Bạn đừng ngạc nhiên về cách đặt vấn đề như vậy. Tôi không nói tiền không là gì cả vì chí ít tiền cũng là phương tiện để trao đổi hàng hóa mà điều tôi muốn lưu ý bạn là TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ.
Vâng! đúng như vậy!
Có thể bạn sẽ phản đối quan điểm của tôi vì theo bạn phải có tiền mới sống được, phải có vốn mới xây dựng nên cơ nghiệp của mình. Tôi không phản đối quan điểm của bạn vì đó là thực tế, một thực tế mà bất kỳ lập luận nào cũng không đủ tính thuyết phục để phủ nhận điều bạn đã nói. Nhưng cũng thật khó mà phản bác quan điểm của tôi vì không ít nhà doanh nghiệp đã tạo dựng cơ nghiệp của mình từ hai bàn tay trắng. Cuộc đời kinh doanh của họ đã chứng minh cho nhân loại một chân lý sáng giá: TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ MÀ CON NGƯỜI MỚI LÀ ĐIỀU TRÊN HẾT.
Vì thế, bước vào nghiệp chủ bạn đừng lo sợ không có vốn để sản xuất.
Phải công nhận một điều: Nói gì thì nói, một doanh nghiệp muốn tồn tại trước hết phải có tiền đã, không có tiền sẽ không có sản xuất, mà không có sản xuất thì không thể gọi là doanh nghiệp. Nhưng cái vốn tiền bạc đó đâu phải bạn sẽ không thể tạo ra. Đừng thối chí nản lòng khi thấy thiên hạ giàu sang còn mình thì chỉ vẫn hai bàn tay trắng. Trong những người mà bạn thầm ghen tỵ đó, không ít người đã từng sống cảnh như bạn. Họ cũng đã phải vất vả để lo kiếm đủ miếng ăn, họ cũng đã từng phải có những phút giây tủi nhục, bị hiếp đáp khinh rẻ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng quyết tâm chiến thắng hoàn cảnh, đem cả tâm trí ra để phấn đấu rũ bỏ cái nghèo, và cuối cùng họ đã chiến thắng.
Một nhà doanh nghiệp phàn nàn: “Tôi biết thằng con tôi, nó có nhiều đức tính lắm song nó có một bất lợi rất lớn là nó sinh trưởng trong một nhà giàu”. Câu nói đó thật chí lý. Sống giàu sang phú quý, dễ làm cho con người lười biếng, nhút nhát, không dám làm những công việc “mạo hiểm”, vì sợ sẽ thất bại, sẽ mất tất cả.
Trong kinh doanh, nhà doanh nghiệp muốn thắng lớn không chỉ dựa vào những phép tính chuẩn xác “đo chân đóng giày” mà nhiều khi còn phụ thuộc vào tính chất mạo hiểm của công việc. Tất cả những việc làm để chớp lấy thời cơ, tạo nên cơ hội của các nhà doanh nghiệp đều mang tính “mạo hiểm” và thật ngược đời trong những trường hợp đó, nhà doanh nghiệp dễ thành công hơn. Như vậy sự chấp nhận mạo hiểm trong công việc, có thể nói, là một trong những tư chất ông chủ. Con trai nhà doanh nghiệp nọ có đầy đủ những đức tính tốt nhưng sự giàu có của cuộc sống đang hưởng sẽ làm cho cậu thụ động, sợ mạo hiểm và như vậy cậu ta sẽ chẳng làm được một chiến tích lớn lao trong cuộc đời như người cha cậu đã từng làm.
Còn bạn? Nếu không có vốn để kinh doanh thì cũng đừng run sợ, bỏ cuộc. Tôi xin nhắc lại TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ MÀ CON NGƯỜI MỚI LÀ TRÊN HẾT. Điều này phải được bạn ghi nhận và coi đó là một mệnh lệnh thôi thúc bạn phải khẳng định tư chất con người bạn.
Nguyễn Hiến Lê cũng đã từng tâm niệm: “Thiếu cái vốn tiền bạc thì bạn đã có cái vốn khác quý báu hơn nhiều, không ai ăn cắp được, tịch thu được của bạn, một cái vốn mà sự phá giá của đồng tiền không thể ảnh hưởng mảy may gì tới cả; cái vốn đó là sự hiểu biết, những kinh nghiệm, sức làm việc, lòng kiên nhẫn, chí quyết thắng của bạn. Trời đã ban cho ta bộ óc, hai bàn tay và 24 giờ mỗi ngày thì ta không thể phàn nàn rằng thiếu tiền, thiếu vốn là một nghịch cảnh”.
Trong kinh doanh, vốn không phải chỉ do bạn tự tạo, mà nguồn vốn dùng trong việc phát triển kinh doanh là tổng hợp các loại vốn: Vốn tự tạo, vốn vay mượn, vốn thế chấp… Bạn chưa có vốn tự tạo, thì hãy cố gắng mà tìm ra nguồn vốn từ các loại vốn khác để sản xuất kinh doanh. Tất nhiên để tạo ra nguồn vốn ngoài khả năng tự tạo của mình bạn sẽ gặp vô vàn những khó khăn nhưng bạn sẽ làm được điều đó vì bạn có khối óc hơn người, có tư cách hơn người. Đừng lo sợ mình sẽ không làm được mà giết chết đi những ý tưởng tốt đẹp của mình.
Tiền không phải là tất cả, con người mới là trên hết, phải không bạn?
Đặng Xuân Xuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét