Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Tơ Lòng Còn Vương - Kỳ 3

Truyện ngắn của Thanh Hà - Switzerland


Xa em đi như trong cổ tích
Gặp nhau rồi sao để mất nhau.  (thơ Th.H)

Lời của Đằng lúc 19 tuổi:

Tôi giờ là người vừa chớm bước qua tuổi trưởng thành, đang chuẩn bị thi cuối năm thứ nhất ngành Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt.

Năm năm trước, gia đình chúng tôi đã chuyển đến một tỉnh thuộc vùngcao nguyêntheo bước đường binh nghiệp của ba. 
Ba tôi là dân chính gốc vùng vừa có biển lẫn sông với chi chít những kinh rạch ruộng đồng, nơi anh em tôi được sinh ra và sống hết thời niên thiếu. Còn má tôi gốc Đà Lạt. Thỉnh thoảng ba hay nói đùa gia đình tôi tiêu biểu dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên: ba là hậu duệ ông Lạc Long Quân sinh ở biển, còn má là con cháu bà Âu Cơ sinh ở núi nên phải chia thời gian lên non xuống biển mà sống cho đồng đều. Nhưng khi nào tàn chiến tranh rời binh nghiệp ba sẽ về sống ngay quê nhà miền biển.

Mấy hôm trước khi đi, má tôi buồn dàu dàu vì tiếc vườn hoa sợ không ai chăm sóc chúng sẽ lụi tàn. Khoảng sân trước trồng cỏ, vài gốc mai vàng, cây bông sứ, bông trang. Mảnh sân sau mới thực sự là một thiên đường nho nhỏ của má với nhiều kỳ hoa dị thảo, vài cây đại thụ ít ai biết tên. Đa phần là những cây hoa khá hiếm, tên rất thơ mộng tưởng chỉ có trong sách vở. Ai thấy cũng trầm trồ hỏi má sưu tầm đâu ra các loại thực vật nầy. Cũng dễ hiểu vì má là con gái Đà Lạt, nhà ông bà ngoại làm nghề trồng hoa nên từ nhỏ má đã được đắm mình trong cái không gian mỹ miều ảo diệu cơ man là hoa , niềm đam mê đó đeo bám má là điều tự nhiên thôi. Thỉnh thoảng má vẫn nói:
--Tiếc là má sinh ra toàn con trai, chả có một tiểu thư nào để má truyền cho cái thú chơi hoa và chăm sóc chúng.

Anh Khải, anh Phúc cãi:
--Có tụi con nè. Nhờ vườn hoa của má mà con lấy cảm hứng sáng tác nhạc, còn Phúc thì làm bao nhiêu bài thơ rồi không thấy sao?
--Thôi các cậu ơi, viết nhạc làm thơ để đi tán gái là giỏi chớ có chịu tiếp má chăm sóc vun trồng gì. Ừ mà tụi con phải lo học chớ không phải chỉ ngồi mơ với mộng nghe, đó mới là mục đích chính à.
--Thì tụi con cũng học giỏi vậy chỉ thua anh Tường chút xíu, làm thơ viết nhạc để giải trí chớ có để tán gái đâu má . Anh Khải chống chế.

Ba phụ hoạ:
--Ba cưới má tụi con cũng nhờ cái vườn hoa của ông bà ngoại nhé.Hồi đó ba theo học trường Võ Bị trên nàymỗi dịp cuối tuần ba và vài người bạn hay ra ngoài đi lang thang chơi, tình cờ một hôm đi ngang vườn hoa của ông bà ngoại thấy cô gái tưới cây lạ lạ, sao trước đó ba cũng đi ngang mấy lần mà đâu thấy. Vừa gặp là ba như bị sét đánh trúng ngay tim luôn, hoa đã đẹp mà người tưới còn đẹp hơn. Một đoá hoa nổi trội giữa một rừng hoa đó nghe. Thế là tuần nào cũng giả bộ lân la có chút ít tiền chỉ để dành mua hoa thôi, thời gian sau ông ngoại biết nên hỏi toẹt rằng: mục đích cậu đến mua hoa hay là để thăm con gái tôi vậy. Ba thú thật thế là ông ngoại nói nếu con gái tôi đồng ý thì cậu về thưa cha mẹ cậu lên đây tôi gả.
--Trời, ba là lính mà cũng lãng mạn dữ a. 
Các anh chọc, má lắc đầu nhưng cười có vẻ sung sướng:
--Thật cha nào con nấy.

Ba và anh Tường vẫn hay giúp má tưới cây lúc rảnh. Còn anh Khải, Phúc và tôi thì khi nào má sai mới chịu làm. Nhất là tôi, phá thì siêng thôi.

Căn nhà cất trên đất của ông bà nội chia cho mỗi người con nên không  bán.Tạm thời giao cô sáu em của ba trông nom, cô ở xa thị xã nên cho mấy người con trai tức em họ của tôi đến ở để đi học trường tỉnh cho tiện. Tuy họ vai em nhưng tuổi bằng anh Khải anh Phúc trở lên nên tôi gọi bằng anh. Cô sáu thuê một bà lớn tuổi đến nấu ăn giặt giủ cho các anh.

Thỉnh thoảng nghỉ hè hay dịp tết chúng tôi về chơi thì thấy quả đúng như sự lo xa của má. Những cây đại thụ, gốc mai, sứ vẫn sống nhưng mấy giàn hoa đã chết hết hoặc khô cằn lơ thơ vài chiếc lá.
Nhưng không trách các anh được. Vì họ cũng chỉ là mấy thiếu niên tuổi chơi và học, làm gì có thời gian và kinh nghiệm mà chăm sóc hoa kiểng.

Ba tôi xuất thân binh nghiệp nên muốn các con trai phải mạnh mẽ, luôn khuyến khích chúng tôi phát huy một môn thể thao nào đó để rèn luyện sức dẻo dai chịu đựng nhiều nhất có thể. Lúc nhỏ mỗi khi tôi đi chơi về quần áo lấm lem ướt nhẹp bùn đất hoặc rách te tua , má cằn nhằn dơ quá giặt không sạch doạ cho tôi mặc đồ vá chứ không tiền mua hoài thì ba binh vực:
--Thôi em chịu khó với cha con anh đi. Trời bắt số em phải khổ nên mới sanh toàn con trai chớ không cho con gái rồi--Nói tới đó ba nháy mắt với anh em chúng tôi--Đã là trai thì phải hùng dũng tập dần từ nhỏ cho quen, thể chất mạnh thì mới kéo theo tinh thần mạnh được. Em cấm nó không được dơ thì nó không dám nhúc nhích, ru rú như con gái suốt ngày trở nên yếu đuối sau này sao trở thành cây tùng cây bách phục vụ đất nước và là chỗ dựa cho vợ con nhờ được. Con trai phải vùng vẫy dọc ngang mới là con trai em à.

Kể cũng lạ, là tôi hay nghe người ta khen ba má tôi có phước sinh toàn con trai. Ngược lại nhà ai chỉ sinh con gái thì họ nhất định phải cố để có con trai nối dõi, có nhiều bà mẹ chồng do nàng dâu không sinh trai nên xúi con bỏ vợ cưới người khác cho khỏi tuyệt tự. Tôi biết là ba không quan trọng chuyện con là trai hay gái, đôi lúc nghe ba ước phải chi nhà có một cô con gái để nũng nịu, làm duyên làm dáng. Ừ nhỉ, nhiều khi chính tôi cũng mong mình có một cô em để được làm anh ra oai bắt nạt, sai biểu nầy kia...
Khi nghĩ về em gái, tôi giả sử Trúc Đào là em để tôi sai khiến mà không ngăn được mĩm cười. Gì chứ chắc không có chuyện Trúc Đào vâng lời tôi đâu, có khi ngược lại nữa là khác căn cứ vào sự bướng bĩnh tự kiêu của nhỏ. Ừ, nếu Trúc Đào là em gái của mình thì tôi sẽ hãnh diện lắm đây.

Có ba ủng hộ nên bốn anh em tôi đều thích thể thao. Bóng bàn, bóng chuyền, bơi lội, đá banh, đánh cờ tướng... Mỗi thứ một ít , riêng anh Tường thì rất giỏi bóng bàn. Cờ tướng cả ba anh đều khá, thường tranh tài cao thấp với ba. Riêng tôi thì tệ nhất. Cái gì tôi cũng thử nhưng không cái nào ra hồn ,hoặc là tôi nghĩ thế. Có lẽ vì các anh ai cũng quá giỏi nên tôi bị lu mờ.

Có một lần tôi khóc tức tưởi vì chơi cờ tướng thua thảm hại, lúc đầu các anh để tôi thắng nên hí hửng tưởng mình tài nhất, ai dè cuối cùng bị chiếu tướng. Má tội nghiệp ôm tôi vô lòng và trách các anh không nhường em, anh Tường anh Khải hơi ân hận nên an ủi:
--Đằng chưa kinh nghiệm mà chơi vậy là giỏi rồi. Mai mốt lớn lên em sẽ qua mặt các anh cho xem

Anh Phúc nói :
--Chơi cờ cũng giống như ra trận. Nếu đánh nhau mà không dốc hết tài dụng binh để bị thua quân sĩ chết hết tướng cũng chết theo làm sao.

Bị thua hoài tôi nản không chịu chơi cờ nữa.
Rồi tôi học đánh đàn với anh Khải. Có lẽ hợp nên tôi tiến bộ nhiều , mong một ngày nào đó mình chơi được nhạc cổ điển như anh vậy. 
Lại mơ nếu mình đàn giỏi, lớp có tổ chức văn nghệ mình sẽ vừa ôm đàn vừa hát những bản tình ca cho tụi con gái nhất là Trúc Đào lé mắt . Giống như mấy lần tết có văn nghệ toàn trường, anh Tường anh Khải ôm đàn ngồi hát , mấy chị lớp lớn ngồi ngơ ngẩn lắng nghe vậy .

Chưa kịp thực hiện điều ước thì tôi phải vội vã ra đi. Má nói:
--Thôi thì cũng có cái hay là được gần ông bà ngoại, các cậu dì.

Anh Tường đi du học Mỹ được một năm do điểm học bạ từ lớp 6 tới 12 đều giỏi và đậu tú tài hạng ưu, anh Khải chuẩn bị thi tú tài toàn phần nên ở lại trường cho hết năm chứ không chuyển. Chỉ anh Phúc và tôi theo ba má . 

Lúc đó tôi đang học lớp 8 tức đệ ngũ được nửa năm.
Tôi vừa buồn vừa náo nức. Buồn vì rời xa trường lớp thầy cô bạn bè thân thuộc từ bao nhiêu năm nay. Náo nức vì sắp được khám phá, được quen biết thêm những thầy cô, bạn bè mới. Dù sao tôi chỉ là một đứa nhóc 14 tuổi hãy còn vô tư mà.
Năm học nầy lũ con trai chúng tôi thôi chơi những trò bắn bi, vật lộn, đá dế.. Các cô gái cũng hết còn chơi nhảy dây , lò cò mà bắt đầu làm dáng với những sợi bandeau cài tóc, hoặc thắt hai bím cột nơ đổi màu mỗi ngày... 

Tôi “nhổ giò” ốm nhom cao nhòng, má phải xuống lai quần cách ba tháng một lần. Số là anh em tôi được hưởng gien ba má, ngoài ra còn chơi thể thao nhiều nên ai cũng cao hơn trung bình. Nhưng chúng tôi chỉ bắt đầu tăng trưởng ở khoảng tuổi 13,14 chứ trước đó thì cũng lẹt đẹt –hèn gì Trúc Đào mới xem thường tôi là con nít --.
Má rút kinh nghiệm các anh nên lúc may quần thì trừhao may dài hơn 5cm rồi lên lai . Chờ khi quần hơi ngắn thì xuống 2,3 cm cho vừa mặc. Như vậy khi lai quần không còn cm nào để xuống nữa thì cũng vừa hết năm học, tiết kiệm được một số tiền không nhỏ cho bốn cậu con khoẻ mạnh “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao“.

Mấy ngày đó chỉ có ba là bình thản, còn má và mấy anh em đều chộn rộn nhất là anh Phúc. Tôi thấy tối anh cứ ngồi ghi ghi chép chép cái gì vào một quyển tập bìa cứng giấy trơn láng trắng tinh mà không phải vở học trò, thức rất khuya. Tôi ngủ một giấc, thức dậy vẫn thấy anh còn ngồi đó với quyển tập. Tôi đùa:
--Sao anh không đi ngủ làm gì thức khuya vậy? Bộ làm thơ tặng chị nào hả?

Tưởng nói chơi ai dè là thật, anh trả lời :
--Ừ anh viết cho chị Loan , định nhờ Đằng mai đi học đưa cho chị dùm anh.

Loan là chị học lớp đệ tứ (lớp 9) sau anh Phúc một năm.
--Sao anh không tự đưa mà kêu em? Rủi người ta tưởng em trồng cây si chị là tiêu đời em.
--Thôi ráng giúp anh đi, anh không có can đãm đâu.
--Gì mà nhát như thỏ vậy trời? Người trông mạnh mẻ tự tin thế mà sợ con gái là sao?
--Ừ nói hay lắm. Để chờ đến phiên em đi rồi sẽ thấy.

Anh năn nỉ quá nên tôi nhận lời với điều kiện anh cho tôi xem ít nhất một bài thơ anh viết trong quyển tập đó

--Trời đất, thơ tình mà đòi xem, phải biết tôn trọng sự riêng tư chứ.
--Em hứa chỉ xem thơ chớ không xem thư tình. Thư tình mới là riêng tư, còn thơ anh viết tặng ai mà không được, mấy ông thi sĩ làm thơ cho cả triệu người đọc đó thì sao.
--Thôi muốn đọc thì đọc, lý sự quá. Mà chỉ một bài thôi nhen. Anh Phúc đồng ý

Tôi mở trang đầu, nét chữ anh Phúc vốn đẹp sẵn nay viết cho bạn gái càng bay bướm hơn. 

“ Xa em đi như trong cổ tích
“Gặp nhau rồi sao để mất nhau ?!

Tôi bình luận lung tung:
--Ôi nghe buồn quá. Vậy thì anh đừng để lạc mất , mai mốt đi xa cứ gởi thơ cho chị đều đặn là chị không quên anh.
Lật sang trang , lại đọc thêm bài thơ khác 

Em nép vai gầy
Hiền như cọng cỏ
Tóc mây tung xoã
Dang cánh đời bay

Em nép vai gầy bên lá hoa
Hiền như cọng cỏ dưới chân ta
Tóc mây tung xoã theo chiều gió
Dang cánh đời bay quá ngọc ngà
                 ( Ngọc , thơ Th.H )


--Úi chà chà, nghe dễ thương ghê, ”em” trong bài thơ nầy giống y dáng chị Loan nhỉ. Tôi ba hoa.    

Thơ anh Phúc viết cho bạn gái – chưa hẳn, vì chỉ có anh đang yêu thầm chị Loan mà chưa dám tỏ, giờ sắp xa thì mới quáng quàng mượn thơ để nói lên nỗi lòng, đã vậy còn không dám tự tay đưa phải nhờ trung gian là tôi chứ chị Loan đã biết đâu. Bình thường anh Phúc có phải kẻ nhút nhát gì cho cam, cuối năm rồi anh đại diện cho khối lớp 9 đứng ra đọc bài cảm tạ ban giám hiệu cùng thầy cô trước toàn trường do chính anh viết lời cơ mà. Bài anh được mọi người khen ngợi vỗ tay quá trời, anh vốn giỏi văn chương.

Ủa, mà hình như với hai câu thơ giản dị đó, anh Phúc cũng nói hộ tâm trạng tôi vậy ta . Xa em? “Em nào” của tôi? Thấp thoáng bóng hình Trúc Đào vụt đến, tôi lắc đầu: không phải đâu. Tôi 14 tuổi, vẫn chỉ là một đứa trẻ mới hôm trước còn khóc nhè vì thua cờ tướng đây. Tôi với Trúc Đào đâu trao đổi chuyện trò gì bao giờ. Mỗi khi có dịp túm tụm cùng nhau, thường nhỏ chỉ im lặng lắng nghe mọi người nói rồi cười phụ hoạ mà thôi. Nhỏ vẫn siêng học , càng lớn càng nghiêm trang và xinh đẹp vô cùng. 
Tôi biết có nhiều anh lớp trên đang ngắm nghía nhỏ, ngay trong lớp tôi nữa. Nhưng ở Trúc Đào toát lên dáng vẻ xa cách, kiêu kỳ khiến tụi nó kháo nhau là đừng  mơ mộng xa vời cho mất công tụi mình không đạt được đâu. Rồi đứa khác nói ai cấm tụi mình mơ nào, được hay không đâu thành vấn đề, cái chính là mình cứ nuôi dưỡng giấc mơ cho cuộc đời phong phú lên.
Tôi nghĩ thầm: Chúng mầy là một lũ ngốc!

Ở ngôi trường mới tôi làm quen với những gương mặt mới, cách sinh hoạt mới cuốn hút tôi vào quỹ đạo của nó nên không còn thời gian nghĩ ngợi nhiều như những tuần đầu tiên. Hơn nữa, tôi chưa hề trải qua cảm giác nhớ nhung sâu sắc kiểu như:

“Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
                 ( Paris Có Gì Lạ Không Em, Nguyên Sa )

Mà chỉ là thoáng xao động mỗi khi ánh mắt Trúc Đào và tôi giao nhau một vài giây ngắn ngủi. Rồi hết. Vì vậy, cùng với khoảng cách không gian hình ảnh các bạn cũ cũng nhạt nhoà dần trong cái thằng tôi ăn chưa no lo chưa tới.

Trong năm năm qua, tôi được ba má cho về quê biển nghỉ hè hai lần. Lần cuối năm lớp 9 và lần sau khi thi xong tú tài phần một. Lúc nầy đã thôi chạy xe đạp, mà mượn chiếc xe Honda 67 của các anh con cô sáu tìm các bạn trai cùng nhau ra phố.Tập tành vào quán uống cà phê, hỏi thăm tin tức mọi người thì hay có người lên xe hoa, người bỏ học giữa chừng vì sinh kế, người đổi đi trường khác, anh Nam trưởng lớp vào lính vì đến tuổi quân dịch v..v.. Còn Trúc Đào? Tôi ngập ngừng chưa kịp hỏi thì Mạnh kể rằng nhỏ cũng thi đậu tú tài, nghe đâu giờ có nhiều cây si lắm kể cả mấy ông sĩ quan lính tráng

--Thế nhỏ có “bồ” không?
-- Làm gì không , hoa khôi của trường mà. Có điều chả thấy đi chung với ai hết.

Nghe nói Trúc Đào không đi chung với ai tự nhiên tôi thấy lòng vui vui. Vì sao thì tôi không giải thích được. Tôi thử chạy xe ngang nhà vài lần nhìn trộm vô xem có thấy bóng dáng nhỏ, mà đều thất vọng.

Đêm cuối trước buổi sáng quay về Đà Lạt lũ bạn hẹn nhau đi ăn chè ở quán nhạc cà phê của gia đình Hồng bạn học cũ, bất ngờ gặp Trúc Đào. Tim tôi nảy lên một nhịp vì vui sướng. Cũng là tình cờ Trúc Đào đi với cô em gái ghé qua thăm Hồng chứ không biết tôi về chơi. Gặp tôi ngoài phạm vi lớp sau mấy năm vắng mặt, Trúc Đào cởi mở vui vẻ chứ không cách biệt ngại ngùng như xưa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi ngồi nói chuyện trực diện, dù chỉ những lời thăm hỏi thông thường mà sao tôi nghe lòng lâng lâng kỳ lạ.

Mới được một lát thì cô em gái Trúc Đào đòi về. Nhỏ quay qua tôi phân trần:
--Thôi chào Đằng chị em Trúc Đào phải về đây, vì đi từ chiều hơi lâu sợ ba má lo. Chúc mai Đằng lên đường bình yên.

Tôi muốn ngăn nhỏ đừng về vội, muốn nói một điều gì khác hơn những câu thăm hỏi thông thường, muốn hỏi Trúc Đào có bằng lòng cho địa chỉ nhà để liên lạc thư, muốn nắm níu thời gian bên cạnh Trúc Đào lâu hơn nhưng có gì chậngôn ngữ không thoát ra khỏi miệng nổi. Chỉ yếu xìu:
--Ừ Trúc Đào về nhé.

Dõi nhìn theo hai chị em, làm như thể nhờ ánh mắt thôi miên điều khiển Trúc Đào quay trở lại được vậy. Nhưng không, nhỏ đã đi rồi!
Hụt hẫng như để vuột mất một báu vật. Cảm giác ấy càng tăng khi nhận ra sao mình ngốc đến nổi không đề nghị lấy xe hộ tống hai chị em để kéo dài thêm giây phút được gần nhỏ.

Dạo sau nầy tôi đọc sách nhiều hơn, tuy không biết làm thơ như anh Phúc nhưng biết thưởng thức.Thật khuya quán chuẩn bị đóng cửa bọn con trai chúng tôi mới chịu đứng lên. Bước ra đường, nhìn lên cao đáng lẽ có ánh trăng nhưng bị mây đen giăng báo hiệu sắp mưa, chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyên Sa:

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau (Paris)

Ừ, chậm thế nào thì cũng phải xa nhau thôi Trúc Đào ơi, vậy thì đừng hối tiếc đã không đề nghị đưa nhỏ về nữa.

Trở lại Đà Lạt, năm cuối trung học vùi đầu vào bài vở nên dần dần tôi cũng nguôi ngoai. Ở trường có một cô bé học lớp 10 dáng dấp gương mặt từa tựa Trúc Đào, gợi tôi nhớ nhỏ quá. Mỗi lần thoáng thấy cô bé là tim tôi đập sai nhịp cứ tưởng người xưa. Chỉ nhìn rồi thôi, tôi không làm quen với em vì tôi chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ đi tìm Trúc Đào. Để làm gì chưa biết, nhưng tự sâu trong tiềm thức tôi tin chúng tôi sẽ còn hội ngộ sớm hay muộn.

Tôi thi đậu tú tài toàn phần, biết má buồn vì con cái đi xa hết nên tôi vào ngành Chính Trị Kinh Doanh để được gần má. Anh Tường viết thơ về đều đặn, hình chụp thấy anh cao to càng phong độ chín chắn hơn. Anh được cấp học bổng tiếp lên cao do thành tích xuất sắc. Anh Khải học ba năm ở Viện ĐH Bách Khoa Thủ Đức thì có lệnh tổng động viên nên anh tình nguyện vào quân ngũ. Anh Phúc đang học Sư Phạm Saigon cũng nối gót anh Khải.

Ba tôi nói:
--Ít ra cũng phải vậy mới xứng đáng làm trai chứ.

Má tôi triết lý:
--Nghĩ con người cũng không khác loài chim. Lúc nhỏ thì sống quây quần bên cha mẹ anh chị em, đến khi có đủ lông đủ cánh thì mỗi đứa bay đi một phương trời tít tắp, tạo dựng một tổ ấm mới. Người già thì yếu đuối bịnh hoạn rồi chết.
--Cuộc sống là thế , như chúng mình khi xưa cũng rời bỏ ba má đi triền miên vậy thôi. 

Xuân về. Thành phố ngàn hoa đua nhau khoe hương sắc: mai anh đào, mai đỏ, phong lan, mimosa, trà mi, tử đằng, trúc đào...nhưng tôi không thấy lòng xôn xao như bao mùa xuân trước. Trong tôi có những trăn trở, những suy tư. Kiểu như: Tôi là ai? Tôi hiện diện trên đời này để chi? Tôi sẽ làm gì mang hạnh phúc cho bản thân, gia đình và tổ quốc?

Tôi chưa kịp tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi trên, thần chiến tranh đã hung hãn thổi tràn lên vạn vật quét sạch đi mọi ước mơ mọi hoài bảo của cả thế hệ.

(Còn tiếp...)

Thanh Hà - Switzerland









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét