Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Gom Nhặt Lá Hoa - Kỳ 2 (Cuối)

Bút ký của Thanh Hà Switzerland


Thanh Hà, đường phố Doha, Qatar
Tái Ông Thất Mã
Câu chuyện mất ngựa này hẳn ai cũng đều biết. Đại khái là xưa ở làng quê kia có một ông lão bị mất con ngựa mà ông rất yêu thương. Mọi người tỏ ý tiếc cho ông, nhưng ông bình thản nói: 
—Biết đâu đó lại là một việc may. 
Thời gian sau, con ngựa lạc quay về dẫn theo con ngựa quí khác, người làng đến chúc mừng thì ông lại nói: 
—Biết đâu đó lại là một tai hoạ. 
Quả đúng như ông nghĩ, vì người con trai của ông rất thích cưỡi con ngựa quí này, một hôm con ngựa hất té làm con ông gãy què chân. Người làng đến chia buồn thì ông nói: 
—Biết đâu đó lại là điều may.
Ai cũng cho là ông lão ngông. 
Thế rồi quốc gia có giặc xâm lấn, mọi thanh niên khoẻ mạnh trong làng phải tòng quân ra trận. Cứ mười người ra đi chỉ còn một trở về . Riêng con ông vì tàn tật nên không phải ra trận mà thoát chết.
Cho hay bàn về hoạ phúc rất khó nói, trong hoạ có phúc trong phúc có hoạ. Cùng một sự việc, một biến cố... hôm nay nó là cái hoạ nhưng về sau lại biến thành cái phúc. Hôm nay mình cho đó là vận xui thì ngày sau nó lại chuyển thành cái may. Và ngược lại.

Như câu chuyện đi máy bay của tôi ấy !
Khác với chuyến bay hơn chục năm về trước (mà tôi đã kể trong Chuyến Bay Nhớ Đời), lần nầy cũng xảy ra vài trục trặc, như lúc check-in phải bỏ lại hơn 5 ký chocolate Lindle, Cailler, Frey… đủ loại vì vượt số ký cho phép. Cậu nhân viên đang làm công việc dọn vệ sinh ở phi trường được tôi tặng chocolate —bất như ý—này hẳn phải vui lắm vì tự nhiên được quà bất ngờ . Nhưng ngược lại gia đình tôi khi nghe kể thì tiếc quá là tiếc vì chocolate Thuỵ Sĩ nổi tiếng ngon mà. Có điều còn vớt vát được vài ký tôi cất theo hành lý ký gởi. 

•Bình luận: Cùng một sự việc nhưng không phải ai cũng cùng tâm trạng giống nhau . Nỗi bất hạnh của người này lại là niềm vui của kẻ khác.

•Kết luận: “Nỗi bất hạnh” của tôi —lạm dụng ngôn từ hơi quá đáng, hic hic...—biến thành niềm vui của cậu nhân viên phi trường được tôi chọn ngẫu nhiên để tặng trong số vài đồng nghiệp cùng hiện diện bên cạnh cậu.

Lần nầy tôi chọn hãng hàng không Qatar cất cánh từ phi trường Zurich vì hai điểm: số hành lý được mang và khoảng cách ngừng giữa hai lần đổi phi cơ. Bất cứ hãng HK nào có đường bay khứ hồi Thuỵ Sĩ - Việt Nam đều phải quá cảnh qua quốc gia gốc của họ để đổi sang chiếc phi cơ khác và để thả hành khách xuống , thêm hành khách lên trước khi đến VN . Chẳng hạn hãng HK Đức Lufthansa thì ghé về Francfurt đón khách trước khi bay sang VN. HK Pháp Air France ghé Charles-de-Gaulle, Paris – Việt Nam. HK Singapore ghé Singapore, KH Malaysia ghé Kualar Lumpur, vv..vv.. 

Đi hãng Qatar mỗi người được mang 30-35 ký hành lý gởi và 7 ký xách  tay trong khi các hãng HK kia chỉ cho từ 20-23 ký hành lý, mà trọng lượng valise thì nặng từ 4-5 ký rồi nên lần nào tôi cũng phải cân đi đếm lại số đồ đạc, suy tính sao để vừa mang đủ quà cho mọi người vừa mang đủ quần áo để mặc, thật là đau đầu nhức óc. Valise thì soạn từ cả tháng trước, thỉnh thoảng sực nhớ là cần phải cầm theo cái này cái nọ lại chất thêm vào. Rồi lại bỏ cái khác ra. Cứ bỏ ra thêm vào…như vậy cho đến ngày chót mới chịu đóng valise mà không soạn tới soạn lui. 

Từ Thuỵ Sĩ đi Việt Nam khoảng 12 giờ bay cộng thêm thời gian quá cảnh và múi giờ + 6 thì luôn kéo dài qua hôm sau và ngược lại. Ngồi im trên ghế cả chục tiếng đồng hồ máu lưu thông không được rất nguy hiểm có thể bị nhồi máu cơ tim hay tai biến là chết không nhắm mắt vì chưa gặp thân nhân mà quà cáp chưa phân phối tới tay người nhận tiếc của lắm lắm !!!

Nếu đi hãng Qatar thì hành trình chia hai phần đều nhau: từ Zurich đến Doha (thủ đô Qatar) khoảng 6 tiếng, chuyển qua phi cơ khác bay về VN khoảng 6 tiếng nữa. Cơ thể không phải bất động quá lâu nên bớt lo bị chết bất tử (tôi vẫn còn yêu đời mà).

Thú thật lần đầu tôi chọn hãng nầy cách đây hơn mười mấy năm trước, sau khi bị một vố nhớ đời với Vietnam Airline & Air France và các xúi quẩy khác suốt hành trình cả khứ lẫn hồi , tôi cũng ngần ngại đắn đo lắm . Nhưng điều thuận lợi được mang 35 ký và quãng ngừng hợp lý giữa hai lần đổi phi cơ là lý do tôi quyết định mạo hiểm đáp xuống xứ Hồi giáo xem sao. Dù nhát như thỏ đế nhưng đôi lúc tôi lại ương bướng muốn thử lòng can đảm của mình to đến đâu vậy .
Qatar là một tiểu quốc thuộc vùng Trung Đông theo đạo Hồi , nằm giáp với Ả-Rập Saudi dân số chưa đến 2,5 triệu người , có mỏ dầu đứng hàng thứ tư trên thế giới , tự trị từ năm 1971. Quốc vương trị vì biết chăm lo đời sống cho dân, mở mang xứ sở nên mới mấy thập niên mà Qatar đã được thế giới biết đến như một nước thịnh vượng. Họ thu hút du khách qua nhiều cách , như tổ chức World Cup 2022, xây dựng trung tâm giải trí, viện bảo tàng nghệ thuật, trung tâm thương mại cao cấp, sự sạch sẽ, ... Một trong những cách quảng cáo hữu hiệu nhất là mở đường bay quốc tế , thuê các phi công tiếp viên rất lịch sự chuyên nghiệp, ân cần phục vụ chu đáo. 
A, tôi không có ý định quảng cáo không công cho họ đâu, mà thực tế có sao nói vậy. Đi một lần, hãng đã chiếm được sự tín nhiệm của tôi, với lại chỉ quanh quẩn trong phạm vi của phi trường chứ không bước ra ngoài phố nên không có gì phải lo nên từ ấy đến nay tôi luôn chọn hãng nầy chứ không thay đổi nữa.

Phi trường Zurich, tháng một .
Chẳng may lần này tôi đi đúng vào ngày có mưa lẫn bão tuyết! Mọi người đã an vị chỗ ghế của mình, các tiếp viên đã kiểm soát xem tất cả có cài dây an toàn, đóng nắp khoang hành lý trên đầu, tìm chỗ ngồi cho chính họ để phi cơ chuẩn bị khởi động… 

Ủa? Đã quá giờ rồi mà sao phi cơ không chịu lăn bánh kìa? Đầu tiên tôi tưởng chắc còn đợi hành khách đến trễ, nhưng rồi thời gian cứ lặng lẽ âm thầm trôi mà con chim sắt cứ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, thân máy bay rung nhè nhẹ bởi động cơ đang mở. Mùa đông mới hơn 4 h pm trời đã tối. Nhìn qua cửa sổ, dưới ánh đèn vàng vọt trên phi trường thấy từng sợi mưa lẫn chùm bông tuyết rơi nghiêng ngửa uốn éo bởi cuồng phong hoành hành, tôi lẩn thẩn tự hỏi: có khi nào họ huỷ chuyến, mai mới bay không? Lạy trời đừng có giống như cái năm nọ nhé. Giờ khởi hành là 17:30’, lần lượt 18h, 18:30, 19:00’, 19:10’…Trễ gần hai tiếng, mà chương trình chỉ quá cảnh ở Doha có 2h10’. Tôi vái thầm, nếu có thì xin huỷ ngay bây giờ trên đất Thuỵ Sĩ chứ đừng thả tôi xuống xứ mà tín đồ phải quỳ lạy làm lễ mỗi ngày 5 lần, mỗi lần không biết lạy bao nhiêu cái vào lúc bình minh, trưa, xế trưa, hoàng hôn, tối. Sao mà khắt khe quá!

19:15’… Cuối cùng thì chiếc phi cơ cũng từ từ dịch chuyển trễ 105’.
Thôi, chắc mẩm 100% tôi bị kẹt ở Doha rồi thánh Alla ơi . 
Nhớ lần tôi là hành khách duy nhất bị kẹt ở Moscou phải ngồi chờ từ sáng sớm tới chiều mới có chuyến bay về Thuỵ Sĩ; tưởng tượng nếu họ đưa lộn mình đi Siberie chắc tôi bị đông đặc biến thành người tuyết ngay hôm đầu tiên mất —ai có đọc chuyện nói về những tù nhân thời Sô Viết bị đi đày ở Siberie mới thấy thời tiết ác nghiệt thế nào—.Còn bây giờ lạc vào xứ Hồi giáo lỡ gặp nhóm khủng bố ISIS chắc nó chặt mình bằng gươm hay mã tấu rồi đem vứt đầu một nơi thân một nẻo, kiếp sau bị lạc không ráp lại được à. 
Ngộ thật, trong cơn bối rối hay lo lắng đầu óc tôi thường nảy sinh những ý tưởng trào phúng đen tối như vậy đấy.

Tôi quay ra bày tỏ nỗi lo bị trễ chuyến bay về Saigon của mình với một phụ nữ Đức ngồi bên cạnh bằng tiếng Anh học ở trường hơn 40 năm về trước. Thử tưởng tượng người gốc Việt Nam sống ở Thuỵ Sĩ sử dụng ngôn ngữ của Victor Hugo hằng ngày lại đối thoại bằng ngôn ngữ của Shakespeare với người Đức, mà khả năng Anh ngữ của bà chắc cũng chẳng khá hơn tôi là bao. Thế mà nhờ vừa nói vừa áp dụng động từ tu quơ (to work, người ta thì work, nhưng tôi thì quơ tay đó mà) nên người nầy cũng hiểu được người kia, bà trả lời rằng: 
— Chúng ta bị trễ chuyến chuyển tiếp rồi nhưng “du” đừng lo lắng, họ sẽ thu xếp mọi chuyện ổn thoả thôi. 
Rồi bà thản nhiên tiếp tục xem phim gì đó trên màn hình nhỏ gắn vào lưng ghế dựa ngay trước mặt. Tôi nghĩ bụng: tôi nghe bà nói chuyện với chồng bà bằng tiếng Đức thì chắc chắn bà gốc Đức, sao lại có máu phớt tỉnh Ăng-Lê được vậy nhỉ .
Thái độ điềm nhiên của bà giúp tôi lấy lại chút xíu xiu tự chủ. Tự an ủi:
—Thôi, cũng đành .

Cũng liều nhắm mắt đưa chân.
Để xem con tạo xoay vần đến đâu (Kiều, Nguyễn Du )


 Đường phố Doha, Qatar
Rồi phi cơ cũng đáp xuống phi trường Doh, chuyến bay về VN đã bay mất tiêu rồi. Nhưng vì từng kinh nghiệm một lần lỡ chuyến, với lại có nhiều người đồng cảnh ngộ nên tôi không lo sợ đến kinh hồn bạt vía nữa .
Quả như lời bà người Đức nói, trước khi bước qua đoạn check out để chuyển tiếp (transfert) đã có nhiều nhân viên nam nữ mặc đồng phục tay cầm tờ giấy khổ A4 có in tên thành phố của các quốc gia mà hành khách sẽ đến. Tôi hiểu đại khái họ nói ai sắp đi về thành phố như trên tờ giấy in tên thì lại đứng với họ để họ hướng dẫn giai đoạn tiếp theo. 
Họ giải thích là vì trễ chuyến bay tối đó nên buộc lòng chúng tôi phải ở lại Doha 24h để đi chuyến tối hôm sau . Họ sẽ sắp đặt cho xe mini car đưa chúng tôi về khách sạn ( KS ) bốn sao trong thành phố nghỉ ngơi. Họ phân phối ra vài KS khác nhau vì không đủ phòng trong cùng một KS. Bao gồm phục vụ ba bữa ăn sáng, trưa, tối, xe đưa đón đi ra, vào phi trường miễn phí toàn bộ.

Trong nhóm về Saigon chỉ có tôi và một cô gái trẻ là người gốc châu Á, còn lại là người Tây Phương hoặc Trung Đông. Tôi bắt chuyện làm quen, biết cô người Việt Nam vừa tốt nghiệp luật sư được gia đình cho sang Thuỵ Sĩ chơi thăm dì, cậu; giờ visa hết hạn nên quay về, cô nói tiếng Anh cũng khá, và khá hơn tôi nhiều.
Tôi mừng húm đề nghị cùng ở chung một phòng cho vui. Cô đồng ý. Thông thường thì tôi chỉ thích ngủ một mình một phòng, với người không quen lại càng ngại hơn. Nhưng lý do tôi đề nghị chung phòng với cô bởi tôi rất dốt chuyện đường xá phương hướng, mà chúng tôi có cả nguyên ngày mai cho đến 11 giờ đêm xe mới đến đón đưa trở lại phi trường. Tôi muốn nhân dịp mình đã ở đây thì tại sao không lợi dụng để đi thăm ngắm thành phố, cảnh vật Doha nhỉ? Nếu một mình thì chắc chắn là tôi không dám nhúc nhích rời khỏi khách sạn một bước nào đâu. Vừa sợ lạc vừa sợ mấy ông trùm khăn mặc áo dài trắng ngồi rải rác trên lề đường tụm năm tụm ba chả biết để tán gẫu hay làm gì (có âm mưu đi đặt bom khủng bố ai không nữa).

Hôm sau, khi ăn sáng được phục vụ ở KS xong, chúng tôi sửa soạn ra phố thì may thay một ông Tây trắng cùng chuyến bay bị kẹt cũng định ra ngoài thăm phố phường nên chúng tôi hợp nhau đi chung. Có lẽ nhờ trong nhóm có đàn ông nên cả ngày chúng tôi lang thang nhiều nơi mà không bị phiền phức quấy nhiễu gì cả. Thời tiết tháng một khoảng 30 độ, có tí gió từ biển thổi vào nên không nóng. Thành phố toàn xe du lịch (tức bốn bánh) nhộn nhịp, nhiều toà nhà cao tầng hiện đại, viện bảo tàng... khang trang sạch sẽ.


 Đường phố Doha, Qatar
Ngay trung tâm nhưng chả thấy người bao nhiêu, ngoại trừ thỉnh thoảng ở vài con đường có mấy ông đầu bịt khăn mặc áo dài trắng (hơi phai màu) ngồi bệt trên mặt đường nhựa không biết ngồi chơi hay làm gì. Khi chúng tôi đi ngang, họ đưa mắt nhìn theo nhưng không phản ứng nào. Chắc họ nghĩ ba người chúng tôi là một gia đình. Nếu chỉ hai phụ nữ đi riêng thì không biết có an toàn không nhỉ?

Dân bản xứ đàn ông mặc áo dài màu trắng, đầu đội khăn. Ngay hai cảnh sát trẻ cởi ngựa đi tuần ở khu chợ cũng y phục trắng tinh, đội khăn, lưng thắt dây nịt đen bên giắt gươm bên giắt súng, giầy đen bóng loáng cho ngựa đi nước kiệu trông uy nghi oai dũng như trong truyện ngàn lẽ một đêm vậy.
Còn phụ nữ bản xứ tôi gặp lác đác trong trung tâm thương mại, từ đầu đến chân phủ áo kín mít đen tuyền có người để hở khoảng đôi mắt, có người phủ hẳn luôn đôi mắt. Cho nên tôi không thể biết được đàn bà con gái xứ ấy đẹp xấu thế nào. Thật thương hại cho những bóng ma xuất hiện giữa ban ngày. Những “bóng ma” che giấu toàn bộ gương mặt nầy tôi đã gặp ở Canada, Bỉ … 
Lúc ở khách sạn có một gia đình Hồi giáo ngồi ăn bên cạnh, người vợ vẫn trùm mặt kín mít chỉ chừa đôi mắt. Tôi kín đáo quan sát thấy người vợ khi ăn hoặc uống thì khẻ vén tấm mạng qua bên, đút nhanh thức ăn hoặc ly nước vào miệng rồi buông ngay mạng xuống. Sao mà tự hành hạ bởi luật lệ khắc khe tôn giáo thế nhỉ.

Tôi nghỉ nói rồi. Tôi mà tiếp tục bàn về vấn đề nầy thì e rằng nếu họ biết đọc tiếng Việt họ sẽ lùng sục  (dù tôi có trốn bất cứ phương nào, mất bao nhiêu thời gian…) để xử tôi vì tội báng bổ   Mà tôi chỉ là kẻ vô danh tiểu tốt chứ không phải nhà văn Salman Rushdie - tác giả Những Vần Thơ Của Quỷ Satan- để được cảnh sát bảo vệ đâu à.

Tôi cũng gặp nhiều người mặc theo lối tây phương, đó là những người ngoại quốc được thuê mướn đến làm việc cho họ, và vợ con của các chuyên viên. Khách du lịch thì hiếm hoi, ngoại trừ chắc bị trễ chuyến bay nên mới đi chơi bất đắc dĩ như trường hợp chúng tôi vậy.

•Bình luận: Giống Tái Ông thất mã, ban đầu tôi nghĩ trễ chuyến bay là xui xẻo, nhưng chính nhờ trễ chuyến bay nên tôi có dịp khám phá (không mất tiền) một trong các quốc gia theo đạo Hồi,  cái đạo mà thiểu số cuồng tín nên “con sâu làm sầu nồi canh”đang gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại mà bình thường nếu có ai tặng không cho tôi vé hạng nhất để du lịch bên ấy tôi cũng xin từ chối. Càng may hơn nữa là tôi không bị đe doạ hay nguy cơ nào khi dung dăng dung dẻ cùng hai bạn đồng hành khá dễ thương gặp gỡ tình cờ trong chuyến đi .

•Kết luận: Khi ta gặp vận xui, đừng vội nản chí. Có thể từ cái xui biến chuyển thành niềm vui bất ngờ vậy.

Thanh Hà Switzerland
May, 2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét