Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 28

Tự truyện của Hình Toàn


Songkhla, Thailand
 Sáng hôm sau làm danh sách từng con tàu được cứu hôm qua (tàu tôi 134 người chết một
người, sau này tôi mới biết số đi chui theo cũng gần bằng số người dự tính lúc đầu, người vb không biết trước những nguy hiểm trên đường đi, miễn xuống tàu để ra khơi là được, đúng là trốn theo để được chết cùng) trên tàu sắt những người được cứu trước thì họ có chỗ nằm ngồi tương đối tốt ở ven thành tàu có bóng che, nhưng tất cả cũng chen chúc ngồi tránh nắng, bánh mì cơm cháo thì họ phân phát ngày ba bữa, cứ cách ngày thì có tàu cao ủy tiếp tế nước uống thực phẩm và nước sạch tắm giặt (hai ngày một lần) như đã nói tôi chỉ có một bộ đồ dính da, nên tắm và giặt xong tôi vắt thật ráo nước rồi mặc vào đứng phơi nắng cho khô, lúc ấy tuổi trẻ nhiều nghị lực nên không bịnh tật gì cả mọi gian khổ tôi đều bước qua .
      Có những đêm nằm đếm sao trời tôi nhớ về chú, khi nào chú mới đi ..lòng tôi mong nhưng trong tri thức có gì rờn rợn, tôi muốn nhắn gởi những người định ra khơi thôi xin dừng lại, đừng đem sinh mạng ra mà đánh đổi nữa, kinh khủng lắm, tang thương lắm người ơi, 99% phần là chết chỉ có 1% hy vọng, một bài toán mới ra đề đã mơ hồ biết được đáp số.
     
     Thương ai làm kẻ đưa đò
     Đò đưa mấy chuyến trăm người sang sông 
     Nghìn người đã vượt biển đông
     Phong ba bão táp đi tìm tự do
     Tình người không bán mà cho
     Không đồng ngôn ngữ người ta cứu người
     Thương người hôm lúc tiễn đi
     Ngàn câu muốn nói nhưng sau nghẹn lời
     Thương vì vận nước điêu linh
     Tôi đi bỏ lại tơ lòng vấn vương ...

     Ôi những con người không cùng màu da tiếng nói nhưng vẫn vang tay cứu và đón nhận những thuyền nhân, tôi thấy có người mắt màu xanh trong vắt, có những đôi mắt màu xanh da trời, màu xam xám, màu nâu vàng màu hổ phách họ từ những nơi trên thế giới, tuy không đồng ngôn ngữ nhưng chung một tấm lòng vị tha nhân từ và bác ái, họ từ những quốc gia trên lục địa xa xôi vượt ngàn hải lý về đây để mở rộng vòng tay mà đón nhận BOAT PEOPLE, những con người rách nát tả tơi, họ xót thương cho thân phận con người những người con dân xứ VIỆT, cuộc vb vĩ đại đã đánh động lương tâm thế giới nên sau này có những con tàu cứu người vượt biển ra đời 

   ÔI NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG....

     Khi đêm đến chúng tôi lượm những thùng canton trải ra giữa sàn tàu mà ngủ. Không có mền nên cũng dùng thùng mà đắp, cứ nằm đó đếm sao ...và nghe sóng vỗ ...ôi khách sạn ngàn sao bốn bề lộng gió, có đêm trăng sáng cảnh trời thật đẹp thật nên thơ ...chỉ cách nhau có một hai ngày mà cảm nhận về nhân sinh đã khác, dầu vẫn còn ở giữa biển cả mênh mông nhưng trong mắt nhìn có một niềm tin ... sự sống và cái chết chỉ một làn ranh nếu hôm trước tàu chúng tôi buông xuôi đầu hàng số phận ...thì giờ này chắc nằm dưới lòng đại dương, chỉ cần một chút nữa thôi ...thì tất cả không còn và tôi một người con gái trải qua biết bao nghịch cảnh vẫn giữ được mạng sống nên tôi vô cùng trân quí ... xin cám ơn thượng đế... một số mệnh đã được an bài ...

    Một ván bài định mệnh mà tôi đánh cược bằng ba sinh mạng, xém chút nữa thì Ngọc Hoàng giũ sổ rồi, chúng tôi ở trên tàu giữa biển khơi gần 10 ngày, cứu thêm được vài chiếc ghe vb nữa, xong chuyển vào trại Songkhla Thái Lan 
     Ngày đầu tiên đặt chân lên đất liền tôi nghe lòng phơ phới một niềm vui không nói được, mặc dù bước chân vẫn xập xình như sóng nước. Trong trại nghe tin có tàu cập bến tất cả đổ dồn ra bờ biển để tìm kiếm người quen
Ôi ...người ta cũng đông quá đó là những người đã vượt trùng dương và may mắn sống còn, xin chúc phúc cho người và cả cho tôi 
Hình Toàn - 1981
     Chúng tôi những người mới đến đang ngồi trước cổng trại để chờ làm thủ tục nhập trại nhiều người vây quanh hỏi thăm tin tức, thì tôi nghe tiếng reo vui mừng rỡ của chị ở xóm con ông Tám Cảnh (con gái của bà vợ lớn xóm tôi) hỏi thăm rối rít ...ôi tình đồng hương gặp nhau trong hoàn cảnh này thiệt là mừng muốn khóc chị ấy hỏi :
    -- Ăn gì ...ăn gì ? Ăn Xôi nha (tự hỏi và tự trả lời, sau vài ngày tôi mới biết chị ấy bán xôi cho bà già chồng)
chị em tôi gật đầu lia lịa ...tôi còn đưa lon gigo dặn thêm cà phê đá (tôi ghiền cà phê từ nhỏ) xôi thì chị ấy đem tới rất nhanh còn cà phê thì đi nửa buổi
(vì phải đi mượn tiền). Ở đây tôi không nói về gói xôi hay ly cà phê đá mà tôi muốn nói về tình người, tình đồng hương vượt qua muôn ngàn sóng gió, đói khát hiểm nguy được sống còn tình cờ gặp lại nhau trên đất lạ quê người trong đời tỵ nạn ..ôi qúi vô cùng ...


Em trai, chế Ba, Hình Toàn - 1981
    Tôi đến trại Songkhla gần cuối tháng 5/1981 vừa tròn hai mươi lăm tuổi đời 
Trong trại có tất cả ba mươi mấy lô (một lô là dãy nhà dài rất dài bằng cây lá dựng trên bãi biển có đóng sạp ván để làm gường chia mỗi người mấy tấc) nên cập theo trại là bờ biển chạy dài cát trắng ngà nóng cả bàn chân cũng có văn phòng cao ủy, bệnh xá, phòng phân phối lương thực, nhà thờ công giáo, chùa ...tất cả đều đơn sơ nhỏ bé, có vài cây nước bơm lên từ lòng đất để dân trong trại có nước mà tắm giặt.
    Lúc ấy trại rất đông nên không còn chỗ trống, có một gia đình ở lô 29 thấy hoàn cảnh chị em tôi nên cho gởi thằng em ngủ nhờ còn chế ba và tôi thì tự kiếm chổ ngủ, không có nồi niêu nấu nướng thì lãnh đồ phân phối về nấu chung với gđ (ở trại cao ủy chỉ phát thực phẩm gạo thóc cho mình tự nấu vì mấy chục ngàn người nên không thể nấu phát ngày ba buổi được) 

    Cát thì buổi trưa hè rất nóng mà tôi thì chỉ có bộ đồ trên người, không nón khăn và cả đôi dép, từ lô 29 lên tới đầu trại để làm giấy tờ hay đi lãnh supply, tôi cõng em trên vai mà đi dưới cái nắng chang chang của buổi trưa hè hay sáng tinh mơ (em đã cùng tôi vượt qua biết bao gian khổ từ trong tù đến biển cả mênh mông chết đi sống lại giữa cuộc đời, nên em xem tôi như người mẹ thứ hai của em, tôi hơn em 16 tuổi)

     Một hôm dưới bờ biển tôi lượm được đôi dép ai bỏ, tôi mừng lắm nhưng nhìn kỷ thì hai chiếc chỉ có một bên phải, mà hai màu khác nhau nó mòn đến cạo râu còn đứt, thôi có còn hơn không của người ta bỏ mình lượm xài đỡ cho khỏi nóng chân, rồi có một hôm buổi trưa tôi cõng em đến cây bơm nước, bên kia đường lại văn phòng của cha JOE.
Đang bơm nước
    Đang hì hục bơm nước thì cha JOE giơ tay ngoắc, hai chị em nhìn dáo dác không biết ông Mỹ này kêu ai, ổng chỉ chỉ ra dấu kêu mình, cõng em chạy sang thì ổng ra dấu là cho áo quần rồi ông lấy ra cho em hai chiếc áo và cái quần đùi, còn tôi thì một chiếc áo và cái áo lạnh bằng nhung gân màu xanh dương, thằng em tôi ra dấu có ba người, nên ông lại mang ra cho thêm hai chiếc áo (dĩ nhiên là lớn và rộng thùng thình vì size của Mỹ) nhưng hỏng sao vì chế ba tôi là thợ may nên sửa lại được, tôi còn được voi đòi tiên ra dấu xin một bì thư có sẵn giấy viết thư và tem, khi viết xong chỉ cần gấp lại gởi đi, vì hổm nay tụi tui là con bà phước không có liên lạc thân nhân nên hỏng có ai gởi tiền đói meo râu chỉ sống nhờ đồ cao ủy, xài động từ tu quơ mà cha JOE cũng hiểu...chị em tôi cám ơn quá chừng .
    Thằng em tôi mừng quá chạy cà thọt về báo tin với chế ba mà giọng nó run run vì vừa mừng vừa mệt ...Ôi những manh áo khi nghèo khó như một kho tàn quá lớn, như lượm đựơc vàng tôi mừng quá đổi, hôm đó chế ba mượn kim chỉ và dùng tấm canton cứng làm thước đo cắt sửa lại những chiếc áo quá khổ để mặc mai sáng lên văn phong cao ủy chụp hình làm giấy tờ xin tỵ nạn 

    Chị em tôi ban ngày thì ngồi chen chúc và ăn uống cùng gđ ở lô 29 (tôi quên tên vợ chồng sồn sồn và ba đứa con) ban đêm thì gởi thằng em ngủ ở đó, còn tôi và chế ba thì xuống bãi biển ngủ, ở đó người ta ngủ cũng nhiều lắm vì đông quá không còn chỗ trống trên các lô nhà, người ta còn có manh chiếu tấm nylon hay tấm vải để trải trên cát biển, còn chị em tôi chỉ có đít không, ngồi nhìn biển chán đêm về thì nằm lăn ra mà ngủ, thế cũng xong nhưng được một hai tuần thì xảy ra tình trạng tụi Thái Lan cặp tàu vào bắt cóc phụ nữ, nên cao ủy không cho đàn bà con gái ngũ dưới mé biển và biện pháp cuối cùng là làm dãy hàng rảo kẻm gai chạy dài bờ biển (nghĩ tụi cướp cũng gan thật, lên trại rồi mà tụi nó vẫn không tha cho dân tỵ nạn)
    Không có chỗ ngủ chị em tôi hỏi xin ngủ tạm trên băng ghế nhà thờ công giáo nhưng phải đợi hết lễ cuối ngày (9,10 đêm) sáng phải dậy trước khi lễ sáng (5giờ) những chiếc băng ngồi thì đóng trên cát bề ngang chừng ba tấc dài chừng hai thước để các con chiên của chúa ngồi tạm dâng lễ trong trại tỵ nạn nên rất đơn sơ .... ôi trên bước đường lưu lạc tha phương tôi gặp chùa cũng lạy, gặp chúa cũng AMEN... 
   
       Lạy chúa con là người ngoại đạo 
       Nhưng tin có chúa ở trên cao...
                 HAY LÀ
       Nam mô đại từ, đại bi
       Quán Thế Am Bồ Tát...

Xin hẹn lại kỳ sau 29 trên bước đường tỵ nạn ở Thái Lan.


Hình Toàn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét