Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Viễn Du Ký Sự - Phần 5

Đà Nẵng
Ký sự của Thanh Hà


Ngày 06.04–10.04.2022
Vườn tượng APEC
Đây là lần thứ nhì tôi đến Đà Nẵng-Hội An. Lần đầu cách đây 7 năm, tôi chỉ nhớ man mán thành phố được mệnh danh là “nơi đáng sống”.

Trí nhớ tôi thật lạ kỳ, có những câu chuyện xảy ra từ thời thơ ấu giờ tôi vẫn nhớ rõ mồm một từng lời nói, cử chỉ, hình ảnh, sự việc. Tương tự với những quyển sách, thơ, nhạc mà tôi từng đọc qua…
Trái lại những gì thuộc lãnh vực cụ thể như đường đi, phương hướng, gương mặt,…thì tôi hoàn toàn mù tịt, dốt câm.

Thậm chí tôi không biết đọc bản đồ. Tôi chỉ biết phương Bắc nằm trên cao, phương Nam nằm dưới cùng, còn hướng Đông, Tây thì luôn lẫn lộn trái, phải. Nếu không nhờ câu thơ Tà tà bóng ngả về Tây (Kiều) của cụ Nguyễn Du hoặc người về Tây phương Phật để ám chỉ người đã mất- tức hoàng hôn cuộc đời- thì phải suy nghĩ một lúc tôi mới dám chắc mặt trời lặn hướng tây. Hic !

Có ai tin được là năm kia về thăm nhà ở Rạch Sỏi– nơi tôi sống hết thời niên thiếu, thanh xuân–, buổi tối mấy chị em rủ nhau ra Rạch Giá dạo mát. Thấy cậu cháu de xe về bên trái, tôi nói cháu lộn rồi, đi hướng bên phải mới đúng. Các chị nói tôi quên đường, tôi nhất định cãi là các chị nhớ lộn chứ không phải tôi. Nói qua nói lại một lúc, đầu óc tôi mới “định thần” công nhận sự sai lầm của mình. Thật hết biết.

Lúc chồng tôi còn tại thế, khi tôi lái xe, anh có mệt cách mấy cũng không bao giờ dám chợp mắt phút nào vì biết tật tôi dù con đường quen thuộc chạy qua hằng bao nhiêu lần, mà hể tôi hơi phân tâm thay vì sắp rẽ, phải bớt vận tốc mà tôi vẫn cứ bon bon thẳng tiến, anh biết ngay tôi chẳng nhớ đường, liền lên tiếng nhắc nhở. Nếu không có anh bên cạnh nhắc nhở, thì không đếm nỗi bao nhiêu lần tôi chạy lạc đường. Vì vậy khi tôi cầm lái, thì không được mở radio, nhạc nhung gì hết.

Trở lại với Đà Nẵng, nếu trí nhớ tôi không phản bội mình thì bảy năm trước thành phố từng cho tôi cảm giác vừa tân tiến mà vẫn giữ được cái không gian yên ắng nhàn nhã, thì lần nầy không hiểu sao cảm giác ấy không còn trong tôi nữa. Phải chăng do mật độ xe cộ lưu thông dầy đặc, dân cư đông đúc cùng với việc các khách sạn nguy nga lộng lẫy dọc theo bờ biển vốn của mấy ông chủ Tây, sau hai năm dịch Covid vắng khách bị thất thu, phá sản, phải sang nhượng cho tập đoàn Đại Hàn. Nay chủ mới huỷ bỏ kiến trúc cũ, xây lại mô hình khác, con đường đẹp sang trọng nhất của thành phố bị rào tường chắn lối, đục đẽo bụi bặm, nên giờ tôi thấy Đà Nẵng cũng ồn ào như mọi thành phố đông người và xe, thế thôi.

Hai vợ chồng Pháp, Song Hồng đưa tôi đi thăm những nơi đã từng qua, cùng vài nơi chưa có dịp đến. Chúng tôi gởi xe ở Non Nước, làng đá cẩm thạch điêu khắc tượng tinh xảo dưới chân núi Ngũ Hành Sơn trước khi dùng thang máy đưa lên cao, vào thăm các chùa và động Huyền Không. Khung cảnh trầm tịch uy nghiêm như vẫn thấy ở mọi ngôi chùa, đặc biệt tôi thích thú khám phá bụi hoa ti-gôn hồng nhạt hình trái tim vỡ trong gốc sân chùa (Tam Thai?). Một ý nghĩ loé lên trong đầu mà tôi phải dập tắt ngay. Bởi nhìn hoa ti gôn, tôi lại nhớ đến bốn bài thơ nổi tiếng của thi sĩ TTKH thời tiền chiến, chắc chắn là ai cũng biết* 

*Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn nói lên nỗi lòng của người con gái sắp xa người yêu đi lấy chồng nhưng vẫn tiếc nhớ mối tình dang dở và nhắc đến hoa ti gôn, chủ đề chính của bài thơ
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa dáng như tim vỡ 
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi…

…nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng (Hai Sắc Hoa Ti Gôn, TTKH)**

Trời ơi, đi viếng chùa chiền cảnh Phật mà tâm trí toàn nhớ chuyện hồng trần khổ đau không vậy. 
**Bốn câu cuối nầy nổi tiếng đến độ được (hay bị) chế thành vài chục câu thơ trào lộng vui nhộn đếm không xuể. Chẳng hạn như :
Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Trời ơi, buồn lắm một phòng không
Chắc đành đi tán thêm em khác
Kẻo uổng công xây Thập Nhị phòng

Hoặc: nếu biết rằng em đã lấy chồng
Không buồn không trách chỉ cầu mong
Đãi được chồng em một bửa nhậu
Để cám ơn chàng vác hộ gông

Tôi thật quá quắt. Mới vừa cảm thương chuyện tình dở dang của hai nhân vật mấy giây trước thì liền giây sau lại vô tâm cười khúc khích với những câu thơ giễu cợt !!

Ghềnh đá Nam Ô

Ghềnh đá Nam Ô, còn gọi là Bãi Rạn Nam Ô ở quận Liên Chiểu cứ vào độ tháng Ba thì lớp rêu màu nâu phủ các hòn đá nằm ở bãi cát vàng mịn biến đổi sang màu xanh ngăn ngắt, đẹp tuyệt. Một hiện tượng ngoạn mục hiếm thấy của thiên nhiên. Chúng tôi gởi xe ở nhà dân rồi đi bộ theo con đường mòn hơn cây số mới đến bãi. Thật không uổng công đi từ nhà hơn 20 km trong cái nắng gắt lúc 2 giờ trưa..
Nam Ô nghĩa là bãi biển nằm ở phía nam của Châu Ô. Xa xa thấp thoáng ẩn hiện bán đảo Sơn Trà, non với nước hoà hợp thật hữu tình.

Công viên APEC xây dọc bên bờ sông Hàn thuộc quận Hải Châu, mái vòm kiểu như cánh diều lộng gió, một tụ điểm khá khang trang cho mọi người đến thư giản, chiêm ngắm cảnh quan. Mấy đoàn du khách các hạng tuổi nói giọng Bắc xúm xít chụp hình các kiểu. Sông Hồng và tôi tìm cái băng ghế trống ngồi hóng gió mát từ sông thổi tới, và…chụp hình. Tất nhiên, cái phần nầy đâu thể thiếu được !
 
Nhà hàng, cà phê vườn Không Gian Xưa nằm ở đường Điện Biên Phủ quận Thanh Khê không hẳn chỉ là nơi phục vụ ẩm thực, mà còn được xem như một di tích lịch sử với các căn nhà cổ bằng gỗ quí hiếm quy tụ từ nhiều miền đất nước nhất là Huế, nghe lời giới thiệu của anh nhân viên thì giá trị quần thể nầy 470 tỷ tiền Việt. Nếu ai có dịp đến Đà Nẵng hãy ghé qua thăm viếng một lần cho biết. Có cây tùng la hán 200 tuổi, có cổ lầu nơi đặt bộ trường kỷ chạm trổ xà cừ hoa văn tinh xảo mà ngày xưa dành cho các quan ngồi trà đạo, bây giờ lớp hậu sinh chúng tôi cũng bắt chước ngồi nhâm nhi –không phải trà mà cà phê, sinh tố với cái giá đắt gấp mấy lần các nhà hàng khác. Nhưng thôi, cứ coi như mình bỏ tiền mua vé để xem cổ vật có kèm thức uống vậy.

Quán Không Gian Xưa
Tương tự, buổi tối khi trở về từ Hội An tôi đề nghị đến nhà hàng nổi Memory Lounge trên sông Hàn, đường Bạch Đằng còn được gọi là quán chiếc lá bởi kiến trúc của nó để từ đó nhìn xuyên dọc giòng sông Hàn về đêm. Quán là nơi tụ hội của giới nghệ sĩ, thương gia, tầng lớp thượng lưu ĐN mà nghe đồn chủ quán là cô MC quen thuộc của Paris by night. Buổi tối ngồi từ trong quán nhìn qua lớp kính trong suốt, ta sẽ được chiêm ngắm hai cây cầu. Bên trái là cầu Trịnh thị Lý, bên phải cầu quay sông Hàn chiều dài 488 m, ánh sáng từ đèn điện phản chiếu xuống mặt nước lung linh huyền ảo.
Khi xem bảng giá món đồ uống cho hai tách cà phê, hai ly sinh tố bơ (hay gì đó quên rồi), thì Song Hồng lần nữa luôn miệng xuýt xoa : ối đắt chi mà đắt gớm hè, mấy con dao nầy chém sắc lẻm hầu bao chị hỉ ! *
Thì coi như mình mua vé để xem quang cảnh dọc sông Hàn về đêm vậy, vẫn còn quá rẻ nếu so sánh vật giá nơi tôi sống hiện nay.
*Tôi kết bạn với Song Hồng vào những năm 1980’s tại Saigon, khi ấy bạn nói giọng Saigon êm dịu. Sau lấy chồng về Đà Nẵng sinh sống, dần dần bỗng nói rặt giọng địa phương, không còn chút âm hưởng gì của dân Saigon nữa, thật ngộ nghĩnh.

Cầu Rồng: mỗi tuần lúc 21 g tối thứ bảy và chủ nhật có màn trình diễn phun lửa 2 phút rồi phun nước 3 phút tiếp từ cái đầu của con rồng trang trí trên thành cầu. Buổi tối chúng tôi dạo xe ngang, thấy hàng ngàn người ngừng xe đậu chật hai phía cầu chờ xem “xiếc”. Lỡ chạy đến, chần chừ muốn quay về cũng khó khăn mới tìm đường dắt xe lui ra. Đi chưa đến dốc đầu cầu Trần Hưng Đạo thì đến giờ lửa nóng phựt ra, đành ở lại xem nốt. Đến phần phun nước, tia nước bắn xa đến 20 m, may chúng tôi đã xuống đầu cầu không thì ướt như mèo ướt.

Chợ Cồn

Chợ Cồn.”Đến Huế ghé chợ Đông Ba, Quẩng Trị ghé chợ Đông Hà, Đà Nẵng ghé chợ Cồn”. Khu chợ sầm uất không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung. Cũng đúng thôi, vì Đà Nẵng là thành phố lớn nhất miền Trung mà. Chợ nằm ở ngã tư Quang Trung- Ông Ích Khiêm, cách nhà vợ chồng Pháp, Song Hồng khoảng mấy phút chạy xe. Có bán đủ các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, quần áo giầy dép. Thực phẩm đặc sản khô, bánh. Và không thể không sà vào các quầy hàng ăn uống liền kề nhau, thức ăn chất lên tận ngọn rất bắt mắt: mì quảng, bún mắm, bún thịt nướng, bún nước, bánh căn, bánh bèo, bánh xèo, ram cuốn cải, ốc... Đồ ngọt chè các loại, sinh tố, cóc me dầm… giá bình dân tô nào tô nấy đầy ú hụ. Tôi chọn bún thịt nướng, ngồi nuốt hoài mà vẫn không hết tô, bỏ dở để nhường chỗ cho khách mới.

Lần trước ra Hội An tôi có ăn chén bự tàu hủ nước đường (mà tiếng địa phương gọi là tàu phớ. Cháu Tiến Đạt ngồi ăn hết chén, xong nói : ngon quá là ngon, ăn tàu phớ rồi giờ mình đi tìm tàu hủ ăn tiếp!!). Nghĩ Đà Nẵng cũng có bán tàu hủ nên rủ bạn đi ăn ở cái quán mà mấy lần bạn chở xe tôi có nhìn thấy bảng quảng cáo trên đường. Thế là một buổi tối chúng tôi đến quán Xe Lam ăn tàu hủ. Có
nhiều hương vị để chọn lựa, màu sắc bắt mắt, nhưng hoàn toàn khác với món chế biến bằng đậu nành nguyên thuỷ. Quán tên Xe Lam vì ở đó chưng bày nguyên chiếc xe lam chở khách như cách mấy chục năm trước, trên tường trang trí toàn ảnh chuyên về các loại xe lambretta bây giờ không tìm thấy nữa.

Thất vọng, ngày hôm sau nhân đi tắm ở bãi Mỹ Khê về, tôi lại thấy một quán khác treo bảng chuyên bán đậu hủ, khá đông khách nên chiều tối rủ bạn ăn thử. Lại thất vọng thêm lần nữa. Không có chút vị đậu nành mềm mại thơm thơm nào tan nhè nhẹ trên đầu lưỡi như tưởng tượng hết. Mà cả hai quán tính giá ở trên trời so với chén tàu hủ gánh rong ngoài phố .

Nghe đồn rằng tạp chí Forbes xếp bãi biển Đà Nẵng là một trong 7 bãi đẹp nhất thế giới !! *
*Cái này là đọc trên báo chí quốc nội và dân truyền miệng, thực hư không rõ.
Nên một người vừa lấy việc bơi lội là môn thể dục vừa là niềm vui như tôi làm sao bỏ qua cho được. Chứ không tôi đâu nhồi thêm cái maillot-de-bain vào ba lô làm gì. Mình phải tắm ở một trong bảy cái bãi biển đẹp nhất hành tinh nầy ít nhất một lần trong đời cho thoả.

Tôi chỉ đến đó được hai lần, một lần lúc 5 giờ sáng, một lần lúc 4 giờ chiều. 
5g, trời mờ sương, hư ảo. Miền trung tháng tư khí hậu mát mẻ dễ chịu, ngay cả buổi trưa nhiệt độ nóng bức đổ mồ hôi vẫn không khiến da ráp rít nháp nhúa như miền Nam. 
Song Hồng chở tôi 15-20 phút mới ra đến bãi. Người ta đã tụ đông lắm rồi. Bạn nói nhiều người ra đó từ 3 g sáng, để bơi, để tập thể dục, sau đó về đi làm đi buôn bán… có nhiều cô nhiều bà làm dáng chụp hình. Tôi cũng thế ! xong nhào xuống làn nước lạnh. Nhưng từng đợt sóng cao từ ngoài khơi cứ xô đẩy kéo vào bờ nhấn đầu tôi chìm xuống nước. Cái kính rơi ra, may tôi chụp kịp. Tôi chỉ có  thể đứng đón con sóng ập tới thì nhảy chồm lên ngọn rồi để nó cuốn trôi vào bờ, đùa cợt như trẻ con chứ không tài nào bơi lội được. Cứ mỗi lần thử vài sải thì sóng đã ập đến nhấn tôi chìm lỉm.
Lần sau chúng tôi đi lúc 4 giờ chiều, hy vọng sẽ ít sóng. Nào ngờ vẫn như lần trước. Tôi không được bơi, nhưng chí ít cũng an ủi là mình có nghịch với sóng biển Mỹ Khê như ai vậy. Bằng chứng là mấy tấm hình tôi đứng tay chống hông đón vầng thái dương hay ngồi vọc cát vẫn còn trong máy tôi nè.

Rồi nhớ những lần đi tắm ở bãi Rosas- Costa Brava, Tây Ban Nha hay trên đảo Majorque thuộc biển Địa Trung Hải, nước biển mùa hạ ấm áp, tĩnh lặng không chút sóng, tôi tha hồ bơi theo chiều dọc của bãi cả 5,6 km, mệt thì ngồi lên nền cát mịn nghỉ giây lát, xong lại bơi tiếp. Không biết các bãi biển thơ mộng ấy có được Forbes xếp trong danh sách 7 nơi đẹp nhất thế giới không nhỉ ?

Thanh Hà
Nov. 2022






2 nhận xét:

  1. Cút cu TH,
    Cám ơn bạn Thanh Hà thật nhiều, ký sự nhiều tập hay và sống động lắm , không chỉ thầy Hoàng đi du lịch “ Ké “ mà còn có Kim Trúc cũng đồng hành nữa nè bạn ơi.
    Mến chúc TH luôn vui khỏe, đủ “ SUNG” để tiếp tục viết cho mọi người cùng thưởng thức VN ngày hôm nay nha ❤️
    Kim Trúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyển lời của chị Thanh Hà:

      Kim Trúc thương mến,
      Cám ơn KT đã vào đọc và cùng du lịch ké- như thầy Hoàng, và hy vọng có nhiều người khác nữa -, TH nhớ tới đâu thì kể tới đó, thời gian đã qua 8 tháng, cũng quên nhiều điều rồi.
      Và vái trời cho TH đừng có viết quá chán ngắt, khiến không ai muốn vào đọc tiếp nữa.
      Phần KT , TH chúc cho bạn luôn Sung- lời của bạn- để còn ca hát và làm thơ không mệt mỏi bạn nhé. Chúc mọi điều vui vẻ hạnh phúc đến KT và toàn thể gia quyến.
      Thanh Hà

      Xóa