Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Móc ngoặc - Kỳ 11

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Tòng bước xuống trước mũi ghe, phía trong mui cánh cửa ván đã được đóng ngang. Các cô giáo thầy giáo còn đang trò chuyện với cha mẹ các em học sinh ở trên bờ.
Dòng nước dưới kinh vẫn lững lờ trôi đi êm ả, vẫn vô tình mang đi những tản lục bình ra biển, vài chú cá lóc nhảy lên đớp mồi trong các gốc dừa nước ven bờ kinh...
Trong ghe không còn ai khác ngoài hai người ra:
- Thầy định bàn chuyện gì mà không muốn cho người khác nghe dzậy?
Long rít liền 2 hơi thuốc nhìn thẳng vào mặt Tòng vừa nói vừa chờ đợi phản ứng của nó:
- Tôi nói chuyện nầy cho em nghe, đồng ý thì làm không đồng ý thì coi như tôi chưa nói qua. Không được cho người thứ 3 biết. Hứa như vậy thì tôi mới nói còn không hứa thì thôi coi như tôi chưa nói qua.
Thằng Tòng cười cười:
- Chuyện gì mà làm ra vẻ quan trọng thấy ớn vậy? Nhưng mà thầy đừng lo, ngoài cái chuyện giúp cho thầy đi vượt biên thì em không hứa chắc, còn những chuyện khác thì không thành vấn đề. Nếu dễ thì em giúp liền còn khó thì thôi em không nói lại với ai hết thầy khỏi lo.
Thấy thằng học trò cũ dễ dàng như vậy Long cũng không còn dè dặt nữa mà chàng đi thẳng vào vấn đề:
- Lúc nãy em nói mấy anh trong ủy ban còn thiếu tiền của trạm xăng dầu, mà bên xăng dầu cũng còn tồn kho 3 phuy xăng nên em không có tiền mua cho đủ số đúng không?
- Thì sự thật là vậy mà, em có thêm bớt chút nào đâu.
Long nhìn chằm chằm vào mắt nó rồi mạnh dạn đề nghị:
- Vậy tôi cho em mượn $1000 để bù vào số tiền thiếu. Trạm xăng dầu cứ dùng tiền đó mua đủ10 phuy xăng, khi nào bán lại hết cho người dân thì em trả tiền lại cho tôi.
Nhưng em phải nhường cho tôi 1 phuy xăng với giá chính thức để tôi bán ra ngoài. Số tiền chênh lệch tôi sẽ đi mua ván đem về đóng bàn cho tụi nhỏ. Như vậy thì mọi vấn đề được giải quyết êm xuôi.
Thằng Tòng ngạc nhiên nhìn ông thầy cũ của nó không chớp mắt:
- Làm sao mà thầy biết em cần $1000 hay dzậy? Lúc nãy em chỉ nói thiếu tiền thôi mà, chứ đâu có nói thiếu bao nhiêu.
- Em nói với tôi chứ còn ai vô đây nữa. Nầy nhé em nói thiếu tiền nên không thể lấy thêm 5 phuy xăng cho đủ số, mà mỗi phuy là 220 lít, mỗi lít $0, 80xu vậy em phải cần $880, đưa dư cho em $120 nữa để trừ trường hợp mấy anh trong ủy ban chưa có đủ tiền trả cho em...
Thằng Tòng càng ngạc nhiên hơn:
- Nhưng làm sao thầy biết rõ ràng như dzậy được? Thầy đâu có làm trong cửa hàng xăng dầu mà biết em mua từ huyện có $0,80 một lít.
Long định kể cho nó nghe chuyện mình đã từng móc ngoặc ăn chia với cửa hàng xăng dầu nhưng thôi, anh chỉ cười cười trả lời:
- Thì đoán mò vậy mà. Thấy cửa hàng em bán ra $1 một lít thì đoán mua vô khoảng $0,80 xu. Hên hên chó ngáp phải ruồi chứ làm sao mà biết trước được? Vậy thì em nghĩ thế nào?

Huyện An Biên lúc đó chưa có đường xe, giao thông chính bằng thủy lộ. Đa số bơi xuồng bằng sức người, lúc trước đã có rất ít người di chuyển bằng vỏ máy. 
Đổi tiền xong, xăng dầu mắc mỏ người ta lại càng ít đi bằng máy hơn, cho nên xăng dầu dân chúng cũng ít mua. Thương nghiệp còn dư xăng tồn kho, do đó chuyện chợ đen, chợ đỏ về dầu xăng ở đây ít có ai biết tới, vì vậy mấy hôm trước thằng Mạnh nói: "Mầy tắm còn không hết xem ra cũng có phần đúng"...
Tòng suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Bán cho thầy 1 phuy hay 2 phuy không thành vấn đề. Nhưng mà xăng dầu tụi em bán còn ế chổng mông, thầy mua vô $1lít rồi bán ra bao nhiêu để có tiền lời mua ván đóng bàn cho học trò?
Long vổ vai thằng học trò yêu quý cười nói:
- Em khỏi lo cho tôi. Nếu em đồng ý thì ngày mai hãy đi nhận xăng còn bây giờ thì nhờ đứa nào đó đưa tôi qua Tắc Cậu để tôi đi mượn tiền. Nó ở đó chờ tôi chừng 4 tiếng đồng hồ là tôi về tới rồi. Tôi không muốn đi một mình sợ bỏ cái vỏ máy của trường ở Tắc Cậu thiên hạ lụm mất thì tan xác với phòng giáo dục...
Tòng sai một em du kích đội nón tai bèo mang theo cây súng vừa định bước xuống vỏ máy thì Long cản lại:
- Em làm ơn bỏ cây súng và cái nón lại nhà đi, ra chợ mà mang súng kè kè thiên hạ chạy mất dép, còn như bỏ lại trên vỏ máy lỡ có đi đâu xa một chút bị thiên hạ ăn cắp thì sanh chuyện rắc rối...

Cái vỏ máy ra tới chợ tắc cậu đã gần 12 giờ trưa Long đưa cho em du kích $2 rồi dặn:
- Em có đói bụng thì cứ đến quán ăn trên bờ kia vừa ăn vừa xem chừng cái vỏ máy, đừng có bỏ đi xa quá coi chừng thiên hạ chôm mất thì khổ cả đám. 
Long còn chưa chắc ăn nên dặn hờ anh Tư chủ đò Xẻo Rô Tắc Cậu. 
- Nếu đò anh chưa chạy, anh còn ở đây nhớ xem chừng cái vỏ máy dùm tui nghen...
Long đến nhà anh Tấn nơi chàng gởi chiếc honda 68. Vợ anh cho biết Tấn còn đang học chánh trị chưa xong, chàng hỏi thăm ba điều bốn chuyện cho có lệ rồi vọt lẹ về nhà.
Con Vân thì vừa nhận nhiệm sở với Nguyệt Cầm bên kinh sáng mới cách nhà chừng 6,7 cây số đường sông. Ba chàng đi thăm người quen đang bịnh trong kinh 3 chùa. Nhà chỉ còn mẹ chàng đang giữ thằng Út, còn Nhanh đang đi nhổ bông súng với bạn nó ngoài ruộng. Long hỏi thăm tình hình gia đình qua loa rồi tọt lên lầu lục trong mấy cuốn sách để lấy tiền mà chàng dấu lại hôm đổi tiền. Ngang qua mẹ mình Long từ giã:
- Con đi nghen má, bây giờ công việc đang lu bu, tháng sau con mới về chơi...
Long chạy vội ra chợ tới nhà cô Hoa, nàng vẫn chưa muốn xin vô bất cứ cơ quan nào để làm việc cho nhà nước mới bởi vì nàng còn lưu luyến với tủ thuốc lá và cái chai lít dễ thương... 
Long kể chuyện gặp lại Tòng cho nàng nghe. Cô Hoa le lưỡi:
- Thằng Tòng hồi đó nó theo VC thiệt hả anh?
Long cười thanh minh thanh nga dùm nó:
- Hồi xưa thì không, bác hai nó mới là VC nhưng tiếp thu rồi thì nó nhờ dựa hơi bác nó nên bây giờ cũng có chức với người ta. Nhưng mà nhờ vậy tôi cũng đỡ khổ lắm, mà cô cũng có phần nữa nè, muốn nghe hông?
Cô Hoa cười:
- Cái anh quỷ nầy chắc dụ thằng nhỏ để móc ngoặc nữa chứ gì? Anh móc được cái gì dzậy mà đến rủ tôi?
- Hay ghê ta. Một phuy xăng. Cô muốn lấy hết hay muốn tôi rủ thêm người để chia với cô.

Xăng dầu lúc nầy ngoài chợ đang khan hiếm nên cô Hoa không muốn chia chát với ai. Thảo luận giá cả cũng như địa điểm, thời gian giao hàng xong rồi, Long từ giã gia đình cô Hoa, vội vàng trở lại Tắc Cậu, đồng hồ chỉ đúng 3 giờ chiều, tính ra chàng đi chưa đầy 4 tiếng. 
Từ Tắc Cậu về Cái Nước mà gặp nước đang lớn với cái vỏ máy không thì chạy mau phải biết cho nên hơn tiếng đồng hồ sau là họ đã về tới ủy ban xã rồi.
Thằng Tòng kéo Long vô phòng làm việc của nó vồn vả hỏi:
- Thầy có mượn được tiền hông vậy?
- Được chứ sao lại không. Tôi hẹn giao xăng cho người ta đứng ngọ ngày mai. Em tranh thủ kêu tụi nó đi sớm nhận xăng rồi về. Làm thế nào mà đưa phuy xăng cho tôi khoảng 11 giờ sáng tại vàm Xẻo Rô là được rồi. Mọi việc về sau để tôi tự lo...

Sáng sớm hôm sau trời vừa rạng đông là Long đã tới nhà ông Tư Tiều kéo Nghiệp về phòng để báo cáo tình hình.
Thằng Nghiệp lầm bầm:
- Tới đó gặp thằng Mạnh mình phải chửi nó một trận mới hả giận, trường lớp có cái con mẹ gì đâu mà cũng bài đặt rủ rê. Đã cái con khỉ khô, ăn dừa nước mỗi ngày ngán tới cổ họng...
- Nhưng mà vui hơn ở trường cũ, trên đó mỗi bông hồng đều có chủ, ở đây mầy có tới 4 cô trẻ măng còn chưa vừa ý nữa sao mà cằn nhằn hoài dzị?
Nghiệp cười:
- Vừa ý khỉ gì, cái thằng học trò của mầy chiều nào nó cũng ghé qua kiếm chuyện tán dóc với cô Hương, mà thằng quỷ nhỏ đó nói chuyện cũng có duyên lắm nên cô Hương cười híp mắt...
- Vậy thì mầy nhường cô Hương cho nó đi còn lại tới 3 cô khác nữa mà, dành giựt với con nít làm chi cho mệt...

Chú Út Nhứt và anh Tư Thọ nghe Long báo cáo tình hình thì mừng ra mặt hỏi tới:
- Vậy chừng nào thì Đông Yên A khai giảng 2 điểm trường ở ấp Cái Nước?
Long phân trần:
- Đúng ra tuần sau có thể khai giảng một lượt với mấy trường ngoài thị trấn rồi, nhưng mà tôi kẹt vài vấn đề muốn nhờ bên phòng giúp đỡ. 
Thứ nhất là mấy tấm bảng đen, bàn ghế cho học trò và giáo viên phòng có thể giới thiệu cho chúng tôi mua ít ván carton để làm bảng và ván vụng ở các trại cưa ngoài Rạch Sỏi để đóng bàn cho học trò không? 
Thứ nhì giới thiệu cho chúng tôi mua dụng cụ văn phòng phẩm cho giáo viên cũng như cho học sinh thì mới khai giảng được...
Anh Tư Thọ cười:
- Tưởng kẹt tiền thì phòng giáo dục không giúp được chứ giấy giới thiệu thì các đ/c muốn giới thiệu thứ gì cũng có...
Thằng Nghiệp nháy mắt với Long hình như nó muốn nói hổm rày tụi mình ít tắm rửa sắp có chí trên đầu hết rồi, còn Long thì vẫn chưa quen nên ốc vẫn còn nổi cục  trên cánh tay...
Chú Út Nhứt hỏi:
- Hai đứa bây tính chừng nào trở về trên đó?
- Lấy giấy giới thiệu xong thì đi liền.
-Vậy để tao qua ủy ban huyện lấy giấy giới thiệu cho tụi bây mua ván còn dụng cụ học sinh thì Tư Thọ gởi bây về ty mua ...

Mười giờ sáng Long tấp vỏ máy dưới mé sông gần trạm xăng dầu của huyện. Thằng Tòng và 2 tên đệ tử đã nhận xăng dầu xong đang giựt máy chạy về xã. 
Hai chiếc vỏ trước sau thẳng đường về Xẻo Rô. 
Vừa quẹo qua vàm là thằng Tòng kêu tụi nhỏ tấp vô sát bờ rồi bốn người hè nhau lăn phuy xăng qua vỏ máy của Long, xong rồi thì chúng nó vọt trước về xã. 
Thằng Nghiệp hỏi:
- Vụ gì nữa đây? Bịnh cũ tái phát hả? Mầy đúng là chứng nào tật nấy hổng bỏ được mà....
Long cười cười:
- Chứng cái con khỉ khô. Mầy biết cái gì trong đó hông mà bày đặt tài lanh. Đó chẳng qua là ván đóng bàn cho tụi học trò chứ tao có chấm múc chút nào đâu mà tật với hổng tật...
Thằng Nghiệp cười giòn:
- Hổng tin, mầy mà tốt dữ dzậy à. Đời nào có chuyện đó, hổng lẽ trời sắp xập xuống rồi...
- Tao nói thiệt mà, lần nầy thì tao sẽ không chấm mút miếng nào hết, nhưng nếu có lần sau thì tao không bảo đảm. Thôi đi giao xăng cho người ta lẹ rồi về, còn phải tính chuyện mua ván và tập vở cho tụi nhỏ nữa, tào lao bác đế hoài, hết thì giờ chứ có làm được cái gì đâu...

Buổi họp phụ huynh học sinh được triệu tập lại. 
Mọi người hay tin phòng giáo dục giúp đỡ ván để làm bàn học cho học sinh thì họ vui mừng lắm. Vậy là phương án thứ nhứt được đem ra thực hiện.
Ủy ban xã sẽ cùng với Nghiệp và ông Tư Tiều đi 2 vỏ máy đến trạm kiểm lâm xin cây về làm chân bàn...
Chú Chín sẽ theo Long ra chợ Rạch Sỏi mua ván và mua dụng cụ học sinh. Các cô thầy cũng muốn theo gíúp đỡ...
Cô Thúy nhà ở Rạch Sỏi đề nghị:
- Em có quen người bạn làm trong trại cưa gần nhà, mình xin mua ván ở trại cưa đó đi xem thử anh ta có cho thêm được miếng ván nào hông.
Long đoán chắc cô ta muốn về nhà chơi một chút nên làm bộ vậy thôi nhưng mà cô có đi hay ở cũng chả có gì khác nhau, chưa khai giảng thì các cô thầy giáo chỉ ở không cạy dừa nước mà ăn chứ có chuyện gì làm nữa đâu. cho nên chàng vui vẻ trả lời:
- Vậy thì nhờ cô đi với chúng tôi, biết đâu nhờ quen người ta bán rẻ hổng chừng...
Cái thời buổi tranh tối tranh sáng đó, mỗi địa phương là một ông vua, chưa có ai kiểm soát được ai cho nên mạnh ai nấy làm, làm trước xin chỉ thị sửa sai sau nếu có...
Thấy cô Thúy được đi Nhân cũng muốn theo chơi nên đề nghị ;
- Cho tôi theo chạy máy dùm anh đi, nhà tôi bên Phi Thông cũng sông rạch không hà, tôi chạy máy bảo đảm có hơn chứ hổng thua anh đâu...
Long giật mình thằng khỉ nầy hổng chừng kết cô Thúy rồi cũng nên, chắc nó sợ cô ta đi với mình nên đòi theo...
- Ừ! Vậy thì đi chung đi, có người theo giúp cô Thúy thì tôi rảnh tay có thể ra ngoài ty mua tập vở cho tụi nhỏ luôn càng tốt. Hay là 2 chú em Bình và Lưu theo phụ chú Sáu thợ mộc mua cây mua ván luôn đi cho vui....

Rạch cái Nước chỉ có một con đò dọc duy nhất chạy ra chợ Rạch sỏi mà thôi. Không biết nó khởi hành trong ngọn lúc mấy giờ nhưng nó ra đến nhà chú Út Nhỏ thì gần 6 giờ sáng. Tiếng kèn của nó bóp nghe nhức con rái làm đánh thức những ai có cái tật ngủ nướng.
Nhóm người ra chợ chưa chuẩn bị xong thì chú Sáu thợ mộc đã cặp bến rồi.
Hai cái vỏ máy chở 6 người trực chỉ ra chợ Rạch Sỏi. Trong 6 người thì có tới 5 người dốt đặt về cây ván, chưa từng biết giá cả hay là họ bán buôn theo kiểu cách nào chỉ có cô Thúy ở gần trại cưa thì có chút ít kiến thức nên Long giao cho cô toàn quyền quyết định muốn mua theo cách nào tùy ý cô.
Cây ván người ta tính bằng mét khối, ván thuộc loại cây tốt giá khác, ván nguyên giá khác, ván bị cưa lỗi giá khác, đủ thứ giá làm Long nhức cái đầu cho nên anh nói:
- Cô mua loại nào rẻ nhứt, hể có mặt bằng để tụi nhỏ có thể làm bàn học là được rồi.
Bạn của cô Thúy cười râng nói:
- Rẻ nhất là cái đống ván vụng kia kìa nó có đủ thứ dài ngắn, gúc mắc tùm lum tôi bán mảo cho anh, chở gọn trong vỏ máy đó $50 khỏi cần đo đạt tính toán từng miếng làm gì cho mất công...

Mấy trại cưa ở Rạch Sỏi Long cũng thường đi ngang. Nó nằm cặp mé sông phân nửa trên bờ, phân nửa là nhà sàn dưới nước để có thể bán được cho khách hàng cả 2 phía. Những cây xúc ( hay súc) khổng lồ có đường kín cả mét được kết bè kéo đi theo dòng kinh Cái Sắn nhưng Long chưa bao giờ tìm hiểu thử xem nó phát xuất từ đâu...
Chỉ biết người ta đem về các trại cưa ở Rach Sỏi xẻ nhỏ ra thành cột, kèo, đòn tay vuông, xiên, ván...để bán cho dân chúng xài. 
Người ta lấy phần lỏi bên trong để cho các thành phẩm kể trên có kích thước đều nhau. Số ván phía ngoài da không đều được coi là đồ vụn họ chất thành đống. Không biết có phải ngày xưa người ta gom chúng lại rềi ép nhỏ ra trộn thêm hóa chất để làm ván ép không. Nhưng vào thờ kỳ mới tiếp thu CS chưa tổ chức chu đáo nên ván vụn lúc đó được xem như đồ phế thải...
Long bước lại cái đống ván khổng lồ nằm ngổn ngang kéo ra vài miếng xem thử thấy nó cũng tốt lắm nên đồng ý mua liền. 
Chàng nhẩm tính số tiền mình đang có được nhờ phuy xăng bán hôm qua nên quyết định mua đầy 2 vỏ máy rồi để Chú Sáu, Nhân, Lưu và cô Thúy đem cây ván về trường còn mình và Bình ra ty giáo dục ...
Lựa xong cây ván thì bụng đã đói meo Long hỏi cô Thúy:
- Cô biết chỗ nào bán đồ ăn ngon mà rẻ hông? Dắt tụi tôi tới đó ăn thử đi.
Cô Thúy cười:
- Ngon mà rẻ chắc là chỉ có một chỗ duy nhất đó là nhà em. Chắc hồi nãy má em đã chuẩn bị cơm trưa rồi, vậy sẵn đây mời chú Sáu và mấy anh tới nhà em dùng bữa cơm trưa với gia đình...
Long từ chối:
- Thôi cô ơi! Đông người quá mà, cô cứ ở chơi với gia đình một lát tụi tôi tìm quán cóc nào đó ăn đỡ rồi về, thời buổi gạo châu củi quế nầy mà đãi một lúc 5, 6 người cũng khó khăn cho nhà cô lắm.
Tuy là đã từ chối mấy lần nhưng gia đình cô Thúy 3 lần 4 lượt mời mọc thật tình nên chú Sáu nói:
- Thôi thì mình ăn một bữa cơm với gia đình cô Thúy đi, người ta chuẩn bị rồi, không ăn thì thiệt tình không đúng phép chút nào...
Long và Bình lội bộ ra bến xe lam đi Rạch Giá, trước khi chia tay anh căn dặn Nhân:
- Về trường đem cây ván lên bờ xong rồi thì chạy vỏ qua chợ Tắc Cậu rước tụi tôi nghen. Nếu ai tới đó sớm thì chờ người kia...

Cuốn lịch Tam Tông Miếu được người dân ở thôn quê xem như là cây kim chỉ nam. Muốn làm bất cứ việc gì hơi quan trọng một tí đều dỡ lịch ra xem thử, coi ngày hôm đó tốt hay xấu, nên hay không nên. 
Ngày đi mua ván đúng là ngày tốt, nên xuất hành, nên giao dịch, nên mua bán...Cho nên mua được nhiều ván mà ra ty còn được giới thiệu mua 5 tấm bảng đã sơn màu xanh đen, còn tập vở học sinh thì An Biên muốn mua bao nhiêu đều được ưu tiên cung cấp.
Đóng bàn cho 2 cái phòng học chưa hết một vỏ máy ván, tập vở học trò được phân phối theo giá mua từ ty. 
Ngày khai giảng dân chúng cũng xem lịch.
Không ai đồng ý cho tựu trường vào sáng thứ 2 vì cái ngày đó nhằm ngày " Đại Sự Bất Nghi". Mọi người muốn khai giảng trước đó một ngày là ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật là ngày "Nên Khai Trương" chứ không phải là nên khai trường hay tựu trường nhưng trương với trường họ đều không quan tâm hể ngày tốt là người ta chịu rồi...
Có được 2 điểm trường rồi thì coi như có chỗ cho 4 người dạy mà thầy cô mới, có đến 10 người biết chọn ai? 
Ai sẽ ở. Ai sẽ đi tiếp tục cuộc hành trình không định hướng. 
Đang còn phân vân chưa có quyết định phân công cho người nào thì Tòng tới nó kéo Long trở xuống chiếc ghe rồi nói nhỏ:
- Thầy để cô Hương lại dạy ở điểm Cái Nước 2 dùm em được hông thầy?
Vậy là sự nghi ngờ của thằng Nghiệp đúng bon không sai chút nào hết...

(Mời các bạn xem tiếp kỳ 12)

Lanh Nguyễn

3 nhận xét:

  1. Cái nầy hàng độc à nghen. Tui cũng đi tìm nát nước mà đâu có gặp cái hình nào giống hình nầy. Ai đó đã chụp lại các lớp học hồi thời mới mất nước. Hay là tấm hình nầy mới chụp các ngôi trường ở miền núi Việt Nam? Nếu là hình mới hỏng lẻ sau hơn 40 năm mà nước mình học sinh vẫn còn học trong những lớp dã chiến như thế nầy? Thiệt là hết nói nổi rồi. Cám ơn Hoa đã tìm được tấm hình gợi nhớ cả một thời mà ai cũng đau khổ .

    Tháng tư đen vẫn âm thầm trở lại
    Bao năm rồi còn nhớ mãi không quên
    Tháng tư đen Sài Gòn bị xóa tên
    Người dân Việt lênh đênh trên biển cả

    Tháng tư đen người người như xa lạ
    Quân đội. Quốc Gia tan rả có còn chi
    Tháng tư đen người bỏ nước ra đi
    Ôi! Tổ Quốc mong gì khôi phục lại.

    Trả lờiXóa
  2. Đây là hình của một lớp học lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê hiểm trở, xung quanh núi rừng trập trùng bát ngát, một lớp học tranh tre nứa lá được dựng lên tại buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) để con em trong bản học cái chữ với biết bao nhọc nhằn, gian khó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trời Hởi !
      Tiền với bạc cán ta thi nhau đớp
      Học sinh không có lớp để học hành
      Thầy với trò chung một túp lều tranh
      Bao tiền thuế chúng đã dành nhau nuốt

      Bốn mươi hai năm không ai ngờ được
      Học với hành lúc trước vẩn y chang
      Nhìn cảnh xưa mà ứa lệ hai hàng
      Thương dân Việt ách mãi mang trên cổ.

      Xóa