Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Móc Ngoặc - Kỳ 27

Truyện ngắn của Lanh Nguyễn


Hai tuần lễ sau anh ba chủ đò đem cuốn tập đưa lại cho Long:
- Ông Hai Thiên gởi cho thầy nè.
Anh mở ra xem thì thấy trong đó ghi đầy đủ giá cả những món thuốc mà cửa hàng thuốc tây đang có.
Anh đến tìm Dữ:
- Ông cho tui xem lại cái hóa đơn mua thuốc hôm trước được không?
- Được chứ. Nhưng họ quy định giá bán ra cho dân chúng cao hơn giá mua ở huyện là 15%. Anh đã hỏi thử người ta coi họ mua lại của mình mỗi thứ giá bao nhiêu chưa?
Long đưa quyển tập cho Dữ xem cái giá mà anh Hạnh có thể mua vào:
- Ông thấy nó chênh lệch chứ? Phần đó tui và ông chia đôi. Lấy thuốc xong tui giao tiền cho ông liền. Trên đường đem đi bán nếu bị công an kinh tế bắt đống thuế hay tịch thu tôi chịu một mình, không dính dáng gì tới ông hết. Đồng ý không?
- Đồng ý cái rụp, nhưng mà mình làm thử ít ít, từ từ coi ra sao đã...
Long cười cười:
- Thì phải vậy rồi. Ăn uống cái gì cũng từ từ chứ chộp rộp mắc nghẹn thấy bà cố...

Lần đầu tiên đi bán thuốc Long chở theo cô Hoa, hai người  mang cái ba-lô và cái túi xách tay đầy thuốc tây đem lên giao cho Hạnh. 
Khúc sông từ Thứ 11 lên Thứ Ba không có trạm kiểm soát kinh tế nào trên bờ sáng cả, mà họ chỉ đặt các trạm kiểm lâm ở phía trong mỗi đầu kinh thôi cho nên rất an toàn. Nhưng từ Thứ Ba về Sài Gòn thì thiên nan vạn khổ. 
Nếu anh Hạnh không là anh rể của cô Hoa thì chắc Long không bận tâm tới chuyện làm sao anh ta mang thuốc về Sài Gòn được. Chỉ cần giao thuốc rồi lấy tiền tại chỗ là xong phần mình.
Nhưng vì là chỗ quen biết, vì buổi nhậu hôm trước cũng vì vợ chồng anh xin trả trước phân nửa còn phân nửa sau thì khi trở xuống mới thanh toán, cho nên Long mới nghĩ cách để anh mang thuốc về Sài Gòn an toàn...
Long đề nghị hai người nên cùng đi với nhau. Anh đưa cho mỗi người một tờ giấy nghỉ phép của trường (lúc đó chưa làm giấy chứng minh nhân dân) nên đi đường hay ở địa phương chỉ cần giấy xác nhận hay giấy phép của cơ quan mình đang công tác là được rồi. Nói rõ hơn giấy nào cũng được hể có cái mộc đỏ đỏ là được rồi. Nếu gặp công an xét bất tử thì chìa nó ra nói là  giấy đi phép về thăm gia đình rồi cầm túi đồ lên nói với nó mình chỉ có mang quần áo cá nhân trong túi xách hay trong cái ba-lô đó mà thôi, có khi nó còn không cần đụng tới chứ đừng nói chi nhóng thử xem nặng nhẹ ra sao. 
Thật ra lúc đó tụi quản lý thị trường và công an kinh tế chưa xét gắt gao cho lắm, chúng chỉ kiểm soát các mặt hàng thiết yếu với số lượng nhiều mà thôi , nhưng để chắc ăn Long và cô Hoa đưa hai người qua khỏi trạm xẻo rô tới Tắc Cậu mới trở về.
Thiết lập được cái đường dây tiêu thụ thuốc Tây tuy không hốt nhiều tiền, lại còn phải chia tam xẻ tứ nhưng có tiền xài thoải mái không phải móc tiền dấu trong ngăn bí mật của cái ba-lô ra là Long khoái rồi. Còn cô Hoa khoái tỉ tê cười híp mắt mỗi khi được rủ về Thứ Ba.
Làm được vài chuyến trót lọt thì gần đến ngày bãi trường.
Trước khi đống cửa các trường học 3 tháng. Long đến từng nơi gởi gấm cơ sở vật chất cho các tổ đảng và phụ huynh học sinh. Hẹn với họ 3 tháng sau sẽ trở lại khai giảng tiếp tục cho năm học mới.
Hôm từ giã anh Ba Rắn Hổ trong Kinh 15 cũng làm một trận long trời lở đất. Ba Rắn Hổ cũng thích anh lắm nên khi về anh ta dúi cho Long một lít mật ong làm quà...

Năm học đầu tiên thời CS không làm tổng kết. Mà ở An Biên dù có muốn làm cũng đâu có gì để mà làm. Mỗi điểm trường có ngày khai giảng khác nhau, dạy khác nhau, học khác nhau thì có gì để mà tổng kết. Nó đâu có khai giảng đồng loạt như ngoài thị xã hay trục lộ giao thông. 
Cho nên tới ngày bãi trường là thầy cô giáo được phép về nhà.
Ngày xưa có 3 tháng hè. Thời CS học sinh cũng còn nghỉ hè 3 tháng nhưng GV thì không. Họ chỉ được về nhà 1 tháng rưởi mà thôi. Một tháng kia phải đi học khóa bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ chuyên môn. 
Lại còn phải xuống trường trước nửa tháng để chuẩn bị sửa chữa cơ sở vật chất, sẵn sàng khai giảng năm học mới...
Còn hiệu trưởng ở An Biên có người chỉ được nghỉ nửa tháng mà thôi họ phải theo cán bộ phòng ra ty GD học trước 1 tháng ở đó, rồi mới về huyện hướng dẫn điều khiển họp tổ.
An Biên lúc đó có 8 xã và thị trấn Thứ Ba nhưng được phân ra 11 trường cấp 1 và 1 trường cấp 2. Út Nhứt dự trù chia ra 12 tổ để hướng dẫn thảo luận trong khóa học, nên phải đưa ra ty 12 người để học trước. Cán bộ phòng có 6 người gồm Út Nhứt, Mạnh, Tường và 3 cán bộ ngoài Bắc mới đưa vào được gọi là "cán bô A chi viện". Còn thiếu 6 mạng Út Nhứt kéo đầu 6 thằng hiệu trưởng đi theo cho đủ số. Xui xẻo Long, Đáng, Bảy Bữu 3 thằng đều bị dính chấu...
Không có cái gì đau khổ hơn bằng chuyện đi học chánh trị trong lúc các đồng nghiệp khác ở nhà rong chơi nghỉ hè trốn nắng. Năm 75 học chánh trị không cần phải nhớ. Cứ kéo rộng lổ tai bên nầy cho nó chun vô rồi banh cái lổ tai bên kia cho nó bay ra. Buồn ngủ thì lấy dầu nhị thiên đường trét vô mắt. Coi vậy mà hổng sao. Lần nầy thì đúng là chết một cửa tứ.
Sáu cán bộ phòng của An Biên thì Út Nhứt ghi chép không được nên ông ta chỉ chịu trách nhiệm một bài học mà y đã thuộc lòng hồi lúc còn trong bưng đó là "3 dòng thác cách mạng". Mà chánh trị phải học cả chục bài do bên tỉnh ủy giảng. Tuy là bài học có in ra trên giấy để phát cho học viên nhưng học để nhớ nếu không nhớ cũng chả sao đàng nầy học để về huyện giảng lại thì bắt buộc phải nhớ bài thì giảng lại mới được cho nên Út Nhứt cần có người thế mạng, học dùm, giảng dùm. 
"Ba anh A chi Viện" từ Bắc mới vào nói trọ trẹ nghe không nổi chẳng giống Tư Thọ chút nào mà hơn 300 GV An Biên lúc đó đa số là người Nam nên Út Nhứt sợ họ nghe không được vì chính ông ta khi nói chuyện với 3 người kia còn trở ngại huống hồ là anh em GV. Vì vậy mà ông ta cũng kéo đầu 3 thằng thầy giáo Ngụy vô thế mạng để tiếp hai đứa Ngụy ở phòng đang học về chuyên môn lẫn cả chính trị...
Bỏ trường bỏ lớp đã lâu ngày, học lại là chán ngáy rồi, đằng nầy lại bắt học những cái mình không muốn biết, hướng dẫn những thứ mình ghét cay ghét đắng thì đúng là khổ nạn.
Độc hại hơn nữa là phải giảng những điều trái ngược với lòng, phải vo tròn bóp méo những cái mà mình được học hỏi lúc còn thơ... 
Những điều đó cũng là một trong nhiều lý do khiến Long bỏ nước trốn đi sau nầy...
Những học viên ở những huyện khác ở trọ nơi nào không rõ. Nhưng 12 học viên ở An Biên thì Út Nhứt ngủ bên tỉnh ủy, Long, Mạnh, Bảy Bữu, Đáng, Tường thay phiên ngủ ở nhà Long. Còn 3 cán bộ A chi viện và 3 người hiệu trưởng kia thì ngủ ở trên mấy cái bàn học sinh trong trường Nam hay Nữ tiểu học kế bên ty GD...
Tất cả được ăn uống tự túc và được bồi hoàn chi phí học tập $30 tức là $1 cho mỗi ngày với số tiền đó thì chỉ đủ ăn sáng mà thôi còn ăn trưa hay tối chắc phải xuất tiền túi nếu không muốn treo mỏ nhịn đói.
Các học viên trong khóa đó được ty GD Kiên Giang chia ra từng tổ mỗi huyện 1 tổ. Sau mỗi bài giảng thì đều có thảo luận tổ, họ được hướng dẫn bởi 1 cán bộ ty làm tổ trưởng. Nội dung buổi thảo luận được thư ký tổ ghi lại kể cả tên người phát biểu và người đó đã nói những gì...
Hay nói một cách khác học viên chỉ dám phát biểu theo ý mà giảng viên đã đọc, đã nói trong hội trường, phát biểu bậy bạ, linh tinh ngoài những gì người ta dạy thì coi chừng có chuyện lớn vì tên mình và nội dung mình nói đều nằm trong biên bản buổi thảo luận tổ...
Đó là hình thức thật sự của cái gọi là tự do có giới hạn, tự do thảo luận trong phạm vi nội dung bài học... 
Học được hơn nửa khóa thì một buổi chiều vừa tan học Long chạy xe ra khỏi cổng Bảy Bữu ngồi phía sau đấm nhẹ vô lưng anh nói nhỏ:
- Ai như con Hoa trường mầy đang đứng bên kia đường với con nhỏ nào kìa.
Long đảo xe qua phía bên kia đường. Đúng là 2 cô giáo của trường mình đang đứng bên chiếc Dame chờ ai không biết anh dừng xe lại hỏi:
- Hai cô chờ ai trong nầy vậy?
Cô Nga cười cười trả lời:
- Con Hoa nó nhớ anh nên kêu tui chở nó lại đây tìm anh chớ có chờ ai đâu mà anh hỏi lạ lùng.
Cô Hoa mắc cở đỏ mặt đánh nhẹ vào vai bạn mình la nhỏ:
- Đồ quỷ! Nói bậy không hà. Nói dzậy ảnh tưởng thiệt rồi sao? 
Quay qua Long cô nói:
- Em có chuyện cần bàn riêng với anh một chút được hông?
Long quay ra phía sau nói nhỏ với 2 đứa bạn.
- Hai đứa bây vô quán cà phê ngồi với cô giáo kia một chút được không? Tao phải coi cô Hoa muốn nói chuyện gì mới được.
Thằng Đáng cười:
- Chắc cô ta muốn rủ mầy xung phong đi vượt biên chứ gì. Hai đứa bây làm gương cho anh em trước đi.
- Nói bậy bạ không hà coi chừng cô ta cự bây giờ...
Long để Bảy Bữu và Đáng ngồi lại uống cà phê trong cái quán gần cầu đúc còn mình thì đèo cô Hoa xuống mé biển ngắm cảnh hoàng hôn...
- Có chuyện gì mà cô lên đây tìm tôi dzậy?
- Hôm trước anh Hạnh, chị Hương nhờ em đi lấy thuốc tây đem về Sài Gòn bán, trên đó hết thuốc rồi. Thuốc thì đem về rồi mà không có giấy đi đường, anh có đem cái mộc của trường về nhà không? Ký cho ảnh chỉ cái giấy về phép đi.
- Giấy phép đánh sẵn để ở nhà, cô muốn lấy bây giờ thì theo tôi, nhà tôi cách đây chừng 19, 20 cây số đi về chắc phải hơn tiếng đồng hồ. Còn không thì ngày mai đi học tôi đem ra cho cô.
- Để em tính lại với con Nga cái đã. Mà nè! Hôm trước anh có lít mật ong nguyên chất của người ta tặng đó, còn hông dzị? Nếu còn thì chia lại cho em đi. Tính bao nhiêu cũng được mua làm thuốc mà...
Long cười lớn:
- Cô làm như tôi là kẹo kéo hổng bằng, của người ta cho, có người cần làm thuốc thì tôi để lại chứ bán coi sao được nhưng còn lại bao nhiêu trong cái chai thì tôi không rành phải về nhà xem thử mới rõ. Hôm trước ông già tôi sớt cho chú Út kế nhà hết một mớ rồi. Cô cần thì tôi đem ra cho xài đỡ khi nào về Đông Hưng tôi vô Kinh 15 mua dùm cho...

Khóa học kết thúc. Các hiệu trưởng bị đày được nghỉ 2 tuần lễ là phải trở lại An Biên liền để cùng phòng giáo dục tổ chức cho các GV nơi đó học tập trước khi khai giảng niên học mới. 
Chợ Thứ Ba hơi nhỏ, quán ăn cũng không nhiều. Đùng một cái quy tụ về gần 400 con người bá vơ không chỗ ở cũng chả có chổ ăn nhất định. Phòng GD không như ở trường họ chẳng có lo lắng xem coi tốp GV đó làm thể nào mà có thể ở để học được. Út Nhứt chỉ buông nhẹ một câu:
- Ăn ở tự túc, mạnh ai nấy lo thân mình.
Nhưng mà nghĩ cũng ngộ. 
Lo cho lắm tắm hổng quần thay
Hổng cần lo cái thay cái đổi.
Trường Đông Hưng hơn 30 chục mạng đều có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng Long cũng chẳng có tốn một chút hơi sức nào để đi tìm nhà mà gởi như lúc ở trường. Các GV đều có bạn bè dây mơ rể má chằng chịt với nhau. 
Người nầy ở ké bạn người kia, ở càng đông càng vui. Các GV thuộc gốc Bắc Kỳ Công Giáo cũng không bị trở ngại. Nhà cô Hoa và cô Định mỗi nhà chứa ít nhất 6 cô, họ cười nói rân trời dậy đất.
Hai anh GV gốc Khơ-Me là được ưu đải nhất bên xóm chùa kế nhà cô Hoa người Miên khá đông hai người đó cũng kéo theo không ít các anh người Bắc...
Tổ của trường Đông Hưng do Long hướng dẫn để thảo luận. Anh phân công mỗi kỳ thảo luận bài học có một người "bị làm thư ký" và luân phiên với nhau, người đó có bổn phận tự biên tự diễn các lời phái biểu, nếu cần bổ sung vài điều gì nữa cho phù hợp với bài học thì tự Long sẽ viết thêm vô biên bản rồi đọc lại cho cả tổ nghe, ngoài ra ai muốn nói chuyện gì cứ nói nhỏ nhỏ anh ngồi phía ngoài cửa canh hờ cán bộ phòng...
Đọc biên bản họp tổ để đánh giá việc học của các GV Út Nhứt đánh giá tổ của Long là khá nhất có rất nhiều ý kiến nhất nên không cần để ý tới nữa, lâu lâu ông ta còn nhờ Long thế y để hướng dẫn tổ Đông Yên A.
Gặp lại một số thầy cô giáo cũ Long hỏi thăm thì được biết:
Nghiệp về quê ăn Tết rồi ở nhà luôn, không hề trở lại. Nhân lên thế chỗ cũng chưa được bao lâu thì lại bỏ nghề chuyển qua làm việc cho chánh quyền xã. Cô Hương làm đám cưới với Tòng rồi cũng chuyển ngành theo chồng về Thứ Ba nhưng chưa có ai biết 2 vợ chồng đang làm ở cơ quan nào. 
Cô Thắm thì bỏ nghề về nhà đi mua lúa lậu xay gạo bán...
Trường Đông Yên A bây giờ giao cho một tay giáo viên cũng là SPVL nhưng mới học có 1 năm là đã ra trường sớm rồi. Hai anh chàng GV gốc Bắc 54 đạo Công Giáo than với Long:
- Anh hiệu trưởng nhà em khó quá từ ngày vô thế anh Nhân đến nay bốn tháng rồi mà không cho đứa nào về phép hết.
Cô Phương thì cằn nhằn:
- Cái thằng cha mặt gà mái, hổng biết thằng chả lấy hết phần nhu yếu phẩm bên ủy ban xã của tụi em hay là bên đó họ không bán nữa mà thằng chả sợ hổng dám đòi. Lại còn xén bớt đồ của tụi em mỗi người một ít để bù vào chỗ hao hụt. 
Em thắc mắc hổng biết làm sao mà đồ lại hao hụt cho được. Đầu năm tới em muốn xin đổi trường. Hay là tụi em xuống trường anh nghen. Hồi trước có anh ở chung vui ghê...
Hai anh em nhà họ Phạm cũng nói theo:
- Hai cô đi thì tụi tui cũng xin đi theo luôn về Đông Hưng chơi, ở đó chỉ xa hơn chỗ cũ có 3 giờ đi đò thôi chớ mấy, dù gì cũng về nhà có 1 ngày là tới rồi đâu có khác biệt gì nhau nhiều ...
Khóa học rồi cũng kết thúc vui vẻ, mọi người ai về nhiệm sở nấy để chuẩn bị cho một năm học mới...

(Xin mời xem móc ngoặc kỳ 28)

Lanh Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét