuống đứng lên từ sáng đến chiều, lưng tôi đau nhức vô cùng nhưng không dám than vì sợ ngoại đau khổ đứt ruột cho đám cháu từ nhỏ tới... đó chỉ biết ăn & học .

Ngoài ra tôi còn mang cơm ra đồng cho những người thợ phụ mỗi khi cấy lúa, gặt lúa, đập lúa. Rồi khi lúa đã chở về nhà thì xúc vào thúng đem ra phơi nắng... và thỉnh thoảng theo bà ngoại chèo xuồng mang chục bao gạo lại nhà máy xay lúa xay ra gạo để ăn. Tôi ngồi trước mũi, bà ngoại ngồi sau lái. Dọc theo hai bên sông có nhiều cây dại, đến mùa đơm bông , nở hoa màu hồng phấn hoặc tím ngát mà tôi không biết tên. Tôi vừa bơi xuồng ( chắc cũng chẳng giúp ích bà ngoại được bao nhiêu, vì có biết sử dụng cây dầm đâu) vừa thả hồn mơ mộng, về nhà làm được mấy bài thơ.

Ông ngoại, bà ngoại ơi! Con về thăm nhà đây nè. Mà bóng dáng lom khom của hai ngoại với nụ cười nhăn nheo, đôi mắt mờ lệ đâu rồi!!!

Ba má ơi, con của ba má về thăm nhà đây nè. Thu Yên ơi, chị về thăm nhà đây nè.

"Những người muôn năm ấy
Hồn ở đâu bây giờ?" (Thơ Vũ Đình Liên )


>> (Còn tiếp)

3 nhận xét:

  1. Bài viết rata xúc động má 4 ơi! Má 4 gọi cho con nhớ về biết bao là kỷ niệm. Mặc dù con là thế hệ trẻ sau này nhưng tuổi thơ của con cũng có những nét tương đồng như những gì má 4 kể. Nó cũng rất đẹp, rất yên bình và hạnh phúc. Con rất nhớ ông bà và mẹ của con. Con rất xúc động khi đọc bài viết này vì nó quá chân thật và rất dễ đi vào lòng người!!!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. M4 ơi con muốn chạy thật nhanh về nhà gặp Ba gặp Mẹ, ôm hai người thật chặt thật lâu, con muốn nói: 'Ba Mẹ ơi hãy sống mãi bên con nhé, đừng bao giờ rời xa con' Con không biết mình sẽ ra sao nếu không còn Ba Mẹ trên đời nữa. Nghĩ vậy mà thấy thương nhóc Đạt quá, thương những ai sớm mồ côi Cha Mẹ, đó thật là một sự mất mát quá lớn lao. Đọc những dòng chia sẻ của M4 mà như thấy lại cảnh tượng ngày xưa, ngày tụi con còn rất nhỏ đang hiện ra trước mắt, khác chăng là Ba Má của M4 chính là Ông Bà ngoại của tụi con, cũng hiền lành và yêu thương con cháu hết mực. Tuy cuộc sống lúc đó có khó khăn nhưng vẫn vui vẫn hạnh phúc, mọi người lúc nào cũng bên nhau chia sẻ buồn vui, chưa bao giờ tụi con thấy thiếu thốn điều gì. Nhân đây con xin cảm ơn tạo hóa đã cho con được sinh ra là một thành viên trong gia đình mình. 'Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm ai ơi ' Sống trên đời dẫu biết là vô thường mà sao người ta cứ phải đau khổ vì sự hợp tan.

    Trả lờiXóa