Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Bông Hồng Cho Ngoại

Truyện ngắn của Thanh Hà Switzerland


1/-
Có hai người phụ nữ mà tôi tôn thờ yêu thương nhớ nhung nhất, đó là bà ngoại và má của tôi.
Tôn thờ, bởi sự hy sinh quên mình, tận tuỵ vô bờ cho chồng, con, cháu của hai người. Bởi không cần những hoa ngôn mỹ từ sáo rỗng mà chỉ bằng cách đối nhân xử thế, bằng hành động cử chỉ giản đơn thể hiện đức tính hiền lương cao đẹp của ngoại của má đã là cách dạy-làm-người cho chị em tôi từ khi còn nhỏ dại, là tấm gương soi chiếu dẫn dắt chị em tôi trên con đường đời thăng trầm sướng khổ một cách hữu hiệu hơn các bài học luân lý nào.

Yêu thương nhớ nhung, bởi trên cõi tạm nầy chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại hai người nữa. 
Tôi đã có dịp nói về má hồi năm vừa qua, lần này nhân Mother’s Day tôi thành kính dâng chút hương lòng viết về bà ngoại.

 Bà ngoại ra đi tròn ba mươi năm. 
Ba mươi năm, hơn một phần tư thế kỷ, gần mười một ngàn ngày. Vừa quá dài mà cũng vừa quá ngắn. Quá dài là tính theo thước đo thời gian, nhưng quá ngắn bởi hình ảnh ngoại vẫn còn sống động rõ nét trong tôi mà giòng đời xuôi ngược không thể xoá mờ đi được. Tôi vẫn còn “nghe” văng vẳng bên tai giọng nói nhẹ nhàng của ngoại . Tôi vẫn còn “thấy” từng nếp nhăn trên gương mặt ngoại , mắt mũi miệng thế nào. “Thấy” dáng lưng còng đi đứng liêu xiêu phải dựa vào cây gậy. Thấy mái tóc lơ thơ bạc trắng được má chải mỗi buổi sáng rồi búi thành búi nho nhỏ gọn gàng (lúc ngoại ngã bịnh không còn tự chăm sóc được nữa). 
Quay ngược thời gian trở về thời ông bà cố ngoại, những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chúng tôi thường nghe ngoại và má nhắc về ông bà cố với bao trìu mến thương yêu mà nhiều năm rồi tôi vẫn còn mường tượng ra được khung cảnh thanh bình của thời xưa y như trong cổ tích. 
Má kể rằng thời má còn “con nít”, xóm chỉ có khoảng hai chục gia đình toàn bà con với nhau rất đoàn kết gắn bó. Gần như tất cả sống về nghề nông, mỗi năm chỉ cần làm một mùa đã đủ gạo ăn cho mùa tới. Thời ấy chưa có nhà máy xay nên phải giã gạo bằng cối. Ban ngày ai đi đâu làm gì thì làm, nhưng tối đến là cả xóm tụ tập lại nhà ông bà cố. 
Tôi chắc rằng ông bà cố tôi là những người hiền từ nhân đức, hiếu khách cởi mở đối với họ hàng nên mọi người mới chọn nhà ông bà cố làm nơi hội họp vui chơi. Và trong nhà thì thương con cháu hết mực nên ba, bốn thế hệ gom tụ thành đại gia đình đề huề. Cách sống đó được lưu truyền cho đời con cháu chúng tôi đến tận bây giờ.
Những đêm trăng sáng mọi người bắt ghế hoặc trải chiếu ra ngoài sân người thì uống trà đàm đạo, chơi cờ tướng, kẻ lo giã gạo, trẻ con chơi trốn tìm hay nhảy nhót lò cò. Đêm không trăng thì vào nhà đốt đèn bằng mỡ heo xúm nhau nghe má đọc truyện Hai Bà Trưng Bà Triệu, truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Tam Quốc Chí,  v..v..  Thời ấy cả xóm số người biết chữ đếm không hết một bàn tay, duy má tôi là con gái cưng độc nhất của ông bà ngoại nên được đến trường. Má tuy là con gái mới suýt soát 9,10 tuổi nhưng rất lanh lợi thông minh, biết chơi cờ tướng, biết dạy chữ cho các người lớn, là thủ lãnh của bầy con nít trai gái mà theo vai vế phải kêu bằng cậu bằng dì nhưng họ bị má tôi mầy tao mi tớ tuốt luốt. Vì là con nít nên không ai la rầy gì, vài năm sau mới chững chạc gọi theo tôn ti trật tự. 
Thời ấy người ta sống bằng tình nghĩa chứ không vì vật chất tiền bạc. Mỗi mùa ruộng hay lợp nhà, cất nhà thì cả xóm xúm lại tiếp xoay vòng , hết nhà này sang nhà khác, không phải thuê mướn bao giờ. Chỉ khi nào mọi người cùng gieo, cấy, gặt trùng ngày thì mới phải thuê người Cam Bốt ở xóm trên đến phụ.

2/-
Ông bà cố có bốn người con gái, bà ngoại tôi là con thứ nhì.
Nghe người cùng thời với ngoại kể rằng lúc còn xuân xanh, ngoại là cô gái xinh xắn siêng năng khoẻ mạnh nhất nhì trong làng kể cả các làng lân cận. Thật vậy, khi tôi bắt đầu biết nhận thức, tôi thấy về mức độ tham công tiếc việc thì không ai qua nổi ngoại. Xong mùa ruộng thì ngoại xách cần câu đi câu cá dọc theo sông hay hái rau muống đem xuống chợ bỏ mối kiếm thêm tiền quà cho đám cháu. Nếu không lặn lội bên ngoài thì ngoại cặm cụi trong bếp làm bánh trái cho cả nhà thưởng thức. Nhờ theo phụ ngoại mà sau nầy tôi học được vài món bánh cổ truyền. Nhưng tài gói bánh tét hay kho cá thì đố ai qua nổi ngoại. Viết tới đây mà tôi còn “ngửi” được mùi thơm của nồi cá rô, cá lòng tong kho tiêu với tỏi hành tóp mỡ…. (ừm.. tôi đang nuốt nước miếng nè)
Nhớ có lần vào mùa lúa chín, thời ấy chưa có máy tuốt lúa; gặt xong phải bó thành từng bó lớn vừa sức người để đập cho từng hạt rơi ra trên mảnh ván nghiêng 45 độ. Ngoại thuê vài thanh niên người Cam Bốt ở xóm Sua Đũa đến phụ.
Tôi cũng tập tành ra đồng. Công việc của tôi chỉ là giũ rơm để gom những hạt lúa còn sót lại trong bó rơm mà các anh ấy quẳng ra. (Thời gian nầy chị em tôi không được tiếp tục học nữa). Không quen lao động chân tay, mà cả ngày cứ đứng lên cúi xuống nhiều lần để nhặt rơm giủ rơm quăng rơm chất thành đống khiến hai cánh tay và lưng tôi mỏi mệt đứ đừ mồ hôi tuôn chảy mặt mũi đỏ au vì nắng táp. Một thanh niên đứng đập lúa bên cạnh có lẽ đã quan sát tôi từ sáng sớm đến gần xế cầm lòng không đậu thốt lên:
—Trời ơi cô ơi, tui thấy cô không thể nào làm ruộng được, nên về đi học lại đi. Cô làm thua xa bà ngoại của cô rồi, không thể sống bằng nghề nầy vì không ai thuê mướn đâu, cô làm chậm quá chả bù với bà ngoại cô lúc trẻ!
Rồi anh ấy tiếp tục kể lể là gia đình anh làm công cho gia đình tôi đến anh là ba đời rồi nên anh biết rành lắm. Ông của anh khen bà ngoại tôi là giỏi nhất vùng, có thể vác nổi bao lúa 50 ký nhẹ nhàng không thua gì cánh thanh niên. Vừa giỏi vừa duyên dáng nên trai làng mơ ước mà không ai dám ngỏ lời vì sợ bị từ chối. A, nhờ thế nên ông ngoại tôi là người ở xứ xa mới cưới được bà ngoại tôi đây mà.
Nghe anh nhận xét bằng lời lẽ chất phát như thế khiến tôi vừa hãnh diện và thương ông bà ngoại vô biên. Đồng thời cũng vừa buồn cười lẫn chua xót cho số phận chị em chúng tôi quá. Nói thầm: Anh ơi, giá mà chúng tôi được tiếp tục đến giảng đường nhỉ.
Tôi chỉ ra đồng có một buổi mà đã mệt nhoài trong khi ngoại vất vả lam lũ mà không bao giờ nghe than thở kêu ca. Chả lẽ chị em tôi từ đây về sau phải làm nghề nông hết kiếp sao, ngay cả muốn tìm chân “ở đợ” chắc cũng không ai thuê mướn vì chậm chạp quá như lời anh người Cam Bốt ấy nhận xét.
Càng nghĩ càng thương ngoại! Mỗi mùa lúa tôi tiếp ngoại có một, hai ngày mang cơm trưa cho người đến phụ hoặc giũ rơm thế mà đã bở hơi tai trong khi ông bà ngoại quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời “ mà chả nghe ngoại than mệt gì cả. 
Vì ai mà ngoại phải làm quần quật nếu không phải vì sáu chị em tôi ? Nếu như má không phải là con gái cưng độc nhất của ngoại và vì thương con nên thương yêu cưu mang luôn đàn con của con mình .
Nếu như ba tôi đừng phải là một công chức quá đổi thanh liêm trong sạch thì với vị trí và chức vụ ba đảm nhiệm, đã dư sức bảo bọc cả đại gia đình sống đời thừa thải.
Nếu như má tôi là người vợ ham tiền ham một bước lên xe hai bước kẻ hầu người hạ thì ông bà ngoại cũng thong dong với câu kinh tiếng kệ, nhẩn nha thăm viếng bà con họ hàng.
Nếu lũ con gái chúng tôi đừng nuôi mộng học hành xa nhà tốn kém, chỉ cần có cái bằng tú tài rồi đi làm cô giáo hay tiểu công chức hay “theo chồng về dinh” lúc 17,18 tuổi thì cuộc sống ngoại đã thảnh thơi an nhàn, sung túc nữa là khác .
Con nhớ ngoại quá ngoại ơi!
Lúc còn bé những buổi trưa hay tối chúng tôi chơi trốn tìm, thích trốn trong phòng riêng của ngoại nên nhớ rõ chiếc rương bằng da tí hon đựng quần áo mới được đặt trong giường cạnh ngoại . Tôi mở ngoặc, mặc dù ông bà ngoại chỉ là nông dân nhưng nhờ chịu thương chịu khó tiết kiệm nên nhà ngoại khang trang rộng rãi so với thời ấy khá nhất làng. Chẳng lạ người trong xóm lấy nhà tôi làm tụ điểm vui chơi .
Nhà toàn bằng gỗ tốt dựng sàn nên người ta gọi ông ngoại tôi là “Ông Ba Nhà Sàn” . Bà ngoại có phòng ngủ riêng thanh lịch, dù bình thường ngoại ăn mặc giản dị, quần áo bà ba đen hoặc trắng đôi khi bạc màu .
Trong cái rương nhỏ, ngoại cất giữ vài bộ đồ bằng lãnh Mỹ A láng bóng và hai cái áo dài: một đen một trắng bằng the,tay đăng ten rất đẹp chỉ mặc khi đi xa hay trong dịp đặc biệt. Ngày xưa, người phụ nữ miền Nam dù nghèo dù vất vả cở nào, nhưng khi lễ hội hay cưới hỏi luôn luôn mặc áo dài. Nhất là những phụ nữ xứ Huế, xứ Quảng…luôn mặc quốc phục trong lúc buôn gánh bán bưng, thật đáng kính nể làm sao . 

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao….
…. Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha …
                             ( Hương Xưa, Cung Tiến )

Có năm nọ đoàn cải lương Dạ Lý Hương về Kiên Giang trình diễn. Hồi nhỏ, cải lương là loại văn nghệ ưa thích của mọi người già trẻ lớn bé.  (Chúng tôi cũng không ngoại lệ, chỉ sau này lớn lên thì chúng tôi mới quay sang thích tân nhạc). Má mua vé cho ngoại dắt mấy chị em đón xe lambretta ra rạp Châu Văn xem. Ngoại mặc áo dài the mỏng hai cánh tay bằng ren thêu, chân mang hài ,mấy chị em súng sính đồ bộ mới tinh. Chúng tôi nao nức vì lần đầu tiên được đi xem nghệ sĩ nổi danh trình diễn, hình như là cô Phượng Liên với ai ..tôi quên rồi. Cô Phượng Liên mặc áo màu trắng kiểu tiên nữ lưng thắt dãi lụa tha thướt, đầu trâm cài lược giắt, đeo đôi hoa tai lấp lánh mỗi khi cô cử động múa may nhún người. Dưới ánh đèn sân khấu trông cô đẹp như tiên giáng trần khiến tôi ngơ ngẩn rồi mơ ước sau nầy lớn lên mình cũng thướt tha xinh đẹp như hình ảnh người nghệ sĩ ấy!
Khi đi cũng như khi về, ngoại luôn luôn dang hai cánh tay nhỏ nhắn ôm chị em tôi về phía ngoại như sợ có ai đến bắt cóc đàn cháu vậy.

Lại có lần quận Kiên Thành tổ chức văn nghệ ngoài trời, người khắp tỉnh đến tham dự, ngoại cũng dẫn chị em tôi đi xem. Lúc ấy tôi còn là con nít, nhưng chị hai đã thành thiếu nữ, chị ba chớm trổ mã rồi. Mà nơi chốn đông đúc thì có biết bao “cạm bẫy “ của các ông lính, các anh học trò, các thanh niên… Tôi và các em mê mẩn xem ca nhạc hay hài kịch duy bà ngoại thì hầu như không xem chút gì cả, mà cứ đứng dang hai tay ra ôm các chị em không trọn hết vòng, mặt thì nghiêm nghị ngó chừng chung quanh. Hể có bóng nam nhi nào lảng vảng lại gần là ngoại với con mắt hình viên đạn ngó trừng đến khi họ lỉnh mất mới thôi. Mà ngoại đâu có mạnh mẻ gì cho cam, chỉ cần ai đó xô đẩy nhẹ là đủ ngoại té mất rồi. 
Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến con gà mái mẹ xù lông xù cánh bảo vệ che chở cho đàn gà con mới nở, thật cảm động làm sao.
Trong mắt của ông bà ba mẹ thì các con dù vóc dáng cao lớn thế nào,dù bao nhiêu tuổi vẫn là trẻ con cần được bảo vệ chăm sóc như hồi thơ dại mà thôi.
Ngoại tôi thật sự là hình ảnh của:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non (ca dao)

Hay:
Quê hương là bà mẹ (ngoại) già
Nghèo, quê, xấu, vụng… vẫn là mẹ (ngoại) ta
Trái tim mẹ (ngoại) vẫn bao la
Đẹp hơn tất cả bài ca trên đời
                        (Bà Mẹ Quê Hương, Hà Huyền Chi)
Tôi mạn phép tác giả sửa Mẹ thành Ngoại .

Thuở nhỏ, có thời gian ba vắng nhà, má thay ba gánh vác việc nuôi con theo bạn thử đi buôn chuyến, ngoại thay má chăm sóc chị em tôi. Đêm đêm ngoại kể chuyện cổ tích và hát đồng dao cho chúng tôi nghe. Dù chúng tôi đã thuộc lào những truyện cổ tích, những lời ru… nghe đi nghe lại lần thứ một trăm vẫn thấy thích thú như nghe lần đầu. Truyện Nàng út rẫy dưa, Tấm Cám, Bà Âu Cơ và Ông Lạc Long Quân… , rồi các bài hát:

Dưa hấu là cậu bí ngô
Bí ngô là cô đậu nành.    
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột cậu ruột dưa gang
Dưa gang họ hàng dưa hấu 
Dưa hấu là cậu bí ngô….

Cứ thế xoay vòng hát hết đêm vẫn chưa chấm dứt bài. Hoặc:

Con mèo mà trèo cây cao
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa 
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Lần nào cũng vậy, tôi chìm vào giấc ngủ theo tiếng hát của ngoại đến khi ngoại đánh thức thì đã là bình minh hôm sau để sửa soạn đến trường.

Rồi khi ba chị em tôi lên Saigon tiếp tục theo đuổi việc học, điện thoại chưa thông dụng, mỗi tuần chúng tôi mỗi viết thư về thăm nhà và ngược lại chị hai (lúc ấy ra làm công chức cùng với ba ) cũng trả lời ngần ấy. Thật xúc động biết bao khi một hôm chúng tôi nhận được thư chị hai có kèm theo thư của bà ngoại. Nét chữ cong quẹo từ bàn tay chai sạn chỉ quen với ruộng đồng bếp núc nhưng chứa đựng bao yêu thương trìu mến, dặn dò chị em tôi giử gìn sức khoẻ và chăm sóc lẫn nhau. Ngoại không viết nhiều, vì thời đó ông bà ngoại biết chữ đủ để đọc truyện mà thôi, chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng thể hiện sự nhớ nhung, tình yêu của ngoại dành cho đàn cháu khiến chị em tôi nghẹn ngào bật khóc muốn chạy ngay về nhà để ôm ngoại, để được nghe tiếng ngoại hát đồng dao ru chị em tôi như thuở bé thơ.

Ngoại tuy thể chất gầy yếu nhưng tinh thần mạnh mẻ, quật cường. Ngoại  không nói những lời văn chương hoa mỹ, lý luận cao siêu vì ngoại chỉ là một người nông dân chân chất. Ngoại không cần nghiên cứu triết lý Phật giáo nhưng khi gia đình gặp hồi nguy biến, ngoại vượt lên trên mọi thử thách, đón nhận tai ương với lòng an nhiên bình thản của một người thấu đạt cái nghĩa vô thường. 
 Ông ngoại thường thì cứng rắn mạnh mẻ, là đầu tàu ngăn gió che mưa cho đại gia đình nhưng khi chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà một cách oan ức trở thành kẻ vô gia cư thì tinh thần ông bị lay động nhiều nhất. Từ căn chòi cất tạm bợ, ông hay ngồi cạnh cửa sổ hàng giờ nhìn nhóm người quen lẫn lạ ngang nhiên hợm hĩnh ra vào tự do tung hoành trong ngôi nhà thân yêu xây dựng lên từ những chắt chiu nâng niu nửa đời son trẻ, rồi hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo khiến lòng con cháu quặn đau vì cảm được sự u uất, tuyệt vọng, bất lực của ông mà không thể làm gì thay đổi được. Khi ta trẻ thì tương lai còn trước mặt, còn cơ hội tạo dựng lại những gì vuột mất; nhưng khi tuổi đã hoàng hôn thì ý chí cũng mòn phai.
Lúc đó bà ngoại với má là người đứng ra an ủi vực ông ngoại dậy, chứng tỏ nghị lực phi thường xứng đáng hậu duệ con cháu hai bà Trưng, bà Triệu. Bà can đảm chấp nhận thảm hoạ, không hề tỏ vẻ tiếc nuối tài sản bị cướp trắng trợn, bà hay nói: Mọi sự trên đời đều không trường tồn, của cải vật chất chỉ là phù du, miễn người còn là phúc đức rồi. 
Bà ngoại đã “ngộ” câu kinh Bát Nhã: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” mà không hề đến chùa nghe Sư thuyết giảng bao giờ.

3/-
Rồi đến cái ngày bà ngoại ra đi, bỏ ông ngoại ba má chị em tôi lại trần gian. 
Lúc chuẩn bị làm lễ di quan, ông ngoại bỗng lảo đảo ngã ra suýt ngất.
Dù hiểu thấu đáo đời người gói gọn trong bốn chữ: Thành, Trụ, Hoại, Không (hay Sinh, Trụ, Dị , Diệt) nhưng khi có một người thân yêu lìa ta vĩnh viễn ai lại không u buồn sầu não? 
Bà ngoại à, nếu kiếp sau có trở lại thành người, con nguyện cầu cho con được đầu thai vào gia đình y hệt như kiếp nầy, nghĩa là được làm cháu của đúng ông bà ngoại, làm con của đúng ba má, làm chị em của đúng sáu chị em con đó ngoại ơi.

Thanh Hà Switzerland
May, 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét