Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 13

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Cùn tất biến, biến tất thông.
Biến không thông, đừng mong mà sống 
Cái thời giải phóng biến cũng như không 
Cả nước bị gông, đừng mong gì biến...

Hai hôm rồi kể từ khi ở phòng giáo dục trở về Long chưa tìm ra được cách gì có thể mua được ván đóng bàn cho học trò mà khỏi bỏ tiền móc ngoặc ra. Các ông chủ Ấp thì cứ đến hỏi thăm chừng nào khai giảng được. Long đành lần chuỗi bồ đề với họ:
- Giáo viên thì ngày mai có thêm rồi, còn ván đóng bàn đang chờ ủy ban huyện duyệt kế hoạch giúp đỡ...
Cô Thắm và Nhân cũng thúc hối:
- Ai anh cũng phân công hết rồi, còn tụi tui tính sao đây? Hổng có lớp để dạy có khi nào bị người ta cho ra rìa hông dzậy?
Long cười trấn an:
- Phòng giáo dục còn hứa đưa xuống chỗ mình 10 người nữa kìa. Mấy nơi khác còn cả đám ở không, thiên hạ hổng ai lo hết, hai người lo chi cho mệt. Nghĩ thử xem coi có cách gì moi ra tiền để mua ván đóng bàn cho tụi nhỏ thì hổng ai chịu suy nghĩ dùm, cứ lo chuyện "bò trắng răng không thôi"...
Thằng Nghiệp móc họng liền:
- Sao 2 thầy trò mầy hổng tái diễn lại cái màn cũ hôm trước đi, có phải gọn hơn hông, suy nghĩ làm giống gì cho mệt xác?
Long định nói:
- Làm được thì tao kêu mầy làm chi? Cái thằng đó đang cần tiền để cua gái dễ gì nó chịu bỏ ra một phuy xăng. Hổng lẽ bắt mình tao gánh trọn sao? 
Nhưng mà có 2 đứa lạ nên chàng làm thinh chỉ lườm nó cho nó nín mà thôi, rồi lái qua chuyện khác:
- Mầy đi Thứ Ba rước thêm người hông thì đi với tao, còn không thì ở nhà cạy dừa nước đi chứ đừng có móc họng móc hầu. Làm được nữa thì tao làm rồi chứ ai thèm nhờ tụi bây nghĩ cách khác...

Hôm đó ở phòng giáo dục có một vài tin chấn động làm xôn xao mọi người 
Đầu tháng tới giáo dục được phát lương, được phân phối nhu yếu phẩm.
Tin đó đúng là tin tốt, nhưng nó lại không tốt chút nào nếu so sánh tình hình với nửa tháng về trước. 
Hàng hóa mỗi ngày mỗi khan hiếm hơn, giá cả mỗi ngày mỗi tăng hơn, sợi dây thòng lọng mỗi ngày mỗi siết chặt vào cần cổ của người dân hơn.

An Biên là nơi sản xuất lúa gạo và các mặt hàng nông phẩm khác như mật ong, tôm cá...
Ngày xưa thương lái mua lúa cũng như nông phẩm khác, dập dìu qua lại dưới sông. Muốn bán lúa thì chỉ cần đón chiếc ghe nào để cái táo đong lúa phía trước, hoặc nghe họ rao:
Lúa hông. Lúa hông là kêu vô để thương lượng giá cả, nếu đồng ý thì "a-lê-hấp" vô bồ xúc ra đong cho họ vác xuống ghe, lấy tiền là xong rồi. 
Ở nhà hết gạo ăn thì chỉ việc xúc vài bao lúa bỏ xuống vỏ máy chạy qua nhà máy xây lúa, xây xong đem về ăn rất đơn giản dễ dàng. 
Còn bây giờ phải làm đơn xin xây lúa, xây bao nhiêu phải kê khai hợp lý với tay tổ đảng, có chử ký của tay nầy thì mới lên xã mà xin đóng cái mộc vào được, có tờ đơn với cái mộc đỏ chói thì nhà máy xây lúa mới chịu xây cho, mà ở đâu thì phải xây lúa ở đó, chứ đi qua nơi khác thì không được. Cho nên dân chúng ở xã Đông Yên than trời như bọng. 
Cái nhà máy bên Tắc Cậu chỉ cần qua sông Cái Lớn là dân Đông Yên tới nơi rồi nhưng mà họ không giải quyết cho người khác xã, chứ đừng nói chi đến khác cả huyện.Vì vậy bây giờ muốn xây lúa họ phải xuống Thứ Ba, xa hơn 6 cây số nữa. Có máy chạy thì tốn thêm xăng bơi xuồng thì tốn thêm hơn 2 giờ đồng hồ nữa, thiệt đúng là bị trời đày mà.
Vậy cho nên nhu yếu phẩm đối với giáo viên bây giờ cũng cần thiết không thua gì tiền lương...
Phòng giáo dục đưa cho thêm 10 người, mấy người nầy được rút về từ Đông Hòa và Đông Thái. Họ nghe được cho lên Đông Yên là mừng như trúng số. Đường về nhà đã gần hơn mấy tiếng đồng hồ, tiền đò cũng rẻ hơn, nhưng Long đang còn 2 người chưa có lớp mà nhận thêm 10 người nữa thì quá dư. 
Nhưng mà 10 cái miệng ở không ăn là một gánh nặng, không ai muốn lãnh nợ, mặc dù họ cũng có tiền túi mang theo nhưng trong vùng quê nghèo nàn thì tiền có cũng như không, đâu có mua được cái gì ngoài cá...Vì thế cho nên Long dùng kế hoản binh:
- Tui còn 2 người chưa phân công, nhận thêm 10 người nhiều quá lo ăn ở chắc hổng nổi đâu.
Chú Út "động viên":
- Mầy có 5 phòng học sắp xong thì chắc phải cần 10 người. Hai người dư để hờ đó thế chỗ cho mấy đứa bỏ trốn. Hổm rày ở miệt dưới tụi nó bỏ trốn hết 4 đứa rồi. Phòng sẽ giới thiệu cho mầy qua thương nghiệp nhận nhu yếu phẩm tháng nầy, còn gạo nếu cần thì tới cửa hàng lương thực mua luôn đi.

Những người sống ở thành phố nếu chưa từng về vùng quê Miệt Thứ thì không thể nào hiểu được tại sao các bạn giáo viên vừa mới ra trường nhận nhiệm sở đã bỏ trốn về nhà. 
Ngoài cái việc di chuyển khó khăn, mất nhiều thời gian nó còn buồn thê thảm cho nên người ta mới than, rồi viết thành những bài ca dao sau đây:

Má ơi đừng gã con xa 
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Sương rơi ướt động giàn bầu 
Em về miệt thứ để sầu cho anh.

Chẳng những buồn mà còn bị muỗi nó hành hạ, các bạn hãy nghe câu ca dao dưới đây để tưởng tượng số muỗi mà dân Miệt Thứ phải sống chung...

Xứ đâu bằng xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi 
Đỉa lội lền bền như bánh canh

Nước cũng là một vấn nạn lúc đó là cuối mùa thu mưa nhiều, nên nước chưa là vấn đề cho các nàng, chỉ trở ngại cho việc tắm rửa mà thôi. 
Con gái nông thôn để nguyên quần áo mà xuống sông tắm, rất ít có nhà nào cất cái phòng tắm lắm, cho dù nó rất đơn giản, chỉ là bốn tấm vách vừng bằng lá tàu mà thôi...
Chị em nào sống ở trong quê thì không có vấn đề, mấy cô tiểu thư ở chợ dễ tánh có thể hòa mình hội nhập được, còn người nào đài các một chút thì không thể nào chịu nổi, cho nên ngày xưa chánh phủ VNCH mới cho thêm phụ cấp vùng sâu...
Có đến sống ở đó rồi mới thương cho anh chị em làm tiên mắc đọa ở An Biên. 

Nhận nhu yếu phẩm từ cửa hàng thương nghiệp bằng tờ giấy nợ trừ vào lương tháng tới, Long đến cửa hàng lương thực mua gạo. 
Gạo chất đầy kho mà kế hoạch phân phối chưa thông. 
Hàng hóa của thương nghiệp là hàng không vốn, là đồ tịch thu lấy không của người ta cho nên thương nghiệp cho thiếu. 
Lương thực thì khác. Lúa phải mua của người dân nên họ đòi tiền liền còn không có tiền thì thôi, cho dù gạo có nổi mốc nổi meo cũng mặc. Tiêu chuẩn cho mỗi người là 15 kí gạo mỗi tháng. 
Với 12 người cũ mấy tuần qua ăn ké gạo của ủy ban xã, của học trò cho, nhưng thêm 10 miệng ăn nữa chắc là hơi khó cho nên Long phải bóp bụng xuất tiền móc ngoặc ứng trước rồi chờ khi họ lãnh lương sẽ trừ lại...
Đoàn người "hồ hởi" tới trường Đông Yên A. Anh chị em giáo viên mới được bớt một đoạn đường đi tàu khá dài, lại có nhu yếu phẩm mặc dù là mua chịu nhưng họ rất mừng vì coi như được nhà nước nhận là nhân viên rồi, chỉ có mình Long đang xẩu mình vì có thêm 10 cục nợ đời nữa.
Thằng Tòng tìm được chỗ gởi cho 2 người đó là nhà ông Hai Lúa chồng của cô tư nó. 

Ông Hai Lúa nầy không phải là người mà mấy tay viết chuyện tiếu lâm đặt ra để ngạo dân miền quê đâu nha. 
Ông độ chừng trên dưới 40 tuổi, nhà có lẽ khá nhất trong ấp Xẻo Đước. Ông có 4 đứa con thằng con trai lớn sắp nói vợ. 3 đứa nhỏ đã quá tuổi đi học. 
Ông cho ở tạm 2 cô giáo ở trong buồng với 2 đứa con gái ông, còn 2 thằng con trai thì ngủ ở nhà sau coi chừng mấy cái bồ lúa.
Sở dĩ người ta gọi ông là Hai Lúa là vì mỗi năm khi thu hoạch lúa xong người dân ai cũng bán đi để trả nợ hay để chi xài vào dịp tết. 
Lúc còn nghèo ông không thèm bán lúa ra, cũng không chịu xài tiền mà để dành lúa lại chờ đến tháng 9 tháng 10 thiên hạ hết lúa ăn , cũng không còn lúa bán thì ông mới đem lúa của mình ra bán. 
Năm nào cũng vậy số tiền dư ra ngày càng nhiều nên ông trở thành người vựa lúa, thay vì người ta gọi ông là Hai Vựa Lúa nhưng mà để ngắn gọn họ gọi là Hai Lúa chứ thật ra ông không lúa chút nào hết, mà ông khôn tổ mẹ...
Long đem đồ nhu yếu phẩm đến giao cho cô Thắm và cô Hà người vừa mới tới hôm nay, rồi làm quen nói 3 điều bốn chuyện về tình hình thời sự với ông ta để mà gởi nhờ 2 cô giáo ở nhà ông.
Chủ khách nói chuyện cũng tương đồng vui vẻ trước khi từ giã ra về Long không quên nhắc chuyện 30 ký gạo và đồ nhu yếu phẩm của 2 cô giáo xin được hùn vô phụ giúp cho gia đình trong những ngày sắp tới.
Hai Lúa cười tươi phân bua:
- Tui nói thiệt với mấy thầy cô, năm nay tui bị kẹt mấy trăm giạ lúa mua vô hồi đầu năm mà bây giờ bán ra hổng được cho nên hổng có nhận giúp đỡ được nhiều người, chỉ có thể cho ở 2 người ở nhờ thôi, tui cũng ái nái trong bụng lắm. Hai cô cứ ở đây đi, còn gạo lúa ở nhà thiếu gì, cất lại gạo đó khi nào về nhà mang về làm quà cho gia đình.
Cô Hà thì mừng ra mặt còn cô Thắm thì nói:
- Nhà cháu bên Tắc Cậu hồi trước má bán gạo hàng sáo, còn ba thì chạy gằn cho nhà máy xay lúa nên gạo cũng còn nhiều lắm thôi chú để cho cháu hùn một ít đi, để lúc ăn cơm cháu khỏi ái ngại...
Chú Hai Lúa còn chưa nói gì thì cô Hà nghe vậy lên tiếng:
- Hay là cho tụi cháu hùn đường với bột ngọt đi, còn gạo để cháu đem về nhà. Nhà cháu ngoài chợ mua gạo mắc quá mà 8 miệng ăn ba má cháu chạy ăn xịt xì dầu vẫn không đủ tiền mua gạo.
Chú Hai chép miệng than:
- Ừ! Tính dzị đi. Thiệt là tình tui hổng hiểu nổi mấy cha nầy bày đặt thu mua thu miết làm chi cho khó khăn thấy bà cố. Người bán phải đem tới trạm thu mua với cái giá rẻ mạt, lại còn phải chờ cho họ phân phối xong mới  nhận được tiền, sớm lắm cũng mất cả tuần lễ. Còn người mua gạo chờ phân phối, nhà đông, nhà ít, kẻ mạnh ăn người kiêng ăn, đâu có ai giống ai, rốt cuộc mọi người cùng nhau chịu khổ....
Long từ giã mọi người ra về trong đầu luôn suy nghĩ về hoàn cảnh của 3 gia đình, hình như nó có cái sợi dây liên kết với nhau nhưng nhất thời chàng không biết điểm nào là tụ điểm của vấn đề. Chàng ngồi dưới vỏ máy móc thuốc ra hút cố tìm cho đầu óc một phút yên bình...
(Mời các bạn xem tiếp kỳ sau )


Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét