Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Ghi Chép Vụn Vặt "Ngày Của Mẹ"

Tùy bút của Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng


Tối qua tôi gọi điện thoại cho mẹ. Từ đường dây viễn liên nửa vòng trái đất, giọng bà đã khỏe và nhiều sinh lực hơn. Mẹ khoe vừa ăn xong chén bánh canh gà với quẩy, mà cô em gái tôi mua đầu xóm. Hai vợ chồng Hòa-Huyền đem mẹ về ở chung trong căn nhà đường Trần Bình Trọng, quận 5, Sài-gòn. Chứng máu cao, đau thấp khớp của bà cũng thuyên giảm nhiều, theo lời Hòa, em rễ tôi hiện làm việc cho bệnh viện Từ Dũ. Tôi hỏi mẹ cần gì, sẽ gởi về cho bà. “Ở đây mẹ không thiếu gì hết”, rồi bà kể sơ những sinh họat thường ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng. Mẹ cũng cho hay đến nay đã quen dần với tiếng ồn ào của của thành phố. Năm nay 89 tuổi, như ngọn đèn trước gió, mỗi ngày đối với bà là một “ban thưởng” của Phật Trời, bà thường nói như vậỳ. Nhớ lại lúc bà mới qua Mỹ, ở tuổi ngoài tám mươi, mẹ vẫn nằn nặc đòi chúng tôi phải dạy tiếng Anh cho bà! K. Hoa tình nguyện dạỳ, bất cứ giờ nào, ngày nào mà bà thấy khỏe và muốn học. “Mắt yếu tay run”, nhưng bà rất ham học, ham sự hiểu biết. Bắt đầu từ nhà bếp, chén đủa dĩa tô đến nồi chảo... đều phải sử dụng tiếng Anh với bà. Không giống người khác, mẹ tôi muốn làm gì K. Hoa cũng không cản, kể cả việc dẹp dọn nhà cửa, trồng cây làm vườn. Bà xã nói, “để mẹ bận rộn, không buồn”.  Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, bà lại nhớ nhà, nhớ Việt Nam. K. Hoa tìm mọi cách giữ bà, liền gọi cầu cứu các em ở California và Florida. Mong rằng khí hậu và đời sống của cộng đồng người Việt ở những nơi đó giúp bà khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Cũng được vài tháng, rồi bà cũng nhắc chuyện về Việt Nam. 

Một lần mẹ bệnh, K. Hoa đưa bà đi bác sĩ. Vậy mà uống thuốc ở đây, bà chê hết, “Thuốc Mỹ uống nóng người, lại không công hiệu. Ở Việt nam, mỗi lần mẹ bị cảm lạnh, đau nhức chỉ cần uống mấy viên gì đó màu xanh xanh là hết ngay”. Rồi bà bắt phải gọi về cho vợ chồng Hòa Huyền mua gửi qua. Hòa ừ hử cho qua chuyện, rồi gửi thuốc bổ qua cho bà! Năn nĩ rồi hứa hẹn để kéo dài thời gian, nhưng mọi việc càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, mẹ vốn ít nói nay lại ít nói hơn. Hỏi gì, gợi chuyện gì bà chỉ lắc dầu hay gật đầu. Việc ăn uống thì càng “khủng hoảng” hơn. Bà nhắc và thèm những món ăn mà thành phố nơi tôi ở chỉ đành bó tay. Hoặc nếu có, gần 5 giờ lái xe đi và về, bà ăn vẫn không giống Việt Nam! “Em sợ mẹ bị trầm cảm”, K. Hoa lo lắng. Không phải K. Hoa lo lắng bâng quơ, mẹ đôi lúc nói chuyện và lẩm bẩm trong phòng một mình. Sau khi thảo luận với các em ở Mỹ, vợ chồng Hòa Huyền ở Việt Nam, chúng tôi đành phải chìu ý bà. Hôm nói với mẹ rằng, sẽ thu xếp để Hòa qua đây đưa bà về Việt Nam trước Tết. Mẹ tôi mừng hớn hở, hơn cả trẻ con được quà lì xì.
Bà vui vẻ trở lại, ăn uống ngon hơn. K. Hoa và tôi biết đây sẽ là cơ hội cuối, hiếm hoi bên cạnh mẹ. Chúng tôi thay phiên nhau hỏi bà về những chuyện ngày xưa, những gì bà muốn để lại cho con cháu. Mẹ lại kể câu chuyện về Việt Minh, về Bình Xuyên, về Bảy Viễn, về thời con gái và quê hương Đồng Tháp của bà. Những câu chuyện tôi đã nghe trước đây, bây giờ nghe lại vẫn hấp dẫn, vẫn ly kỳ mới lạ như chợt hôm qua. Và mỗi cuối câu chuyện, bà đều đưa đến một lời tâm sự, dặn dò. Tôi ghi lại được loáng thoáng một số những lời nói trong câu chuyện kể của mẹ: 
-“Cuộc sống không phải là chai dầu thơm. Con người không phải là con chim biết nói, lập lại những khẩu hiệu, những danh từ sáo rỗng, mà không biết nghĩa là gì!”.
-“ Bông sen đẹp, tinh khiết vì sống trong bùn lầy, chứ không phải trên cánh đồng cấy cày thẵng tắp và lại càng không phải trong những hòn non bộ nhân tạo lộng lẫy, giả tạo”. 
-“Tấm lòng nhân hậu không nằm trong bàn tay của người bố thí cho kẻ khác vì thương hại, để được ghi công đức. Thiệt thà không phải là hồ đồ, muốn nói gì thì nói. Người thiệt thà nói lời chân tình, không làm xúc phạm hay tổn thương người khác”. 
  -“Căn nhà không nói lên sự giàu sang hay nghèo khó của người chủ. Và các con luôn nhớ rằng, chia sẻ với người chung quanh tất cả những mình có, chứ không phải những gì mình không có!”...

*** *** ***

Gần như suốt cả đời, tôi chưa thấy mẹ tôi khóc. Hay nếu có, bà dấu không khóc trước mặt con cái, nên chúng tôi chưa thấy. Nhưng bà cười rất đẹp. Nụ cười với hàm răng trắng đều và một đồng tiền sâu khóe môi trái. Có lẽ bà cũng biết cuộc chia tay sắp tới, nên nhiều hôm mẹ buồn nói với chúng tôi: “Mẹ là vợ lính trong thời chiến tranh, ly loạn nên không có gia tài, đất đai gì để lại cho con cháu. Thôi thì khi mẹ mất, mấy đứa con không cần phải giỗ đám gì cả. Thỉnh thoảng nhắc con cháu nhớ đến mẹ là đủ”. Nghe nói, tôi phải lánh mặt, đi vào phòng để không cho bà thấy nước mắt lưng tròng. Vài lần tôi cố ý hỏi mẹ về biến cố ngày 30 tháng Tư (điều mà bà không bao giờ muốn nhắc tới), tại sao bác Hai, cha và chú tôi quyết định ở lại, không di tản? Quyết định của 6 năm cải tạo cho cha, chú và 15 năm cho bác của tôi. “Vì bác, cha và chú con không thể bỏ lại các anh em binh sĩ và gia đình đã cùng sống, chiến đấu với họ”, và bà không nói gì thêm.. . Những tuần lễ trước khi bà về Việt Nam, K. Hoa xin được ngủ chung với mẹ. Lúc đầu bà từ chối, diện cớ đêm ít ngủ hay trằn trọc, sẽ làm K. Hoa không ngủ được. “Mẹ khỏi lo. Con ngủ, mẹ có liệng xuống giường, chưa chắc đã đánh thức được con”, K. Hoa nói với bà. Vậy là bà không còn lý do từ chối. Hai mẹ con ngủ chung với nhau được vài tuần, K. Hoa sẽ không bao giờ quên.
Hôm đưa mẹ ra phi trường, khuôn mặt bà trầm tư, không nói gì. Cho mãi đến lúc, Hòa và mẹ đi vào khu cách ly, kiểm soát hành khách, bà nắm tay K. Hoa và tôi: “Con ở lại mạnh giỏi, chăm sóc cho nhau. Đừng lo cho mẹ. Thôi mẹ đi nghen...”. Rồi bà bước đi thẳng, không quay nhìn lại nữa. Tôi nhìn theo dáng lom khom của mẹ và cái bóng lờ mờ in dưới sàn sân bay sáng rực. Một đời, tôi chỉ mong được là chiếc bóng nghiêng nghiêng dưới chân bà. Nhưng mỗi khi nhớ tới mẹ, tôi biết mình sẽ không bao giờ được là chiếc bóng của bà. Vì dù chỉ là chiếc bóng, tôi cũng không có được một phần nào phẩm chất của bà. Phẩm chất của người mẹ. 
Khi tôi viết những dòng chữ này, chắc bà đang ngủ trong những giấc mơ ngắn ngũi đời người; hay mẹ đang trằn trọc một mình trong đêm, nhớ về một khoảng trời xanh nào đó của quê hương Đồng Tháp nơi ngập đầy bông sen trắng.
Xin cám ơn đời, cám ơn số phận đã cho tôi được là con của mẹ!

(nhân mùa Mother’s Day, 2018)

NNH





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét