Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Viễn Du Ký Sự - phần 2

Không Còn Như Xưa
Ký sự của Thanh Hà 


Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân ( Ca dao )

1/-

Tết năm 2020 chúng tôi có về thăm gia đình ở Việt Nam, tôi vẫn mang ước nguyện được vi vu trên con ngựa sắt thăm các phong cảnh đẹp quê hương nữa– mặc dù đã bị con ngựa sắt hai bánh nầy phản chủ quăng tôi xuống đất ít nhất ba phen rồi. Một lần do sụp ổ voi, hai lần sau thì bị chó tông. 
*Không biết phải nói thế nào cho đúng ? Xe-cán-chó hay chó-tông-xe ?

Nhiều người xúm vào ngăn cản, nại cớ sao mà gan quá trời thế, bộ không biết ở VN người ta chạy xe ẩu như thế nào, bộ không thấy và nghe bao nhiêu trường hợp tai nạn kinh hoàng, ngay cả 1 cháu gái tôi lúc mới 6, 7 tuổi, rồi sau này đến  chị hai tôi đi bộ qua đường cũng bị mấy tên say rượu tông trúng, đã không biết lỗi mà còn nằm vạ đổ thừa ngược đó sao. Đó là chưa kể ngồi trên yên moto chừng vài tiếng đồng hồ bộ không tội nghiệp cái lưng, cái mông và hai cặp giò yêu quí đau đớn mỏi nhừ bước đi hết nổi, mấy ngày sau còn nhức nhối thế mà tính chuyện dong ruổi đường trường vài tuần lễ? 
Hơn nữa, với tuổi đời đã hết một vòng can chi hoa giáp như thế, lại là phụ nữ sức yếu đuối, mặt hoa da phấn hứng cái nắng táp mưa sa nhiệt đới- dù có che mạng- đi chơi một chuyến xong chắc sẽ biến thành dân Phi châu hết ai nhận ra luôn. Sao không biết lượng sức gì cả.
Rồi họ chắc lưỡi than tiếp: Ôi trời, chỉ nghe nói là đã thấy vượt quá sự tưởng tượng rồi, không đi được đâu cô nương ơi ! Đi chơi bằng xe bốn bánh tránh nắng, máy lạnh mát mẻ, mệt thì dựa lưng vô thành ghế ngủ nghỉ cho thoải mái, an toàn, nhà có phương tiện mắc mớ gì hành cái thân chi rứa.
Mặc ai nói gì thì nói, tôi đâu ngán! Một khi đã thích rồi thì đâu có dễ ngã lòng trước viễn cảnh bi luỵ như vậy.
Tai nạn ư ? Lúc nào, ở đâu, với bất cứ phương tiện nào mà tránh được tai nạn? Ngay cả ngồi trong nhà, hoặc đang ngủ mà xe còn tông thẳng vô đè bẹp chết tươi, ở Little Saigon cứ vài hôm là nghe có người băng qua đường bị xe cán. Còn cảnh xe lớn đụng nhau mới càng khốc liệt kinh hoàng nữa cơ. Ngay cả phi cơ mấy năm sau này cũng rớt rơi không ngớt. Mà khỏi cần đi tàu xe máy bay gì, chỉ tụ họp vô mấy chỗ đông người xô đẩy chen lấn té đạp lên nhau chết hằng trăm trăm mạng trong tích tắc, hay dồn đống quá tải trên chiếc cầu xập đổ xuống sông, lôi bao sinh mạng theo hà bá…tin tức ở Ấn Độ, Đại Hàn…còn sờ sờ ra đó.
Tóm lại, ở đâu cũng chết được chớ không phải đi moto mới chết. Cứ tin vào số mệnh mà bình tâm đón đợi những may rủi cuộc đời.
    
Gia đình tôi gần như đều có cùng gien du lịch, trong đó có hai vợ chồng con của chị ba càng giống tôi là thích đi chơi bằng moto–đã thực hiện mấy chuyến đi xuyên Nam–Bắc, còn miền Trung, Nam thì không đếm xuể. Năm 2020 cháu rất muốn dẫn tôi đi, phải tìm người chở mới đủ, nhưng lúc ấy quỉ dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện rồi, mọi người lao xao nhốn nháo lo sợ không ai dám phiêu lưu vào thời điểm đó nên tạm gác lại dự định, hẹn lần sau.
Sau hai năm bó chân bó cẳng ngồi nhà, chỉ dám thỉnh thoảng xả cảng len lén đi chơi vòng vòng quốc nội Thuỵ Sĩ, gặp gỡ bạn này vài hôm bạn kia vài hôm, rủ nhau leo núi Alpes, thăm ngắm các hồ ở các tỉnh khác mà chưa có dịp đến hoặc hội họp từ năm đến mười người tuỳ giai đoạn được phép. Thì tháng tư 2022 tình hình dịch đã giảm bớt nhờ tìm được vaccin chế ngự nên tôi tức thời đặt vé đi VN thăm gia đình cho thoả. 
Như cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm ( Ngày Về, Hoàng Giác), dù cho tôi đang sống ở xứ sở như ý, vẫn không quên được nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi tôi có một tuổi thơ và hoa niên tươi đẹp, hạnh phúc trong gia đình có ông bà Ngoại, Ba Má cùng các chị em hoà thuận yêu thương nhau.

2/-

Trước khi về quê, tôi nán lại Saigon nhà cháu Bích Tuyền để lo vài việc lặt vặt, thăm họ hàng, bạn hữu cũ. Định chỉ lưu lại vài hôm, rốt cuộc kéo dài hơn hai tuần bởi Bích Tuyền bị vướng covid, triệu chứng nhẹ giống cảm tuy nhiên vẫn phải cách ly tại gia, tự nhốt tuốt trên lầu bốn không dám bước chân khỏi phòng, nhờ đã giảng dạy cho sinh viên (Y khoa) qua online từ nhiều tháng trước nên giờ không gặp trở ngại nào. Ngoại trừ hai đứa con trai Billy 9 tuổi, gái Anna 6 tuổi ở dưới lầu một, cũng nghỉ học cách ly ở nhà mà không được gặp mẹ, nên cần tôi chăm sóc, cơm nước cho mấy mẹ con. Buổi tối hai anh em sang ngủ với tôi, buồn nhớ mẹ nhất là bé Anna, thỉnh thoảng í ới gọi nhau để được nghe tiếng nói của Mẹ từ lầu trên vọng xuống nhưng vẫn rấm rứt đòi Mẹ. Tôi uốn ba tấc lưỡi cố tìm lý do hợp tình hợp lý thuyết phục bé đừng buồn. Ai dè khi tôi bắt đầu nói thì bé bắt đầu khóc nho nhỏ, tôi càng ra sức nói chừng nào thì Anna càng khóc to hơn, nghẹn ngào hơn chừng nấy. 
*Xem đó thì biết tôi không thể làm thuyết-khách-gia được rồi.

Hoảng quá tôi bèn gọi điện thoại cho hai mẹ con nói chuyện. Bích Tuyền chỉ nói
có đôi ba câu là Anna đã hạ cơn nức nở, sau vài phút suy nghĩ thì bé bình tĩnh lại, nụ cười e thẹn xuất hiện và nói :
–Ba ngày nữa măng Tuyền hết bịnh sẽ ngủ với con, giờ con hứa không khóc để măng yên tâm mau hết bịnh.
Rồi bé tự trách giọng nhão nhoẹt kéo dài rất dễ thương:
–Không biết sao Anna nhõng nhẽo quá hà.


Thiện, chồng Bích Tuyền mỗi tuần chỉ vào bịnh viện thăm khám bịnh nhân có ba ngày, những ngày còn lại làm việc online nên tôi giao hai bé cho ba chúng trông coi, ra ngoài thăm viếng Saigon với các cháu khác, thử tìm lại chút dấu vết quen thuộc ít ỏi của ngày xưa. Vẫn những con đường đó nhưng nhà cửa mọc lên nhiều, hàng quán bảng hiệu dầy đặc nên tôi không nhận ra đâu là đâu nữa. Từng góc phố, con đường, ngôi trường, cây cầu… ngày xưa tôi từng qua lại mòn dấu chân, mà bây giờ sao xa lạ. 
Những ngày đầu mới đặt chân xuống Saigon, cháu chở tôi đi ngang công trường Mê Linh, thấy bức tượng thánh Trần Hưng Đạo tay trái nắm thanh kiếm, tay phải chỉ xuống sông Saigon, bến Bạch Đằng theo câu nói lịch sử của Ngài:”phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông nầy nữa”,nghe niềm xúc cảm dâng trào, hãnh diện tự hào biết bao chí khí đấng tiền nhân đã oanh liệt chống và chiến thắng giặc ngoại xâm lớn mạnh gấp trăm lần. Tôi kêu cháu dừng lại để tôi đến gần bức tượng chiêm ngắm Ngài. Muốn đốt nhang mà không tìm thấy bộ lư đâu cả. Một tuần sau, ngày 18.03.2022 có dịp lại đi ngang, thấy nhiều người đang tụ tập chung quanh tượng Ngài. Tò mò nhìn kỹ. Ô kìa hình như có bộ lư nhang dưới chân tượng. Ai đã đem trả bộ lư trở về chỗ cũ sau mấy năm di dời với mục đích gì chả hiểu. Mừng quá, tôi kêu cháu quay lại đậu xe sát lề để tôi đến đốt nhang và nhờ cháu chụp tôi vài bức ảnh kỷ niệm.

Tôi đi qua ĐH Văn Khoa, bây giờ đã đổi thành trường Khoa Học Xã Hội Nhân Văn chi đó. Xây thêm nhiều phòng ốc, từ bên ngoài tôi không nhận ra nữa. Đường Nguyễn Huệ xưa thân thuộc với tôi bao nhiêu, giờ người quen đã dời đi hết nhường cho nhiều building cao tầng ngạo nghễ.
Buổi tối rủ các cháu ra Hồ Con Rùa uống sinh tố. Ngồi trong sân vườn, muỗi đeo châm chích đau quá nên phải về sớm.

Saigon nhịp sống quay lại như hồi chưa có dịch, nghĩa là đông đúc nhộn nhịp, khói bụi, hơi nóng hừng hực, động cơ xe ồn ỉ, ai nấy bịt kín mặt chỉ chừa đôi mắt, áo khoác dầy phủ kín từ đầu đến chân để ngăn tia hồng ngoại tử ngoại cháy sạm da. Hết rồi nam thanh nữ tú trong những y phục trang nhã, dáng vóc đài các, tà áo dài vờn bay lộng gió.  
Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng ( Áo Lụa Hà Đông, Nguyên Sa )

3/-

Thật khiếm nhã khi tôi vừa nhắc đến Đức Hưng Đạo Vương với lòng thành kính tôn nghiêm rồi liền kề đây tôi định kể lại một việc chính mình chứng kiến ở ngay đất Saigon–nơi hơn nửa thế kỷ trước từng được lân bang mệnh danh Hòn Ngọc Viễn Đông–khiến tôi kinh ngạc không tưởng tượng nổi. Đành thất lễ với Đức Thánh Trần, bởi đây là một loại nhật ký tôi ghi chép các sự việc, các suy nghĩ xảy ra mỗi ngày liên tiếp trong chuyến du hành nên nếu không kể thì sẽ quên mất. Mà tôi cần phải viết ra đây để chia xẻ cho mọi người cùng biết mới được. Bởi đây là “chuyện khó tin nhưng có thật”. 

Thỉnh thoảng đọc trên mạng, thấy người ta đăng những mẫu chuyện vui cười hay các hình biếm hoạ về “thói ăn nết ở” giống thuở hồng hoang của một số người, mà tôi cứ tưởng là photoshop hoặc châm chọc cho vui. Ai ngờ có thật khiến tôi muốn bật ngửa khỏi yên sau xe cháu chở khi chứng kiến tận mắt giữa thanh thiên bạch nhật. 
Chứng kiến tận mắt cái gì ? Giữa đường phố Saigon tôi thấy một người đàn ông dừng xe trên cây cầu xây cất rất tối tân ở quận 1, đứng quay mặt ra thành cầu hai tay khum lại ở giữa để điều khiển gì đó mà khi xe cháu tôi chạy trờ tới, vô tình tôi ngồi sau lưng-đang đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh hết bên trái sang bên phải- cứ ngỡ là ông ta đang vui thú điền viên, hưởng nhàn, mặc thế sự chung quanh chộn rộn, giống như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm :
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào ( Nhàn )
Tôi nói với cháu : 
–A, có người đang câu cá kìa. Cầu cao như vậy không biết ổng có câu được con cá nào không nhỉ ?
Cô cháu bật một tràng cười khanh khách :
–Ông đó đang đứng tiểu chớ không phải câu cá đâu má tư. Má tư nói làm con buồn cười quá .
– Thật vậy à? Tôi lắp bắp– Ủa, m4 thấy ổng cầm cái cần câu màu trắng mà. 
–Trời ơi, không phải cái cần câu đâu. Nước trong người ổng phóng uế ra đó, ha ha ha. Cháu tôi càng cười dữ dội.
Mắt tôi cận thị dù có mang kính nhưng vẫn không thấy chính xác được. Cứ tưởng ông ta thả cần câu chứ.
–Sao…sao mà ông đó dám làm chuyện ấy ngay Saigon, giữa ban ngày như vậy.
–Đây là chuyện bình thường rồi má tư ơi, con chạy xe trên đường chứng kiến hoài huỷ. 
Tôi sửng sốt vô tả. Cháu nói chứng kiến thường xuyên cảnh nầy giữa đất địa Saigon, công khai chỗ đông người qua lại chứ không phải ở một hốc hẻm nào kín đáo hoặc có lều trại che chắn, vào đêm tối? Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn, xe
chạy thêm một đoạn, dọc hai bên đường trồng hàng cây xanh hoa màu vàng dễ thương hình như là hoa hoàng lan, lại thấy một ông cũng đang đứng quay vô lề, chiếc xe hai bánh đậu bên cạnh, thưởng thức “một trong tứ khoái” bất chấp xe cộ dập dìu qua lại. 

Tôi còn có dịp chứng kiến thêm vài ba lần nữa, cũng tại Saigon, cạnh đường lớn, hay trên cây cầu, mà không thấy ai giật mình quay đầu lại ngó hay tỏ cử chỉ gì kinh ngạc hết. Chắc đã quen nhìn thấy hàng ngày nên họ thản nhiên thờ ơ, thấy chuyện đó đâu có gì mà ầm ỉ.
Tôi không biết nói gì thêm.
Ngày xưa… phải, làm sao mà tôi không so sánh chuyện bây giờ với chuyện ngày xưa cho được. Ngày xưa tôi đi học từ nhà đến trường phải ngang qua dinh Quận Rạch Sỏi. Mỗi sáng thứ hai các quân nhân công chức đều đứng ngay hàng thẳng lối tề tựu ngoài sân quận để hát quốc ca làm lễ chào quốc kỳ. Chỉ nghe tiếng nhạc và giọng hát trỗi lên là tất cả bộ hành : từ người dân thường đến học sinh, đang đi bộ hay chạy xe đều dừng lại đứng nghiêm, ngã nón hướng mặt về lá cờ đang tung bay phất phới trên không với thái độ tôn kính. Chờ đến khi bản quốc ca dứt thì mọi người mới đội nón và tiếp tục con đường của mình.
Tương tự, nếu gặp đám tang chúng tôi cũng đều đứng nghiêm bỏ nón chào vĩnh biệt kẻ lìa trần, chờ cho xe tang qua khỏi mới đi tiếp.

Bây giờ, hơn nửa thế kỷ, con người đã tiếp cận với thế giới qua internet, du lịch khắp năm châu bốn bể thì lẽ ra càng phải sống văn minh hơn, vệ sinh hơn. Đằng nầy lại thụt lùi, trở về thuở sơ khai không biết xấu hổ là gì ? Nếu như họ sống nơi núi rừng hoang dã, dân cư thưa thớt, cái ăn cái mặc còn không có thì bàn chi đến những tiện nghi của người thành thị đã đành. Như hồi tôi còn sống ở Việt Nam những năm 1990’s, có lần đi Phan Rang thăm chị bạn, chị dẫn lên Tháp Chàm chơi. Xung quanh tháp là mảnh đất hoang mênh mông nhiều viên đá tảng rải rác, mọc lơ thơ vài cọng cỏ khô cằn. Định đi lên tháp nhưng được nửa chừng thì chị bạn níu tay bảo thôi đừng đi. Ngạc nhiên hỏi vì sao ? Chị cười tủm tỉm che miệng nói nhỏ:
–Có mấy người đang ngồi xả chất thải đó. Mình đi lên họ mắc cỡ.
Tôi ngạc nhiên trợn mắt. Chị giải thích là ở đây nhiều gia đình không có cất nhà vệ sinh, khi cần thì chạy ra đồng ra rẫy nương hoặc lên nơi nào xa khu dân cư, cứ tự nhiên làm việc ấy.
Lý do tôi cận thị, đi ra ngoài ít khi chịu mang kính nên đâu thấy gì.
Đó là câu chuyện đã hơn ba mươi năm trước, ở nơi vắng vẻ. Còn bây giờ, thế kỷ 21, lại ở ngay thành phố Saigon, giữa ban ngày, nơi có đông xe cộ qua lại…
Ai đi xa có dịp quay về cố quốc, cũng đều công nhận bộ mặt đường phố nhà cửa kiến trúc khá giả lộng lẫy hơn xưa rất nhiều. Đúng lý khi vật chất đầy đủ hơn thì cách hành xử phải tương ứng, sao lại thụt lùi theo tỷ lệ nghịch thế nhỉ ?

Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây
Saigon đẹp lắm Saigon ơi ! Saigon ơi !
( Saigon Đẹp Lắm, Y Vân )
Nếu nhạc sĩ Y Vân còn sống, không biết ông có còn ca ngợi Saigon đẹp lắm nữa không.

Thanh Hà
LCDF, 10.11.2022

 





1 nhận xét:

  1. Ba chân, còn thiếu một chân
    Hãy thêm chân nữa, vùng dưng như đồng !
    TP.

    Trả lờiXóa