Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Tình Đầu

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Phong Dinh



Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rũa thầm con nhỏ. Sáng nay, lần đầu tiên có kinh, lại đúng vào giờ Sử của thầy Tấn, tôi vừa sợ vừa mắc cở đến có thể chết được.  Chân tay lạnh ngắt, nước mắt lưng tròng. May sao nhỏ Oanh thấy được, xin thầy cho tôi về sớm. Không biết nó lên nói gì với thầy Tấn, chỉ biết thầy nhìn tôi rồi gật đầu lia lịa.  Ra khỏi trường tôi gạn hỏi nó, Oanh ôm bụng cười ngất: "Tao nói mầy bị đau bụng, tiêu chảy. Xin ổng cho về ngay, sợ chạy ra cầu cá không kịp". Nghe, tôi giận lắm nhưng lúc nầy đành nuốt giận, xuống giọng hỏi nó bây giờ mình phải làm sao. Oanh hất mặt làm lành: "Thì ra chợ mua băng vệ sinh rồi về nhà tao. Nếu mi mắc cở thì đứng ngoài đợi, tao mua cho". Rồi Oanh biến mất cho đến bây giờ.
- Xong rồi nhỏ. Chuồn lẹ đi!

Oanh ôm một gói bọc giấy, kéo tay tôi đi nhanh. Nhìn khuôn mặt xương dài, mái tóc cắt ngắn láo lỉnh, tôi cảm phục nó vô cùng. Bằng tuổi tôi, không hiểu sao Oanh "chì" đến như vậy. Chuyện gì nó cũng đương đầu, giải quyết một cách dễ dàng. Chớ không như tôi, lúc nào cũng dễ mắc cở, mũi lòng như bánh tráng nhúng nước. Nhớ lần thằng Hải học cùng lớp, viết thư tỏ tình với tôi. Vừa sợ lại vừa mắc cở, không biết phải làm sao, tôi đem thư Hải đến nhờ Oanh giúp ý giải quyết. Nó đọc hết thư, lấy viết đỏ sửa lỗi chính tả chấm câu, gạch đích phê bình đầy kín bức thư rồi cho ba điểm rưởi. Chưa hết, giờ chơi hôm sau, Oanh đem lá thư đọc cho cả lớp nghe kèm với lời phân tích của nó. Đến nổi Hải phải lấy cớ bệnh, nghỉ học cả tuần lễ. Từ đó chẳng còn đứa con trai nào dám léo lánh, viết thư tỏ tình với tôi nữa. Và cứ thế mà thời gian trôi qua, tôi cùng Oanh lớn lên một thời con gái...

      ***

- Tóc nhỏ thơm nức mùi chanh.
- Mới gội đầu hồi chiều.
Tôi nói không quay đầu lại,  mặc cho Oanh ve vuốt, hít hà vớI mái tóc dài mượt của tôi mà trong trường, ngoài phố ai đi ngang cũng phải trầm trồ, chiêm ngưỡng. Oanh thường nịnh tôi rằng, "Dinh có mái tóc đẹp nhất thị xã". 

- Nhỏ à, mai mốt lỡ nhỏ có thất tình đi tu, hứa cho ta mái tóc làm đầu tóc mượn nghen.
- Con quỷ!
- Quỷ yêu hả... "Tóc mai sợi ngắn sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm", nhỏ à.

Tôi yên lặng, không hưởng ứng làm Oanh cụt hứng. Đầu óc tôi đang đeo đuổI buổi hẹn hò với Qúi hồi chiều. Thư qua thư lại mấy tháng nay, đây là lần thứ nhì tôi và Qúi gặp riêng. Lần đầu trong đêm lửa trại liên hoan của trường cuối năm. Lần đó, hai đứa chỉ hỏi thăm nói chuyện vớ vẩn, chẳng đâu vào đâu. Tôi thất vọng vô cùng, mặc dù có rất nhiều tình cảm với Qúi. Trong thư Qúi tình tứ , mơ mộng bao nhiêu thì khi gặp mặt, Qúi vụng về, ngớ ngẩn bấy nhiêu. Từ đó, tôi muốn giữ tình cảm mình cho Qúi ở những bức thư nên từ chối bao lần hẹn hò của Qúi... Nhưng lần nầy qua thư, Qúi bảo có chuyện rất hệ trọng cần gặp. Tôi đành phá lệ. Qúi báo tin sẽ nhập ngũ khóa trừ bị Thủ Đức vào tuần tới. Quá đột ngột trước tin giả từ, tôi tê lặng cả lòng. Bất chợt, Qúi cầm tay và hôn thật lâu trên môi tôi. Toàn thân tôi rung rẩy, nóng bừng với nụ hôn đầu đời con gái. Tự dưng tôi chợt khóc nhẹ nhàng và xót xa cho mối tình của Qúi. Hốt hoảng khi thấy tôi khóc, Qúi xin lỗi, nếu hành động đó có làm tổn thương tôi. Tôi gượng cười, nhìn Qúi lắc đầu. Qúi hứa sẽ viết thư cho tôi mỗi tuần và bắt tôi hứa sẽ chờ đợi ngày Qúi trở về. Nhưng Qúi không nói trở về để làm gì?  Rồi từ đó trở đi, hai đứa yên lặng ngồi nhìn dòng sông chiều hững hờ chảy quanh thị xã.

- Đang tưởng nhớ đến chàng Qúi khùng của mi phải không.
- Đụng ai mi cũng chê, cũng gọi khùng gọi điên hết.
- Chớ hổng khùng sao cứ mỗi ngày cứ đi qua đi lại nhà em cả chục lần, mặt bờ phờ, thiếu ngủ. Chừng gặp em thì cứ thộn mặt ra, miệng ú ớ nói năng lập bập như người á khẩu.

Tôi không nhịn cười được nữa, thua nó. Được nước Oanh ôm chặc lấy tôi, thủ thỉ:
- Lại nay mai, em hậu phương anh tiền tiến, mùi quá cở. Cho tao ké với, nghe.

Chịu. Không có gì mà dấu được với Oanh và không gì mà nó không diễu được.  Cũng may mà còn có Oanh, còn được nụ cười trước bao nhiêu cảnh trái lòng tang thương ở thời buổi nầy. Nhưng, miệng Oanh thì cứ rành mọi chuyện như rành sáu câu vọng cổ, vậy mà đến nay Oanh chưa có được một cuộc tình nào. Năm nay lại là năm cuối cùng của bậc trung học, chiến tranh thì đang lan tràn khốc liệt trên mọi con đường, ngõ ngách của quê hương. Không ai trong đám con gái lớp tôi lại không muốn có một cuộc tình, một người yêu cho cuộc sống bấp bênh nầy. Tiếng bom đạn vây quanh, vang dội thị xã mỗi đêm. Biết bao nhiêu hình ảnh những người thiếu phụ trẻ khóc chồng, tuổI không quá đôi mươi. Cuộc chiến tranh đẩy thế hệ chúng tôi vào cảnh biệt ly quá vội. Từng lớp thanh niên của thị xã đã ra đi và đã trở về vĩnh viển với lòng đất quê hương. Vậy mà không hiểu sao Oanh lại hững hờ với những người đeo đuổi nó? Vậy mà không hiểu sao tôi lại chẳng thiết tha với mối tình của Qúi? Một phần của tôi thì ước mơ đến trằn trọc, phần khác lại dững dưng đến khó hiểu. Hai vú đã nở căng thành ngực, và tôi đã không còn sợ hải, mắc cở những lần có kinh mỗi tháng. Tôi đã là con gái. Một người con gái đẹp của thị xã, như lời Oanh thường nửa đùa nửa thật. Những ánh mắt của đám con trai cùng trường, trong thị xã là tấm gương lớn cho tôi soi từng vẻ đẹp của mình... Năm gần đây, Oanh thường rũ tôi xuống nhà nó ngủ đêm, để ăn vặt và tâm sự. Nhà tôi chật lại nằm trong trại gia binh, nên tôi ít khi rũ rê bạn bè đến chơi. Ngược lại, nhà Oanh rộng thênh thang nằm trên đường lộ cái, lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại.

- Ê, bộ ngủ thiệt hả nhỏ. Người xưa đốt đuốc đi chơi, đời ngắn ngủi, uổng lắm. 
- Còn chuyện mi với ông Sanh tới đâu rồi? Tôi quay đầu lại, chọc nó.
- Ông Sanh vồ đó hả. Trung úy gì đâu mà gặp gái như gà mái mắc đẻ. Mày hổng nghe người ta nói sao "Em ơi đừng lấy pháo binh, đêm đêm nó thục rung rinh cái nhà. Chết ta nhỏ à..!".

Hai đứa ôm nhau cười đến chảy nước mắt. Sanh là trung úy pháo binh ở tiểu khu, đã ba mươi hai tuổi mà nghe đâu chưa "sang ngang" lần nào. Chàng pháo binh có cái trán vồ bướng bỉnh đó theo đuổi Oanh hơn mấy tháng nay, và có lần đã nhờ người đến ngõ lời với má Oanh xin được hỏi cưới. Oanh mắc cở, nổi giận bỏ qua nhà tôi ở lỳ mấy bữa. Nó còn nói, ở đây thiếu gì người sao ổng lại nhằm tao mà thương. Con quỷ, tôi chưa thấy ai như nó. Con gái mới lớn, được người ta đeo đuổi lại còn đường hoàng xin cưới hỏi, không mừng không hãnh diện lại còn nổi giận bỏ đi, thì thiệt là hết nước nói.

- Dinh à, nếu có bà tiên hiện ra cho mi một điều ước, thì nhỏ ước gì ? 
- Một thôi hả. Ít quá.
- Một thôi. Đừng tham lam con ạ !
- Để coi...

 Tôi chớp mắt nhìn lên trần nhà, tay vuốt nhẹ lọn tóc, đưa lên môi cắn nhè nhẹ:
 - Tao ước sẽ trở thành công chúa diệu hiền, kêu gọi con người hãy chấm dứt chiến tranh, đừng dùng bom đạn giết hại lẫn nhau nữa... Còn mi, mi mơ ước điều gì ?

 - Tao ước được trở thành hoàng tử để theo bảo vệ công chúa diệu hiền suốt đời.   
  
Oanh đáp thật nhanh, giọng nó trầm lắng, mơ hồ. Bàn tay xương dài của Oanh ôm chặc lấy vòng ngực tôi đến nghẹt thở. Đêm chợt như hụt hẩng, chìm sâu. Tự dưng tôi thấy lòng mình lo sợ. Lo sợ cho những bất trắc đang rình rập chung quanh của đêm tối và của cả ngày mai. Tôi nghe tim mình đập mạnh, thổn thức. Co mình trong vòng tay Oanh, tôi muốn giây phút nầy được tồn tại mãi mãi. Để mãi mãi tôi và Oanh nằm cạnh bên nhau. Để mãi mãi cuộc đời không chia cắt chúng tôi như bao nhiêu người khác. Ôi tuổi trẻ chúng tôi mà mỗi ánh mắt, vòng tay cho tình yêu đã đâu đó đợi sẵn nỗi chia lià, ly biệt... Tôi nghe rõ từng tiếng thở dài của Oanh và mùi hương chanh thoang thoảng từ tóc tôi. Tiếng còi giới nghiêm của thị xã vang lên, ngân dài nỗi nghẹn ngào quen thuộc.

Thị xã đã nhỏ, nay càng vắng vẻ và buồn hơn. Từng lớp người bỏ ra đi, ở một nơi nào đó hoặc vĩnh viển về với lòng đất quê hương. Còn lại chăng là nỗi quặn đau của con sông cái lớn cố bồi đấp một bên bờ, từ bờ lở của bên kia. Bãi đấp sông càng rộng, những chuyến đò chở ly biệt càng nhiều. Đất nước tôi sao quá ít niềm vui và tràn đầy nước mắt. Những cây tre già ủ rũ nắng gió, rạp mình khóc cho bao nụ năng non... Qúi cũng đã trở về trên chuyến đò biệt ly đó. Tôi đã khóc, khóc đến không còn nước mắt để trãi hết tiếc thương cho một mối tình thơ đẹp. Từ đó, tôi sợ nhiều nơi chốn, nhiều con đường của phố chợ. Tôi cố tránh để không phải đi qua, để không phải nhìn lại những bóng hình của quá khứ. Ông trung úy pháo binh, "Sanh vồ" của Oanh, cũng vĩnh viển ra đi mang theo cả lời cưới hỏi dở dang... Chừng như thị xã chỉ còn lại đám con gái chúng tôi. Chừng như chỉ còn tôi và Oanh trong những ngày chiến tranh thật buồn. Hai đứa càng thương và quấn quít nhau hơn. Oanh đã xa rời sách vở của trường lớp để đi vào tần tảo với trường đời. Tôi thì trở lại ngôi trường lớp học tuổi thơ, để làm cô giáo trẻ với phấn trắng bảng đen. Sạp tạp-hóa của Oanh mỗi ngày một khá. Nhiều đám khác đánh tiếng dạm hỏi nó, cũng chỉ đem lại cho hai đứa những trận chọc cười ra nước mắt. Tôi càng lớn càng có da có ngực, mái tóc thêm dài phủ kín cả lưng. Oanh thì ngược lại, càng ngày càng ốm, cao lêu nghêu thiếu ngực và tóc lúc nào cũng cắt cao khỏi ót. Mỗi ngày sau giờ dạy, tôi thường ghé Oanh tán dóc, ăn vặt hoặc phụ giúp chút tay khi đông khách và ngủ đêm nhà Oanh nhiều hơn. Đêm nào cũng vậy, câu chuyện luôn bắt đầu bằng một khuôn mặt, một cái tên, một kỷ niệm để rồi đi đến hiện tại đang trôi qua lặng lẽ, buồn tênh. Tôi và Oanh không còn nhắc đến chuyện ước mơ của bà tiên có phép nữa mà cứ thẩn thờ khi nghĩ đến ngày mai. Những đêm đó, nhất là những đêm mưa, Oanh ôm chặc lấy tôi và hai đứa luôn có những giấc ngũ yên lành bên nhau. Tôi thường có nhiều cơn ác mộng. Khuôn mặt u buồn của Qúi; khuôn mặt của xác người lính bên kia kéo về nằm dọc bên hông chợ. Khuôn mặt của những người vợ trẻ, đôi mắt vô hồn, đưa tay dở từng xác người để nhận mặt người thương... Vậy mà bên Oanh, tôi luôn có được những giấc ngủ an lành, không mộng dữ. Lâu thành quen, quen thành nhớ. Thỉnh thoảng những đêm khó ngủ hay bừng dậy sau cơn ác mộng tôi thèm vòng tay ôm và cái chân dài gác ngang người tôi của Oanh.

Từng ngày lặng lẽ trôi qua tưởng chừng như vô tận. Đến mùa mưa, Oanh mua được căn nhà cuối chợ, dọn ra ở riêng. Nó nằng nặc đòi tôi ra ở chung, vừa có bạn có bè vừa gần trường gần chợ. Tôi đang chần chừ, chưa kịp quyết định thì gặp Khải. Khác với những đứa con trai, những người đàn ông tôi đã gặp, Khải hiện ra như kết tụ tận cùng trong tôi bao nỗi đợi chờ. Lần đầu tiên nhìn vào mắt Khải, tôi biết ngay anh là định mệnh của đời mình. Tôi yêu Khải tha thiết. Đáp lại, Khải rơi vào tình tôi cũng không kém phần say đắm. Anh đến trường, đến nhà đưa đón, gặp gỡ tôi bất cứ cơ hội nào cho phép. Những buổi hẹn hò và nụ hôn đầu đời anh đã mở cho tôi tất cả cánh cửa của cảm xúc, rung động đầu đời. Bên anh tôi không còn là tôi nữa. Tôi thuộc về anh hoàn toàn. Khải cho tôi biết giá trị thiêng liêng của từng phần cơ thể. Từ đôi môi, bờ ngực đến phần tận cùng kín đáo nhất của cơ thể tôi. Một ngày vắng anh là tôi trăn trở nhớ thương. Mỗi lần bên anh là tôi khám phá thêm bao niềm hạnh phúc mới. Những đêm anh cấm trại, hành quân là tôi sợ hãi, thù ghét bóng đen và tiếng bom đạn của chiến tranh. Tôi biết nếu mất anh tôi sẽ không còn một lý do, ước nguyện nào để tồn tại đời nầy. Và, cũng vì chính anh, tôi mất đi một phần của chính tôi. Oanh. Như bao nhiêu lần khác, Oanh luôn trêu chọc, gọi Khải là "chàng ngốc bán than". Cái mặt anh chàng ngó vừa ngốc lại vừa đen. Nhưng lần nầy, Oanh không còn được tôi hưởng ứng nữa, cụt hứng và còn giận lây cả tôi lẫn Khải. Đến lúc Oanh biết chắc tôi và Khải yêu nhau tha thiết thì nó thay đổi thái độ hoàn toàn. Oanh thường buồn bực, dễ cáu và tìm cách lánh gặp mặt tôi. Những đêm ngủ chung thưa dần và Oanh không còn nhắc đến chuyện tôi dọn về ở chung nữa. Ngược lại, mối tình của Khải phủ vây nên tôi cũng không quan tâm lắm đến những bất thường của nó... Khải bàn với tôi về chuyện hôn nhân. Vài tháng sau là đám hỏi và chúng tôi dự định ngày cưới vào đầu mùa xuân năm nay. Trước những ngày trọng đại nầy, tự dưng tôi chợt nhớ nhiều đến Oanh. Tôi thấy mình có lỗi nhiều với bạn. Có những đêm, tôi nhớ và thương Oanh trằn trọc. Nếu thật sự có một người đàn ông nào đó, đến với đời Oanh và chiếm đoạt hết mọi quan hệ tình cảm của Oanh chắc chắn tôi cũng sẽ buồn vô cùng. Tôi làm lành và đem kể hết nỗi lòng với Oanh. Hai đứa ôm chầm lấy nhau, tôi lại được dịp khóc ngon lành. Oanh trở lại chăm sóc, chìu chuộng tôi nhiều hơn trước. Nhiều lần gặp gở, chuyện trò Oanh không ưa Khải ra mặt. Đến nổi có lần Khải phải than phiền, nửa đùa nửa thật:

- Chắc là Oanh ghen với anh.
- Anh đừng nói bậy. Tại tính tình anh và Oanh không hợp với nhau.

Tôi giẩy nẩy. Khải chỉ cười, lắc đầu không nói gì thêm. Tôi tự thấy mình cũng khó hiểu. Gần Khải thì tôi thấy ái ngại, xót xa cho Oanh. Bên Oanh thì tôi thương nhớ Khải vô cùng. Cuộc sống thật trớ trêu trước những lựa chọn. Mà, có lựa chọn nào không mất mát bao giờ. Tôi không muốn sự mất mát tại sao tôi phải chọn giữa Khải và Oanh. Hơn nữa trái tim tôi cúi đầu chọn Khải, phần còn lại là đầy ấp bóng hình Oanh.

Trước ngày cưới hai hôm, tôi nhận được gói quà và bức thư ngắn của Oanh. 

"Dinh thương, 
Khi nhỏ đọc những giòng chữ này thì Oanh đã đi xa. Thật xa. Dinh ơi,
nhỏ biết đó, Oanh có thể đương đầu, chịu đựng mọi nghịch cảnh, mọi đớn
đau trên cuộc đời này. Nhưng, Oanh không thể nào chịu đựng sự mất Dinh.
Sự mất mát khi Dinh sẽ hoàn toàn thuộc về người khác. Chúc Dinh hạnh
phúc bên chồng và sẽ quên Oanh đi mãi mãi. 
Người thương yêu nhỏ suốt đời. 
Kiều Oanh. " 

                                  ***

Huyện lỵ vùng cao, gíó núi thổi đông về trở mình se sắt lạnh. Ngày thật ngắn và đêm thì thăm thẳm hơn nhiều. Ngọn đèn chông liu riu, yếu ớt không đủ ánh sáng soi hết trang giấy học trò. Đôi mắt tôi hoa lên, mệt mõi. Tôi buông cây viết đỏ chấm bài, đưa tay vặn nhỏ ngọn đèn dầu lại. Lần từng bước về phiá giường ngủ tôi đã nghe tiếng ngáy nặng nề, đứt khoảngcủa Khải. Vậy mà tám năm đã vụt qua cửa sổ. Tám năm thôi cuộc đời đã xô đẩy tôi vào nhiều ngõ ngoặt nhiều nghịch cảnh để phải quen dần. Căn nhà yên lặng tối tăm. Chiếc lồng của tôi đến nay vẫn trống. Tôi và Khải vẫn không có được đứa con nào. Những cố gắng, hy vọng ban đầu lụi tàn dần chỉ còn lại là sự chấp nhận. Tôi và Khải vẫn là vợ chồng, vẫn có với nhau bao điều hạnh phúc. Nhưng bao điều hạnh phúc đó không thể lấp đầy trong tôi và Khải khoảng trống không cùng. Tiếng khóc của trẻ thơ. Với Khải là những cơn say, những cuộc rượu mà tôi thấy anh uống trọn biết bao điều cay đắng. Còn với tôi thì không chỉ vậy. Không. Không phải. Mà là Oanh. Tôi nhớ và thèm da diết được một lần nằm cạnh bên Oanh, nghe lại giọng nói, tiếng cười và bàn tay xương dài ve vuốt từng sợi tóc tôi tỏa mùi hương chanh. Oanh biệt tin từ đó đến nay. Tôi không nói với Khải về bức thư. Buổi chiều, trước ngày rước dâu, tôi đã đốt nó vì tôi đã thuộc lòng từng nét, từng chữ của Oanh. Tôi đã tìm kiếm, nhắn tin Oanh khắp nơi. Không một dấu vết, không một âm vang. Vài năm gần đây, có tin Oanh đã vượt biên và đang sống ở Mỹ. Không hiểu giờ đây Oanh sống thế nào, với ai và có còn nhớ đến tình tôi hay không. Để đêm đêm trong vòng tay của Khải, hay như đêm naynằm lặng lẽ bên tiếng ngáy khó nhọc của chồng, tôi nghe từng nức nở réo gọi: Oanh ơi, Oanh ơi ... !
                                                        

Nguyễn Thị Phong Dinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét