Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 14

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Long ngồi lặng yên sau lái của cái vỏ máy, anh đã hút hết 2 điếu thuốc mà chưa nghĩ ra sự liên hệ giây mơ rể má của 3 hoàn cảnh gia đình mình vừa tiếp xúc, hình như nó có cái gì đó liên hệ với nhau mà nhất thời chàng mơ hồ chưa nghĩ ra...
Chú Hai Lúa có lúa mà bán không được. 
Cô Hà nhà đông người lại phải mua gạo với giá cắt cổ. 
Nhà cô Thắm bán hàng sáo mà lại không có lúa để xay gạo bán, phải bỏ nghề. 
Chung quy cũng tại sách lượt thu mua, phân phối không có kế hoạch của chánh quyền, đưa tới những phiền phức không cần thiết cho người dân...
Long chợt muốn làm người bạn hàng sáo bất đắc dĩ. Anh trở lên nhà tìm chú Hai Lúa nói rõ ý mình:
- Tôi muốn đề nghị với chú một việc.
Chú Hai ngạc nhiên khi thấy Long về rồi còn trở lại:
- Thầy muốn bàn chuyện gì, chớ cái chuyện nhờ chứa thêm người nữa thì tui hổng nhận đâu khỏi cần bàn.
Long cười cười:
- Không phải, chỉ là tôi muốn mua ít lúa của chú đem đi xay gạo bán kiếm lời để mua ván đóng bàn cho tụi nhỏ vậy mà. Nhưng tôi chưa chắc có tìm được chỗ để mà xay lúa hông. Nếu chú có thể cho tôi ít ngày để tôi đi tìm cho ra chỗ xay lúa và chỗ bán gạo thì tôi sẽ thảo luận với chú về giá cả. Nhưng tôi bảo đảm một điều nếu tôi mua lúa của chú thì tôi sẽ mua giá cao hơn trạm thu mua của huyện, còn cao hơn bao nhiêu thì tôi thật không nói trước được.
Chú Hai Lúa nghe xong thì khoái lắm:
- Tôi cũng chưa cần tiền gấp lắm đâu vì 2 tháng nữa mới đi nói vợ cho thằng hai nhà tui, vậy tui cho thầy 1 tuần lễ để đi tìm mối bán, hể bằng giá trạm thu mua mà lấy tiền liền thì được rồi, dù gì năm nay tui cũng bị lỗ thấu xương...

Long và cô Thắm về tới nhà cô đã hơn 3 giờ chiều. Ba má cô thấy cô về nhà với một thằng con trai lạ quắc thì dương cặp mắt ngạc nhiên nhìn cô như muốn hỏi:
- Cái thằng quỷ nào đang đi với con dzậy?
Nhưng mà ông bà không dám lên tiếng chỉ chờ cô Thắm giới thiệu. 
Long hỏi bác gái:
- Nghe cô Thắm kể lúc trước, ở đây bác xay gạo hàng sáo rồi bán gạo lẻ phải hông?
Bác gái dè dặt trả lời:
- Thời chưa giải phóng ông nhà tôi coi gằn cho nhà máy nầy còn tôi thì cân lúa rồi xay gạo bán, nhưng bây giờ cái gì nhà nước cũng quản lý hết, tôi nghỉ làm rồi, mà chú hỏi làm chi dzậy?
Chắc má cô Thắm đang sợ tay cách mạng 30 gài bẫy cho nên Long phải tỉ mỉ kể lại từ chuyện bán xăng lấy tiền mua ván, bây giờ hết xăng bán mà ván vẫn còn thiếu để đóng bàn cho học trò, nhất là nơi đó lại là chỗ con gái bà sắp sửa dạy...
Chờ cho bà thấm ý Long mới nói thêm:
- Ông chủ nhà mà cô Thắm ở trọ có khoảng 300 giạ lúa muốn bán, nhưng ông ta không muốn bán thiếu cho trạm thu mua ở huyện mà lại đồng ý bán cho cháu nhưng cháu mua nó đâu có làm gì được, nếu có chỗ xay ra gạo và tiêu thụ thì mới làm được. Vậy hai bác có muốn hợp tác với tụi cháu để tụi cháu kiếm chút tiền mà mua ván đóng bàn cho tụi nhỏ học hông?
Bác gái thì kéo cô Thắm vô buồn rù rì tra hỏi còn bác trai thì đăm chiêu suy nghĩ Long nói thêm:
- Thật ra lần nầy tụi cháu kẹt, nếu không có tiền mua ván đóng bàn cho tụi nhỏ không chừng 10 cô giáo thầy giáo mới hổng có nơi dạy buộc lòng cháu phải gởi lại phòng giáo dục mà thôi. Hơn nữa mấy cha chánh quyền không chịu xuất tiền ra cất trường, túng quá cháu mới nghĩ ra cách nầy. Mà cháu là thầy giáo thời Ngụy chứ không phải cán bộ nhà nước đâu, bác đừng lo.
Bác trai thư thả trả lời:
- Thật ra nhìn tướng của chú tui biết là dân Ngụy rồi, hổng có tinh thần cách mạng gì hết trơn, cái tôi đang suy nghĩ là làm thế nào mà xay lúa của chú được đây nè.
Dầu thì nhà nước quản lý rất chặt chẻ, xay hết 300 giạ lúa cũng phải tốn cở 4, 5 chục lít dầu chứ hổng ít đâu. Mua chợ đen một số lượng lớn như vậy có khi công an nó nghi mình chuẩn bị dầu để vượt biên. Còn tiêu thụ gạo chắc là phải đi hỏi lại mấy người bạn hàng cũ xem thử coi họ có muốn lấy gạo bán không. 
Lúa xay xong là phải tẩu tán gạo liền để nhiều trong nhà hổng tốt.
Long nghe xong thì mừng quá trả lời liền:
- Cháu không đem hết 300 giạ lúa đến một lượt đâu, chắc là mỗi lần cháu chở tới vài chục giạ thôi, còn dầu thì cháu có thể cung cấp cho bác. Vậy bác xem thử mình có hợp tác được không?
Bác gái vô buồng tra khảo cô Thắm xong thì bước ra cười tươi:
- Được rồi, chiều nay tôi sẽ đi đi bắt mối bán gạo cho chú, còn giá cả cụ thể như thế nào ngày mai chú trở lại đây rồi mình bàn cho rõ...
Long gởi cái vỏ máy lại nhà cô Thắm rồi qua đò tới nhà anh Tấn lấy xe về thăm nhà...

Hôm sau thỏa thuận xong giá cả cũng như giờ giấc đem lúa tới thì chàng trở lại nhà chú hai Lúa để bàn về giá mua lúa rồi tìm thằng Tòng hỏi mua dầu chạy máy. 
Đông Yên đa số dân chúng xài máy xăng rất ít người sử dụng máy dầu, lâu lâu họ thiếu dầu lửa đốt đèn thì mua thêm dầu máy nhưng đốt đèn bằng dầu chạy máy đèn không sáng mấy mà lại có khói đen rất nhiều vì vậy mà trạm xăng dầu ở đây còn ế cả mấy phuy hổng ai rớ. Thằng Tòng hỏi:
- Thầy muốn mua dầu chạy máy để làm gì? Hồng lẽ tìm được mối bán nó, thầy coi chừng họ tổ chức vượt biên đó nghen...
- Vượt biên cái gì? Đem đi xay lúa cho cô của em để kiếm tiền mua ván. Không cho bán phuy xăng thì phải tìm cách khác chứ, hổng lẽ để cho 3 cái thằng cha chủ ấp cằn nhằn hoài ai chịu đời cho thấu? Hơn nữa cũng phải làm sao cho tụi nhỏ đi học được chứ.
Thằng Tòng cười hi hì:
- Em bị kẹt mà...

Năm giờ sáng Long đã đem vỏ máy của mình vô tới nhà chú Hai, 2 cha con chú đã đổ lúa vô bao sẵn sàng cho chàng rồi, 3 người vác lúa xuống vỏ máy xong là Long và Thắm từ giã lên đường. Long nói:
- Trưa nay tôi sẽ về giao tiền cho chú.
Xay được 2 lần lúa thì đã dư tiền mua ván đóng bàn và cất được 2 cái nhà nhỏ cho mấy cô giáo ở tạm. 
Năm điểm trường còn lại cũng đồng loạt khai giảng.
Xã ủy cái gì không giỏi chứ ăn nhậu thì một cây xanh dờn, tổ chức linh đình mời phòng giáo dục rồi ủy ban huyện xuống xem thành tích xây trường của xã Đông Yên, hứng chí ông ta hứa với Long:
- Các đ/c chí giáo viên sẽ được ghi tên vào danh sách nhân sự của xã và sẽ được nhận 1 phần nhu yếu phẩm của xã như những cán bộ khác. 

Vậy là anh chị em trường Đông Yên A "giàu"...
Giàu vì có nhà riêng, giàu vì ở đó cá nhiều lắm, cá đồng trên ruộng, cá nước lợ dưới sông, người ta câu tôm cũng nhiều, giàu vì được 2 đầu nhu yếu phẩm một mua từ danh sách giáo viên của phòng giáo dục, một mua từ ủy ban xã. 
Lại còn đã hơn nữa là ngoài hai người trưởng phó ở không khỏi phải dạy lớp, lại còn dư ra 2 thầy giáo cho nên ai có việc cần ra chợ hay về nhà là có người dạy thế...
Lâu lâu được ông Hai Lúa hay hai Tòng rủ rê là Long trúng mánh có được thêm tháng lương phụ trội...
Anh em giáo viên mỗi tuần hội họp cũng được ăn ké chút đỉnh khói phải hùn tiền...

Trường Đông Yên A vừa tổ chức xong đang đi vào nề nếp thì Út Nhứt đi xuống thăm tất cả 9 điểm trường rồi thuận tay lôi luôn Long về phòng:
- Thằng Năm Dồi muốn gặp mầy. Chú Út nói.
- Ông ta là ai dzị?
Út Nhứt không vui nói cọc lóc:
- Thì là thằng chủ tịch huyện lần trước tao dẫn mầy tới gặp nó chứ còn ai vô đây?
Long giật mình lo lắng tưởng là chuyện bán xăng bị bại lộ nên hỏi lại:
- Tìm tôi làm gì? Tôi đâu có quen với ổng.
- Nó muốn tao điều mầy về Đông Hưng,  tại vì hôm trước tao có hứa cho 2 thằng mầy ở chung trên Đông Yên nên tao đâu có chịu, nhưng mà nó nói "đi làm cách mạng thì tổ chức phân công ở đâu là phải chấp hành tới đó". Cho nên tao nói với nó "đời tao không thích nói 2 lời, nó muốn điều mầy xuống Đông Hưng thì cứ nói trực tiếp nói với mầy còn tao thì không". Tư Thọ sắp được rút về ty rồi nên y cũng không muốn nhúng tay vô. Vậy mầy đi với tao qua gặp nó, còn xuống Đông Hưng hay không thì tùy mầy... 

Năm Dồi cho biết:
 "Đông Hưng là cái nôi của cách mạng tỉnh" là quê hương, sanh quán của các tỉnh ủy, huyện ủy viên cho nên cần phải được quan tâm đúng mức, phải là xã dẫn đầu về mọi mặt. Đông Yên xây dựng được 9 điểm trường mới thì Đông Hưng phải làm sao cho hơn con số đó. Vậy cho nên tui quyết định điều đ/c về Đông Hưng để lo công tác xây dựng trường tại nơi đó...
Ông bà ông dãi ơi! Nghe xong là đã lạnh mình rồi. Ở Đông Yên hên hên gặp thằng học trò mê gái cho nên móc được cái ngoặc mà xây được mấy phòng học còn dư chút đỉnh anh em chia nhau sống qua ngày tháng, chưa gì đã bị đẩy xuống Đông Hưng, chỗ lạ quắc chỉ có nước chết vì muỗi chứ làm được cái giống gì.
Không cần suy nghĩ Long từ chối liền:
- Chắc là tôi không hoàn thành nổi nhiệm vụ đó đâu. Ở Đông Yên nầy thường vụ Xã quỷ tôi quen thân nên anh ta giúp đỡ tận tình, hơn nữa địa bàn Đông Yên tôi quen rất nhiều người, xuống Đông Hưng lạ chỗ, lạ người làm sao có "quan hệ tốt" với dân chúng cũng như bên xã ủy để mà kêu gọi họ đóng góp xây trường như ở Đông Yên được?
Năm Dồi lạnh lùng nói:
- Hôm học chánh trị đ/c không có học qua câu bác Hồ dạy  sao? "Chỗ nào cần thanh niên có, chỗ nào khó có thanh niên?". Tôi ra lịnh cho đ/c thu xếp 1 tuần lễ rồi trở lại đây nhận nhiệm vụ mới...
Vậy là không có chuyện bàn thảo, mà chỉ có chọn một trong 2 con đường đi xuống Đông Hưng hay là bỏ trốn trở về nhà...
Thấy Long buồn hiu, lặng thinh không nói tiếng nào Út Nhứt an ủi:
- Hay là mầy xuống dưới đó đở vài tháng cất được vài cái trường rồi thì trở về phòng, tao sẽ nói với thằng Năm Dồi giới thiệu cho mầy quen với các cán bộ địa phương dưới đó. Thôi mầy về trển bàn giao cho thằng Nghiệp rồi chọn cho nó một thằng hiệu phó tuần sau tao xuống rước mầy đi gặp Năm Dồi...

Thiệt tình là số con rệp, đang sống phây phây trong chiếc giường trên đó có những món thịt ngon thơm phức, chưa được thưởng thức thì bị chủ nhân của chiếc giường dùng nước sôi mà tống cổ ra ngoài.
Thằng Nghiệp la làng:
- Mầy đi thì tao làm sao? Hay là tao theo mầy xuống dưới đó luôn cho có bạn...
- Ai cho mầy theo mà đòi? Người ta biểu tao bàn giao lại rồi chọn luôn cho mầy một hiệu phó, mà cái trường nầy hiện giờ có cái gì để bàn giao đâu? Vậy mầy muốn chọn ai thì tao báo cáo lại phòng cho mầy. Hay là chọn đại cô Hương đi rồi sẵn đó mầy o nàng luôn cho tiện.
Thằng Nghiệp khổ sở trả lời:
- Thôi mầy ơi, Hương với phấn gì nữa tao mà rớ vô chắc nó cho tao đi mò tôm quá. Thôi thì chọn đại thằng Nhân đi nó lái vỏ máy giỏi để nó dạy tao luôn thể...

Thằng Tòng nghe Long bị đổi đi thì theo năn nỉ:
- Thầy đi rồi thì cũng phải chỉ lại cái mối bán xăng cho em chớ, hổng lẽ bắt em bỏ luôn sao?
- Vậy thì đi theo tôi ra gặp người ta. Người đó hổm rày cũng nhắc em hoài...

Trường Đông Yên A chả có tài sản gì để bàn giao lại cho người kế nhiệm, tiền đóng góp của học sinh không đủ chi cho việc cất trường. Có còn chăng là những cục nợ mà anh chị em giáo viên xin khất lại, và 2 cái móc xăng với gạo mà thôi.
Bên xăng dầu 2 cô trò gặp nhau thì vui vẻ tiếp tục. 
Còn lúa của chú Hai thì ba má cô Thắm trực tiếp thảo luận lại giá giả với người cung cấp mới...
Một buổi tiệc linh đình được tổ chức để chia tay nhau...
Hai cái móc không bị vuột mà bị thiên hạ gở tay giao qua cho người khác...
Long lại phải một mình xách ba lô đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ...
Cả ba điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hòa đều không có lấy 1...vậy là chết chắc thiệt là tình mà...

Lanh Nguyễn


3 nhận xét:

  1. Mấy hổm rày bận việc nên ít theo dõi cái móc ngoặt của anh LN
    Hôm nay coi tập nầy như gợi nhớ lại mọi chuyện thời bao cấp , ai cũng khổ và mỗi mùi khổ nó khác nhau , mà chỉ những ai như em và anh trải qua mới cảm nhận được : cái thời mà cái khó ló cái khôn hỗng nỗi luôn . Việc lớn việc nhỏ gì cũng sợ ...
    Đọc truyên của anh chắc tối chiêm bao luôn tối mà nằm mơ cảnh đó chắc sẽ khổ tập 1001
    Nói đùa vui thôi cảm ơn anh đã viết câu chuyện nha
    Chúc anh luôn hạnh khúc và sức khoẻ nha
    NXHT

    Trả lờiXóa
  2. Anh HT giỏi ghê nha , minh hoạ tấm hình anh hai Lúa sống động lắm
    cảm ơn anh đã đồng hành với người KG
    Mong anh có nhiều sức khoẻ để mọi người vui dù rất xa
    NXHT

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn NXHT đã trở lại comment trên trang blog THKT.
    Vậy là bắt đầu quởn rồi hé.

    Tui lại có người mần thơ vui vẻ
    Vô blog Kiên Thành khe khẻ ngâm nga
    Những vần thơ hay, tha thướt mượt mà
    Như những đóa hoa xưân thi nhau nở...

    Trả lờiXóa