Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Người Già Trên Xứ Mỹ

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Trăng bao nhiêu tuổi trăng già? 
Người bao nhiêu tuổi gọi là cao niên?
Nền văn hóa Tây Đông khác nhau rất xa. Người Phương Đông thích làm lớn để người ta tôn trọng mình, vào bàn tiệc được ăn trên ngồi trước vì thế mà khi mới quen nhau người ta đã vội hỏi:
- Chị bao nhiêu tuổi rồi vậy? Hay là anh sanh năm nào? Anh tuổi con gì? V..V.. 
Người Mỹ luôn luôn muốn mình trẻ mãi không già, nhất là phái nữ cho nên họ rất kị hỏi về tuổi tác. 
Vậy thì làm sao mà biết được lúc nào họ bị coi là già đây? 
Thôi thì tính đại cái tuổi về vườn đuổi gà cho vợ. Lấy cái móc thời gian đó để gọi những người chạm vào cánh cửa màu xám xịt kia là già đi nghen.

Ngày xưa nhưng không lâu lắm ở Mỹ 65 tuổi là bị vợ réo về nhà rửa chén, đuổi gà rồi. Còn người nào quá thương vợ mới tròn 62 tuổi đã vội từ bỏ cuộc chơi để về nhà phụng dưởng cho chị nhà, nhưng lúc sau nầy quỹ an sinh xã hội bị bội chi, thâm thủng nên người ta phải nâng tuổi về hưu lên tới 66 - 67 tuổi tùy theo năm sanh. Còn những người thương vợ muốn về hưu sớm để ở nhà mà lo cho vợ mình thì vẫn được ưu đải ở cái tuổi 62 không thay đổi. 
Đó là luật của liên bang. Còn mỗi thành phố, mỗi hãng xưởng, mỗi cơ quan từ thiện đều có cách giúp đỡ người cao tuổi riêng của họ, không nơi nào giống nơi nào, không hãng nào giống hãng nào hết. 
Có hãng cho 59 tuổi rưởi là được hưởng tiền Pension, còn police hay lính cứu hỏa nghe đâu 55 tuổi là có thể lãnh tiền hưu trí rồi.
Có nhà hàng 60 tuổi thì kể là già cho hưởng giá disscount bớt 10-15%. Có chỗ thì tính tới 65 tuổi mới được bớt. Có những cửa hàng 55 tuổi thì họ kể là già có nơi thì phải đợi đúng 65 mới được bớt...

Đó là chuyện của người Mỹ, còn người Việt Nam mình từ thời xa xưa đã dạy rằng:
Tích cốc phòng cơ 
Dưỡng nhi đãi lão. 
Nuôi con thuở nhỏ hy vọng về già nó nuôi lại mình.
Nhưng đâu có ai ngờ năm 1975 "bóng đèn nhà bị đứt" nên tất cả vội vả xuống thuyền bỏ nước trốn đi, lưu lạc xứ người cho nên mọi chuyện bị lộn tùng phèo ráo trọi.

Chạy qua ở ké nhà người ta mình phải chịu theo quan niệm sống của họ thì mới có thể dựa hơi mà xem như là người Mỹ được chứ. Người Mỹ họ quan niệm sống như thế nầy nè:
Khi mình ham vui mà lỡ tạo ra những đứa con thì bổn phận làm cha mẹ phải nuôi dạy chúng cho tới tuổi trưởng thành đến khi nào chúng đủ sức tự lập một mình thì coi như xong bổn phận, còn cái vụ "đãi lão" thì hầu như không ai nghĩ tới. Vì vậy mà từ nhiều năm trước họ mới lập ra cái quỹ An Sinh Xã Hội (ASXH). 
Khi họ còn trẻ thì họ đi làm rồi cùng nhau đóng tiền vào cái quỹ nầy để đến khi già, không còn làm nổi nữa thì họ lảnh tiền trong đó ra mà sống.

Lúc tui mới sang xứ nầy đi làm, tiền thuế ASXH ít lắm. Công nhân chỉ góp có 5.50% thuế ASXH trên tổng số tiền thu nhập và chủ nhân sẽ góp thế 5.50% phần còn lại, mà mức thu nhập tối đa phải chịu thuế lúc đó chỉ có $29700 cho một năm. Có nghĩa là nếu chúng ta đi làm trong năm mà lương cao hơn $29700 thì cũng chỉ đóng có 5.50 % trên cái mức tối đa của $29700, tính ra là $1760 tiền thuế ASXH mà thôi, số tiền làm nhiều hơn không phải trả thuế ASXH. 
Còn bây giờ để bù đấp cho sự chi xài quá lố. Thuế ASXH hội tăng đến 7.60% và mức tối đa chịu thuế cũng bò lên tới $118.500. 
Như vậy nếu là một chủ tiệm Nail có thu nhập  $118.500 một năm sẽ bị bắt buộc nộp $14.694 thuế, còn đi làm cho các hãng xưởng thì chỉ đóng $7347 thôi, số $7347 còn lại sẽ do chủ nhân trả thế cho mình. 
Đó là chỉ tính riêng một thứ thuế ASXH thôi đó nghen ngoài ra còn rất nhiều loại thuế khác mà người đi làm phải trả ví dụ như thuế: liên bang, thuế tiểu bang, thuế mất sức lao động, thuế bảo hiểm sức khỏe, thuế thất nghiệp, thuế mua bán, thuế bất động sản...
Tiền đóng thuế thì tăng cao theo cấp số nhân mà tiền lãnh ra lúc về hưu chỉ tăng theo cấp số cộng là cũng bởi năm 1972 ông tổng thống Nixon ký sắc luật Supplemental Security Income gọi tắt là SSI lấy tiền trong quỷ ASXH để trợ cấp cho người tàn phế công lực, người già trên 65 tuổi không đi làm hoặc làm chưa đủ 40 tín chỉ, chứ từ trước đến giờ làm gì có chuyện thâm thủng cái quỹ mà người ta đi làm đóng vào hơn 40 năm sau mới rút ra. 

Đó là đại khái một vài điểm về người Mỹ, lúc về già họ lãnh tiền hưu trí. Còn người Việt Nam ở Mỹ thì sao đây???
Tui không biết người ta chia người Việt định cư ở Mỹ ra làm bao nhiêu thành phần nhưng theo tôi thì đại khái có thể chia ra làm 2 phe. 
Phe lội biển và phe ngồi máy bay.

Cuộc vượt thoát bằng thuyền mà người Mỹ thương tặng cho cái tên ngộ ngộ đó là Boat People.
Sau ngày 30 tháng tư 1975 dài cho đến ngày cái trại tị nạn sau cùng bị đóng cửa. Không có một tài liệu nào ghi lại chính xác có bao nhiêu người xuống tàu bỏ nước ra đi và có bao nhiêu phần trăm trong đó đến được bến bờ tự do.
Những thanh niên đi trong đợt đầu nầy bây giờ đã trở thành các cụ ông, cụ bà ráo trọi rồi. Vậy thì cuộc sống của họ ra sao. Mời các bạn nhìn lại qua lăng kính màu xám của tui thử chơi nghen...
Những người lội biển tới Mỹ được người Mỹ kể là dân tị nạn CS. Có một đạo luật giúp người tị nạn do chánh phủ Mỹ ký ban hành hẳn hoi.. 
Tui không nhớ rành về mấy cái vụ nầy cho lắm chỉ biết từng tiểu bang thực hiện, giúp đỡ người tị nạn khác nhau xa. 
Có nơi giúp nhiều có nơi giúp ít xịu. 
Rồi tùy theo ngân sách của thành phố nữa. Thành phố nào giàu thì họ còn cho thêm nhiều quyền lợi. Còn nghèo thì hổng có gì hết.
Ví vụ tại thành phố San Francisco. Nếu là người lớn trên 18 tuổi dù lập gia đình hay chưa mà không có con nhỏ thì được hưởng trợ cấp 24 tháng. Trong thời gian đó họ bắt buộc phải đi học Anh văn để có thể hội nhập vào cuộc sống mới. Về sau người tị nạn càng ngày càng đông chánh quyền rút xuống còn 18 tháng rồi 12 tháng. Sau đó thì như thế nào tui không còn lưu ý tới nữa. 
Còn những người có con nhỏ thì được hưởng trợ cấp welfare cả 2 vợ chồng được ăn theo cho đến khi đứa bé đủ 18 tuổi. 
Sau nầy nghe nói chỉ còn những đứa trẻ lãnh được tiền welfare mà thôi, cha mẹ chúng thì không cho ăn ké nữa. 
Vì chánh quyền dễ dãi quá cho nên nhiều người Việt lúc đó lấy đẻ làm vui. Đẻ để được tiền ngu sao mà không đẻ. Thế cho nên người già của thời lội biển cũng được phân ra làm 2 tốp. Tốp đi làm và tốp ở nhà sản xuất con nít.
Ờ..Ờ cái vụ nầy cũng xin nói trước, quý vị nào cảm thấy có chút không thoải mái thì xin đừng xem tiếp. Tui chỉ ghi lại để mua vui vài ba phút thôi không có ý chỉ trích hay kỳ thị gì cả à nghen.
Tốp người chưa từng đi làm ngày nào hay chỉ đi làm lấy tiền mặt rồi mướn tủ bảo hiểm ở ngân hàng họ cất tiền trong đó lâu lâu đi vô móc ra đếm lại làm niềm vui. Tuy là họ giàu có vô cùng vì họ vừa được lãnh trợ cấp vừa đi làm chui lại không tốn 1 xu tiền thuế nào hết nhưng họ lại được chánh quyền Mỹ xếp vào diện nghèo. 

Anh nghèo nên được "Hao Xinh"(housing)
Ở nhà rộng rải ôi tình làm sao 
Anh đây hổng trả  xu nào (Chỉ trả phụ từ 15%-20% giá mướn mà thôi)
Nhà hai phòng ngủ phòng nào cũng xinh (Vì họ khai 2 vợ chồng ngủ riêng nên được trợ cấp loại nhà 2 phòng ngủ)

Những người nghèo được trợ cấp Housing, đến lúc trên 65 tuổi thì được trợ cấp SSI tiền mặt mỗi người lãnh trên $650 do liên bang cấp cộng thêm từng tiểu bang cấp thêm ít hay nhiều. 
Dân CA-LI mỗi người xỉu xỉu cũng được khoảng $900 tháng. Họ còn được cấp medicare và cả medical của tiểu bang California nữa thiệt là đã quá trời quá đất đi thôi. 
Người Việt gọi nôm na những người như thế là "thẻ đỏ thẻ trắng có đủ tiền bạc phủ phê". 
Nếu bị bịnh thì được bác sĩ chửa trị khỏi tốn xu nào, vô nhà thương hay viện dưỡng lão cũng 100% free, bị xịt cà que còn được chánh phủ cho người đến tận nhà chăm sóc sức khoẻ nấu ăn giặt giũ giúp đỡ mọi chuyện lặt vặt trong nhà... 
Vậy mà có nhiều cha không biết một tí gì về hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già ở Mỹ đã vội nói Úc, Canada hay các nước bắc Âu tốt hơn Mỹ nhiều. 
Tốt hơn sao Nguyễn Cao Kỳ Duyên trước ngày bầu cử tuyên bố. "Nếu Trump thắng cô ấy sẽ dọn qua ở chung với ông Thầy vậy mà Trump nhậm chức cũng lâu rồi ông Thầy thiếu phụ tá nấu cơm mà chờ hoài có thấy mặt cô ta đâu." Đúng là xứ tự do muốn tuyên bố cái gì cũng được. 
Cái đó chỉ mới nói về phần trợ giúp của chánh phủ thôi nghen. 
Còn các cơ xưởng, hệ thống siêu thị, hệ thống giao thông như xe bus, xe Bart, máy bay, tiệm cắt tóc.. v..v.. đâu đâu cũng có chương trình giảm giá giúp cho người cao niên. Nghe không cũng thấy mê rồi.

Tốp người đi làm. Trời ơi! Nhắc tới tui tủi thân lắm. 

Đúng là dở dở ương ương 
Nghèo không được kể nên thường khổ thân
Bốn phương tám hướng nợ nần
Cái gì cũng phải lần lần mà mua.
Thiệt là rớ phải cóc chua.
Bỏ đi thì uổng cắn bừa ê răng.

Người đi làm lãnh tiền hưu trí được gọi là Social Security Administration  (SSA) lãnh nhiều hay ít tùy theo làm lâu hay mau có liên tục hay bị gián đoạn lương cao hay lương thấp. Nói chung nó có rất nhiều yếu tố tùy thuộc để người ta tính ra số tiền mình được lãnh hằng tháng.
Đại khái có thể nói như thế nầy:
Một người làm lương cao nhiều năm liên tục thì được lãnh nhiều hơn người làm ít năm mà lương lại thấp. 

Ngoài tiền hưu trí do sở ASXH cấp, người đi làm còn có tiền hưu trí do hãng xưởng của mình thiết lập như: Pension, 401K, IRA , SEP... mấy thứ nầy rất phức tạp không có hãng nào giống hãng nào cả. 
Hên xui là lúc mới vào làm, gặp hãng tốt thì có tiền dưỡng già nhiều, xui xui gặp hãng nhỏ xíu èo uột thì về già hút gió hổng kêu. 
Lãnh được nhiều ít khó biết lắm. 
Nhưng mà có gì để bận tâm đâu. 
Có nhiều xài nhiều có ít xài ít, về già mà lãnh nhiều tiền thì phải trả thêm tiền bảo hiểm sức khoẻ mua thêm bảo hiểm dài hạn để phòng khi bị sụm bà chè thì vô viện dưỡng lão nằm gãi ghẻ khỏi phải trả thêm tiền, khỏi bị chánh phủ lấy nhà trừ tiền bịnh... 
Còn như lãnh ít thì tất cả đều Free khỏi trả bù thêm cho chánh phủ cắc nào hết. Còn ít nữa thì chuyển qua xin SSI xem như chưa đi làm qua ngày nào thế thôi...

Ít nhiều cũng sống như nhau
Trước sau gì cũng đi vào nghĩa trang 
Còn tiền thì tới nhà quàn 
Xe đưa, xe rước họ hàng viếng thăm 
Không tiền thì cũng được nằm 
Được đem thiêu xác xuống tầm thủy cung 
Biển xanh cảnh đẹp não nùng 
Dung dăng, dung dẻ vui cùng cá tiên...

Chắc các bạn đang thắc mắc vì cái chuyện nghịch lý ở đời. Cái xứ nầy nó cà chớn gió chịu không nổi. Không có tiền trong ngân hàng (mặc dù họ có cả triệu tiền mặt trong tủ bảo hiểm) thì nó vẫn kể là nghèo được lãnh tiền SSI được cấp thẻ y tế xài free. Còn đi làm lãnh tiền SSA thì chỉ được cấp thẻ đỏ được  gọi là medicare nó chỉ cover có 80% mà thôi, cho nên cần phải mua thêm bảo hiểm để cho nó cover 20% còn lại nếu không mua mà lỡ vô nhà thương vì thận hư, hay tim lủng nó tính chừng 1 triệu đồng mình trả 20% thì chỉ có nước bán nhà rồi khóc tiếng Maroc chứ không có cách gì trả nổi tiền viện phí.

Phe ngồi máy bay.
Người Việt đi máy bay qua Mỹ rất đông có lẽ đã vượt xa số người lội biển rồi. 
Trong nhóm người nầy có vô số thành phần nếu nói tới có khi lại đụng chạm mất vui. 
Tôi chỉ ghi lại đại khái để các bạn bên nhà có chút khái niệm về cái đống cát rời mà người trong nước gọi là Việt Kiều còn chính quyền CS thì gọi là khúc ruột xa nghìn dặm hay "vịt kìu".

Phe ngồi máy bay sang Mỹ có rất nhiều thành phần khác biệt nhau:
1- Các cựu tù cải tạo mà người ta cho cái tên gọi đẹp đẻ là HO. (HO là 2 chữ đầu của Humanitarian Operation) Chương trình nầy có sau chương trình ra đi có trật tự nhưng tui lại muốn ưu tiên kể trước. Vì có lẽ là thành phần khổ nhất. Thành phần đúng lý ra phải được quan tâm nhứt nhưng mà chánh phủ Mỹ lại bỏ quên cho nên họ mới còn khổ dài dài:
Khổ vì tuổi đời đã bị vùi chôn quá lâu ở các trại tù, khi sang đến Mỹ trẻ nhất cũng bước sang tứ hoặc ngũ tuần rồi. 
Sau nhiều năm bị giam cầm sức khoẻ rất kém, trí nhớ bị mai một. 
Ngân sách của chánh phủ Mỹ đang eo hẹp không giúp ích đầy đủ như những Boat People. Thường họ là những sĩ quan cao cấp vẫn còn tiếc nuối quá khứ vàng son nên có rất ít người dám chấp nhận sự thật phủ phàng để mà hội nhập vào cuộc sống mới...
Đa số thành phần nầy chỉ làm những công việc lao động bình thường ít có người tiếp tục trở lại học đường.
Vì vậy tiền SSA nếu đủ tiêu chuẩn cũng không cao lắm đúng là cái khổ vẫn còn mang theo dai dẳng đến cuối đời mà...
Nhưng bù lại các người trẻ con của các HO có lẽ là tốp người khá thành công trên mọi lảnh vực.

2- Các người đi theo diện đoàn tụ gia đình.
Người Mỹ gọi là O.D.P (Orderly Departure Program) Người Việt gọi là ra đi có trật tự. 
Những năm đầu tuy là luật di trú bắt buộc người bảo trợ phải lo chu toàn về mọi mặt cho những người mới đến nhưng mà đâu có ai thực hành theo lời cam kết. Khi họ đến Hoa kỳ thì người nầy thấy người kia nhận được tiền trợ cấp thì họ quên đi lời hứa khi sang Hoa Kỳ trong những năm đầu chưa vào quốc tịch thì không được xin tiền của người đóng thuế mà gia đình phải tự túc để sinh sống. 
Đa số luật lệ ở Mỹ lúc mới ban hành đều có kẻ hở mà người Việt Nam vì sống quen với CS nên rất rành về chuyện chun qua kẻ hở của pháp luật mà hể người nầy chui lọt thì thường rủ theo kẻ khác chui theo.
Lúc mới đầu nhiều người bảo trợ bị thất nghiệp không phương tiện giúp đỡ nên những người mới tới kéo nhau đến sở welfare xin trợ cấp họ chỉ cần khai bị người bảo trợ bỏ rơi là được cấp tiền, cấp thẻ y tế. 
Về sau sở di trú bắt buộc người bảo trợ phải có 1 số tiền quy định trong ngân hàng thì họ mới xét đơn nhập cư ...
Càng về sau các lổ hổng của luật bảo lãnh đều bị trám kỹ lại. Cho nên những người đi theo diện ODP sau nầy đều phải đi làm cho tới khi có quốc tịch mới xin được các quyền lợi...
Nhưng cái khổ nhất của những người ODP là lúc sang đây mà tuổi đã xế chiều tức là trên 6 bó tiếng Anh rất hạn chế mà cho dù có nói lưu loát đi chăng nữa với cái tuổi gần đất xa trời lại không có 1 chút kinh nghiệm nào thì thiệt khó tìm cho mình một việc làm dù là lao động chân tay. 
Các cụ ông cụ bà nầy lúc mới qua sống co cụm trông chờ vào con cái. Hằng ngày chỉ làm vui với phim bộ Hồng Kong, Hàn Quốc sau nầy có nhiều đài Việt Ngữ họ có thêm chút niềm vui. 
Mỗi tuần lễ chỉ chờ đến cuối tuần con cháu nghỉ làm sẽ chở đi đây đi đó. Nhưng mà tụi nhỏ cũng đã mỏi mệt với việc làm của mình rồi đâu còn sức mà lo lắng cho các cụ cho nên tôi vẫn thường ví những người già qua Mỹ như đi ở tù lỏng vì không thể ra khỏi nhà một mình được. 
Sau nầy cộng đồng Việt Nam phát triển mạnh. Hầu hết các thành phố đông dân Việt họ đều lập ra khu Little Sài Gòn, người Việt đổ dồn về đó sinh sống để cho cha mẹ mình có nơi giải trí.

3- Cha mẹ của các du học sinh. 
Khởi đầu từ năm 1992 Việt Nam và Mỹ thiết lập chương trình trao đổi du học sinh. Những năm về sau thì số lượng du học sinh (DHS) đến Hoa Kỳ càng ngày càng  tăng dần cho đến năm 2016 thì Việt Nam đã vượt lên quá con số 21 ngàn sinh viên và đứng hàng thứ 6 về số lượng DHS ở Mỹ. 
Khỏi nói thì quý vị cũng biết những năm đầu số DHS đến được Hoa kỳ nếu họ không là các đảng viên CS trẻ thì cũng là con cháu của các cán bộ gộc mới được xét cho xuất ngoại, nhưng sau 25 năm thì có đủ các thành phần được đi du học nếu họ có tiền để trang trải phí tổn. 
Tôi xin miễn nói qua về chánh trị trong đó vì nó có nhiều vấn đề tế nhị và tùy nhận xét của từng người. Trong phạm vi bài nầy tôi chỉ xin nói về cuộc sống của người già mà thôi. 
Nếu tính tuổi của các DHS thì họ còn quá trẻ nhưng cha mẹ các em thì không trẻ. Đa số các DHS khi sang Mỹ ngoài việc học thì các em còn một việc chính nữa là tìm người có quốc tịch để lập gia đình và bảo lảnh lại cha mẹ anh chị em của mình.
Những người già nầy giàu có vô cùng vàng bạc đô la được chuyển qua từ từ cho con cái của họ để chúng mua nhà mua biệt thự còn họ thì sau khi vào Mỹ và có quốc tịch rồi thì được hưởng mọi quyền lợi của người nghèo. 
Đúng là ông trời có mắt mà mắt ổng bị mờ nên thấy không rõ để lọt lưới quá nhiều...
Số người nầy thực sự là bao nhiêu thì chưa có 1 thống kê nào cả. Nhưng tui thấy tại San Francisco không phải là ích. Trong đó có khá nhiều đảng viên cs từ bỏ cái đảng thổ tả kia để sống âm thầm làm một chuẩn công dân Hoa Kỳ. 
Còn họ có tham gia tuyên truyền trở lại cho chế độ bên nhà hay không thì chỉ có Google biết mà thôi còn cư dân mạng có lẽ cũng bó tay chấm cơm.

Người già trên đất Mỹ mỗi thành phần đều có cách sống riêng của họ. 
Có người xem Mỹ như thiên đàng hạ giới, có người xem đó là một nơi như mọi nơi, có người xem như là ngôi khám đường nhung lụa....
Xem như thế nào là tùy mình ai có thắc mắc thì cứ di cư đến Mỹ sống thử thì rõ. 
Trăm nghe không bằng mắt thấy mà thấy dzậy có khi cũng không phải là dzậy nữa kìa, cứ xem như đây là một câu chuyện tiếu lâm đọc rồi cười chơi suy nghĩ làm gì cho mệt hổng biết nữa... 

Lanh Nguyễn



3 nhận xét:

  1. Tuổi Về vườn

    Trăng bao nhiêu tuổi mới gọi trăng già
    Cô em mười sáu, em đà tròn trăng
    Tám mươi đẹp lão, mà lại còn hăng
    Sáu mươi phải chăng? Ham vui lần cuối?

    Năm mươi tuổi, đã bắt đầu thấy đuối
    Cố cày thêm phút cuối có tiền già
    Nếu Trời thương vẫn còn được hai ta
    Cùng du lịch khắp ta bà thế giới

    Không còn khỏe ta ở nhà vung xới
    Đây bụi hồng kia giàn bí với mồng tơi
    Đây hồ sen chen bầy cá đang bơi
    Sống thảnh thơi với bạn đời là chính

    Già hay trẻ! Kệ miễn đừng có bịnh
    Thân khỏe dư tiền tâm tịnh thảnh thơi
    Bạn bè thân thương, rổi rãnh ghé chơi
    Con cháu nhớ thì đôi lời thăm hỏi

    Về vườn ơi, thiệt mê tơi
    Tui chỉ thầm mong cuối đời được vậy
    Ca Nước Đá

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Lúc còn trẻ đâu có ai nhìn thấy
    Khi về già đầy rẩy chuyện buồn vui
    Trong căn nhà, chỉ đi tới đi lui
    Buồn thui thủi hai con khỉ {già} chí chóe

    Trả lờiXóa