Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 16

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Long giật mình thức giấc sau cơn say nhừ tử, lúc đó trời đã quá nửa đêm. Cổ họng nóng bừng bừng khát nước không chịu nổi, chàng tốc mùng chung ra.
- Ủa! Mình đang ở đâu vậy cà. 
Tư bề vắng tanh không một chút ánh sáng, đèn đuốc tối mò. Long ngồi định thần để cho đôi mắt mình  làm quen với bóng tối và cũng để cho đầu óc nhớ lại những sự việc của chiều hôm qua...
Một buổi nhậu "thừa sống thiếu chết" với những người lạ quắc lạ quơ, chưa một lần tiếp chuyện qua...
Đúng rồi chắc đây là văn phòng của xã Đông Hưng, vậy là hôm qua xỉn quá nên người ta cho vô đây ngủ tạm chứ gì.
Long mò mẫm lục lọi trong ba-lô tìm cái hộp quẹt máy. Ánh sáng yếu ớt vừa đủ cho chàng nhìn thấy trên bàn có cây đèn dầu và cái hộp quẹt khác. Một bình trà đã nguội ngắt từ kiếp nào.
Long mở ống khói đốt vội cái đèn lên, rồi bưng nguyên bình trà mà nốc liền một hơi cho đã khát...
Trời cuối đông lạnh lẽo vô cùng, căn phòng nhỏ đó có tới 3 cái giường sắt nhưng 2 cái kia thì trống không, chả có ai ngủ lại. Căn phòng nầy không biết ngày xưa nó là phòng gì thuộc ban ngành nào của quận Hiếu Lễ mà hiện tại họ bỏ vào đó 3 cái giường sắt của bên nhà thương. 
Long chợt rùng mình "không biết giường mình nằm có ai đã từng bỏ mạng trên đó chưa"
Chàng mở của bước ra ngoài sân để tìm chỗ đi tè. 
Ngoài trời đêm vắng lặng, những vì sao ở xa tít trên bầu trời trong vắt, chúng không tỏa được chút ánh sáng nào để rọi vào đêm tối âm u. 
Tiếng côn trùng rỉ rả hay là tiếng than của những người chiến sĩ đã hy sinh mạng sống mà bảo vệ quận lỵ nầy, nhưng rồi vận nước tối đen như đêm nay, quận lỵ lại nằm trong tay tốp người khác...
Long trở vô giường, mở ba-lô lấy thêm chiếc áo dài tay mặc vào cho đỡ lạnh rồi cố dỗ cho mình một giấc ngủ để có sức mà chống chọi cho những ngày cô đơn sắp tới...

Sáu giờ sáng trời còn mờ mờ hơi sương là Long đã thức giấc rồi. Ở thôn quê dù là ngày mùa hay ngày bình thường người dân đều dậy sớm người nào trễ lắm thì cũng phải thức giấc trước sáu giờ sáng. Nằm nướng thêm trên giường ngủ, dù là trai hay gái cũng đều bị những người lớn tuổi chê cười:
"Thứ đồ làm biếng thối thây" hay là "Cái đồ làm biếng chảy mở. Ngữ đó có nước ở giá chứ ai mà dám lấy".
Vậy cho nên các bạn về thôn quê chơi, đừng lấy làm lạ khi năm sáu giờ sáng là mọi sinh hoạt đã rộn ràng rồi...
Long dáo dác nhìn chung quanh phía trước tìm lu nước để làm công tác vệ sinh buổi sáng nhưng không thấy nó đâu cả. 
Một cô gái từ phía ban Dân Y kế bên bước qua:
- Chào thầy giáo! Anh thức rồi hả? Muốn tìm chỗ rửa mặt phải hông? Mời qua bên lu nước của Dân Y tụi em. Hai cơ quan nầy xài chung với nhau. Ủy ban ít khi có người ngủ lại trong đó. Thường thì mấy chú về nhà hay qua bên Công An ở. Bên ấy đầy đủ tiện nghi hơn bên Dân Y.
Long cầm cây bàn chải đánh răng vừa bước theo cô gái lạ vừa tự giới thiệu mình:
- Tôi tên Long mới bị phòng giáo dục và ủy ban huyện điều về đây hôm qua.
Cô gái cười tươi:
- Mấy chú hôm qua đã gởi gấm rồi. Em là Tuyết đang công tác ở ban Dân Y.

Ban Dân Y là  tên gọi lúc mới vừa "giải phóng" nó dùng để chỉ trạm y tế của xã thời VNCH. Không biết bây giờ họ có đổi tên gọi hay chưa.
Ban Dân Y của xã Đông Hưng gồm có 6 người tất cả. 
Vũ nguyên là giao liên kiêm du kích xã trước năm 1975 biết băng bó vết thương và có tài sửa tay chân bí té trật gân, trật khớp. Có vợ và đứa con trai 2 tuổi nhà ở trong kinh Bà Điền làm rẫy khóm. Lúc Long đến Đông Hưng thì Vũ được gọi là Y Sĩ, trưởng ban Dân Y xã.
Chị Được khoản trên dưới 30 tuổi, con bà ba Lượm nguyên là mụ vườn trước đây chuyên đở đẻ dùm cho dân chúng trong kinh Hản vậy cho nên chị được chân truyền nghề nghiệp của má mình. Lúc đó chị đang làm phó ban. 
Dữ nguyên là y tá trong quân đội thời VNCH nhưng nhờ có bà con xa với Tư Khá phó bí thư nên được nhận vào ban Dân Y rồi cho coi cửa hàng bán thuốc tây của xã. 
Còn lại 3 thiếu nữ "kách mệnh 30" Cô Tuyết, cô Hồng và cô Quý.
Cơ Sở ban Dân Y Xã Đông Hưng nguyên là nhà thương trước đây của quận Hiếu Lễ nên phòng ốc ngon lành. 
Long được sự gởi gấm tận tình của Năm Dồi cũng như ban thường vụ xã ủy cho nên được tất cả mọi người đối xử rất tốt nhất là Dữ.
Sáng hôm đó sau khi được Dữ dẫn ra chợ Thứ 11 ăn sáng uống cà phê xong thì Long được ủy ban xã cho dự cuộc họp nội bộ.

Đảng bộ Đông Hưng toàn là những nhân vật dốt đặt cán mai. 
Những người có trình độ kiến thức chút ít đều được rút về tỉnh, về huyện nhận nhiệm vụ quan trọng hết rồi, số ở lại toàn bộ chữ ký tên có người còn không ký nổi phải gạch dấu thập vào. Như ông Tư Khá phó bí thư. 
Cho nên quyền hành đã cướp từ chánh quyền VNCH hơn 8 tháng qua mà bộ máy hành chánh vẫn lăn đùn ra đó không hề chạy trơn tru như ở ngoài thành thị. 
Ban ngành nào thu nhận được vài cán bộ 30 là con cháu của "Ngụy Quân, Ngụy Quyền" thì còn lết lết theo sau được, ban ngành nào vẫn ngoan cố không chấp nhận dân Ngụy thì nằm ì ra đó. 
Nhưng mà người CS vốn nghi kỵ lẫn nhau, không tin tưởng nhau thì nói gì tới chuyện tin dùng người ngoài cho nên cách mạng 30 chỉ là tấm giẻ rách để cho họ đỡ đần lúc cần mà thôi. Nếu không có bà con thân tộc thì đừng hòng lọt vào mắt của họ... 
Riêng về ban thường vụ xã ủy thì Sáu Siêng có thằng con trai chắc khoản chừng 13 hay 14 tuổi gì đó. Hồi trước nó đã học hết lớp 3 của trường tiểu học Hiếu Lễ.
Năm nay trường không mở tiếp lớp bốn nên nó chưa đi học. Lâu lâu Sáu Siêng bắt nó vô ủy ban nhờ đọc và viết để y giải quyết đơn từ của dân chúng. Cho nên ở đó muốn xin bất cứ thứ gì cũng phải chờ ít nhất 3 ngày tới 1 tuần lễ...
Cuộc họp nội bộ hôm đó để triển khai chỉ thị của huyện ủy. 
Huyện ủy An Biên hay nói rõ hơn là ý của Năm Dồi muốn xã Đông Hưng phải là nơi dẫn đầu, tiên phong trong việc xây dựng nền giáo dục mới. 
Nhưng mà xã Đông Hưng vốn ở trong tận cùng của "hóc bà tó" toàn bộ cán mẹ, cán con ở đây đều dốt đặt nên họ không hề thấy rõ tầm quan trọng của việc học vì vậy mà họ không quan tâm, không sốt sắn lại chả hăng hái gì trong công tác nầy.
Bí thư nói, bí thư nghe. Thường vụ nói thường vụ nghe các ủy viên đảng bộ Đông Hưng vẫn ngồi tỉnh bơ vấn thuốc hút. 
Mãi cho tới khi Năm Dồi phân tích cái khó khăn của những người đang làm công tác lãnh đạo mà chẳng đọc được công văn giấy tờ, không ban hành được một chỉ thị nào cho cấp dưới bằng văn bản. Năm Dồi nhấn mạnh:
- Các đ/c có muốn con cháu chúng ta tiếp tục gặp phải cái khó khăn mà chúng ta đang trải qua không? 
Lúc đó thì họ mới thấu hiểu tầm quan trọng của sự việc...
Mười bốn địa điểm được chọn để xây trường, tất cả các ban ngành đều được khẩu lệnh giúp đỡ bằng mọi giá cho Long để anh hoàn thành chỉ tiêu được giao trong năm nay. 
Trước khi kết thúc Năm Dồi hỏi:
- Bên phía phòng giáo dục còn muốn bổ sung thêm gì nữa không?
Út Nhứt dễ gì chịu thua Y cũng nói tràng giang đại hải. Cũng khoe thành tích đã cất được 12 điểm trường ở xã Đông Yên trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tháng...
Cuối cùng rôi cũng tới phiên Long lên phát biểu.
Chàng chỉ yêu cầu xã ủy, các chú ở ấp và nhất là bên huyện giúp đỡ mọi phương tiện mà chánh quyền đang có.
Năm Dồi hỏi:
- Vậy cụ thể đ/c cần giúp gì thì sẵn đây cho biết luôn coi.
Với kinh nghiệm mấy tháng rồi trên Đông Yên Long xin:
- Tôi cần cây ván của bên kiểm lâm, cần một cái vỏ máy để di chuyển, cần sự hổ trợ bên thương nghiệp để mua vật tư, cần sự giúp đỡ cùa bên cửa hàng xăng dầu để có xăng mà chuyên chở vật liệu...
Năm Dồi ra chỉ thị riêng cho từng người một rồi cuối cùng hỏi Long:
- Hiện tại có 2 cái vỏ máy đ/c thích cái nào tôi cho cái đó...
Phái đoàn của huyện ra về Long còn lại một mình lẻ loi trong căn phòng trống rỗng của ủy ban xã với nhiệm vụ nặng nề sắp tới... 


(Xin mời xem tiếp kỳ 17)
Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét