Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 21

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Trời chưa sáng hẳn là anh chàng Ngự Bình đã thức giấc cuốn mùng ngồi  ôm gối chống càm trông vô cùng thảm não:
- Ngủ không được sao mà thức sớm dzậy chú em? Long hỏi.
- Tại em lo quá. 
- Có gì để lo đâu?
Ngự Bình rầu rỉ trả lời:
-Trường mình còn đông người chưa có lớp để dạy. Có khi nào em bị trả về địa phương mình lại không vậy? Hổm rày em bị dời đi 2 trường rồi mà chưa nơi nào có học trò cho em dạy hết. Lúc nầy chỗ em ở họ quần dữ lắm, thanh niên nam nữ không có làm trong các cơ quan nhà nước đều phải đi thanh niên xung phong. Không biết tại sao người ta đì tụi em dữ vậy? Hay là tại bọn em là gia đình Bắc Kỳ Công Giáo đã từng vượt vĩ tuyến xuôi Nam hết một lần rồi nên bây giờ họ đì lại cho bỏ ghét?
Bốn chữ Bắc Kỳ Công Giáo lần đầu tiên khi nhận GV mới Long đã nghe Út Nhứt dặn dò:
- Mấy đứa "Bắc Kỳ Công Giáo" mầy nhớ xé lẻ ra nghen, cho nó tập trung một chỗ coi chừng sanh chuyện sau nầy.
Nhưng ở Đông Yên mỗi điểm trường có 1 phòng học thì làm sao mà xé ra cho được. Người Nam kẻ Bắc 10 cặp gây nhau hết 8 cặp rồi thì làm sao mà ở chung được vì vậy lúc đó Long phân công từng cặp Nam Kỳ theo Nam Kỳ Bắc Kỳ theo Bắc Kỳ. 
Điểm trường Thứ 11 nầy đã có sẵn 5 người rồi, còn 2 nơi mới mỗi chỗ 2 phòng học thì cần 4 người một chỗ. 
Chàng còn chưa tính xem sẽ phân công ai đến đó để dạy. Khi nghe Bình than thì Long mới nhớ lại lời dặn của Út Nhứt cho nên anh bước qua vỗ vai Ngự Bình:
- Sửa soạn ra chợ ăn sáng uống cà phê đi. Hôm nay tôi sẽ phân công cho chú em mầy có chỗ để dạy, nhớ đừng bỏ lớp trốn về là được rồi. 
Ngự Bình ngạc nhiên hỏi lại:
- Anh nói thiệt hả còn cả chục người tới trước em thì sao?
Long cười lớn:
- Thì đi cất trường tìm học trò mà dạy chứ sao? Hay là chú em mầy muốn đi xây trường? Muốn dzậy cũng được không ai bắt buộc phải đi dạy liền đâu...
Ngự Bình dong xuống giường te te bước qua lu nước bên dân y để đánh răng rửa mặt, nó còn quay lại cười cầu tài:
- Cám ơn anh nghen cho em có lớp dạy liền là em yên lòng rồi. Em không ham về nhà đâu. Tốn tiền đò lắm...

Tay Nguyễn Hữu Đức tốt nghiệp SPVL khóa 10 nên Long muốn đề nghị cho anh ta làm hiệu phó nhưng anh ta từ chối:
- Anh để tôi dạy lớp cho yên cái thân nầy, tới lui giao thiệp với mấy cha nội đó tôi nhức xương lắm...
- Cũng được nhưng ông nhắm ở chung với em Bắc Kỳ nho nhỏ được không? 
Đức Ngạc nhiên hỏi lại:
- Con gái hả? 
Long ôm bụng cười:
- Cha nội ơi! Ông ham quá đi. Tại tôi thấy Ngự Bình vừa tên vừa dáng người hơi giống con gái nên nói vậy thôi.
- Vậy à! Tưởng gặp tiểu thơ Hà Nội chớ. Nhưng mà ở chung với ai chả được. Hồi ở nội trú tui cũng chung phòng với 2 đứa Bắc di cư 54 dzị...

Điểm trường thứ 10 bờ sáng được giao cho Đức và Bình họ lấy cái phòng học trống làm nhà tập thể để mà ở còn Cô Phấn và cô Phụng thì cho ở nhờ nhà học trò. 
Điểm bờ sáng Long giao cho Đực và Sơn, 2 anh chàng nầy đã ở đây trước rồi mà chưa có thu học sinh để dạy, hôm qua thu được hơn trăm em vừa lớp 1 vừa lớp 2 cho nên Long hỏi:
- Nếu tôi giao cho 2 ông các cô "Bắc Kỳ nho nhỏ" 2 ông có thể tìm nhà nào ngon ngon một chút gởi nhờ được không? 
Hai chàng mừng rở, hăng hái nói:
- Tưởng gì khó khăn, chuyện ăn ở thì dễ ẹt dân Vàm Sáng nầy giàu thấy bà, để tui hỏi thử nhà chú Năm Thôi. Ổng có 3 đứa con gái quá tuổi đi học, hôm trước còn mời tụi tôi lại nhà ở để dạy dùm nữa kìa. Nhưng mà anh tính phân công 2 cô nào dzậy? Hay là để tụi em lựa dùm cho...
Long lắc đầu hết ý kiến...

Hai điểm trường vừa khai giảng êm xuôi. Long đang nằm nghỉ chờ giờ qua dân y ăn cơm chiều thì Thắng bên công an qua tìm:
- Chú Năm muốn nói chuyện với anh kìa.
Long bật ngồi dậy hỏi lại:
- Năm nào vậy bồ tèo? 
- Thì ông bí thư huyện chứ ai. Ổng ta đang nói chuyện với Năm Cáo đó. Anh qua lẹ lẹ đi để ổng chờ lâu rồi cự nự tụi tui mất công.
Năm Dồi vừa nghe Long lên tiếng là ong ỏng cái miệng:
- Mầy làm được 2 cái trường rồi hả? Vậy ngày mai vô trong kinh Thứ Mười làm thêm một cái nữa đi.
Long la lên cho Năm Cáo và thằng Thắng nghe luôn:
- Ấp thứ 10 có một trường rồi thì mình phải đi ấp khác chứ. Nếu muốn cất thêm nữa thì chờ khi nào mỗi ấp có một cái hết rồi thì tôi sẽ trở lại đó vận động cất thêm nữa cũng được.
Năm Dồi la lớn thiếu điều muốn bể cái máy truyền tin:
- Kêu mầy vô làm thì cứ vô làm liền đi. Mấy ấp khác để sau cũng được có chết chóc ai đâu?
Long cũng muốn làm cho bên công an nể mình để sau nầy không sợ họ ăn hiếp nên cũng la lớn lại:
- Anh tưởng cất được một cái trường dễ lắm sao? Khúc ngoài bờ sáng người ta đem con vô học hết rồi, còn khúc trong ngọn kinh Thứ 10 chưa có tới 30 nóc gia chắc gom lại chừng 4, 5 chục đứa học trò là cùng, vậy thì góp được bao nhiêu tiền mới đủ cất trường? Hơn nữa tôi đã tới trạm kiểm lâm ở đó xem rồi, ở đó không có bắt được cây cối gì ráo trọi, cái đống cây mà họ đang có nhỏ bằng ngón tay chỉ có nước làm rui thôi chớ cột kèo, hay đòn tay thì còn khuya mới làm được.
Năm Dồi nghe vậy thì nhỏ giọng lại:
- Dù có khó khăn cách mấy mầy cũng vô đó cất dùm tao một phòng học đi, đó là yêu cầu của tao. Còn có trở ngại hay thiếu thốn cái gì thì hỏi nhờ ủy ban xã giúp. Tụi nó không giúp được thì lên đây tao giải quyết cho...

Bỏ cái máy truyền tin ra Long quay sang Năm Cáo hỏi:
- Tại sao anh Năm Dồi muốn cất trường trong ngọn kinh Thứ 10 dữ dội dzị anh có biết không?
Năm Cáo nghe Long nói chuyện tay đôi không kiêng nể gì với bí thư huyện thì nhìn chàng mỉm cười miếm chi cọp mà không nói gì trong khi thằng Thắng trả lời:
- Nhà của chú Năm ở trong đó anh không lo cất trường cho mấy người bà con của ổng mà lo ngoài bờ sáng không thôi. Dân bờ sáng đa số theo Ngụy mà...
Long cười cười trả lời:
- Tôi không muốn biết dân chúng theo ai mà chỉ biết chỗ nào dễ ăn thì cất trường trước cho có trường lớp với người ta vậy thôi...

Buổi sáng sau cái đêm có lương, các cô thầy giáo lên tinh thần nên đến trường sớm, mọi người cười nói vui vẻ.
Đô tìm ở đâu ra một cái vỏ đạn đại bác 105 ly bằng đồng sáng chói rồi cột cọng dây chì treo lên làm cây kiểng khỏ "beng-beng" cho học sinh xếp hàng vào lớp.
Năm người có lớp sẵn thì mạnh ai nấy đến lớp mình để dạy còn lại cô Hoa, cô Bắc Kỳ nhỏ con nhất tên Kim Thư hai thầy giáo khóa 1 là Bằng và Thân thì tụ tập kẻ đứng người ngồi trong văn phòng chờ Long.
Sau khi Đức từ chối không muốn làm hiệu phó thì Long nghĩ ngay đến Hoàng. Nếu chọn Hoàng mà có đi đây đi đó nhờ anh ta phụ chạy máy cũng đỡ vả cho nên anh đã hỏi ý Hoàng. 
Khác với Đức khi nghe Long đề nghị Hoàng mừng rân nên sáng nay vừa tới trường là đã nộp danh sách học sinh lớp mình trước nhất.
Long căn dặn mọi người thông báo cho phụ huynh học sinh mỗi em phải góp 1 đồng tiền niên liễm cho đồng đều với các học sinh điểm khác.
Sau đó mọi người phụ nhau phân phối tập vở cho chúng.
Long cho Kim Thư theo Hoàng hôm nay để làm quen với học sinh của Hoàng còn các cô thầy chưa có lớp thì theo Long xuống vỏ máy đi kinh Thứ 10 để xây trường theo yêu cầu của Năm Dồi...

Kinh Thứ 10 bề ngang khá hẹp, hai bên cây lá cũng nhiều nhà cửa hơi thưa hơn bờ sáng, từ đầu kinh chạy tới căn nhà sau cùng giáp ranh với rừng tràm, dễ chừng phải hơn 5, 6 cây số chứ hổng phải chơi. 
Có lẻ Năm Dồi nghĩ đúng. Trong nầy không cất thêm 1 điểm trường nữa thì tụi nhỏ chỉ có nước chịu dốt thôi chứ không có cách nào lội bộ hằng ngày nổi vì đường xá cầu kỳ không ai bắt cho nó liền hết.
Long đến nhà anh Sáu Thông người mà Năm Dồi giới thiệu để liên lạc nhờ cất trường. Sáu Thông nói:
- Dân ở đây thấy ngoài bờ sáng đã khai giảng, học chò có chường học thì họ cũng nôn lắm. Mấy thầy cô tới đây chắc là họ mừng và mang ơn vậy để tôi biểu xấp nhỏ đi mời bà con chiều nay tới họp gồi mình bàn tính coi phải làm sao để cất được chường lẹ lẹ cho bằng người ta. Chưa nay 4 người ở nhà tui ăn bữa cơm làm quen nghen. 
Thấy Sáu Thông cũng thân thiện Long hơi bớt lo nên kể sơ về kinh nghiệm cất trường mấy tháng nay cho anh ta nghe. 
Sáu Thông góp ý:
- Ở chỗ mình đây lá không có nhiều, dưới bến mỗi nhà có vài bụi thôi không ai để ý tới đâu chắc là phải hùn tiền lại mua gồi. Cây ván thì cũng không khó mấy. Ở đây có thể nhờ anh Mười chại cưa xẻ mấy cái gốc chàm ga làm ván đống bàn cũng tạm xài được, chỉ căn nhứt là cột, kèo đòn tay là phải vô gừng tìm. 
Tụi kiểm lâm bi giờ khó lắm, chạm của xã mình thì quen biết hổng sao nếu gặp đám cán bộ huyện nó sẽ tịch thu hết. Thầy giáo làm cách nào xin được cái giấy của huyện ủy để tụi tui vô gừng đốn chàm là mọi việc được giải quyết êm đẹp.
Long mừng thầm trong bụng nhưng cũng chỉ dám trả lời nước đôi:
- Vậy họp xong chiều nay ngày mai tôi sẽ trở về huyện xin dùm cái giấy đó cho. Nhưng mà ai quởn chịu khó đi vô rừng đốn cây dùm đây?
Sáu Thông cười khoái trá:
- Thì 2 cha con tui nè chớ ai vô đây...

Buổi họp lúc chiều cũng sôi nổi, không ai quan tâm tới việc góp $1 hay $2 cũng không ai thèm xung phong đi mua lá mà người ta dành nhau vô rừng đốn cây cất trường làm Long thắc mắc vô cùng nhưng không biết hỏi ai.
Bàn qua cải lại đã đời rồi cũng đưa tới quyết định:
- Mỗi đầu học sinh góp $2. Các thầy cô giáo phụ trách đi mua lá đinh giây chì...
- Long về huyện xin hổ trợ thêm tiền mặt nếu được, nhưng cần nhất là tấm bùa của huyện ủy để ếm mấy tên kiểm lâm. 
Bốn gia đình luân phiên nhau vào rừng để đốn cột, kèo, đòn tay, mầm...người tìm những góc cây tràm lớn đem về xẻ ván...
Long trở về huyện với cô Hoa vừa đến tìm Năm Dồi vừa chở gạo của anh chị em GV gởi hôm trước.
Khác với mấy lần trước khi nhờ giúp đỡ về tiền bạc Long đều bị Năm Dồi từ chối thẳng thừng. Còn hôm nay thì y bảo:
- Mầy chờ đó một chút để tao kêu phòng tài vụ du di cho mầy một ít còn được bao nhiêu tiền thì tao chưa biết. 
Cái giấy đốn cây chong gừng thì mầy qua cái bàn máy đó đánh đi cho lẹ, tao chở về sẽ ký tên cho mầy...

Điểm trường trong kinh thứ 10 hoàn thành mau lẹ đến độ chính Long cũng không ngờ được nhưng nó cũng làm cho nổi thắc mắc trong lòng anh càng lúc càng gia tăng không biết sao mà người ta tranh nhau để vào rừng đốn cây cất trường, rồi tới bên Thứ 10 biển, kinh Bà Điền, Kinh Hản cũng vậy làm cho Long rất muốn tìm hiểu xem nguyên do từ đâu ra. 
Mãi đến khi chú Mười trại cưa đến rủ Long đi nhậu thì anh mới biết được nguyên nhân sâu xa bên trong...

(Mời quý vị xem tiếp kỳ 22)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét