Tam Cốc-Bích Động
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An (ca dao Việt Nam)
1/-
5 g tôi thức dậy đi tắm. Mọi người còn đắm chìm trong giấc ngủ. Nhiệt độ giữa
tháng tư miền bắc bắt đầu ấm dần, ba dì cháu dồn ngủ chung trên chiếc giường đôi nên chật chội đổ mồ hôi dù mở hai cái quạt, tôi không quen hơi quạt phả vào người càng khó chịu.
tháng tư miền bắc bắt đầu ấm dần, ba dì cháu dồn ngủ chung trên chiếc giường đôi nên chật chội đổ mồ hôi dù mở hai cái quạt, tôi không quen hơi quạt phả vào người càng khó chịu.
Tắm xong cảm thấy nhẹ nhàng thư thái. Mọi đau nhức hầu như biến mất. Nguồn nước lấy từ trên núi xuống nên mát lạnh tinh khiết, may Thuỷ có trang bị máy nước nóng nên cơ thể không bị run cóng. Vẫn chưa ai thức nên tôi lôi đồ ra giặt, ngồi trên cái ghế thấp chủn cao hơn tấc, vò quần áo bằng tay cho xà bông nổi bọt vun tràn miệng thau, xả ít nhất ba lần, vắt vặn vẹo quần áo cho bớt nước, đem phơi trên sợi dây giăng căng dọc rìa sân tráng ciment. Đàn gà vài chục con đang lùng sục kiếm ăn trên khoảnh vườn rộng chung quanh nhà, thấy tôi bèn đua nhau chạy đến. Tiếng gà trống gáy te te, gà mẹ cục tác gọi con, gà con kêu chiêm chiếp….Nhìn đàn gà quây quanh, nhớ ngày xưa lúc còn sống bà Ngoại cũng sáng sáng bưng thúng lúa ra bên hè bóc từng nắm rải đều cho đàn gà vịt nhao nhác tranh nhau ăn.
Có tiếng bò kêu. Nhìn sang phải, a con bò nho nhỏ đang thẩn thơ trên mảnh vườn kề cạnh sân mà hôm qua giờ tôi không để ý thấy. Nó có vẻ háo hức muốn đi sang nhập bọn với đàn gà nhưng vướng sợi dây cột cổ ghì lại nên chỉ đi lòng vòng chu vi chục mét*
*Đã quen nhìn mấy anh bò mộng nghênh ngang và mấy chị bò mọng ứ sữa lặt lè nặng nề ở Thuỵ Sĩ từ 500 ký đến trên 1000 ký nên nhìn thú vật nào ở VN cũng thấy bé tẹo kể cả chó, mèo, gà, vịt.
Tôi dạo một vòng chung quanh. Đằng sau nhà là rẫy dưa leo rộng nghìn mét lúc lỉu trái tối qua tôi được thưởng thức, răng cắn vào nghe “giòn rụm” ngon ngọt. Rồi nào là rau thơm đủ loại…lại nhớ ông Ngoại sau khi xong mùa lúa không chịu ngồi yên xoay qua chất rơm ủ nấm, dựng giàn trồng dưa leo, bầu bí… để gia đình ăn. Nấm rơm nấu canh chay không cần tôm thịt vẫn ngọt thơm mà tôi không còn tìm được mùi hương lẫn vị ngọt trong nấm rơm thời nay nữa.
Bà Ngoại mất đã 35 năm, ông Ngoại 30 năm mà hình ảnh hai người luôn sống động trong tôi như thể các người còn tại thế.
Mà thấy đau đau dáng Ngoại còng
Ôi, lá rau thơm bình dị quá
Nhắc lòng tôi nghĩ đến quê hương
(Rau Má, Phạm Hồng Ân)
Ta về như nước tào khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa
(Ta Về, Tô Thuỳ Yên)
Làng quê Bắc không có hàng dừa xanh như làng quê Nam. Nhưng tổng thể, quang cảnh mà tôi chứng kiến hiện giờ, so với quang cảnh quê tôi ba bốn chục năm trước–một ngoại ô miền Tây Nam– có khác gì nhau đâu, ngoại trừ vài loại cây trồng đặc biệt ở mỗi địa phương tuỳ theo khí hậu và thổ nhưỡng.
Cũng rẫy dưa, giàn mướp, rau muống, đọt lang, bụi chuối. Cũng đàn gà vô tư, đầu mỗ tới mỗ lui theo bước chân vui nhộn sục sạo tìm thức ăn. Cũng ngồi chồm hỗm giặt quần áo bằng tay trong chậu. Cũng còn “sơ cua”- au secour-cái bếp bằng ba cục đá nhẵn chụm củi than luộc khoai bắp bên chái hè.
Trong những chuyến về thăm gia đình gần đây, tôi có dịp đi qua nhiều xóm làng miền Tây cách xa tỉnh lỵ phố xá, thường bắt gặp rải rác nhiều căn nhà hai bên đường, còn lưu giữ cái vẻ nguyên sơ bình dị của đời sống điền nông điển hình Việt Nam chân chất: Một ngôi nhà cũ kỷ rỉ màu thời gian, phía ngoài hàng rào bằng cây hoa dâm bụt, một bàn ông Thiên giữa sân, vài cụm hoa trang- ngày xưa chỉ mỗi màu đỏ, bây giờ lai giống nhiều sắc đỏ đậm, đỏ nhạt, vàng chanh, trắng rực rỡ–dịp tết hoa mai nở vàng lộng lẫy cả góc sân. Thấp thoáng bên hè khóm tre khóm trúc, mấy bụi chuối chen lẫn cây cau cây dừa, cây hoa sứ, giàn hoa giấy, hoa nhành nhành, hoa mười giờ, hoa mồng gà rải rác…và nhiều nhiều cây ăn trái khác nữa.
Thì ra khung cảnh, nếp sinh hoạt ở bất cứ làng thôn vùng miền nào cũng tương tự nhau, bất chấp thế sự đổi dời. Mong lắm thay bản chất bình dị người dân “chân lấm tay bùn” đừng thoái hoá biến mất với thời gian.
Có phải khi người ta sống đến giai đoạn mùa thu của cuộc đời thì tâm hồn bỗng trở nên yếu mềm uỷ mị, hay nhớ về quá khứ rồi khóc gió thương mây ?
…Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Ta Về, Tô Thuỳ Yên)
Trời bỗng lấm tấm mưa phùn, phun mấy hạt nước li ti lên tóc lên má dể khiến tâm hồn người ta mơ mộng. Nhớ thời mới lớn có đọc một truyện ngắn tả cảnh mưa phùn Hà Nội của một trong các văn sĩ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn(TLVĐ) mà giờ không nhớ chính xác là văn sĩ nào? Thạch Lam chăng ? Phải nói chính những tác phẩm của nhóm TLVĐ đã ảnh hưởng đến tâm hồn tôi sâu đậm nhất, họ đã truyền bá cho lớp người thế hệ 20 những tư tưởng thanh cao, lãng mạn, tình yêu quê hương, nhân bản, biết cảm thông với tầng lớp lao động một cách tích cực nhất.
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng thì cũng sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa, người ơi !…
…Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
(Ta Về, Tô Thuỳ Yên)
Nếu Tấn đừng thức dậy gọi vào nhà thì tôi còn tiếp tục dạo sân ngắm cây cỏ dưới mưa phùn thả hồn phiêu du vào cõi “sắc sắc không không” hồi lâu nữa.
2/-
Sau khi ăn bánh ướt chả lụa Thuỷ ra chợ mua về, chúng tôi chuẩn bị đi viếng tiếp Tràng An mà chiều qua chưa kịp đến.
Cô bé-hạt-tiêu mệt ở nhà không đi. Chúng tôi bốn người trên hai chiếc xe.
Thông thường khi nghĩ về xứ Bắc thì tôi liên tưởng đến Hà Nội, vịnh Hạ Long, Sapa…
chứ không hề nghĩ đến Ninh Bình dù nơi đây có họ hàng cư ngụ. Giờ đến nơi rồi mới thấy sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn nếu không viếng thăm. Đây là cái nhìn của riêng tôi, có thể người khác không cùng quan điểm.
Bởi những nơi phồn hoa nhốn nháo, xe cộ dập dìu, người người chen chúc…không thu hút tôi được mà chính vẻ đẹp nguyên sơ khoáng đạt của thiên nhiên mới làm tâm hồn tôi rung cảm.
Chúng tôi đến viếng Tam Cốc, Bích Động, hang Múa, Thung Nắng…
Tam Cốc còn được mệnh danh vịnh Hạ Long trên cạn, gồm ba hang cấu tạo bằng đá vôi từ 250 triệu năm : Hang Cả, hang Hai, hang Ba luồn qua giòng sông Ngô Đồng, đôi lúc uốn lượn theo vách núi, đồng lúa…
Bích Động cách bến Tam Cốc 2 km, do vị quan cha của thi hào Nguyễn Du đặt tên
vào thế kỷ 18, là “Nam Thiên đệ nhị động” sau động Hương Tích “Nam Thiên đệ nhất động”. Chúng tôi thuê xuồng nhỏ do một phụ nữ địa phương chèo dọc theo giòng sông. Non nước hữu tình, thỉnh thoảng theo yêu cầu chị tắp vào bờ cho chúng tôi chụp ảnh. Có đoạn luồn vào hang tối, chị bấm đèn gắn trên đầu để soi cho chúng tôi xem thạch nhủ thòng xuống từ trên trần.
vào thế kỷ 18, là “Nam Thiên đệ nhị động” sau động Hương Tích “Nam Thiên đệ nhất động”. Chúng tôi thuê xuồng nhỏ do một phụ nữ địa phương chèo dọc theo giòng sông. Non nước hữu tình, thỉnh thoảng theo yêu cầu chị tắp vào bờ cho chúng tôi chụp ảnh. Có đoạn luồn vào hang tối, chị bấm đèn gắn trên đầu để soi cho chúng tôi xem thạch nhủ thòng xuống từ trên trần.
Người phụ nữ chèo đò khá cởi mở vui vẻ–Có vậy mới chiếm được cảm tình của khách để còn yêu cầu chị chở đi viếng các nơi khác nữa chứ–. Xuồng rẽ nước tới đâu chị giới thiệu phong cảnh tới đó, ngâm một bài thơ khá dài ý tả quê hương mà tôi quên mất, biểu diễn chèo hai mái bằng hai bàn chân thành thục. Chúng tôi ca ngợi vùng đất xinh đẹp hữu tình, chị nói xinh đẹp mà không cho cái ăn cái mặc no ấm thì xinh đẹp làm chi, chị chỉ mơ ước được về phố thị sẽ dể kiếm sống thoát cảnh nghèo. Cháu tôi hỏi chị chèo đò mỗi ngày không đủ sống sao ? Chị nói sao mà đủ được, rồi bắt đầu kể về nỗi cơ cực kiếm miếng ăn, vừa chèo đò đưa khách vừa canh tác trên miếng ruộng bé tí nuôi hai con học hành mong chúng thành tài đổi đời khá hơn cha mẹ, về ông chồng cư xử bạo quyền, ngồi chỉ tay năm ngón còn đòi phải có rượu thịt để bù khú với bạn, hở không vừa ý là đánh thừa sống thiếu chết… nghe mà thảm não quá chừng.
Chúng tôi còn ghé viếng vài nơi mà giờ không nhớ tên hết. Nhớ có đi xuồng vào Thung Nắng. Gọi là thung Nắng vì nơi đây ngập tràn ánh nắng xuyên thấu tận đáy nước trong vắt thấy cả rong rêu. Tha hồ nhìn ngắm các cảnh quan thay đổi hai bên bờ, có đoạn xuồng chen vào những phiến đá chật hẹp, vào hang phải cúi đầu thấp xuống kẻo đụng trần…
Trước kia nghe nói đoàn phim Hollywood chọn ba quốc gia quay cảnh cho phim King Kong 2 Skull Island : Việt Nam, Úc, Hawaii. Giờ mới biết phong cảnh ở các tỉnh Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh mà nhiều nhất là Ninh Bình. Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, đầm Vân Long đều được chọn trong phim. Tánh đôi lúc trẻ con, tôi thích thú với ý nghĩ trong khi toàn thế giới xem phim King Kong chỉ được ngắm cảnh qua màn ảnh ảo, còn tôi may mắn trong số ít người được ngắm cảnh thật ngoài đời bằng con mắt thật.
Từ hôm qua đến giờ, trên đường đi tôi thấy nhiều nhà hàng, tiệm quán treo bảng giới thiệu đặc sản Ninh Bình món Dê Núi, Ốc Núi. Có chỗ còn vẽ hẳn con dê cho mọi người thấy rõ. Có chỗ họ nướng sẵn nguyên con dê lột da trong lò đặt cạnh vệ đường để chào mời khách. Nhìn thân thể trần trụi giống như con chó, mà tôi rợn tóc gáy, nổi da gà. Kể ra, trong các sinh-động-vật trên địa cầu thì loài người là sinh vật thượng đẳng ngoài bản năng còn có lý trí thông minh siêu việt nhất, xinh đẹp nhất, nhân hậu nhất, nhưng nếu muốn thì cũng tàn bạo vô lương tâm nhất.
Khi chạy xe ngang đoạn có núi, thấy thấp thoáng mấy con dê với hai chiếc sừng cong đứng ở triền núi dáng thong dong bình thản. Có con ngẩng mặt ngắm nửa vầng trăng khuyết bàng bạc in trên nền trời chiều thăm thẳm, có con ngó xuống nhân gian đang chộn rộn ngược xuôi trên đường. Lẩn thẩn hỏi thầm không biết khi nào thì những con dê hiền lành nhỏ nhắn đó sắp trở thành vật hiến tế cho bao tử con người ?
Thiên cổ bùi ngùi mưa nắng đi qua
Chút cát bụi có hơi em trong đó
Chút giang hồ có thời ta đứng ngó
Một vầng trăng ngậm nửa trái sầu rơi
(Thiên Cổ Bùi Ngùi, Phạm Hồng Ân)
Thanh Hà
LCDF, 30.05.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét