Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Viễn Du Ký Sự - Phần 12

Anh Hùng Xa Lộ Bất Đắc Dĩ
Ký sự của Thanh Hà 


Đêm qua mộng lại thật gần
Đừng lay tôi nhé hồng trần mong manh ( Bùi Giáng )

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
( Mắt Buồn, Bùi Giáng )

1/-
Ngày 13.04.2022
Chúng tôi trở lại với trần thế sau khi đã đi hết một vòng trên chiếc cầu bắc quanh các khối nham thạch hùng vĩ diệu kỳ trong hang động Thiên Đường. 
Tiếc là không gặp Tiên nữ lẫn Tiên nam, không có tiếng sáo tiếng oanh ca với ly rượu đào nào chào đón, chỉ toàn các phiến nham thạch, nhũ thạch tạo hình dáng đủ kiểu tha hồ tưởng tượng. Nhưng bên ngoài động thì ngập tràn ngàn cây xanh toả mát, nhất là dọc đường lối rẻ từ quốc lộ đi vào, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục hàng triệu con bướm trắng nhỏ xinh bay lượn nhởn nhơ như chào đón du khách, đưa tôi sống lại thời thơ ấu thường thẩn thơ quanh các bụi hoa trong sân nhà săn lùng rượt bắt mấy con bướm vàng ranh mãnh.

 Ý định thăm viếng Thiên Đường của tôi đã thoả nguyện. Khung cảnh thần tiên do thiên nhiên tạo nên đã không làm tôi thất vọng, hang động nầy quả xứng đáng được xếp hạng kỳ quan thế giới.

Đã ba giờ chiều. May sáng nay lúc khởi hành, chúng tôi có mua mấy hộp xôi, chai nước phòng hờ. Như chúng tôi lo xa, phải chạy hàng chục cây số nữa mới có hàng quán, mà đã xế chiều quán nào cũng vắng ngắt, buồn hiu không thấy khách. Chúng tôi hài lòng với mấy hộp xôi chà bông, trứng cút, chả lụa. Đang đói nên ăn ngon lành. No mắt lẫn no bao tử rồi nên chúng tôi đi tiếp.

Trí nhớ lộn xộn không theo thứ tự, qua những tấm hình chụp còn lưu lại thì chúng tôi đã vượt qua Hà Tỉnh, Vinh, Thanh Hoá, đèo Đá Đẽo, nhà thờ Vinh Sơn hay Vĩnh Sơn (?) trước khi đến Ninh Bình.
Đèo Đá Đẽo là một đoạn đèo bên núi cao bên vực sâu nằm ẩn sau dãy Trường Sơn, có những đoạn đường cong gấp khúc với độ thật nghiêng khiến tôi liên tưởng những con đường núi Thuỵ Sĩ quen thuộc, quê hương thứ hai của mình. Chỉ khác là ở Thuỵ Sĩ thì tôi cầm volant điều khiển chiếc xe bốn chỗ, còn ở đây thì tôi ngồi sau lưng cháu vi vút con ngựa sắt hai bánh, chễm chệ dựa vào cái thùng đựng hành lý cháu gắn phía sau, biến thành cái ghế dựa lưng an toàn, giúp tôi không bị té rơi xuống đường mỗi khi buồn ngủ gục – đâu có hiếm những lần tôi ngủ gục trong chuyến viễn du nầy–.
 

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang ( Văn Giảng )

Dù “đoàn hùng binh” chúng tôi chỉ có năm mạng thôi, nhưng cũng thấy rộn ràng theo vó câu dập dồn trên đường trường xa tăm tắp.

Ngựa phi ngựa phi đường xa
Tiến trên đường cát trắng, trắng xoá
Tiến trên đường nắng chói chói loá
Trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao…
…ngựa phi ngoài xa thật mau
Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau…( Ngựa Phi Đường Xa )

Nhớ tiếng hát vui tươi hồn hậu hoà theo lời ca điệu nhạc lúc nhịp nhàng lúc giục giã oai hùng của anh em ca nhạc sĩ trứ danh ban Thăng Long mà tôi rất ngưỡng mộ, sao khớp với hình ảnh và tâm trạng chúng tôi lúc này thế. Lúc vượt dốc, lúc xuống đèo phải bớt ga cho chạy chầm chậm

Ghìm từ từ, ngọn đồi dốc, trèo từ từ
Sát bên giòng suối chảy lừ đừ
Bờm tung gió bay đùa bay phất phới

Ghìm từ từ rừng trầm gió ngàn vù vù
Vó câu dồn cát bụi mịt mù
Đường xa tắp vui bầy chim đón chờ

Ngựa phi trên lưng ngựa phi mau
Trong sương mờ đêm thâu
Lao mình trong nắng mưa dãi dầu
( Ngựa Phi Đường Xa, nhạc Lê Yên & Phạm Đình Chương )*

*Nhạc sĩ Lê Yên sáng tác năm 1945 ở ngoài Bắc, sau nầy nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam đã sửa lại lời cho phù hợp với khung cảnh thanh bình yên ả thơ mộng miền Nam thấm đượm Nhân-Bản-Tính nhưng ông vẫn tôn trọng in kèm thêm tựa bài hát cũ Kỵ Binh V.N và tên nhạc sĩ Lê Yên. Thế mà tôi có đọc một câu của ai đó viết là nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã “chôm” bài hát của ns. Lê Yên- chính xác họ dùng chữ chôm “. 
Theo thiển ý, nếu bài hát này vẫn giữ nguyên thuỷ bản gốc thì chắc chắn nó sẽ không được yêu thích chào đón như lời mới mà nhạc Sĩ Phạm Đình Chương viết lại đâu. Vậy thì phải cám ơn hơn là mai mỉa nhạc sĩ Phạm Đình Chương như thế.

Trong bối cảnh giống hệt như lời hát trên- ngoại trừ họ cưỡi ngựa thật, còn chúng tôi thì bằng ngựa sắt, lúc dưới cái nắng trưa đổ lửa, lúc ướt át dưới làn mưa sa gió táp, lúc đêm đen vắng lặng miền quê, lúc vùng Tây Bắc núi đồi trùng trùng điệp điệp quạnh quẽ, lúc trong ánh hoàng hôn vàng hiu hắt cạnh triền núi hoang vu có cô sơn nữ lùa bò về nhà sàn…có thể nhận bừa là bài hát dành riêng cho chúng tôi, dù nó đã ra đời nhiều năm trước, khi tôi chỉ là một phân tử không khí trong cõi vô minh.

Đi du lịch bằng moto cho tôi cảm giác vô cùng gần gũi với thiên nhiên, được hít thở khí trời thoáng đạt, luồng gió thổi tạt lên quần áo, tóc nón bay phần phật. Hay những cơn mưa phùn lất phất vừa đủ lạnh để dệt mộng mơ. Hoặc những trận mưa to nghe rõ âm thanh giọt nước rơi đồm độp trên chiếc mũ bảo hiểm, tạt lên mặt làm mờ gương chắn che mắt. Phân biệt từng mùi đất vỡ, mùi khói đốt rơm rạ, mùi cỏ cắt phơi khô, mùi bùn non ngập ngụa công trường, kể cả mùi phân bò trâu nồng nặc khi cả đàn nghênh ngang chắn đường tò mò đứng lại nghểnh cổ dòm ngó đoàn lữ hành chúng tôi với ba lô túi nhựa treo lỉnh kỉnh trên xe. Chúng tôi tự hỏi thầm với chút lo ngại : có khi nào chúng dùng đôi sừng cong vút đó tấn công chúng tôi không nhỉ ? Nhưng không, chúng chỉ tò mò thôi.

Những kinh nghiệm thú vị đó, mùi vị đó làm sao cảm thấu được nếu tôi yên ngự trong chiếc xe bốn bánh bịt bùng ấm áp, khô ráo khi trời mưa lạnh, mát mẻ khi trời thiêu nóng ?

2/-
Trên đường, bất chợt tôi nhìn thấy ngôi giáo đường uy nghi khang trang mà giờ cố moi óc vẫn không sao nhớ toạ lạc ở làng nào, quận nào, tỉnh nào ? Hà Tỉnh chăng ? Thanh Hoá ? Hay vẫn còn trên địa phận Quảng Bình ?
Tôi tuy đạo Phật nhưng vẫn thích thăm viếng các nhà thờ nơi nào có dịp đi qua. Tôi kêu cháu ngừng xe, lúc ấy đã hơn 5 giờ. Hình như nhà thờ sắp đón tiếp ai hay làm thánh lễ quan trọng mà thấy vị linh mục đang đứng trao đổi với vài người, có vẻ khá bận rộn. Tôi ngại không dám vào, Vĩnh An nói để cháu lại xin phép cha cho chúng tôi từ phương xa được vào thăm và chụp hình kỷ niệm. Cha đồng ý ngay, nói cứ tự nhiên. Tôi dặn cháu hỏi tên nhà thờ, cháu nói cha bảo là Vinh Sơn. Chả biết cháu nghe có đúng không nữa, vì người dân từ Huế trở ra mấy tỉnh miền Trung cách phát âm rất khó nghe, toàn dấu nặng !
Tên Vinh Sơn nghe rất quen thuộc, hình như trùng tên nhiều nhà thờ ở miền Nam ấy.

Tôi bước vào sân chiêm ngắm kiến trúc ngôi giáo đường. Tường, gác chuông, tháp chuông sơn màu hồng, vàng nhạt, trắng thanh nhã dịu dàng nhưng không mất vẻ uy nghiêm tôn kính
Phía bên góc trái sân có tượng thờ Đức Mẹ khắc tên Nữ Vương Hoà Bình.
Việc không nhớ tên ngôi giáo đường lẫn địa phương khiến tôi thấy mình thiếu sót quá chừng, nỗi thắc mắc cứ đeo bám tôi tới giờ chưa rời. 
Tôi đăng kèm hình chụp ngôi giáo đường với bài viết, nếu ai có nhận ra thì làm ơn nói giùm tôi, rất đa tạ.

3/- 
Xa lộ không đèn


Trên xa lộ đêm đen, trên xa lộ đua chen
Ôi xa lộ sống chết vô tình…
…cuộc đời sao tăm tối 
Như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám
Như xa lộ tối đen
( Xa Lộ Không Đèn, Y Vân )

Chúng tôi tìm quán ăn tạm rồi vội vã lên đường, trời sụp tối mà còn đi thêm 300 km nữa mới tới nơi. 
Cháu tôi dỗ dành:
—M4 ( má tư ) chịu khó đi đoạn đường xa nầy nghe m4, vì từ đây tới nhà Thuỷ không có nơi nào thú vị để dừng lại thăm viếng hết, đa số toàn đường cao tốc hoặc làng mạc nên mình sẽ chạy thẳng đến Nho Quan, nghỉ ngơi chơi vài hôm khi nào m4 hết mệt mình đi tiếp.
Ái chà chà. Viễn cảnh chạy trên quốc lộ 1 xuyên Việt trong màn đêm sâu hun hút không có ánh đèn đường – ngoại trừ thỉnh thoảng ngang vài phố xá– nghe mà ngán ngẩm.
Hồi nhớ cảnh tượng đêm ấy, tôi mới nhận thức sự liều lĩnh và bất trắc như thế nào *
*Tôi còn trải qua cảnh mạo hiểm trong đêm tối đen đặc trên vùng rừng núi hoang vu Tây Bắc. Lúc từ Đồng Văn, Hà Giang trở về qua Cao Bằng, Bắc Cạn, đoạn đường hàng trăm cây số, mà chỉ đơn độc mỗi chiếc xe Vĩnh An chở tôi mới kinh sợ chứ.

Các cháu tôi đã nhiều lần thực hiện các chuyến viễn hành về đêm với nhóm bạn thích phiêu lưu xuyên Việt, từng chạy một mạch 800 km suốt đêm nên giờ đi 300 km đối với cháu có gì phi thường đặc biệt đâu. Các cháu tuổi trẻ, nhiệt huyết còn đầy, tuýp ngủ muộn, mắt sáng tỏ như sao. Còn tôi, thời trẻ trung đã lùi về dĩ vãng từ lâu, nhiều đêm mới 8 giờ đã có “trăm con chim bay về đậu đầu giường” ru hồn tôi vào mộng mất tiêu rồi. Hơn nữa tôi ít khi ra ngoài vào buổi tối – ngoại trừ trường hợp bất đắc dĩ– Màn đen đêm gây cho tôi cảm giác bất an như thể có con ác thú nguy hiểm nào đó rình rập chực chờ nuốt chửng, đã vậy còn ngồi xe hai bánh vượt bao nhiêu dặm đường, bảo đảm rất nhiều người trẻ còn chả dám nữa kia.

Quốc Lộ 1, Bố Trạch–Nho Quan

Đừng nghĩ buổi tối đường cao tốc vắng tênh là lầm to. Có hàng trăm chiếc camion Iveco, Mercedes hạng nặng chiều dài cả chục thước hoặc hơn, xả hết tốc lực nối đuôi nhau liên tu bất tận trên đường, tiếng gầm rú inh ỏi điếc tai. Những chiếc xe này tôi ít gặp ở Thuỵ Sĩ nơi thường xử dụng camion hạng trung và nhỏ–, lần đầu tôi thấy là khi sang Canada và Mỹ, bị hớp hồn mỗi lần xe áp sát hay qua mặt. Tôi khá ngạc nhiên thấy xuất hiện ở trên quốc lộ 1 VN nhiều xe hạng nặng như thế.

Có hai làn cho mỗi chiều ngược xuôi, chắc do phải vận chuyển hàng hoá đi xa nên họ muốn rút ngắn khoảng cách và thời gian, không chiếc nào nhường nhịn chiếc nào, tìm cách luồn lách qua mặt nhau với tốc độ nhanh nhất như có thể. Ba chiếc moto chúng tôi cũng hoà theo dòng lưu thông bạt mạng ấy. Luật đi đường là con số zero, chiếc này vượt qua chiếc nọ bất chấp phía bên phải hay trái miễn sao đạt mục đích. Ba tay lái trẻ- kể cả cái cô 24 tuổi mệnh danh “bé hạt tiêu”, vì cô bé cao chưa tới 1,40m nặng chừng 35 ký–một mình một ngựa cũng chạy ào ạt như điên hết vượt qua mặt camion lúc thì bằng vệ đường bên phải, được vài trăm mét lại tìm cách lạng ra bên trái để vượt qua chiếc khác. Vừa vượt qua chiếc nầy xong, ước lượng đủ khoảng trống và thời gian là a lê hấp các cô cậu bẻ ngoặt tay ngay trước đầu xe hàng để chen vào lề phải chẳng chần chờ e ngại.
Đầu óc tôi khá căng thẳng, adrenaline dâng cao độ nên tôi chả buồn ngủ cũng quên luôn mệt, quên hai đùi và mông tê mỏi. Hồi hộp nghĩ toàn điều đen tối hơn cả màn đêm đang giăng bủa.

Nghĩ đến lời bài hát trong phim ngày xưa từng xem Xa Lộ Không Đèn có cô Thanh Nga đóng, hoặc các tiểu thuyết viết về du đãng của Duyên Anh –Điệu Ru Nước Mắt–,hay Nguyễn Thuỵ Long với Loan Mắt Nhung, cảnh các “anh hùng xa lộ” đua tài lái moto luồn lách chui dưới lườn xe camion, để xem ai can đảm hơn , ai thắng ai thua. Chính tôi tối đó  cũng bất đắc dĩ trở thành một trong những “anh hùng xa lộ rởm” khác gì. Tưởng tượng xem, lỡ xe hai bánh của chúng tôi cán lên cục đá, khúc cây, hay vũng bùn… bánh xe trượt nghiêng đổ ập vào chiếc camion mười tám(?) bánh to tướng, tải trọng vài chục tấn, vận tốc cả trăm cây số giờ bất thình lình làm sao họ thắng kịp ? Chỉ một hậu quả chắc chắn, là nạn nhân thịt xương nát nhừ thành tương xay, như tựa phim Đồi Thịt Băm – Hamburger Hill – đó.

Nói đi rồi nói lại. Các cháu đã quá quen với những chuyến đi xa, tích luỹ nhiều kinh nghiệm lái song hành với xe trọng tải lớn trong đêm đen rồi nên rất ý thức lấy sự an toàn làm trọng điểm chứ không đánh đổi sinh mạng để được danh anh hùng vô danh ngu ngốc như thế đâu. Chỉ tôi lần đầu tham dự nên còn nhát thôi.
Nói lại rồi nói đi 😜, suy cho cùng đã gọi là tai nạn thì dù cẩn thận đến đâu cũng sao mà tránh được chứ ? Thôi thì cứ phó thác cho hai chữ may rủi hên xui vậy.

Giờ nhớ lại mới rùng rợn ớn lạnh, chứ lúc ấy tôi sợ tai nạn thì ít mà sợ màu đen của bóng đêm nhiều hơn. Nhớ mấy truyện liêu trai chí dị, người đàn bà áo trắng xoã tóc đứng đón dọc đường, xin quá giang nhảy lên ngồi sau lưng tôi. Ối ôi, ghê khiếp quá ! Nhưng nhờ có cái thùng làm ghế tựa lưng rồi nên bớt lo. Với lại hàng đoàn camion vẫn nối đuối nhau dài dằng dặc, đèn xe chiếu rọi loé mắt  tiếng động xé điếc tai thì ”người áo trắng” nào dám xuất hiện nữa*
*Tôi tuy “lớn đầu” nhưng đôi lúc vẫn còn tính trẻ con sợ ma thế đó !


Đường vắng thưa bước chân buồn âm thầm
Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu
Giữa đêm sầu ngõ không màu sống lạc loài thân đơn côi
Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay
( Loan Mắt Nhung, nhạc Huỳnh Anh )

Gió mưa gào thiết tha
Hình bóng xưa vừa thoáng qua
Ngoài hiên mưa rơi rơi ướt, sầu lắng trong tâm hồn
Nghe lạnh lùng rơi vào tim rơi vào tim
Cho lòng nhớ thương người tình một chiều nào
( Điệu Ru Nước Mắt, nhạc Anh Sơn &Vũ Lai )

4/-
12 giờ đêm.
Rồi chúng tôi cũng vượt quãng đường 300km tới Nho Quan, Ninh Bình nơi có họ hàng đang đợi. Nhưng để đến tận cửa nhà thì còn mất thêm 1 giờ nữa vì không xác định được phương hướng phải đảo tới đảo lui mấy bận vì nhà nằm trong làng hẹp quanh co đường ngang ngõ tắt. Chạy qua công trường vắng ngắt từng đống đất đá ngổn ngang, may là trời khô ráo không mưa. Lát đát nhà dân lẫn khuất sau rặng cây, chó sủa vang động. Gọi điện thoại kêu Thuỷ chỉ dẫn thêm lúc lâu, rốt cuộc chúng tôi cũng lần mò tìm ra cánh cổng. 

Xe vào sân. Tôi khó nhọc đặt chân xuống nền xi măng như sắp khuỵ vì không còn cảm giác gì. Đi cà nhắc vào nhà, chào vợ chồng Thuỷ mà nói hết ra hơi. Cháu đã nấu sẵn thức ăn chờ bác, các anh chị. Tôi mệt quá chỉ cần tắm cho mát, uống ly nước lọc rồi ngủ luôn chứ không ăn gì được. 
Ấy thế mà sáng hôm sau cũng dậy sớm để cùng Thuỷ ra chợ. Người đau ê ẩm. Nhủ thầm : cái điệu nầy chắc cuộc hành trình đến đây là chấm dứt rồi đây.
Nhưng sau khi ra chợ mua rau cải, cá thịt, vận động thư giản gân cốt, tới trưa thì tôi đã bớt đau nhức. Thuỷ nói tối qua lúc M4 vừa xuống xe mở khẩu trang ra, con thấy môi mặt M4 tái xanh trông kinh khủng lắm, thế mà bây giờ đã tươi tỉnh hồng hào trở lại nhanh thật. 
Để không bỏ lỡ giây phút dư thừa nào, ăn trưa xong chúng tôi lại náo nức nhảy lên xe đi thăm khu Tràng An Cổ, Hoa Lư nơi lịch sử kể rằng có cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh hay chơi trò bẻ lau làm cờ tập trận, lớn lên lập quốc trở thành vị vua đầu tiên Đinh Tiên Hoàng của nước Đại Cồ Việt.

Thanh Hà
06.May.2023




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét