Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Viễn Du Ký Sự - phần 3

Chuẩn Bị: Chuyến Đi Châu Đốc
Ký sự của Thanh Hà 


1/-

Khi hay tin tôi sắp về thăm nhà, thì hôm sau cháu Vĩnh An gọi điện sang báo là đã tìm được người chở tôi đi chơi rồi. Thì ra hai năm nay cháu vẫn không quên lời hứa. Dự định đi từ Nam ra tận địa đầu miền Bắc thời gian một tháng, đoàn năm người trên ba chiếc xe phân khối lớn. Để tôi an tâm cháu sẽ chở tôi, Trang-vợ cháu-đi với cô bạn, còn bạn trai chạy một mình chở phụ hành lý, ba lô…cháu đã sắm sửa, trang bị tỉ mỉ mọi chi tiết cho chuyến đi, tôi chỉ việc nhảy tót lên xe, yên vị đằng sau thung dung nhìn ngắm thiên-hạ-sự, lỡ ngủ gật cũng không sợ lọt nhào xuống đất vì có chỗ dựa như lưng ghế che chắn rồi, là cái hộp ( thùng) cháu gắn đằng sau và hai bên để đựng quần áo đồ đạc -giống mấy chiếc Harley Davidson những tay western Mỹ hay rủ nhau viễn du trên con đường huyền thoại Route 66 trông rất hiên ngang gồ ghề ấy*

*Con đường nầy đi xuyên qua tám tiểu bang, bắt đầu từ Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New-Mexico, Arizona, kết thúc California, tổng cộng 
3940km.

Chúng tôi không đi chuyến Route 66 mà sẽ đi chuyến xuyên Việt, Nam Phương –Tây Bắc. 
Chỉ mới nghe kể sơ sơ kế hoạch thôi mà lòng tôi đã háo hức rộn ràng quá trời đất, tuy nhiên cũng xen lẫn chút âu lo.
Rộn ràng vì được cháu giúp mình thực hiện ước mơ luôn cháy bỏng tâm can lần nữa. Âu lo vì nói gì thì nói tôi đâu biết cái “thân bồ liễu” của mình có kham nổi chuyến đi mấy ngàn cây số liên tiếp bốn tuần lễ không.


Các chị em tôi có chín người con tổng cộng, chưa tính dâu, rể, cháu nội ngoại. Hồi tưởng bảy năm trước, tôi và năm cháu trai gái-lần đó không có Vĩnh An- đi máy bay Saigon ra Huế, từ Huế thuê ba chiếc xe gắn máy vi vu tuyến đường Huế- Đà Nẳng-Hội An-Huế, dám vượt đèo Hải Vân dài 21 km vào đêm tối không trăng không sao không cả đèn đường, chỉ nương theo ánh sáng le lói từ ba chiếc xe Honda cũ rích đời 1960’s vận tốc 50 phân khối, hổ trợ lẫn nhau mò mẫm leo đoạn dốc nhiều đá hòn đá cục hoà với đất lổn nhổn chứ chưa tráng nhựa trọn vẹn. Lúc đầu người chủ cho thuê còn giao một chiếc thiếu đèn pha đằng trước, đạp chân cả chục lần động cơ mới nổ, chúng tôi yêu cầu đổi cho chiếc khác, tình trạng khá hơn chút đỉnh. 
Phải công nhận dì cháu tôi gan thật! Lần ấy chúng tôi ghé nhiều nơi như đường  dốc lên bán đảo Sơn Trà cao 696m so với mực biển cách Đà Nẳng 8 km. 
Rồi nào là Bà Nà, chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn. Hội An, thánh địa Mỹ Sơn…
Vượt đèo Hải Vân hai bận đi về. Rồi nào là từ cố đô Huế đến Hồ Truồi thuộc quận Phú Lộc 40 km
Nong lên thì Truồi cũng lên (ca dao)
Nong là một địa danh lân cận với Truồi, hàm ý “anh thách tôi thì tôi cũng thách lại anh”, số là xưa kia hể hàng hoá chợ Nong lên giá thì chợ Truồi cũng lên theo.
 Núi Truồi ai đắp mà cao
 Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu (ca dao)

Từ Huế đi theo quốc lộ 1 khoảng 30km, chúng tôi rẽ vào con đường mòn thêm 10km, nếu trí nhớ tôi còn chính xác thì 10 km nầy toàn bằng đất và cỏ chỗ gồ ghề chỗ đất bị mưa sụp lỡ thành trũng trơn trượt, rất nguy hiểm. Băng qua nhiều cánh đồng mới đến bến đò Truồi, dùng đò đưa đi viếng thiền viện Trúc Lâm nằm dưới chân núi Bạch Mã giữa lòng hồ. Chiếc xe dằn xóc nhảy tưng bừng chỉ lo nó chết máy thì nguy. Đường đi gian nan vất vả, nhưng với tinh thần luôn lạc quan yêu thích thắng cảnh thần tiên, tin tưởng xe không hư giữa đường. Thật vậy, ba con ngựa sắt già tuy xương cốt rệu rã đã không phụ lòng chúng tôi, đưa khách viễn phương đi tới nơi về tới chốn. 

Hành trình lần ấy kéo dài một tuần, tổng cộng khoảng 700-800km đã in vào lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm vui đẹp lẫn hãi hùng khó quên. Dù tôi bị tai nạn”chó-tông-xe”khiến phải bỏ chặng cuối thăm động Thiên Đường (Quảng Bình)* nhưng vẫn háo hức mong có cơ hội lẫn thời gian để tái thực hiện những chuyến du lịch bằng moto nữa.
*Sau cùng giấc mơ đi thăm động Thiên Đường của tôi cũng thực hiện được vào tháng 04 năm nay 2022.

2/-

Lần nầy Vĩnh An dự tính đi từ Kiên Giang-quê quán của chúng tôi- vùng đất gần tận cùng phía Nam cho đến địa đầu giới tuyến phía Bắc là Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Cháu từng đi cung đường ấy, tổng cộng cả đi lẫn về suýt soát 8000 km. Thật ra thì tuyến đường Bắc Nam theo quốc lộ 1 chỉ hơn 2360 km nếu đi về mất trên dưới 5000 km, nhưng vì cháu còn ghé thăm nhiều nơi ở mỗi tỉnh thành nên kéo dài thêm. 
Tôi nói với Vĩnh An là tôi rất thích chuyến viễn du Nam–Bắc bằng moto, chỉ lo tâm thì muốn mà thể xác không chịu nổi nếu ngồi lâu. Nhất là lưng, mông, đùi, hai chân…Bao nhiêu năm không ngồi xe gắn máy, chỉ thời gian sau nầy tôi về thăm nhà thường nên được ngồi moto trở lại, nhưng chỉ quanh quẩn phố xá gần chứ đâu có cỡi con ngựa sắt mỗi ngày như cháu, nên tốt hơn lần nầy chỉ đi từ Kiên Giang đến Đà Nẳng- nơi có cô bạn thân mấy chục năm rồi quay về thôi.

Cháu trấn an, giải thích cho tôi hiểu rằng cháu sẽ lái xe thích nghi theo khả năng chịu đựng của tôi chứ không chạy theo tốc độ của cháu- những thanh niên trẻ trung sức lực. Thay vì mỗi ngày cháu chạy 700, 800 km– có khi cả nguyên đêm không ngủ nếu như nơi đến không hấp dẫn, không có gì để thăm ngắm– thì cháu chạy mỗi ngày trung bình từ 200 đến 250 km. Đến mỗi tỉnh, thành sẽ dừng lại thuê khách sạn nghỉ ngơi, hôm sau nếu tôi khoẻ mới tiếp tục. Nghĩa là đi theo kiểu “tuỳ hứng” nơi nào có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thú vị sẽ nán lại lâu hơn nơi khác. Cứ thong thả, chẳng có gì vội vàng hấp tấp. 

*Hai vợ chồng cháu làm việc theo kiểu télétravail-online working-nên có thể
điều khiển công việc qua mạng từ xa, chỉ giao người em ở nhà nếu cần thì giải quyết hộ. Các cháu khác hoặc bận công việc tại sở hoặc có con nhỏ không thể xin nghỉ đi chơi lâu được.
Nghe vậy tôi hơi an tâm. Nhưng để xem sức chịu đựng của cơ thể đến mức độ nào, tôi cần phải thử nghiệm trước vài chuyến gần đã. Giống như khi ta học một môn nào đó: đàn, võ nghệ, fitness, bơi lội, đi bộ…sơ khởi chỉ tập những bài ngắn, đơn giản, dể hiểu, sau đó mới tăng dần lên những bài học khó. 
Chuyến “ra quân” đầu tiên là:

Châu Đốc
Ngày 02.04.2022: chúng tôi tám người gồm hai vợ chồng cô em út, tôi, và năm cháu chở nhau trên bốn chiếc xe đi Châu Đốc chơi, cách Kiên Giang 142km.
Buổi sáng trời trong xanh nắng rực vàng, hứa hẹn một buổi du ngoạn tốt lành
Có hai ngã để đến Châu Đốc, chứ không nhất thiết đi ngang Rạch Sỏi. Chúng tôi đi ngã thị xã Rạch Giá là đường mới mở sau nầy sẽ nhanh hơn đường cũ. Sau khi đi qua các khu chợ, làng mạc, tiếp nối với các thửa ruộng hai bên đường màu xanh mạ lúa rập rờn theo ngọn gió nhè nhẹ. Đến Phi Thông, cháu Tiến Đạt chỉ cho chúng tôi xem ngôi trường trung học cháu từng dạy lúc mới tốt nghiệp. 

Có đoạn đường mà bên phải là giòng sông nước đục lờ phù sa, từng giề lục bình choán chật khít khoảng sông rộng vài trăm mét. Lẩn thẩn tự hỏi bao lâu nữa thì giòng sông tĩnh lặng nầy sẽ biến thành sông-chết ? bởi kinh nghiệm cho biết lục bình sinh sôi thật nhiều là do nguồn nước nơi đó bị ô nhiễm rất nặng.
Tôi nhớ mấy câu thơ của người bạn thi sĩ 
Hôm qua đi dọc bờ kim cổ
Chợt thấy dòng sông cũng có tim 
Chợt thấy em bay trong nỗi nhớ
Ngày xưa hai đứa đuổi nhau tìm…

…Sông có buồng tim nên gợn sóng
Đau lòng bần bật nổi cơn giông…
…ngắm cánh bèo trôi về cố xứ
Ngậm ngùi cổ tích đã tan tành ( Hôm Qua )

Hầu hết các căn nhà ngoại ô đều có mảnh sân bao bọc, trồng cây ăn trái lẫn các loài hoa tiêu biểu của miền Nam thân thuộc: cụm mai vàng, hoa sứ trắng, bông trang đỏ, bông dâm bụp, khóm nhành nhành, hoa mồng gà, mười giờ. Rồi nào là cây dừa, bụi chuối, buồng cau, giàn trầu...tôi an vị sau lưng cô cháu Tố Trân, hết nhìn bên trái xoay qua phải, tham lam muốn thu hết mọi quang cảnh vào đôi mắt, từ đó luồn dẫn qua sợi thần kinh não ghi vào bộ nhớ. Những hình ảnh ấy ngày xưa thấy bình thường, sao nay khiến lòng bâng khuâng xao động.

Từ bụi sả, giàn bầu, khổ qua cho đến mấy con gà trống mái, gà con, vịt xiêm chạy loanh quanh đầu gật lên xuống tìm mổ thức ăn…làm tôi nhớ ông bà Ngoại mình quá chừng. Nhớ ông Ngoại cặm cụi ngồi đan mấy lồng tre để che chở cho gà ấp trứng, nở một đàn con hơn chục đứa tròn quay nằm gọn trong lòng bàn tay trẻ nít, kêu chiêm chíp. Ngoại lấy lồng úp lên mấy mẹ con gà, ngăn không cho mèo rình rập hay gà mái khác mổ cắn. Nhớ bà Ngoại sáng sáng ôm thúng lúa rải ra sân cho mấy chục gà vịt bu vào tranh ăn, tiếng cục tác của gà mái, gáy te te của chú chàng gà trống, cạp cạp của vịt vang động góc trời. Cuộc sống thanh bình làm sao, dù chiến sự vẫn xảy ra hàng ngày nhưng ở một nơi nào cách làng tôi xa lắc.

Nghe đi chơi Châu Đốc, mọi người kết luận ngay là đến nơi thờ Bà Chúa Xứ để cúng kiếng, xin lộc Bà ban về làm giàu. Chúng tôi không có mục đích đó.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé là thiền viện Trúc Lâm An Giang, toạ lạc tại Khu Du Lịch Lòng Hồ, Núi Sập, Thoại Sơn.
Như thượng dẫn, cách nay vài năm tôi từng lặn lội thăm thiền viện Trúc Lâm dưới chân núi Bạch Mã ở lòng hồ Truồi, Huế. Tìm hiểu mới hay Việt Nam có tới mười chín -19- thiền viện được xây dựng rải rác từ Bắc vào Nam.Thế mà trước đây tôi cứ ngỡ chỉ có hai thiền viện, một ở Đà Lạt và một ở Huế !

Thiền phái Trúc Lâm là dòng thiền Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Có ba vị thiền sư kiệt xuất là vua Nhân Tông- còn gọi Trúc Lâm Đầu Đà-, kế là Pháp Loa và Huyền Quang. Thiền phái nầy bắt nguồn từ truyền thống ở núi Yên Tử, nên được gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Núi Yên Tử còn có tên Tượng Đầu, nằm giữa ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.
Thiền viện Trúc Lâm An Giang được mệnh danh “vịnh Hạ Long giữa vùng Thất
Sơn”. Thật vậy, cách thiền viện không xa, chúng tôi được chiêm ngắm hồ nước trong vắt được bao bọc bởi dãy núi đá, từ trong đá mọc nhiều cây lá xanh tươi . Buổi sáng ít khách hành hương, không gian yên tĩnh như thể dành riêng cho gia đình tôi hưởng phúc với tiếng chuông ngân vang từ chánh điện vọng ra.
Giữa sân thiền viện, có trồng một cây bồ đề toả bóng mát đang nở hoa rất đẹp và lạ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hoa bồ đề. 
Rời thiền viện, chúng tôi tiếp tục hành trình. Châu Đốc có rất nhiều ngôi chùa của người Cam Bốt, dọc đường tôi thấy hơn chục, chùa này đẹp, lộng lẫy, rộng lớn không thua chùa kia.
Chúng tôi ghé qua Phi Lai Cổ Tự thắp nhang cho vị sư tổ sáng lập và trụ trì đầu tiên là Hoà Thượng Chí Thiền-đã khuất núi- tên tục Nguyễn Như Hiển sinh năm 1861, mất 1933 là ông sơ năm đời của em rể tôi. Đây là ngôi cổ tự với nhiều công trình trên diện tích rộng mênh mông, kiến trúc tinh xảo nguy nga không thua gì các ngôi chùa khác.

Ngoài ra chúng tôi còn chạy xe lên núi Sam cao 284m, nơi đó có lăng Đức Thoại 
Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Hang…để nhìn ngắm toàn cảnh phố núi biên thuỳ xa xa.

Lúc tìm được nơi gởi xe gần trung tâm tỉnh để ăn trưa cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa như trút nước. Hai bên hàng phố là các gian hàng bày bán đặc sản địa phương cùng nhiều quán ăn liền kề nhau, mùi mắm cá bay nồng nặc không gian.
Theo lời giới thiệu thì có món mua mang làm quà, có món ăn tại chỗ. Tôi nhớ sơ sơ vài món như:
–Mắm và khô Châu Đốc
–Trái và đường Thốt Nốt
–Mây gai. Trái nầy tôi thấy có bán ở cửa hàng người châu Phi, người Thổ tại Thuỵ Sĩ, nay mới biết tên .
–Tung lò mò : là một kiểu lạp xưởng làm bằng thịt bò của người Chăm, dịch  trại ra từ tiếng Chăm “tung laomaow”*
*Cái tên nầy mới lần đầu tôi nghe à.
Món ăn tại chỗ là: lẫu mắm, bún cá, bánh đúc, xôi Xiêm, gỏi trái sầu đâu…
Chúng tôi gọi cơm canh chua cá bông lau, thịt, cá kho tiêu chứ không gọi món mắm. Bận về có ghé lại một quán khá lớn ăn bún cá đặc sản Châu Đốc, xin lỗi là tôi không thấy chi đặc biệt, chỉ làm liên tưởng đến bún cá đặc sản Kiên Giang. 
  
3/-
Ăn xong, đã quá trưa. Có một nơi không thể bỏ qua- chính nơi đó mà chúng tôi mới đi xa như thế- đó là Vườn Tràm Trà Sư cách Châu Đốc 30 km.
Mây đen kéo tới giăng kín bầu trời, mưa rơi lộp bộp trên nón bảo hiểm đành tấp vào một quán nước có mắc võng cho khách đường xa ghé uống cà phê, giải khát, nằm nghỉ ngơi. Ngồi xe đi hơn trăm cây số, mông đùi ê ẩm nên chúng tôi sung sướng được đặt lưng lên võng cho cơ thể thư giản. Quán bán món đặc sản trái & đường thốt nốt. Trái nầy tương tự như dừa nước, là 1 loại dừa chỉ mọc dưới nước, cùng họ với dừa thông thường nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Chúng tôi kêu mỗi người một ly thốt nốt tẩm đá lạnh. Vị thơm ngọt dịu, ngon làm sao !
Trời mưa vẫn không ngớt, mà đường vô Vườn Tràm còn khá xa, nếu không đi ngay thì sợ trời tối về không kịp nên chúng tôi quyết định mặc áo mưa hứng gió lạnh lên đường.

Đúng như tên gọi Rừng Tràm là một vùng trũng hoang ở gần núi Trà Sư, Tịnh Biên, An Giang bị nhiễm phèn nặng nên người ta trồng tràm để thử cải tạo môi trường nước và điều hoà khí hậu cho vùng Thất Sơn, diện tích 995 hecta nếu bao gồm thêm bảy công trình khác. Nhiều động vật như chim cò, bò sát…liệt vào hiếm quí cũng như hàng trăm loại thực vật dùng làm dược liệu đều hiện diện ở khu rừng này.
Khu sinh thái có nhiều cảnh đáng thăm ngắm, mà ngoạn mục nhất là xuyên rừng tràm dài khoảng 3 km bằng chiếc tắc ráng, là loại xuồng có gắn động cơ được một nhân viên hướng dẫn luồn dưới hai hàng tràm giao nhánh vào nhau rẽ mặt nước dầy đặc cánh bèo xanh biếc. Xa xa hàng bông điên điển hoa vàng như tô điểm cho cảnh quan thêm sắc màu hài hoà tươi đẹp. 
Chiều phương tây nhớ trời phương nam
Nhớ vườn em điên điển bông vàng
Anh, lục bình giạt trôi theo sóng
Đời dập vùi, lê kiếp lang thang…

…chiều phương tây luỵ trời phương đông
Thương vườn em điên điển vàng bông
Anh kiếp lục bình đành tuyệt lộ
Bập bềnh theo sông nước mênh mông ( Lời Hát Rong, Phạm Hồng Ân )

Chạy hết cánh đồng ngập nước, chúng tôi lên bờ tiếp tục theo con đường nhỏ đi sâu hơn. Đường đi mát rượi, hai bên lối là những cây tràm cao vút phủ bóng mát, rải rác quán ăn, quán nước dựng đơn sơ bằng vật liệu nhẹ nhưng lúc ấy hơn 4 g chiều, chỉ còn lác đác vài du khách đếm trên đầu ngón tay nên họ đã dọn cất, chỉ còn một, hai gian bán vài chai nước giải khát và trái thốt nốt. Một thanh niên chạy xe đạp chở thùng cà rem đi ngang, chúng tôi kêu mua mỗi người một cây vừa đi vừa nhấm nháp, tận hưởng không khí tinh khiết thiên nhiên.
Mới tới cây “cầu tre Vạn Bước”làm toàn bằng tre bắc ngang rừng thì mưa lắc rắc nhỏ hạt, bầu trời xám xịt nên chúng tôi lật đật quay lại bến đò để ra ngoài đường. Ỷ y trời ngừng mưa nên bỏ hết dù lại trong thùng xe. Vừa tới bến thì mưa nặng hạt nên phải đứng trú trong các lán. Có vài đoàn du khách toàn nói giọng miền ngoài, đứng đụt mưa chuyện trò ríu rít. Chờ mãi mà mưa vẫn không có dấu hiệu giảm, chúng tôi quyết định leo xuống chiếc tắc ráng cho cậu nhân viên chở trở ra ngoài. Chúng tôi dùng các nón lá mang theo để che chắn, ngồi co rút châu đầu vào nhau, chiếc xuồng tăng tốc chạy băng băng lướt trên mặt nước, gió cuốn mưa thổi tạt vào người, tóc tai mặt mũi đau rát chỉ vài phút là ướt toàn thân, lạnh run. 

4/-
Trời chập choạng tối, đường về hơn trăm cây số đoàn xe bốn chiếc lướt thướt trong cơn mưa lúc nhiều lúc ít. Gió lẫn nước mưa quất cuồng loạn vào mặt buốt lạnh, tội nghiệp Tố Trân đào tơ liễu yếu cố gắng gồng mình cầm lái, tay chân run rẫy tê tái hứng trọn cơn gió che chắn cho tôi ngồi sau lưng nên đỡ lạnh hơn. Khi đi tâm trạng phơi phới bao nhiêu khi về ỉu xìu mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Nhà hai bên đường đóng cửa im ỉm tối thui càng tăng vẻ thê lương ảm đạm.
Cám cảnh, thấm thía bài hát Ai Đi Ngoài Sương Gió của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, sao đúng tâm trạng chúng tôi lúc này:
Ai đi ngoài sương gió tả tơi chớ buồn vì mưa
Ai đi ngoài sương gió chớ nức nở nhạc sầu
Ai đi ngoài sương gió hỡi ai xoá nỗi niềm đau
Ai ơi mộng tàn xưa không vương luỵ thời gian…

…Ngoài trời mưa rơi rơi, mà hồn ai chơi vơi
Sao nhớ nhung hoài, từng giọt mưa rơi rơi
Là lời ca xa xôi, thắm thiết thương ai 
Lướt đi ngoài mưa…

Chạy ngang thị xã Rạch Giá, ở đây đường khô ráo ấm áp, vẫn còn nhiều người thong thả dạo chơi, ban đêm không phải sợ tia nắng mặt trời thiêu đốt nên các cô gái với y phục xinh xắn mát mẻ, khoe đôi chân thon thả duyên dáng, các chàng trai quần áo lịch sự trong khi đoàn chúng tôi, xe nào xe nấy đóng lớp sình dầy, toàn bộ người từ nón bảo hiểm, áo mưa, đôi giầy bùn đất đen đúa không kém gì chiếc xe, y như người từ trong rừng ra phố, thật chả giống ai .

Về nhà đã 11 g đêm. Nhấc chân khỏi yên xe, tôi đi cà nhắc cà nhắc. Lưng, mông và hai đùi nhức nhối- nhất hạng cái mông. Tuy có trùm áo mưa nhưng nước chảy từ mặt tràn xuống cổ luồn vào bên trong ướt như mèo ướt. Tôi tắm nước nóng, nốc 1 viên Dafalgan chống cảm, rồi chui vào giường không biết đói là gì. Nghĩ thầm: cái điệu này chắc du lịch bằng moto không thực hiện được đâu. 

Mệt mỏi nên ngủ liền một mạch đến sáng. Leo xuống giường bước thử vài bước, thân mình vẫn còn ê ẩm, nhất là “cái bàn toạ”. Hơi nhụt chí. 
Đến chiều thì.. ủa, cảm giác đau nhức bớt nhiều. 
Ngày hôm sau gần như hồi phục hoàn toàn. Niềm lạc quan quay trở lại. 
Tôi biết chắc chắn mình sẽ đủ sức khoẻ để đi chơi xa bằng moto rồi. Vui !!!

Thanh Hà
LCDF, 15.Nov.202

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét