Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Gom Nhặt Lá Hoa - Kỳ 1

Bút ký cùa Thanh Hà Switzerland

Đây là những ý nghĩ tản mạn sau chuyến du hành. Tôi nhớ gì viết nấy. Như tựa bài đã nói: giống như dạo chơi thơ thẩn trong vườn, gom nhặt những đoá hoa dại xinh, những chiếc lá xanh mởn. 
Nào, chúng ta cùng dạo bước….
                                                Thanh Hà Switzerland

1/-  Giữa tháng một tôi về VN ăn tết với gia đình.
Bài ca viết rằng:
Quê hương tôi, có con sông dài xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
               (Tình Hoài Hương, Phạm Duy )

Qua giọng hát thánh thoát tuyệt vời của danh ca Thái Thanh khiến lòng tôi rộn ràng xúc động dù đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần từ mấy chục năm nay. Rồi lại còn:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi 
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người … ( Đổ Trung Quân )

Nghe da diết bùi ngùi chi lạ. 
Những bài thơ, câu hát, ca dao… thấm đẫm tình tự dân tộc gợi nhớ cảnh miền quê thanh bình hiền hoà góp phần gieo vào mỗi tâm hồn con dân Việt lòng yêu Quê Hương, yêu nơi chốn mình sinh ra và lớn lên. Dù vật đổi sao dời, dù cách xa ngàn dặm vẫn thấy lưu luyến khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn .

Lẽ ra thì tôi chưa đi vì mặc dầu nghe họ tả “Quê hương là chùm khế ngọt” nhưng lần này tôi rất sợ. Lỡ về quê chưa được ăn chùm khế ngọt nào mà đã bị hàng tỉ tỉ virus vô hình xâm nhập vào cơ thể do hậu quả formosa hay độc tố chích vào trái cây giúp mau tăng trưởng sản xuất từ “nước lạ” thì “đời tàn trong ngõ hẹp“. Đó không phải là nỗi lo mơ hồ mà là nỗi ám ảnh hãi hùng hàng đầu trong các nỗi sợ của tôi. Nhiều lắm, thí dụ :
*sợ chuột —ối chà chà—
*sợ ma—giờ hết sợ rồi—
*sợ đi đến chỗ lạ bị lạc đường, v..v….
 Thôi thì mặc cho lời ca thúc giục:

“Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương nơi chốn xưa có người mẹ hiền
Tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt hoen lệ vì con ..”
                                                            (Quê Mẹ, Thu Hồ)

 Cái sợ hữu hình vẫn áp đảo cái tình cảm thiêng liêng cao thượng.
Tự dặn lòng là vậy nhưng rồi các chị em tôi, nhất là mấy nhóc cháu ra sức thuyết phục. Chúng “dụ dỗ” ngon ngọt quá nên bị xao lòng!
Lý lẽ của mấy nhóc là: tránh ăn cá biển (cá đồng thì cũng là cá nuôi mà thức ăn chứa nhiều trụ sinh, hic!), trái cây, rau cải thì chỉ ăn loại trồng tại nhà và mua tại vườn quen như vú sữa, xoài , dừa, đu đủ… Rồi nào là mấy má con mình sẽ cùng nhau du lịch Úc châu chớ không đi quốc nội nữa, con sẽ hướng dẫn má tư đi cho khỏi lạc, khỏi mất thời giờ hỏi thăm đường. Chúng biết tẩy tôi dốt chuyện phương hướng đường xá nên nắm đúng chóp, thật ranh mãnh mà.
Tôi lại là tín đồ nồng nhiệt về trái cây rau cải, và khoản du lịch —lợi dụng sức khoẻ còn tràn trề—. Hơn nữa, các cháu tôi trai lẫn gái đều dễ thương, dí dỏm nên đi chơi với các cháu rất thú vị, vui nhộn. Cuối cùng sự cám dỗ được viễn du chiến thắng nỗi lo sợ ngộ độc, tôi đặt vé máy bay liền tuýt suỵt (tout de suite ). 
Lại tự an ủi: Thôi sống chết có số, chả lẽ 90 triệu đồng bào ở VN đều ung thư. Ở châu Âu châu Mỹ người ta cũng vướng ung thư tràn lan đó thì sao. Rồi chả lẽ vì sợ trúng độc rồi không bao giờ về thăm gia đình, họ hàng, bạn bè bên ấy nữa?
Ông bà ba má không còn, nhưng chị em chúng tôi vẫn đoàn kết quyến luyến thương yêu nhau như thuở còn bé dại. Một cách chân thành, tôi về VN mục đích chánh là thăm gia đình chứ chả phải vì nặng tình quê hương đâu ạ, từ lâu tôi đã xem Thuỵ Sĩ mới đúng là quê hương của tôi rồi.
Quê Hương là gì? Trong tự điển định nghĩa là một đất nước mà trong đó có quê (làng, nhà…) nơi mình đã được sinh ra. 
Nếu theo ý nghĩa tự điển giải thích thì “quê-hương-thật-sự của tôi” là một vùng đất hiền hoà, trước mặt có con đường liên tỉnh xe cộ ngược xuôi, xa xa là cánh đồng lúa, đầu mùa thì xanh màu mạ non phơi phới đến khi sắp gặt thì trĩu nặng vàng bông gạo rập rờn theo ngọn gió đùa. Trước nhà được ngăn bằng hàng rào dâm bụt, trong sân trồng cây ăn trái và hoa. Phía sau nhà có giòng sông phù sa êm đềm lặng lẽ, từng cụm lục bình trôi theo thuỷ triều lên xuống ngày hai lần. Động cơ phát ra từ những con tàu lớn, đò nhỏ luân phiên không dứt. Trên đường xe chạy, dưới sông tàu bè qua lại tạo nên một quang cảnh vừa ồn ào vừa trầm lặng lẫn lộn. 
Nằm tiếp giáp giữa con đường và cánh đồng là mảnh vườn nho nhỏ ông ngoại tôi trồng cây ăn trái xen vào giàn bầu, bí,mướp, dưa leo, khổ qua, đậu… mùa nào thức ấy. Ngoại tôi có bàn tay xanh (nói theo cách của người phương Tây) nên trồng gì cũng ngon và nhiều trái, còn hoa ngay cả huệ trắng rất khó trồng thế mà vẫn ra hoa thơm ngát trắng tinh khiết. Hoa mai thì khỏi bàn, cơ man nào cho hết phải bứng gốc bỏ bớt. 
Cuối mảnh vườn là cái ao nho nhỏ đầy hoa súng tím, những ngọn rau muống to non mơn mởn chen vai thích cánh cùng với rau ngổ , rau dừa . Những ngày mưa bão không đi chợ được thì chỉ cần một tô mắm sặc bầm nhỏ trộn với thịt heo ba chỉ, hành tỏi đường tiêu tráng một lớp trứng trên mặt đem chưng cách thuỷ, chấm rau muống luộc hoặc dưa leo giòn thì một nồi cơm trắng gạo đầu mùa nấu bằng nước mưa to tướng ăn no căng bụng vẫn còn muốn ăn hoài!
Đó là hình ảnh “quê hương ngày xưa của tôi” chứ bây giờ thì không còn chút dấu vết nào nữa. Nó đã biến mất từ rất lâu cùng những hàng dừa bụi chuối cây xoài cây lý cây me, những hoa huệ, mai, dâm bụt, hoa trang, nhành nhành, hoa mười giờ, móng tay, dây tơ hồng... Thời nọ, chúng tôi bị tống cổ khỏi nhà một cách phi lý vô nhân, phải san cây cối trong vườn dựng tạm mái tranh bằng lá dừa nước làm nơi trú mưa nắng. Cái ao cũng bị lấp đi, vì thế hình ảnh bông súng tím hoa mắc cở chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Sông kia giờ đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
                            (Sông Lấp Vị Hoàng, Trần Tế Xương)

Cụ Trần Tế Xương đã diễn tả đầy đủ biến cố giòng sông Vị cùng cảm nghĩ của ông chỉ bằng bốn câu lục bát lời lẽ giản đơn nhưng quá tài tình siêu đẳng khiến người đọc có thể “nhìn thấy”cảnh tượng hiển hiện trước mặt thật sống động. Xin nghiêng mình bái phục tiền nhân.
Về Kiên Giang mỗi lần đi ngang đoạn từ Cầu Quây ra Rạch Giá,  bằng con đường mới mở xuyên qua ruộng đồng, gọi là khu Ph.C. , thì y như rằng bốn câu thơ nầy hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi đọc thầm từng lời mà lòng man mác bâng khuâng như rơi mất một cái gì quí giá vậy.
Thuỵ Sĩ không phải nơi tôi sinh ra nhưng là nơi đã ban tặng cho tôi một đời sống hằng ao ước. Xứ sở tự do bình đẳng lấy nhân bản làm gốc. Môi trường trong lành, khung cảnh thơ mộng êm đềm đẹp như tranh. An ninh bảo đảm . Dân Thuỵ Sĩ sống kín đáo không khoa trương, bản tính hiếu hoà tự trọng lịch lãm. Theo luật Thuỵ Sĩ, khi lấy chồng bản xứ thì nguyên quán của vợ tự động theo nguyên quán chồng. Ngẫu nhiên, quê chồng tôi có tên là Aigle (Đại Bàng hay Chim Ưng), một  địa danh đầy ý nghĩa. Như thể từ nơi tăm tối đảo điên tôi nương cánh đại bàng bay về  phương trời nắng ấm gió lành sống trong an hoà hạnh phúc. 
—Tôi có phải người vong quốc? 
—Không, bởi khi về bên ấy, tôi đâu tìm thấy căn nhà nơi mình lớn lên. Tôi đâu tìm thấy gốc lý cội me mà ngày xưa tôi thường leo trèo hái trái. Tôi đâu tìm thấy chiếc xuồng ba lá thả trên mặt hồ cho tôi tập chèo và hái hoa súng tím. Tất cả đều trở nên lạ lẫm đến choáng váng, từ người đến cảnh.

Quê trong ta mãi là tranh là thơ
Là giòng sông nước ngọt, có hoa dại đôi bờ
Là giữa trưa hè trèo cây hái ổi
Là dịu nắng chiều, chơi trốn tìm quanh đụn rạ khô

Như lũ cá hồi theo biển đời tất bật
Luôn bơi về ghềnh thác thuở khai sơ
Ta cố tìm một thiên đường đánh mất
Hởi ơi! Kim thời gian không quay ngược bao giờ

Quê ta ơi, em lạc mất phương nào?!
                           (Tìm Quê, Th.H)

Thanh Hà Swthzerland
30.April 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét