Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

BÀI THƠ "LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC" CỦA PHẠM THÀNH

 Cảm nhận của Đặng Xuân Xuyến 


Tôi đọc bài thơ Lửng Đèo Tình Khúc của nhà thơ Phạm Thành cách đây chừng tháng, hơn tháng. Cũng định viết vài dòng cảm nhận khi đọc Lửng Đèo Tình Khúc nhưng lúc đó lưng tôi đau quá nên tạm lưu bài thơ vào mục xem sau để khi nào lưng bớt đau sẽ viết vài dòng cảm nhận.

LỬNG ĐÈO TÌNH KHÚC

.

Vẻ đại ngàn dường như pha loãng

Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang

.

Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng 

E ấp khăn thêu gợi những nét rằm

Nhí nhảnh kèn lá giọng chòe lửa

Vui mùa vàng rưng rức những bậc thang

.

Bỗng đàn môi vọng từ nơi bờ suối

Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ 

.

Chao ôi! Tình rừng quyện độc đáo đến không ngờ.

*

PHẠM THÀNH

Đọc 3 chữ "ngập ngừng hoang" trong câu: "Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang", tôi nhớ tới câu thơ cũng độc đáo của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm trong bài thơ Hương Dương Cầm

"Tiếng Dương Cầm loang loáng ướt 

Ngập ngừng rơi."

Hai chữ "ngập ngừng" được 2 nhà thơ sử dụng đều làm cho câu thơ sống động đến mê hoặc người đọc. Với "ngập ngừng rơi" của "Tiếng Dương Cầm loang loáng ướt", Nguyễn Thanh Lâm đã biến Hương Dương Cầm thành vẻ đẹp của tình yêu và nỗi nhớ rất đặc trưng riêng của người Hà Nội. Còn với "ngập ngừng hoang" của "nắng" "trưa đèo Cà", Phạm Thành không chỉ thổi vào Lửng Đèo Tình Khúc vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ với những phóng khoáng rất đặc trưng của nắng gió đại ngàn mà còn “pha loãng” làm mềm mại, sống động hơn chất hoang sơ của núi rừng bằng hiện diện của con người qua cách nói gián tiếp ở 2 câu đầu bài thơ bằng những cặp từ “pha loãng”, “ngập ngừng hoang”. Từ "hoang" ở câu thơ "Trưa Đèo Cà nắng cũng ngập ngừng hoang" khiến người đọc lâng lâng tâm trạng cũng muốn phiêu cùng "nắng đèo Cà" để được "ngập ngừng hoang".

Bốn câu thơ:

"Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng 

E ấp khăn thêu gợi những nét rằm

Nhí nhảnh kèn lá giọng chòe lửa

Vui mùa vàng rưng rức những bậc thang"

Có thể tách ra đứng riêng thành một bài thơ.

Với cách dùng chữ độc đáo, lạ mà hay ở 4 câu thơ này: "bồn chồn tròn bóng", "giọng chòe lửa", "rưng rức những bậc thang"... Nhà thơ Phạm Thành đã khắc họa chân dung thiếu nữ Tày hồn nhiên những nét tươi xinh tuổi mới lớn, đượm cùng vẻ đẹp hoang sơ “rưng rức” của núi rừng. Bốn câu thơ đã vẽ một bức tranh sống động với ăm ắp những nhạc, những họa, đã gieo vào hồn bạn đọc những rung cảm tươi tắn khó quên.

Câu: "Kìa, gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng" viết thật tự nhiên, tỏ sự ngạc nhiên và thích thú của thi nhân trước hình ảnh thiếu nữ Tày đang "bồn chồn" ngóng đợi người yêu. Bốn chữ "bồn chồn tròn bóng" nói được thật nhiều điều về không gian, thời gian và tâm trạng nhớ nhung, chờ đợi... của thiếu nữ. Cách ngắt câu bằng dấu phẩy (,) giữa "Kìa" với "gái Tày đợi ai mà bồn chồn tròn bóng" không chỉ làm tăng sự ngạc nhiên của thi nhân với “trưa đèo Cà” mà còn khe khẽ bật lên thanh âm như một tiếng reo thi vị.

Bài thơ sử dụng những cặp từ láy, những động từ: "ngập ngừng", "rưng rức", "bồn chồn", "lúng liếng", "e ấp", "nhí nhảnh" rất đắc dụng, làm sáng lên vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo của thiếu nữ miền sơn cước! 

Hai câu: 

Bỗng đàn môi vọng từ nơi bờ suối

Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ 

Đã chuyển nhịp bài thơ, thay cảnh bài thơ bằng một cái kết viên mãn, thật đẹp cho thiếu nữ “bồn chồn tròn bóng” ngóng đợi người yêu. Câu “Mắt gái cười lúng liếng cả hoang sơ” níu hồn người đọc. 

Theo tôi, bài thơ kết thúc ở đây thì thật hay, thật đẹp.

Tiếc là, nhà thơ Phạm Thành lại cho thi nhân chen vào lời cảm thán: "Chao ôi! Tình rừng quyện độc đáo đến không ngờ." để kết thúc Lửng Đèo Tình Khúcđã phá vỡ mất kết cấu toàn bích của bài thơ.

*.

Hà Nội, sáng 12 tháng 11-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét