Cố Đô Hoa Lư–Tràng An
Ký sự của Thanh Hà Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
( Thăng Long Hoài Cổ, bà Huyện Thanh Quan )
Ngày 14.4.2023
Lúc bước vào nhà vợ chồng Tấn & Thuỷ vào 1 giờ đêm qua - ủa, 1g sáng nay ngày 14 chứ - tôi kiệt sức rả rời, nói không ra tiếng. Vượt quãng đường Đồng Hới -Nho Quan, tính luôn mấy lượt vòng vèo leo lên leo xuống hang động Thiên Đường cũng trên 500 km, cộng với tâm trạng hồi hộp lo lắng lúc song hành lúc vượt qua mặt lúc bị chèn ép các xe camion hạng nặng bằng tốc độ điên cuồng trên đường cao tốc khiến tôi tiêu hao bao nhiêu năng lực.
Tưởng phải vài ngày mới hồi phục sức khoẻ, nhưng lúc ngồi ăn trưa Tấn, Thuỷ kể các nơi nên thăm viếng:rừng Cúc Phương, cố đô Tràng An Hoa Lư, Tam Cốc, Bích Động.. nghe háo hức nôn nao quá nên dù thân thể còn ê ẩm tôi vẫn không nằm yên dưỡng sức được. Thế là khoảng 3 giờ, trời hiu hiu mát chúng tôi nhảy lên xe rong chơi tiếp.
Đầu tiên chọn nơi nào gần nhà đi viếng trước. Nghe danh rừng Cúc Phương từ lâu, là khu rừng quốc gia nguyên sinh rất rộng hơn 22 ngàn héc ta nằm trên ba tỉnh Thanh Hoá, Hoà Bình, Ninh Bình có hằng trăm loài động vật như khỉ, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng cùng thực vật quí hiếm, cách nhà Thuỷ khoảng trăm km nên đi về, dạo rừng nhanh một ngày không đủ, tạm gác lại hẹn lần sau.
Tràng An- Hoa Lư, địa điểm nầy thu hút lôi cuốn tôi nhất. Ai cũng biết từ khi còn học sử ở tiểu học vua Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư làm kinh đô lúc Ngài lên ngôi, có điều tôi không hề biết Hoa Lư thuộc địa phận Ninh Bình. Ngay cái tỉnh Ninh Bình trước giờ tôi cũng không hề nghĩ có ngày mình sẽ ghé đến !
Thế là tôi đề nghị hôm nay đi viếng cố đô Hoa Lư nằm trong chu vi Tràng An.
một diện tích rộng mênh mông hàng trăm mẫu, một vài chỗ có xây tường thành, nhiều cây xanh um tùm bao bọc, từ xa cũng thấy tầng tháp vươn lên ngất ngưỡng như thách đố trời cao. Nghe rằng ngôi chùa nầy lớn nhất Đông Nam Á (!). Cổng chùa xây rất bề thế, thôi thì đã mất công từ xa đến, thử vào viếng xem công trình ”nổi tiếng lớn nhất Đông Nam Á” nầy như thế nào. Qua khỏi cổng chùa đến khoảng sân đất thật rộng dùng làm bãi đậu xe các loại, đi thêm một đoạn thì có nhân viên ra nhắc nhở phải mua vé xe điện đưa lên chùa, cộng với vé vào cửa.
Cháu nói chúng tôi muốn đi bộ men theo con đường dốc đằng kia (dân địa phương mách), là lối đi dân gian đã có tự lâu, thì họ nói con đường đã chắn cấm không cho người qua lại từ vài năm nay rồi. Cháu hỏi còn con đường nào khác không, họ lắc đầu nói chỉ lên chùa bằng cách mua vé xe đưa đi thôi.
A, thì ra họ muốn mọi người phải trả tiền mua vé xe lẫn vé vào chùa mới được dâng hương lễ Phật. Chúng tôi quyết định quay ra không vào nữa*
*Tương tự lúc chúng tôi lên núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, thông thường có hai cách. Một là con đường dốc đi lên tự do mà lần trước chúng tôi đã từng đi rồi. Hai là mua vé thang máy đưa lên tận nơi. Hiện nay con đường dốc đó cũng đóng lại không ai được xử dụng, bắt buộc phải mua vé thang máy nếu muốn lên chùa.
*Mười ngày sau, chúng tôi viếng chùa Tam Chúc ở Kim Bảng tỉnh Hà Nam, cách chùa Bái Đính 30 km là “ngôi chùa lớn nhất thế giới”*– gồm chùa ngoài là nơi tiếp đón, và một gian hàng khổng lồ bày bán đủ các mặt hàng lưu niệm, thực phẩm địa phương, nơi ăn uống… sau đó muốn vào chùa chính phải mua vé có thuyền chở vào tít tận đâu ấy, chúng tôi không biết vì cũng có chịu bỏ tiền mua vé thăm chùa đâu mà biết.
*Thông tin quốc nội viết rằng Bái Đính là “ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á”, thế vẫn còn thua chùa Tam Chúc “lớn nhất thế giới” nhỉ.
Chẳng phải tôi tiếc tiền mua vé, mà chỉ vì tôi quan niệm chùa là nơi tôn kính thờ phượng Đức Phật, do thành tâm tự nguyện của mỗi người dâng cúng nguyện cầu chứ không phải là trung tâm giải trí mà bắt khách trả tiền mãi lộ mới được vào đảnh lễ.
Ngoại trừ tôi đồng ý việc bán vé thuyền cho du khách vào chùa chánh Tam Chúc vì muốn đến đó chỉ có mỗi phương tiện đi bằng thuyền xuyên hồ chứ không có lối đi bộ.
Nếu du khách có vấn đề sức khoẻ, hoặc không quen leo trèo cao, muốn xử dụng xe điện, thang máy… tránh mệt mỏi thì đó là phương tiện rất hữu ích. Nhưng vì sao lại đóng cả con đường xưa nay người dân đã thường xử dụng, ngăn người ta tự do qua lại như ý muốn?
*Khi viết bài này thì Hội An cũng áp dụng việc bán vé cho du khách vào dạo phố cổ. Tôi đã đến Hội An hai lần, từ giờ về sau tôi sẽ không đặt chân đến nữa.
À hình như họ gọi việc thăm viếng các cảnh chùa là Du Lịch Tâm Linh gì đó, có rất nhiều danh từ mới lạ mà tôi quá dốt chẳng hiểu ý nghĩa. Vậy nên tôi đoán du lịch tâm linh cũng là một hình thức kinh doanh, thương mại như các mảng du lịch khác– gọi là du lịch tức kinh doanh–nhưng thay vì bỏ tiền mua vé đi thăm danh lam thắng cảnh thiên nhiên thì bỏ tiền mua vé thăm viếng chùa chiền, nơi chắc chắn chứa đựng nhiều sách kinh điển triết lý Phật thượng thừa, may mắn sẽ được gặp các vị thượng toạ kiến thức tinh thông siêu việt trụ trì ở đó để được nghe các Thầy giảng đạo pháp đây.
Ủa nếu gọi đích danh du lịch nầy là du lịch Tâm Linh sao họ chỉ quảng cáo khen ngợi diện tích to lớn nguy nga đặc sắc của các ngôi chùa, cùng cảnh quan hùng vĩ chung quanh mà chẳng có một lời nào giới thiệu về khía cạnh Tâm Linh cả vậy nhỉ. Rồi với lượng du khách đông đảo cứ ra vào tới lui như trẩy hội liên tiếp không dứt hàng ngày như thế mà các sư thầy vẫn tĩnh tâm an vị tu tập được thì hạng chúng sinh như tôi vô cùng bái phục.
Sau chuyến viễn du, tìm hiểu tôi mới biết Tam Chúc chỉ cách chùa Hương chừng 4,5 km. Chùa Hương nổi tiếng nhờ bài thơ rất dễ thương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Bài thơ ngũ ngôn dài 34 đoạn nhưng đọc không chán, viết về cảm nghĩ của cô bé 15 tuổi đi chùa cùng ba mẹ gặp một văn nhân đúng y như người trong mộng.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương…
…em nay tuổi mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng
Khen tươi như trăng rằm…
…người đâu thanh lạ thường
Tướng mạo trông phi thường
Lưng cao dài trán rộng
Hỏi ai nhìn không thương…
…ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng ( Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp )
Lẩn thẩn tôi nhẩm tính, bài thơ ra đời vào năm 1935 tức đã 88 năm, lúc ấy cô bé 15 tuổi thì bây giờ nếu còn sống đã thành lão bà 103 tuổi.
Thí dụ trong thời gian du lịch tôi biết chùa Hương gần như thế, cũng chưa chắc tôi đã muốn viếng. Vì sao ? Vì tuy ngày xưa tôi bị mê hoặc bởi các bài văn Trẩy Hội Chùa Hương của Phạm Quỳnh, thơ của Chu Mạnh Trinh khen đây là Hương Sơn Đệ Nhất Động, Tản Đà và nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có các bài thơ đặc sắc hóm hỉnh ca ngợi, nhưng chính báo chí quốc nội từng đăng nhiều bài than phiền nó đã trở nên bát nháo nhuốm mùi trần tục thương mại chứ không còn là nơi thanh tịnh an nhiên nên tôi “kính nhi viễn chi” là tốt nhất. Để cho hình ảnh cô bé 15 tuổi cùng bố mẹ và chàng tao nhân mặc khách ngồi trên chiếc xuồng con được người chèo thong thả đẩy đưa theo giòng suối Yến êm ả uốn lượn hai bên bờ cây xanh tươi tốt, hoa nở tuỳ loại theo mùa, xa xa núi non hùng vĩ sẽ còn đọng mãi nét lãng mạn ngọt ngào trong tâm hồn một thiếu nữ ngẫu nhiên trạc tuổi 14 là tôi lúc đọc bài thơ Chùa Hương, rồi mơ mộng sao mình không là cô bé trong bài thơ ấy !
Tràng An cổ, Hoa Lư
Hoa Lư là kinh thành cổ có từ thế kỷ thứ 10, lúc vua Đinh Tiên Hoàng tức anh
hùng Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng Đế chọn Hoa Lư làm kinh đô mở đầu triều đại nhà Đinh, tên nước Đại Cồ Việt, tiếp đến đời Tiền Lê kéo dài 42 năm. Đến đời vua Lý Thái Tổ ( tức Lý Công Uẩn ) thì dời đô về Thăng Long, Hà Nội.
hùng Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng Đế chọn Hoa Lư làm kinh đô mở đầu triều đại nhà Đinh, tên nước Đại Cồ Việt, tiếp đến đời Tiền Lê kéo dài 42 năm. Đến đời vua Lý Thái Tổ ( tức Lý Công Uẩn ) thì dời đô về Thăng Long, Hà Nội.
Lịch sử viết rằng khi còn bé, vua thường tụ tập nhóm trẻ đi chăn trâu bẻ lau làm cờ bày trò tập trận đánh nhau. Vốn tư chất thông minh được đám bạn trẻ tôn làm chỉ huy. Vợ là hoàng hậu Vương Vân Nga, mà nghệ sĩ Thanh Nga tài sắc vẹn toàn từng đóng vai trong vở cải lương cùng tên.
Nơi đây còn đền thờ hai vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành cách nhau vài chục mét. Xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nghệ thuật điêu khắc đa số trên đá và gỗ rất kỳ công tinh xảo.
Lúc chúng tôi đến viếng đền thờ hai vị vua, trời sụp tối không còn khách lai vãng. Nhìn các bức tường đóng rêu mốc meo với thời gian, không gian im ắng u mờ, hình dung các đấng tiền nhân đã từng sống nơi nầy tiền hô hậu ủng, quan quân rộn rịp tam cung lục viện. Hơn một ngàn năm trôi qua, nay chỉ còn dấu tích hoang phế mà thoáng ngậm ngùi
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
( Thăng Long Hoài Cổ, bà Huyện Thanh Quan )
Cố đô Hoa Lư từng là nơi nguy nga tráng lệ gồm quần thể nhiều cảnh quan thiên nhiên lẫn kiến trúc nhân tạo giá trị, nhắc nhớ vẻ cổ kính hào hùng của lịch sử. Tường thành, đền chùa, lăng mộ, hang động…kinh đô được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp như vòng đai vững vàng. Có sông Hoàng Long, cánh đồng Nho Quan Gia Viễn làm hào sâu thiên nhiên bảo vệ.
Các núi đá vôi cấu tạo 250 triệu năm, khi khai quật còn phát giác nhiều dấu tích người tiền sử từ 5000 đến 30000 năm trong các hang động.
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục thăm viếng Tràng An. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp tác động đến tinh thần, nên cuối ngày sức khoẻ tôi gần như trở lại bình thường.
LCDF, 17.May.2023
Thanh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét